Home Blog Page 1367

Hai người dẫn chương trình TV phản pháo sau khi bị Trump thóa mạ

1
VOA

Hai người dẫn chương trình truyền hình bị Tổng thống Mỹ Donald Trump công kích cá nhân đặt nghi vấn về sức khoẻ tâm thần của ông vào ngày thứ Sáu, và cáo buộc Nhà Trắng đã cố gắng nhưng không thành công trong việc buộc họ phải xin lỗi Tổng thống về những tường trình mang tính chỉ trích, để đổi lấy việc Tổng thống lên tiếng yêu cầu một tờ báo lá cả không đăng một câu chuyện tiêu cực về họ.

“Ông ta có cái tôi mong manh, bốc đồng, giống như trẻ con mà chúng tôi đã chứng kiến hết lần này tới lần khác, đặc biệt là với phụ nữ,” Mika Brzezinski, người dẫn chương trình Morning Joe của đài MSNBC, nói trên chương trình này sáng thứ Sáu.

“Ông ta công kích phụ nữ bởi vì ông ta sợ phụ nữ,” Joe Scarborough, cựu nghị sĩ Đảng Cộng hòa và cũng là người đồng dẫn chương trình, nói thêm.

Brzezinski và Scarborough phản pháo trên chương trình của họ và trong một bài bình luận đăng trên báo The Washington Post sau những dòng tin mà ông Trump viết trên Twitter hôm thứ Năm. Ông Trump công kích họ, đặc biệt là Brzezinski, bằng những lời lẽ thóa mạ mang tính cá nhân.

Ông Trump gọi Brzezinski là “Mika điên khùng, I.Q. thấp” và cáo buộc cô “chảy máu đầm đìa vì căng da mặt” khi cô đến thăm điền trang Mar-a-Lago của ông Trump ở bang Florida vào dịp năm mới. Ông gọi Scarborough là “Joe tâm thần.”

Scarborough nói ông Trump đã “nhét 5 hoặc 6 lời nói láo trong hai dòng tweet,” bao gồm mô tả về cuộc gặp gỡ của họ tại Mar-a-Lago. Brzezinski nói cô chưa bao giờ căng da mặt.

Cố vấn tổng thống Kellyanne Conway, xuất hiện trên chương trình “Good Morning America” của đài ABC, đã bênh cực “khả năng chống trả của ông Trump khi ông bị tấn công.” Bà từ chối bình luận về nội dung những dòng tweet của ông.

Những dòng tweet của ông Trump, là vụ công kích mới nhất của ông nhắm vào giới truyền thông Mỹ, đã bị các nhà lập pháp của cả hai đảng đồng loạt lên án và gây phân tâm trong khi những người đồng đảng Cộng hòa của ông ở Thượng viện đang cố gắng giải quyết những khác biệt của họ về dự luật chăm sóc y tế quan trọng.

Brzezinski và Scarborough trước đây có mối quan hệ thân thiện với ông Trump nhưng đã quay sang chỉ trích ông kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 1. Họ kể rằng Nhà Trắng đã làm áp lực với họ về một câu chuyện tiêu cực mà báo lá cải National Enquirer định cho đăng.

Ông Trump là bạn của David Pecker, giám đốc điều hành công ty mẹ của NationalEnquirer là American Media, Inc. Tờ báo lá cải này chuyên đăng những chuyện giật gân về những người nổi tiếng và có quan điểm ủng hộ ông Trump.

Trump, Moon tỏ lập trường thống nhất chống lại Bắc Triều Tiên

0
VOA

Tổng thống Donald Trump hôm thứ Sáu tuyên bố Mỹ đã hết kiên nhẫn với Bắc Triều Tiên khi ông gặp người tương nhiệm Hàn Quốc tại Nhà Trắng.

Phát biểu tại Vườn Hồng cùng với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, ông Trump tuyên bố sẽ có một “sự đáp trả cương quyết” đối với những chương trình hạt nhân và phi đạn của Bình Nhưỡng.

“Thời đại của sự kiên nhẫn chiến lược với chế độ Bắc Triều Tiên đã thất bại,” ông Trump nói, nhắc tới cách tiếp cận của người tiền nhiệm đối với miền Bắc. “Nhiều năm đã trôi qua và nó đã thất bại, và nói thẳng là sự kiên nhẫn đó đã hết.”

Ông Trump và ông Moon có lập trường khác biệt về việc chính xác phải gây sức ép lớn tới mức nào để miền Bắc từ bỏ chương trình vũ khí của họ. Cả hai nhà lãnh đạo cũng đã chỉ trích một số khía cạnh nhất định trong sự hợp tác quốc phòng của họ.

Nhưng hôm thứ Sáu, hai nhà lãnh đạo thể hiện một bình diện thống nhất.

Sau cuộc thảo luận dài hơn khoảng 30 phút so với dự kiến, ông Moon ca ngợi “sự quyết tâm và sự thực dụng” của ông Trump và cho biết hai người họ đã có thể xây dựng “sự đồng thuận rộng rãi” về các vấn đề từ quan hệ quốc phòng đến vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

“Vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên phải được giải quyết đến nơi đến chốn,” ông Moon nói. “Bắc Triều Tiên nhất thiết không nên đánh giá thấp cam kết của Hàn Quốc và Mỹ về vấn đề này.”

Không có nhiều chi tiết được đưa ra về Bắc Triều Tiên. Ông Moon nói rằng “chế tài và đối thoại” sẽ được sử dụng để đối phó với Bình Nhưỡng, trong khi những phát biểu của ông Trump tập trung nhiều hơn vào việc gây thêm áp lực.

“Hoa Kỳ kêu gọi các cường quốc khác trong khu vực khác và tất cả các quốc gia có trách nhiệm tham gia cùng chúng tôi thực thi các biện pháp chế tài và đòi chế độ Bắc Triều Tiên phải chọn một đường hướng tốt hơn, tiến hành nhanh hơn, và một tương lai khác cho những người dân lâu nay chịu thống khổ của họ,” ông Trump nói.

Đây là cuộc họp đầu tiên giữa ông Trump, người từng là tỉ phú bất động sản, và ông Moon, một luật sư nhân quyền có tư tưởng tự do vừa nhậm chức vào tháng trước. Cuộc hội kiến được theo dõi sát, không chỉ vì sự khác biệt rõ nét giữa hai nhà lãnh đạo mà còn vì những lĩnh vực có tiềm năng gây bất đồng.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Trump đã chỉ trích gay gắt các tập tục thương mại của Hàn Quốc. Ông cũng thường xuyên đả kích Seoul và các đồng minh khác của Mỹ vì không thanh toán đủ tiền cho việc Mỹ đứng ra giúp họ phòng vệ.

Hôm thứ Sáu, ông Trump trấn an ông Moon rằng Mỹ “sẽ luôn bảo vệ các đồng minh của chúng tôi,” nhưng nói thêm rằng Hàn Quốc cần “chia sẻ gánh nặng một cách công bằng.”

Về thương mại, ông Trump cho biết thỏa thuận thương mại hiện thời của Mỹ-Hàn Quốc vẫn “bất công đối với Mỹ” và rằng ông đang nỗ lực để tạo ra một mối quan hệ kinh tế “công bằng và đối ứng” với Hàn Quốc.

Kể từ khi thỏa thuận thương mại hiện thời có hiệu lực vào năm 2012, thâm hụt thương mại của Mỹ với Hàn Quốc đã tăng gấp đôi. “Không hẳn là một thỏa thuận tuyệt vời,” ông Trump than phiền hôm thứ Sáu.

Tuy nhiên, phần lớn các phát biểu của hai nhà lãnh đạo tập trung vào vấn đề Bắc Triều Tiên.

Mỹ, Philippines tuần tra chung răn đe những kẻ chủ chiến Hồi giáo

0
VOA

Hải quân hai nước hai nước Mỹ và Philippines đã tổ chức tuần tra hải quân chung vào ngày thứ Bảy trong vùng biển nguy hiểm ở phía nam Philippines, trong khi cộng đồng quốc tế ngày càng lo ngại về hoạt động gia tăng của những kẻ chủ chiến Hồi giáo và nạn cướp biển trong vùng này.

Tàu chiến cận bờ của Hải quân Mỹ, USS Coronado, đã cùng một tàu khu trục của Hải quân Philippines, BRP Alcaraz, tuần tra Biển Sulu, nơi mà nhiều vụ tấn công cướp biển nhắm vào các tàu thương mại đã xảy ra từ năm 2015.

“Các hoạt động ngoài biển của chúng tôi với Hải quân Philippines cho thấy cam kết của chúng tôi đối với liên minh và răn đen nạn cướp biển và các hoạt động phi pháp,” Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ Don Gabrielson nói trong một thông cáo mà Đại sứ quán Mỹ tại Manila công bố.

Nhiều nước lo sợ rằng những chiến binh có cảm tình với Nhà nước Hồi giáo sẽ vượt qua biên giới biển giữa Malaysia và Indonesia để gia nhập các phiến quân Hồi giáo, những người đã chiếm thành phố Marawi ở miền nam Philippines năm tuần trước.

Khoảng 300 kẻ chủ chiến, 82 binh sĩ thuộc lực lượng an ninh và 44 thường dân đã thiệt mạng trong chiến sự.

Các cuộc tuần tra hải quân được tổ chức theo lời mời của chính phủ Philippines, đại sứ quán Mỹ cho biết. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte không cho phép các cuộc tuần tra chung với Mỹ ở Biển Đông có tranh chấp để tránh gây tổn hại tới mối quan hệ với Trung Quốc, nước tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ vùng biển này.

Tuy nhiên, ông hoan nghênh hợp tác ở miền nam vì hoạt động của những kẻ chủ chiến gia tăng. Hai tuần trước, Indonesia, Malaysia và Philippines tổ chức tuần tra hải quân chung ở vùng biển phía nam.

Rốt cuộc chúng ta muốn điều gì sau khi thảm họa môi trường xảy ra?

Đến hôm nay, chúng ta vẫn chưa có được câu trả lời từ bộ phận “đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý” cho câu hỏi: “Tại sao cá chết?”. Điều cuối cùng tôi nghĩ tôi và những người khác mong muốn đó chính là thông tin minh bạch, khách quan, và có trách nhiệm.Riêng cá nhân mình, tôi sẽ không chỉ đợi đến cuối tuần mới ra đường. Từ hôm nay, hàng ngày, mọi nơi, mọi lúc, tôi sẽ mang biểu tượng hình con cá trên mặt tham gia mọi hoạt động thường ngày, để có ai đó nếu ngạc nhiên với hình vẽ trên mặt tôi – Họ sẽ dành 3 phút để nghe tôi nói về quyền được sống trong môi trường trong lành và quyền được biết các thông tin minh bạch.

Hôm nay, tôi đã gửi thông điệp của mình đến các lãnh đạo chính phủ bằng đường bưu điện, sau khi ký thỉnh nguyện thư online.
Bạn bè tôi, nếu quan tâm đến môi trường biển, và muốn biết chuyện gì xảy ra, hãy cùng tôi lên tiếng.

Trong vài trò của những công dân “làm chủ đất nước”, mỗi người chúng ta sẽ gửi thông điệp đến “nhà nước quản lý”, đồng thời kêu gọi những người xung quanh bắt đầu bằng hành động này:

1. Vẽ hình con cá lên mặt và xuống đường đòi hỏi nhà nước minh bạch thảm họa môi trường.

2. Gửi thư đến chính phủ với nội dung như sau:

Yêu cầu bảo vệ biển và minh bạch thảm hoạ Formosa làm ô nhiễm môi trường

Thư gửi:

– Ông Trần Đại Quang – Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam
– Ông Nguyễn Xuân Phúc – Thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam
– Bà Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam
– Ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng bí thư đảng CSVN

Thưa Quý vị,

Chúng tôi muốn quý vị ghi nhận rằng hiện tượng thảm hoạ cá chết hàng loạt tại các tỉnh ven biển miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, và Thừa Thiên Huế) đã xảy ra được 26 ngày – tính đến ngày 09/05/2016.

Mặc dù người dân trong khu vực đã kêu cứu, người dân khắp nơi bày tỏ sự quan tâm, lo sợ nhưng vẫn chưa có thông tin chính thức được tuyên bố về thảm họa môi trường biển từ các cơ quan có trách nhiệm để tìm ra nguyên nhân, thủ phạm gây ô nhiểm khiến cá chết hàng loạt, cũng như có các biện pháp khắc phục hậu quả.

Nay chúng tôi yêu cầu chính phủ Việt Nam phải có ngay các hành động sau để ứng phó với thảm họa môi trường biển ở bờ biển miền Trung:

1. Tuyên bố ngay lập tức vùng thảm họa môi trường biển dọc bờ biển miền Trung Việt Nam (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, và Thừa Thiên Huế) nhằm có các biện pháp ứng phó với thảm họa.

2. Thành lập ngay lập tức một ủy ban cấp chính phủ có trách nhiệm ứng phó với thảm họa và giải quyết hậu quả thảm họa, và điều phối các cơ quan nghiên cứu khoa học vào cuộc để tiến hành các bước điều tra tìm ra nguyên nhân gây nên thảm họa môi trường biển.

3. Thông báo và mời các cơ quan quốc tế, tổ chức thuộc Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP), các tổ chức môi trường phi chính phủ đã và đang tài trợ cho Việt Nam trong các chương trình nghiên cứu, ứng phó với thảm họa môi trường và môi trường biển để có cơ chế giám sát và kiểm soát đủ uy tín và độc lập đối với các báo cáo kết quả điều tra nguồn gây nên thảm họa môi trường biển đang diễn ra này.

Chúng tôi yêu cầu chính phủ phải có ngay các hành động trên và minh bạch thông tin cho người dân được rõ nhằm bảo đảm điều kiện an toàn trong vùng bị ảnh hưởng với các biện pháp khắc phục để nhà nước cùng thủ phạm gây nên thảm hoạ phải đền bù thiệt hại cho người dân.

Người đại diện gửi thỉnh nguyện thư:

Mời xem toàn văn bản thỉnh nguyện thư tại địa chỉ:
https://www.thepetitionsite.com/399/678/348/vietnam-investigate-the-mass-fish-deaths-in-the-central-coastal-provinces/#sign

Chân thành cám ơn bạn bè đã quan tâm và dành thời gian đọc bài này.

BẮT NGƯỜI ĐƯA THỈNH NGUYỆN THƯ VỀ VỤ “CÁ CHẾT” ĐẾN GẶP TỔNG THỐNG OBAMA

0

Thái Văn Đường 

Ảnh 1: Mẹ Trần Hoàng Phúc tại công an Phường Bưởi đang hỏi thông tin con trai. (Người đàn ông áo tím là anh Lê Trọng Hùng đang hỗ trợ quay trực tiếp buổi làm việc)

Em yêu nước làm gì cho khổ thân! Cứ yêu đảng và yêu giặc Tàu là tương lai tươi sáng! Từ mai trở đi anh sẽ yêu đảng mến chế độ hơn nhiều Phúc à biết đâu lại có cơ hội đi bán chổi đót hoặc ngon hơn nữa làm anh bán củi.

Theo tin anh Nguyen Thien Nhan:

Thông tin cập nhật về Trần Hoàng Phúc bị công an Hà Nội bắt giam.

Chiều nay, mẹ Trần Hoàng Phúc đã ra Hà Nội, bà được 5 anh chị trong Phong trào chấn hưng nước Việt hỗ trợ đưa đến Công an Phường Bưởi, Quận Tây Hồ, HN để hỏi tin tức Trần Hoàng Phúc.

Bà trình bày với công an Phường Bưởi rằng những người ở trọ sát bên Phúc cho biết một số an ninh cùng với công an khu vực, tổ trưởng dân phố đã đến phòng trọ bắt Phúc lúc 15h30 chiều ngày 29/6/2017

Sau đó, bà được Trưởng công an Phường Bưởi là ông Nghiêm Bá Phước yêu cầu sang Công an Hà Nội tại số 40 Hàng Bài, Hà Nội để hỏi tin tức Trần Hoàng Phúc. Như vậy, việc bắt Trần Hoàng Phúc là do công an Hà Nội quyết định.

Nhận xét về Phúc: Phúc là thanh niên trẻ năng động, có bản lĩnh, tiếp cận thông tin và môi trường học hiện đại qua nhiều khóa học về kỹ năng quản trị, đàm phán và kinh doanh. Phúc có mối quan hệ rộng và có một số hoạt động thiết thực trong phong trào dân chủ: tham gia hoạt động thúc đẩy nhân quyền ở DCCT Sài Gòn, tham gia cứu trợ lũ lụt miền Trung, xuống Thạnh Hóa – Long An cùng mọi người tại Phiên tòa xử án em Nguyễn Mai Trung Tuấn

Một số thông tin chi tiết về Trần Hoàng Phúc:

Trần Hoàng Phúc, sinh năm 1994, nơi thường trú: Sài Gòn.
Phúc đã học hết năm cuối khoa luật, trường đại học luật Tp.HCM. Vì dấn thân hoạt động dân chủ nên Phúc bị nhà trường làm khó dễ và không trao bằng tốt nghiệp.

Phúc là thành viên nhóm sáng kiến lãnh đạo Đông Nam Á(YSEALI) do Obama sáng lập nhằm thúc đẩy tiềm năng lãnh đạo của thanh niên trẻ ở Đông Nam Á để nâng cao kiến thức và kỹ năng giao lưu quốc tế.

Ảnh 2: Trần Hoàng Phúc đang xếp hàng vào gặp Tổng thống Obama theo thư mời hồi tháng 5.2016

Khi Tổng thống Mỹ Obama sang thăm VN hồi tháng 5/2016, Phúc cùng 800 bạn trẻ thuộc YSEALI được Obama gửi thư mời gặp gỡ giao lưu tại hội trường ở Sài Gòn. Phúc đã viết thỉnh nguyện thư nêu quan điểm, đưa ra những bằng chứng và giải pháp cho vấn đề thảm họa Formosa. Tuy nhiên khi xếp hàng để vào hội trường gặp Obama lúc 8h30 thì Phúc bị an ninh mật vụ bắt đi đưa lên xe đưa về sở ngoại vụ.

Ảnh 3: Trần Hoàng Phúc đang trả lời phỏng vấn tại DCCT Sài Gòn.

Ảnh 1: Mẹ Trần Hoàng Phúc tại công an Phường Bưởi đang hỏi thông tin con trai. (Người đàn ông áo tím là anh Lê Trọng Hùng đang hỗ trợ quay trực tiếp buổi làm việc)

Ảnh 2: Trần Hoàng Phúc đang xếp hàng vào gặp Tổng thống Obama theo thư mời hồi tháng 5.2016

Ảnh 3: Trần Hoàng Phúc đang trả lời phỏng vấn tại DCCT Sài Gòn.

Tập Cận Bình cảnh báo Hong Hong chớ thách thức Trung Quốc

VOA

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm thứ Bảy đưa ra lời cảnh báo nghiêm khắc đối với Hong Kong khi ông chủ trì buổi lễ tuyên thệ nhậm chức cho tân lãnh đạo của đặc khu hành chính này, nói với cư dân rằng Bắc Kinh sẽ không dung thứ những nỗ lực thách thức thẩm quyền của họ. Lời cảnh báo được đưa ra ngay cả khi ông Tập cố gắng sử dụng giọng điệu mềm mỏng hơn trong bài diễn văn tại sự kiện đánh dấu 20 năm ngày cựu thuộc địa của Anh này được trao trả lại cho Trung Quốc.

“Bất kỳ nỗ lực nào nhằm gây nguy hại cho chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, thách thức quyền lực của chính quyền trung ương … hoặc sử dụng Hong Kong để thực hiện các hoạt động thâm nhập và phá hoại đại lục là một hành động vượt qua lằn ranh đỏ và hoàn toàn không thể được cho phép,” ông Tập nói.

Ông không nói những hành động nào có thể cấu thành một thách thức đối với thẩm quyền của Bắc Kinh, nhưng trong những năm gần đây có nỗi tức giận đang gia tăng đối với điều mà nhiều người xem là Trung Quốc trì hoãn những lời hứa cho phép nhà lãnh đạo của họ được bầu cử trực tiếp. Điều này đã dẫn tới những lời kêu gọi dân chủ và thậm chí độc lập.

Trong bài phát biểu của mình, ông Tập nói rằng ông trông cậy vào chính quyền mới ở Hong Kong hàn gắn sự chia rẽ trong xã hội, tạo ra những cơ hội mới và giải quyết các vấn đề kinh tế và sinh kế.

Ông thừa nhận rằng việc thực hiện mô hình “một quốc gia, hai chế độ” đang đối mặt với những thách thức và Hong Kong vẫn chưa tạo dựng được sự đồng thuận về điều mà ông gọi là “một số vấn đề chính trị và pháp lý quan trọng.”

Ngăn chặn sự đồng thuận

Đối với những người tập hợp trên đường phố hôm thứ Bảy, không phải Hong Kong thiếu sự đồng thuận mà là Bắc Kinh đang ngăn chặn điều đó xảy ra.

Trong số những người có mặt trong cuộc tập hợp là một học sinh trung học tên Hong. Tuần hành với những người khác, trẻ có già có, và cầm một biểu ngữ to màu đen viết “Tôi muốn tuyển cử phổ thông thật sự,” cô nói ông Tập Cận Bình biết người dân Hong Kong muốn gì, nhưng ông giả vờ không hiểu.

“Người dân Hong Kong muốn tự do, chúng tôi muốn một quốc gia, hai chế độ [thật sự], nhưng ông ấy đã không giữ lời hứa,” cô nói.

Tại cuộc tập hợp, người biểu tình đưa ra nhiều đòi hỏi, từ bầu cử trực tiếp cho tới quyền của người tàn tật và người nhập cư nước ngoài. Rất nhiều người mang hình ảnh hoặc đeo sticker kêu gọi phóng thích vô điều kiện người đoạt giải Nobel Hòa bình Lưu Hiểu Ba.

Người biểu tình tuần hành trên đường phố Hong Kong, ngày 1 tháng 7, 2017.

Người biểu tình tuần hành trên đường phố Hong Kong, ngày 1 tháng 7, 2017.

Đầu tuần này, tin cho hay ông Lưu, người đang chịu bản án 11 năm tù vì bày tỏ quan điểm của ông về dân chủ và cải cách chính trị, được chẩn đoán mắc bệnh ung thư gan giai đoạn cuối. Ông được thả ra trước thời hạn vì lý do y tế nhưng vẫn bị kiểm soát chặt chẽ.

Theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ” vốn đóng vai trò then chốt trong việc đàm phán trao trả Hong Kong, thành phố này được bảo đảm sẽ tiếp tục được hưởng các quyền tự do báo chí, ngôn luận cũng như pháp trị. Những chuẩn mực mà Trung Quốc vẫn còn thua kém.

Chia rẽ gia tăng

Nhưng một số người đã trở nên tức giận với điều mà họ xem là sự can thiệp ngày càng nhiều của Bắc Kinh trong các vấn đề nội bộ của Hong Kong. Dòng vốn và nhân công từ đại lục ồ ạt đổ vào thành phố cảng này đã tác động đến xã hội từ công ăn việc làm và cơ hội cho tới giá nhà tăng vọt.

Kể từ khi Hong Kong được trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997, nền kinh tế của thành phố cảng đã chứng kiến tăng trưởng hết sức to lớn, nhưng không phải ai cũng hưởng lợi từ sự bùng nổ này. Hong Kong là một trong những nơi có cách biệt giàu nghèo lớn nhất thế giới.

Nhà lãnh đạo mới của Hong Kong, Lâm Trịnh Nguyệt Nga, người đã được Bắc Kinh chấp thuận từ trước, được giao nhiệm vụ hàn gắn chia rẽ và ngờ vực giữa công chúng và chính phủ, cả ở Trung Quốc lẫn ở nhà. Trong bài phát biểu sau buổi lễ tuyên thệ, bà Lâm nói về việc đẩy mạnh giáo dục, dù bà nhấn mạnh những thành tích mà Hong Kong đã đạt được.

Bà Lâm nói rằng các kế hoạch đang được xúc tiến để ưu tiên gần 700 triệu đôla một năm ngân quỹ bổ sung cho giáo dục. Bà cũng nói Hong Kong sẽ thúc đẩy phát triển công nghệ canh tân và các ngành công nghiệp sáng tạo, điều mà nhiều người VOA nói chuyện trong tuần này đều nói rằng đang hết sức cần.

Giáo dục về Trung Quốc

Bài diễn văn của ông Tập cũng đề cập đến điều mà ông nói là nhu cầu tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức của công chúng về lịch sử và văn hoá quốc gia Trung Quốc. Ông cũng nói về nhu cầu giáo dục yêu nước cho những người trẻ tuổi Hong Kong.

Trong số những người mà VOA nói chuyện tại cuộc tập hợp, tất cả họ đều rất hoài nghi về những nỗ lực dạy lịch sử Trung Quốc cho người dân Hong Kong. Một số người cũng băn khoăn làm thế nào mà Trung Quốc có thể gợi ý rằng Hong Kong học thêm về lịch sử, vì nhiều chủ đề vẫn còn là điều cấm bàn luận ở đại lục.

Một người cha, tham gia cuộc tụ tập với vợ và đang đẩy xe em bé, nói rằng những lời kêu gọi về giáo dục của Trung Quốc là mối lo ngại lớn, đặc biệt khi con của anh sắp sửa vào trường tiểu học.

“Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng kiểm soát các phương pháp giáo dục. Họ muốn thay đổi tiếng của chúng tôi. Họ muốn chúng tôi nói tiếng Quan Thoại hơn, nhưng chúng tôi sinh ra ở đây và nói tiếng Quảng Đông, và chúng tôi rất khó chịu về chuyện này,” anh nói.

Ukraine quy trách nhiệm các cơ quan an ninh của Nga về một vụ tấn công mạng.

0

 

Cơ quan an ninh của Ukraine, SBU, nói trong một thông cáo hôm thứ Bảy rằng vụ tấn công có những nét tương đồng với những vụ tấn công tin tặc trước đây nhắm vào cơ sở hạ tầng của Ukraine do các cơ quan an ninh Nga thực hiện.

“Các dữ liệu có sẵn, bao gồm những dữ liệu có được nhờ hợp tác với các công ty chống virus quốc tế, cho chúng tôi lý do để tin rằng cùng những nhóm tấn công tin tặc có dính líu trong vụ tấn công này, mà vào tháng 12 năm 2016 đã tấn công hệ thống tài chính, các cơ sở giao thông vận tải và năng lượng của Ukraine, sử dụng TeleBots và BlackEnergy,” thông cáo nói.

Nga phủ nhận có dính líu trong vụ tấn công hồi gần đây khiến hoạt động tại các công ty lớn và các cơ quan chính phủ ở hơn 60 quốc gia trên thế giới bị đình trệ. Các tin tặc mã hóa dữ liệu trên máy tính bị nhiễm virus và đòi chủ sở hữu trả tiền để chuộc lại dữ liệu.

Giám đốc Europol Rob Wainwright gọi vụ tấn công tin tặc hôm thứ Ba là “một vụ tấn công bằng phần mềm đòi tiền chuộc nghiêm trọng khác.” Ông nói có những nét tương đồng với vụ tấn công tin tặc WannaCry trước đó, nhưng nó cũng cho thấy những chỉ dấu của “khả năng tấn công phức tạp hơn nhằm khai thác một loạt những lỗ hổng.”

Vụ tấn công tin tặc WannaCry đã lan truyền phần mềm đòi tiền chuộc tới các bệnh viện trên khắp nước Anh vào tháng 5, khiến bệnh viện phải chuyển hướng xe cứu thương và hủy các ca phẫu thuật. Chương trình này đòi một khoản tiền chuộc để mở khóa truy cập vào các tập tin được lưu giữ trên các máy bị nhiễm virus.

Các nhà nghiên cứu cuối cùng tìm ra được một cách để chặn đứng vụ tấn công, nhưng chỉ sau khi khoảng 300 người đã nộp tiền chuộc.

Vụ tấn công tin tặc mới nhất phần lớn đã được kìm tỏa, nhưng bây giờ một số nhà nghiên cứu đang đặt câu hỏi về động cơ đằng sau vụ tấn công này. Họ nói rằng nó có thể không phải được thiết kế để thu tiền chuộc mà chỉ đơn giản là để hủy dữ liệu.

(Nếu không vào được VOA, xin hãy dùng đường link vn510.com hoặc vn73.com để vượt tường lửa)

Đã đến lúc cách mạng dân chủ xảy ra

Lê Minh Nguyên

Theo báo Công An Nhân Dân ngày Thứ Năm 29/6/2017, Tòa Án Nhân Dân tỉnh Khánh Hòa đã tuyên phạt Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (blogger Mẹ Nấm) 10 năm tù về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” theo quy định tại khoản 1 điều 88 Bộ Luật Hình Sự.

Điều 88(1) có mức án tù từ 3 đến 12 năm và họ tuyên án ở mức cận tối đa. Họ truy tố NQ cả ba tội trong khoản 1 này: 88(1)(a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; 88(1)(b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân; 88(1)(c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Qua bài báo của CAND, Quỳnh bị kết án nặng nề vì những việc làm sau đây:

– “sử dụng facebook cá nhân để soạn thảo, đăng tải… chia sẻ nhiều bài viết”

– “trả lời phỏng vấn báo chí và truyền thông nước ngoài”

– “khai thác thông tin trên các báo điện tử về 31 trường hợp người chết xảy ra trong và sau khi nghi can làm việc với cơ quan công an”

– “kêu gọi mọi người tham gia hoạt động ‘Dã ngoại nhân quyền’”

– “khởi xướng, kêu gọi mọi người tham gia cái gọi là ‘Chiến dịch tranh đấu cho tự do, dân chủ, nhân quyền 2015′”

Đây là những việc làm ôn hòa và hết sức bình thường trong một đất nước bình thường, nhưng ở Việt Nam thì lại là một tội phạm hình sự với án nặng nề hơn tội giết người hay tội tham nhũng của cán bộ.

Trong khoa học tự nhiên, khoa học xã hội hay trong thần học, luật “tác lực sẽ gây ra phản lực” (A–>R hay Actions Arrow Reactions) hay luật nhân quả (the Law of Karma) cho thấy cách mạng dân chủ ở Việt Nam đã gần kề. Lực sẽ gây ra phản lực và lực càng tàn bạo thì phản lực sẽ đánh ngã kẻ bạo tàn.

Ông Nguỵ Kinh Sinh, được coi là cha đẻ của phong trào dân chủ TQ, nhận xét rằng: Lịch sử đã chứng minh, bất kỳ cuộc cách mạng thành công nào trong việc lật đổ chế độ hay thay đổi triều đại, nó chỉ thành công khi có áp lực từ hai hoặc thậm chí ba phía. Đầu tiên là sự tích lũy các mâu thuẫn xã hội qua nhiều năm, khi ý chí phản loạn của dân chúng cứ tăng dần rồi vượt qua giới hạn của cái trật tự có thể chịu đựng được. Cái áp lực đó được người dân Trung Quốc cổ thời gọi là ý dân (the usable power of the people).

Áp lực thứ hai là sự chia rẽ trong hàng ngũ giai cấp cầm quyền, khi những mâu thuẫn nội bộ đã hết sức trầm trọng không thể nào hàn gắn được. Đôi khi có thêm một áp lực thứ ba; tức áp lực bên ngoài tham gia vào, chẳng hạn như năm 1644 khi giới Quan lại (Mandarins) ở mạng đông-bắc TQ tiến về nam đưa đến việc kết thúc sự cai trị của nhà Minh.

Ba điều kiện trên hiện nay Việt Nam đang có.

Việc kết án Quỳnh 10 năm tù làm cho ly nước cách mạng dân chủ đang nửa vơi đã biến thành đầy, chỉ cần một vài giọt nước nhỏ nữa để khai ngòi thì nó sẽ tràn ly cho một cuộc cách mạng dân chủ.

Nó đã làm cho khả năng chịu đựng của nhân dân với cái trật tự khắc nghiệt của xã hội do Đảng CSVN tạo ra đã không thể chịu đựng hơn được nữa. Sự tích lũy các mâu thuẩn xã hội đã hơn 70 năm ở Miền Bắc và hơn 40 năm ở Miền Nam, nơi mà trước đây chưa từng xảy ra một hệ thống độc tài khắc nghiệt như vậy, nơi mà nếp sống tự do dân chủ đã thành một nề nếp, một văn hoá chính trị. Thời gian đã đủ dài để sự tích luỹ các mâu thuẩn xã hội do chế độ gây ra cao lên chất ngất, để ý chí phản loạn muốn thay đổi trật tự của dân chúng vượt qua giới hạn của cái trật tự hiện hành mà nhân dân không thể kiên kham.

Đây là tiếng gọi non sông của trí thức tầm cao ở Việt Nam, những người mà giới trẻ và quần chúng coi như là khối óc (mentors) và lãnh đạo, để đóng góp vai trò và sứ mệnh lịch sử của mình, xăn tay áo huy động và hướng dẫn quần chúng cho một phong trào chính trị.

Đây là lúc nhân dân cần sự lãnh đạo của trí thức trong nước, cần sự lãnh đạo sâu sắc, kinh nghiệm và có năng lực tối thiểu cho một cuộc cách mạng dân chủ. Đây là lúc để chuẩn bị cho sự đứng lên của nhân dân ba miền Bắc Trung Nam, cùng một lúc cùng một lòng để giành lại sự sinh tồn cho dân tộc trước hoạ diệt vong từ môi trường sống cho đến hiểm hoạ nội cướp, ngoại xâm.

Hiện nay các mâu thuẫn trầm trọng trong nội bộ của giai cấp thượng tầng, của các nhóm lợi ích, của hàng ngũ lãnh đạo Đảng CSVN đã đến mức tột cùng cho sự thay đổi. Các tranh chấp không còn giữ trong nội bộ như xưa nữa mà đã kéo quần chúng vào, dẫn đến việc lâu nay nổ bên trong hệ thống (implosions) đang trở thành nổ tung ra bên ngoài cho vỡ hệ thống (explosions).

Ông TBT Nguyễn Phú Trọng tìm cách đuổi tận giết tuyệt phe ông Nguyễn Tấn Dũng và đè bẹp đám cán bộ Miền Nam đã làm tăng thêm căng thẳng vùng miền đến mức độ vô cùng ngột ngạt trong Đảng. Một đại bộ phận cán bộ Đảng đang bị hèn và bị nhục. Nó làm cho bất cứ một xử lý mềm mỏng nào của phe yếu thế sẽ đồng nghĩa với sự tự sát.

Những mũi nhọn mà ông Trọng tấn công ông Dũng như vụ Trịnh Xuân Thanh, Vũ Huy Hoàng, Vũ Đình Duy-nhà máy sợi Đình Vũ, Đinh La Thăng, Mobilephone, xây dựng ven biển Phú Quốc… cũng như tình trạng các ông Nguyễn Văn Bình, Tô Lâm đang nằm trong tầm ngắm, nằm trong mục tiêu thu tóm và cũng cố quyền lực mà ông Trọng sẽ thực hiện trong Hội Nghị Trung Uơng 6 vào Tháng Muời năm nay, để ông ngồi suốt nhiệm kỳ 5 năm, nhất thể hoá (Tổng Bí Thư kiêm Chủ Tịch Nước) và đưa người của ông lên trong Đại Hội 13 năm 2021. Dĩ nhiên các phe bị ông đè bẹp không ngồi yên chịu trận, và khi cách mạng dân chủ xảy ra, lịch sử cho thấy, một số của họ sẽ chạy về phía quần chúng.

Trong khi đó người Mỹ gốc Việt có tiếng nói và ảnh hưởng lớn hơn trong chính sách của Hoa Kỳ với Việt Nam, họ biết cách vận động hơn để HK dù dưới bất kỳ một tổng thống nào cũng không thể khước từ và nhanh chóng lên tiếng ủng hộ khi cách mạng dân chủ nổ ra.

Ông Nguỵ Kinh Sinh hồi đầu Tháng Sáu 2017 cho biết rằng nội tình Đảng Cộng Sản Trung Quốc đang nát bét, Đại Hội 19 dự trù vào mùa thu này không chắc sẽ tổ chức được đúng thời điểm. Tỷ phú địa ốc Quách Văn Quý đang bị CSTQ truy nã (đang ở New York) thường xuyên liên lạc ông với mong muốn TQ có cách mạng dân chủ.

Tập Cận Bình muốn làm Mao Trạch Đông 2 nhưng không đủ khả năng và tầm vóc. Vương Kỳ Sơn, cánh tay mặt của Tập và đang cầm quyền sinh sát, nay là gánh nặng của Tập vì bỏ thì sập mà mang thì hoạ. Cánh Thượng Hải đang vùng dậy. Cánh Lý Khắc Cường và Đoàn Thanh Niên CS đang buông bỏ Tập. Tập vì cần người trung thành nên tìm cách thăng tiến cực nhanh tay chân mình như đưa Thái Kỳ vào Bộ Chính Trị và làm Bí Thư Bắc Kinh tuy chưa phải là trung ương uỷ viên, dù là dự khuyết, hay Vương Tiểu Hồng làm Thứ Trưởng Bộ Công Vụ, Phó Thị Trưởng kiêm Giám Đốc Công An Bắc Kinh.

Theo ông Nguỵ, Việt Nam nên tận dụng giai đoạn này để thay đổi thể chế chính trị mà TQ không thể nào can thiệp được dù có muốn. Theo ông, VN có cửa sổ cơ hội hai năm để làm cách mạng dân chủ vì đó là hai năm mà TQ loạn lạc chính trị và không phe nhóm nào dám có chủ trương can thiệp vào nội bộ VN để mang lấy rủi ro chính trị.

Thời điểm nhân dân muốn thay đổi vận mệnh đã đến, nội bộ thượng tầng Đảng CSVN đã chia rẽ đến mức phải vỡ ra chứ không thể hàn gắn được, người Việt hải ngoại đang một lòng hổ trợ trong nước đứng lên cho sự sinh tồn của dân tộc, các nước dân chủ nhất là Hoa Kỳ không thể làm ngơ khi cách mạng xảy ra. Dù ngày tháng chưa định nhưng năm thì đã gần kề. Khi các tinh tú thẳng hàng thì một vận hội mới cho dân tộc sẽ xảy ra.

Vì sao Thủ tướng Đức không tiếp ông Nguyễn Xuân Phúc ?

0
Trung Khoa – Thoibao.de 

Trên hai mươi nước rầm rộ đổ người vào các trung tâm hội nghị. Bộ phận lễ tân của Chính phủ Đức hoạt động hết công suất, lại thêm đợt mưa lụt đang diễn ra ở miền Bắc nước Đức làm công tác điều hành trở nên rắc rối hơn. Lực lượng cứu hỏa Berlin đã phải đưa hiện trạng thành phố  vào “ tình trạng đặc biệt “ bởi các thiệt hại do thiên nhiên gây ra ở đây.

Nhiều đoàn công tác, tiền trạm của Chính phủ Việt Nam cũng đã có mặt để chuẩn bị cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang dự Hội nghị thượng đỉnh G20 và kết hợp thăm nước Đức từ ngày 5.7 tới, những ly rượu đắt tiền bắt đầu leng keng trong khu chợ Đồng Xuân của người Việt ở Berlin.

Sau khi sang Trung Quốc vào cuối năm 2016, gần đây nhất vào cuối tháng 5.2017 ông Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyển đi Mỹ, gặp gỡ vị Tổng thống Trump và nêu mong muốn nhận được thêm viện trợ, đầu tư của nước cựu thù này vào Việt Nam, với bản chất của một người kinh doanh, hẳn ông Trump đã đặt điều kiện trao đổi không dễ chịu gì mà ông Phúc sẽ cần có thời gian để bàn thảo và thuyết phục các “đồng chí “ của mình thực hiện được phần nào những cam kết đó.

Việc bắt giữ và giam cầm những người bất đồng quan điểm với đảng là chuyện thường ngày ở Việt Nam, nhưng dường như có bàn tay đen tối nào đó trong bộ máy lãnh đạo đang cố tình phá hoại nỗ lực “ Kiến tạo “ của ông Nguyễn Xuân Phúc, khi ngay trước chuyến đi Đức ít ngày dự Hội nghị thượng đỉnh G20, họ đã cho tước quốc tịch của giáo sư Nguyễn Minh Hoàng và xét xử vội vã Bloger Mẹ Nấm – chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh để tuyên một cái án thật nặng là 10 năm tù giam cho người mẹ đang nuôi 2 con nhỏ.

Vụ việc đã gây sững sờ cho dư luận trong và ngoài nước. Chính phủ Việt Nam đã bị nhiều nước thuộc khối G20 ra thông cáo báo chí và phản đối chính thức qua các kênh ngoại giao cũng như trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Bản thân những cán bộ đảng viên trong nước, nhiều người đã thể hiện công khai bất bình của mình về động thái vội vàng này, khi mà Việt Nam đang ngày càng hội nhập hơn với thế giới.

Bộ Ngoại giao Đức đã lập tức ra thông cáo báo chí, dẫn lời bà Bärbel Kofler, Đặc phái viên về nhân quyền của Chính phủ Đức “ phản đối Việt Nam bắt và tuyên án nặng một người phụ nữ chỉ vì họ biểu đạt ý kiến của mình về hiện tình đất nước trên trang Blog cá nhân. Điều này đi ngược với các nguyên tắc nhân quyền và vi phạm các cam kết mà Việt Nam đã ký kết với quốc tế“.

Có lẽ động thái này là một trong những nguyên nhân làm Thủ tướng Đức Merkel phải do dự và quyết định từ chối tiếp ông Nguyễn Xuân Phúc với ngôn ngữ ngoại giao là “bận“.

Việc gặp ông Phúc được chuyển sang Tổng thống Frank-Walter Steimeier tiếp xã giao, ở đây ông Phúc sẽ nhận được các câu hỏi khó trả lời, khi chính Tổng thống Đức vào tháng 4 vừa qua, đã trực tiếp trao giải Nhân quyền 2017 của Hiệp hội Thẩm phán Đức cho luật sư Nguyễn Văn Đài khi ông này đang.. ngồi trong nhà tù ở Việt Nam.

Trung Khoa – Thoibao.de 

1.Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier trao giải nhân quyền cho Luật sư Nguyễn Văn Đài ngày 5.4.2017:https://anonymouse.org/cgi-bin/anon-www.cgi/https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-case-of-lawyer-nguyenvandai-brought-up-pre-of-germany-04062017072604.html

2.Thông cáo báo chí ngày 30.6 của Bộ Ngoại giao Đức phản đối Chính phủ Việt Nam ra phán quyết 10 năm tù cho Blog Mẹ Nấm – chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh:  https://www.auswaertiges-amt.de/DE/Infoservice/Presse/Meldungen/2017/170630-MRHH_Vietnam.html

 

Tướng Ngô Xuân Lịch sẽ học Nhật và sẽ xin lỗi?

Trân Văn/ VOA: Tướng Ngô Xuân Lịch sẽ học Nhật và sẽ xin lỗi?

“Học thiên hạ, sau một số scandal, dân ta đã từng đòi Bộ trưởng Giáo dục, Bộ trưởng Y tế từ chức nhưng trước những scandal nghiêm trọng hơn (kiểu như sân golf Tân Sơn Nhất, hay chuyện hàng loạt nghi can, bị can thi nhau chết trong trại giam), chưa ai dám đòi Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Công an từ chức. Chuyện này không lạ và cũng chẳng khó hiểu vì cả hai bộ đã dư cả súng lẫn còng lại đông thuộc hạ”.

Blog VOA

Trân Văn

1-7-2017

Tướng Ngô Xuân Lịch, bìa phải. Ảnh: Reuters

Các tổ chức chính trị đối lập tại Nhật đang đòi bà Tomomi Inanda, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật từ chức vì hôm 27 tháng 6, bà đã lấy tư cách Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ Nhật (Self Defense Forces, có thể xem như quân đội Nhật – SDF), kêu gọi dân chúng Nhật bỏ phiếu ủng hộ Đảng Dân chủ Tự do (Liberal Democratic Party – LDP) – đảng đang điều hành chính quyền Nhật, trong cuộc bầu cử vào tháng tới. Những tổ chức chính trị đối lập này lập luận, về nguyên tắc, SDF phải duy trì sự độc lập về chính trị, không thể chấp nhận việc bà Inanda lợi dụng SDF để hỗ trợ cho LDP.

Dẫu bà Inanda đã xin lỗi vì lỡ lời nhưng các tổ chức chính trị đối lập tại Nhật không chấp nhận. Họ mới tiến thêm một bước, đòi ông Shinzo Abe – Thủ tướng Nhật phải nhận trách nhiệm vì đã bổ nhiệm bà Inanda làm Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Tư lệnh SDF

Chuyện đang diễn ra tại Nhật làm người ta liên tưởng đến những chuyện đã và đang diễn ra ở Việt Nam.

***

Từ đầu năm đến nay, Bộ Quốc phòng Việt Nam dính vào hàng loạt scandal.

Scandal đầu tiên là làm lá chắn cho một số doanh nghiệp liên tục moi cát trong nhiều năm ở những đoạn bờ biển xung yếu để bán cho Singapore, bất chấp sạt lở đang là tai họa nhãn tiền. Dù có những bằng chứng rất rõ ràng là những doanh nghiệp này chỉ “mua đi bán lại” quyền “nạo vét” để hưởng lợi, bán mười – khai một trốn đủ loại thuế nhưng nhờ khoác vỏ “quốc phòng”, đến nay, không có doanh nghiệp nào “mắc nạn”.

Scandal thứ hai là gây ra vụ nổi loạn ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội do thu hồi “đất quốc phòng”.

Thập niên 1960, xã Đồng Tâm từng bị thu hồi 300 héc ta đất vì Bộ Quốc phòng muốn xây dựng tại đó một xạ trường (trường bắn Miếu Môn). Thập niên 1980, xã Đồng Tâm mất thêm khoảng 54 héc ta đất nữa vì Bộ Quốc phòng muốn xây dựng thêm một phi trường quân sự tại Đồng Tâm (phi trường Miếu Môn). Tuy nhiên kế hoạch xây dựng “phi trường Miếu Môn” bất thành. Do thiếu đất canh tác, dân chúng xã Đồng Tâm đã đề nghị Lữ đoàn 28 thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân (phía được giao quản lý 54 héc đất bị thu hồi) cho họ thuê đất để trồng trọt. Từ đó, Lữ đoàn 28 sắm vai trò như địa chủ, chuyên “phát canh, thu tô”.

Theo đề nghị của chính quyền địa phương, năm 2007, Lữ đoàn 28 giao lại cho chính quyền huyện Mỹ Đức 6,78 héc ta trong dự án “phi trường Miếu Môn”, 47,3 héc ta đất còn lại vẫn bị bỏ hoang. Gần đây, Bộ Quốc phòng Việt Nam quyết định đem toàn bộ đất của dự án “phi trường Miếu Môn” giao cho Viettel – một công ty của Bộ Quốc phòng. Dân chúng xã Đồng Tâm nổi loạn vì không chấp nhận chuyện phải giao lại 6,78 héc ta đất mà Lữ đoàn 28 đã trả hồi 2007 thêm một lần nữa.

Sự bất bình âm ỉ suốt sáu năm trước chuyện Bộ Quốc phòng cương quyết giữ 157 héc ta đất ở phi trường Tân Sơn Nhất để cho Công ty Long Biên thuê làm sân golf, bất kể phi trường Tân Sơn Nhất nghẽn cả trên trời lẫn dưới đất đã bùng phát thành scandal thứ tư. Mức độ phẫn nộ của dân chúng Việt Nam trước scandal này mãnh liệt tới mức, một Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phải hứa: “Quân đội sẽ không làm kinh tế nữa”! Trước viễn cảnh sẽ không còn phải nhìn thấy quân xa chở hàng lậu, các doanh trại trở thành kho chứa hàng cấm, Bộ Quốc phòng Việt Nam thôi làm con rối múa may dưới tác động của chủ một số doanh nghiệp, cả báo chí lẫn dân chúng đồng loạt hoan hô.

Tuy nhiên tiếng vỗ tay chưa dứt thì scandal thứ năm bùng lên. Sau khi người sử dụng Internet tại Việt Nam chia sẻ với nhau những tấm ảnh chụp cảnh ba núi đá vôi ven vịnh Hạ Long, vốn bất khả xâm phạm vì thuộc khu vực đã được UNESCO xác định là “di sản thiên nhiên của thế giới” đang bị băm ra để lấy vôi, ngày 28 tháng 6, ông Vũ Văn Hợp, Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, to63 chức họp báo để phân biện, ba núi đá vôi đang bị phá nằm trên “đất quốc phòng”, do Lữ đoàn 170 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân CSVN quản lý. Việc phá ba núi đá vôi là nhằm thực hiện một “công trình quốc phòng” đã được Bộ Quốc phòng Việt Nam phê duyệt. Chính quyền tỉnh Quảng Ninh không can dự.

Theo ông Hợp, Bí thư tỉnh Quảng Ninh đã phê bình và yêu cầu Lữ đoàn 170 tạm ngưng phá núi lấy vôi, đồng thời đã đề nghị Bộ Quốc phòng phối hợp giải quyết việc thực hiện “công trình quốc phòng” vừa kể.

Ngay sau scandal thứ năm là scandal thứ sáu, Ủy ban nhân dân quận Tân Bình cấp báo và đề nghị chính quyền thành phố Sài Gòn kiểm tra ngay doanh trại của Sư đoàn 370 Không quân vì sư đoàn này đã lấy đất của phi trường Tân Sơn Nhất giao cho một số doanh nghiệp xây dựng các khu giải trí, dịch vụ mà không hề xin phép. Chính quyền quận Tân Bình giải thích thêm, sở dĩ họ phải cấp báo vì họ không được phép vào “khu vực quân sự” để kiểm tra!

***

Đã có rất nhiều người bảo rằng, sở dĩ Bộ Quốc phòng Việt Nam liên tục vướng vào đủ thứ scandal là vì được phép “làm kinh tế”. Nhiều người khác bảo rằng, quân đội được phép “làm kinh tế” chỉ là một vế trong một mệnh đề lớn hơn. Đó là Đảng CSVN dung dưỡng cho quân đội nói riêng, lực lượng vũ trang nói chung là vì cần duy trì sự trung thành của lực lượng này đối với mình. Thiếu sự trung thành ấy làm sao có thể duy trì mong muốn “muôn năm trường trị, nhất thống giang hồ”.

Không may cho chúng ta là dù chẳng giống ai nhưng tại Việt Nam, chuyện lực lượng vũ trang (gồm cả quân đội lẫn công an) công khai thề trung thành với Đảng CSVN vẫn còn được xem như đương nhiên. Đem chuyện đó so với thiên hạ, nêu thắc mắc hay đề nghị chỉ chuốc thêm phiền hà. Học thiên hạ, sau một số scandal, dân ta đã từng đòi Bộ trưởng Giáo dục, Bộ trưởng Y tế từ chức nhưng trước những scandal nghiêm trọng hơn (kiểu như sân golf Tân Sơn Nhất, hay chuyện hàng loạt nghi can, bị can thi nhau chết trong trại giam), chưa ai dám đòi Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Công an từ chức. Chuyện này không lạ và cũng chẳng khó hiểu vì cả hai bộ đã dư cả súng lẫn còng lại đông thuộc hạ.

Hồi đầu tháng 6, khi đến thăm Nhật, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chính thức nhờ Nhật bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là “lãnh đạo cấp chiến lược” của Việt Nam. Theo Thông tấn xã Việt Nam thì chuyện bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo của Việt Nam đã chính thức trở thành một trong những thỏa thuận liên quan đến hợp tác Việt – Nhật để “phát triển nguồn nhân lực”. Khi nhờ Nhật bồi dưỡng đã trở thành “chủ trương của Đảng và Nhà nước”, nhân chuyện mới xảy ra tại Nhật với bà Inanda, có thể đề nghị Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam hướng sang Nhật học một chút những chuyện mà hệ thống trường Đảng chưa dạy, đó là xin lỗi đồng đội, đồng chí, đồng bào vì chưa chu toàn trách nhiệm, để xảy ra nhiều hậu quả nghiêm trọng không?

Bạn nghĩ sao về đề nghị này? Nó có quá đáng đến mức không thể chấp nhận được hay không?