Home Blog Page 1340

Hai bức hình đáng xấu hổ của báo Người Lao động

Đề cập phiên tòa sơ thẩm xử Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, chỉ thấy có vài trang báo điện tử của nhà nước nhắc đến qua loa như Thể thao văn hóa, Tiền phong. Có vẻ các báo “uể oải” không mặn mà gì với vụ án này. Có lẽ họ chờ kết quả rồi đưa ra một mẩu tin chăng.

Riêng báo Người lao động điện tử có bài đưa lên vào lúc phiên tòa kết thúc buổi sáng “Đề nghị 8-10 năm tù đối với mẹ Nấm“, tác giả Kỳ Nam.

Bài báo nhắc đến tội trạng của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh theo bản cáo trạng. Nếu chỉ thế thì cũng tạm chấp nhận. Điều muốn nói ở đây là bài báo đưa ra một số hình ảnh trong đó có hai hình gây nên sự bức xúc cho dư luận

Hình thứ nhất, bài báo lấy một cái ảnh chụp ở chỗ nào đó, rồi chú thích “Mẹ bị cáo Quỳnh tham dự phiên tòa”.

Không may cho tác giả, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ Nguyễn Ngọc Như Quỳnh thì nhiều người biết nên việc gian dối này mau chóng bị lộ.

Hình bà Nguyễn Thị Tuyết Lan giả

 

Hình bà Nguyễn Thị Tuyết Lan thật

 

Không hiểu tác giả Kỳ Nam có ý gì. Một facebooker cho rằng lấy một tấm ảnh có người đàn bà nào đó có gương mặt thiếu thiện cảm rồi bảo đấy là mẹ Quỳnh; rồi đặt câu hỏi: “đây là hành động sai sót hay tiểu nhân của nhà báo?”.

Do bị cộng đồng lên tiếng vạch mặt, báo Người lao động đã gỡ tấm hình này sau đó.

Bức hình thứ hai chụp những người ngồi trong phiên tòa với ghi chú “Nhiều người dân tham dự phiên tòa công khai”

Thì bao giờ, họ chẳng rêu rao là công khai, trong khi thực tế lại khác hẳn. Những phiên tòa xử người đấu tranh bao giờ cũng được bảo vệ thật kỹ. Công an phong tỏa mọi ngả đường vào tòa từ hôm trước, an ninh mật vụ dày đặc. Ai đó chỉ cần giơ máy ảnh lên lập tức bị bắt về đồn. Những việc như thế không mấy ai lạ, chẳng lẽ tác giả Kỳ Nam vào đến trong tòa rồi mà lại không nhìn thấy. Đến người thân trong gia đình bị cáo như bố mẹ, anh em ruột nhiều khi còn không được vào nói chi đến mở cửa cho người dân tham dự. Những người có mặt trong phiên tòa không phải là ai khác ngoài người của nhà cầm quyền được bố trí đến theo nhiệm vụ. Bức hình trên với ghi chú như thế, tác giả muốn minh họa cho tính dân chủ trong phiên tòa xử Nguyễn Ngọc Như Quỳnh hôm nay, hoàn toàn trái với thực tế.

Nhà báo phải tôn trọng sự thật. Bịa đặt, minh họa một cách sống sượng cho nhà cầm quyền không phải là thiên chức của người làm báo.

Bài báo đưa tin về phiên tòa xử Nguyễn Ngọc Như Quỳnh hôm nay của tác giả Kỳ Nam, báo Người lao động điện tử sặc mùi bút nô, thật đáng xấu hổ.

 

Nguyễn Tường Thụy.

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Hương Cảng

Cho dù phong trào phản kháng có ra sao đi nữa, chúng tôi sẽ giành lại được nền dân chủ và tiếp tục cuộc chiến. Bởi vì thời gian là người bạn tốt nhất của chúng tôi.                  

Hoàng Chi Phong

Tôi đi xe buýt – lần đầu – khi còn là một chú nhóc tì, không một đồng xu dính túi. Cứ nhẩy đại lên xe, rồi phóc ngay xuống trạm kế vì sợ lạc, và sợ bị người xét vé cú đầu. Nóng bức, chật chội, và hồi hộp… thấy bà luôn. Toàn là những cảm giác không thích thú gì nên tôi từ biệt luôn loại phương tiện di chuyển (thổ tả) này mãi cho đến tuần rồi.

Tuần rồi, đang đi lơ ngơ ở Hồng Kông thì chợt thấy cái xe buýt hai tầng (ngộ thiệt) nên tôi lại nổi máu trẻ con, nhào lên chơi thử. Xe chật nên tôi phải đứng nhưng không bao lâu thì có người lịch sự, chỉ vào cái ghế trống mà họ có ý nhường. Tôi lắp bắp nói cảm ơn nhưng không ngồi xuống vì không biết tại sao. Phải mất mươi, mười lăm giây (với đôi chút “ngỡ ngàng”) tôi mới chợt hiểu ra rằng mình đã trở thành một công dân lão hạng nên được đời dành cho chút … ưu tiên.

ƯU TIÊN CHO NGƯỜI GIÀ VÀ NGƯỜI TÀN TẬT!

Ủa, chớ tôi già hồi nào cà? Đâu mà lẹ dữ vậy hà? Chỉ cần khoảng cách thời gian giữa hai chuyến xe buýt (Sài Gòn – Hồng Công) là kể như xong  một kiếp nhân sinh. Mấy chục năm qua một cái vèo, kiếp người ngắn ngủi và lảng xẹt rứa sao?

Không dưng mà thấy nhớ, và thương, ông gìa Tản Đà hết sức:

Vèo trông lá rụng đầy sân

Công danh phù thế cũng ngần ấy thôi

Tất nhiên, không phải đối với ai thời gian cũng đều “lạnh lùng” trôi (cái vèo) như thế cả. Cũng không ít kẻ công thành danh toại, trải một cuộc sống thú vị, ý nghĩa, và đáng nhớ chớ nhưng tôi không thuộc vào cái số ít may mắn đó. Tôi phí phạm đời mình vào rất nhiều chuyện chả đâu vào đâu chỉ vì thường xuất hiện không đúng lúc, và không đúng chỗ, hoài à.

Tuần rồi cũng thế. Không quen biết ai, chả hẹn hò gì, cũng chẳng có dự tính chi mà chỉ vì Phnom Penh quá (mưa xối xả, mưa tầm tã, mưa dầm dề, và mưa thê thảm) nên tôi bay đại qua Hồng Kông cho nó đỡ cuồng chân. Xuống phi trường, ngó màn ảnh truyền hình mới biết là mình đến cùng ngày với Tập Cận Bình.

Ổng Chủ Tịch Nước Trung Hoa tới để dự lễ kỷ niệm Hai Mươi Năm Trao Trả Hồng Kông (Hong Kong Handover 20th Anniversary) vào ngày 1 tháng 7 năm 2017.  Còn tôi, tự nhiên cái tôi vác xác đến Hương Cảng làm chi, vào cái thời điểm vô cùng lộn xộn này – hả Trời?

Ảnh: SCMP  01 July, 2017

Thiệt là lôi thôi lớn và lôi thôi lắm, chớ không phải giỡn. Trực thăng vần vũ  đầy trời. Cảnh sát xuất hiện khắp nơi. Một phần ba lực lượng an ninh Hồng Kông – nghĩa là gần mười ngàn nhân viên công lực – được huy động để bảo vệ an toàn cho Tập Cận Bình trong khi dân tràn xuống đường biểu tình hô hào đòi hỏi quyền tự quyết, phổ thông đầu phiếu, phóng thích nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba …

Tất nhiên là đàn áp thẳng tay, và bắt bớ tùm lum. Cộng sản thì ở đâu mà chả vậy!

Ảnh: Isaac Lawrence/AFPJUNE 29, 2017

Thiệt là mất vui thấy rõ. Biết vậy, tôi thà cứ nằm lì ở Cambodia mà nghe mưa cho nó an lành. Họ Tập, rõ ràng, vô duyên thấy mẹ. Thiên hạ đã không ưa mình thì vác cái mặt (mẹt) tới đây làm chi, cho má nó khi, cha nội? Đã thế, còn bầy đặt nói chuyện văn hoa (cho chúng ghét) nữa: “Hong Kong has always been in my heart.”

Nghe thiệt muốn ứa gan, cứ y như cái giọng của “bác mình” hồi đó: “Miền Nam yêu qúi luôn ở trong trái tim tôi.” Tổ cha mấy cái thằng đĩ miệng!

Hổng ai biết trong trái tim của Tập Cận Bình có Hồng Kông (thiệt) hay không nhưng công luận đều rõ là trong quả tim của người dân ở đây thì không hề có ông lãnh tụ cộng sản nào ráo trọi, và họ cũng chả có chút xíu thiện cảm hay gắn bó gì với Trung Hoa Lục Địa:

  • Reuter: Người trẻ Hong Kong muốn tất cả biết họ là người Hong Kong, không phải Trung Quốc
  • Le Monde: Thất bại của một đất nước, hai chế độ
  • Người Việt: Chúng tôi không muốn Tập Cận Bình, chúng tôi muốn Lưu Hiểu Ba.
  • RFI: Hồng Kông trong bàn tay thép của Trung Quốc
  • BBC: Đừng ảo tưởng rập đầu trước Trung Quốc
  • RFA: Người Hong Kong xin hộ chiếu Anh quốc vì lo sợ tương lai

Sợ là phải!

Mới bước chân đến Hương Cảng lần đầu, trước bá quan văn võ mà Tập Cận Bìnhvẫn dọa nạt thẳng thừng:

“Any attempt to endanger China’s sovereignty and security, challenge the power of the central government and the authority of the Basic Law, or use Hong Kong to carry out infiltration and sabotage activities against the mainland is an act that crosses the red line, and is absolutely impermissible.”  (“Mọi âm mưu làm phương hại đến chủ quyền và an ninh quốc gia, thách thức chính quyền trung ương và Luật Căn Bản, hay dùng Hồng Kông để xâm nhập Hoa Lục và thực hiện những hoạt động phá hoại đều bị coi là hành vi vượt làn ranh đỏ, và tuyệt đối không được chấp nhận.”)

Họ Tập ăn nói ngạo ngược như vậy mà ngay sau đó chỉ có hơn sáu chục ngàn người dân xuống đường phản đối. Đây là con số người biểu tình thấp nhất kể từ năm 2003 đến nay, theo ghi nhận của South China Morning Post.

Dân Hồng Kông bắt đầu có khuynh hướng xuôi xị và qui thuận rồi chăng?

Có thể như vậy lắm vì xét về “tương quan lực lượng” thì đây rõ ràng là tình cảnh trứng trọi đá mà. Những hình ảnh đẫm máu ở Thiên An Môn chắc chắn vẫn còn ghi đậm trong tâm trí nhiều người. Hơn nữa, không ít kẻ còn nghĩ rằng mình sẽ không còn sống  đến tận năm 2047 (thời điểm chấm dứt cam kết chính sách “một quốc gia hai chế độ” giữa Hồng Kông và Trung Cộng) nên chả việc gì mà phải bận tâm.

Đây là số đông nhưng không phải là tất cả. Lớp trẻ Hồng Kông có cách suy nghĩ khác:

  • Lester Shum: “Chúng tôi đấu tranh cho tương lai, cho một hệ thống dân chủ.”
  • Joshua Wong: “Cho dù phong trào phản kháng có ra sao đi nữa, chúng tôi sẽ giành lại được nền dân chủ và tiếp tục cuộc chiến. Bởi vì thời gian là người bạn tốt nhất của chúng tôi.”Phong Trào Dù Vàng & Tuổi trẻ H.K. Ảnh lấy từ Tạp Chí Luật KhoaNhà báo Kent Ewing (Hong Kong Free Press) đặt câu hỏi: “Liệu Joshua Wong sẽ sống qua năm 2047 để chứng kiến dân chủ toàn diện ở Kồng Kông không?” (“Beyond 2047: Will Joshua Wong live to see full democracy in Hong Kong?         Hoàng Chí Phong sinh năm 1996. Tập Cận Bình sinh năm 1953. Đến năm 2047 thì Phong sẽ 50 tuổi, Bình 94 tuổi, và đảng cộng sản Trung Hoa 126 tuổi. Những con số này có thể dùng để trả lời cho câu hỏi thượng dẫn mà khỏi cần phải biện luận dài dòng.

    Còn nếu “lỡ” đến thời điểm 2047 mà họa cộng sản vẫn tồn tại (ở bất cứ nơi đâu) thì hành tinh này không còn là một nơi đáng sống –  đối với bất cứ ai –  chứ chả riêng chi với người dân Trung Hoa, Việt Nam hay Bắc Hàn!

Tờ giấy bạc 100 đô la Úc đang ở trong tay ai?

0
SBS Chính phủ dự định đặt ra “ngày hết hạn” cho tờ giấy bạc 50 và 100 đô la Úc, đồng thời gắn chip nano để theo dõi ai đang nắm giữ lượng tiền mặt lớn tại Úc. Ngoài các băng nhóm tội phạm thì những người về hưu và những người Trung Quốc rất thích giữ tiền mặt.
Vietnamese
By

Bích Ngọc

Cảnh sát Úc đang tìm kiếm chủ nhận của một vali vô chủ đựng 1.6 triệu Úc kim bị bỏ lại ở miền Tây Sydney.

Số tiền này được tìm thấy trong một nhà kho ở Wetherill Park khi cảnh sát đang điều tra một vụ buôn lậu ma túy.

Cảnh sát liên bang Úc cho biết: “Chúng tôi đã xin Tòa án thông báo về số tiền vô chủ này. Nếu quý vị nghĩ rằng số tiền này có thể thuộc sở hữu của quý vị, chúng tôi rất muốn nói chuyện với quý vị. Và khi nói chuyện với quý vị, chắc chắn chúng tôi sẽ hỏi quý vị về nguồn gốc của số tiền này.”

Nếu số tiền này không có ai đến nhận, nó sẽ được đưa vào Tài khoản Tài sản bị tịch thu và cuối cùng được chuyển cho chính phủ.

Nếu được chính phủ cho phép, số tiền trong tài khoản trên sẽ được đầu tư cho cộng đồng thông qua nhiều hình thức như hoạt động chống tội phạm ở địa phương, thực thi pháp luật, điều trị nghiện ma túy và các biện pháp và một số biện pháp chống tội phạm khác ở Úc.

Có thể nói những tờ tiền mặt phi pháp này đại điện cho nền kinh tế ngầm, phi pháp của các băng nhóm tội phạm. Chính phủ đang tìm cách để giải quyết việc này.

Theo news.com.au, các chip nano công nghệ cao sẽ được cấy vào tờ tiền $50, $100 hiện đang có xu hướng “biến mất” của Úc theo kế hoạch của ông Michael Andrew, người đứng đầu Lực lượng trấn áp nền kinh tế ngầm của chính phủ liên bang, còn gọi là Black Economy Taskforce.

Phát biểu với tờ báo The Courier-Mail, ông Andrew nói rằng tiền mặt của Úc đã được tích trữ quá nhiều dưới gối của những người hưu trí và được nhiều người dân Trung Quốc dự trữ như một đồng tiền đáng tin cậy ở Trung Quốc.

“Tôi đang làm việc với Ngân hàng Dự trữ Úc và Austrac để hiểu rõ hơn tiền mặt của Úc hiện đang được cất giữ ở đâu. Rõ ràng nhiều nhóm tội phạm có tổ chức đang nắm giữ rất nhiều tiền mặt. Một trong những lựa chọn mà chúng tôi sẽ áp dụng là đặt ra ngày hết hạn trên các tờ tiền này”. Michael Andrew

Các chuyên gia ứớc tính về quy mô của nền kinh tế ngầm tại Úc nằm trong khoảng từ 23 tỷ đến 50 tỷ Úc kim. Chính phủ khẳng định việc tránh thuế thông qua việc thanh toán bằng tiền mặt đã thâm thủng ngân sách chính phủ lên đến 10 tỷ đô la. Số tiền này vốn có thể dùng vào các trợ cấp xã hội, phúc lợi và nhiều dịch vụ cộng đồng khác.

Trong ngân sách tháng 5, chính phủ liên bang đã thông báo chi thêm khoản tài trợ 32 triệu đô la cho Sở Thuế Úc để thực hiện cuộc đàn áp các tiểu thương chỉ kinh doanh bằng tiền mặt, dự kiến ​​sẽ mang về 589 triệu đô la lợi tức cho ngân sách trong vòng 4 năm tới.

Theo ông Andrew, người sẽ  bàn giao bản phúc trình cuối cùng về việc trấn áp nền kinh tế ngầm vào tháng 10 cho chính phủ, thì mỗi người trưởng thành ở Úc nên có trung bình khoảng 14 tờ 100 đô la, thế nhưng trên thị trường số lượng tờ giấy bạc 100 đô la đang được lưu hành rất ít. Trong khi bọn tội phạm thích tờ 50 đô la, theo Ngân hàng Dự trữ Úc phân tích, thì người di cư và người về hưu thích tờ 100 đô la.

Ông Michael Andrew, người đứng đầu Lực lượng trấn áp nền kinh tế ngầm của chính phủ liên bang, còn gọi là Black Economy Taskforce nói: “Có rất nhiều người Trung Quốc không tin vào hệ thống ngân hàng của chính phủ Trung Quốc nên họ muốn đổi đồng đô la Úc khi trở về Trung Quốc”, ông nói với Courier-Mail. “Chúng tôi nhận thấy các tờ tiền 100 đô-la thường được người về hưu sử dụng. Chính phủ hiện tại đang có một cuộc kiểm tra tài sản, và nhiều người cao niên muốn giữ một khoản tiền mặt nhỏ dưới gối của họ”.

“Tôi đang làm việc với Ngân hàng Dự trữ Úc và Austrac để hiểu rõ hơn tiền mặt của Úc hiện đang được cất giữ ở đâu. Rõ ràng nhiều nhóm tội phạm có tổ chức đang nắm giữ rất nhiều tiền mặt. Một trong những lựa chọn mà chúng tôi sẽ áp dụng là đặt ra ngày hết hạn trên các tờ tiền này”.

“Ngoài ra chính phủ sẽ đặt một số chip nhỏ trên tờ tiền để xem chúng đi đến đâu. Chúng tôi có thể sử dụng công nghệ nano để đặt một con chip nhỏ và theo dõi nó.”

Năm ngoái, một phúc trình của tổ chức tài chánh UBS đã khuyến nghị Úc thu hồi tờ giấy bạc 100 đô la. Theo UBS, lợi ích mà việc này mang lại gồm có giảm tội phạm (chúng không thể lưu trữ quá nhiều tiền mặt), tăng lợi tức thuế (do ít giao dịch tiền mặt hơn) và giảm gian lận phúc lợi (nhiều người đòi tiền trợ cấp trong khi kiếm hoặc tích trữ tiền mặt).

Thượng nghị sĩ David Leyonhjelm của Đảng Dân chủ Tự do đã chỉ trích dự án trấn áp tiền mặt, và cho rằng “những người duy nhất bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế dùng tiền mặt là chính phủ và các viên chức chính phủ muốn chi tiêu tiền thuế của dân”.

Thêm thông tin và cập nhật Like SBS Vietnamese Facebook

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại sbs.com.au/Vietnamese

Ai sẽ bị ảnh hưởng nhất khi Úc chuyển sang không dùng tiền mặt?

Với việc Reserve Bank of Australia RBA sẽ đưa ra thử nghiệm Phương Thức Thanh toán Mới – New Payment Platform (NPP) vào cuối năm nay thì người ta tin rằng chuyện chi trả sẽ diễn ra nhanh và dễ dàng hơn, tuy nhiên đi kèm với tiện lợi thì cũng sẽ có những hệ lụy của một nền kinh tế không tiền mặt và ai sẽ là người bị ảnh hưởng nhiều nhất?

Năm 2020 Úc sẽ hoàn toàn loại bỏ thanh toán bằng tiền mặt?

Mới đây, Ngân Hàng Trữ kim Úc – RBA cho giới thiệu Phương thức Thanh Toán Mới không xài tiền mặt tiếng Anh gọi là New Payment Platform (NPP). Với phương thức thanh toán mới NPP này thì tiền chi trả giữa người gởi và người nhận diễn ra tức thì, ngay cả khi họ ở hai ngân hàng khác nhau, chứ không cần phải đợi hai hay ba ngày làm việc như hiện giờ.

Doanh nghiệp “chỉ nhận tiền mặt”, hãy coi chừng Sở thuế!

Sở thuế Úc đang chuẩn bị mở đợt kiểm tra các doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực nhà hàng, cà phê, dịch vụ ăn uống, chăm sóc tóc, làm đẹp, làm móng “chỉ nhận tiền mặt”, như một nỗ lực để cứu vãn thất thoát 23 tỷ đô la bởi “nền kinh tế ngầm”.

Tiền giả ‘chất lượng cao’ mệnh giá $100 đang xuất hiện ở Melbourne

Các quán rượu, nhà hàng và các cửa hàng là mục tiêu chính và những tờ tiền giả chất lượng cao này thường không bị phát hiện cho đến khi các chủ nhân đem tiền đến gửi tại ngân hàng.

Cảnh báo tiền giả $50 lưu hành ở Canberra và Sydney

Sau Sydney, tờ tiền giả $50 đôla đang làm khổ người dân Canberra. Bạn có biết kiểm tra thế nào là tờ tiền Úc thật?

Trung Quốc : Sự hy sinh của giáo sư Lưu Hiểu Ba

RFI Nhà đấu tranh Trung Quốc Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo), một trí thức 61 tuổi, vừa được xuất tù để điều trị bệnh ung thư giai đoạn cuối. Ngày 08/10/2010, Giải Nobel Hoà Bình được trao cho Lưu Hiểu Ba, lúc đó đang thụ án 11 năm tù vì bất đồng chính kiến. Ông bị kết án vì là một trong số các tác giả của Hiến chương 08, được 300 trí thức soạn thảo năm 2008, yêu cầu dân chủ hoá chế độ mà trên thực tế chỉ là yêu cầu áp dụng chặt chẽ luật pháp.
media

Xã luận của nhật báo Le Monde cho rằng những câu chuyện như Lưu Hiểu Ba xảy ra rất nhiều tại Trung Quốc trong thế kỷ XXI, nhưng thường nhanh chóng bị báo chí ỉm đi. Tin Lưu Hiểu Ba được trao Giải Nobel Hoà Bình gần như bị kiểm duyệt tại Trung Quốc. Sau đó, giáo sư ngành ngữ văn lại chìm trong vô danh chốn lao tù ở tỉnh Liêu Ninh (Liaoning), giáp ranh với Bắc Triều Tiên.

Vài ngày gần đây, tên của ông lại được nhắc đến vì ông được điều trị ung thư gan ở Thẩm Dương (Shenyang), thủ phủ tỉnh Liêu Ninh và án tù vẫn không được giảm. Vợ ông, bà Lưu Hạ (Liu Xia), bị giam lỏng tại gia ở Bắc Kinh, cũng không được đến thăm chồng.

Ông Lưu Hiểu Ba bị viêm gan từ vài năm nay, mà theo xã luận Le Monde, có thể bị mắc trong những lần bị cầm tù và trong trại cải tạo lao động trước đó. Chính quyền Bắc Kinh muốn tránh việc một nhà bất đồng chính kiến đang bị giam cầm bị chết trong tù, trong bối cảnh kỳ Đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ XIX sắp diễn ra.

Hình ảnh không mấy gì tốt đẹp đó cho thấy sự khép kín và hành động tàn nhẫn của một hệ thống chính trị vẫn còn rõ nét từ năm 2012 và kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền. Hình ảnh này cũng cho thấy một chế độ dưới sự lãnh đạo của ông Tập không chịu được bất kỳ hành động bất đồng chính kiến nào, dù dưới hình thức ôn hoà, như trường hợp của Lưu Hiểu Ba, của hàng chục, thậm chí hàng trăm luật sư bị tống giam, “mất tích” vài ngày, vài tháng và bị kết án nặng một cách không thương tiếc vì dám phản đối bất công khi chỉ lên tiếng yêu cầu thực thi luật pháp.

Tại Đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc diễn ra vào mùa thu, cơ quan trung tâm của đảng sẽ được bầu lại. Người ta trông chờ vào các nhà “hiền tài” và lão luyện. Theo xã luận của Le Monde, những người này sẽ còn xứng đáng hơn với danh tiếng trên nếu bỏ thời gian lắng nghe – chỉ lắng nghe thôi – một nhà trí thức mảnh dẻ nhưng đầy tham vọng cho đất nước vĩ đại của mình. Nhưng đến ngày đó, chắc là giáo sư Lưu đã đi vào cõi vĩnh hằng.

Ấn Độ – Hoa Kỳ duy trì quan hệ “hài hoà” dưới thời Modi – Trump

Từ khi lên nắm quyền vào năm 2014, thủ tướng Ấn Độ đã bốn lần đến Washington gặp tổng thống Barack Obama. Chỉ vài tháng sau khi tân tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, ông Narendra Modi lại đến Nhà Trắng để nhắc lại “sự hài hoà”trong quan hệ giữa hai nước.

Chuyến công du của thủ tướng Ấn Độ được Libération đánh giá là “Cuộc gặp gỡ nồng nhiệt giữa Donald Trump và Narendra Modi”. Còn nhật báo Le Monde lại cho rằng “Bị Trung Quốc làm lu mờ, Ấn Độ ấn định vị trí bên Hoa Kỳ”. Theo nhật báo, cả hai nhà lãnh đạo có phong cách khá giống nhau : cùng đề cao chủ nghĩa dân tuý, trở thành nhà lãnh đạo từ một “outsider” và đều thích dùng mạng xã hội, về điểm này tổng thống Mỹ hài hước : “Chúng ta là những nhà lãnh đạo thế giới”.

Nhưng đằng sau mối quan hệ song phương “chưa bao giờ mạnh đến vậy”, theo phát biểu của tổng thống Mỹ, vẫn còn nhiều điểm bất đồng, nổi bật nhất là vấn đề thị thực cho lao động nhập cư có trình độ cao và Hoa Kỳ quyết định rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris. Thế nhưng, cả hai điểm này dường như trở thành vấn đề thứ yếu trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo.

Thủ tướng Ấn Độ đến Washington sau thủ tướng Nhật Bản và chủ tịch Trung Quốc, trong bối cảnh chính quyền Trump tập trung nhiều hơn vào châu Á, kể từ khi Bắc Triều Tiên liên tục thử vũ khí đạn đạo và nguyên tử. Trong bài viết “Modi cam đoan quan hệ đồng minh tốt của Ấn Độ với Hoa Kỳ sẽ được tiếp tục”, Les Echos nhận định chuyến công du Washington của ông Modi là cách nhắc lại thẳng thừng rằng, trước một Trung Quốc ngày càng hùng mạnh, trục New Delhi-Washington có thể sẽ trở nên quan trọng đến mức nào.

Ông Modi cũng “muốn duy trì với Trump quan hệ tuyệt vời mà ông đã có với Obama”. Và một trong những bằng chứng thể hiện tinh thần đó là ông đến Washington với một danh sách mua trang thiết bị quân sự, trong đó có nhiều máy bay không người lái Predator, chiến đấu cơ và một yêu cầu hợp tác kỹ thuật để giúp New Delhi có được tầu sân bay chạy bằng hạt nhân.

Pháp : Mang thai nhờ kỹ thuật hỗ trợ y tế gây tranh cãi

Trong lĩnh vực y tế-xã hội, sau bốn năm nghiên cứu, ngày 27/06, Ủy ban Quốc gia Tư vấn Đạo đức (CCNE) đưa ra ý kiến ủng hộ mọi phụ nữ (kể cả các cặp đồng tính nữ hay phụ nữ đơn thân) có thể sinh con nhờ kỹ thuật hỗ trợ y tế (procréation médicalement assistée, PMA). Trước đó, biện pháp này đã được áp dụng với các cặp vợ chồng vô sinh. Chủ đề này đều được các nhật báo Pháp đưa tin và bình luận.

Nhật báo kinh tế Les Echos cho biết “Ủy ban đạo đức bật đèn xanh cho biện pháp sinh con nhờ hỗ trợ kỹ thuật y tế” được các hội LGBT đánh giá là “dấu hiệu mạnh mẽ và sáng suốt” đồng thời yêu cầu Nghị Viện nhanh chóng thông qua. Thế nhưng, biện pháp này lại bị các hiệp hội bảo vệ gia đình truyền thống phản đối.

Libération đưa ra nhận định : “Sinh con nhờ hỗ trợ kỹ thuật y tế, sau mặt đạo đức, giờ đến mặt chính trị”. Thực vậy, biện pháp này nằm trong chương trình tranh cử tổng thống của Emmanuel Macron.

Le Monde cho biết là người ủng hộ biện pháp hỗ trợ y tế sinh sản (procréation médicalement assistée, PMA), tổng thống Pháp Macron từng tuyên bố chỉ chờ kết luận của Ủy ban Quốc gia Tư vấn Đạo đức. Ý kiến của 3/4 tổng số 39 thành viên của tổ chức này có thể mở đường cho một đạo luật mới.

Nhưng Le Figaro lại đánh giá trên trang nhất rằng “Macron đứng trước một lựa chọn có rủi ro cao”. Xã luận của nhật báo thiên hữu đặt hàng loạt câu hỏi : Liệu cho phép mọi phụ nữ áp dụng kỹ thuật này chỉ đơn giản là “mong muốn” của một cặp hay của một cá nhân ? Liệu người ta có thể tước bỏ quan hệ máu mủ của đứa trẻ ? Liệu có thể quyết định thay đứa trẻ một cuộc sống không cha ? Trả lời nhật báo Le Figaro, nhà tâm lý học Pierre Lévy-Soussan đánh giá : “Quyền của người lớn không được thay thế lợi ích của đứa trẻ”, vì như vậy, trẻ em sinh ra nhờ hỗ trợ y tế chỉ là nạn nhân của “ham muốn vô hạn” của người lớn.

Bài xã luận “Nỗi lo chính đáng” của La Croix không nghi ngờ về tình yêu của các cặp đồng tính hay mẹ đơn thân dành cho con nhưng thừa nhận hoàn toàn “sự vắng bóng của người cha” gây nên một nỗi lo chính đáng. Theo điều 7 của Công ước quốc tế về quyền trẻ em, mà Pháp đã phê chuẩn, trẻ em, “trong chừng mực có thể, có quyền được biết cha mẹ của mình”. Bài báo kết luận sự “có thể được này” xứng đáng cần được bảo vệ.

Khủng hoảng Vùng Vịnh : Qatar mở cửa nhập khẩu hàng quốc tế

Từ ngày 05/06, Qatar bị các nước láng giềng lần lượt cấm vận vì bị cáo buộc “yểm trợ khủng bố”, trong khi Ả Rập Xê Út và Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất cung cấp đến 80-90% lương thực thực phẩm cho Qatar.

Thế nhưng, trong phóng sự “Tại Qatar, những người giầu tự xoay xở chống phong tỏa”, đặc phái viên Libération cho biết chính quyền Doha chuyển sang nhập khẩu các mặt hàng từ nhiều nước khác nhau.

Thổ Nhĩ Kỳ là nước được hưởng lợi nhất từ cuộc khủng hoảng vùng Vịnh này. Một cầu hàng không do Qatar chi trả đã được triển khai trong thời gian ngắn kỉ lục giữa các cảng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ và Doha để thay thế các mặt hàng do 4 nước láng giềng đang đòi “chia tay”.

Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện rõ tình đoàn kết. Sự đồng nhất quan điểm về Hồi Giáo chính trị giữa hai nước đã khiến tổng thống Erdogan thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác quân sự và ngoại giao-thương mại với Doha. Vì thế, hàng hóa của Thổ Nhĩ Kỳ là những sản phẩm đầu tiên được hưởng các thỏa thuận thay thế hàng nhập khẩu của quốc gia Hồi Giáo giầu có này, với thị trường được thẩm định là 5 tỉ đô la.

Iran cũng nhanh chóng muốn ghi điểm về mặt chính trị và thương mại đối với các nước Ả Rập vùng Vịnh. Chỉ vài ngày sau lệnh cấm vận, hãng hàng không Iran Air đã chuyển sang Doha 6 máy bay, mỗi chiếc chở 90 tấn thực phẩm và rau quả.

Các doanh nghiệp Pháp và Úc cũng tranh thủ thời cơ Qatar mở cửa nhập khẩu thực phẩm. Gia cầm và quả chà là bio của Pháp xuất hiện trên thị trường, 4.000 con bò Úc và Mỹ được chuyển đến quốc gia Trung Đông giầu có này nhờ cầu hàng không đặc biệt do hãng hàng không Qatar Airways đảm nhiệm.

Với những biện pháp trên, Vương quốc Ả Rập giầu có muốn khẳng định sức mạnh kinh tế và khả năng vượt qua khủng hoảng, đồng thời cũng lên án sự phong tỏa “bất hợp pháp” “vô nhân đạo” mà bốn nước láng giềng áp đặt. Qatar yêu cầu các nước này dỡ bỏ cấm vận và tiến hành đối thoại, song cũng không ngại tuyên bố “khi muốn xử lý cuộc khủng hoảng một cách văn minh, người ta không bắt đầu bằng các biện pháp trừng phạt quá đáng và đưa ra các tối hậu thư như thế”. Điều này muốn ám chỉ đến 13 yêu cầu trong tối hậu thư, bị đánh giá là “phi lý”, mà Ả Rập Xê Út và các đồng minh gửi đến Doha qua trung gian Koweit.

Google bị Bruxelles phạt 2,42 tỉ euro

Công cụ tìm kiếm Google bị Bruxelles cáo buộc lạm dụng vị thế áp đảo nhằm tạo thuận lợi cho công cụ so sánh giá “Google Shopping” từ năm 2008 tại 13 nước Liên Hiệp Châu Âu.

Với quyết định phạt 2,42 tỉ euro, cả hai nhật báo Le Monde và Les Echos đều đánh giá “Bruxelles phạt Google khoản tiền kỉ lục”, hơn cả khoản tiền phạt 1,06 tỉ euro đối với Intel vào năm 2009.

Libération lại cho rằng “khoản tiền phạt của Liên Hiệp Châu Âu với Google không đến mức ghê gớm lắm” vì Ủy ban châu Âu hoàn toàn có thể áp dụng mức trừng phạt 10% doanh thu hàng năm của doanh nghiệp. Năm 2016, doanh thu của Google là 80 tỉ euro (trong đó lợi nhuận là 18 tỉ euro). Nếu tính 10%, Google sẽ bị phạt 8 tỉ euro, có nghĩa là gấp 3 lần so với mức phạt mà Liên Âu đưa ra.

Nga và Trung Quốc chống gia tăng trừng phạt Bắc Triều Tiên

1
Tại New York, ngày 05/07/2017, Hội Đồng Bảo An họp khẩn về hồ sơ nóng Bắc Triều Tiên tiếp tục bắn thử tên lửa đạn đạo. Tất cả các thành viên Hội Đồng Bảo An đều lên án Bình Nhưỡng vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, nhưng lại bất đồng về phương án gia tăng trừng phạt Bắc Triều Tiên.
RFI

Hoa Kỳ và Pháp thông báo chuẩn bị một nghị quyết gia tăng các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng. Nga và Trung Quốc kêu gọi nối lại đối thoại với Bắc Triều Tiên thay vì gia tăng trừng phạt.

Thông tín viên RFI Grégoire Pourtier tại New York, tường trình :

“Về vấn đề Bắc Triều Tiên, căng thẳng đã vượt qua ngoài bán đảo Triều Tiên và biển Nhật Bản. Ngày hôm qua, tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, các cuộc khẩu chiến giữa đại diện Mỹ và Nga đã cho thấy không một giải pháp nào có được sự nhất trí hoàn toàn.

Matxcơva cho biết muốn đối thoại với Bình Nhưỡng, trong khi Hoa Kỳ thì đã chuẩn bị một văn kiện tăng cường trừng phạt.

Trong khi chưa có gì bảo đảm việc bỏ phiếu thông qua nghị quyết mới thì bà đại sứ Mỹ Nikki Haley quả quyết rằng mọi phương án đều đã được chuẩn bị. Bà nói :

« Lực lượng quân sự lớn của chúng tôi nói lên một trong những khả năng của chúng tôi. Chúng tôi sẽ sử dụng khả năng đó, nhưng chúng tôi không thích đi theo hướng này. Chúng tôi có các phương tiện khác để đáp trả những ai đe dọa chúng tôi và những ai gieo rắc đe dọa. Mỹ có thể hành động mạnh trong lĩnh vực thương mại ».

Qua diễn đàn này, bà Nikki Haley cũng ngầm tố cáo Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì các trao đổi buôn bán với Bắc Triều Tiên.

Cách đây vài tháng được ông Donald Trump đánh giá như là trung gian tiềm tàng, Bắc Kinh giờ đây bị Washington đe dọa bằng các biện pháp trả đũa thương mại.

Đại sứ Trung Quốc đã đáp lại rằng những lời lẽ hiếu chiến là không cần thiết. Chính việc triển khai hệ thống lá chắn chống tên lửa Mỹ trên đất Hàn Quốc vài tháng trước đây đã góp phần làm leo thang căng thẳng trong vùng”.

Xung quanh chuyện thủ tướng Đức gặp thủ tướng Việt.

0
Trước chuyến đi của thủ tướng cộng sản Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đến CHLB Đức để dự hội nghi G20, dư luận xôn xao nhiều chiều về tin đồn thủ tướng Đức bà Merkel không tiếp thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Tin đồn đầu tiên từ tờ Thơibao.de do ông Lê Trung Khoa là tổng biên tập.
Tờ thoibao.de là tờ báo lớn của cộng đồng người Việt tại Đức, tờ báo này đã có nhiều lần tiếp xúc với các quan chức quản lý báo chí ở Việt Nam như ông Đinh Thế Huynh, ông Trương Minh Tuấn. Thoibao.de cũng có ký kết trao đổi thông tin với một tờ báo lớn ở Việt Nam là tờ Vietnamnet. Trong nhiều năm qua tờ Thoibao.de đã có nhiều đóng góp trong việc tuyên truyền về chủ quyền biển đảo Việt Nam, phải nói trong lĩnh vực cổ suý lòng yêu nước, đấu tranh về truyền thông để bảo vệ chủ quyền biển đảo, tờ báo này luôn đi đầu.
Căn cứ tờ báo này đưa ra là lịch làm việc của bà thủ tướng Đức Merkel không có chương trình làm việc với thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Ngay lập tức tin này được loan tải rộng rãi trong dư luận, những người của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã phản ứng gay gắt, họ huy động mọi lực lượng từ trong nước đến những kẻ nằm vùng bên ngoài để phản bác tin tức này.
Trước tiên chúng ta phải phân tích khái niệm thế nào là tiếp đón giữa các nguyên thủ quốc gia với nhau.?
Chuyện thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến CHLB Đức dự hội nghị, đương nhiên sẽ có màn thủ tướng Đức là bà Merkel bắt tay chào hỏi xã giao tại khách sạn hay hội nghị. Đó cũng gọi là tiếp, cách mà truyền thông Việt Nam khẳng định.
Bà Merlkel tiếp Nguyễn Xuân Phúc tại khách sạn trung tâm đón tiếp các nguyên thủ, như một nơi chủ nhà đón các khách mời, trò chuyện thăm hỏi. Tiếp như thế coi như bằng không, đó là phép ngoại giao. Các trang báo lớn của Đức đều không đưa việc tiếp đón Nguyễn Xuân Phúc thành tít nhỏ trong bài báo, đứng nói là có được một bài như nguyên thủ các nước khác. Những tờ báo lớn của Đức chỉ đưa tin kèm nhỏ việc gặp gỡ này.
Có lẽ bộ phận làm truyền thông cho Nguyễn Xuân Phúc đã không có kinh nghiệm, để mua một chỗ trong tờ báo lá cải nào đó của Đức để đưa tin bài về cuộc gặp gỡ này.
Trở lại với việc tiếp đón, một bên hình dung tiếp đón là kèm theo những nghi thức trọng thể, có làm việc , thương thảo, thực chất.
Một bên là chỉ cần bắt tay, hỏi thăm vài câu, rồi về bịa ra cả vô vàn những câu chuyện qua lại hai bên trao đổi ở hành lang khách sạn cũng là tiếp đón trịnh trọng.
Vì hai nhận thức như vậy, khó có nói là ai đúng ai sai.
Báo chí Việt Nam đã có màn nhào nặn khéo léo, tổng hợp những cuộc gặp của Nguyễn Xuân Phúc với thủ hiến bang, thứ trưởng, bộ trưởng Đức thành nội dung gặp gỡ trao đổi giữa Phúc và bà Merkel. Với thủ đoạn lắt léo khó có độc giả nào đủ tỉnh táo để nhận biết, dễ nhận lầm ở cuộc gặp giữa bà Merkel và Phúc diễn ra rất lâu và bàn rất nhiều điều.
Với hàng chục cường quốc đến Đức dự G20, bà Merkel chỉ tiếp đón Phúc môt cách chiếu lệ là tất nhiên. Đây là chuyến đi của Phúc trong danh nghĩa dự G20, vị thế Việt Nam do Nguyễn Xuân Phúc làm đại diện được thủ tướng Đức tiếp ở hành lang khách sạn cũng là việc bình thường, không có gì phải xấu hổ. Nhưng chuyện tô vẽ thủ tướng Phúc trong lúc gặp gỡ đề nghị thế này, nhất trí cái kia , thảo luận về cái nọ..là chuyện bịp bợm hoàn toàn. Trong lúc này bà Merkel không có thời gian để bàn trực tiếp với loại tép riu như Nguyễn Xuân Phúc trong thời điểm bà bận rộn từng phút này.
Những gì Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến ký kết giữa các doanh nghiệp với 28 ký kết, trị giá 1,5 tỷ USD là những thoả thuận đã được đàm phán từ trước đó rất lâu do công của bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã xúc tiến trước đó. Lẽ ra những ký kết này đã xong từ năm ngoái, nhưng vì Phúc muốn đẹp mặt nên đã chỉ đạo ém lại để khi Phúc sang kiếm hôi ít danh.
Những gì Ngyễn Xuân Phúc đạt được ở chuyến đi ké G20 này không có gì đáng ca ngợi, về ngoại giao cũng như những thoả thuận đạt được. Môt cường quốc như Đức mà chỉ có ký kết được hơn 1 tỷ usd mà toàn từ trước để lại, lẽ ra phải là xấu hổ của Nguyễn Xuân Phúc mới đúng. Thế nhưng bản chất thích tô vẽ, khoác lác để lừa mị dân chúng nên báo chí Việt Nam biến thành những kết quả ghê gớm.
Vì thích tô vẽ thế, nên truyền thông Việt Nam đã tức tối , hằn học tấn công vào tờ Thoibao.de một cách thô thiển và lật lọng. Là một tờ báo có trụ sở ở Đức, có giấy phép hoạt động do nhà nước Đức cấp, tờ báo này tuân thủ những điều luật truyền thông của Đức, họ không có trách nhiệm gì phải ca ngợi không đúng về hoạt động của Nguyễn Xuân Phúc. Trách nhiệm của họ là đưa tin có căn cứ, và vụ việc bà Merkel có tiếp Nguyễn Xuân Phúc hay không thì đã có căn cứ trên lịch làm việc của bà, được phổ biến công khai.
Những đe doạ của Dư Luận Viên hay truyền thông Việt Nam với tờ thoibao.de đều không có tác dụng, ngược lại làm cho người Đức và quốc tế thấy sự man rợ, độc tài về truyền thông của chế độ công sản Việt Nam. Một tờ báo tiếng Việt ở nước ngoài đăng tin có căn cứ theo tài liệu nước đó phổ biến, mà còn bị nhà cầm quyền Việt Nam đe doạ.
Vậy thử hỏi những người Việt Nam ở trong nước thực hiện quyền tự do ngôn luận sẽ bị đối xử bất công ra sao.? Hãy nhìn những người bị bắt ở Viêt Nam gần đây do những tội như 258, 88 thì thấy rõ.

Trung Quốc : Bị tù bốn năm rưỡi vì viết hồi ký về Thiên An Môn

RFI

Ông Lưu Thiếu Minh (Liu Shaoming), nguyên là công nhân nhà máy, bị bắt giam từ tháng 05/2015 sau khi viết hồi ký kể về những trải nghiệm của mình trong các cuộc biểu tình Thiên An Môn, trên một trang web thông tin tiếng Hoa đặt tại Mỹ. Hôm nay ông bị tòa án Quảng Đông kết án bốn năm rưỡi tù giam.

Luật sư của ông là Ngô Khôi Minh (Wu Kuiming) nói với AFP : « Ông Lưu Thiếu Minh bị cáo buộc tội « xúi giục nổi dậy ». Bằng cớ được trưng ra là những bài đăng trên mạng mà ông đã viết ra để nhắc nhở đến sự kiện Thiên An Môn ». Được biết nhà hoạt động này sẽ kháng cáo.

Bắc Kinh luôn muốn bóp nghẹt mọi cuộc tranh luận về vụ thảm sát các sinh viên biểu tình đòi dân chủ trên quảng trường Thiên An Môn năm 1989, thường xuyên quản thúc hoặc bỏ tù các nhà đấu tranh.

Phong trào dân chủ do giới sinh viên khởi xướng năm 1989 với mục tiêu chống tham nhũng và đòi hỏi mở rộng các quyền dân chủ, đã kéo dài suốt một tháng rưỡi trên quảng trường Thiên An Môn. Chính quyền Trung Quốc huy động quân đội dùng vũ lực để đàn áp dã man người biểu tình, làm hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người thiệt mạng. Vào thời điểm đó, ông Lưu Thiếu Minh đã đến thủ đô Bắc Kinh để tham gia các cuộc biểu tình.

Ông William Nee, nhà nghiên cứu thuộc Amnesty International nhận định : « Đó là một tù nhân lương tâm, cần phải được trả tự do ngay lập tức. Việc ông Lưu Thiếu Minh thực hiện quyền tự do ngôn luận theo pháp luật lại là cáo buộc duy nhất đối với ông».

Làm lại cuộc đời sau khi thoát khỏi địa ngục Bắc Triều Tiên

0
Những người Bắc Triều Tiên tị nạn tại Hàn Quốc làm thế nào để hội nhập vào cuộc sống mới? Đặc phái viên Le Figaro tại Hàn Quốc mô tả lại một cảnh có vẻ bình thường trong một nhà hàng ở Seoul.
RFI

Kang Hun, 19 tuổi, ngồi vào bàn ăn với cha mẹ. Người cha nói với giọng trịnh trọng, đầy tự hào : « Chúng ta đã vượt được một chặng đường dài ». Đi ăn ở nhà hàng ở thủ đô, với sự tự do vừa có được và thưởng thức các món ăn – đó là niềm vui sướng tuyệt vời của gia đình Bắc Triều Tiên này, đang tị nạn tại Hàn Quốc.

Hai năm rưỡi sau khi đào thoát, câu chuyện được họ kể lại bên bàn ăn. Anh thanh niên Hun nhanh nhẹn xơi món mì lạnh, rồi lại « tấn công » vào dĩa hoành thánh. Chàng trai gốc gác ở Hyesan, cực bắc Triều Tiên kể lại : « Chúng tôi vượt qua biên giới tháng 12/2014. Mẹ tôi làm nhân viên phục vụ một nhà hàng bên Trung Quốc ( Bình Nhưỡng cho phép điều này). Bà giúp cha tôi và tôi sang đó nhờ một người môi giới vượt biên. Ngạc nhiên đầu tiên đối với tôi khi đặt chân lên đất Trung Quốc là nước nóng – chúng tôi không hề có được tại Bắc Triều Tiên. Và đường sá nữa, tại thành phố tôi sinh sống (có khoảng 192.000 dân năm 2008), chỉ có duy nhất một tên đường ! »

Đối với gia đình họ Kang, năm này qua năm nọ họ càng cảm thấy nhất thiết phải chạy trốn chế độ độc tài Bình Nhưỡng. Nhưng mong ước được sống khấm khá hơn bên ngoài đất nước khép kín mới là ngòi nổ. « Cha tôi đã quá chán khi không có quyền được hạnh phúc. Khi xem một bộ phim Hàn Quốc, ông nói với chúng tôi, ở Hàn Quốc, khi làm việc thì mình có thể có xe hơi riêng ».

Các bộ phim truyền hình nhiều tập cùng với nhạc pop Hàn Quốc trong những năm gần đây thực sự làm người dân phương bắc tỉnh thức. Được lén nhập vào, đôi khi được các máy bay không người lái thả xuống, các bộ phim và chương trình ca nhạc được tải qua các USB đã đóng góp vào việc giúp cho những người dân Bắc Triều Tiên bị bưng bít phần nào thấy được thế giới bên ngoài là như thế nào. Một loại kho tàng Alibaba theo kiểu Hàn Quốc. Họ xem những văn hóa phẩm này qua notel, một loại đầu đọc sản xuất tại Trung Quốc. Chàng thanh niên nhìn nhận : « Tôi có được là nhờ bạn bè. Nhưng nếu bị phát hiện, chúng tôi sẽ bị bỏ tù ».

Để bỏ trốn khỏi địa ngục và sống với « giấc mơ Hàn Quốc », việc đến được Trung Quốc – đồng minh của Bình Nhưỡng – là giai đoạn đầu tiên mà gia đình họ Kang đã may mắn lọt qua. Hun nhớ lại : « Một khi đã đặt chân lên đất Trung Quốc, chúng tôi đi xe đò suốt một tuần lễ, vượt quãng đường trên 2.500 km để đến được Việt Nam. Trên đường đi, chúng tôi phải giả làm người bệnh, tại mỗi trạm kiểm soát phải giả vờ ói mửa để khỏi phải trình ra tấm hộ chiếu mà tất nhiên chúng tôi không có ».

Một mánh khóe đã mang lại kết quả, cho đến khi một cảnh sát Việt Nam đưa cho họ coi hai lá cờ, một của Bắc Triều Tiên và một của Hàn Quốc, yêu cầu chọn lựa. « Cha tôi đã chọn lá cờ Bắc Triều Tiên, tưởng rằng như vậy là tốt. Ai ngờ chúng tôi bị bắt và gởi trả về Trung Quốc. Một lần nữa cả nhà phải ráng tìm ra một người môi giới khác để lại vượt biên ». Họ thật là may mắn, vì chỉ có 10% số người tị nạn bị câu lưu tại Trung Quốc là trốn thoát được. Hun kể tiếp : « Từ Việt Nam, chúng tôi sang Lào và vào đại sứ quán Hàn Quốc xin tị nạn ».

Cũng như gia đình họ Kang, khoảng 30.000 người Bắc Triều Tiên tị nạn tại Hàn Quốc (29.464 người vào tháng 9/2016, trong đó có 40% trẻ em và thanh niên, theo bộ Thống Nhất Hàn Quốc). Nhưng có cùng chủng tộc và nói gần như cùng một ngôn ngữ vẫn chưa đủ để hội nhập – tại Hàn Quốc, người ta sử dụng nhiều từ tiếng Anh mà người Bắc Triều Tiên chưa từng nghe thấy trong đời. Sống ở Hàn Quốc đối với họ, là từ thế kỷ 19 nhảy thẳng sang thế kỷ 21. Một bước « đại nhảy vọt » mà những người đào thoát vẫn mơ tưởng, nhưng họ không làm chủ được cả kỹ năng sống lẫn đặc thù văn hóa.

Để học cách « sống sót », những người đào tị được tiếp đón trong một « trại cải tạo » được giữ an ninh hết sức nghiêm ngặt, trong vòng 12 tuần lễ, sau khi được cơ quan tình báo phỏng vấn để biết chắc họ không phải là gián điệp.

Tại trung tâm Hanawon do chính quyền quản lý từ năm 1999, nằm cách Seoul một giờ xe chạy, những người tị nạn được trợ giúp về tâm lý và học hỏi cách vận hành của một xã hội tiêu thụ, như việc mua quần áo hoặc cách sử dụng các máy bán hàng tự động. Tiếp theo là những buổi học về lịch sử Triều Tiên, những khám phá về nhân quyền và dân chủ. Một kiểu « tái lập trình » cần thiết cho cuộc sống mới.

Hun nhớ lại : « Trong nhà trường Bắc Triều Tiên, người ta dạy chúng tôi là Kim Jong Un lúc mới 11 tuổi đã tự điều khiển được xe tăng, và tự khám phá cách lập chương trình bắn pháo hoa ! Tôi nghi rằng đó là giả dối, nhưng chỉ cần nói ra ngoài miệng là đủ để ăn một trận đòn đích đáng, cho dù là con nít ».

Sau ba tháng « thanh lọc » tại Hanawon, những người tị nạn hòa nhập vào đời sống Hàn Quốc. Họ được cho nhập quốc tịch, và được chính phủ trợ cấp từ 10 đến 28 triệu won (7.700 đến 21.000 euro), và 320.000 won (khoảng 250 euro) mỗi tháng trong vòng 5 năm. Một số được các tổ chức phi chính phủ đỡ đầu, giúp đối mặt với cuộc sống mới và một giai đoạn chuyển đổi thường là khó khăn, vất vả.

Young Ja Kim, tổng giám đốc Liên minh công dân vì nhân quyền tại Bắc Triều Tiên (NKHR), chuyên giúp đỡ những người tị nạn từ lúc vượt biên giới cho đến khi hội nhập được vào Hàn Quốc, giải thích : « Một trong những khó khăn lớn nhất cho việc hội nhập đối với thanh niên và người lớn là sự phân biệt đối xử, chẳng hạn họ thường bị nhìn chòng chọc vào mặt trên các phương tiện giao thông công cộng ».

Giờ đây, Hun đã thành công trong việc được coi gần như là người tại chỗ. Trong bộ đồng phục học sinh trung học, anh cho biết : « Tôi phải mất đến hai năm để nói được giọng miền nam. Nhà trường đã giúp tôi rất nhiều ». Những người nào không « nhập vai » được đành phải đóng giả làm Joseonjok, tức kiều dân Triều Tiên sống tại Trung Quốc, để khỏi bị phân biệt đối xử.

Yuna Chu, thành viên đội ngũ giảng dạy của NKHR giải thích : « Người Hàn Quốc khó phân biệt được giữa chế độ Bắc Triều Tiên với người dân, và càng tỏ ra thù địch hơn mỗi lần Bình Nhưỡng cho bắn hỏa tiễn ». Mẹ ruột của Hun thường xuyên khóc khi đi làm về, vì bị các đồng nghiệp là nhân viên chạy bàn cáo buộc « lấy cắp »thức ăn mà khách bỏ lại, trong khi họ cũng làm y như vậy. Nếu không thù ghét, thì người Hàn Quốc cũng tỏ ra dửng dưng, hay không quan tâm đến mục tiêu thống nhất đất nước, nhất là thế hệ trẻ.

Dean Ouellette, giám đốc đối ngoại của trường đại học Kyungnam ghi nhận : « Việc giới trẻ không quan tâm đến quan hệ liên Triều là rất rõ. Đó là một trong những thách thức chính của chính phủ Moon Jae In ». Chỉ có truyền hình thực tế và một số chương trình được theo dõi nhiều như « Now On My Way to Meet You » hay « Good Life » là đóng góp được vào việc phổ biến số phận người tị nạn, giúp họ không còn là đối tượng hiếu kỳ.

Kang Hun thì không cảm thấy bị kỳ thị, dù vậy anh cũng thích chơi với các bạn Bắc Triều Tiên hơn. Yuna Chu nói : « Rào cản văn hóa rất quan trọng. Họ không có những sở thích chung, và khó thể tham gia thảo luận ». Hiệp hội tổ chức các kỳ thực tập để cố lấp đầy khoảng cách văn hóa này.

Các thanh niên tị nạn được miễn thi vào đại học, chính quyền dành cho họ những chỗ trong các trường danh giá nhất Seoul. Nhưng tỉ lệ sinh viên bỏ học cao, cũng như những ca trầm cảm. Tỉ lệ tự tử khá cao trong số những người tị nạn : cứ bảy ca tử vong thì có một trường hợp tự sát.

Young Ja Kim nói : « Những người tị nạn trẻ tuổi thường bị đa chấn thương. Họ sống trong một xã hội mà mỗi người buộc lòng phải che giấu cảm xúc thật, nhưng những xúc cảm ấy lại trỗi dậy ở đây, đôi khi trở thành ung thư hay thái độ bất thường. Một số từng chứng kiến những vụ hành quyết công khai, số khác phải bán dâm trong các trại cải tạo, nhưng họ không nói ra. Nhiều người bị kích động khi nghe tiếng còi hụ, vì tại Trung Quốc, họ phải chạy trốn công an truy lùng. Chúng tôi gặp trường hợp một thanh niên khẳng định muốn giết tất cả mọi người khi cảm thấy bị stress, và biết được rằng anh này đã bị một người lính Việt Nam chĩa súng vào người trong lúc chạy trốn ».

Việc chăm sóc những người này rất tế nhị. Bà Young nhìn nhận : « Họ sợ bị coi là người mắc bệnh tâm thần, và nếu nhập viện họ sẽ bị mất đi nguồn thu nhập ít ỏi, không thể gởi tiền về cho thân nhân còn ở Bắc Triều Tiên ».

Hun để lại bạn bè và ông bà ở bên ấy, vì « quá già không thể đi xa ». Về mặt chính thức thì Bình Nhưỡng coi anh và gia đình đang ở Trung Quốc – một điều tạm chấp nhận được đối với chế độ, còn nếu biết anh ở Hàn Quốc thì sẽ không nương tay. Hai năm rưỡi sau khi đến Seoul, anh công khai chỉ trích Kim Jong Un, nhưng cũng không giấu giếm sự ngờ vực đối với quy trình dân chủ. « Tôi luôn ngạc nhiên trước thói quen biểu tình ở đây. Tôi cảm thấy những người biểu tình thiếu tôn trọng lực lượng an ninh. Nếu là ở Bắc Triều Tiên, thì họ đã bị bắn hạ tại chỗ ».

Người thanh niên cũng chẳng hoan nghênh chủ trương cởi mở với Bắc Triều Tiên của tân tổng thống Moon Jae In. Nhưng anh rất muốn được nhận vào trung tâm quốc gia dành cho các nhà ngoại giao ở Seoul, như một cách cảm ơn vị đại sứ Hàn Quốc đã giúp anh đào thoát. Hun mỉm cười : « Ông ấy hứa rằng nếu tôi trở thành một nhà ngoại giao, ông sẽ mời tôi ăn tối ».

Hạt nhân Bắc Triều Tiên : Donald Trump bế tắc

0
Châu Âu không tìm được giải pháp trước làn sóng thuyền nhân vào Ý, thượng đỉnh khối G20 tại Hamburg đầy bất trắc và nguy cơ khủng hoảng Bắc Triều Tiên vượt tầm kiểm soát là một số chủ đề thời sự chính trên báo Pháp ngày 06/07/2017. Về khủng hoảng Bắc Triều Tiên, Le Monde có bài phân tích « Trump bế tắc trong vấn đề Bắc Triều Tiên ».
RFI
media

Trong cuộc điện đàm ngày thứ Hai 03/07, tổng thống Mỹ và chủ tịch Trung Quốc có cùng một nhận định chung, đó là quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đang xấu đi. Donald Trump đe dọa sẽ hành động đơn phương trong « hồ sơ Bắc Triều Tiên gai góc » không cần đến Trung Quốc. Chỉ 24 giờ sau đó, Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công hỏa tiễn xuyên lục địa đầu tiên, có thể bắn đến Mỹ. Ngày tiếp theo, Hoa Kỳ tỏ ra cứng rắn hơn với cuộc tập trận chung trên biển cùng Hàn Quốc, một loạt tên lửa được phóng cùng với những lời đe dọa.

Hy vọng dùng Trung Quốc để giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên của tổng thống Mỹ đã không mang lại kết quả. « Tuần trăng mật » ngắn ngủi giữa Washington và Bắc Kinh, mở đầu với chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tại tư dinh của tổng thống Mỹ ở Florida, hồi tháng 4/2017, dường như đã kết thúc. Cuộc gặp dự kiến giữa Trump và Tập tại thượng đỉnh G20 ở Hamburg cuối tuần này chắc chắn « sẽ lạnh nhạt hơn nhiều » so với cuộc gặp lần trước.

Theo Le Monde, chủ trương của tổng thống Trump cho đến nay là gắn liền triển vọng của quan hệ Mỹ-Trung với việc giải quyết hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Trong khi đó, về phía Trung Quốc, những tiến triển trong vấn đề này sẽ không thể nhanh chóng. Nói một cách khác, Washington sẽ khó có thể trông cậy ở Bắc Kinh.

Các giải pháp thu hẹp

Theo cựu bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ William Perry, vụ bắn thử tên lửa xuyên lục địa vừa qua làm thay đổi « mọi tính toán », thu hẹp các giải pháp của Hoa Kỳ trong vấn đề này.

Cựu bộ trưởng Perry là người từng chủ trương đánh phủ đầu để ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng. Năm 2006, ông ủng hộ việc tấn công trực tiếp để phá hủy các hỏa tiễn ngay trên bệ phóng. Tuy nhiên, mới đây cựu lãnh đạo quốc phòng Mỹ cũng thừa nhận là ý tưởng này đã lạc hậu, bởi hiện tại Bình Nhưỡng đã phát triển được một hệ thống « quá đa dạng », khiến chiến thuật này bị vô hiệu hóa.

Cũng trong bài phân tích nói trên, Le Monde chỉ ra tính mơ hồ trong chiến lược của Donald Trump. Khác với tổng thống George W. Bush hồi 2006, sau vụ Bắc Triều Tiên thử hạt nhân lần đầu tiên, đã đặt ra một « lằn ranh đỏ ». Đó là Bình Nhưỡng sẽ phải chịu « hoàn toàn trách nhiệm » nếu chia sẻ công nghệ hạt nhân với một quốc gia hay một tổ chức khủng bố. Còn đối với Donald Trump, đã không có một lằn ranh đỏ rõ ràng. Trong một tweet tung ra hồi đầu năm, ông Trump chỉ tuyên bố chung chung là Bắc Triều Tiên sẽ không thể có được tên lửa tấn công Hoa Kỳ.

Quan điểm của Bình Nhưỡng

Về phía Bình Nhưỡng, hồi tháng trước, đại diện của Bắc Triều Tiên tại Pháp, ông Kim Yong Il, nhắc lại quan điểm của Bắc Triều Tiên là muốn đàm phán trực tiếp với Mỹ và Bình Nhưỡng sẽ ngưng chương trình hạt nhân, đổi lại Mỹ ngưng tập trận tại khu vực bán đảo Triều Tiên. Đây cũng là một đề nghị mà Trung Quốc đưa ra từ lâu. Trong thượng đỉnh Nga-Trung hôm 04/07, tổng thống Nga Putin cũng ủng hộ quan điểm này.

Tổng thống Mỹ không có chiến lược đối phó

Vẫn về khủng hoảng Bắc Triều Tiên, Le Figaro có bài « Bắc Triều Tiên : Trump tìm cách trả đũa » và nhận xét : « Các tweet của Donald Trump có thể hiệu quả khi đả phá truyền thông, nhưng sẽ không giúp gì trong các khủng hoảng quốc tế ».

Theo Le Figaro, tổng thống Mỹ tới Hamburg dự thượng đỉnh G20, đã không hề có chiến lược nào để đối phó với thách thức khẩn cấp Bắc Triều Tiên. Trước khi lên máy bay, ông Trump chỉ nói : « Chúng tôi sẽ lo liệu ổn thỏa ».

Tối hôm qua, 05/07, tại Hội Đồng Bảo An, Hoa Kỳ được sự ủng hộ của Pháp cho biết sẽ đệ trình một dự thảo nghị quyết đề nghị gia tăng trừng phạt Bình Nhưỡng, trong những ngày tới. Tuy nhiên Matxcơva phản đối các trừng phạt mới và không chấp nhận biện pháp quân sự.

Về khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên, Les Echos phỏng vấn ông Scott Snyder, thuộc Council on Foreign Relations (CFR), một tổ chức tư vấn Mỹ có nhiều ảnh hưởng. Chuyên gia về Triều Tiên này thừa nhận chính quyền Mỹ không có một chiến lược thực sự trong giai đoạn hiện tại.

Ông dự báo vụ thử hỏa tiễn xuyên lục địa, có thể tấn công nước Mỹ, sẽ dấy lên tranh luận dữ dội tại Hoa Kỳ. Chuyên gia CFR vẫn đặt hy vọng vào việc quốc tế gia tăng áp lực và trừng phạt Bình Nhưỡng, đồng thời sẵn sàng cho khả năng can thiệp quân sự.

G20: Hamburg, thành phố « bị phong tỏa »

Trở lại thành phố cảng Hamburg, nơi sẽ khai mạc thượng đỉnh G20 ngày mai. Theo Le Figaro, Hamburg có dáng dấp của một thành phố « bị phong tỏa ». Phong trào tranh đấu chống « chủ nghĩa tư bản » muốn biến Hamburg thành một đấu trường.

Khoảng 20.000 cảnh sát đã được huy động để bảo vệ an ninh, trong lúc khoảng 8.000 người tranh đấu bạo động dự kiến sẽ có mặt. Việc lựa chọn tổ chức G20 tại trung tâm một thành phố bị phê phán. Kể từ thượng đỉnh G8 năm 2001, G20 luôn được tổ chức tại các vùng ngoại vi. Trong dịp G8 tại thành phố Genes, Ý, bạo động diễn ra trong ba ngày, khiến một người chết và 600 người bị thương.

Đức tỏ ra thắm thiết với Trung Quốc

Bài « Merkel ca tụng tình hữu nghị Đức-Trung trước thềm G20 » trên Le Figaro giới thiệu việc Angela Merkel-Tập Cận Bình đến thăm hai gấu trúc tại vườn thú Berlin. Hai gấu trúc mà Bắc Kinh mới cho Đức mượn, với hợp đồng 15 năm, được thủ tướng Đức gọi là « hai nhà ngoại giao dễ thương ». Hôm qua, Đức và Trung Quốc ký nhiều hợp đồng, trị giá khoảng 2,8 tỉ đô la.

Theo Le Figaro, thủ tướng Đức muốn gửi đến tổng thống Mỹ « một thông điệp », khi dàn cảnh quan hệ nồng ấm với Trung Quốc.

Sau cuộc gặp chủ tịch Trung Quốc, bà Angela Merkel tỏ ra không mấy hy vọng vào « một đồng thuận » tại G20. Bà nói : « Tôi hy vọng là chúng ta có thể vượt qua một số trở ngại, cho dù tôi chưa hình dung được kết quả cuối cùng sẽ là gì ». Trong thượng đỉnh G7 hồi tháng 5, thủ tướng Đức đã thừa nhận nhiều bất đồng với chính quyền Donald Trump, đặc biệt trong vấn đề khí hậu, hay cuộc chiến chống chủ nghĩa bảo hộ của Washington, để bảo vệ trước hết ngành sản xuất thép.

Thỏa thuận Âu – Nhật trước G20 : Tín hiệu mạnh với Donald Trump

Ngay trước thềm thượng đỉnh G20, Liên Hiệp Châu Âu và Nhật Bản dự kiến ký kết thỏa thuận « về nguyên tắc » đối với Hiệp định tự do thương mại song phương (JEFTA), dự kiến sẽ mang lại thêm 0,76% GDP cho châu Âu. Bài « Thương mại : việc Mỹ co lại thúc đẩy Tokyo và Bruxelles xích gần nhau » trên Les Echos tin tưởng là thỏa thuận sẽ được ký kết, các thỏa hiệp đã được đúc kết trong hai lĩnh vực chủ chốt là công nghiệp thực phẩm và xe hơi.

Theo Le Monde, Ủy Ban Châu Âu đã cố tình lựa chọn ngày 06/07, ngay trước thềm G20, như để biểu thị thái độ mạnh mẽ chống lại tổng thống Mỹ, « người theo chủ nghĩa bảo hộ ».

Bài « CETA, TAFTA, JEFTA ! » của Le Monde nhận xét Hiệp định thương mại giữa Liên Âu và Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, cho đến nay rất ít được các tổ chức phi chính phủ, truyền thông và chính giới chú ý, trong khi các hiệp định với Hoa Kỳ (TAFTA) và Canada (CETA) lại khiến mọi người « sôi sục ».

Mới đây, ngày 23/06, tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace mới để lộ ra 200 trang tài liệu về các thương thuyết liên quan đến Hiệp định tương lai. Tuy nhiên, các thông tin này cũng không được truyền thông hồ hởi đón nhận.

Le Monde bảo vệ Ủy Ban Châu Âu trước cáo buộc đã che giấu các đàm phán với Nhật, khởi sự từ năm 2013. Theo tờ báo, nhiều tài liệu quan trọng đã được định chế này công bố. Tuy nhiên, vấn đề là Liên Âu đã không rút ra được bài học về thất bại của TAFTA, không chỉ do phía Mỹ, mà còn do công luận nhiều nước ngày càng ngờ vực.

Le Monde đặt câu hỏi : Tại sao Nghị Viện Châu Âu chưa có chương trình thảo luận tại phiên toàn thể về hiệp định quan trọng này, trong khi Ủy Ban dường như đang vội vã xúc tiến các đàm phán với Tokyo ?

Trong khi đó, báo Libération có bài phân tích dài giới thiệu về thỏa thuận thương mại « rất được giữ kín » giữa Liên Âu và Nhật Bản. Tờ báo dẫn lại quan điểm của Greenpeace, theo đó « các vấn đề môi trường ít được nêu ra ».

Greenpeace đặc biệt lên án nạn nhập khẩu gỗ lậu vào Nhật. Theo một báo cáo của Cơ Quan Điều Tra Môi Trường EIA (6/2016), Nhật là thị trường nhập gỗ lậu lớn nhất thế giới.

Làn sóng vượt biển vào Ý : SOS !

Làn sóng vượt biển vào châu Âu qua ngả nước Ý khiến ít nhất 2.200 người thiệt mạng là chủ đề trang nhất của Libération, với hình ảnh thi thể người trôi trên mặt biển. Tờ báo thiên tả chất vấn : « Người di cư : Ai sẽ chịu trách nhiệm. Liệu Liên Âu vẫn sẽ thúc thủ ? Con đường qua bán đảo Balkan đã bị cắt, dòng người di cư giờ đây chọn ngả Libya hỗn loạn… Chính quyền Ý kêu gọi sự hỗ trợ của các đối tác, nhưng đa số đều giả điếc ».

Theo Libération, chắc chắn là không có giải pháp triệt để, nhưng nếu có thiện chí cải thiện tình hình, thì có nhiều cách. Ví dụ như việc phân bổ lượng người tiếp nhận một cách hợp lý, tăng cường các phương tiện cấp cứu, kiểm soát…

Pháp : Cuộc cải cách « không vội vã »

Trở lại nước Pháp, chủ đề chính của Le Monde là chính sách của thủ tướng Pháp Edouard Philippe, được công bố trước Quốc Hội hôm thứ Ba, 04/07, với hồ sơ trang nhất : « Dự án của Philippe nhằm đưa xã hội Pháp thoát khỏi bế tắc ». Các lĩnh vực chủ yếu được nêu ra là việc làm, nhà ở, giáo dục hay công nghệ. Để không gây sốc cho dân Pháp, thủ tướng Pháp lưu ý « Chúng ta sẽ tiến lên, nhưng không vội vã ». Các cam kết giảm thuế sẽ được đẩy lùi lại, để không làm ảnh hưởng đến mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách công, với quyết tâm rút xuống dưới mức 3% GDP trong nhiệm kỳ năm năm.

Về chủ đề này, Le Monde có bài xã luận « Con đường hẹp của thủ tướng », nhấn mạnh đến việc tổ chức của giới chủ Medef bất bình về việc hoãn giảm thuế, trong lúc công đoàn CGT lên án chính sách « thắt lưng buộc bụng » của chính phủ. Theo Le Monde, « chỉ một bước đi sai (của chính phủ) cũng có thể làm núi lửa thức dậy ».

Pháp : Simone Veil yên nghỉ cùng chồng tại Panthéon

Vẫn về nước Pháp chính quyền Pháp tổ chức nghi lễ trọng thể đưa chính trị gia, Simone Veil, vào điện Panthéon, nơi chôn cất những tên tuổi lớn của nước Pháp. Nhà tranh đấu cho nữ quyền, nổi tiếng với việc hợp pháp hóa quyền phá thai của phụ nữ Pháp, sẽ mãi mãi yên nghỉ nơi đây cùng chồng. Quyết định được tổng thống Pháp đưa ra, sau khi thỏa thuận với gia đình.

Le Figaro nói đến mối tình thắm thiết 65 năm của Simone Veil và người chồng, ông Antoine, chính là nguồn gốc của quyết định « hiếm có ».

Tham dự nghi thức long trọng này có hầu hết các lãnh đạo chính trị Pháp, hai cựu tổng thống Nicolas Sarkozy và François Hollande, « ít nhất » tám cựu thủ tướng.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ca ngợi các « cuộc chiến » thường trong đơn độc của Simone Veil, vì nhân quyền. Ông Macron cảnh báo là những chiến thắng của Simone Veil không phải là những thành quả « vĩnh viễn », « rất nhiều nơi trên thế giới, kể cả châu Âu, các quyền tự do đang bị đe dọa ».

Thời sự quốc tế và thế giới – RFI

0
Ngày 04/07/2017, lần đầu tiên Bình Nhưỡng phóng thử thành công hỏa tiễn đạn đạo Hwasong-14 có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ. Sự kiện đã làm đảo lộn bàn cờ địa chính trị. Bắc Triều Tiên từ giờ không chỉ có trong tay vũ khí răn đe thực sự mà còn tạo được thế cho các cuộc thương lượng với cộng đồng quốc tế, một mục tiêu khác đằng sau những hành động quân sự.
Anh Vũ / RFI

Liên tục bắn thử tên lửa, đến 6 lần trong 2 tháng, nhưng đúng vào ngày Quốc khánh Mỹ, mồng 4 tháng 7, vụ thử nghiệm tên lửa liên lục địa có tầm bắn 7000 km vươn tới tận Alaska mang lại cho Bình Nhưỡng một thành công khác về mặt chính trị nhiều hơn về sức mạnh răn đe quân sự.

Chuyên gia Kim Yong Hyun, giáo sư nghiên cứu về Bắc Triều Tiên tại Đại học Dongguk- Seoul nhận định, chương trình phiêu lưu vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng lấy lý do bị đẩy vào chân tường bởi mối đe dọa của gần 30 nghìn quân Mỹ đóng ở Hàn Quốc và Nhật Bản chỉ là một cái cớ để Bắc Triều Tiên đi tìm một thế mạnh « trong các cuộc mặc cả ngoại giao với phần còn lại của thế giới, trong đó có Hoa Kỳ và Hàn Quốc ».

Bắc Triều Tiên luôn khẳng định không bao giờ đàm phán về chương trình hạt nhân nếu như Washington không từ bỏ « chính sách thù địch » nhằm vào Bình Nhưỡng. Giới quan sát nhận thấy việc chọn thời điểm phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào đúng ngày lễ Quốc Khánh Mỹ không phải là ngẫu nhiên. Đây là một thông điệp gửi tới Washington rằng Bắc Triều Tiên đủ khả năng đe dọa Hoa Kỳ.

Trước đó trong cuộc gặp tổng thống Mỹ tại Washington tuần trước, ông Moon Jae In đã tỏ thiện chí đưa Bắc Triều Tiên trở lại bàn đàm phán và Hàn Quốc muốn là chủ trì các cuộc thương lượng với miền Bắc. Nhưng Bắc Triều Tiên cho thấy họ mới là người áp đặt các cuộc đàm phán.

Phần đông các chuyên gia đều có chung nhận định, cuối cùng rồi Washington cũng sẽ không có sự lựa chọn nào khác là đối thoại với Bình Nhưỡng. Trong viễn cảnh đó, Bắc Triều Tiên vẫn luôn chuẩn bị một vị thế cho mình khi ngồi vào đàm phán.

Từ nhiều thập kỷ qua, Bắc Triều Tiên đã ít nhiều thành công trong việc mặc cả với cộng đồng quốc tế qua các hành động khiêu khích kiểu như lần này. Chuyên gia Cho Ham Bum, thuộc Viện nghiên cứu Triều Tiên khẳng định, vụ bắn thử tên lửa đạn đạo lần này là « một tiết mục mới trong trò đi dây được tính toán kỹ lưỡng » của Bình Nhưỡng.

Dù khoe khoang đó là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, nhưng hành trình bay của đầu đạn không đi quá xa vùng biển Nhật Bản, tránh bay qua lãnh thổ của đồng minh châu Á chủ chốt của Mỹ. Các hành động của Bắc Triều Tiên cũng có thể hiểu như là một sự đáp trả những tuyên bố cứng rắn chứa đựng không ít hăm doạ quân sự của chính quyền Trump đối với chế độ KIm Jong Un.

Sự kiện phóng tên lửa đạn đạo lần này dù gì cũng đã thay đổi đáng kể các cách tiếp cận ngoại giao của quốc tế đối với quốc gia khép kín này và chính quyền Donald Trump thì ít nhiều phải chịu áp lực buộc họ phải phản ứng.

Tổng thống Trump đã nhiều lần tuyên bố « hết kiên nhẫn chiến lược » và không loại trừ khả năng đáp trả bằng quân sự nếu gặp phải các khiêu khích nghiêm trọng. Nhưng tất cả vẫn chỉ dừng lại ở những tuyên bố.

Đến giờ Washington chỉ còn giải pháp là tiếp tục hối thúc Bắc Kinh gia tăng áp lực mạnh hơn với người láng giềng khó bảo. Trong khi đó Trung Quốc đáp lại là đã làm hết sức mình.

Cần phải hiểu rằng mặc dù có khó chịu với các hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng nhưng Trung Quốc không bao giờ muốn nhìn thấy chế độ này bị sụp đổ để rồi có một đường biên giới chung với một đồng minh của Hoa Kỳ, cùng với cả chục ngàn quân Mỹ và hệ thống khí tài chiến tranh đồ sộ ở sát bên cạnh.

Chuyên gia John Nilsson Wright, thuộc văn phòng tư vấn chính trị tại Luân Đôn, khẳng định, cuối cùng Bình Nhưỡng đã tích góp được chút vốn liếng ngoại giao trên những chia rẽ của cộng đồng quốc tế. Điều này đã được thấy rõ ở nhiều kỳ họp Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và sẽ còn xuất hiện tại hội nghị thượng đỉnh G20 tại Đức vào ngày 07 – 08/07/2017 khi mà Hoa Kỳ luôn đề nghị hành động mạnh còn Nga và Trung Quốc thì khuyên can kiềm chế.