Rào cản vô hình
Tháng 11 vừa qua hai vợ chồng tôi đóng cửa công ty, nhờ các con trông hộ căn nhà để đi về Việt Nam 5 tuần. Trọng tâm của chuyến đi là về Sài Gòn giỗ má tôi lần thứ ba. Người ta gọi đám giỗ năm thứ ba là mãn tang, với tôi thì cái tang má không không bao giờ mãn. Ngoài ra vợ tôi cũng muốn đi thăm một số nơi mà tôi luôn gắn bó, rồi về quê Gò Bồi, Qui Nhơn thăm mộ tổ tiên.
Cũng như nhiều lần trước, tôi mua vé Vietnam Airlines (VNA) để bay một mạch, bất kể những than phiền về hãng hàng không nhà nước này. Tuổi già khiến tôi ngại những đường bay có nối chuyến của Qatar hay Turkish, mặc dù trong thời gian Corona tôi đã chứng kiến sự ưu việt của họ.
Cả hai chuyến đi và về (VN 36 và VN31), máy bay đều bán hết vé mà 90% là khách nước ngoài. Thêm vào đó, việc VNA mở thêm nhiều đường bay sang châu Âu (riêng ở Đức đã có hai điểm đến là Frankfurt và Munich) chứng tỏ một bước tiến lớn của nó. Do đó việc hãng này luôn kêu lỗ có một uẩn khúc lớn phía sau.
Mặc dù các cô tiếp viên đều rất lẽ phép và hòa nhã, nhưng tính chuyên nghiệp của đội ngũ bay từ lâu nay vẫn dậm chân tại chỗ. Điều được góp ý nhiều lần nhưng không hề suy suyển là cách nói tiếng Anh tùy tiện của đội bay. Có lẽ du khách đã thuộc lòng nội dung các câu chào và thông báo của phi công nên dù các anh nói gì, người ta cũng chỉ đoán ra, chứ để hiểu thì hơi khó. Chuyến bay nào do phi công nước ngoài lái, người nghe cảm thấy dễ chịu hơn. Cả phi công và tiếp viên luôn hãnh diện gọi VNA là thành viên của SkyTeam và điều này không sai. Chỉ có điều cái tên Vietnam Airlines luôn bị phát âm sai thành Vietnam Airlies. (Việt Nam e lai xờ, bỏ phát âm chữ N trong Airlines).
Từ tiếng loa dưới sân bay đến các lời chào của phi công, của tiếp viên đều khiến tôi bức xúc khi nghe cái từ Airlies có tính nhục mạ này. Trong tiếng Anh, line là đường, Airlines (số nhiều) là hãng hàng không. Còn lie là nói dối. Khi bỏ chữ N đọc là Air(lies) thì có nghĩa là “những lời nói dối trong gió”. Đã vài lần tôi giải thích điều này với các cô tiếp viên. Lúc đầu các cô không hiểu, nhưng khi dùng giấy bút giải thích thì các cô đều cười vui vẻ, đồng ý. Rồi có một cô nói: “Chú nói đúng quá, nhưng tất cả mọi người đều nói vậy, sửa khó lắm”.
Có thể người ta cho là tôi chẻ chữ, nhỏ nhen. Nhưng câu nói của cô tiếp viên chứng tỏ sức ỳ của đám đông, của một hệ thống. Vietnamairlines dù có bị đọc sai thành kiểu gì vẫn là một hãng bay của người Việt mà tôi lựa chọn. Chắc chắn nhiều bộ óc thông minh ở đó thừa hiểu nghĩa của „Lines“ và „Lies“. Nhưng việc gì phải thay đổi, khi cả đám đông và hệ thống chấp nhận sai lệch đó? Điều này cùng những cái chặc lưỡi khác góp phần làm cho VNA có quyền lỗ khi đường bay vẫn cứ mở rộng.
Các sân bay Việt nam, dù là Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Phù Cát, Phú Bài hay Đồng Hới đều sạch sẽ, ngăn nắp. Đông hay vắng tùy thuộc vào địa điểm và mùa du lịch. Điểm ưu so với các sân bay phương tây là có nhiều nhà vệ sinh hơn. Ở sân bay Đức thì các lão già có vấn đề tiền liệt tuyến sẽ vất vả hơn để tìm nhà vệ sinh. Có lẽ điều này nằm ở đặc điểm mà từ bé tôi đã được nghe: ”Người Việt ăn nhanh, đi chậm, hay cười và hay đái vặt”.
Sân bay Ta còn hơn Tây ở trình độ chặt chém. Một chai nước Lavie mua lẻ bên ngoài chỉ khoảng 7.000 VND mà bên trong bán 2 hoăc 3USD (50.000-75.000 VND), quả là bậc thầy. Mọi thứ đều đắt hơn bên ngoài vài lần. Tất nhiên giá đó chỉ để cho ai thừa ngoại tệ không biết làm gì. Điều này khiến các cô bán hàng bên trong sân bay luôn ngồi ngáp dài, mắt không rời smartphone. Thấy bóng người đi qua là các cô mời lấy lệ, vì cũng thừa biết khó mà câu được cá. Tôi đặt vấn đề hạ giá xuống để bán được nhiều hàng hơn thì một cô nói:
-Chú ơi giá thuê mặt bằng và các chi phí trong này cao lắm ạ. Cháu làm ở đây đã đổi chủ nhiều lần, vì họ không trụ được.
Chắc chắn có nhiều ông quan thấy được vấn đề và cũng mong muốn nâng cao chất lượng phục vụ trong sân bay. Nhưng thay đổi nếp suy nghĩ đã ăn sâu vào hệ thống sẽ rất khó. Việc gì phải khổ sở, nếu đám đông chấp nhận sự vô lý này?
…
Tuy mỗi lần đi xa là một lần phải đối phó với nhiều trở ngại. Dù mất đi các tiện nghi và nhịp sống cần thiết cho tuổi già, nhưng tôi luôn hạnh phúc khi trở về quê nhà, được gặp gỡ người thân, bạn bè và được sống với nhiều kỷ niệm cũ. Cuộc đời chỉ có giá trị nếu biết sống với ký ức.
Vợ chồng tôi về thăm xóm nhà 14 Lý Thường Kiệt mà tôi đã sống suốt 20 năm. Ngôi nhà này giờ đây là một tụ điểm ăn uống tấp nập. Một nửa cho công ty “Phở Lý Quốc Sư” thuê, nửa còn lại là quán cơm Vinh-Thu nổi tiếng Hà Nội. Trong khi sự ồn ào và mất vệ sinh của các cửa hàng khiến nhiều người không sống nổi, phải chuyển đi thì chúng lại tạo điều kiện sống cho vài gia đình trong xóm (người thì bán nước chè, kẻ cho thuê phòng ăn, kẻ trông xe đạp). Anh chị tôi già nua ốm yếu, không chịu nổi khói bụi của các bếp than và tình trạng ẩm ướt do nước rửa bát váng mỡ suốt ngày đọng trên sân nên cũng phải dọn đi.
Ngày anh chị còn ở đó, tôi hay về nghỉ và đêm đêm vẫn nghe lũ chuột đùa nghịch trên các chồng bát đũa mà trưa hôm sau các công chức quanh đó vẫn vui vẻ dùng để lùa cơm vào dạ dày.
Chúng tôi chọn lúc quán ăn nghỉ để đến thăm hai gia đình còn trụ lại ở đây. Họ là những người nghèo, không có điều kiện mua nhà chỗ khác và chỉ còn cách dựa vào quán cơm để kiếm thêm chút ít. Trước kia những hộ này chỉ ở trong diện tích của gầm và trần cầu thang, che chắn bằng gỗ. Nay các “căn hộ” vài mét vuông đó vẫn vậy và họ cơi nới thêm một số diện tích nhỏ ở khu vực nhà tắm và vệ sinh khi xưa kia để ở và cho các cháu từ nông thôn lên làm quán ăn thuê.
Các anh chị nay đã ngoài 80, già nua và ốm yếu, nhưng vẫn nhớ đến chú Thọ, cô Châu, những người từng chia sẻ với họ những khó khăn thời bao cấp. Chị Thảo, nay chắc chỉ còn nặng dưới 30kg, lưng còng, lê đến bắt tay tôi, luôn miệng nói: “Trời ơi, sao mà chú giống ông thế. Ông hiền lắm!”.
Anh Thấu thì đã liệt giường cả mấy năm nay. Còn chị Thấu vẫn có nụ cười hơi mếu, để lộ thêm hàm răng móm mém. Chị ôn lại với chúng tôi những kỷ niệm về hai cậu con tôi. Cả hai gia đình này nay chỉ sống bằng đồng lương hưu nhỏ nhoi. Nhỏ ở mức quá ít để sống, nhưng quá nhiều để chết đói.
Qua tâm sự, tôi biết là cái xóm nhỏ luôn quí mến nhau khi xưa, nay đang chia rẽ nặng nề.
Khu nhà rộng 600m² này, nằm giữa khu vực đất vàng của thủ đô, đang trở thành mục tiêu của nhiều đại gia. Họ muốn mua trọn toàn bộ khu nhà để xây một cái gì đó thật đắt giá. Đương nhiên là họ thương lượng bí mật với tất cả 11 hộ ở đây. Trong khi những người nghèo coi đây là cơ hội duy nhất để đổi đời thì những gia đình khác coi món tiền khủng cho thuê cửa hàng là lý do để đưa ra cái giá mà không ai mua nổi. Một số diện tích sân chung nay bị tranh chấp một cách khốc liệt. Bao nhiêu cuộc họp có mặt và vắng mặt người mua đều thất bại. Ai cũng đổ tội cho các hộ khác. Không ai còn ưa ai nữa.
Người ta hay than: “Ngày xưa sống có tình người, chứ bây giờ…”. Không phải ngày xưa con người tử tế hơn với nhau. Vẫn những con người đó, mảnh đất đó nhưng nay sự cào bằng vật chất đã biến mất. Nó biến mất nhưng tạo cho một số người cơ hội để giành sự giàu có từ những kẻ yếu. Người ta tranh thủ sự buông thả của pháp luật để giành giật, hàng xóm bất hòa, anh em chia rẽ.
Vợ chồng tôi vẫn quí mến tất cả mọi người như xưa nên đề nghị tổ chức một cuộc gặp gỡ thân mật toàn bộ cư dân cũ. Ai nghe tôi mời cũng rất mừng, tuy đều không tin rằng sẽ có đông người đến.
Thật không thể ngờ là cuộc họp mặt lại đông vui như vậy. Tôi nói: “Anh Thanh yếu quá rồi, cứ thuê xe tắc xi đến quán, em sẽ trả tiền cho anh cả đi lẫn về”. Nhưng anh vẫn đi bộ hai cậy số đến dự và tự đi bộ về. Tất cả mọi người đều tay bắt mặt mừng, vì xưa nay chưa bao giờ gặp nhau trong hoàn cảnh như vậy.
Các cháu Khanh Linh Pham, cháu Phạm Tố Loan, cháu Hà nay đã thành đạt quyết không cho chú Thọ trả tiền bữa cơm thịnh soạn và chầu cà-phê ấm cúng. Có gia đình bất hòa đến mức anh em không muốn gặp nhau, nay đều có mặt. Tuy bố mẹ không nói chuyện với nhau, nhưng cô đã hỏi thăm cháu. Tôi nghe cô cháu tâm sự thì biết là tình cảm gia đình vẫn đó, chỉ chưa có dịp nào để vượt cái rào cản vô hình.
Một cậu em nói: “Nay mai anh chị sẽ về Đức, nhưng có lẽ chúng ta ở lại nên thường xuyên gặp nhau như thế này.”
-Có khi nhờ thế mà lại bán được nhà – Tôi nói đùa.
Tất cả cười giòn giã.
(còn tiếp)