TRUMP – NÓI VÀ LÀM

0
13

(Phần 2/2)

Nguyễn Quốc Khải

18-04-2024

* MỌI NGƯỜI SẼ CÓ BẢO HIỂM SỨC KHỎE

Đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện trong nhiều năm đã cố gắng cắt bỏ các khoản trợ cấp giúp những người đăng ký Obamacare có thu nhập thấp với các khoản đồng thanh toán (co-pays), đồng bảo hiểm (co-insurance) và các khoản khấu trừ (deductibles) đi kèm với các chương trình sức khỏe của họ. 

Donald Trump ngay từ khi mới nhậm chức đã thề sẽ hủy bỏ Đạo Luật Chăm Sóc Giá Cả Phải Chăng (Affordable Care Act – ACA) gọi tắt là Obamacare – và thậm chí còn đưa luật ra tòa khi ông thất bại tại Quốc Hội. Ông ta đề xuất thay thế Obamacare bằng chương trình “Cải Cách Chăm Sóc Sức Khỏe Để Làm Cho Nước Mỹ Vĩ Đại Trở Lại” (Healthcare Reform to Make America Great Again – Trumpcare.) Những cải cách được đề xuất bao gồm việc cho phép các cá nhân khấu trừ toàn bộ số tiền phí bảo hiểm cho các chương trình sức khỏe cá nhân từ tờ khai thuế liên bang của họ, cung cấp các khoản tài trợ theo khối để tài trợ cho tiểu bang các chương trình Medicaid và cho phép các công ty bảo hiểm bán bảo hiểm trên toàn tiểu bang. 

Trump khoe khoang rằng “Kế hoạch của ông ấy sẽ vượt trội hơn nhiều so với Obamacare. Trumpcare sẽ rẻ hơn, tốt hơn và cung cấp ‘bảo hiểm cho mọi người’. Obamacare ‘là một trong những mối đe dọa lớn nhất mà đất nước chúng ta phải đối mặt’. Obamacare là không bền vững và sẽ khiến người Mỹ rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán hoàn toàn.”

Trên thực tế, chính quyền Trump đã không thành công trong việc thực hiện chương trình y tế Trumpcare vì bị chống đối. Những lời hứa mà Trump đã đưa ra, cả về việc cắt giảm chi phí và cải tiến dịch vụ y tế, là điều vô nghĩa đối với nhiều người Mỹ. Thậm chí còn hơn thế. Một báo cáo của Văn Phòng Ngân Sách Quốc Hội (Congressional Budget Office) ước tính rằng dự luật sẽ cắt $880 tỷ từ Medicaid trong 10 năm và cuối cùng sẽ khiến 53 triệu người Mỹ mất bảo hiểm y tế, trong đó vào năm đầu tiên là 14 triệu.

Tổn thất về số người mất bảo hiểm ảnh hưởng không tương xứng đến những người có thu nhập thấp và những người có sức khỏe kém. Những người đăng ký có bảo hiểm thị trường cá nhân sẽ phải đối mặt với chi phí tự chi trả cao hơn so với luật hiện hành. Vì những cải cách được đề xuất không thay thế các cơ chế tài chính của ACA nên chúng sẽ làm tăng ngân sách thiêu hụt liên bang từ $0.5 tỷ lên $41 tỷ.

Một cuộc thăm dò toàn quốc cho thấy chỉ có 17% người Mỹ ủng hộ dự luật của Trump, với 56% phản đối và 26% chưa quyết định. Ngay cả trong số những người theo Đảng Cộng Hòa, tỷ lệ ủng hộ vẫn đứng đầu ở mức 24%.

* MẠNG LƯỚI AN TOÀN THỰC PHẨM

Trump không những tấn công Obamacare, mà nói chung là ông nhắm hầu hết các chương trình an sinh xã hội. 

Dưới thời Trump, Bộ Nông Nghiệp đã thu hẹp một cách quy mô Chương trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung (Supplemental Nutrition Assistance Program – SNAP) trị giá $60 tỷ, chương trình hỗ trợ thực phẩm cho những người Mỹ có thu nhập thấp trước đây được gọi là phiếu thực phẩm (food stamps). Chính quyền cho biết họ muốn cắt giảm lãng phí và tiết kiệm tiền trong chương trình.

Vào năm 2018, Bộ Nông nghiệp đã đưa ra một quy tắc mới nhằm thực thi nghiêm ngặt hơn một số nhiệm vụ công việc nhất định trong chương trình, khiến các tiểu bang gặp khó khăn hơn trong việc xin miễn các điều kiện phải đi làm đối với những người trưởng thành khỏe mạnh không chăm sóc trẻ em hoặc những người người phụ thuộc khác.

Kết quả là khoảng 755,000 người Mỹ đã mất trợ giúp lương thực theo SNAP, theo ước tính của chính USDA.

* ĐIỀU KIỆN LÀM THÊM GIỜ

Dưới thời Trump, chính phủ liên bang đã đưa ra một loạt quy tắc và quyết định có lợi cho giới chủ nhân ông, tức là những người sử dụng lao động. Một trong những điều quan trọng nhất là Bộ Lao Động của ông đã sửa đổi quy định làm thêm giờ yếu hơn đáng kể so với quy định được ban hành dưới thời Obama, khiến hàng triệu công nhân không đủ điều kiện.

Vào năm 2016, Bộ Lao động của Obama đã hoàn thiện một quy định nâng mức lương để đủ điều kiện làm thêm giờ từ $24,000 lên $47,000 một năm, và ba năm tăng mức lương một lần. Vào thời điểm đó, chỉ có khoảng 6% công nhân đủ điều kiện. Nhưng Nhà Trắng của Trump đã từ chối bảo vệ quy tắc này trước tòa và vào năm 2019, họ đã đề xuất quy tắc mới, lỏng lẻo hơn nhiều, chỉ nâng ngưỡng lên khoảng $35,000 mà không ấn định lịch trình tăng mức lương.

Khoảng 8 triệu công nhân được trả lương làm thêm giờ dưới thời Obama, nay không đủ điều kiện với luật của Trump. Một số ước tính cho rằng số tiền lương bị mất vào khoảng $1 tỷ hàng năm.

* LÀM NƯỚC MỸ VĨ ĐẠI TRỞ LẠI

“Make America Great Again” là khẩu hiệu tranh cử của Donald Trump từ 2016, 2020, và 2024. Câu hỏi đặt ra là trong tám năm qua Trump đã làm những gì cho nước Mỹ vĩ đại?

Về phương diện kinh tế, tôi đã phân tách hai nền kinh tế dưới thời Trump và Biden trong bài “Kinh tế phát triển vững chắc dưới chính quyền Biden” phổ biến trên trang Facebook của tôi, trên mạng Diễn Đàn Thế Kỷ và Hoa Thịnh Đốn Việt Báo. Trump không đạt được thành quả nào đáng kể mà ngược lại còn gây ra những hậu quả đáng trê trách bắt nguồn từ chiến tranh thương mại với Trung Quốc, ngân sách quốc gia thiếu hụt, nợ công tăng lên mức kỷ lục.  

Khi còn là ứng cử viên, Trump cam kết thu hẹp thâm hụt thương mại của Mỹ, đặc biệt là với Trung Quốc. Mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ nhưng Trump vẫn chưa hoàn toàn thành công. Năm 2019, thâm hụt thương mại hàng hóa với Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2014. Thâm hụt thương mại với thế giới của Mỹ cũng giảm trong năm 2019, nhưng vẫn cao hơn thời điểm Trump nhậm chức. Khoảng cách càng trở nên trầm trọng hơn do đại dịch, với thâm hụt thương mại tăng gần như hàng tháng trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 8 năm 2020. Vào tháng 11 năm 2020, thâm hụt thương mại đạt mức cao nhất kể từ năm 2006.

Số việc làm trong ngành sản xuất công nghệ đã tăng lên trong ba năm đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của Trump, nhưng cuối cùng lại giảm đáng kể vào cuối nhiệm kỳ tổng thống của ông, khiến tình trạng ngành sản xuất của Mỹ không khá hơn so với khi ông nhậm chức. Từ tháng 1, 2017 đến cuối năm 2020, số việc làm trong lĩnh vực sản xuất đã giảm. Mặc dù một số mức giảm có thể là do đại dịch, nhưng lĩnh vực sản xuất của Mỹ đã suy thoái trước đó. 

Donald Trump đã chia rẽ nước Mỹ. Nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump đã tạo ra một bầu không khí chính trị chia rẽ sâu sắc, đặt các cộng đồng bị thiệt thòi vào tình thế nguy hiểm. Một nước Mỹ chia rẽ nhất từ sau cuộc nội chiến 1861-1865 không thể làm cho nước Mỹ vĩ đại. 

Mặc dù sự chia rẽ chính trị không phải là hiếm trước năm 2016, nhưng mức độ nó gia tăng hoàn toàn trái ngược với văn hóa tranh cử sau đó. Theo một báo cáo mới của FBI, tỷ lệ tội phạm căm thù đã tăng lên. Có hầu hết những tội ác căm thù này đều được thúc đẩy bởi chủng tộc, sắc tộc hoặc tổ tiên.

Thành công của Trump trong các cuộc thăm dò năm 2016 được cho là nhờ tự xưng “đa số thầm lặng”, gồm tầng lớp trung lưu hoặc người da trắng ở nông thôn. Ông cũng tự hào về lập trường cứng dắn chống nhập cư và những câu nói nổi tiếng như “xây bức tường”, ám chỉ bức tường biên giới. giữa Hoa Kỳ và Mexico, điều này cho thấy ông không ưa người nhập cư. 

Ngay cả sau nhiệm kỳ tổng thống của mình, Trump vẫn tìm ra cách gây chia rẽ hơn nữa. Ngày 6 /1 là một sự thể hiện rõ ràng về tình trạng hỗn loạn dồn nén của đất nước và sự ghẻ lạnh của con người với nhau. Trong chiến dịch tranh cử 2024 để lôi cuốn sự ủng hộ của người Mỹ trắng bảo thủ, Trump đã công khai lập lại lời kết án những di dân khi ông tuyên bố trước công chúng rằng “Immigrants are poisening the blood of our country.” 

Theo một cuộc thăm dò dư luận của CBS, 47% người lớn đồng ý với lập luận của Trump so với 81% những người Cộng Hòa, 46% cử tri độc lập, và 23% cử tri Dân Chủ.

Trump không những chia rẽ nước Mỹ về mầu da mà còn về cả tôn giáo. Theo chủ nghĩa Dân Tộc Kitô Giáo Da Trắng (White Christian Nationalism) ông công khai đề cao Kito Giáo với số giáo dân bao gồm Tin Lành (Protestantism), Công Giáo (Catholicism), và Thiên Chúa Giáo (non-specific Christians) chiếm 68% dân số Hoa Kỳ. Đây chính là căn cứ địa của Trump.  

Các nhà nghiên cứu về thăm dò dư luận lưu ý rằng những người ủng hộ Chủ Nghĩa Dân Tộc Kitô Giáo Da Trắng có xu hướng chống người da đen, chống người nhập cư, chống Do Thái, và quan điểm gia trưởng. Khoảng tám trong số mười người theo đạo Thiên Chúa ủng hộ chủ nghĩa dân tộc – nhưng chỉ có một phần ba người Mỹ nói chung – đồng ý rằng “những người nhập cư đang xâm chiếm đất nước chúng ta và thay thế chúng ta nền tảng văn hóa và dân tộc.”

Trong phần lớn lịch sử Hoa Kỳ, những người theo đạo Cơ Đốc da trắng đại diện cho đa số dân số. Gần đây nhất là năm 1991, họ vẫn chiếm khoảng 3/4 tổng số người trưởng thành, theo kết quả trong khảo sát xã hội chung hàng năm của Trung Tâm Nghiên Cứu Ý Kiến Quốc Gia (National Opinion Research Center). Nhưng khi nước Mỹ ngày càng đa dạng về chủng tộc và tôn giáo, những người theo đạo Cơ Đốc da trắng đã trở thành thiểu số lần đầu tiên vào khoảng giữa năm 2010 và 2012. Theo dữ liệu mới nhất của Pew (kết hợp gần 170,000 cuộc phỏng vấn khảo sát từ năm 2018 và 2019), những người theo Đạo Cơ Đốc da trắng chỉ chiếm 41% dân số trưởng thành.

Với tư cách cá nhân, ông là một nỗi xấu hổ cho nước Mỹ. Cả thế giới và công chúng Mỹ hàng ngày theo rõi những vụ án dân sự và hình sự nghiêm trọng đang diễn ra tại Hoa Kỳ đối với một cựu tổng thống. Ông Trump liên lụy đến nhiều vụ án từ lừa bịp kinh doanh, trốn thuế, xách nhiễu tình dục, tiền bịt miệng, ăn cắp hồ sơ mật quốc gia, âm mưu đảo ngược kết quả bầu cử ở Georgia, cho đến cuộc bạo loạn 6/1.  Ông đã bị truy tố với nhiều tội danh và đang qua giai đoạn xử án. Đây là những vết nhơ Trump làm tổn hại đến danh dự của nước Mỹ phản lại khẩu hiệu tranh cử “Make America Great Again.” 

Vào tháng 2, 2024, Trump bị xếp vào hạng chót trong danh sách ai là tổng thống vĩ đại nhất của nước Mỹ theo kết quả của cuộc thăm dò ý kiến của các nhà sử học nằm trong dự án “2024 Presidential Greatness Project” được thực hiện bởi Houston University. Các sử gia là thành viên của American Political Science Association. 

Abraham Lincoln, Franklin D. Roosevelt, George Washington, Theodore Roosevelt, Thomas Jefferson, Harry Truman và Barack Obama đứng đầu danh sách. ông Biden là tổng thống giỏi thứ 14 trong lịch sử Hoa Kỳ, trên cả Woodrow Wilson, Ronald Reagan và Ulysses S. Grant, bỏ xa Donald Trump. 

Trump bị đánh giá thấp nhất bởi 154 học giả Hoa Kỳ cả Cộng Hòa lẫn Dân Chủ. Điều này chứng tỏ rằng ông không có khả năng thực hiện điều ông ước mong là làm cho nước Mỹ vĩ đại mà còn tạo hậu quả ngược lại. 

THAM KHẢO

(1) Ronald Brownstein, “How religion widens the partisan divide,” CNN, October 22, 2019.

(2) Roger Collier, “Why Trumpcare failed?” National Institute of Health, May 1, 2017.

(3) Franklin Foer, “Corruption unbound,” The Atlantic, December 5, 2023.

(4) Bridget Frame, “Donald Trump has divided America,” Daily Gamecock, April 16, 2024.

(5) Galen Hendricks, Seth Hanlon, Michael Madowitz, “Trump’s Corporate Tax Cut Is Not Trickling Down,” Center for American Progress, September 26, 2019. 

(6) Jeffrey Kucik, “How Trump fueled economic inequality in America,” The Hill, January 21, 2021.

(7) Chuck Marr, Samantha Jacoby, And George Fenton, “The 2017 Trump tax law was skewed to the rich, expensive, and failed to deliver on its promises,” Center on Budget and Policy Priority, March 5, 2024.

 Jamie Raskin, “White House for sale: How princes, prime ministers, and premiers paid off President Trump,” US House of Representatives staff report, January 4, 2024. 

(9) Jennifer Rubin, “The question of Trump’s corruption should be front and center,” Washington Post, January 9, 2024.

(10) Politico staff, “30 things Donald Trump did as president you might have missed,” Politico, January 18, 2021.

(11) Reuters  staff, “Who pays Trump’s tariffs, China or U.S. customers and companies?” Reuters, June 18, 2019.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here