Home Blog Page 1359

Bản án 10 năm đối với Mẹ Nấm: trò kiếm vốn để đi buôn chính trị của CSVN

Dân Làm Báo
Vũ Đông Hà (Danlambao) – Thủ đoạn bắt người, bỏ tù để dùng đó làm món hàng đổi chác trong thương thảo quốc tế của CSVN không có gì mới. Blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh chỉ là nạn nhân mới nhất trong ván bài mặc cả của CSVN đối với Hoa Kỳ để ra vẻ có một nhượng bộ về nhân quyền nhằm đổi lấy đầu tư của Mỹ.
Khi vinh danh Mẹ Nấm là một trong những phụ nữ quốc tế can đảm, khi đích thân bà Melania Trump có mặt tại buổi lễ vinh danh do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức, Mẹ Nấm đã trở thành “món hàng đắt giá” để CSVN đem rao bán với Hoa Kỳ.

Suốt gần 8 tháng, kể từ khi bắt giam Mẹ Nấm vào ngày 10/10/2016, CSVN đã dùng Mẹ Nấm để “gom góp vốn liếng làm ăn”. Đó là: (1) bỏ tù không định thời hạn, (2) không cho gia đình gặp mặt và (3) không cho phép chính thức có luật sư.

Ba “cái vốn” trên được tạo dựng trên những khổ đau của người tù và những lo lắng khôn nguôi của người thân trong gia đình của Quỳnh.

Ba “cái vốn” trên đã được đem lên bàn đổi chác khi Nguyễn Xuân Phúc vận động để được qua Hoa Kỳ gặp Donald Trump.

Ba “cái vốn” trên đã được Hoa Kỳ đòi hỏi và CSVN đương nhiên chấp nhận.

Kết quả: Nguyễn Xuân Phúc kiếm được hơn 20 hợp đồng với tổng giá trị khoảng 10 tỉ đô la.

2 ngày sau khi rời Mỹ với 20 hợp đồng, 10 tỉ đô la, Nguyễn Xuân Phúc “trả nợ” cho Hoa Kỳ bằng cách “tháo vốn”: Ngày 02/06/2107, ra lệnh các cai tù công an Khánh Hòa cho phép Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh viết thư gửi cho 2 luật sư Võ An Đôn và luật sư Nguyễn Khả Thành để chính thức mời biện hộ cho mình; Chấm dứt tình trạng cầm tù vô thời hạn và đưa Mẹ Nấm ra xử vào ngày 29.06.2017; Cho phép bà Nguyễn Tuyết Lan vào thăm con gái vài ngày trước phiên tòa.

Tất cả vốn liếng kiếm được bằng thủ đoạn đày đọa công dân yêu nước đã được CSVN xài hết trên bàn cờ đổi chác sau chuyến đi Hoa Kỳ của Nguyễn Xuân Phúc vào cuối tháng 5.

Ngày 02/06/2017, vốn mới được tạo ra cho sự nghiệp buôn người để kiếm đô la của đảng. Đó là bản án 10 năm đổ lên đầu Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. 10 năm tù đóng vào cuộc đời của người được vinh danh phụ nữ can đảm cũng được dùng để làm tổn thương danh dự của bà vợ ông tổng thống Hoa Kỳ nếu Donald Trump không nhượng bộ để rửa mặt cho vợ. Với cái “vốn 10 năm tù đày”, CSVN sẽ mở đường cho cuộc đổi chác đợt hai: đề nghị Hoa Kỳ chấp nhận cho cả 3 mẹ con sang Mỹ sau khi CSVN trục xuất Quỳnh.

Màn đổi chác này sẽ không thành công nếu bản án chỉ kéo dài 2-3 năm. Mẹ Nấm là người hoạt động ôn hòa, mềm dẻo nhưng rất cương quyết, không bao giờ bỏ lại quê hương tang tóc sau lưng để tìm một lối thoát riêng cho cá nhân. Mẹ Nấm cũng là một người mẹ thương 2 con mình một cách tha thiết và sâu đậm. An ninh cộng sản biết rõ 2 điều trên.

Do đó, chỉ có bản án dài 10 năm tù thì CSVN lẫn Hoa Kỳ mới có hy vọng thuyết phục Mẹ Nấm đồng ý ra khỏi tù để xum họp với 2 con nhỏ và chấp nhận sống đời lưu vong.

Ngày 29 tháng 6 năm 2017 chỉ là khởi đầu cho giai đoạn 2 của cuộc thương thảo làm ăn giữa Hà Nội và Washington.

“Món hàng” đổi chác là tự do và tình mẫu tử của một người mẹ với 2 đứa con nhỏ.

“Món hàng” đó mang tên: Nguyễn Ngọc Như Quỳnh-Nguyễn Bảo Nguyên-Nguyễn Nhật Minh.

30.06.2017

CHUYỆN CỦA QUỲNH, CHUYỆN CỦA CHÚNG TA.

Phạm Thanh Nghiên

(Linh mục Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong)

Bản án 10 năm tù mà nhà cầm quyền Hà Nội áp đặt cho chị Maria Mađalêna Nguyễn Ngọc Như Quỳnh – Mẹ Nấm, trong một phiên xử kết thúc chóng vánh ngày 29/6, trong đó các luật sư không được tham gia tranh luận trong quá trình bào chữa, gia đình người thân không được tham dự phiên tòa, mọi ngả đường dẫn tới phiên tòa công khai đều bị bịt kín…đã nói lên tất cả sự khuất tất của một vụ án chính trị được dựng lên nhằm bịt miệng những nhà hoạt động xã hội đối lập.

Mức án mười năm tù cho một tội trạng mơ hồ “tuyên truyền chống nhà nước Xã hội Chủ nghĩa” với những chứng cớ rời rạc thể hiện qua Bản Cáo trạng và qua quá trình tố tụng cũng như quá trình xét xử, ngay lập tức đã khiến công luận dậy sóng.
Trước phiên xử, nhiều người đã dự đoán phần nào mức án mà nhà cầm quyền sẽ áp đặt cho Mẹ Nấm nhưng không ai có thể nghĩ được nhà cầm quyền lại có thể áp đặt một mức án phi nhân tính như thế cho một công dân chỉ muốn xã hội tiến bộ, nhất là áp đặt bản án cho một người mẹ đang nuôi hai con nhỏ.
Từ Hoa Kỳ, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Heather Nauert đã lên tiếng về việc kết án Nguyễn Ngọc Như Quỳnh:
“Chúng tôi quan ngại sâu sắc về các phiên tòa của Việt Nam và việc kết án người được trao Giải thưởng Phụ nữ Quốc tế Can đảm 2017 và blogger ôn hòa Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Cô còn được gọi là “Mẹ Nấm”. Cô đã bị kết án 10 năm tù với buộc tội mơ hồ tuyên truyền chống nhà nước. […]

Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam thả Mẹ Nấm và tất cả các tù nhân lương tâm ngay lập tức và cho phép tất cả cá nhân tại Việt Nam tự do thể hiện quan điểm của mình và tụ họp ôn hòa mà không lo sợ bị trừng phạt. Chúng tôi đã chứng kiến một số bước tích cực về nhân quyền tại Việt Nam trong vài năm qua. Tuy nhiên, xu hướng gia tăng các vụ bắt giữ và kết án các biểu tình ôn hòa kể từ đầu năm 2016 rất đáng lo ngại. Sự tiến bộ về nhân quyền sẽ cho phép quan hệ đối tác Hoa Kỳ-Việt Nam đạt được tiềm năng tối đa.”

Không chỉ có Hoa kỳ hay Pháp, Đức kêu gọi trả tự do cho Mẹ Nấm, người đại diện Liên Minh Châu Âu tại Việt Nam ông Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đã tỏ ra quan ngại về sự thụt lùi về nhân quyền qua cách hành xử khuất tất của nhà cầm quyền Việt Nam trong vụ án Nguyễn Ngọc Như Quỳnh:

“Việc kết án 10 năm tù giam bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh vào ngày hôm qua sau khi bà biểu đạt ý kiến của mình về các vấn đề môi trường và xã hội một cách ôn hoà mâu thuẫn trực tiếp với Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam là một thành viên, trong đó quyền tự do ý kiến và tự do biểu đạt được ghi nhận là những quyền cơ bản, không thể thiếu được đối với phẩm giá và sự mãn nguyện cá nhân của mọi người, cũng như Điều 25 của Hiến pháp Việt Nam. Việc luật sư của bà chỉ được phép gặp bà vài ngày trước đây để chuẩn bị bào chữa cho bà đã đặt ra một câu hỏi về quyền đối với quy trình bào chữa thỏa đáng mà mỗi người Việt Nam được hưởng theo quy định pháp luật.

Quyết định của các cơ quan có thẩm quyền Việt Nam không cho phép các đại diện của Phái đoàn EU cũng như của các đại sứ quán các nước thành viên EU quan sát phiên xét xử đã đặt dấu hỏi về sự minh bạch của quá trình xét xử. Liên minh châu Âu kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.”

Bên cạnh đó, các tổ chức nhân quyền, trong đó có Human Rights Watch của Mỹ (HRW ) gọi cáo buộc của tư pháp Việt Nam là “quá đáng” và yêu cầu thả Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ngay lập tức.

Một ngày trước khi phiên tòa diễn ra tổ chức bảo vệ nhà báo Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) của Pháp cũng đã kêu gọi Việt Nam hủy bỏ phiên tòa và trả tự do vô điều kiện cho blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, đồng thời yêu gọi nhà chức trách Việt Nam ngưng sử dụng điều 88 bộ Luật Hình Sự để ngăn cản mọi lời chỉ trích chính quyền.

Có thể thấy, đây là lần đầu tiên một vụ án chính trị gây được sự quan tâm của báo giới quốc tế cũng như của nhiều tổ chức dân sự, chính phủ các quốc gia, đặc biệt là của người dân trong nước.

Viết trên Fb. Hoa hậu Lưu Diễm Hương chia sẻ nỗi niềm đau xót của mình:
“Chiều nay, 29-6-2017, cũng là một người phụ nữ ra toà – một bà mẹ với 2 con nhỏ cùng 1 người mẹ già trông con gái về. Nhưng báo chí dư luận không quan tâm lắm. Nên chẳng có kì tích nào cho cái kết 10 năm…
Mà cái tội của người phụ nữ ấy là kêu gọi cái gì đó lớn hơn lợi ích bản thân, cái lợi cho cả một số đông …

Ah thì ra số đông đó họ không quan tâm và bảo vệ người nghĩ cho họ, họ chỉ quan tâm thương xót cho một người phụ nữ yêu một người đàn ông nào đó vì tiền, và vì tiền nên ra toà!
Tôi không phê phán ai , nhưng giá như công luận nên bình tĩnh hơn trong vấn đề ca ngợi một ai đó!

Là phụ nữ – là một người mẹ, Tôi xót xa và ca ngợi chị đã can đảm mà nói lên điều đúng đắn theo quan điểm của mình cho cộng đồng, để rồi con nhỏ của chị bơ vơ chờ Mẹ về! Vâng ” ANH HÙNG ” là phải như vậy ! KHÍ CHẤT là phải như vậy a!”
Nhìn từ một khía cạnh khác về trách nhiệm của cộng đồng trước bản án bất công dành cho Mẹ Nấm cũng như cho tất cả những nhà đấu tranh cho một Việt Nam dân chủ, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh chia sẻ:
“Chúng ta là người Việt. Bảo vệ và dựng xây đất nước này là trách nhiệm chung của tất cả chúng ta.
Vì thế, tôi thấy mình mắc nợ với em ấy. Với tất cả những ai đã phải trả giá để đấu tranh cho sự phát triển của đất nước.
Và mỗi người chúng ta cần phải trả món nợ ấy theo cách của mình.”

Vụ án xét xử Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh khép lại giai đoạn đầu với mức án 10 năm sơ thẩm cho một người mẹ vì khát vọng dân chủ đã bị tước mất quyền làm mẹ với hai con nhỏ, thực sự đã gây nhiều nhức nhối. Nhiều người cho rằng, mức án 10 năm mà nhà cầm quyền áp đặt cho Quỳnh là một cái tát vào ngành tư pháp. Người khác cho rằng nhà cầm quyền đưa ra mức án 10 năm là mức hạn định để trao đổi với các quốc gia tiến bộ, đồng thời có thể đẩy Mẹ Nấm ra định cư nước ngoài. Dù thế nào, có một điều chắc rằng bản án 10 năm tù dành cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, không những không làm cho người dân sợ hãi như mong muốn của nhà cầm quyền, nhưng lại làm cho người dân mạnh mẽ và đoàn kết hơn trong công cuộc kiến tạo một Việt Nam tự do.

Để kết luận, xin lấy lại những lời sau cùng của Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh trước tòa:
“Mỗi người chỉ có một cuộc đời nhưng dù được làm lại con vẫn sẽ làm như vậy và con tin mẹ và các con sẽ không bao giờ phải hối hận mà sẽ tự hào vì con.

Tôi mong muốn xây dựng một xã hội và đất nước tốt đẹp. Một quốc gia chỉ tự cường khi nó luôn gắn liền với nền tảng một xã hội mà người dân có tự do và hạnh phúc. Người dân chỉ có tự do và hạnh phúc khi có tự do ngôn luận và quyền tự do biểu đạt những điều mình mong muốn. Tôi mong rằng mọi người sẽ lên tiếng và đấu tranh, vượt qua nỗi sợ hãi của chính bản thân mình để xây dựng một đất nước tươi đẹp hơn.”
Mong ước của Quỳnh có là mong ước của chúng ta không?

Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong, C.Ss.R.

Công An Hà Nội bắt thêm một người ‘phạm vào Điều 88’

VOA
Trần Hoàng Phúc.

Trần Hoàng Phúc, thành viên YSEALI – nhóm Sáng Kiến Lãnh Đạo Đông Nam Á do tổng thống Barack Obama thành lập – đồng thời là người tham gia vào các hoạt động dân chủ, nhân quyền, vừa bị bắt tại Việt Nam.

Thông báo về việc “bắt bị can để tạm giam,” do đại tá Trần Quốc Khánh, Công An Hà Nội, ký tên ghi ngày 3 tháng Bảy, có đoạn, Trần Hoàng Phúc “có hành vi tàng trữ tài liệu, đăng tải các video có nội dung tuyên truyền chống Nhà Nước CHXHCN Việt Nam trên mạng internet phạm vào Điều 88 Bộ Luật Hình Sự.”

Thông báo được đề gởi cho bà Huỳnh Thị Út, là thân mẫu Trần Hoàng Phúc. Thông báo cũng viết Trần Hoàng Phúc “đang bị tạm giam tại Trại Tạm Giam số 1 – Công an TP Hà Nội.”

Trần Hoàng Phúc.

Các trang thông tin trên Facebook cho biết Trần Hoàng Phúc sinh năm 1994, “đã học hết năm cuối khoa luật, trường đại học luật Tp.HCM. Vì dấn thân hoạt động dân chủ nên Phúc bị nhà trường làm khó dễ và không trao bằng tốt nghiệp.”

Trần Hoàng Phúc là thành viên nhóm sáng kiến lãnh đạo Đông Nam Á (YSEALI) do TT Obama sáng lập.

Hồi tháng Năm, 2016, trong tư cách thành viên chính thức của YSEALI, Trần Hoàng Phúc được thư mời tham dự giao lưu với ông Obama khi ông ghé thăm Sài Gòn. Tuy nhiên, phía Việt Nam đã ngăn cản, không cho Phúc vào tham dự.

Vé tham dự buổi gặp gỡ của YSEALI với TT Obama hồi tháng Năm, 2016. (Hình: Nhật Báo Người Việt)

Vé tham dự buổi gặp gỡ của YSEALI với TT Obama hồi tháng Năm, 2016. (Hình: Nhật Báo Người Việt)

Trong cuộc trả lời phỏng vấn nhật báo Người Việt khi ấy, Trần Hoàng Phúc nói phía Việt Nam “thẩm vấn tôi với các câu hỏi như: Nguyên nhân vì sao có vé mời? Thuộc tổ chức nào? Lý do vì sao có mặt ở đoàn người xếp hàng vào gặp tổng thống? Nói chung, họ muốn biết về mối quan hệ giữa tôi và các thành viên ở lãnh sự quán Mỹ tại Sài Gòn.”

Và câu trả lời là: “Chuyện tôi tham dự buổi nói chuyện của tổng thống chỉ mang tính cá nhân, vì tôi là thành viên của tổ chức YSEALI do Tổng Thống Obama sáng lập. Còn mối quan hệ của tôi với các thành viên lãnh sự quán Hoa Kỳ là mối quan hệ hợp pháp, nên tôi không có gì phải trình bày với họ về những điều này, vì nó xâm phạm đời tư của tôi.”

Thông tin trên Facebook viết rằng, Trần Hoàng Phúc là “thanh niên trẻ năng động, có bản lĩnh, tiếp cận thông tin và môi trường học hiện đại qua nhiều khóa học về kỹ năng quản trị, đàm phán và kinh doanh. Phúc có mối quan hệ rộng và có một số hoạt động thiết thực trong phong trào dân chủ: tham gia hoạt động thúc đẩy nhân quyền ở Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, tham gia cứu trợ lũ lụt miền Trung, xuống Thạnh Hóa – Long An cùng mọi người tại Phiên tòa xử án em Nguyễn Mai Trung Tuấn.”

VOA Việt Ngữ chưa liên lạc được với Công An Hà Nội và bà Huỳnh Thị Út để kiểm chứng thông tin.

Hạ viện Anh thông qua luật đóng băng tài sản người vi phạm nhân quyền trên thế giới

Sau Mỹ và Estonia, Anh có thể sớm trở thành nước thứ ba có luật đóng băng tài sản tại Anh của những người vi phạm nhân quyền ở bất kỳ đâu trên thế giới. 

Sau khoảng 5 tiếng đồng hồ tranh luận, ngày 21/2, Hạ viện Anh đã thông qua Dự luật Tài chính Hình sự (Criminal Finances Bill). Dự luật này có mục đích thắt chặt các quy định về chống nạn rửa tiền và ngăn chặn tài chính dành cho tội phạm và các tổ chức khủng bố tại Anh.

Những nội dung quan trọng của đạo luật này xuất phát từ vụ việc Sergey Magnitsky, một luật sư chống tham nhũng tại Nga, bị chính quyền Nga tống giam, ngược đãi, và bỏ mặc cho chết trong nhà tù năm 2009.

Dự luật này cần phải được Thượng viện Anh phê chuẩn nữa thì mới có hiệu lực.

Nước Anh không quên Magnitsky

Thứ trưởng Bộ Nội Vụ phụ trách an ninh nội địa Ben Wallace, người đại diện chính phủ Anh trong phiên tranh luận hôm qua, xác nhận rằng chính phủ Anh “đặc biệt quan ngại” với cái chết của luật sư Sergey Magnitsky. Theo ông Wallace, chính phủ Anh có cam kết luôn luôn phát huy và củng cố việc bảo vệ các quyền con người được thừa nhận trên toàn cầu (universal rights).

Đám tang của Sergey Magnitsky tại Nga năm 2009. Ảnh: Reuters.

Vị thứ trưởng này cũng nhắc đến Đạo luật Magnitsky được chính phủ Obama thông qua tại Mỹ năm ngoái. Ông xem đạo luật này đưa ra một tín hiệu quan trọng rằng mọi hành vi vi phạm nhân quyền đều phải gánh chịu hậu quả.

Tuy nhiên, ông Wallace nhấn mạnh rằng hệ thống luật pháp Anh quốc là một hệ thống riêng biệt, và cách mà hệ thống đó góp phần bảo vệ nhân quyền trên thế giới cũng sẽ khác.

Hạ nghị sỹ Dominic Raab, một cựu thứ trưởng thuộc đảng Bảo thủ, đề xuất một sửa đổi bổ sung mang tên Bổ sung Magnitsky để vinh danh vị luật sư dũng cảm.

Ông Raab nhấn mạnh bất công mà luật sư Magnitsky đã phải gánh chịu, bao gồm cả việc bị chính quyền Nga kết án tội lừa đảo sau khi chết.

Ông chỉ ra rằng, liên quan trực tiếp đến cái chết của Magnitsky, đã có hàng chục triệu bảng Anh tiền biển thủ, tham nhũng trong nhiều năm được tuồn từ Nga vào Anh quốc để ‘rửa’ trong khi các cơ quan nhà nước Anh vẫn bị động, chưa làm gì nhiều để ngăn chặn các dòng tiền bẩn này.

“Không có ai mong muốn Anh quốc trở thành một trung tâm cạnh tranh toàn cầu thu hút đầu tư và đón chào nhân tài quốc tế nhiều hơn tôi đây. Nhưng tôi cũng muốn chúng ta được thế giới biết đến vì sự chính trực của mình, vì sự trung thành của chúng ta với pháp quyền (rule of law) và sự tuân thủ triệt để ngay cả những nguyên tắc đạo đức cơ bản nhất của chúng ta.” – hạ nghị sỹ Raab chia sẻ.

Hạ nghị sỹ Dominic Raab (Ảnh: Richard Gardner/REX/Shutterstock)

Hạ nghị sỹ Jonathan Djanogly của đảng Bảo thủ, một cựu luật sư, thì tưởng tượngđặt mình vào vị trí của luật sư Magnitsky.

Djanogly bảo rằng ông nghĩ mình cũng sẽ làm điều Magnitsky đã làm, đứng lên cho lẽ phải. Tuy nhiên, vị hạ nghị sỹ này nhận ra rằng mình đang ‘nói dễ hơn làm’, vì khi chọn việc đứng lên, Magnitsky đã phải chọn việc chống lại cả một hệ thống tham nhũng cấu kết với nhau tại Nga: chính trị gia, quan chức nhà nước, thẩm phán, cảnh sát v.v.

“Làm sao mà Putin và băng đảng của ông ta có thể thoát tội như thế? Ít ra dưới thời cộng sản, [ở Nga] còn có một niềm tin, một hệ tư tưởng, một lý do để tồn tại, cho dù có là lầm lạc. Còn bây giờ, ở đó chẳng có một niềm tin nào, ngoài một thứ: tiền bạc” – hạ nghị sỹ Djanogly nói.

Djanogly tranh luận rằng số phận thảm thương của Magnitsky càng làm quan trọng thêm việc phải có những chế tài hữu hiệu để ‘đánh’ những cá nhân, quan chức tham nhũng, đàn áp vi phạm nhân quyền tại nơi mà họ đau nhất: túi tiền.

Trong một ngày hiếm hoi tại Hạ viện Anh, hầu như mọi đảng phái đều đồng lòng ủng hộ việc phải làm cho những người vi phạm nhân quyền không thể nào tiếp tục ung dung ‘rửa’ tiền, tiêu tiền tại Anh nữa. Tuy nhiên, câu hỏi ‘làm thế nào?’ lại vẫn gây ra tranh luận nóng bỏng.

‘Luật Magnitsky’ phiên bản cứng hay ‘Luật Magnitsky’ phiên bản mềm?

Bất đồng chính tại Hạ viên Anh hôm qua về các sửa đổi bổ sung mang tinh thần Magnitsky nằm ở mức độ mạnh mẽ của luật.

Phiên bản ‘Luật Magnitsky’ cứng chính là Bổ sung Magnitsky – số hiệu NC1 do hạ nghị sỹ Dominic Raab đề xuất.

Phiên bản này tận dụng mạnh mẽ hệ thống tòa án Anh: bất kỳ cá nhân nào, tổ chức phi chính phủ nào cũng có thể đâm đơn lên Cao đẳng Pháp viện Anh (High Court) để tố giác các cá nhân vi phạm nhân quyền đang có tài sản tại Anh. Tòa sẽ xem xét bằng chứng và quyết định xem có đúng là cá nhân đó vi phạm nhân quyền và đang có tài sản tại Anh hay không. Nếu đúng, tòa sẽ ra lệnh đóng băng tài sản của cá nhân đó.

Thứ trưởng Wallace của chính phủ Anh cương quyết phản đối một mức độ luật mạnh mẽ như thế. Ông cho rằng không thể biến hệ thống tòa án Anh thành một ‘cái chợ kiện tụng’, cho phép bất kỳ ai khinh ghét các cựu quan chức tham nhũng, vi phạm nhân quyền cũng có thể nộp đơn lên tòa bất kể có bằng chứng đủ mạnh hay không.

Theo ông Wallace, nếu làm thế, hệ thống tòa án Anh có thể phải tiêu phí thời gian, công sức một cách vô ích nhằm vào các mục đích bài bác, bôi nhọ quan chức, thay vì thực sự phục vụ công lý (bởi vì, ngay cả khi không có bằng chứng đủ mạnh để xin được lệnh tòa, do tính chất công khai của hệ thống tòa án Anh, việc một cựu quan chức nước ngoài bị lôi ra tòa án đã tự nó có thể xem là một màn PR đình đám đủ khả năng lôi kéo báo đài quốc tế).

Thứ trưởng an ninh quốc gia Ben Wallace (Ảnh: flickr.com/photos/number10gov/)

Đáp lại đề xuất của hạ nghị sỹ Raab, chính phủ Anh đề xuất một phiên bản ‘Luật Magnitsky’ mềm (số hiệu NC7) gần giống với nguyên bản Đạo luật Magnitsky Hoa Kỳ ở khía cạnh chế tài tài chính: việc điều tra, xem xét chứng cứ và quyết định có nộp đơn lên tòa án tại Anh để xin lệnh đóng băng tài sản các cá nhân vi phạm nhân quyền hay không phải do các cơ quan nhà nước Anh phụ trách.

Mọi tố cáo, bằng chứng về các cá nhân vi phạm nhân quyền có tài sản ở Anh phải được gửi cho một nhà chức trách, như Sở Tội phạm Quốc gia (National Crime Agency), hay Cục Điều tra Gian lận Nghiêm trọng (Serious Fraud Office).

Việc điều tra của các cơ quan nhà nước Anh như thế sẽ nằm trong phạm vi bí mật, thay vì công khai. Đồng thời, theo một số hạ nghị sỹ, lựa chọn này làm dấy lên lo ngại rằng việc điều tra sẽ phải chịu ảnh hưởng của các áp lực chính trị từ bên trong chính phủ (áp lực ngoại giao, kinh tế có thể khiến việc điều tra một số quan chức, cựu quan chức nước ngoài trở nên ‘nhạy cảm’, ‘không có lợi về mặt chính trị’).

Mặt khác, do phạm vi của sửa đổi bổ sung luật lần này chỉ liên quan đến các vấn đề tài chính tội phạm, các thay đổi của phiên bản ‘Luật Magnitsky’ trong Dự luật Tài chính Hình sự sẽ không có khả năng áp đặt một chế tài phi tài chính lên các tội phạm vi phạm nhân quyền (ví dụ: cấm quá cảnh, nhập cảnh)

Sau khi bị ‘nướng’ thêm bởi một loạt câu hỏi từ các hạ nghị sỹ, Thứ trưởng Wallace phải đưa ra một số bảo đảm rằng các cơ quan chức trách Anh sẽ tận dụng tối đa luật mới này để tích cực điều tra, ra sức ngăn chặn các tài sản và dòng tiền bẩn tại Anh phục vụ những người vi phạm nhân quyền, đồng thời các bộ ngành có trách nhiệm sẽ phải báo cáo hiệu quả công việc rõ ràng bằng thống kê cụ thể và công khai.

Sau khi lắng nghe trình bày của Thứ trưởng Wallace, hạ nghị sỹ Dominic Raab thể hiện sự biết ơn với các bảo đảm của chính phủ và tuyên bố xin rút lại Bổ sung Magnitsky của mình.

Theo đó, phiên bản ‘Luật Magnitsky’ của chính phủ Anh trở thành phiên bản được đưa vào Dự luật Tài chính Hình sự và được Hạ viện thống nhất thông qua.

Anh quốc có đủ sức mạnh kinh tế, chính trị để luôn có thể ‘chính trực’? Đặc biệt sau Brexit? (Ảnh: thenational.ae)

Tương lai của ‘Luật Magnitsky’ tại Anh và trên thế giới

Dự luật Tài chính Hình sự bây giờ sẽ được đưa lên Thượng viện Anh để viện này xem xét và bỏ phiếu.

Phiên bản ‘Luật Magnitsky’ đã nhận được đồng thuận sâu sắc tại Hạ viện nên nhiều khả năng sẽ được các thượng nghị sỹ giữ nguyên (tuy nhiên không loại trừ khả năng các thượng nghị sỹ có cùng quan điểm với hạ nghị sỹ Dominic Raab và nhiều thành viên hạ viện khác trong việc phải có chế tài mạnh mẽ, công khai hơn nữa chống lại những người vi phạm nhân quyền).

Nếu Dự luật Tài chính Hình sự được Nghị viện Anh chính thức thông qua, Anh quốc sẽ là nước thứ ba trên thế giới có luật trừng phạt (dù chỉ là tương đối về mặt tài chính, tài sản) những người vi phạm nhân quyền quốc tế (sau Mỹ và Estonia).

Trong khối EU và tại Canada đều đã có một số lời kêu gọi xây dựng và ban hành ‘Luật Magnitsky’ tuy nhiên chưa có dấu hiệu điều này sẽ trở thành sự thật trong tương lai gần. Các nhóm hoạt động nhân quyền và các tổ chức phi chính phủ bảo vệ nhân quyền, chống tham nhũng vẫn đang vận động mạnh mẽ cho việc áp dụng các chế tài quốc tế theo tinh thần Magnitsky.

Ít ra cho tới lúc này, những người vi phạm nhân quyền sẽ phải lo lắng hơn về triển vọng tuồn tiền của tới một trọng điểm tài chính quốc tế là Anh quốc.

Luật khoa tạp chí

Lịch sử của tội “tuyên truyền chống nhà nước” – Kỳ 1

Luật khoa tạp chí

Một trong những điều luật nổi tiếng nhất và gây tranh cãi nhất trong lịch sử lập pháp Việt Nam đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố trong những năm tháng cuối đời.

Những người nhận được báo Nhân Dân và Quân Đội Nhân Dân sáng ngày 21/3/1968 sẽ thấy có một chút khác biệt so với những ngày trước đó. Bên cạnh những bản tin thắng trận thường thấy kể từ khi chiến dịch quân sự Mậu Thân bắt đầu ngày 30/1, trang nhất của hai tờ này đăng nguyên vẹn lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc công bố “Pháp lệnh trừng trị các tội phản cách mạng”. [1]

Pháp lệnh này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa III thông qua ngày 30/10/1967, có chữ ký xác nhận của Chủ tịch UBTVQH Trường Chinh, sau đó được chuyển lên cho Chủ tịch nước Hồ Chí Minh ký lệnh công bố ngày 10/11/1967.

Khó lý giải được tại sao lệnh công bố này chỉ được loan báo hơn bốn tháng sau ngày ký. Một điều cũng chưa rõ ràng nữa là theo nhà báo Huy Đức, trong cuốn “Bên thắng cuộc, Quyển 2, Quyền bính”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi Trung Quốc chữa bệnh từ tháng 9/1967 và chỉ trở về Việt Nam vào ngày 23/12, thì có phải ông đã ký lệnh này hay không, nếu có thì ký ở Trung Quốc hay ở nơi nào khác.

Trang nhất báo Nhân Dân số ra ngày 21/3/1968. Ảnh chụp từ: Thư viện Quốc gia Việt Nam.

Điều luật “hai cái còng”

Dù thế nào đi chăng nữa, Pháp lệnh Trừng trị các tội phản cách mạng cũng đã cho ra đời một trong những điều luật hình sự nổi tiếng nhất và gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử lập pháp Việt Nam, mà ngày nay được biết đến là “Điều 88” về “tội tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Do yếu tố tượng hình, Điều 88 còn được miêu tả bằng hình tượng hai cái còng.

Nguyên văn điều luật này trong Pháp lệnh năm 1967 như sau: [2]

Điều 15. Tội tuyên truyền phản cách mạng

Kẻ nào vì mục đích phản cách mạng mà phạm tội như sau:

Tuyên truyền, cổ động chống lại chính quyền dân chủ nhân dân, xuyên tạc chế độ xã hội chủ nghĩa;
Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý của địch; xuyên tạc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giành độc lập dân tộc và thống nhất nước nhà, phao đồn tin nhảm, gây hoang mang trong nhân dân;
Tuyên truyền cho chính sách nô dịch và cho văn hóa trụy lạc của chủ nghĩa đế quốc;
Viết, in, lưu hành, cất giấu sách, báo, phim, tranh, ảnh hoặc mọi tài liệu khác có nội dung và mục đích phản cách mạng; thì bị phạt tù từ hai năm đến mười hai năm.

Ảnh: The 88 Project

Ngoài điều luật về “tội tuyên truyền”, Pháp lệnh Trừng trị các tội phản cách mạng còn có những điều như “Tội phá hoại khối đoàn kết toàn dân” (Điều 12), “Tội chống lại hoặc phá hoại việc thực hiện các chính sách và pháp luật của Nhà nước” (Điều 13), “Tội che giấu phần tử phản cách mạng” (Điều 17),…

Đến khi ban hành Bộ luật Hình sự năm 1985, “tội tuyên truyền phản cách mạng” đã được sửa lại thành “tội tuyên truyền chống chế độ xã hội chủ nghĩa”, đồng thời nới trần hình phạt từ 12 năm thành 20 năm tù. [3]

14 năm sau, Bộ luật Hình sự năm 1999 đã loại bỏ yếu tố “chế độ xã hội chủ nghĩa” ra khỏi điều luật này và chỉ tập trung vào hành vi chống nhà nước, đồng thời giữ nguyên trần hình phạt 20 năm tù.[4] Điều này có thể được giải thích bằng sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa cuối những năm 80, đầu những năm 90 ở Liên Xô và Đông Âu, khiến cho các nhà làm luật không còn cảm thấy ý thức hệ xã hội chủ nghĩa có thể đảm bảo tính chính danh cho mình được nữa. Họ có lẽ đã e ngại khả năng bị quốc tế lên án vì bỏ tù công dân của mình dựa trên ý thức hệ.

Điều 88. Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:
a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân;
c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

Với việc Quốc Hội khóa XIII thông qua Bộ luật Hình sự (sửa đổi) ngày 27/11/2015, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, điều luật nổi tiếng này tiếp tục được thay tên đổi số thành “Điều 117. Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Khung hình phạt cũ vẫn được giữ nguyên. [5]

Blogger Nguyễn Lân Thắng với biểu tượng Điều 88. Ảnh: FB Nguyễn Lân Thắng

Bóng dáng của Liên Xô

Có thể dễ dàng tìm thấy bóng dáng của pháp luật Soviet trong những điều khoản này của luật Việt Nam.

Dưới thời Stalin nắm quyền ở Liên Xô (từ giữa những năm 1920 đến 1953), nước Nga thuộc Liên Xô sử dụng Điều 58, Bộ luật Hình sự năm 1927 (sau đó được sửa đổi nhiều lần) để bỏ tù hoặc xử tử hình những người bị cho là hoạt động phản cách mạng, trong đó có hoạt động tuyên truyền chống chính quyền. Các nước thành viên khác của Liên Xô cũng có những điều khoản tương tự. [6]

Sau khi Stalin qua đời năm 1953, Nga thay thế Điều 58 bằng Điều 70 – “Kích động và tuyên truyền chống Soviet”, ban hành cùng với Bộ luật Hình sự năm 1958, có nội dung như sau: [7]

Việc kích động hoặc tuyên truyền với mục đích phá hoại hoặc làm suy yếu chính quyền Soviet hoặc để phạm những tội chống chính quyền đặc biệt nghiêm trọng, hoặc lưu truyền với cùng mục đích những thông tin bịa đặt, vu khống, làm tổn hại uy tín của chính quyền Soviet và hệ thống xã hội, hoặc lưu hành, chuẩn bị, hoặc nắm giữ, với cùng mục đích, những sản phẩm có nội dung tương tự dưới dạng chữ viết, in ấn, hoặc các hình thức khác, sẽ bị trừng phạt bằng cách tước quyền tự do từ sáu tháng đến bảy năm, có thể có hoặc không có hình phạt bổ sung là đi đày từ hai tới năm năm; hoặc chỉ đi đày từ hai tới năm năm.

Những hành vi tương tự, nếu đạt được bằng cách sử dụng tiền hoặc của cải vật chất nhận được từ các tổ chức nước ngoài hoặc cá nhân làm việc vì lợi ích của những tổ chức nước ngoài đó, hoặc đạt được bởi một người trước đó đã bị kết án về tội chống chính quyền đặc biệt nghiêm trọng, hoặc những người phạm tội trong thời chiến, sẽ bị trừng phạt bằng cách tước quyền tự do từ ba tới mười năm, có thể có hoặc không có hình phạt bổ sung là đi đày từ hai tới năm năm. [8]

Cùng với Điều 190, có nội dung tương tự nhưng mức hình phạt thấp hơn, đây được coi là công cụ pháp lý chủ yếu của chính quyền Soviet nhằm dập tắt các tiếng nói độc lập trong xã hội. Các điều luật này chỉ bị bãi bỏ khi Liên Xô tiến hành công cuộc cải tổ (perestroika) từ năm 1985 trở đi.

Căn cứ vào mối quan hệ mật thiết giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Liên Xô trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, có thể đặt giả thuyết rằng các nhà làm luật Việt Nam đã cố gắng sao chép mô hình pháp luật Soviet để hoàn thiện hệ thống pháp luật của mình. Giả thuyết này phù hợp với sự tương đồng giữa bản Hiến pháp 1959 của miền Bắc Việt Nam với Hiến pháp của Liên Xô và nhiều nước xã hội chủ nghĩa khác.

Ngoài ra, vào thời điểm năm 1967, có thể lãnh đạo Đảng thực sự cảm thấy cần một công cụ pháp lý để trấn áp và răn đe những người dân bình thường có khuynh hướng phát ngôn và hành động không đúng với đường lối, chính sách của Đảng, đe dọa tới sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Mối lo ngại về gián điệp của “Mỹ – Ngụy” (cách chính quyền miền Bắc gọi Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng Hòa) từ miền Nam được cài vào miền Bắc để tuyên truyền chống Đảng là có thật.

Trong bài xã luận “Bảo vệ trật tự, an ninh, trừng trị bọn phản cách mạng” đăng trên báo Nhân Dân ngày 21/3/1968, tác giả lấy bút danh “Nhân Dân” viết: [9]

“Đi đôi với việc tăng cường chiến tranh xâm lược miền Nam, không ngừng bắn phá miền Bắc nước ta, mấy năm nay, đế quốc Mỹ ráo riết tung bọn gián điệp, biệt kích vào miền Bắc, tiến hành chiến tranh tâm lý, kích động bọn phản cách mạng hoạt động chống chính quyền dân chủ nhân dân, chống cách mạng xã hội chủ nghĩa và sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”.

(Còn tiếp)

Tài liệu tham khảo:

[1] Thư viện Quốc gia Việt Nam

[2] Toàn văn Pháp lệnh Trừng trị các tội phản cách mạng, website Bộ Tư pháp

[3] “Điều 82. Tội tuyên truyền chống chế độ xã hội chủ nghĩa.
1- Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống chính quyền nhân dân thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:
a) Tuyên truyền xuyên tạc chế độ xã hội chủ nghĩa;
b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;
c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống chế độ xã hội chủ nghĩa.
2- Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.”
(Bộ luật Hình sự năm 1985, website Bộ Tư pháp)

[4] Toàn văn Bộ luật Hình sự năm 1999, website Bộ Tư pháp

[5] Toàn văn Bộ luật Hình sự (sửa đổi) năm 2015, website Thư Viện Pháp Luật

[6] Wikipedia, mục từ Article_58_(RSFSR_Penal_Code)

[7] Party, State, and Citizen in the Soviet Union: A Collection of Documents, trang 89, Mervyn Matthews

[8] Nguyên văn tiếng Anh: “Article 70. Anti-Soviet Agitation and Propaganda
Agitation or propaganda carried on for the purpose of undermining or weakening Soviet authority or of committing individual especially dangerous crimes against the state, or circulating for the same purpose slanderous fabrication which defames the Soviet state and social system, and also circulating, preparing, or keeping, for the same purpose, works of similar content in writting, printed, or other form, shall be punished by deprivation of freedom for a term of six months to seven years, with or without additional exile for a term of two to five years, or by exile for a term of two to five years.

The same actions, accomplished by the use of finance or other material means received from foreign organizations or individuals acting in the interest of those organizations, or by a person previously convicted of especially dangerous crimes against the state or those committed in wartime, shall be punished by deprivation of freedom for a term of three to ten years, with or without additional exile for a term of two to five years.”

[9] Thư viện Quốc gia Việt Nam

Lịch sử của tội “tuyên truyền chống nhà nước” – Kỳ 2

kỳ trước, chúng ta đã tìm hiểu về nguồn gốc của tội “tuyên truyền chống nhà nước” trong Bộ luật Hình sự. Vậy điều luật này đã được áp dụng trên thực tế ra sao?

Thời kỳ trước năm 1975

Không có nhiều tư liệu chính thức từ phía nhà nước về các bản án “tuyên truyền chống nhà nước”, nhưng thời điểm ban hành Pháp lệnh Trừng trị các tội phản cách mạng (1967) trùng hợp với thời điểm xảy ra một vụ án chính trị thuộc loại lớn nhất trong lịch sử hiện đại Việt Nam: vụ án xét lại chống Đảng.

Nguyên nhân và sự thật về vụ án này cho tới nay vẫn chưa rõ ràng, nhưng thực tế là có hàng loạt cán bộ cao cấp và văn nghệ sĩ khi đó bị bắt giam nhiều năm liền mà không qua xét xử, trong đó có các ông Viện trưởng Viện Triết học Hoàng Minh Chính, Thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ông Vũ Đình Huỳnh, con trai ông Vũ Đình Huỳnh là nhà văn Vũ Thư Hiên, Đại tá Lê Trọng Nghĩa, v.v.

Trong số những người bị bắt giam có một nhà văn sau này nổi tiếng với bộ tiểu thuyết “Chuyện kể năm 2000”: Bùi Ngọc Tấn.

Theo BBC, ông bị bắt năm 1968 và bị giam cho tới năm 1973 với cáo buộc về tội “tuyên truyền phản cách mạng”. Không có phiên toà nào đưa ra một bản án chính thức dành cho ông.

Trong một bài viết đăng trên báo Nam Định ngày 7/9/2015, Chánh án Toà án Nhân dân tỉnh Nam Định Lương Hồng Minh cho biết, “trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước (…) ngành TAND tỉnh đã phối hợp với lực lượng Công an, Viện Kiểm sát mở các đợt truy bắt, thụ lý và kịp thời đưa ra ánh sáng công lý nhiều vụ án chính trị. Điển hình như vụ án Đinh Viết Lộc, Ngô Văn Tước, Mai Viết Roãn xã Hải Vân (Hải Hậu) phạm tội tuyên truyền phản cách mạng; vụ án Lương Huy Hân và đồng bọn phạm tội tham gia tổ chức phản cách mạng; vụ án Nguyễn Văn Soái và đồng bọn phạm tội phản động”.

Cho đến nay, hồ sơ các vụ án này ở Việt Nam vẫn còn nằm trong vòng bí mật và công chúng không thể tiếp cận được.

Thời kỳ từ năm 1975 trở đi

Khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, có thể đưa ra một suy đoán hợp lý là tội “tuyên truyền phản cách mạng” được áp dụng một cách tương đối phổ biến ở miền Nam.

Báo Công an Nhân dân ngày 20/8/2008 cho biết, ngày 29/7/1976, ông Đoàn Viết Hoạt bị bắt giam về tội “tuyên truyền tư tưởng phản động chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam”. Sau đó, ông bị TAND TP HCM tuyên phạt 12 năm tù giam và được trả tự do ngày 9/2/1988.

Trước 30/4/1975, ông Hoạt làm việc với vai trò là phụ tá cho Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh ở Sài Gòn. Sau khi được trả tự do năm 1988, đến năm 1990, ông bị bắt trở lại và theo lời ông kể thì ban đầu ông bị cáo buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước”, nhưng sau đó ông bị chuyển sang tội danh “lật đổ chính phủ”. Ông được đặc xá năm 1998, xuất cảnh sang Mỹ và sinh sống ở Mỹ từ đó cho đến nay.

Cũng trên báo Công an Nhân dân, một bài viết khác cho biết vào năm 1984, một toà án ở thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử một nhóm văn nghệ sĩ về tội tuyên truyền phản cách mạng.

Nhưng không những giới hoạt động dân chủ ở miền Nam mới vướng vào vòng lao lý với tội danh này, mà ngay cả một cựu quan chức tình báo cũng không thoát nổi. Đó là ông Tạ Đình Đề.

Theo báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, ông Tạ Đình Đề “từng làm Phó ban Tình báo Liên khu 2, Trưởng ban Tình báo Tây Tiến, Đội trưởng biệt động Liên khu 2, Giám đốc Trường Hoa văn Liên khu 3…”.

Ông chính là người được nhắc đến trong một câu thơ Bút Tre: Hoan hô anh Tạ Đình Đề/Trước đi theo địch nay về với ta. Theo lời kể của ông Dương Thanh Biểu, nguyên phó Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, ông từng được “địch” (không rõ là ai, nhiều tài liệu nói là chính quyền Tưởng Giới Thạch) cử đi ám sát Hồ Chí Minh nhưng sau đó được Hồ Chí Minh cảm hoá và trở thành cận vệ của Chủ tịch. Đây cũng là một huyền thoại được lan truyền mà chưa có thông tin xác thực.

Theo ông Dương Thanh Biểu, năm 1986, ông được tiếp cận một kết luận của cơ quan điều tra, khẳng định “ông Tạ Đình Đề đã có hành vi thu lượm các câu ca dao, hò, vè có nội dung nói xấu lãnh đạo, sau đó đưa về nói lại cho nhiều người cùng nghe”. Ông cũng cho biết “cơ quan điều tra đề nghị VKSND Tối cao truy tố ông về tội tuyên truyền chống chế độ XHCN.”

Tháng 12/1987, chính quyền trung ương quyết định không truy tố ông Đề và khép lại hồ sơ này.

(Còn nữa)

Luật khoa tạp chí

CPJ: Việt Nam dẫn đầu ASEAN về giam giữ nhà báo

Luật khoa tạp chí

Với 8 nhà báo đang bị giam giữ, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu ASEAN trong năm 2016, theo thống kê thường niên của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (Committee to Protect Journalists – CPJ).

Những quốc gia đang giam giữ nhà báo năm 2016. Ảnh: Committee to Project Journalists.

CPJ thống kê có 259 nhà báo đang bị chính phủ các nước giam giữ, tập trung ở Trung Đông, Tây Á và một số quốc gia Đông Nam Á. Gần 1/2 các nhà báo bị giam giữ vì chống tại nhà nước (anti-state).

Theo CPJ đây là năm tồi tệ nhất về tình trạng giam giữ nhà báo, kể từ khi họ bắt đầu thống kê vào năm 1990.

Sau cuộc đảo chính thất bại hồi năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có số nhà báo bị giam giữ nhiều nhất với con số lên đến 81. Nhà quan sát Thổ Nhĩ Kỳ Elif Safak tin rằng con số này có thể lên đến 140 nhà báo.

Trung Quốc là quốc gia xếp tiếp theo, với khoảng 38 nhà báo đang bị chính quyền Tập Cận Bình giam giữ. Xếp thứ ba là Ai Cập với ít nhất 25 nhà báo đang bị giam giữ và 12 nhà báo bị giết hại kể từ năm 1992.

Việt Nam là quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á, với ít nhất 8 nhà báo đang bị giam giữ vì tội chống lại nhà nước. Tiếp theo là Myanmar (2), Singapore (2) và Thái Lan (1).

Dưới đây là thông tin của 8 nhà báo Việt Nam đang bị giam giữ theo CPJ.

Trần Huỳnh Duy Thức

Thời gian bị bắt: tháng 5/2009

Kết án: 16 năm tù giam và 5 năm quản chế vì “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”, theo điều 79 của Bộ luật Hình sự.

Thông tin khác: Tháng 8/2012, Nhóm Công tác Liên hợp quốc về Giam giữ tùy tiện cho rằng việc giam giữ ông Thức là tùy tiện và yêu cầu Chính phủ Việt Nam tôn trọng Tuyên Ngôn Quốc tế về Nhân quyền và Công ước về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) mà Việt Nam đã thông qua.

Đặng Xuân Diệu

Thời gian bị bắt: tháng 7/2011

Kết án: 13 năm tù và 5 năm quản chế, với tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”, “phá hoại đoàn kết dân tộc” và “tuyên truyền chống phá nhà nước” theo Bộ luật Hình sự.

Thông tin khác: Ông Diệu là nhà hoạt động tôn giáo. Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, ông Diệu bị biệt giam, thiếu thốn về điều kiện vệ sinh và bị bạn tù đánh đập. (Ảnh: Internet).

Hồ Văn Hòa

Thời gian bị bắt: Tháng 7/2011

Kết án: 13 năm tù và 5 năm quản chế, với tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”, “phá hoại đoàn kết dân tộc” và “tuyên truyền chống phá nhà nước” theo Bộ luật Hình sự

Thông tin khác: Theo luật sư vận động cho ông Hòa Allen Weiner trong cuộc điều trần tại Quốc hội Mỹ, ông Hòa đã không được tiếp xúc với các tài liệu sinh hoạt tín ngưỡng trong trại giam. (Ảnh: Internet).

Nguyễn Hữu Vinh (Blogger Anh Ba Sàm)

Thời gian bị bắt: tháng 5/2014

Kết án: 5 năm tù theo điều 258, Bộ luật Hình sự “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước”.

Thông tin khác: Ông Vinh là cựu an ninh và Đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam. Cáo trạng buộc tội ông tập trung vào 24 bài viết với nội dung bóp méo chính sách của nhà nước, giảm lòng tin của nhân dân trên hai trang blog Dân Quyền và Chép Sử Việt. Luật sư của ông Vinh đã đệ đơn lên chủ tịch nước để xin viếng thăm và khám sức khỏe cho ông nhưng đã bị từ chối. (Ảnh: Báo Tuổi Trẻ).

Nguyễn Thị Minh Thúy

Thời gian bị bắt: tháng 5/2014

Kết án: 5 năm tù theo điều 258, Bộ luật Hình sự “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước”.

Thông tin khác: Bà Thúy là cộng sự của ông Vinh. Tháng 3/2016, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OCHR) và Tổ chức Giám sát Nhân quyền (Human Rights Watch) tại Thái Lan đã liên tục ra thông báo kêu gọi trả tự do cho ông Vinh, bà Thúy cũng như các blogger khác. Đồng thời kiến nghị Việt Nam không nên áp dụng điều 258, Bộ luật Hình sự để đàn áp tự do ngôn luận và tôn trọng Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, Công ước về các quyền dân sự, chính trị. (Ảnh: Báo Tuổi Trẻ).

Nguyễn Đình Ngọc (Blogger Nguyễn Ngọc Già)

Thời gian bị bắt: tháng 12/2014

Kết án:  4 năm tù giam và 3 năm quản chế theo điều 88, Bộ luật Hình sự. Tháng 10/2016, Tòa phúc thẩm đã giảm án xuống còn 3 năm tù giam.

Thông tin khác: Ông  bị cáo buộc đã viết 22 bài viết, trong đó có 14 bài xuất bản online có nội dung tuyên truyền trái sự thật về Đảng cộng sản Việt Nam và nhà nước.  Tổ chức Human Rights Wacth đã kêu gọi Việt Nam trả tự do cho blogger này và cho rằng việc thể hiện quan điểm phê phán chính phủ không phải là một tội. (Ảnh: Dân Làm Báo)

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Blogger Mẹ Nấm)

Thời gian bị bắt: tháng 10/2016

Kết án: Án sơ thẩm 10 năm tù.

Thông tin khác: Khi bắt bà, công an đã tiến hành khám xét nhà và mang đi máy tính xách tay, ipad, một số khẩu hiệu về trách nhiệm giải trình của nhà nước trong vụ cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung và một báo cáo về tình trạng công an tra tấn, nhục hình. Bà Quỳnh được trao giải thưởng Người bảo vệ nhân quyền năm 2015 của tổ chức Civil Rights Defeders.

Hồ Văn Hải (Hồ Hải)

Thời gian bị bắt: tháng 11/2016

Kết án: chưa kết án

Thông tin khác: Cơ quan Công an cáo buộc ông tuyên truyền và phát tán các tài liệu chống lại Chính phủ Việt Nam. Công an cho rằng các bài viết của ông Hải có thể vi phạm điều 88, Bộ luật Hình sự về tội “tuyên truyền chống phá nhà nước”. Trang blog và facebook cá nhân của ông đã không thể truy cập sau khi ông bị bắt. Đến cuối năm 2016, CPJ không thể biết được ông Hải đang bị giam ở đâu. (Ảnh: Tạp chí Ngày Nay).

Ủy ban bảo vệ nhà báo (Committee to Protect Journalists CPJ) là tổ chức độc lập và phi lợi nhuận, đã hoạt động trên 30 năm để bảo vệ quyền tác nghiệp của nhà báo khỏi sự sợ hãi và trả thù. Trụ sở của CPJ được đặt tại New York. CPJ bắt đầu thống kê các nhà báo đang bị giam giữ kể từ năm 1990 và công bố mỗi năm. Năm 2013, CPJ đã phản đối Nghị định 72 của Chính phủ Việt Nam về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin mạng trên mạng.

Tài liệu tham khảo:

Bình luận

Tòa Nhân quyền Châu Âu: Quốc hội không được cấm cửa nhà báo

Luật khoa tạp chí

Không thể “cấm cửa” các ký giả khỏi Quốc hội là một phán quyết mới đây của Tòa án Nhân quyền Châu Âu có trụ sở tại Strasbourg (Pháp), để trả lời việc cơ quan lập pháp Macedonia cách đây hơn bốn năm đã cho “trục xuất” sáu nhà báo khỏi một phiên họp của nghị viện nước này.

Lời lý giải được đưa ra, là không thể chấp nhận việc các nhà báo không được tác nghiệp tại những khu vực đang diễn ra những sự kiện mà công luận quan tâm, ngoại trừ nếu tại đó xảy ra hiểm nguy gì trong thực tế có thể đe dọa tính mạng giới ký giả hoặc an ninh công cộng.

Một phiên xét xử của Toà Nhân quyền Châu Âu ở Pháp. Ảnh: Today Online.

Macedonia: Tống cổ ký giả để tránh phiền hà

Câu chuyện diễn ra vào tháng 12/2012, khi Quốc hội Macedonia có phiên họp tranh luận về ngân sách quốc gia, và một cuộc cãi lộn dữ dội đã diễn ra giữa các nghị sĩ phe chính phủ và đối lập, dẫn tới việc một nhóm dân biểu đối lập tìm cách phá quấy buổi họp.

Khi đó, chủ tọa phiên họp “cầu viện” đến chính quyền, và kết quả là không chỉ các nghị sĩ đối lập, mà các nhà báo tác nghiệp tại hiện trường, dù không can dự gì, cũng bị áp tải ra khỏi tòa nhà. Cảm thấy oan ức, sáu ký giả đã đệ đơn kiện lên tòa Macedonia, tuy nhiên đơn của họ bị bác ở các cấp.

Rốt cục, Tòa Strasbourg là nơi thụ lý đơn kiện nhà nước Macedonia của nhóm nhà báo. Theo họ, do bị tống khỏi tòa nhà Quốc hội bằng vũ lực, những lợi ích công cộng đã bị vi phạm, vì người sử dụng truyền thống không được tiếp cận những thông tin quan trọng, bên cạnh đó, quyền tự do ngôn luận của giới ký giả cũng bị vi phạm.

Tòa án Nhân quyền Châu Âu đặt trụ sở tại Strasbourg (Pháp) là một tòa án được thành lập để giám sát việc thực hiện Công ước Châu Âu về Nhân quyền, hay còn gọi là Công ước về sự bảo vệ các quyền con người và các quyền tự do cơ bản, được Ủy hội Châu Âu thông qua ngày 4/11/1950 tại Rome (tất cả 47 quốc gia thành viên đều gia nhập Công ước này).

Tòa Strasbourg là một định chế siêu quốc gia, được xem như là một cấp tòa cuối cùng, xét xử những vụ việc mà tại đó, một quốc gia ký kết Công ước Châu Âu về Nhân quyền bị tố cáo vi phạm nhân quyền của cư dân nước đó. Điều kiện mà một cá nhân có thể đưa vụ việc của mình lên Tòa Strasbourg, là trước đó đương sự đã trải qua tất cả các cấp tòa trong nước.

Phán quyết của Tòa Strasboug đồng tình với quan điểm này và khẳng định, do bị cản trở tác nghiệp tại hiện trường nên các nhà báo không có cơ hội nắm bắt những sự kiện trong nghị trường từ nguồn thông tin trực tiếp. Và do vậy, người dân cũng bị cản trở trong việc tiếp cận thông tin.

Được biết, đại diện pháp luật cho nhóm ký giả Mecedonia trong vụ kiện này là Tổ chức bảo vệ pháp lý cho giới truyền thông (Media Legal Defence Initiative – MDLI) và Media Development Center.

MLDI cho rằng, nhiều nước trên thế giới có hiện tượng chính quyền dùng đủ mọi cách để ngăn chặn các nhà báo tường thuật tại Quốc hội. Và theo nhận xét của báo chí, tuy chưa phải là một phán quyết mang tính tiền lệ, mà chỉ mới ứng với một vụ việc cụ thể tại Mecedonia, nhưng quyết định vừa rồi của Tòa án Nhân quyền Châu Âu tại Strasbourg cũng là một lời cảnh cáo cho vấn nạn đó.

Hungary: Trừng phạt nhà báo vì “hỏi khó” dân biểu

Phán quyết kể trên của Tòa Strasbourg càng mang tính thời sự tại Hungary, nơi những năm gần đây, việc “cấm cửa” các nhà báo đã trở nên chuyện thường nhật, để trừng phạt những ai “dám” đặt những câu hỏi hóc búa và khó xử cho các nghị sĩ phe cầm quyền, vốn chiếm tỷ lệ áp đảo trong Quốc hội nước này trong hơn sáu năm qua.

Hàng loạt nhà báo của các trang mạng như index.hu, 24.hu, của các tờ báo uy tín như nhật báo lớn nhất “Tự do Nhân dân” (hiện đã bị “bức tử” và nhiều người cho là có bàn tay chính quyền trong vụ này) và “Tuần báo Kinh tế Thế giới”, hoặc của kênh truyền hình thương mại hàng đầu RTL Klub đã bị đưa vào “sổ đen” và không được tác nghiệp trong các phiên họp Quốc hội Hungary.

Thủ tướng Hungary Viktor Orbán trả lời phỏng vấn báo chí tháng 10/2016. Ảnh: AP.

Điều trớ trêu là 444.hu, mạng tin đầu tiên của Hungary đưa tin về chiến thắng của nhóm ký giả Mecedonia tại Tòa Strasbourg đồng thời cũng là một cơ quan báo chí mà toàn thể ban biên tập đều bị cấm tác nghiệp tại Quốc hội Hung, nên họ đã không có cơ hội chất vấn đại diện phe cầm quyền trong những vấn đề nổi cộm nhất.

Thông thường, một lệnh cấm như vậy thường được Chủ tịch Quốc hội đưa ra với lý do giới nhà báo hay “quấy nhiễu” các dân biểu bằng cách vặn hỏi họ tại những nơi không được phép. Ngược lại, các ký giả thì cho rằng, chính phủ Hungary hầu như đã biến cả khuôn viên tòa nhà Quốc hội khổng lồ của nước này thành một thứ “Tử Cấm Thành” đối với truyền thông.

Nhiều cơ quan báo chí Hungary đã ghi nhận những hình ảnh đáng xấu hổ, khi các nghị sĩ liên minh cầm quyền gần như trốn chạy trước câu hỏi chất vấn của giới ký giả, và lẩn vào những khu vực mà theo quy định của Quốc hội, họ được “bất khả xâm phạm” trước truyền thông.

Tuy nhiên, nhiều nhà báo, nhiều tờ báo đã chấp nhận việc có thể bị phạt và “cấm cửa”, đã rượt đuổi các vị nghị sĩ và thực hiện nhiệm vụ của mình – đưa tin tới người dân, đáp ứng quyền tiếp cận thông tin của công luận – ngay tại những địa điểm mà họ bị cấm đoán tác nghiệp trong tòa nhà Quốc hội.

Bởi lẽ, theo họ, quyền được biết của người dân về những vấn đề trọng đại của đất nước phải được đặt lên vị trí cao nhất, hơn những quy định mà theo họ, đã được chính quyền đưa ra một cách “xảo quyệt” nhằm ngăn cản họ tác nghiệp một cách đường hoàng trong Nhà Quốc hội Hungary.

Hỏi khó là nhiệm vụ của nhà báo

Đó là quan niệm của nhóm nhà báo Hungary bị cấm tác nghiệp vô thời hạn tại Quốc hội Hung vào hôm 25/4 năm ngoái, và hiện đang đưa vụ việc này lên Tòa Bảo hiến, cũng như Tòa án Nhân quyền Châu Âu, với sự hỗ trợ pháp luật của Hiệp hội vì các quyền tự do (TASZ), một tổ chức bảo vệ nhân quyền và dân quyền nổi tiếng ở Hung.

TASZ khẳng định rằng họ đại diện về pháp luật cho sáu ký giả thuộc năm cơ quan báo chí khác nhau mà không lấy thù lao trong vụ này, vì cảm thấy việc Chủ tịch Quốc hội Hungary đưa ra những chỉ thị nhằm hạn chế các phóng viên tác nghiệp ở nghị viện – và căn cứ vào đó để cấm đoán họ – là sự vi phạm quyền tự do báo chí một cách bất hợp hiến.

Nhiệm vụ của truyền thông là đưa tin cho người dân về những sự kiện chính trị, xã hội mà công luận quan tâm, thế nên giới báo chí phải được tạo điều kiện tác nghiệp ở mức tối đa. Tự do báo chí là một quyền cơ bản mà chỉ có thể hạn chế trong những trường hợp hết sức có lý do, chứ không thể làm theo cách của Quốc hội Hungary: cấm ký giả làm việc tại đa số các địa điểm trong tòa nhà nghị viện, theo TASZ.

Thêm nữa, cũng theo TASZ, hạn chế một quyền cơ bản là điều phải được ấn định trong luật, căn cứ kinh nghiệm thực hành của Hiến pháp và Tòa Bảo hiến trong nhiều năm, chứ không thể do Chủ tịch Quốc hội “ngẫu hứng” ra chỉ thị, và đó là điều vi hiến vì nó không thuộc thẩm quyền và chức năng của vị này.

Và cuối cùng, TASZ nhấn mạnh rằng, lý do được đưa ra để cấm đoán giới ký giả – do họ “muốn cưỡng bức các nghị sĩ phải trả lời phỏng vấn ở địa điểm và thời điểm không thích hợp, hoặc muốn đặt các nghị sĩ vào cảnh khó xử” – là điều hết sức vô lý, bởi lẽ, nhiệm vụ của báo chí chính là giám sát những kẻ sở hữu quyền lực.

Vì vậy, nếu một dân biểu cảm thấy khó xử vì bị “hỏi khó”, thì lỗi ở chính họ, chứ không phải ở người đặt câu hỏi, nhất là khi người đặt câu hỏi là những phóng viên chỉ làm nhiệm vụ của mình là đưa tin tới đại chúng. Và việc trong một tòa nhà nghị viện diện tích 17.745 m2, mà giới báo chí chỉ có một hành lang 50m để tác nghiệp, chính là sự “bịt miệng” họ một cách hợp thức vì không gì bắt buộc các chính khách phải vãng lai qua đó…

(Tổng hợp từ index.hu, 444.hu)

Truyền thông nhà nước: Lợi ích công chúng hay lợi ích chính quyền?

Luật khoa tạp chí

Việc sử dụng truyền thông nhà nước ngày một nhiều ở Venezuela, Ecuador và Nicaragua (cũng như nhiều chính phủ khác trên toàn thế giới – ND) đã và đang có những tác động nhất định đến tự do báo chí.

Con rối của chính phủ? 

Những chế độ hướng tới kìm chế sự đối lập về dân sự và chính trị đã tìm ra một công cụ mới trong việc kiểm soát thông tin của họ: truyền thông nhà nước. Điều này xảy ra bất chấp sự thật rằng truyền thông nhà nước, cũng như nhiều phương tiện thông tin khác có thể phục vụ lợi ích của mọi công dân và cung cấp thông tin miễn phí về thương mại, nhà nước hay ảnh hưởng chính trị.

Theo một báo cáo năm 2009 của báo cáo viên đặc biệt về tự do biểu đạt của Ủy Ban OAS Inter-American về Nhân quyền, truyền thông công cộng cần phải được

“Độc lập với nhánh hành pháp; thực sự có tính đa nguyên; có thể dễ dàng tiếp cận ở mọi lúc mọi nơi; với kinh phí phù hợp theo những nhiệm vụ được pháp luật quy định; và chúng phải có sự tham gia của cộng đồng và cơ chế trách nhiệm.”

Ở châu Mỹ, tình trạng bị truyền thông nhà nước thao túng ngày một tăng, đặc biệt là ở Ecuador, Nicaragua và Venezuela; nơi không có quy định báo chí chính thống phải phục vụ lợi ích công chúng như ở Canada, Australia, Nhật, Pháp, Nam Phi và Anh.

Những lợi ích đạt được ở ba nước này thể hiện rất rõ ràng: báo chí chính thống cho phép những nhà lãnh đạo nâng cao hiệu quả thông điệp của mình khi hoạt động như một chương trình chính trị để phát động các chiến dịch bôi nhọ và chỉ trích những người bất đồng chính kiến. Điều này ngược lại hoàn toàn với khái niệm cơ bản về tự do biểu đạt. Những chiến thuật này không chỉ chắp thêm tầm ảnh hưởng thương mại và chính trị cho các hãng truyền thông, mà còn điều tiết hiệu quả tự do ngôn luận từ trên xuống dưới.

Ecuador – Ngày thứ bảy của tổng thống

Ở Ecuador, Tổng thống Rafael Correa thường dành riêng ngày thứ bảy để phátcadenas – được biết đến như những thông điệp tấn công bằng lời nói vào những hãng truyền thông tư nhân, nổi bật nhất trong số đó là tờ nhật báo hàng đầu El Universo (tại một số quốc gia các chương trình này xuất hiện vào mỗi 7h tối – ND). Chính quyền Correa đã kiện biên tập viên trang Quan điểm và ba giám đốc của El Universo năm ngoái sau khi tờ báo này đăng một bài xã luận có tính chỉ trích cao cách thức lãnh đạo của Correa. Bốn bị cáo đã bị kết án hình sự về tội phỉ báng và mỗi người phải chịu 3 năm tù; El Universo phải trả 40 triệu USA tiền phạt và chi phí bồi thường thiệt hại. Vụ việc rất đáng lo ngại ngay cả khi Correa đã chùn bước và tha bổng cho bốn cá nhân trên vào tháng 2/2012 trước sức ép lớn từ các tổ chức quốc tế và NGOs.

ft_correa-prensa-1024x504Tổng thống Rafael Correa thường công khai quấy rối và hạ nhục các nhà báo, họa sĩ Ecuador. Xem thêm tại Ecuador’s Attack on Press Freedom Must End; PanamPost; 05 tháng 04 năm 2016

Nhưng sự việc đã bắt đầu từ trước năm 2011. Ngay sau khi nắm quyền vào năm 2007, Correa đã bắt đầu nắm giữ các hãng truyền thông, trong đó có hai đài truyền hình tư nhân vào năm 2008. Ông ta giải thích cho những hành động này là bởi các hãng này được sở hữu bởi Grupo Isaías – một công ty cổ phần bị cáo buộc nợ nhà nước hơn 600 triệu USD sau khi công ty tài chính công của Grupo – Filanbanco sụp đổ vào năm 1998.

Vị Tổng thống Ecuador này cũng có thói quen buộc các hãng tin tư nhân lên sóng những phản bác của chính quyền đối với các bình luận hay báo cáo có tính phê bình. Ngay tháng trước, nhóm vận động tự do báo chí Fundamendios đã báo cáo rằng Ban Thư ký Quốc gia về Truyền thông đã yêu cầu Đài Radio Cadena Democracia – Exa FM dùng 7 phút của đài để phát một phản bác sau khi người dẫn chương trình Gonzalo Rosero trong một show trước đó đã chỉ trích chính quyền Correa.

Venezuela – Dùng tiền thuế để đàn áp thông tin người đóng thuế?

Nhiều người cho rằng Correa đã đi theo bước chân của Cựu Tổng thống Venezuela Hugo Chavez, người đã gây nhiều sức ép với cùng một cách kiểm soát đối với các cơ quan truyền thông của mình. Sự chuyển đổi rõ rệt đã xảy ra ở Caracas: khi Chavez nhận chức vào năm 1999, ông thừa hưởng một hệ thống truyền thông nhà nước nghèo nàn về tài chính với hai đài truyền hình và một văn phòng với lượng tiếp cận rất hạn chế. Nhưng sau một cuộc đảo chính thất bại vào năm 2002, Chavez nhận ra rằng việc mở rộng truyền thông công cộng là phương pháp hữu hiệu nhất để đối trọng với sức ảnh hưởng của các hãng truyền thông tư nhân và để kiểm soát tốt hơn dòng thông tin.

Kể từ đó, chính quyền của ông ta đã đầu tư hàng triệu bolívares vào các chương trình cho truyền thông nhà nước và công cộng, bao gồm truyền hình, phát thanh, báo chí và các trang tin. Vào tháng 7/2005, chính quyền đã đưa ra sáng kiến tham vọng nhất của mình: TeleSUR, một mạng lưới tin tức 24 giờ của riêng Venezueala thay cho CNN. Chính bản thân Chavez đã đầu tư thời gian rất nhiều để lên hình; theo AGB Nielsen Media Research, trong thời gian từ năm 1999 đến 2010 Chavez đã sử dụng hơn 1300 giờ để lên sóng. Và khi sức khỏe của ông trở nên đáng lo ngại, vị cựu tổng thống này đã để mắt đến những hãng truyền thông nhà nước để cập nhật những vấn đề sức khỏe cá nhân.

Nicaragua – Phản đối là phản động

Trong trường hợp Nicaragua, Tổng thống Daniel Ortega cũng là một thành viên của khối Liên minh Boliva cho châu Mỹ với Venezuela và Ecuador. Ông này cũng đã tham gia cuộc đua truyền thông cùng các nước đối tác. Ortega bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống của mình vào tháng Giêng, thường xếp các nhà báo chỉ trích chính sách của mình vào hàng “phát xít”, “buôn thuốc phiện” hoặc là một phần của “tầng lớp kinh doanh” ; và coi họ, cũng như những thành viên không trúng cử của phe đối lập là kẻ thù của chính quyền của mình.

Ortega cũng đã thêm vào làn sóng truyền thông các hãng truyền thông nhà nước, cũng như đưa ra một kênh hoàn toàn mới (Canal 13), hoặc mua lại từ các hãng truyền thông tư nhân như trong trường hợp tn8 đầu năm 2010. Có được ảnh hưởng lớn hơn trên các phương tiện truyền thông chỉ là một phần của chiến lược kiểm soát báo chí của ông ta: Ortega đã chọn lựa và cho phép những nhà báo nhất định được quyền tham dự các sự kiện và tiếp cận các bộ trưởng cũng như những quan chức quan trọng khác. Ông cũng không bao giờ tổ chức họp báo, và chương trình nghị sự của vị tổng thống này được điều khiển bởi vợ mình, Đệ nhất Phu nhân Rosario Murillo, các nhân viên của các hãng tin tư nhân hầu như không hề hay biết bất kỳ điều gì.

Dù việc sử dụng thái quá truyền thông nhà nước đang diễn ra ở ba quốc gia trên, những nước khác trong khu vực lại đi theo một hướng tiếp cận cân bằng hơn . Truyền hình Quốc gia Chile (Televisión Nacional de Chile); kênh Canal 22; Kênh Văn hóa Mexico (Canal Cultural de México), TV Cultura (Brazil); và Canal 14- TV Pública Paraguay (được xem là kênh truyền hình công cộng đầu tiên ở đất nước Paraguay) là những ví dụ điển hình của các hãng truyền thông nhà nước ưu tiên phục vụ lợi ích công chúng.

Đây là một dấu hiệu đáng khích lệ. Nhưng liệu những hãng truyền thông nhà nước này đã phục vụ công chúng theo cách tốt nhất có thể ? Tất nhiên, vấn đề này còn đang tranh cãi. Nhưng rõ ràng các hãng thông tấn được nhà nước tài trợ, có tính một chiều và ngăn chặn những phản đối, đang đe dọa đến thể chế dân chủ và tự do ngôn luận khi làm cho các nhà phê bình phải im lặng./.

Bình luận

Tự do báo chí: Việt Nam đứng ở đâu trên thế giới?

 Luật khoa tạp chí

Bạn có thể nói báo chí Việt Nam nhất thế giới hoặc bét thế giới, tuỳ bạn tính từ dưới lên hay từ trên xuống.

Chỉ số tự do báo chí ổn định ở dưới đáy, bét bảng Đông Nam Á, thua Lào, kém xa Campuchia

Một trong những tổ chức xếp hạng tự do báo chí uy tín nhất thế giới, Reporters Without Borders (Phóng viên Không biên giới – RSF), xếp Việt Nam ở vị trí 175 trên 180 nước trên thế giới trong báo cáo gần nhất của mình.

Điều đó có nghĩa là báo chí Việt Nam chỉ tự do hơn được 5 nước, và đó là danh sách của những “thảm hoạ báo chí”: Trung Quốc, Syria, Turmekishtan, Eritrea, và… Bắc Triều Tiên. Trật tự này tương đối ổn định trong ba năm vừa qua.

Trong khi bạn có thể thở phào vì ít nhất còn hơn Bắc Triều Tiên thì tin buồn là chúng ta kém Lào đến 5 bậc, còn Campuchia đã nằm chót vót ở vị trí thứ 132. Điều đó có nghĩa là phạm vi tụt hậu của Việt Nam không còn có thể đo đạc ở tầm khu vực Đông Nam Á nữa, mà đã thu hẹp lại ở một khu vực nhỏ hơn, kém phát triển hơn, nơi chúng ta vẫn thường tự hào với địa vị “anh cả” của mình, đó là bán đảo Đông Dương.

Cần lưu ý rằng, khác với Việt Nam, người Campuchia có thể mở báo tư nhân và công khai chỉ trích chính quyền, mặc dù vẫn còn nhiều hạn chế.

Trong một bảng xếp hạng khác của Freedom House, tình hình đỡ tệ cho Việt Nam hơn một chút khi chúng ta xếp ngay trên Lào trong khu vực Đông Nam Á, với khoảng cách điểm chỉ là… 1/100. Luật Khoa sẽ có bài chi tiết hơn về bảng xếp hạng này.

Chấm Việt Nam 77.66 điểm trong thang điểm 100 (điểm càng cao thì mức độ tự do càng thấp), RSF cho biết: “Trong điều kiện báo chí đều nhận chỉ thị từ đảng Cộng sản, nguồn tin độc lập duy nhất là các bloggers và nhà báo công dân, những người phải chịu nhiều hình thức truy bức nặng nề, trong đó có cả việc bị công an thường phục hành hung”.

“Để biện minh cho việc bỏ tù họ [các nhà báo], Đảng đang gia tăng sử dụng các điều 88, 79, và 258 Bộ luật Hình sự, vốn quy định rằng việc ‘tuyên truyền chống nhà nước’, ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’, và ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước’ phải bị trừng phạt bằng các án tù dài hạn”, báo cáo cho biết.

Top 10 nước kiểm duyệt tồi tệ nhất thế giới

Năm 2015, Committee to Protect Journalists (Uỷ ban Bảo vệ Nhà báo – CPJ) công bố báo cáo về 10 nước kiểm duyệt gắt gao nhất thế giới, và những cái tên xuất hiện trong danh sách này không khác 10 nước xếp cuối bảng xếp hạng của RSF là bao. Việt Nam, không có gì ngạc nhiên, nằm trong danh sách này.

Đánh giá về Việt Nam, CPJ cho biết, “Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức các cuộc họp bắt buộc hàng tuần với các toà soạn báo, đài, và truyền hình để ra chỉ thị về những đề tài nào cần nhấn mạnh hay kiểm duyệt trong các bản tin của họ. Những đề tài bị cấm gồm có hoạt động của các nhà bất đồng chính kiến và nhà hoạt động chính trị, sự chia rẽ phe phái trong nội bộ đảng Cộng sản, các vấn đề nhân quyền, và bất cứ thông tin nào đề cập tới sự khác biệt giữa hai miền Nam – Bắc – vốn từng chia rẽ [trong chiến tranh]”.

CPJ cũng nói rằng từ năm 2013, Việt Nam đã ban hành các quy định mới nhằm kiểm duyệt các nền tảng mạng xã hội, coi các hành vi đăng tải bất cứ bài báo, thông tin nào có biểu hiện “chống nhà nước” hoặc “gây hại đến an ninh quốc gia” đều là bất hợp pháp, kể cả đăng lại bài báo của nước ngoài.

Một trong 6 nước giam giữ nhiều nhà báo nhất thế giới

Một báo cáo khác của CPJ cho biết, tính đến ngày 1/12/2016, Việt Nam “đóng góp” 8 trong số 259 nhà báo đang bị giam giữ trên thế giới, xếp thứ 6 “toàn đoàn”.

Các nước giam giữ nhiều nhà báo hơn Việt Nam gồm có Thổ Nhĩ Kỳ (81 người), Trung Quốc (38 người), Ai Cập (25 người), Eritrea (17 người), Ethiopia (16 người). Iran đồng hạng với Việt Nam.

Trong danh sách 8 người có Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sàm), Nguyễn Thị Minh Thuý, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Đình Ngọc (Nguyễn Ngọc Già), Hồ Văn Hải (Hồ Hải), Đặng Xuân Diệu, Trần Huỳnh Duy Thức, và Hồ Đức Hoà.

Cần lưu ý rằng, khái niệm nhà báo (journalist) mà các tổ chức như CPJ dùng bao gồm cả các nhà báo công dân (citizen journalist), mà chúng ta hay gọi là blogger. Điều này khác với quan niệm phổ biến ở Việt Nam, vốn chỉ coi những người làm việc cho các toà báo chính thống, thậm chí phải có thẻ nhà báo, thì mới được gọi là “nhà báo”.

Các nhà báo trên đây đều bị bỏ tù vì những tội danh mà RSF đã nêu ở trên.