Trục trặc khâu phiên dịch: Thách thức của Đức trong việc huấn luyện binh sĩ Ukraine

0
43
1: Binh sĩ Ukraine huấn luyện ở Klietz, Đức.
   

Cù Tuấn

– Cù Tuấn biên dịch phóng sự của Financial Times.

Tóm tắt: Xe tăng cũ, tân binh già nua và thiếu thông dịch viên có trình độ đã làm phức tạp thêm nỗ lực đào tạo quân Ukraine của Berlin

Dạy những người lính thiếu kinh nghiệm cách vận hành xe tăng trên tiền tuyến chỉ trong sáu tuần chưa bao giờ là điều dễ dàng.

Nhưng khi các sĩ quan Đức, Hà Lan và Đan Mạch tập trung tại một vùng đất xanh tươi của vùng nông thôn Bắc Đức để huấn luyện những người lính Ukraine, họ không ngờ rằng tình trạng thiếu thông dịch viên có năng lực sẽ là vấn đề hàng đầu.

Martin Bonn, thiếu tướng người Hà Lan, phó trưởng phái đoàn đào tạo đa quốc gia của EU được triển khai vào tháng 11 năm ngoái nhằm giáo dục người Ukraine về một loạt vũ khí và chiến thuật, cho biết: “Thông dịch viên là thách thức số một”. Kiev và các thủ đô của các nước phương Tây đang cung cấp phiên dịch viên, những người thường gặp khó khăn với các từ vựng cần thiết.

2: Binh sĩ Ukraine chuẩn bị lau nòng súng của xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 1 A5. Xe tăng này của Đức là phiên bản cũ hơn và kém phức tạp hơn của Leopard 2.

Đến cuối năm nay, 10.000 binh sĩ Ukraine sẽ được huấn luyện ở Đức, một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của phương Tây nhằm trang bị cho các lực lượng vũ trang Ukraine xe tăng, hệ thống pháo binh và phòng không. Trong đó, 63.000 tân binh được Kyiv phái đến tham gia các trại huấn luyện ở Châu Âu và Mỹ.

“Thách thức lớn là việc dịch các từ được sử dụng trong bối cảnh quân sự hoặc kỹ thuật… Những từ mà không ai sử dụng trong cuộc sống hàng ngày”, Bonn nói sau khi binh sĩ Ukraine tham gia cuộc tập trận bắn xe tăng tại căn cứ quân sự gần Klietz ở đông bắc nước Đức.

Các huấn luyện viên châu Âu hết lời ca ngợi “động lực to lớn” của các tân binh, bất chấp căng thẳng của cuộc chiến tàn khốc mà họ đang phải chiến đấu cũng như những nguy hiểm hàng ngày đối với bạn bè và gia đình ở quê nhà.

Nhưng họ cũng nói rằng độ tuổi và khả năng của những người lính mà họ gửi đến rất khác nhau, vì các chỉ huy Ukraine ở tiền tuyến thường không muốn để những người giỏi nhất của họ rời đi. Một người lính tình nguyện 71 tuổi đã đến Đức.

Các binh sĩ Ukraine bày tỏ sự hài lòng với những gì họ biết được ở Klietz về xe tăng Leopard 1 A5, một phiên bản cũ hơn và kém tinh vi hơn của Leopard 2 đã nổi tiếng quốc tế vào đầu năm nay khi Đức chống lại áp lực mạnh mẽ từ Ukraine và các đồng minh NATO khi không chịu cung cấp loại xe tăng này cho Ukraine.

Tuy nhiên, họ nhấn mạnh rằng vũ khí mới hơn luôn được ưa chuộng hơn vũ khí cũ.

3: Binh sĩ Ukraine dỡ vỏ đạn xe tăng đã qua sử dụng từ xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 1 A5 tại khu huấn luyện Klietz ở Đức

Binh sĩ Ukraine và các huấn luyện viên phương Tây của họ nhận thức sâu sắc rằng Kyiv đã không đạt được tiến bộ như mong đợi trong cuộc phản công đánh lại quân Nga của Vladimir Putin bắt đầu vào tháng 6.

Thiếu tướng Hà Lan Bonn cho biết địa hình hiểm trở, khả năng tác chiến điện tử giỏi của Nga và việc sử dụng máy bay không người lái là ba trong số những vấn đề mà quân đội Ukraine phải đối mặt trên thực địa.

“Điều này rất khó khăn,” ông nói. “Chúng tôi đang tìm cách chuẩn bị cho các binh sĩ Ukraina hoạt động trong một môi trường như vậy.”

Các quan chức từ các quốc gia phương Tây khác trong những tuần gần đây đã bày tỏ sự thất vọng trước những khác biệt về quan điểm về chiến lược và chiến thuật chống lại Nga. Quan điểm đó được lặp lại bởi một trong những huấn luyện viên người Đức ở Klietz, người đã che giấu danh tính của mình bằng kính râm và khăn quàng cổ. Ông nói rằng đôi khi ông gặp xích mích với các chỉ huy lớn tuổi người Ukraine từng được đào tạo ở thời Xô viết khi họ “nghĩ rằng họ biết rõ hơn”.

Nhưng quân đội phương Tây – những người có kinh nghiệm chiến đấu gần đây nhất ở Iraq và Afghanistan khác hẳn với cuộc chiến truyền thống hơn đang diễn ra ở Ukraine – cũng nói rằng họ đang học hỏi từ các lực lượng vũ trang Ukraine.

Đức không phải là quốc gia duy nhất gặp khó khăn với vấn đề dịch thuật trong các chương trình đào tạo.

Một vấn đề tương tự cũng xảy ra ở Đan Mạch, nơi có khoảng 8 phi công Ukraine và hàng chục nhân viên hỗ trợ đang được đào tạo để lái máy bay chiến đấu F-16 tại căn cứ không quân Skrydstrup.

Các quan chức quân sự Đan Mạch cho biết việc huấn luyện – vốn càng trở nên cấp bách hơn sau khi Copenhagen hôm Chủ nhật đưa ra cam kết chung với Hà Lan sẽ tặng máy bay chiến đấu của họ cho Ukraine – đang bị trì hoãn vì lý do an ninh đối với các phi công. Các quan chức cho biết kỹ năng ngôn ngữ và kiểm tra sức khỏe là những lý do khác dẫn đến việc tạm dừng này.

Các chỉ huy châu Âu cho biết họ đang liên lạc chặt chẽ với các đối tác Ukraine và tìm cách phản hồi nhanh chóng trước những phản hồi cũng như yêu cầu thay đổi khi Kiev cố gắng duy trì cuộc phản công đang trì trệ của mình.

Tuy nhiên, Nick Reynolds, một nhà nghiên cứu về chiến tranh trên bộ tại Rusi, nói rằng việc huấn luyện của phương Tây thường khó đáp ứng được mong đợi của cả hai bên.

Kyiv mong muốn có nhiều hoạt động huấn luyện vũ khí kết hợp hơn, bao gồm các cuộc tập trận với xe tăng, xe bọc thép, pháo binh, bộ binh và máy bay không người lái để mô phỏng chặt chẽ hơn các điều kiện tồn tại trên chiến trường, nhưng những cuộc tập trận như vậy có thể có nhiều rủi ro. Reynolds nói ông có thể hiểu được, rằng các quốc gia phương Tây có khả năng chấp nhận tai nạn thấp nhưng cách tiếp cận của họ “không phù hợp với yêu cầu của [Kyiv] đối với những người lính thực tập”.

Ngoài ra còn có sự thất vọng về chính loại vũ khí mà các quốc gia phương Tây đang cung cấp.

Đức đã trở thành một trong những nhà cung cấp vũ khí hàng đầu thế giới cho Ukraine về mặt con số tuyệt đối, nhưng Thủ tướng Olaf Scholz đã phải đối mặt với những cáo buộc dai dẳng về sự chậm trễ. Quốc gia lớn nhất châu Âu này cuối cùng đã phải nhượng bộ trước yêu cầu cung cấp xe tăng Leopard cho Kyiv – vào tháng 1. Hiện đang diễn ra một cuộc tranh luận về việc có nên đồng ý với yêu cầu của Kyiv về việc cung cấp tên lửa hành trình Taurus hay không, trong khi Scholz lo ngại về nguy cơ leo thang chiến tranh với Matxcơva.

Xe tăng Leopard 1 mà Berlin đồng ý cung cấp cùng với Leopard 2, được nhiều người coi là kém chất lượng hơn so với Leopard 2, mặc dù nó đang được tân trang lại trước khi gửi đến Ukraine. Xe tăng này có lớp giáp mỏng có thể khiến nó dễ bị tổn thương ở những khu vực có ít sự che chắn như địa hình bằng phẳng ở phía đông và đông nam Ukraine, nơi đang diễn ra một số cuộc giao tranh khốc liệt nhất.

Yevhenii, một kỹ sư điện đến từ miền đông Ukraine thừa nhận chỉ lái xe tăng trong “một thời gian ngắn” trước khi được gửi đến Klietz để được huấn luyện, đã bảo vệ loại vũ khí này. Người đàn ông 32 tuổi từ chối cho biết họ của mình, và cho biết: “Nó có một số lợi thế đáng kể so với xe tăng T72 của Nga”.

4: Trung tướng Andreas Marlow phụ trách việc huấn luyện quân nhân Ukraina tại Đức.

Trung tướng Andreas Marlow, người tự nhận mình là “người lái xe tăng”, người đứng đầu sứ mệnh huấn luyện của EU tại Đức, thừa nhận rằng Leopard 2 có thể có “giá trị chiến đấu cao hơn”. Tuy nhiên, phát biểu sau những gì ông mô tả là màn trình diễn bắn đạn thật “rất đáng nể” của các học viên Ukraine, ông cũng ca ngợi mẫu xe tăng có từ những năm 1960 này vì tính dễ vận hành và bảo trì cũng như tính sẵn có của nó.

Nhiều quốc gia châu Âu cảm thấy thoải mái hơn khi đưa ra cho Ukraine những chiếc Leopard 1 cũ, hơn là phải giao ra một chiếc xe tăng mới hơn trong kho dự trữ.

Marlow cho biết: “Ưu điểm của Leopard 1 A5 là chúng tôi có thể giao nó với số lượng hàng trăm chiếc vào năm nay hoặc năm sau. Số lượng cũng đóng một vai trò đáng kể.”

Nguồn : https://www.ft.com/content/5bcb359e-f0ae-475d-9773-b89c0ebe0a1b

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here