Bốn cụ U80 và chiếc TV cũ
Thời trai trẻ tôi khá quảng giao và đào hoa. Mặc dù chỉ là anh thợ điện tử ở đài truyền hình nhưng tôi kết bạn với nhiều cô gái trong giới văn nghệ sỹ, nào là nghệ sỹ piano, họa sỹ hoạt hình, diễn viên múa (và kể cả cô nàng đổ rác). Có những bạn gái hơn tôi cả về tuổi tác cũng như học vấn, nhưng có lẽ các nàng thích cái thói hài hước, nói tưng tưng của thằng thợ điện.
Năm 1975 tôi kết bạn với hai cô diễn viên múa mới ra trường về làm việc ở ban văn nghệ VTV. Tất nhiên có lúc mắt tôi liếng về bên phải hoặc về bên trái, nhưng hai em rất thân nhau, khó mà tách ra được nên tôi thân thiết với cả Ngân và Bích[1]. Hai em có chuyện gì cũng kể với tôi và đôi khi những nỗi buồn nọ kia được giải tỏa bằng những chuyện hài lếu láo. Tôi vào làm việc ở đài truyền hình Huế, mỗi lần ra Hà Nội đều có quà cho cả hai em.
Rồi cuộc đời đã đưa chúng tôi đi ba ngả khác nhau. Cả hai người chồng của Ngân và Bích đều thân thiết với tôi, thỉnh thoảng bia bọt với nhau. Đồ điện tử, TV, radio của hai gia đình mỗi khi sinh chuyện đều do thằng thợ này lo. Các em có vé ca múa nhạc thường rủ tôi đi xem. Có lần các em rủ cả Ba Đẻn, trung phong nổi tiếng (vì lắc mông dê bóng) của đội Thể Công cùng đi xem làm tôi hơi nóng mặt . Ngân vào Qui Nhơn xây dựng đội múa cho tỉnh Bình Định vẫn đến nhà anh chị tôi ở phố Lê Hồng Phong chơi, như một đứa em gái. Vợ tôi tin tưởng cả Ngân và Bích nên mỗi khi tôi bảo đi chơi với hai em là nàng yên tâm (có thể vì cơ chế „Check and Balance“ của chế độ lưỡng đảng ).
Năm 1991 tôi đưa gia đình sang Đức lập nghiệp. Bẵng đi mấy năm không biết tin nhau. Năm 2001 tôi về thăm nhà, đi xe máy qua chợ Hàng Da vẫn nhớ ngôi nhà của vợ chồng Bích nên ghé lại. Em đang ngồi bán bún chả trước cửa nhà cùng mẹ chồng. Chúng tôi tay bắt mặt mừng. Bích gọi cho bạn, chỉ 30 phút sau Ngân đã phóng xe máy đến.
Tôi mừng vì cả hai cô em đều có cuộc sống ổn định, con cái ngoan ngoãn. Mỗi lần tôi về nước các em lại đến nhà anh chị tôi thăm. Các em ôn lại những kỷ niệm với anh chị tôi ở Qui Nhơn.
Rồi số phận ập lên đầu Ngân một cách bất ngờ. Chồng em đột tử để lại cho em một cuộc đời còn ngổn ngang mọi lo toan. Thẫn thờ mất mấy năm rồi em cũng vượt qua.
Đầu năm 2021 tôi ra Hà Nội giới thiệu cuốn sách đầu tay „Hai Quê Hương“. Bích bận việc nhà, cứ tiếc là không đến dự được. Ngân đến câu lạc bộ Cà Phê Thứ Bảy ở ngã tư Thi Sách/Trần Xuân Soạn giúp tôi tiếp khách và lập danh sách khách mua sách. Khi đó em tuy đã ngoài 60 nhưng vẫn ăn mặc rất hợp mốt, xinh đẹp và tươi vui khiến tôi nghĩ đến cô diễn viên múa 40 năm trước. „Em lười đọc sách lắm, nhưng sách anh viết em đọc không thiếu một chữ“.
Biết vợ chồng tôi về Hà Nội lần này, hai em lại hẹn tôi đến thăm anh tôi đang bị ốm. Cả hai chúng tôi đều sốc khi thấy Ngân già sọm đi, lưng còng còng, bước đi chậm chạp như bà cụ. Tôi chạy đến ôm em hỏi:
– Bà cụ của anh, sao em lại đến nông nỗi này?
– Em bị thoái hóa cột sống nên đi thế thôi, không sao đâu anh.
Bích nhìn tôi ý tứ: Ngân khổ lắm, lúc khác em sẽ kể.
Hôm sau tôi ghé thăm vợ chồng Bích ở Time City, chân cầu Vĩnh Tuy, cả Ngân cũng đến. Mỗi lần về Việt nam tôi chỉ thích những bữa cơm nhà, vừa dễ ăn, sạch sẽ vừa yên tĩnh, không bị quấy rối bởi các tiếng nhạc quá cỡ và tiếng Dzô Dzô từ các bàn bên. Nhưng cơm nhà Bích luôn là một cái gì đó đặc biệt. Nó làm tôi nhớ đến tài nấu ăn của một cô diễn viên bỏ nghề ra bán bún chả trước cửa chợ Hàng Da.
Tôi nhớ lần trước Ngân đưa tôi đến nhà Bích ăn cơm có kể rằng „Em cũng mua căn hộ ở khu này, nhưng ở phía trong kia, hơi xa“. Sau đó tôi không còn thời gian sang thăm căn hộ của em. Lần này tôi dự định làm việc đó, nhưng Bích nói là Ngân đã bán căn hộ và nay đi thuê căn hộ nhỏ hơn để cả nhà năm người ở.
– Sao lại năm người?
– Vợ chồng con gái Ngân và hai cháu ngoại cũng về ở chung với mẹ – Bích nói.
Thì ra số phận nghiệt ngã đã đổ xuống đầu gia đình Ngân. Hai vợ chồng cô con gái vốn là nhân viên ngân hàng, có một cuộc sống ổn định, từng sở hữu một căn hộ ở Time City. Một tai nạn nghề nghiệp mà cháu chỉ là nạn nhân đã thay đổi tất cả. Tôi biết là cháu oan, vì cấp trên đã chủ mưu đưa cháu vào bẫy. Chuyện riêng tư tôi không thể kể chi tiết, chỉ biết rằng cháu đứng trước sự lựa chọn: Vào tù bỏ lại hai con thơ cho người chồng cũng mất việc, hay bán nhà để bồi thường.
Cả hai căn hộ Vinhome bán đi cũng chỉ trả được một phần. Lương hưu ít ỏi của mẹ bị ngân hàng xiết nợ hai năm nay. Cả nhà năm người phải thuê một căn hộ chật ních để ở. Hai vợ chồng cô con gái phải chạy xe ôm cho qua ngày, không biết bao giờ mới quay lại được nghề nhà bank.
Tôi đã chứng kiến nỗi khổ của nhiều người từ hồi giờ vẫn ngoi ngóp nơi tận cùng của xã hội. Giờ mới chứng kiến nỗi khổ của người từ cuộc sống bình thường bị rơi xuống đó.
Trong suốt thời gian Bích kể chuyện, Ngân ngồi buồn bã, im lặng không nói gì. Bị sốc bởi câu chuyện, tôi làm một việc hết sức lỗ mãng là vét ví còn bao nhiêu tiền đưa hết cho Ngân. Em ngạc nhiên rơi nước mắt nhìn tôi.
– Anh từng giúp nhiều người, sao lại không thể giúp em vào lúc này. Cứ cầm lấy, đừng ngại.
– Anh Thọ nói đúng đấy Ngân ạ – Bích khuyên.
….
Rời Việt Nam, tôi mang về Đức nhiều kỷ niệm của các cuộc hội ngộ, vui có, buồn có. Bỗng Ngân gọi qua mạng cho tôi:
– Anh ơi, cái TV, nguồn vui duy nhất của bà cháu em bị hỏng rồi. Em giờ đau lưng, đau chân cả ngày nằm nhà buồn lắm. Trước kia lúc nào TV hỏng là nhờ anh. Bây giờ em cũng chỉ biết hỏi anh.
-Trời đất, anh đang ở xa thế này làm sao giúp em được. Vả lại thời anh em mình thì chữa TV còn bõ, giờ toàn mạch in và chip cả, anh có đến cũng bó tay thôi.
Sau một lúc chẩn đoán, tôi biết là cái TV bị hỏng phần mạch nguồn. Tôi hứa sẽ nhờ bạn bè ở Hà Nội đến giúp em.
Tôi gọi ngay cho Hùng, vốn là một cán bộ lãnh đạo kỹ thuật của ngành truyền hình. Tôi không mong lão già U80 này có thể thay tôi chữa được cái TV, nhưng hỏi hắn liệu có thể nhờ một đệ tử nào đó nay còn làm việc ghé qua xem hộ. Hắn vẫn nhớ Ngân nên bảo tôi yên tâm, sẽ xử lý bằng mọi cách. Hùng lại gọi điện cho lão già khác là Vinh, cùng học đại học Bách khoa tại chức với tôi, vốn phụ trách một cửa hàng sửa chữa TV của công ty HANEL.
Nói là làm. Ngày hôm sau Hùng và Vinh nhờ Thanh, một bạn cũ của tôi ở VTV đem xe ô-tô chở một cái TV Sony cũ đến nhà Ngân. Ngõ nhỏ và chật nên mãi xe mới vào được trước cửa nhà. Ba lão già chắc cũng đã có mỡ trong máu hì hục khiêng cái TV nặng chình chịch lên cái thang bé xíu, dốc đứng lên gác. Toát hết mồi hôi, tim đập thình thịch, vần được cái TV lên đến nơi thì cả bốn ông bà già ngã ngửa.
Cái màn hình hỏng của Ngân là loại TV thông minh (Smart-TV). Thông minh đến mức không cần bắt sóng nhà đài qua Ăng ten hoặc cáp-VTV, mà thu qua Internet-Settop box. Youtube là nguồn giải trí của ba bà cháu chứ không phải chương trình của ban tuyên huấn.
Giờ thì khó rồi. Mà khuân lại cái TV nồi đồng cối đá nọ xuống cái cầu thang hẹp và dốc đứng kia thì cả ba lão già đều hết vía. Thế là căn phòng nhỏ 10m² lại thêm một cái TV vô tích sự làm cho chật thêm. Cả Ngân, Hùng, Vinh và Thanh đều gọi sang Đức kể về câu chuyện dở khóc dở mếu kia. Tôi nói đùa với Ngân.
– Anh Hùng ngày xưa hét ra lửa trong ngành. Giá như biết trước tình thế này thì ngày đó anh ấy đã cấm Internet-TV để mọi máy thu sẽ chỉ còn xem nhà đài và cái máy Sony nặng nề kia sẽ có ích.
Rồi tôi an ủi Ngân: Mấy ngày rồi không có TV em có thấy cuộc đời thanh thản hơn không? Trên đó toàn chuyện tào lao, bất lợi cho não, nhất là cho hai cháu ngoại của em. Bên này TV ít nhảm nhí hơn mà lâu lâu anh mới xem thời sự, chỉ khi thế giới có biến thôi. Các cháu anh thì khỏi nghĩ đến việc xem TV.
– Em thấy hụt hững anh ạ. Em rất cần ca nhạc cho đỡ buồn vì cả ngày không ra được khỏi nhà.
Hôm qua Ngân lại gọi cho tôi:
– Lúc nãy anh Vinh thay mặt hai anh kia đem đến cho em tiền để đi mua cái TV khác. Đó là giải pháp duy nhất mà ba anh tìm ra. Em cảm động quá, không biết nói gì. Tiền bạc là một chuyện, nhưng việc các anh ấy vẫn nhớ đến em, bất chấp tuổi già để lao lực đến đây làm em phát khóc.
Trời đất! Thế là tôi lại phải lập mẹo để cuối cùng mò được tài khoản của một trong ba lão già. Nếu nói thẳng chắc sẽ không gã nào cho tôi tài khoản để trả món nợ tình nghĩa.
Còn tiếp