Tranh luận về việc để Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao được giám định âm thanh, hình ảnh!

0
147
Ảnh minh họa: Hỏi cung có ghi âm, ghi hình. Courtesy luatvietnam.vn
RFA

Trong buổi thảo luận trực tuyến Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV vào chiều 21/5, Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp trong đó nhắc đến dự thảo gây nhiều tranh cãi là “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao”.

Nếu dự thảo này được thông qua, một trong các tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử sẽ thuộc quyền quản lý của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.

Trao đổi với RFA vào tối 21/5, Nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang cho rằng đề xuất bổ sung vào Luật Giám định Hình sự trao cho Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao chức năng thực hiện ghi hình chụp ảnh trong quá trình thẩm vấn nghi can là một tiến bộ, ít nhất là trong khuôn khổ luật pháp hiện nay.

“Nếu thực hiện được chuyện đó thì cũng bớt chuyện lạm quyền, lạm dụng vũ lực mà trong Bộ luật Hình sự người ta gọi là tội ‘dùng nhục hình’. Chỉ sợ rằng không thực hiện được vì vấn đề này đã họp bàn từ lâu, Quốc hội cũng đã thông qua nhưng Bộ Công an gãi đầu gãi tai kêu khó, không có kinh phí. Việc đó làm cho tình trạng lạm dụng tra tấn khi giam giữ, dẫn đến oan sai rất nhiều của Việt Nam mà điển hình là những vụ như ông Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long… hiện nay còn đang tranh cãi cả vụ Hồ Duy Hải. Theo tôi nếu thực hiện được là bước tiến quan trọng của ngành tư pháp Việt Nam.”

Cùng bày tỏ quan điểm đồng tình với đề xuất bổ sung dự thảo mới, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự từ Hà Nội phát biểu:

“Có lẽ trong thời gian vừa qua chưa bao giờ thấy có sự sai lệch nghiêm trọng của vấn đề tư pháp, vấn đề điều tra, vấn đề xét xử. Tôi nghĩ nếu tăng cường giám định tư pháp như thế là một điều tốt. Không nên để cho Bộ Công an làm quá nhiều việc liên quan đến điều tra, ngay cả vấn đề trại giam Bộ Công an phải chuyển về cho Bộ Tư pháp mới đúng. Nhưng Bộ Công an là một thế lực rất mạnh và lớn nên chắc họ không tán thành cho bên Kiểm sát làm chuyện đó.”

Trong thực tế, bên cạnh những đại biểu ủng hộ với việc bổ sung quy định này, vẫn có nhiều người không tán thành.

Điển hình như Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân, ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh dẫn luật Tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân cho hay luật không quy định chức năng nhiệm vụ về giám định tư pháp của Viện Kiểm sát Nhân dân. Thêm vào đó, liệu Viện Kiểm sát Nhân dân có đảm bảo tính khách quan, công minh hay không khi vừa thực hiện quyền công tố vừa thực hiện giám định?

Còn theo Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, quy định mới hiện tại chưa cần thiết, chỉ làm phát sinh thêm biên chế, kinh phí. Ông Cầu cũng cho rằng nếu nói Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao được giám định âm thanh, hình ảnh để giảm oan sai thì phải có nền tư pháp ngày càng phát triển chứ không phải giám định ghi âm, ghi hình mới phát hiện nhiều oan sai.

5 bị cáo là công an, đã tham gia trong vụ bắt giữ, đánh đập nạn nhân Ngô Thanh Kiều đến tử vong tại phiên xử hôm 27/03/14. File photo

Dưới góc nhìn cá nhân, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng ý kiến của hai vị Thiếu tướng vừa nêu có lý do của họ nhưng ông không đồng tình. Ông nhận định:

“Ở Việt Nam thật sự có cái nào mà không vừa đá bóng vừa thổi còi? Bản thân lực lượng lớn nhất là đảng cộng sản Việt Nam trùm lên tất cả những thứ đó vừa đá bóng vừa thổi còi, làm đủ mọi thứ. Nên thật sự lấy những tri thức của phương Tây mà áp vào Việt Nam là khập khiễng, cái đó chỉ đúng khi nào có chủ luật, tức không còn có độc quyền của đảng cộng sản Việt Nam nữa. Chuyện Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao có thêm một bộ phận như thế thì sẽ bớt được sự quá tải hiện tại của việc giám sát và cũng giảm bớt sự độc quyền bên Bộ Công an.”

Với kinh nghiệm chuyên môn, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam giải thích về trách nhiệm của Viện Kiểm sát theo luật định:

“Hoạt động của Viện kiểm sát theo Luật Tố tụng và theo Hiến pháp chức năng của họ là phê chuẩn lệnh bắt giam hoặc giám sát các hoạt động tư pháp. Bên cạnh đó khi các cơ quan không đáp ứng được yêu cầu trong việc điều tra và truy tố tội phạm thì hoạt động của Viện Kiểm sát là hoạt động độc lập để qua giám định tư pháp thì chúng ta không làm oan người vô tội, giám định hình ảnh và âm thanh trong quá trình hỏi cung bị can đó có đúng sự thật không. Việc giám định giúp cơ quan tiến hành tố tụng hoạt động tốt hơn, không làm oan người vô tội và không để lọt tội phạm.”

Theo đó, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng nên có giám định và giao cho cơ quan Viện Kiểm sát bên cạnh Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Ông đưa thêm dẫn chứng:

“Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển nhanh như tại Việt nam hiện nay, từ ngày 1/1/2020 thì các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc ghi âm, ghi hình và âm thanh trong việc hỏi cung bị can trên toàn quốc, vì vậy tôi thấy nhu cầu giám định này sắp tới sẽ tăng lên. Theo báo cáo của Viện Kiểm sát Tối cao thì từ trước đến nay có một đơn vị giám định hình sự thuộc Bộ Công an đảm nhiệm việc giám định nói trên và dẫn đến quá tải. Trung bình mỗi vụ giám định âm thanh và hình ảnh phải mất cỡ từ 2-3 tháng, có vụ việc 4-5 tháng mới kết luận được trong khi thời hạn để giải quyết tố giác tin báo tội phạm và điều tra vụ án tạm giam được quy định ngắn và chặt chẽ nên ảnh hưởng đến tiến độ những vụ án này.”

Vì vậy, để tạo điều kiện cho các cơ quan tư pháp có lựa chọn về giám định tư pháp khi phải trưng cầu giám định, Luật sư Hậu cho rằng không nên để một, hai cơ quan mà nên có nhiều cơ quan để có sự kiểm soát coi giám định đó đúng hay không.

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, để giải quyết triệt để thì cần phải thành lập cơ quan riêng biệt không dính gì đến Viện Kiểm sát, Bộ Công an hay tòa án thì may ra mới độc lập, nhưng nếu cơ quan ấy lại dưới sự lãnh đạo toàn diện, triệt để của đảng cộng sản Việt Nam thì cũng như không.

Đây không phải lần đầu Quốc hội có 2 luồng ý kiến đối lập khi nhắc về quy định bổ sung để Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao được giám định âm thanh, hình ảnh.

Trước đó, vào ngày 10/1, Quốc hội cũng đã họp bàn về vấn đề này nhưng chưa thể đi đến thống nhất.

Đến phiên thảo luận ngày 21/5, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khi kết thúc buổi họp cho biết do còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ lấy phiếu ý kiến đại biểu trước khi biểu quyết thông qua Dự án Luật tại kỳ họp này.