Trong stt này, mình sẽ phác toàn bộ đời sống của một người nhập cư, từ việc thi bằng lái xe, mua xe, mua nhà, tìm việc làm… Hòng thêm vào cái bể thông tin vốn đã rất mênh mông, một câu chuyện chủ quan về cái chủ đề cũng… rất mênh mông này.
Hôm qua, mình có đưa một cái ảnh kèm vài dòng về giá thực phẩm ở Mỹ- rất rẻ. Và thực sự đây mới là một góc rất hẹp về đời sống ở Mỹ, ở một bang, một siêu thị nhất định. Tuy nhiên, nó phần nào phản ảnh được tổng thể. Từ cái ảnh nhỏ, mình muốn quay lại một vấn đề lớn, vì lớn nên không dễ nói cho đúng, cho đủ, cho khách quan hoàn toàn và nói cho mới, vì người ta đã nói về điều này trăm vạn lần. Mình xin đưa trước một nhận xét chung- từ chủ quan của mình, trước khi triển khai vấn đề cụ thể hơn: Sống ở Mỹ rất dễ mà cũng… không hoàn toàn dễ. Dễ hay khó tùy người, tùy hoàn cảnh, tùy tâm thế. Nhưng nền tảng khách quan Mỹ là dễ sống, tùy mình ghép cái hoàn cảnh chủ quan của mình vô đó nó khớp đến đâu. Với một mảnh đất phì nhiêu, nhưng cái cây không biết hút dưỡng chất từ cái phì nhiêu ấy thì cái cây ấy vẫn vật vã, vẫn không tương thích nổi, không lớn nổi và có thể chết.
Có một thực tế mà có lẽ không cần phải tranh cãi nhiều: Từ những nhân vật khổng lồ như A.Einstein, B.Gates, S.Jobs, E.Musk… cho đến các chị làm nail, các bác làm thợ… sẽ không thể phát huy hết khả năng của mình, hoặc có thể đậu lại với chút tiềm lực khó khăn của mình, nếu không sống trên đất Mỹ, làm việc trong môi trường Mỹ.
Với hành trang của một người vừa nhập cư vào Mỹ, mọi khó khăn, cực kỳ khó khăn sẽ bao gồm:
– Mọi bằng cấp cũ đã học hầu như không tương thích với kết quả giáo dục Mỹ, hệ thống pháp luật Mỹ… Từ kinh tế, luật, y khoa, khoa học xã hội nhân văn… cho đến cái bằng lái xe. Ngoại trừ một số nghề như khoa học lý thuyết, kỹ thuật công nghệ và cả cái nghề… mỹ thuật của mình, nó mang “ngôn ngữ” chung toàn cầu. Vì vậy, coi như cả quá trình đi học từ bé đến lớn của mình- cái hành trang vào đời đã được trang bị suốt mấy chục năm phải… hầu như bỏ hết. Cứ hình dung, để sống 70 năm, phải học 20 năm, vậy mà đến nửa cuộc đời mọi vốn liếng coi như bị xóa trắng. Đó là một khó khăn khủng khiếp.
– Khó khăn thứ hai là ngôn ngữ: Cái ngôn ngữ mẹ đẻ, bao trùm đời sống hằng ngày, mọi quan hệ giao tiếp hằng ngày, có thể ví nó như… cái miệng mình, bỗng một ngày chẳng còn tương thích nữa. Nghiệt ngã gần như rơi vào hoàn cảnh của một người đột nhiên… khiếm thính (xin lỗi khi sử dụng hình ảnh này)!
– Khó khăn tiếp theo là vốn liếng tài chánh: Cái cảnh làm ở VN, mức thu nhập VN, vốn liếng tích góp mang giá trị VN, khi quy sang tiền tệ Mỹ, nó bay vèo qua cửa sổ.
– Khó khăn cực- cực lớn nữa, đó là tín dụng: Để sống được ở Mỹ, phải có điểm tín dụng ngân hàng, được gầy dựng trong cả một quá trình tiêu dùng dài lâu. Anh càng xài nhiều, càng trao đổi hàng hóa nhiều, càng trả mọi thứ đúng hạn thì điểm tín dụng sẽ càng cao. Điểm tín dụng liên quan tới mọi thứ. Hầu như muốn mua thứ gì để trang bị “hạ tầng sống” lúc đến Mỹ đều phải dùng điểm tín dụng. Anh không có tín dụng sẽ không thể trực tiếp mua xe, mua nhà, mua đồ dùng trả góp. Mà dùng đồ trả góp là điều gần như đương nhiên, áp dụng đối với toàn thể dân Mỹ. Vậy mới đến Mỹ, điểm tín dụng bằng 0, phải xoay trở thế nào?
– Khó khăn tiếp theo, tưởng đơn giản mà không hề đơn giản đó là cái bằng lái xe, kỹ năng lái xe. Ngoại trừ một số thành phố có mật độ dân số tập trung cao, còn lại trên hầu hết lãnh thổ bao la của nước Mỹ không có hệ thống giao thông công cộng dễ dàng, tiện lợi như ở châu Âu, Nhật Bản, Singapore… Bạn không biết lái xe, chưa có bằng lái xe, coi như bạn… khiếm khuyết nốt đôi chân. Bởi mọi dịch vụ tối thiểu như mua một cục nước đá, một trái ớt, một gói thuốc, một lon bia… bạn đều phải rời khu nhà mình ở, đi ra hệ thống cửa hàng gần nhất cách một đôi dặm. Ở Mỹ người ta không cho buôn bán tại nhà, mở cửa nhà bày ra một cái sạp bán đủ thứ như ở VN hoặc nhiều nước khác. Chỗ ở là chỗ ở, chỗ làm là chỗ làm, đôi khi cách nhau hàng trăm cây số. Ở Mỹ, việc phải lái xe đi làm hằng ngày cách chỗ ở 100 km là điều rất phổ biến.
– Khó khăn kế nữa là quan hệ anh em, họ hàng, bè bạn: Bạn ở tỉnh về thành phố thường dễ thấy một điều: Sao người ở thành phố lạnh lùng, khó gần quá. Bởi vì sao? Vì ai cũng có công việc, cũng phải vận hành liên tục như “cỗ máy”, đến một cái hẹn cũng phải thu xếp đủ thứ liên quan, không dễ. Khi từ VN mới qua Mỹ, bạn rất dễ gặp phải cú sốc tương tự, nhưng ở cấp độ gay gắt hơn. Dù anh em, bè bạn của bạn rất tốt bụng, khi gặp nhau rất vui, nhưng để gặp được, cao hơn nữa là nhận sự giúp đỡ sẽ rất khó khăn. Bởi nước Mỹ- cũng như chủ nghĩa tư bản, được xây dựng trên nguyên tắc, tất cả cùng phải nỗ lực, nỗ lực kinh khủng để rồi tất cả cùng giàu, tương hỗ nhau ở mặt thượng tầng, chứ không… giúp ba cái lặt vặt để rồi cùng… chết. Hay nói tóm gọn, giúp nhau cái cần câu chứ không giúp con cá. Bạn hỏi vay em ruột của mình 50 đô trên đất Mỹ, nếu bị từ chối, cũng đừng lấy đó làm lạ. Nhưng nếu bạn biết tự đứng trên đôi chân mình, giữ được tự trọng cá nhân, bạn sẽ được kính trọng.
– Khó khăn kế theo là vấn đề phân biệt chủng tộc, phân biệt giữa “ma cũ” và “ma mới”: Bạn hãy hình dung, trên một mảnh đất bé nhỏ như VN, mọi người cùng nói một thứ ngôn ngữ, cùng có “cấu hình” mặt mũi, cơ thể tương đương… nhưng việc phân biệt bắc- nam, dân tỉnh- dân thành, dân gốc- dân nhập cư, miền núi- đồng bằng, nhà giàu- nhà nghèo… Vâng, sự phân biệt ấy có tồn tại không? Vậy huống hồ một đất nước được người bản xứ xây dựng từ hàng trăm năm, với trí tuệ, máu xương trùng trùng. Bỗng một ngày kia bạn dọn tới ở ngay trước mặt họ với mọi thứ khác biệt, từ vóc dáng bề ngoài, đến dân tộc tính, tập tục sống, để họ chấp nhận bạn, coi bạn như một phần trong cuộc sống họ, rồi làm bạn cùng họ, hơn nữa là làm sếp, làm thầy họ… Hẳn nhiên không thể là một vấn đề đơn giản, trừ khi họ cực kỳ bao dung và có một hệ thống thiết chế mạnh mẽ về mặt này. Tuy nhiên, để được người “gốc” chấp nhận đã khó, mà để được một người… nhập cư giống mình chấp nhận còn khó hơn. Đã có nhận xét được đưa ra: Người Mỹ trắng phân biệt chủng tộc còn ít hơn mấy người… nhập cư. Bởi một tâm lý chung: Người Mỹ gốc họ đã làm chủ nhiều đời, đời sống họ đã ổn định, “thoáng đãng”, nên tâm lý “hỷ xả” cũng gần hơn. Còn người nhập cư, giống một cô con dâu về nhà chồng thời phong kiến, chịu đủ thứ áp lực, thân phận, nên đến khi được lên hàng… mẹ chồng, thường sẽ muốn chứng tỏ uy quyền, bù lấp cho “thiệt thòi” xưa cũ, nên hay… ra uy, thậm chí đè nén, bóc lột kẻ đến sau. Khi đi thi bằng lái xe, thấy một giám khảo Mỹ trắng xuất hiện, ngồi vô xe mình, thường người ta thở ra được quá nửa áp lực. Bởi giám khảo Mỹ trắng thoáng hơn, còn giám khảo “Mỹ màu” khoái chứng tỏ uy quyền và làm gắt hơn. Hoặc đi làm cho một công ty Mỹ, bạn sẽ được đáp ứng ít nhất là mọi quyền lợi tối thiểu được pháp luật quy định. Còn làm cho một ông chủ nhập cư, bạn hãy chuẩn bị một tinh thần… bị đì tới nơi tới chốn, bị bớt xén tiền công, bị tăng giờ làm vô cớ, bị cắt mọi quyền lợi cơ bản bằng đủ thứ mánh lới bi hài. Tất nhiên, đây không phải là quy luật, vẫn có người này người khác, nhưng hãy nói thẳng với nhau, điều này là khá phổ biến. Tuy nhiên, như mình đã kể, luật chống phân biệt đối xử là tài liệu đầu tiên một người nhập cư được nhận khi đặt chân vào Mỹ. Họ hướng dẫn bạn những điều cơ bản nhất để “yên tâm” sống, không phải “sợ” ai, vì mọi điều đều đã được luật pháp quy định và áp dụng khá tốt trong thực tế. Khi bạn biết luật, bạn trang bị được tâm lý cứng cỏi, bạn có bản lãnh riêng, bạn sống chan hòa, bạn sẽ ít phải… co ro, thủ thế. Thậm chí nhiều người luôn mang cảm giác mình bị phân biệt, bị “đì”, thấy mình nhỏ bé, thân phận… Hầu hết nguyên nhân là do bạn tự sợ, bạn thiếu bản lãnh, bạn không giám “cầm” lên thứ vũ khí pháp lý mà người ta đặt vào tay bạn.
…
Với “trùng trùng” khó khăn như thế, làm sao để vượt qua? Xin đọc phần kế theo mình sẽ cập nhật, bằng chút ít kinh nghiệm cá nhân và quan sát xung quanh, cũng như nhìn theo tấm gương của những người đi trước, đã làm được điều này.
– Ảnh: Tác giả trong một lần “thâm nhập” vựa ve chai trên đất Mỹ- người bấm máy là bạn P.T.V.