Home Blog Page 1157

Vụ Trịnh Xuân Thanh: Nghi can bị bắt ở Praha là có quan hệ họ hàng với ông Đào Quang Trịnh, Lãnh sự danh dự của CH Séc tại Hải Phòng

Thoi báo.de
Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã có thêm nhiều thông tin thú vị. Khoảng 17h30 ngày 17/8/2017 nhiều xe cảnh sát Séc (cả công vụ lẫn dân sự) đã ập vào chợ Sapa Praha và tiến hành kiểm tra văn phòng chuyển tiền MoneyGram. Cũng trong ngày, từ 10 giờ sáng đến 15 giờ chiều 9 cảnh sát điều tra và 2 phiên dịch Séc-Đức hỏi cung liên tục không nghỉ với anh Bùi Quang Hiếu, chủ nhân xe chở Trịnh Xuân Thanh nghi bị bắt cóc tại Đức.
Vụ Trịnh Xuân Thanh: Nghi can bị bắt ở Praha là có quan hệ họ hàng với ông Đào Quang Trịnh, Lãnh sự danh dự của CH Séc tại Hải Phòng

Văn phòng chuyển tiền QUANG MINH của ông Nguyễn Hải Long tại Chợ Sapa Praha

Cảnh sát Séc đã kiểm tra kỹ lưỡng văn phòng và mang đi nhiều đồ trong các bao tải đen. Cuộc kiểm tra và niêm phong kéo dài đến gần 20 giờ cùng ngày. Nhiều nhân chứng nhận ra một người đi cùng bị còng tay, đó là anh Nguyễn Hải Long, đứng tên thuê văn phòng này trong chợ Sapa. Ban quản lý chợ từ chối bình luận về vấn đề này.

Đầu mối Nguyễn Hải Long

Đương sự đã bị bắt ngày 13/8/2017. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, nhưng chủ yếu vì nghiệp vụ, cảnh sát vẫn để nguyên chưa khám xét văn phòng mà chờ đến tận 17/8.

Khi đến tạm giữ xe của Hiếu Bùi, Multivan VW (Volkswagen) – biển số 2AB-3140, ngày 28/7/2017, cảnh sát đã biết, người đứng tên mượn xe là Nguyễn Hải Long, đứng tên văn phòng chuyển tiền MoneyGram trong chợ. Tuy nhiên, cảnh sát vẫn không động tĩnh gì mà chỉ hỏi cung bình thường như nhân chứng.  Mãi đến ngày 13/8/2017 Long mới bị tạm giam để phục vụ cho mục đích điều tra tiếp theo. Cảnh sát hiện chưa tiết lộ, long mượn xe cho ai và ai mới là người lái xe trực tiếp sang Đức trong vụ Trịnh Xuân Thanh.

Văn phòng này trước kia là tiệm cắt tóc của chị Hạnh và nó được chuyển nhượng lại cách đây hơn 3 năm. Một số doanh nghiệp kinh doanh gần đó cho biết, khách hàng chủ yếu của văn phòng chuyển tiền này là người chuyển tiền từ Việt Nam sang. Anh Nam, người ra vào quán Bingo cạnh văn phòng cho biết, một số quan chức hay doanh nhân Việt Nam sang châu Âu chơi bạc hay chuyển tiền thì cứ đến văn phòng lấy tiền sau chuyển ở đầu Việt Nam là được.

Một số người kinh doanh trong chợ cho rằng, Long chỉ đứng tên văn phòng chuyển tiền này. Chủ nhân thực sự của văn phòng chuyển tiền MoneyGram này không phải Long mà có thể là chú của Long, ông Đào Quốc Oai. Vai trò của ông Oai trong vụ mượn xe hay bắt cóc Trịnh Xuân Thanh thế nào là một trong hướng điều tra của cảnh sát.

Ông Oai quê quán tại Châu Giang, Hưng Yên. Trước đây ông đang sang Đức. Tại đây ông bị vướng vòng lao lý một thời gian và sau đó về Séc kinh doanh.

Ông Oai có gia đình khá mạnh về tài chính, quan hệ tại Việt Nam. Gia đình có sàn nhảy “bất khả xâm phạm” nổi tiếng tại Hải Phòng. Anh trai đang làm chức cảnh sát kinh tế tại thành phố này. Một số người còn đồn thổi, gia đình này khá thân cận cả với Bộ trưởng công an Tô Lâm.

Anh cả Đào Quang Trịnh* là Đại sứ danh dự của Séc tại Việt Nam. Ông Trịnh được biết đến với mối quan hệ rất rộng kể cả với quan chức cao cấp. Rất nhiều người trước đây đã phải nhờ vả sự giúp đỡ của ông khi muốn có visa sang Séc. Trong vụ lùm xùm cấp visa của Séc trước đây trên sân Golf, một số thông tin cho rằng nó cũng liên quan đến ông.

Bùi Quang Hiếu “vào lò quay”

Cảnh sát Prag và Đức thẩm vấn chủ cho thuê xe Bùi Quang Hiếu 

Trao đổi với Vietinfo.eu, ông Bùi Quang Hiếu, chủ nhân chiếc xe  Multivan VW – biển số 2AB-3140 được cho là chở Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc tại Đức, cho biết thêm về vụ hỏi cung vừa qua. Ba nhân viên cảnh sát hình sự đến văn phòng và chở ông Hiếu về phòng lấy cung (lời khai) tại phòng điều tra Trung tâm Praha.

Ông Hiếu cho biết, mới thoạt vào đã bị sốc. Đội hình thẩm vấn quá hùng hậu. Trong bàn dài cho 12 người gồm đương sự, 6 cảnh sát điều tra Séc, 3 nhân viên điều tra từ Đức, một phiên dịch Séc–Việt và một phiên dịch Séc-Đức. Ngoài ra, ngoài hành lang còn một đội ngũ đông đảo cảnh sát và bảo vệ nữa.

Ông cho biết “cảnh sát hỏi cung tôi liên tục đến 15 giờ và chỉ nghỉ 4 lần, mỗi lần 5 phút để đi vệ sinh. Mỗi lần đi vệ sinh cũng có 2 nhân viên đi theo”.  “Chỉ duy nhất là họ không cùng vào phòng vệ sinh để giám sát”, ông cười và nói thêm.

Những câu hỏi thường lệ của bên điều tra xoay quanh mốc 20/7/2017 đến 27/7/2017 như mối quan hệ với anh Long mượn xe, về cá nhân người này, anh Oai, nhóm bắt Trịnh Xuân Thanh nhận dạng một số ảnh….

“Về phần này, như thoả thuận với cảnh sát tôi sẽ không thể tiết lộ điều gì cả” anh khẳng định.

Khi được hỏi anh về chiếc xe tạm giữ, ông Hiếu cho biết “qua vệ tinh, cảnh sát cho tôi biết, chiếc xe đang ở Đức và sau 2 tháng sau sẽ trả lại”.

Khi được hỏi ông làm gì với xe đó, sau một chút suy nghĩ ông cười “rất có thể tôi đổi biển số xe thành TXT 23-07 (ngày Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc trên xe này) để chở các VIP đi du lịch”.

Vụ án Trịnh Xuân Thanh đang được gấp rút điều tra. Phía Đức gia tăng áp lực với Việt Nam về kinh tế và ngoại giao trước bầu cử và “mất điểm” về an ninh. Phía Séc cùng đang điều tra, liệu cơ quan Đại diện của Việt nam tại Séc có dính lứu đến hay không.

Phía Việt Nam cũng không muốn mất một đồng minh chiến lược là Đức và EU. Hơn nữa hội nghị thượng đỉnh APEC sắp đến gần và Việt Nam không muốn mất mặt mình là nước không tôn trọng luật chơi, do đó sẽ tìm cách giải quyết vướng mắc này càng nhanh càng tốt.

Một lợi thế cho Việt Nam là có trong tay nhân chứng sống – Trinh Xuân Thanh. Nếu Thanh hoàn toàn thuần phục và nghe theo kịch bản của Việt Nam (kể cả khi trao trả lại Đức) thì đây chỉ là vụ vượt biên trái phép sau về đầu thú. Nếu không, tình hình sẽ còn phức tạp.

Minh Đức – Vietinfo.eu

* ông Đào Quang Trịnh, Lãnh sự danh dự của CH Séc tại Hải Phòng: https://www.haiphong.gov.vn/Portal/Detail.aspx?Organization=SNV&MenuID=468&ContentID=3851 

Vụ BOT Cai Lậy: “Đừng xem dân là con nít!”

“Mời ông Thứ trưởng và Bộ trưởng Bộ GTVT coi lại luật thuế, phí và lệ phí. Đề nghị các ông làm theo luật. Người dân không phải là con nít, không phải là mẫu giáo. Quan điểm của tôi là đề nghị Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông phải xin lỗi”.
Bộ GTVT đã họp với Công ty TNHH BOT Cai Lậy (chủ đầu tư trạm thu phí), UBND tỉnh Tiền Giang để đưa ra quyết định giảm giá vé cho ô tô qua trạm từ loại 1 đến loại 5

Đó là ý kiến của TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông trước phản hồi của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trong vụ “lùm xùm” xảy ra tại trạm thu phí BOT Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang những ngày qua.

Tại cuộc họp ngày 16/8, Bộ GTVT đã họp với Công ty TNHH BOT Cai Lậy (chủ đầu tư trạm thu phí), UBND tỉnh Tiền Giang để đưa ra quyết định giảm giá vé cho ô tô qua trạm từ loại 1 đến loại 5.

Tiếp đó, tại cuộc họp báo ngày 17/8, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, vị trí đặt trạm Cai Lậy là phù hợp nên quyết không đổi vị trí trạm. Người phát ngôn của Bộ GTVT cho rằng, hiện nay trên cả nước có rất nhiều trạm thu phí. Nếu cứ vì người dân phản đối, phản ứng mà thay đổi vị trí trạm thu phí là không ổn…

Khi lãnh đạo Bộ GTVT tỏ ra cương quyết thì người dân, nhất là tài xế có lộ trình đi qua trạm thu phí Cai Lậy, Tiền Giang tiếp tục chuẩn bị khối lượng lớn tiền lẻ mệnh giá 200, 500 đồng và chai nhựa để thanh toán khi qua trạm. Dự liệu những bất ổn tại trạm thu phí BOT này còn kéo dài, phức tạp.

Lối ra nào để có kết quả êm đẹp vụ việc này, theo TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông tại TPHCM cho rằng: “Quan điểm tôi thì không thể để trạm thu phí ở vị trí này được. Không hợp lý chút nào. Quá trình này kéo dài mấy đời bộ trưởng, mấy đời thứ trưởng… nên thành ra dính đến lợi ích nhóm. Phải thành lập các đoàn giám sát, kiểm tra, thanh tra, thậm chí điều tra làm sáng tỏ vụ việc”, TS Phạm Sanh nói.

Dưới góc nhìn của chuyên gia giao thông, TS Phạm Sanh cho rằng, vụ trạm thu phí Cai Lậy, Tiền Giang nếu không lấy làm điểm thì cả nước sẽ thất bại mạng lưới BOT. “BOT thất bại thì mình không có cơ hội đầu tư hạ tầng, không đầu tư hạ tầng thì không có cơ hội phát triển”, ông giải thích.

Theo chuyên gia giao thông này, về nguyên tắc đặt trạm thu phí, việc làm mới đường tránh tại đâu thì phải đặt trạm thu tại đó. Công tác duy tu, sửa chữa Quốc lộ 1 đã có vốn từ nguồn bảo trì đường bộ, không dùng vốn BOT nên việc để Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang (BOT Tiền Giang) tăng cường mặt đường trên Quốc lộ 1 đoạn dài hơn 26 km rồi đặt trạm thu phí tại đây là trái nguyên tắc.

Ngoài bất cập về vị trí đặt trạm, việc quy định giá vé thu đối với các loại phương tiện qua trạm cũng… có vấn đề.

 

Khi lãnh đạo Bộ GTVT tỏ ra cương quyết thì người dân, nhất là tài xế có lộ trình đi qua trạm thu phí Cai Lậy, Tiền Giang tiếp tục chuẩn bị khối lượng lớn tiền lẻ mệnh giá 200, 500 đồng và chai nhựa để thanh toán khi qua trạm.

TS Phạm Sanh cho rằng, vấn đề vị trí đặt trạm là trách nhiệm, thẩm quyền chính của Bộ GTVT, còn giá vé và phương án thu chi của trạm là trách nhiệm, thẩm quyền chính của Bộ Tài chính. Giám đốc BOT Tiền Giang cho rằng, đơn vị không tự áp đặt mà do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cùng Bộ Tài chính ban hành là chưa thỏa đáng. Bởi khi lập dự án BOT, đơn vị này phải báo cáo cụ thể về mức giá sẽ áp dụng trên cơ sở tính toán sát với thực tế để cơ quan có thẩm quyền xem xét, ấn định khung thời gian thu phí nhằm thu hồi vốn cho nhà đầu tư.

TS Phạm Sanh cũng không đồng tình khi Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, hiện nay trên cả nước có rất nhiều trạm thu phí, nếu cứ vì người dân phản đối, phản ứng mà thay đổi vị trí trạm thu phí là không ổn… tạo tiền lệ xấu.

“Ở đây không có vấn đề nhún nhường giữa Bộ và người dân (tài xế), mà phải làm theo luật. Đâu thể nào nhập nhằng bảo trì đường bộ với đầu tư BOT. Hai cái này khác nhau. Anh cứ làm đúng luật đi. Thuế, BOT, có nghị định BOT. Người dân hưởng dịch vụ thì có trách nhiệm trả thuế”, TS Sanh khẳng định.

“Mời ông Thứ trưởng và Bộ trưởng coi lại luật thuế, phí và lệ phí. Chứ không phải thu cho đầy xong đi chỗ khác. Người dân không phải là con nít, không phải là mẫu giáo. Quan điểm của tôi là đề nghị ông Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông phải xin lỗi trong vụ việc này”, TS Phạm Sanh bộc trực nói.

Theo Dân Trí

Luật sư Võ An Đôn bị ‘xem xét kỷ luật’ vì chia sẻ trên Facebook

VOA

Luật sư Võ An Đôn, một luật sư nổi tiếng với những vụ bào chữa miễn phí giúp phơi bày tình trạng công an đánh chết dân, có thể bị Đoàn Luật sư Tỉnh Phú Yên kỷ luật vì những phát biểu chia sẻ trên Facebook cá nhân.

Theo thông báo từ Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư Tỉnh Phú Yên gửi ngày 17 tháng 8 cho luật sư Đôn được phổ biến trên mạng xã hội, luật sư Đôn đang bị xem xét kỷ luật vì trang Facebook Đôn An Võ của anh “có nhiều bài viết, clip nói xấu luật sư” cũng như những cuộc phỏng vấn giữa anh với “các đối tượng ở nước ngoài với các nội dung kích động, xuyên tạc không đúng sự thật, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước và luật sư Việt Nam.”

Những phát biểu này “có dấu hiệu vi phạm các quy định của Luật luật sư, Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam và đạo đức nghề nghiệp luật sư,” thông báo này nói tiếp.

Viết trong một thông điệp đăng trên Facebook với hình ảnh thông báo này đính kèm, luật sư Đôn khẳng định quyền tự do ngôn luận của mình và tố cáo Đoàn Luật sư chịu “sự chỉ đạo từ phía cơ quan nội chính và an ninh” để tìm cách làm anh im tiếng, “không cho nói sự thật.”

“Luật sư có cái miệng để nói, nhưng không cho tôi nói sự thật về bản chất nghề nghiệp của mình để mọi người trong xã hội biết, thì làm sao nghề luật sư ở Việt Nam phát triển được?” luật sư Đôn bức xúc.

Thông báo không nói rõ sẽ áp dụng hình thức kỷ luật nào đối với ông.

Trong một bài viết đăng ngày 6 tháng 7 trên Facebook, luật sư Đôn chỉ trích một quy định vừa ban hành của Liên đoàn luật sư Việt Nam cấm luật sư nói bậy trên mạng xã hội, điều mà anh nói là nhằm bịt miệng những cá nhân luật sư ít ỏi trong giới luật sư ở Việt Nam “dám lên mạng xã hội viết bài, bày tỏ quan điểm của mình về các vấn đề xã hội được dư luận quan tâm.”

“Họ sợ vì luật sư là thành phần tri thức ưu tú của xã hội, uy tín xã hội của luật sư rất lớn, luật sư nói lên sự thật và chỉ trích những chính sách sai lầm của chính quyền, cũng như việc làm sai trái của quan chức nhà nước,” luật sư Đôn bình luận.

Trước đây, luật sư Đôn từng bị đe dọa kỷ luật và thu hồi chứng chỉ hành nghề liên quan đến vụ án “Năm công an đánh chết dân” mà anh phơi bày và dấn thân theo đuổi công lý từ năm 2014.

Luật sư Đôn được Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam trao giải Nhân quyền năm 2016 vì các hoạt động bảo vệ cho quyền con người, bất chấp rủi ro và đe dọa.

Đại diện Thương mại Mỹ mở cuộc điều tra Trung Quốc

0
VOA

Hoa Kỳ ngày 18/8 chính thức mở cuộc điều tra về cáo giác Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ, một hành động được nhiều người dự đoán sau khi Tổng thống Donald Trump trong tuần kêu gọi nên quyết định chuyện này.

Đại diện Thương mại Mỹ, Robert Lighthizer, nói sau khi tham khảo với các bên liên quan và các cơ quan chính phủ, ông quyết định rằng vấn đề này đáng mở một cuộc điều tra kỹ lưỡng.

Tổng thống Trump và các thành viên nhóm cố vấn kinh tế của ông từ lâu đã cáo buộc Trung Quốc tham gia vào các hoạt động thương mại gây phương hại đến các doanh nghiệp Mỹ, từ việc nhập khẩu thép quá mức đến việc đánh cắp sở hữu trí tuệ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 14/8 vừa ký văn kiện cho phép điều tra nạn Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ và tuyên bố rằng đây là ‘một bước lớn.’

Trước đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc nói việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh điều tra cách làm ăn ‘không công bằng’ của Trung Quốc, có thể dầu độc các quan hệ song phương.

Ông Robert Lighthizer là tiếng nói chỉ trích lâu nay rằng Hoa Kỳ thiệt thòi quá nhiều trước những chính sách thương mại lạm dụng của Trung Quốc, để thâm thủng mậu dịch và khiến cho các công xưởng Mỹ phải đóng cửa.

Kỳ cuối: Hai chữ ‘hợp lý’ trị giá tỷ đô

Khánh An

VOA – Vụ án Trịnh Vĩnh Bình, từ vụ việc mang tính địa phương tại Bà Rịa – Vũng Tàu, đã mau chóng lên đến trung ương, cả Bộ Chính trị. Người biết chuyện lúc ấy nhận định, “Việt Nam có câu ‘đục nước béo cò’ có lẽ khá đúng trong trường hợp này. Mà ‘cò’ ở đây lại là những con cò lớn và nhiều khi không xuất đầu lộ diện.”Ngay cả Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan thời ấy, trong cuộc trả lời phỏng vấn VOA ngày 18 tháng Tám, cũng nói “vấn đề là từ các cá nhân. Đó là một vụ tham nhũng nhằm chiếm đoạt tài sản của ông Bình ở Việt Nam.” Sau khi ký thỏa thuận ngoài tòa tại Singapore, ông Bình nói rằng mình bị lừa trong một tiêu chí của một điều khoản liên quan đến việc trả lại tài sản của mình tại Việt Nam. Chính điều này đưa đến vụ kiện lần thứ hai, tại Paris vào ngày 21 tháng Tám, với số tiền bồi thường ông Bình đòi “ít nhất 1,25 tỷ đô la.” Xin theo dõi phần cuối dưới đây.

***

Thời điểm ông Trịnh Vĩnh Bình kiện Chính phủ Việt Nam ra Tòa trọng tài Quốc tế, báo chí trong nước gần như im tiếng. Rải rác chỉ một vài bài phỏng vấn các chuyên gia pháp luật về các thủ tục kiện tụng tại Tòa trọng tài.

Khi hai bên đạt được thỏa thuận ngoài tòa, dòng tin tức bị cắt đứt hoàn toàn, cả trong nước lẫn quốc tế. Các phóng viên quốc tế chuyên theo dõi những vụ kiện tại Tòa trọng tài cũng chỉ biết rằng hai bên đã đạt được thỏa thuận. Còn nội dung thỏa thuận như thế nào không ai rõ.

Nguyên nhân, theo lời ông Bình, là vì đây là điều kiện phía Việt Nam đưa ra trong thỏa thuận: Không tiết lộ thông tin cho truyền thông, báo chí.

Tòa án Trọng tài Quốc tế thuộc Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) (Hình minh họa)

Điều này, theo nhận định của Tiến sĩ Vũ Quang Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia thuộc Cục Thống kê Liên Hiệp Quốc, là một bất lợi cho ông Trịnh Vĩnh Bình:

“Cái khó của ông Trịnh Vĩnh Bình là báo chí thế giới rất ít nói về vụ này. Thành ra họ [Việt Nam] nghĩ là họ lờ đi.”

“Lấy mỡ nó rán nó”

Sau thỏa thuận ký kết tại Singapore năm 2006, ông Trịnh Vĩnh Bình trở về Việt Nam.

Đúng theo cam kết, Việt Nam miễn án tù và cho phép ông Bình ra vào nước dễ dàng. Dù không hề đề cập đến Bản thỏa thuận, báo Lao Động ngày 11/6/2012 vẫn đưa tin ông Bình “được Chính phủ ta giải quyết miễn chấp hành hình phạt tù, cho về Việt Nam.”

Nhưng điều khoản trả lại tài sản đã không được thực hiện như những hứa hẹn trong thời gian đôi bên thương lượng thỏa thuận, theo lời ông Bình.

“Tôi lại ngây ngô tôi về. Tôi cứ nghĩ là trên nguyên tắc có bản thỏa thuận. Bên chính phủ Việt Nam cam kết, họ ghi rất rõ, 1… 2… 3… Vậy mà họ về họ âm thầm họ làm.”

Không bỏ cuộc, suốt những năm từ 2006-2014, số đơn từ ông Bình gửi để xin giải quyết việc trả lại mấy chục địa điểm tài sản có thể “cân ký được,” ông nói.

Phía Việt Nam thời gian đầu khi nhận được đơn yêu cầu trả lại tài sản của ông Bình cũng có văn thư trả lời cho ông. Một văn bản Bộ Tư pháp Việt Nam gửi cho ông Trịnh Vĩnh Bình vào tháng 9/2008 nói Bộ này “đang nghiên cứu, xem xét theo quy định của pháp luật.” Nhưng theo lời ông Bình, kể từ sau văn thư này, Bộ Tư pháp “bặt vô âm tín.”

Trong các ngày 24/7 và 25/7/2017, VOA liên lạc trực tiếp với lãnh đạo Bộ Tư pháp để xác minh việc này nhưng chỉ được trả lời “bận” và từ chối trả lời các câu hỏi liên quan đến vụ Trịnh Vĩnh Bình.

Cũng trong thời gian này, ông Bình nhận được lời giải thích từ phía đại diện Việt Nam về việc không hoàn trả các tài sản đã tịch biên. Ông Bình kể cho VOA:

“Đoàn đàm phán Việt Nam trình bày lý do tài sản bị sang tay, không thể trả lại.

Họ nói như thế này: ‘Chúng tôi cũng đã nghiên cứu để giải quyết cho ông Bình theo thỏa thuận Singapore. Nhưng khi về, chúng tôi gặp khó khăn là những tài sản đó bây giờ đứng tên người thứ 2, thứ 3…’, tức là họ sang tay, bán mấy lần rồi. Cái câu ‘thứ 2, thứ 3’ là đúng. Nhưng tôi muốn nói cái dối của họ là họ qua họp khoảng năm 2014, 2015. Trong khi chính người phát ngôn đó hồi năm 2009, 2010, trong một văn bản, tìm cách lý giải ‘tiêu chí’ mà trong Bản Thỏa Thuận có ghi là từ ‘hợp lý’. Họ đưa ra hàng lô những cái mà họ cho là không hợp lý để không trả tài sản lại.”

Tiêu chí “hợp lý” nằm trong một điều khoản của bản thỏa thuận mà Chính phủ Việt Nam và ông Trịnh Vĩnh Bình đã ký kết tại Singapore năm 2006 về việc giải quyết trả lại tài sản cho ông Bình. Một phần của điều khoản này có nội dung, khi ông Bình có đơn kiến nghị, Chính phủ Việt Nam xem xét trả lại những tài sản “hợp lý” của ông Bình.

Một số xe hơi cổ của ông Trịnh Vĩnh Bình.

Theo lời ông Bình, Việt Nam đã cố tình thêm chữ “hợp lý” vào bản thỏa thuận, trong khi trước đó trong các bản thảo thương lượng, Việt Nam cam kết trả lại toàn bộ tài sản cho ông.

Tại Việt Nam, báo chí thời gian này cũng đưa tin về chuyện nhiều tài sản của ông Trịnh Vĩnh Bình đã bị “xà xẻo”, tự ý bán một cách “tùy tiện và cẩu thả”, đi kèm với tin truy tố một vài cán bộ thuộc Cục thi hành án dân sự, mà theo lời ông Bình, chỉ là “những con tép riu” ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có dính líu đến vụ án của ông. Báo Thanh Niên ngày 11/6/2012 nói “đã có nhiều sai phạm” trong thời kỳ hậu vụ án Trịnh Vĩnh Bình. Nhiều tài sản của ông Bình bị bán một cách “bất minh”, “trong đó có khu ‘đất đẹp’ giá rẻ về tay người nhà [của 3 cán bộ thi hành án]”.

Vẫn theo tờ báo này, “trong quá trình kê biên khu nhà kho thuộc tài sản của ông Bình, các cán bộ này đã phát hiện ra 12 xe ô tô trong nhà kho không được tuyên trong bản án. Thay vì phải xác minh làm rõ nguồn gốc, chủ sở hữu, Hoàng và Linh [2 trong số 3 cán bộ] vội vàng tiến hành cưỡng chế, kê biên số tài sản này.”

Cũng trong thời gian tài sản của ông Bình bị sang tay, “xà xẻo” vô tội vạ ở địa phương, ở cấp trung ương cũng có những “chỉ đạo” xuống cho các bộ, ngành và địa phương liên quan đến vấn đề tài sản của ông Trịnh Vĩnh Bình.

Một văn bản đóng dấu “Hỏa tốc” của Văn phòng chính phủ gửi cho Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án Nhân dân Tối cao và Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM vào ngày 2/4/2010 ghi rõ: “Giao Bộ Tư pháp chủ trì họp với Tòa án Nhân dân Tối cao, Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban Nhân dân các địa phương có liên quan bàn thống nhất biện pháp xử lý tài sản liên quan đến vụ kiện Trịnh Vĩnh Bình theo đúng quy định của pháp luật; báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4 năm 2010.”

Trước đó, một văn bản từ Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ngày 12/10/2009 gửi Lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng đề nghị Bộ này “có ý kiến” với UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, “chỉ đạo Ủy ban nhân dân thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành dừng việc san lấp, sử dụng đất có liên quan tới việc khiếu tố để chờ ý kiến kết luận giải quyết cuối cùng của cơ quan chức năng, tránh việc khiếu tố kéo dài, phá vỡ cam kết.”

Tuy nhiên, những chỉ đạo từ bên trên đã không hề có hiệu lực trên thực tế tại địa phương.

“Vì những người đi làm [việc giải quyết trả lại tài sản] xuống tới Vũng Tàu thì bị câu móc. Miền Bắc có từ hay lắm ‘Lấy mỡ nó rán nó’. Họ dùng tài sản của mình chia nhau. Ai xuống thì ‘Thôi, đừng làm gì hết. Mình chia nhau’. Rồi họ sang tay ngầm. Họ kéo vào chia chác nhau. Họ làm đủ thứ hồ sơ. Ví dụ từ 10.000 m2, họ làm thành 8.000 m2, 7.000 m2… Rồi cuối cùng họ nói ‘Cái này không giao cho ông Bình được vì hồi xưa có bản án như vậy, vi phạm thế nọ thế kia. Tóm tắt là họ lấy hết của tôi.” Ông Bình nói với VOA.

Ngày 26/7/2017, VOA liên lạc với ông Nguyễn Cao Lục, phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Việt Nam, để xác minh nội dung các văn bản thì được ông trả lời: “Rất xin lỗi là nó không thuộc lĩnh vực của tôi phụ trách. Cái này bên Bộ Ngoại giao [phụ trách] thôi. Liên hệ với bên Bộ Ngoại giao nhá.”

Sau nhiều lần liên lạc với lãnh đạo và Vụ Báo chí của Bộ Ngoại giao, VOA nhận được trả lời từ Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Trà vào ngày 8/8/2017: “Chúng tôi sẽ chuyển những câu hỏi này của phóng viên đến các cơ quan chức năng.”

Đơn từ không giải quyết được việc, năm 2012, ông Trịnh Vĩnh Bình về Việt Nam và đến gặp bà Nguyễn Thị Bình, người mà ông từng tận tai nghe trực tiếp trên truyền hình bà chất vấn trước Quốc hội về vụ án của ông.

“Tôi đến cầu cứu bà ấy. Bà Bình thở dài, ngả người ra sau ghế và nói ‘Bình ơi, chị bây giờ không còn quyền chức, không làm gì hết. Thời chị còn quyền chức, chị nói còn chưa nghe nữa mà. Thôi để chị thử.”

Ngày 26/12/2012, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình gửi thư cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và “đề nghị đ/c [đồng chí] có thể dành ra một ít thời gian chủ trì cuộc họp với các bộ ngành và các tỉnh có liên quan để giải quyết dứt điểm việc này, giữ uy tín cho Chính phủ, đảm bảo công bằng và nghiêm minh của pháp luật, tránh những phức tạp có thể xảy ra không cần thiết.”

Chờ thêm 2 năm nữa, những nỗ lực đòi lại tài sản của ông Bình vẫn chẳng đi tới đâu.

“Để lâu cứt trâu hóa bùn. Kệ. Cứ kéo dài vậy.” Ông Bình chua chát, vì trước đó, Đại tá-Luật gia Lê Mai Anh, nguyên cán bộ Viện Kiểm sát Tối cao, sau khi nhận được kêu cứu từ ông Bình, đã cảnh báo:

“Trả lại tiền cho ông ấy bây giờ là khó khăn lắm. Không thể có chuyện ấy được đâu. Nhưng mà ông ấy vẫn cứ tin Nhà nước mình nên ông ấy cứ chờ đợi từ năm này sang năm khác.”

Kiện lần 2

Tháng 1/2015, ông Trịnh Vĩnh Bình quyết định khởi kiện Chính phủ Việt Nam ra Tòa trọng tài Quốc tế lần thứ hai.

Hồ sơ của ông lần này được chuyển cho tổ hợp luật sư nổi tiếng của Mỹ: King & Spalding.

Trong vụ kiện lần này, ông Trịnh Vĩnh Bình đòi nhà nước Việt Nam phải bồi thường “ít nhất 1,25 tỷ đôla”.

“Tôi đòi hai mục. (1a) là những tài sản mà chính phủ Việt Nam tịch thu hay chiếm đoạt trái phép, vi phạm luật pháp quốc tế về hiệp thương. (1b) Do vụ án gây ra một số hệ quả, nên những hệ quả đó cũng được liệt kê vào để đòi đền bù. Điểm thứ 2 là điểm nhức nhối.”

Ông Trịnh Vĩnh Bình cho biết điểm đòi bồi thường thứ 2 dựa trên tiền lệ của một vụ kiện nhốt tù oan sai ở Mỹ. Trong vụ kiện này, người bị nhốt tù oan 4,5 ngày đã được tòa ra phán quyết buộc Chính phủ Mỹ phải bồi thường 5 triệu đôla. Như vậy, một ngày bị tù oan được bồi thường khoảng 800.000 đôla. Ông Trịnh Vĩnh Bình dựa trên tiền lệ này để quy ra số tiền đòi Chính phủ Việt Nam phải bồi thường cho hơn 18 tháng Việt Nam giam giữ ông.

Hình minh họa.

“Tôi rất tiếc là chính phủ Việt Nam thay vì một vụ việc mà mình thấy mình sai, mình biết mình sai rồi thì giải quyết cho người ta êm đẹp, tức là ngăn ngừa không cho vụ này xảy ra tiếp. Đây là việc nên làm. Nhưng không, Việt Nam thường thường khi có một vụ xảy ra, người ta có khiếu nại hay muốn nói lên sự thật, thì lại tìm cách đàn áp nó xuống, dùng mọi hình thức đe dọa, đàn áp. Tôi cho đây là một cách thức mà khi sử dụng với những người Việt kiều thì gần như 80%, 90% là vô hiệu. Là vì những người Việt sống ở nước ngoài người ta đã hấp thụ được cái gọi là trật tự xã hội, pháp luật ở bên ngoài. Người ta cho rằng đó là quyền của người ta. Người ta được bảo vệ. Còn Việt Nam thì không vậy. Quyền ở trong tay tôi. Trong tay tôi thì tôi có thể làm.”

Về phía mình, Chính phủ Việt Nam lần này thuê tổ hợp Luật sư nổi tiếng của Anh, Freshfields Bruckhaus Deringer LLP. VOA nhiều lần liên lạc chuyên viên tư vấn pháp lý hiện đang làm việc với tổ hợp luật sư trên, nhưng đều không nhận được câu trả lời.

Trong văn bản gửi VOA ngày 8/8/2017, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Trà chỉ trả lời chung cho gần 10 câu hỏi của VOA rằng:

Chúng tôi sẽ chuyển những câu hỏi này của phóng viên đến các cơ quan chức năng.

Việt Nam luôn hoan nghênh và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tại Việt Nam. Mọi hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Những hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý theo đúng các quy định pháp luật”.

Hình minh họa.

Tiến sĩ Vũ Quang Việt, Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia thuộc Cục Thống kê Liên Hiệp Quốc, cho biết về quy trình xử kiện sắp tới:

“Xử, xong rồi giả dụ [Tòa trọng tài] có đưa ra một kết luận là phải trả, thì đương nhiên họ sẽ có quyền và bằng cách nào đó nắm tài sản của Việt Nam. Cả cái Âu châu nó lớn. Nếu là Tòa quốc tế thì họ phải chặn account [tài khoản] của chính phủ Việt Nam”.

Cựu chuyên viên của Liên Hiệp Quốc nói thêm: “Tôi nghĩ là để cho họ [Trung tâm Trọng tài Quốc tế] làm. Rồi sau đó Việt Nam học được một bài học. Chả có cách gì khác. Phải để cho nó xảy ra. Trừ phi bây giờ Việt Nam xin nộp lại tất cả những thứ đó, trả lại ngay lập tức, rồi thì quan tòa có thể kêu thôi và bỏ [việc xét xử]”.

Tiến sĩ Joris Voorhoeve, người trước đây trong tư cách Bộ trưởng Quốc phòng của Hà Lan đã có rất nhiều can thiệp, yêu cầu Chính phủ Việt Nam phải xem xét lại vụ án, trong cuộc phỏng vấn với VOA ngày 18/8/2017, nói bản án của Việt Nam đối với ông Trịnh Vĩnh Bình là “bất công”.

“Vấn đề là từ các cá nhân. Đó là một vụ tham nhũng nhằm chiếm đoạt tài sản của ông Bình ở Việt Nam”.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Voorhoeve nhận định vụ án này là một “thử nghiệm” về lòng tin, không chỉ từ phía Hà Lan mà còn ở Hoa Kỳ và các nước khác, đối với việc tuân thủ Luật pháp quốc tế và trong nước của Việt Nam.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Voorhoeve trong cuộc phỏng vấn qua Skype với VOA, 18/8/2017.

Thắng, thua? Đau!

Nguyên đơn vụ kiện, ông Trịnh Vĩnh Bình, khá tự tin về khả năng thắng kiện.

“Dĩ nhiên quyết định cuối cùng vẫn là ở tòa. Nhưng tôi thấy chính phủ Việt Nam, đừng nói là phần trăm, mà tôi dám nói mạnh miệng rằng phần ngàn cũng không có. Bởi vì trong vụ này không phải là sai ít, mà là sai từ Luật của Việt Nam, mà chính chính phủ Việt Nam bây giờ cũng biết sai.”

Trong khi đó, những người dân ở phía “Bị đơn,” cũng không hề tỏ ra lạc quan.

Nhà báo Nguyên Bình, con gái tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nói với VOA:“Làm sao mà thắng được? Một là mình không có thầy kiện giỏi. Hai là người ta đã nghiên cứu kỹ rồi. Người ta cũng thông thạo luật pháp quốc tế rồi. Thế thì chuyện thua là phần lớn hơn là không thua. Mà đã thua rồi thì mất rất nhiều thứ. Không những về kinh tế, mà còn về chính trị, ngoại giao. Cái đấy là chắc chắn rồi”.

Theo bà, Việt Nam “chỉ có cách thương lượng với ông Trịnh Vĩnh Bình và xin lỗi ông ấy.”

“Việt Nam bây giờ đang thiếu tiền, thiếu vốn, muốn kêu gọi Việt kiều cũng như các nhà đầu tư ở các nước vào đầu tư, mà nếu vụ này phanh phui ra và bị thất bại thì ảnh hưởng sẽ rất lớn. Chẳng biết ai người ta còn muốn vào Việt Nam đầu tư kiểu này nữa không?”

Theo bà Nguyên Bình, “về lâu dài, phải dân chủ hóa. Phải không được kỳ thị những người giỏi về luật pháp và có kinh nghiệm làm ăn quốc tế. Chứ còn bây giờ cái gì cũng Đảng. Mà Đảng thì không hiểu biết gì về làm ăn kinh tế. Một ông chưa bao giờ đọc một cuốn sách về kinh tế mà lại cứ lãnh đạo và quyết định mọi thứ, thì thua là cái chắc. Không phải thua một ông Trịnh Vĩnh Bình này, mà còn có thể thua rất nhiều trong những vụ làm ăn với châu Âu”.

Hầu hết các giới chức Việt Nam mà VOA phỏng vấn khi thực hiện loạt bài này đều dè dặt trong việc đưa ra tiên đoán về khả năng thắng, thua của Việt Nam.

Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng (Ảnh tư liệu)

Cựu Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nói: “Trước đây đã có thỏa thuận ngoài tòa, nghĩa là Việt Nam đã phải lùi một bước. Lần này liệu còn có đất lùi nữa hay không là tùy vào sự chuẩn bị của đội ngũ luật sư mà trong nước đã phải bỏ tiền ra thuê rất đắt. Nhóm lợi ích thu về được một ít tiền của ông Bình, không biết có nổi dăm triệu không, mà bây giờ nếu phải đền bù có thể lên đến nhiều trăm triệu đôla. Tiền này ai gánh chịu? Người dân và doanh nghiệp Việt Nam đóng thuế ở Việt Nam è cổ bỏ tiền thuê luật sư để cãi cho những người mà chính luật pháp Việt Nam cũng đã bỏ tù họ”.

Phiên xử đầu tiên của vụ kiện sẽ diễn ra vào ngày 21/8/2017 tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế ở Paris, Pháp.

Trong những năm tháng chuẩn bị cho vụ kiện, ông Bình nói với VOA rằng ông luôn chuẩn bị tâm thế để đối mặt với tình huống xấu nhất.

“Qua vụ này, tôi nghĩ Việt Nam sẽ trả một giá rất đắt. Tôi cam đoan như vậy. Đừng có nghĩ là đe dọa tôi, không ăn thua gì. Tôi không là gì cả. Văn bản của tôi bây giờ nằm trong tay luật sư. Từ lâu, khi vào cuộc chơi, tôi đã chấp nhận cuộc chơi. Tôi đã chuẩn bị di chúc và ủy quyền hết rồi. Tôi chả là gì hết. Nếu còn tôi, thì còn có thể ở một mức nào đó thương lượng để giải quyết những thiệt hại và ngăn ngừa trong tương lai để không cho những quan tham làm chuyện này tiếp”.

Ông Bình tham quan địa điểm đầu tư tiềm năng tại Việt Nam vào tháng 4/1990.

Khi được hỏi nếu được lựa chọn lại, ông có quyết định về Việt Nam đầu tư?

Ông Trịnh Vĩnh Bình trả lời:

“Tôi có thể nói rằng thuê tôi cũng không dám. Cho tiền tôi một ngày bao nhiêu tôi cũng không dám. Thực ra không phải là không dám, mà tôi không muốn. Tại sao mình phải phí thời giờ như vậy? Tâm sức của mình phải được tưởng thưởng ít nhất trên tinh thần.”

Ước mơ, hoài bão xây dựng quê hương đã được ông Trịnh Vĩnh Bình rất nhiều lần, bằng nhiều cách, trình bày với các cơ quan chức năng của Việt Nam, như trong một văn bản ông đã gửi cách đây 7 năm:

“Nếu tài sản nhỏ nhoi của gia đình tôi có bị quan chức Vũng Tàu tìm cách tịch thu (để họ ngấm ngầm chia chác nhau bằng nhiều cách, như họ đang luồn lách, tha hồ mà làm như hiện nay), thì nó sẽ không có giá trị gì đối với đất nước Việt Nam. Điều làm cho tài sản gia đình tôi có lợi ích đối với đất nước Việt Nam chính là phải để nó tiếp tục sản xuất sinh nở ra những lợi ích tự nhiên, làm tấm bảng quảng cáo mạnh cho việc thu hút thêm đầu tư nước ngoài, khích lệ thu hút sự đóng góp tích cực từ khối kiều bào… đó mới là có lợi.”

Cả ông Trịnh Vĩnh Bình lẫn một số giới chức của Việt Nam mà VOA phỏng vấn đều tỏ ra không vui vẻ gì trong vụ kiện này.

Ông Trịnh Vĩnh Bình nói “đấu tranh” tại tòa quốc tế là lựa chọn cuối cùng của ông. Vì theo lời ông, “cái gì cũng vậy, cũng phải có đấu tranh để theo luật đào thải.”

Tất cả họ, cả bên bị đơn lẫn nguyên đơn, nói như lời Đại sứ Đinh Hoàng Thắng, đều “đau” trong vụ án xuyên thế kỷ này.

Bài liên quan :

Đại kỳ án thế kỷ sắp diễn ra tại Paris

Người Việt Nam bị bắt cóc ở Bá-linh: Một tên bắt cóc đã bị bắt giữ

0
TAZ

Tác giả: Marina Mai

Hùng Hà chuyển ngữ

18-8-2017

Cảnh sát Tiệp đã bắt giữ một người Việt Nam. Người này dường như là tên tài xế đã bắt cóc một người Việt Nam vào tháng Bảy vừa qua ở Bá-linh.

BERLIN taz | Trong vụ việc bắt cóc cựu chính trị gia Việt Nam Trịnh Xuân Thanh đã có một vụ bắt giữ. Bà Frauke Köhler, phát ngôn viên của Công tố viện Liên bang, đã phát biểu với TAZ. “Tôi xác nhận, đã có một một vụ bắt giữ ở nước ngoài. Vì những lý do về chiến thuật điều tra tôi không thể nói thêm về việc này”.

Theo những điều tra của TAZ, người bị cáo buộc là tài xế của chiếc xe gây án đã bị đội đặc nhiệm của cảnh sát Tiệp bắt giữ vào hôm Chủ nhật vừa qua tại Praha. Nhiều nhân chứng mục kích cũng như một phóng viên người Việt Nam đã tường thuật với TAZ. Hiện nay vẫn chưa được biết rằng người bị bắt giữ hiện đang được thẩm vấn ở Praha hay tại trụ sở của Công tố viện Liên bang ở Karlsruhe.

Như TAZ đã đưa tin, vào ngày 23.07. vừa qua, tại quận Tiergarten ở Bá-linh, cự chính trị gia Việt Nam Trịnh Xuân Thanh đã bị mật vụ Việt Nam bắt cóc và đưa về Việt Nam. Ở đó, người đàn ông 51 tuổi đang xin tỵ nạn ở Đức này phải chịu trách nhiệm trong một vụ án kinh tế. Trong trường hợp xấu nhất, người này có nguy cơ phải chịu án tử hình.

Chiếc xe hơi trong vụ bắt cóc người này là một chiếc xe thuê từ một công ty cho thuê của người Việt Nam ở Praha. Chiếc xe VW này đã bị tịch thu từ tuần trước ở Praha và được giao cho các điều tra viên Đức. Chiếc xe 7 chỗ này được trang bị GPS, nên lộ trình đào tẩu đã được tái dựng một cách chính xác. Công tố viện Liên bang đã cho biết, người bị bắt cóc đầu tiên được đưa từ Tiergarten vào Đại sứ quán Việt Nam ở Bá-linh.

NGƯỜI BỊ BẮT GIỮ ĐIỀU HÀNH MỘT VĂN PHÒNG CHUYỂN TIỀN

Theo lời tường thuật của nhiều nhân chứng mục kích, vào hôm thứ Năm, các điều tra viên Tiệp cũng đã ập vào văn phòng của người bị bắt giữ với một đội đặc nhiệm. Hiện nay văn phòng này đã bị niêm phong.

Theo lời những người hàng xóm, người đàn ông bị bắt giữ khoảng cuối tứ tuần và là công dân Việt Nam. Người này điều hành một văn phòng chuyển tiền „MoneyGram“ trong chợ Sapa ở Praha. Chợ Sapa ở Praha là chợ châu Á lớn nhất châu Âu với quy mô của một tiểu đô thị. Trong một văn phòng chuyển tiền, thường hoạt động trong vùng xám của luật pháp và buộc phải cộng tác tốt với các nhà ngoại giao Việt Nam, những khoản tiền của người Việt Nam ở Tiệp và các quốc gia châu Âu láng giềng được chuyển cho thân nhân của họ ở Việt Nam. Trong nhiều trường hợp không thể chuyển tiền thông qua ngân hàng: Hoặc vì đây là số tiền kiếm được bằng cách bất chính hay bởi vì thân nhân ở Việt Nam không có tài khoản ngân hàng.

“Đài tiếng nói Hoa-kỳ” đã đưa tin vào ngày thứ Năm rằng chính quyền Hà Nội đã đưa đề nghị đối thoại với chính phủ Đức về vụ việc bắt cóc. Điều này nhằm đáp ứng lời đòi hỏi của Ngoại trưởng Sigmar Gabriel (SPD).

Phí BOT Cai Lậy cao gấp nhiều lần phí cao tốc Trung Lương

0
Dân trí : Cao tốc Trung Lương 62km, thu 40.000 đồng, còn đường tránh Cai Lậy dài 12km, thu 35.000 đồng. Như vậy, chưa kể chất lượng đường, chưa kể có thực chạy hay không, mỗi km đường tránh, người dân phải trả cao gấp nhiều lần cao tốc Trung Lương.
Trạm thu phí BOT Cai Lậy chiều 14/8, bị kẹt xe kéo dài cả km.

Trạm thu phí BOT Cai Lậy chiều 14/8, bị kẹt xe kéo dài cả km.

Nhiều ngày nay, tại trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang), hàng chục tài xế đã dùng tiền lẻ mệnh giá 200 và 500 đồng vo tròn bỏ trong chai nhựa, bịch nylon để trả phí, nhằm phản đối trạm này.

Một số tài xế còn cho tiền vào dung dịch lỏng để tiền dính vào nhau, hoặc trả từng tờ tiền lẻ một, vừa làm vừa quay phim để tung lên mạng…

Trên nhiều diễn đàn, giới tài xế đã liên kết với nhau, đi theo hội nhóm để cùng vào trạm phí và cùng “câu giờ” để phản đối vì cho rằng trạm đã được đặt nhầm chỗ.

Các tài xế lên mạng xã hội hẹn nhau chuẩn bị tiền lẻ để cùng nhau về Cai Lậy phản đối trạm.

Giới tài xế phản ứng quyết liệt như vậy bởi nhà đầu tư làm tuyến tránh dài 12km nhưng lại đặt trạm phí trên quốc lộ 1A – con đường được làm hoàn toàn bằng tiền thuế của nhân dân.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Phú Hiệp – Giám đốc BOT Tiền Giang – cho biết sẽ không có việc di dời trạm phí về đúng chỗ của nó. Thậm chí ông còn “dọa” tất cả các trường hợp trả tiền lẻ đều được camera ghi lại, báo cáo Công an tỉnh Tiền Giang làm cơ sở xử lý.

Theo tính toán của giới tài xế, với mức thu từ 35.000 – 180.000 đồng/xe, mức phí để qua trạm Cai Lậy đang… cao nhất Việt Nam!

Để thu phí, nhà đầu tư đã làm đoạn đường dài 12km chỉ với hai làn xe chạy, có cả xe cơ giới lẫn xe thô sơ; không có rào chắn an toàn, cũng không hề có dải phân cách…

Trong khi đó, cùng qua Tiền Giang, mặc dù đường cao tốc Trung Lương thu phí, quốc lộ 1 không thu phí nhưng xe cộ vẫn dồn lên cao tốc bởi vì đường Trung Lương dài 62km với 6 làn xe, xe con đi hết tuyến chỉ phải trả 40.000 đồng.

Nhiều tài xế để cọc tiền lẻ trả phí BOT Cai Lậy

Thử làm phép toán: Cao tốc Trung Lương 62km, có 6 làn, thu 40.000 đồng, còn đường tránh Cai Lậy dài 12km thu 35.000 đồng. Thậm chí, xe không chạy trên đường tránh Cai Lậy cũng phải nộp phí.

Làm một phép tính khác, nếu ai có ô tô con mỗi ngày đi qua đây một chuyến (đi, về) phải nộp 70.000 đồng. Sau 7 năm 5 tháng (thời hạn trạm này thu phí) thì chủ xe phải tốn cho trạm này gần… 200 triệu đồng – bằng tiền một chiếc xe cũ còn chạy tốt. Đó là với xe con.

Còn với xe tải, mức phí còn lớn hơn nhiều. Xe 18 tấn chở hàng đi từ Cà Mau ra Hà Nội rồi quay về (1 chiều rỗng), mỗi tấn hàng cước phí nhà xe thu được là 2,5 triệu đồng. Tính trên đoạn đường BOT Cai Lậy dài 12 km nhà xe thu được 135.000 đồng tiền cước vận chuyển (chưa trừ chi phí) nhưng phải nộp tới 360.000 đồng tiền BOT (hai chiều). Như vậy là tiền đi đường cao gần gấp 3 doanh thu vận tải.

Nhưng vấn đề là các nhà xe không cần và không hề có nhu cầu đi qua đường tránh!

Cái lý lẽ “sửa chữa tăng cường mặt đường quốc lộ 1 hết 300 tỷ” nên đặt trạm thu phí trên quốc lộ không hề thuyết phục. Bởi lẽ, trước khi có nhà đầu tư BOT Tiền Giang, quốc lộ 1 qua đoạn này vốn không có kẹt xe mà chỉ ùn ứ vào dịp lễ, Tết.

Thực tế thì, khi nhà đầu tư xuất hiện rồi chặn cầu, chặn đường để “dặm vá” thì mới xảy ra ùn ứ.

Giới tài xế vẫn đang đấu tranh quyết liệt để đưa trạm này về đúng chỗ của nó. Các nhà xe cho biết, nếu trạm vẫn nằm lộn chỗ, giá cước vận tải sẽ buộc phải tăng. Khoản thu hàng ngàn tỷ về túi nhà đầu tư sẽ đánh thẳng vào hạt thóc, con gà, con lợn… của nhân dân.

Hữu Danh

“Cuộc chiến” tiền lẻ với những ông chủ trạm BOT có lòng tham không đáy

0
(Dân trí) – Trong những ngày này, hình ảnh những tài xế qua trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) với những cọc tiền lẻ với mệnh giá siêu nhỏ: 500 -1000 đồng, những chai nhựa chưa đầy tiền lẻ vo viên thực sự là những hình ảnh quá bi, hài. Nó cho thấy một “cuộc chiến” giữa cánh lái xe, của giới doanh nghiệp vận tải với những ông chủ trạm BOT đang ở cao trào mà chưa có giải pháp hữu hiệu.

Bỏ qua những lời đe dọa của cả chủ đầu tư trạm thu phí đó như đòi lập danh sách tài xế sử dụng biện pháp trên gửi cơ quan công an xử lý; bỏ qua lời của ông Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho rằng trạm thu phí đó khi lập ra là có sự đồng ý của Bộ này và địa phương, đúng quy trình; bỏ qua nhận xét của một ông đại biểu Quốc hội rằng cách ứng xử của giới lái xe là “có vấn đề về văn hóa”… thì cách trả tiền thu phí có một không hai trên trên giới nói trên thực chất là một sự phản ứng ngầm của người dân, của doanh nghiệp, là câu trả lời của cuộc sống với chính sách bất hợp lý.

Có thể nói ngay là bất hợp lý, bởi mức thu ở một trạm thu phí trên đường tránh như vậy là quá cao. Như trong bài báo “Phí BOT Cai Lậy cao cấp 14 lần phí cao tốc Trung Lương” đăng trên Dân trí ngày 15/8 đã phân tích bằng những con số rất thuyết phục: Cao tốc Trung Lương 62km, có 6 làn, nếu quy ra một làn thì dài 372km, thu 40.000 đồng tương đương số tiền lái xe phải trả là 107 đồng/km. Còn đường tránh Cai Lậy dài 12km, 2 làn xe, quy ra một làn dài 24km, thu 35.000 đồng, như vậy mỗi km người dân phải trả 1.458 đồng, cao gấp 14 lần cao tốc Trung Lương.

Trong khi đó, số tiền đầu tư cho tuyến đường này lại rất thấp. Ngay trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/8, Tổng thư ký Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc đã khẳng định: “Như Tiền Giang, dự án trên quốc lộ 1A chỉ là như thế (chỉ tráng một lớp trên mặt đường) và cuối cùng thu phí cao hơn cả cao tốc Trung Lương, vì thế nên dân bức xúc là đúng”.

Cho dù đến nay, phía chủ đầu tư dự án BOT Cai Lậy đã nhượng bộ giảm phí từ 35.000 đồng xuống còn 25.000 đồng nhưng lại tăng thời gian thu phí nên khả năng, “cuộc chiến” để giành lấy lẽ công bằng của giới lái xe, của các doanh nghiệp có vận tải hàng hóa, của những người dân đi qua tuyến đường này có lẽ sẽ không dừng lại. Cho dù, điều đó cũng làm cho họ tốn quá nhiều thời gian, công sức và tiền bạc.

Vụ việc trên có thể nói là một trong những điểm nóng cao độ trong “cuộc chiến” chung của người dân, doanh nghiệp với nhiều trạm thu phí BOT quá vô lý trên toàn quốc. Đã và vẫn đang tồn tại khá nhiều điểm nóng tranh chấp về thu phí BOT mà nếu không có giải pháp đồng bộ để xử lý, chính những điểm tranh chấp đó lại tạo lên những bất ổn về xã hội.

Bởi không chỉ có con đường và trạm thu phí BOT Cai Lậy, theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, hiện nay, thực tế có một số dự án, đường nhà nước đã làm sẵn đường, nhà đầu tư BOT vào nâng cấp, chỉ “tráng đường một ít”, đầu tư thêm một lớp bên trên rồi thu phí.

Chính vì lợi nhuận cao, cách làm dễ dãi, nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư nhảy vào xin làm đường BOT khiến Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có nhiều trạm BOT giao thông nhất thế giới.

Ngay tuần trước, trạm BOT Tào Xuyên (Thanh Hoá) phải tạm dừng gấp việc thu phí vì chủ đầu tư đã quá lãi khi thời gian thu phí đươc phê duyệt lên tới 30 năm. Trước đó, sau khi Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào cuộc điều tra, thì 13 dự án BOT phải giảm thu phí 100 năm.

Khái niệm dự án BOT (xây dựng – vận hành – chuyển giao) mục đích là thu hút tư nhân vào đầu tư hạ tầng giao thông. Nghĩa là doanh nghiệp ứng tiền ra làm trước. Nhưng ở Việt Nam, thực tế, mô hình này đã bị biến tướng: Bản chất là nhân dân góp tiền xây đường đi bằng các trạm thu phí thu hồi vốn. Còn không ít chủ đầu tư, thực chất là “tay không bắt giặc”.

Thực chất của câu chuyện thu phí ở nhiều trạm BOT là người dân, doanh nghiệp bỏ tiền xây đường nhưng họ không được quyền quyết định chủ đầu tư, tổng mức đầu tư, năm thu phí. Quy trình cấp phép, giám sát của ngành giao thông hiện quá lỏng lẻo, tạo điều kiện doanh nghiệp lợi dụng để kiếm lợi ở mức cao nhất. Họ có thể ăn gian, kiếm lời lớn từ các dự án BOT đó bằng cách khai tổng mức đầu tư thật cao, kéo dài thời gian thu phí.

Có những ví dụ quá cụ thể cho câu chuyện này. Điển hình như trạm BOT tuyến cao tốc Hải Phòng khi Thanh tra vào kiểm tra, chủ đầu tư đã phải giảm tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ, giảm thời gian thu phí hơn 1 năm.

Đầu tư, triển khai các dự án BOT không phải là không cần thiết, thậm chí là rất cần thiết để phát triển cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho giao thương phát triển, kinh tế phát triển. Đặc biệt là hiện nay, khi ngân sách nhà nước đang trong tình trạng khó khăn thì việc thúc đẩy các dự án BOT để thu hút vốn đầu tư tư nhân là cần thiết. Nhiều quốc gia hiện nay cũng làm BOT.

Nhưng vấn đề là với một chính sách lớn như vậy, ở các nước, quy định, luật pháp chặt chẽ nên hạn chế doanh nghiệp lợi dụng. Còn ở Việt Nam, rõ ràng, qua một thời giản triển khai mô hình dự án BOT trong giao thông, đã có quá nhiều bất cập, cho thấy chính sách còn lỏng lẻo, bất cập, có nhiều dấu hiệu lợi ích nhóm, để doanh nghiệp lũng đoạn.

Với tình trạng người dân bức xúc cao độ về triển khai thu phí ở nhiều trạm BOT hiện nay, ai cũng thấy cần phải có một đợt thanh tra, kiểm tra toàn diện, phát hiện, xử lý hàng loạt bất cập về chính sách, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, nhà nước, chủ đầu tư mới có thể khiến mô hình dự án BOT đứng vững, phát huy hiệu quả được. Còn nếu không, những nỗi bức xúc bộc phát thành “cuộc chiến tiền lẻ” như ở trạm thu phí BOT như ở Cai Lậy- Tiền Giang còn lan rộng và gây ra nhiều hậu quả khôn lường.

Mạnh Quân

Từ “thần tốc”, “kỳ ảo” đến “qui trình cong mềm mại”…!

(Dân trí) – Những cuộc bổ nhiệm “thần tốc”, “kỳ ảo” sẽ còn tiếp tục nếu như qui trình bị “bẻ cong” một cách “mềm mại”. Chỉ khi nào qui trình là cái khuôn, ai vừa vào, ai thiếu bỏ thì khi đó mới không còn sự khuất tất trong bổ nhiệm cán bộ.

Đó là những cụm từ chỉ không ít cuộc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo gần đây.

Về cụm từ “thần tốc”, xin dành cho “hot girl” Trần Vũ Quỳnh Anh của Thanh Hóa, “cậu giời” Vũ Minh Hoàng ở miền Tây Nam bộ, “thái tử” Vũ Quang Hải”.

Từ một nhân viên hợp đồng với tấm bằng Cao đẳng, chỉ 3 năm sau, Trần Vũ Quỳnh Anh đã “ghế trên ngồi tót sỗ sàng” ở chức Trưởng phòng của Sở Xây dựng Thanh Hóa, một tỉnh đông dân nhất nhì cả nước.

Tất nhiên, cùng với đó là khối tài sản không lồ gồm xe sang, biệt thự và đất đai.

Đối với “cậu giời” Vũ Minh Hoàng sinh năm 1990, được thăng chức Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế của Ban này khi mới 26 tuổi (2016).

Về “thái tử” Vũ Quang Hải, con trai ông Vũ Huy Hoàng, chỉ hơn 1 năm ở Bộ Công Thương, Vũ Quang Hải có tới 4 chức danh: Kiểm soát viên của một tập đoàn kinh tế lớn là Vinataba, Phó Vụ trưởng, thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Sabeco – Đây là một kỷ lục về tốc độ thăng chức.

Về sự “kỳ ảo”, có lẽ khó có ai qua mặt được Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đình Duy.

Song, có những cuộc bổ nhiệm theo một qui trình “cong mềm mại” và điều đặc biệt, nó nằm cùng một Cục. Đó là trường hợp ông Nguyễn Xuân Sang và ông Nguyễn Đình Việt, Cục trưởng và Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.

Theo phản ánh từ báo Thanh niên ngày 17/12/2016, bài “Tốt nghiệp “đại học ngắn hạn” vẫn được bổ nhiệm Cục phó” thì ông Nguyễn Đình Việt khi được bổ nhiệm chưa có bằng đại học. Cụ thể, tại điều 13 của Quyết định 590 ngày 8.10.1993 của Trường đại học Hàng hải Việt Nam ghi: Ông Nguyễn Đình Việt tốt nghiệp ngành điều khiển tàu biển hệ cao đẳng khóa 1988 – 1991.

Trong khi tại Công văn số 2480/ĐH hướng dẫn cấp phát văn bằng tốt nghiệp cho hệ “đại học ngắn hạn” của Bộ GD&ĐT ghi rõ bằng “đại học ngắn hạn” và bằng tốt nghiệp cao đẳng do Bộ GD-ĐT phát hành từ năm 1991 trở đi có giá trị hoàn toàn như nhau.

Được biết, thời gian ông Việt học tại Đại học Hàng hải là 3,5 năm, trong khi đó hệ đại học của Trường đại học Hàng hải có thời gian đào tạo là 5 năm.

Cũng cần nói thêm, ngày 15.11.2013, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định 3688/QĐ-BGTVT quy định về tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý các đơn vị trực thuộc Bộ GTVT. Tại điều 5 của văn bản này viết: Phó vụ trưởng và tương đương phải có bằng đại học phù hợp với lĩnh vực công tác.

Tóm lại, ông Nguyễn Đình Việt đã được bổ nhiệm khi chưa có bằng đại học như qui định của chính bộ GTVT.

Trường hợp thứ hai được các báo Nông nghiệp Việt Nam (bài Nhiều vấn đề nóng tại họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 13/6 và bài Bổ nhiệm Cục trưởng Hàng hải Việt Nam có gì khuất tất?), báo Thanh tra (bài Trượt chuyên viên chính vẫn được bổ nhiệm Cục trưởng Hàng hải? ngày 31/7)… phản ánh là ông Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang.

Ngày 9/7/2015, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có Quyết định số 2468/QĐ- BGTVT bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Sang, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải TP Hồ Chí Minh giữ chức Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.

Tại Quyết định số 3688/QĐ-BGTVT ngày 15/11/2013 của Bộ GTVT nêu rõ: “Trình độ đạt chuẩn chuyên môn nghiệp vụ ngạch chuyên viên chính trở lên”.

Tuy nhiên, vào năm 2014, tại kỳ thi nâng ngạch công chức do Hội đồng Thi nâng ngạch công chức của Bộ Nội vụ tổ chức thì ông Sang đã thi trượt, không “đạt chuẩn chuyên môn nghiệp vụ ngạch chuyên viên chính”. Kết quả trên đã được Hội đồng Thi nâng ngạch công chức năm 2014 của Bộ Nội vụ gửi trong Thông báo số 12/TB-HĐTNN ngày 25/5/2015 tới Bộ GTVT.

Đến năm 2016, ông Nguyễn Xuân Sang mới thi lại chuyên viên chính và theo Thông báo số 105 ngày 29/12/2016 của Bộ Nội vụ thì ông Sang được công nhận chuyên viên chính từ tháng 4/2017.

Như vậy, việc bổ nhiệm ông Sang làm Cục trưởng vào thời điểm 7/2015 là trái với Quyết định số 3688/QĐ-BGTVT của chính Bộ GTVT?

Trả lời báo Dân trí về vấn đề này trong bài “Thứ trưởng GTVT lý giải vì sao Cục trưởng Cục Hàng hải không “trúng” chuyên viên chính”, ông Nguyễn Ngọc Đông giải thích văn bản hướng dẫn của Bộ Nội vụ có một tiêu chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ là người được bổ nhiệm phải đạt tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ ngạch chuyên viên chính trở lên nhưng không quy định bắt buộc là người này phải đang là chuyên viên chính trở lên.

Ông Đông còn cho biết ông Sang cũng tham gia thi nâng ngạch chuyên viên chính năm 2014 và kết quả là đạt nhưng do số lượng chỉ tiêu năm đó quá hạn chế nên không trúng.

Về cách hiểu hướng dẫn của Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Đông nói thế là “bắt bẻ câu chữ” thôi chứ chưa là chuyên viên chính thì làm sao biết có đạt chuẩn chuyên viên chính hay không? Lấy gì để làm “thước” đo cho việc này? Giống như người đi thi lấy bằng lái xe ô tô chẳng hạn, dù có lái giỏi mấy thì cũng phải thi đỗ, có bằng, công an mới… không phạt. Không có chuyện cãi cùn “tôi chưa có bằng lái xe nhưng tôi… lái giỏi”!

Còn về lý do “số lượng chỉ tiêu năm đó quá hạn chế nên không trúng” thì quả là nực cười bởi chả có cuộc thi nào “đạt” mà lại… “không trúng” cả. Ví như thi đại học năm nay, 29,5 điểm không đỗ vẫn là không đỗ, trượt tức là trượt chứ không có chuyên không trượt nhưng… không đỗ vì ít chỉ tiêu.

Tóm lại, những cuộc bổ nhiệm “thần tốc”, “kỳ ảo” sẽ còn tiếp tục nếu như qui trình bị “bẻ cong” một cách “mềm mại” như thé này.

Do đó, chỉ khi nào qui trình là cái khuôn, ai vừa vào, ai thiếu bỏ thì khi đó mới không còn sự khuất tất trong bổ nhiệm cán bộ.

Song, điều kỳ lạ là ở chỗ, cái “qui trình cong mềm mại” này lại rơi đúng vào hai vị Cục trưởng và Cục phó của cùng một cục rất quan trọng trong sự phát triển của đất nước – Cục Hàng hải Việt Nam.

Phải chằng điều này lý giải một phần vì sao những “đứa con” Vinashin, Vinalines vẫn là nỗi ám ảnh không nguôi?

Bùi Hoàng Tám

Thanh tra Chính phủ chỉ rõ mức phí bất thường tại dự án BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ

Nguồn tin của PV Dân trí cho biết, Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận về việc đầu tư, quản lý các dự án BOT, BT của Bộ Giao thông vận tải. Trong đó, tại dự án BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ phát hiện nhiều bất thường.

Theo Điều 9, Điều 10 Nghị định 108/2009 của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải phải thực hiện xây dựng và công bố danh mục dự án BOT, BT vào tháng 1 hàng năm. Tuy nhiên, đối với dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân-Cầu Giẽ, Bộ Giao thông vận tải thực hiện chưa đúng theo quy định, việc công bố chỉ thực hiện sau khi phê duyệt danh mục dự án để thực hiện quy trình lựa chọn nhà đầu tư là chưa đầy đủ và thiếu chặt chẽ.

Chưa phù hợp với quy hoạch Thủ đô được Thủ tướng phê duyệt

Kết luận thanh tra chỉ rõ, Bộ Giao thông vận tải đã lập và phê duyệt dự án chia thành 2 giai đoạn thực hiện: Giai đoạn 1 cải tạo nâng cấp mặt đường cũ 4 làn xe; Giai đoạn 2 xây dựng hoàn chỉnh đường cao tốc 6 làn xe. Lý do phân kỳ đầu tư là tính cấp bách do đường xuống cấp và nhu cầu giao thông.

Tuy nhiên, dự án không có quy trình đánh giá, xác định căn cứ cụ thể là dự án cấp bách và cũng chưa được cấp thẩm quyền xác định vào danh mục dự án cấp bách.

Mặt khác, UBND TP Hà Nội chưa có văn bản thống nhất thoả thuận cụ thể về việc phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn vì lo ngại sẽ không đảm bảo kết nối đồng bộ các hạng mục hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật hiện có và quy mô đầu tư chưa phù hợp với quy hoạch Thủ đô đã đã được Thủ tướng phê duyệt.

“Việc phê duyệt và triển khai thực hiện dự án đã không lường hết những bất cập về hệ thống thu phí, dẫn đến bất hợp lý khi kết nối với tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ- Ninh Bình, gây bất tiện cho người tham gia giao thông và ùn tắc cục bộ nghiêm trọng tại các thời điểm mật độ giao thông cao. Nay buộc phải khắc phục thay thế bằng phương án thu phí tự động và bỏ trạm thu phí Đại Xuyên”- kết luận nêu rõ.

Về phương án thu phí, Thanh tra Chính phủ khẳng định Bộ Giao thông vận tải duyệt phương án thu phí theo phân kỳ đầu tư 2 giai đoạn không hợp lý. Việc thu phí ngay sau khi hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 thảm lại mặt đường hiện hữu với vốn đầu tư chỉ là 1/3 tổng vốn dự án, nhưng giá thu phí tương đương Dự án đường cao tốc xây dựng mới Cầu Giẽ- Ninh Bình là bất hợp lý và không tuân thủ nguyên tắc phải đảm bảo lợi ích nhà đầu tư, người tham gia giao thông và Nhà nước quy định Nghị định số 108/2009.

Chỉ thảm lại mặt đường nhưng thu phí bằng đường cao tốc mới

Việc thực hiện trình tự phê duyệt tổng mức đầu tư, thiết kế cơ sở còn thiếu chặt chẽ, không lường hết các yếu tố ảnh hưởng dẫn đến phải điều chỉnh, thay đổi quá lớn trong thời ngắn. Cụ thể, sau khi đã phát hành hồ sơ yêu cầu lần thứ 3 để lựa chọn nhà đầu tư, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư từ gần 8.500 tỷ đồng xuống còn 6.700 tỷ đồng.

Ngay sau khi triển khai thực hiện dự án, Bộ này đã phê duyệt thay đổi cơ bản thiết kế cơ sở giai đoạn 1, bỏ lớp cấp phối base bù vênh và thay hoàn toàn bằng bê tông nhựa tăng cường mặt đường dẫn đến tăng chi phí 25 tỷ đồng.

Áp dụng đơn giá đất đắp chưa đúng khu vực theo thông báo giá dẫn đến phê duyệt tổng mức đầu tư tăng sai trên 21 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư phê duyệt một số yếu tố chi phí, mặc dù theo chế độ hướng dẫn nhưng chưa phù hợp với thực tế và không sát thực nên khi thực hiện không phát sinh hoặc chênh lệch quá lớn.

Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc Bộ Giao thông vận tải xác định tính cấp bách của dự án còn thiếu cơ sở để trình Thủ tướng Chính phủ phương án chỉ định nhà đầu tư và việc không thực hiện đầy đủ quy trình xây dựng và công bố danh mục đầu tư dự án BOT theo hướng dẫn tại Nghị định 108/2009 của Chính phủ, dẫn đến thông tin về dự án được công bố chưa thực rộng rãi, minh bạch, kịp thời để các nhà đầu tư có thể tiếp cận thuận tiện, bình đẳng.

Việc lựa chọn nhà đầu tư phức tạp, nhiều công đoạn, mất nhiều thời gian: 3 lần lựa chọn từ chỉ định thầu, đấu thầu rồi lại chỉ định thầu mới lựa chọn được nhà đầu tư.

Về giá thu phí, kết luận thanh tra khẳng định trước khi thực hiện dự án Bộ Tài chính đã có văn bản, nêu rõ “việc đặt trạm thu phí trên đường BOT để thu phí hoàn vốn cho nhà đầu tư chỉ được thu phí khi dự án hoàn thành xây dựng đưa vào sử dụng”.

Tuy nhiên, hợp đồng dự án ký kết giữa Bộ Giao thông vận tải và nhà đầu tư đã thống nhất việc thu phí hoàn vốn cho nhà đầu tư thực hiện ngay sau khi hoàn thành đầu tư giai đoạn 1. Sau đó Bộ Tài chính đã chấp thuận và ban hành thông tư thu phí theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải và nhà đầu tư.

“Như vậy, dự án mới đầu tư giai đoạn 1 (sửa chữa, cải tạo các yếu tố hình học và rải thảm mặt đường cũ), vốn đầu tư chỉ là 30% của dự án nhưng giá thu tương đương với giá thu đường cao tốc xây dựng mới Cầu Giẽ-Ninh Bình (1.500 đồng/km) là bất hợp lý và bất thường, cần làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân”- kết luận khẳng định.

Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân-Cầu Giẽ có chủ đầu tư là liên danh Công ty CP Đầu tư phát triển Minh Phương, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1, Công ty CP Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành. Thời gian thực hiện dự án đến cuối năm 2017, giai đoạn 1 đến Quý IV/2015. Thời gian thu phí là 17 năm 2 tháng 18 ngày.

Thế Kha