Home Blog Page 1118

Đấu thầu thuốc: vì sao vẫn thích độc quyền?

VNTB

Thảo Vy (VNTB) Một số thầy thuốc và dược sĩ ngại nêu tên đã cho rằng, “tiền nào của đó”, thuốc chất lượng phải đi kèm với giá phù hợp chứ không thể có giá rẻ mà thuốc tốt được.

Từ ngày 1/1/2018 Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam triển khai thí điểm được đấu thầu thuốc dùng trong lĩnh vực bảo hiểm y tế (BHYT). Căn cứ pháp lý cho việc “đấu thầu tập trung”, là theo Điều 44 của Luật đấu thầu, việc mua sắm tập trung được áp dụng trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ cần mua sắm với số lượng nhiều, chủng loại tương tự ở một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoặc chủ đầu tư.

Thực trạng đấu thầu tập trung khiến các bệnh viện phải chờ thuốc trong danh mục được duyệt dẫn đến thiếu thuốc, ảnh hưởng tới chất lượng điều trị. Và khi BHXH được giao quyền đấu thầu thuốc trong danh mục thuốc BHYT, có nghi ngại rằng với tiêu chí “giá rẻ”, rất có thể sẽ lặp lại kịch bản “trúng thầu thuốc trị ung thư” kiểu như VN Pharma.

Tiền nào của đó?

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, cựu phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhìn nhận: “Đấu thầu tập trung là vấn đề có những cái lợi và cái hại. Cái lợi ở đây là giúp đơn vị BHYT khỏe khi không phải bàn cãi giá thuốc và có quy chế giám sát đơn giản. Tuy nhiên, với đặc thù của thị trường manh mún nhỏ lẻ, đấu thầu tập trung làm sao tìm được mẫu số chung, đảm bảo tiến độ cung ứng thuốc cho các cơ sở là rất khó. Thời gian qua, đấu thầu tập trung đã diễn ra đại trà nhưng thiếu nhân lực chuyên nghiệp nên phải sắp xếp vội vàng. Ngay trong Sở Y tế, Giám đốc Sở kiêm luôn cả chức Giám đốc Trung tâm đấu thầu nên đang tồn tại tình trạng Sở tự đá bóng, tự thổi còi”.

Một số thầy thuốc và dược sĩ ngại nêu tên đã cho rằng, “tiền nào của đó”, thuốc chất lượng phải đi kèm với giá phù hợp chứ không thể có giá rẻ mà thuốc tốt được.

Theo phân tích của PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, cơ chế đầu thuốc giá rẻ đang gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư lớn vào sản xuất, đầu tư dây truyền hiện đại. Theo quy định về đấu thầu thuốc, đứng về mặt lý thuyết thì rất đúng, tất cả các loại thuốc đều phải vượt qua vòng kỹ thuật 70 điểm rồi mới đến vòng đấu giá. Nhưng thang điểm trên ai cũng đạt được, vô hình chung đây chẳng khác nào một đề thi không thể loại, lựa được thí sinh nên rất khó phân biệt được chất lượng giữa doanh nghiệp dược có kỹ thuật cao với doanh nghiệp có kỹ thuật trung bình hay kém chất lượng.

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ: “Tôi không vơ đũa cả nắm về việc thuốc rẻ là thuốc kém chất lượng, nhưng trên thực tế thuốc rẻ thì rất khó có chất lượng tốt. Chúng ta đầu tư làm gì những nhà máy có dây truyền hiện đại đạt tiêu chuẩn GMP châu Âu rồi tiêu chuẩn FDA của Mỹ, Úc, Nhật Bản… nhưng tới hồi ra đấu thầu thì rớt hết. Ngay tại hệ thống các bệnh viện thành phố và những bệnh nhân có BHYT thì không được sử dụng thuốc của dây truyền sản xuất hiện đại trong nước”.

Tại sao không “thí điểm giảm độc quyền”?

Công bằng mà nói thì cũng đang có vấn đề các bác sĩ bệnh viện né tránh không kê đơn thuốc bảo hiểm, mà kê đơn thuốc ngoại giá cao để ăn “hoa hồng”, khiến người dân mất quyền lợi bảo hiểm và phải mua thuốc với giá cao. Để giải quyết điều này, trong quản lý cần có những quy định với các điều khoản hạn chế tầng nấc trung gian từ sản xuất đến tay người bệnh, qua đó sẽ giảm tình trạng “hoa hồng” trong kê đơn, bán thuốc. Những thương vụ mua, bán lòng vòng được khai trước phiên hình sự sơ thẩm vụ công ty cổ phần Dược VN Pharma là ví dụ rõ rệt nhất.

“Với cơ chế tự chủ về mặt tài chính các bệnh viện đang triển khai thì Nhà nước không phải chi tiền, nhưng muốn mua sắm cái gì bệnh viện cũng phải xin. Điều đó khiến bệnh viện không phát huy được tính chủ động, sáng tạo, họ đang cố gắng vùng vẫy nhưng không thể tự gỡ trói. Trong khi đó, hệ lụy của việc đấu thầu khiến tần suất đón thanh tra, kiểm tra của cả lực lượng quản lý y tế lẫn công an diễn ra với mật độ dày đặc, gây ảnh hưởng đến việc thực hiện công tác chuyên môn của bệnh viện”. PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan bày tỏ quan điểm.

Nói một cách khác, thay vì chỉ thí điểm trao “độc quyền” đấu thầu thuốc cho BHXH, tại sao Chính phủ kiến tạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không “thí điểm giảm độc quyền”, bằng việc có cơ chế đấu thầu riêng cho từng bệnh viện. Nếu bệnh viện sử dụng vốn ngân sách thì việc đấu thầu phải thông qua BHXH hay Sở Y tế phê duyệt. Nhưng bệnh viện đã tự chủ về tài chính thì cũng phải được tự chủ trong đấu thầu, tiền của bệnh viện mà BHXH hay Sở Y tế lại quyết định đấu thầu là không mấy hợp lý.

Doanh nghiệp Việt Nam bất chấp lệnh cấm quảng cáo trên Facebook và Youtube

VNTB

Kiều Phong (VNTB) Vào khoảng giữa tháng 3 năm nay, Việt Nam hối thúc các doanh nghiệp ngừng đặt quảng cáo trên Youtube và Facebook, những dịch vụ thông tin internet nhiều người dùng nhưng chính phủ không thể kiểm soát nổi. Cộng đồng doanh nghiệp gật gật đồng ý với lệnh cấm. Nhưng cấm là một chuyện, đến khi thực hiện lại là một chuyện khác. 

Lệnh cấm bộ trưởng Bộ thông tin & truyền thông Trương Minh Tuấn đưa ra hôm 16/03/2017. Tuy nhiên lệnh cấm này không kèm theo các chế tài hay các phương án trừng phạt cụ thể. Vì thế nhiều doanh nghiệp làm lơ đi. Điểm mặt các doanh nghiệp vẫn đăng quảng cáo trên Facebook và Youtube, có không ít doanh nghiệp cỡ bự. Trong số những doanh nghiệp cỡ bự đó, có cả những doanh nghiệp xuất thân từ doanh nghiệp nhà nước.

Trường đại học FPT quảng cáo trên mạng xã hội Facebook. (Tháng 8 năm 2017)

FPT, một hãng công nghệ thông tin xuất thân là doanh nghiệp nhà nước, đã cổ phần hóa để trở thành một doanh nghiệp có chính sách thông thoáng hơn. Đây là một doanh nghiệp ăn nên làm ra, chuyên cung cấp mọi thứ liên quan đến hàng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, khi kinh tế thị trường mở cửa, nhiều doanh nghiệp trong ngoài nước nổi lên thì ai cũng phải quảng cáo. Không quảng cáo thì không bán được hàng, trong kinh doanh thời nay có luật như thế, không thể đảo ngược. Nhà nước thì muốn cấm quảng cáo, nhưng doanh nghiệp không chịu. Đây chính là phép vua thua lệ làng.

Quảng cáo trên Facebook hay Youtube còn đỡ. Đối với chính phủ Việt Nam, chưa đến nỗi để gọi Facebook và Youtube là kẻ thù. Nhưng từ lâu, nhắc đến “đài địch” thì những người cộng sản đã liệt kê ra được một danh sách dài, nào là BBC, nào là RFA, nào là VOA. Đến khi doanh nghiệp Việt Nam quảng cáo trên đài RFI tiếng Việt ( đài Pháp quốc) thì chuyện rất khác:

Quảng cáo của hãng bán hàng Online Sen Đỏ xuất hiện trên “đài địch” RFI Tiếng Việt

Có lẽ không phải là Sen Đỏ trong nước chủ động liên hệ với đài Pháp RFI như các công ty hay liên hệ với các tòa soạn trong nước. Trong thời đại kỹ thuật số như ngày hôm nay, nhiều công ty không trực tiếp đặt quảng cáo với một trang báo điện tử mà cũng thấy quảng cáo của mình xuất hiện trên đó, là vì hãng trung gian của công ty nọ đưa quảng cáo đi gắn khắp nơi, không phân biệt quan điểm chính trị của trang báo điện tử. Dù sao, quảng cáo của Sen Đỏ cũng đã xuất hiện trên đài RFI, theo một cách hiểu nào đó thì doanh nghiệp trong tay đảng đang nuôi béo “đài địch” của đảng.

Một loại doanh nghiệp rất khó cấm quảng cáo trên facebook, đó là các công ty, phòng khám y tế. Những lợi thế truyền thông do mạng xã hội mang lại quá lớn, các phòng khám đặt trên lãnh thổ Việt Nam cũng phải tranh thủ lợi thế này, chi kha khá tiền cho hoạt động quảng cáo. Chẳng hạn phòng khám nha khoa Phong Nam sau đây, ảnh chụp màn hình tháng 8 năm 2017.

Quảng cáo của phòng khám nha khoa Đông Nam trên Facebook.

Không phải muốn cấm là cấm được. Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông Việt Nam, ông Trương Minh Tuấn cũng biết có không ít trường hợp bất tuân dân sự như thế, nhưng rất khó trị tội. Một số đại gia chấp hành lệnh cấm, đơn cử như các nhãn hàng nội địa như Vinamilk hay Vinhomes, hay hãng xe hơi ngoại Ford. Nhưng con số những hãng vâng lời ngoan ngoãn quá ít so với những doanh nghiệp bất tuân. FPT, Sen Đỏ chây ỳ ra đó, sao không đi mà cấm? Nếu trị tội các doanh nghiệp trái lệnh cấm thì Bộ phải cấm đồng loạt, còn cấm lẻ tẻ doanh nghiệp này mà buông cho doanh nghiệp kia thì mang tiếng bên trọng, bên khinh. Các doanh nghiệp khác thấy vậy, cũng cứ thả cửa vượt rào, chẳng sợ xây xát gì cả.

Dùng vài chục tỷ mua hãng phim trị giá nghìn tỷ

0
thuonghieuvang.net.vn

Thương vụ mua bán hãng phim VFS gần đây đã làm dư luận đặc biệt quan tâm. Không ít người tỏ ra nghi ngờ về chuyện hãng phim được bán với giá quá rẻ.

Trong khi đó, giới nghệ sĩ bức xúc và thẳng thắn đặt nghi vấn: “có gì đó khuất tất” trong thương vụ này.

Quá trình mua bán “bất thường” hãng phim truyện VFS

Báo Tuổi Trẻ thông tin về sự việc này như sau: Việc cổ phần hóa hãng phim truyện VFS đã được đăng tải ba số liên tiếp trên báo Kinh tế và Đô thị từ ngày 16 đến 19-1-2016, cũng như trên bản tin của công ty TNHH Một thành viên Phim truyện Việt Nam.

Đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ, tức 15h ngày 26-1-2016, nghĩa là sau 11 ngày kể từ ngày bắt đầu đăng báo, chỉ có duy nhất Tổng công ty vận tải thủy Vivaso nộp hồ sơ đáp ứng đủ tiêu chí và cam kết nên được Bộ VH-TT&DL phê duyệt.

VFS bán ra 3,25 triệu cổ phần (tương đương 65% vốn điều lệ) cho nhà đầu tư chiến lược được chọn là Tổng công ty vận tải thủy với giá 32.5 tỷ đồng.

Số cổ phần bán đấu giá ra công chúng là 525.000 cổ phần tương đương 10,5%, tối thiểu thu về 5.25 tỷ đồng. Nhà nước nắm giữ 20%. Số còn lại bán cho cán bộ, công nhân viên của hãng. Như vậy hãng phim truyện VFS được định giá trên 50 tỷ đồng.

Trả lời trên Zing, đạo diễn, nghệ sĩ ưu tú Vương Đức – Giám đốc thứ 12 và cũng là giám đốc cuối cùng của hãng phim truyện VFS cho biết, thực chất quá trình cổ phần hóa hãng phim truyện VFS đã diễn ra 7,8 năm trước.

Theo ông Vương Đức, hãng phim VFS “thua lỗ triền miên” suốt nhiều năm qua, từ trước khi ông về nhận chức giám đốc năm 2009.

Đó cũng chính là lý do buộc hãng phim VFS phải bán một lượng lớn cổ phần ra ngoài để lấy tiền trang trải cho những chi phí còn tồn đọng lâu nay mà hãng không thể giải quyết.

Số tiền thu được từ việc phát hành thêm cổ phần được dùng vào việc trả nợ tiền thuê đất, các khoản nợ khác, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ việc sản xuất và phát hành phim. Khoảng 10 tỷ đồng sẽ được dùng để đầu tư cho việc sản xuất phim.


Đạo diễn Vương Đức, Giám đốc cuối cùng của hãng phim truyện VFS - nguồn ảnh: Zing.vn

Đạo diễn Vương Đức, Giám đốc cuối cùng của hãng phim truyện VFS – nguồn ảnh: Zing.vn

Việc cổ phần hóa VFS cũng có nghĩa là, kể từ nay Công ty TNHH một thành viên Phim truyện Việt Nam sẽ được chuyển giao sở hữu cho Tổng công ty vận tải thủy. Đơn vị này có vốn điều lệ là 320 tỷ đồng.

Trong phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt, phía Tổng công ty vận tải thủy cam kết tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phim ít nhất trong 5 năm dưới sự giám sát của Bộ VH-TT&DL.

Bên cạnh đó, “ông chủ mới” của VFS sẽ mở rộng lĩnh vực kinh doanh khác như nhà hàng, quán ăn, xuất khẩu các mặt hàng kinh doanh của nhà đầu tư.

Thương vụ mua – bán hãng phim VFS được dư luận đặc biệt quan tâm. Nhiều người tỏ ra nghi ngờ với kết quả cổ phần hóa, không chỉ vì thời gian mua bán diễn ra quá nhanh, mà còn bởi nhà đầu tư là một công ty chuyên vận tải đường thủy, chưa từng có hoạt động gì liên quan tới nghệ thuật.

Hơn nữa, kết quả kinh doanh của đơn vị này cũng không mấy khả quan khi lỗ 8 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm 2015.

Tại sao VFS lại chỉ được định giá có trên 50 tỷ đồng? Tại sao lại bán một hãng phim truyện có lịch sử gần 60 năm cho một công ty chuyên vận tải đường thủy? Tại sao một thương hiệu có tầm ảnh hưởng tới cả nền điện ảnh nước nhà lại được định giá bằng 0?

Đã có rất nhiều câu hỏi đặt ra như vậy.

Giá trị thực sự của VFS nằm ở đâu?

Giá trị thực sự của hãng phim truyện Việt Nam nằm ở cả chục nghìn mét vuông đất ở những vị trí vàng của Hà Nội, TPHCM mà đơn vị này đang sở hữu dưới hình thức thuê dài hạn của nhà nước và được giao đất nhưng lại không được định giá khi bán cho Tổng công ty vận tải thủy.

Theo bản công bố thông tin bán đấu giá cổ phần, chỉ tính riêng tài sản đất mà VFS đang sở hữu đã là một cơ ngơi đồ sộ trị giá cả nghìn tỷ, bao gồm: 5.443,5m2 đất tại số 4 Thụy Khuê, khu đất được giới bất động sản đánh giá là khu đất vàng của Hà Nội.

Khu đất này hãng VFS được sở hữu dưới hình thức thuê đất của nhà nước đã hơn 50 năm qua. Chưa kể 904,9m2 đất ở ngõ 151 Hoàng Hoa Thám mà hình thức sở hữu là giao đất; 6.382,8m2 đất ở Đông Anh trường quay Cổ Loa, hình thức sở hữu cũng là giao đất.

Ngoài ra, VFS còn đang sở hữu 1.208,72m2 đất ở số 6 Thái Văn Lung, quận 1, TP.HCM dưới hình thức sở hữu là thuê đất của nhà nước. Đây cũng là một trong những vị trí đắc địa của TP.HCM.

Được biết, VFS đang làm thủ tục để được tiếp tục sử dụng các khu đất này sau khi hết hạn thuê.


Một góc khuôn viên Hãng phim truyện Việt Nam tại số 4 Thụy Khuê, quận Tây Hồ (ảnh: vietnamnet).

Một góc khuôn viên Hãng phim truyện Việt Nam tại số 4 Thụy Khuê, quận Tây Hồ (ảnh: vietnamnet).

Điều đó có nghĩa rằng, nếu cổ phần hóa mà không định giá đất hoặc lợi thế từ đất đang sử dụng và ưu tiên sử dụng chắc chắn sẽ không khách quan. Do đó VFS sẽ thất thoát tài sản, đó là chưa kể đến sự chênh lệch giá trị khi khối tài sản được sửa đổi, dôi ra.

Không những thế, VFS hiện đang có hợp đồng dài hạn làm phim với 13 đơn vị truyền hình và các công ty truyền thông uy tín. Trong đó phải kể đến Đài truyền hình Việt Nam, Đài truyền hình Quân đội, Công an nhân dân…

Chưa kể, VFS còn có nhiều máy móc thiết bị, nhà cửa kiến trúc và gần 100 con người là cán bộ công nhân viên đang làm việc tại đây.

Chỉ tính riêng kho phim của VFS hiện có hơn 600 phim là những tác phẩm vang bóng một thời. Cái tên VFS lại là một thương hiệu “đáng đồng tiền bát gạo” dù 20 năm qua hãng liên tục hoạt động thua lỗ!

Nhiều nghệ sĩ bức xúc: “có gì khuất tất”

Xung quanh câu chuyện mua bán VFS đang nổi lên rất nhiều nghi vấn. Nhiều nghệ sĩ tỏ ra bức xúc và nghi ngờ “có gì khuất tất”.

NSND Minh Châu cho biết không chỉ bà mà rất nhiều nghệ sĩ khác đều cảm thấy buồn, thậm chí bức xúc khi VFS được bán lại cho một đơn vị không biết tí gì về nghệ thuật.

NSND Phạm Nhuệ Giang, đạo diễn Đức Việt đều tỏ ra lo ngại cho tương lai của VFS – ngôi nhà chung của rất nhiều nghệ sĩ gạo cội trong làng điện ảnh Việt.


Rất nhiều nghệ sĩ bức xúc về việc hãng phim truyện Việt Nam được bán cho một đơn vị không biết gì về nghệ thuật.

Rất nhiều nghệ sĩ bức xúc về việc hãng phim truyện Việt Nam được bán cho một đơn vị không biết gì về nghệ thuật.

Chia sẻ trên Zing, NSND Phạm Nhuệ Giang nói: “Cổ phần hóa thì không ai phản đối nhưng phải cổ phần hóa để phát triển chứ không phải cổ phần hóa để chết đi.

Hãng phim đã có lịch sử tới 60 năm, làm nhiều bộ phim kinh điển, từng có địa vị lớn trong đời sống nghệ thuật sao có thể giao cho một đơn vị như vậy…

Tôi sợ đây là một ông chủ không thuận và sẽ không phát triển được hãng, nói chung là tất cả nghệ sĩ, những người đã cống hiến cho hãng phim đều cảm thấy rất lo lắng“.

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, Phó Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam cho rằng, chính ông cũng không hiểu vì sao VFS lại được bán cho một công ty vận tải đường thủy, một đơn vị trước giờ chưa từng có hoạt động liên quan gì tới điện ảnh.

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân chia sẻ, việc nhà đầu tư có tiền không có nghĩa là họ có thể nhảy xổ vào ngành nghề có tính đặc thù như điện ảnh. Và ông cũng mong rằng, các nhà quản lý sẽ suy nghĩ lại về việc lựa chọn nhà đầu tư khi cổ phần hóa hãng VFS.

Họa sĩ Vũ Huy thì thẳng thắn: trong vụ mua bán này chắc chắn có điều gì đó khuất tất.

Họa sĩ Vũ Huy nói: “Hơn nữa lại bán với cái giá rất rẻ, do vậy chắc chắn có sự khuất tất ở trong này. Đất đai, thương hiệu của hãng phim danh tiếng không thể chỉ có 19,5 tỷ đồng được.

Nhà nước không được lợi gì từ phi vụ mua bán này, tiền sẽ được làm giàu cho tư nhân.

Tài sản của Hãng phim truyện Việt Nam lên đến hàng nghìn tỷ đồng, với diện tích đất vàng ở Hà Nội, đó là còn chưa kể đến thương hiệu của hãng phim. Số tiền khổng lồ như vậy mà được bán với số tiền chưa đến 20 tỷ đồng thì thật khó hiểu”.

Nghệ sĩ Hồng Ánh trả lời trên Tuổi Trẻ mới đây cũng cho rằng: “Cổ phần hóa để thay đổi cơ cấu tốt hơn thì mừng nhưng chắc không? Tài sản nhà nước thì bán rẻ mạt như cho không, không thông tin rộng rãi.

Cổ đông chỉ việc cho thuê lại khu đất vàng ấy xây cao ốc cho thuê, không làm gì cũng đủ sướng.

Rồi sở hữu kho phim đồ sộ gồm hơn 600 tác phẩm phim vang bóng một thời, bán nội dung khai thác thôi là có khi đã đủ số tiền mua VFS rồi. Tồn tại như cũ cũng chết nhưng như thế này… gọi là chấn hưng điện ảnh ư?

Đăng thông tin đấu thầu một hãng phim to như vậy giá bèo như vậy trên đất vàng như vậy mà gần như có ai biết đâu, các đại gia điện ảnh còn không biết nữa là, khi biết là đã xong việc mua bán rồi”.

Chuyên gia nhận định ít có khả năng Trung Quốc gây áp lực ở mỏ khí Cá voi xanh

0
Kính Hòa RFA
2017-08-31

Việt Nam có thể sẽ bắt đầu khởi động dự án khai thác mỏ khí đốt Cá voi xanh ngoài khơi tỉnh Quảng Nam vào tháng 11 năm 2017, với đối tác là công ty ExxonMobile của Mỹ.

Liệu Trung Quốc sẽ làm áp lực để Việt Nam bỏ dở kế hoạch này, như là họ đã làm tại khu vực Bãi Tư Chính ở phía Nam đối với công ty Tây Ban Nha Repsol hay không?

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, làm việc tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nói với Kính Hòa đài RFA rằng khả năng đó là thấp.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Theo tôi thì nếu ExxonMobile tiến hành khai thác ở mỏ khí Cá voi xanh theo như báo chí thông tin, xác xuất mà Trung Quốc gây áp lực với Exxo Mobile và đối tác Việt Nam là Petro Việt Nam dừng khai thác mỏ này, là thấp.

Lý do thứ nhất là vị trí của mỏ này theo tôi hiểu thì nằm cách bở biển tỉnh Quảng Nam 80 km, có nghĩa là nó nằm hoàn toàn trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, và nó cũng nằm về phía Tây của đường trung tuyến giả định giữa bờ biển miền Trung Việt Nam và đảo Hải Nam ủa Trung Quốc, trong cái vùng ngoài cửu Vịnh Bắc Bộ mà hai bên chưa phân định.

Theo tôi hiểu thì dường như giữa Việt Nam và Trung Quốc có một thỏa thuận, thống nhất ngầm là các hoạt động của mỗi bên diễn ra ở vùng biển chưa phân định của bên nào thì bên còn lại sẽ không phản đối. Trước đây các giàn khoan của Trung Quốc thăm dò ở mỏ Lăng Thủy ở phía Đông đường trung tuyến giả định, thì Việt Nam cũng không có những hành động phản đối mạnh mẽ hay là cản trở như là lúc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981, vào năm 2014 vào vùng biển Việt Nam phía Tây đường trung tuyến giả định đó.

Cái thứ hai là lần này đối tác của Petro Việt Nam là ExxonMobile, một hãng dầu của Mỹ, thì với vị trí và ảnh hưởng của mình thì Mỹ và ExxonMobile có cơ sở và thế để chống lại áp lực từ phía Trung Quốc.

Kính Hòa: Mỏ Cá voi xanh này nằm ngoài cái đường mà ta hay gọi là đường lưỡi bò của Trung Quốc?

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Cái này phải có tọa độ chính xác thì mới xác định được, nhưng mà nó có thể nằm ngoài, và điều quan trọng là nó nằm phía Tây đường trung tuyến giả định giữa bờ biển Việt Nam và đảo Hải Nam của Trung Quốc. Chúng ta phải hiểu là khu vực này nằm ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ là nơi hai bên vẫn chưa phân định. Đúng ra khi phân định xong thì các hoạt đọng khai thác thăm dò sẽ thuận lợi hơn, hai bên sẽ có sở pháp lý vững chắc hơn. Do vị trí lô này nằm sát bờ biển Việt Nam hơn nên nhiều khả năng là Trung Quốc không có lý do để phản đối mạnh.

Nếu chỉ có cách bờ biển Việt Nam có 80 cây số mà Việt Nam bỏ thì Việt Nam sẽ chẳng làm được gì trên Biển Đông.
-Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp.

Dĩ nhiên nếu họ muốn thì họ cũng có thể phản đối dựa trên lý do là lô này nằm chồng lấn lên đường lưỡi bò của Trung Quốc, hoặc họ có thể nói là các đảo ở Hoàng Sa có vùng đặc quyền 200 hải lý chẳng hạn.

Kính Hòa: Nhưng nếu chúng ta giả định có một sức ép của Trung Quốc tương tự vụ Repsol thì ông dự trù là phản ứng của Việt Nam sẽ như thế nào?

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Tôi nghĩ là Việt Nam sẽ không từ bỏ, hay nói nôm na là không đầu hàng trong trường hợp này, tại vì ở một vị trí chỉ cách bờ biển Việt Nam 80 cây số mà Việt Nam bỏ thì coi như Việt Nam không dám làm gì trên biển Đông nữa.

Kính Hòa: Có một bài bình luận trên tờ Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc nói rằng vụ Repsol thể hiện một thái độ chín chắn của Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc, ông thấy thế nào?

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Họ dùng cái giọng kẻ cả như là xoa đầu đàn em để gọi là khẳng định vị thế đàn anh tay trên của mình. Tuy nhiên chuyện Việt Nam có thực sự chấm dứt các hoạt động của mình hay không thì chỉ có những người trong cuộc mới hiểu hết. Có ý kiến cho rằng là Việt Nam dừng vì một phần đã hoàn thành việc thăm dò của mình rồi.

Tuy nhiên trên bề mặt thì cũng có thể coi vụ đó là một thắng lợi của Trung Quốc, ít nhất là Trung Quốc coi như vậy. Các báo chí của Trung Quốc bình luận sự kiện đó như một thắng lợi của Trung Quốc, và đó cũng là một điều thường thấy trong thái độ của Trung Quốc.

Kính Hòa: Ông có nhắc đến vị trí của ExxonMobile cũng như vị trí của nước Mỹ trong việc khai thác mỏ Cá voi xanh. Cũng có ý kiến nói rằng thái độ của chính quyền ông Donald Trump bây giờ vẫn là một ẩn số rất là lớn, khi có sự việc cụ thể thì mới biết họ xử lý như thế nào. Ông đánh giá thế nào về nhận định này về thái độ và vị trí của nước Mỹ ở Biển Đông?

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Về cơ bản theo tôi thì lập trường của Mỹ về biển Đông dưới thời ông Donald Trump không có gì thay đổi so với người tiền nhiệm là ông Obama. Tuy nhiên có điều gây quan ngại là chính quyền Trump hiện nay bị phân tâm khá nhiều bởi các vấn đề khác, đặc biệt là vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Cho nên mặc dù có sự nhất quan và sự tiếp nối về chính sách nhưng mà sự quan tâm và can dự trên thực tế không đủ mạnh mẽ hoặc là không đạt được cái mức mang lại sự an tâm của Việt Nam cũng như các nước trong khu vực.

Điều này cũng dễ hiểu là do nguồn lực về chính trị cũng như về vật chất của Mỹ cũng có giới hạn, và do những vấn đề khác bức thiết hơn, nóng bỏng hơn nó thu hút sự quan tâm của chính quyền Trump, cho nên là sự quan tâm của họ đến Biển Đông có sự suy giảm ít nhiều, nhưng mà về lâu dài thì tôi nghĩ rằng chính sách của Mỹ có sự tiếp nối, nếu không nói là có sự quan tâm lớn hơn về tình hình Biển Đông, do Biển Đông là một địa hạt nơi mà sự cạnh tranh chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang diễn ra, và chính vì vậy, cho dù ai là chủ Nhà Trắng thì vẫn có nhiều khả năng Hoa Kỳ duy trì sự hiện diện, sự can dự đến Biển Đông cũng như là quan tâm đến sự tranh chấp Biển Đông.

Trung Quốc tập trận ngoài cửa vịnh Bắc Bộ

Bộ Ngoại giao Việt Nam vào ngày 31 tháng 8 giao thiệp với phía đại diện Đại sứ Quán Trung Quốc tại Hà Nội nêu rõ lập trường về thông báo của Bắc Kinh cho tiến hành diễn tập quân sự tại khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, khu vực gần với dự án dầu khí của ExxonMobil.

Phát ngôn nhân Lê Thị Thu Hằng của Bộ Ngoại giao Việt Nam khi được báo giới hỏi về vấn đề vừa nêu nói rằng Hà Nội hết sức quan ngại khi Trung Quốc tuyên bố tiến hành diễn tập quân sự tại khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Phía Hà Nội không cho biết thông báo tập trận của Trung Quốc được đưa ra vào khi nào và thời gian cụ thể lúc nào cuộc tập trận sẽ diễn ra.

Phát ngôn nhân Lê Thị Thu Hằng lặp lại lập trường của Việt Nam là mọi hoạt động của nước ngoài trong vùng biển chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam cần phải được thực hiện phù hợp với các qui định của luật pháp Việt Nam và quốc tế; đặc biệt Công ước Liên hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Trần Đại Quang bị ung thư và sang Nhật chữa bệnh là một tin giả, chúng ta đã bị lừa như thế nào?

0

Kami-RFA
2017-08-30

Trong lúc dư luận còn đang đồn đoán về sự vắng mặt lâu ngày của ông Đinh Thế Huynh thường Trực Ban Bí thư – nhân vật số 5 trong đảng CSVN, thì người ta càng ngạc nhiên trước sự biến mất đầy bí ẩn của Chủ tịch Nước Trần Đại Quang.

Điều đáng nói ở đây là cũng như ông Đinh Thế Huynh, Chủ tịch Nước Trần Đại Quang cũng là một ứng cử viên chức vụ TBT trong Đại hội giữa kỳ Đảng CSVN sẽ diễn ra vào giữa năm 2018. Điều đó không khiến nhiều người đặt câu hỏi, tại sao lại có sự trùng hợp hình như có chủ ý kỳ lạ như thế?

Lần xuất hiện công khai cuối cùng của ông Trần Đại Quang là ngày 25 tháng 7, khi ông gặp Nikolai Patrushev, thư ký của hội đồng an ninh Nga. Và kể từ đó Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã không thấy xuất hiện trong các sự kiện quan trọng..

Lâu nay, trong một môi trường chính trị thiếu minh bạch như ở Việt Nam, sự vắng mặt của các quan chức cao cấp đã trở thành đất sống của những tin đồn thổi. Và bất kể những tin đồn, kể cả là ác ý song người dân vẫn thích được biết và họ sẵn sang tin đó là điều có thật. Một phần cũng bởi truyền thông nhà nước đa phần là nói láo theo định hướng.

Dù rằng ông Trần Đại Quang vẫn xuất hiện trong các sự kiện qua các hình ảnh tư liệu cũ khiến người dân không tránh khỏi sự hoài nghi.

Vì thế sự vắng mặt của Chủ tịch Nước Trần Đại Quang đã khiến người ta suy diễn dưới nhiều tin đồn khác nhau: Nhà báo Huy Đức nguồn thạo tin từ TBT Nguyễn Phú Trọng cho rằng, ông Trần Đại Quang bị ung thư và được gia đình đưa sang Nhật bản điều trị. Tin này trùng hợp với nguồn tin của GS Phạm Gia Khải, trưởng Ban bảo vệ sức khỏe TW nói với BBC. Đồng thời GS. Phạm Gia Khải còn khẳng định Ban bảo vệ sức khỏe TW không có người đi cùng.

Tuy vậy, khác với nhận xét của của GS. Khải cố vấn chăm sóc sức khỏe cho cán bộ cấp cao đã cho rằng Chủ tịch Trần Đại Quang sang Nhật trị bệnh. Trong lúc tác giả Atsushi Tomiyama, nhà bình luận chính trị của nhật báo Nikkei của Nhật Bản cho rằng, “Việc không có chỉ dấu nào cho thấy ông Quang đang ở ngoài Việt Nam có nghĩa là có thể ông vẫn đang ở trong nước, và điều này khiến việc ông vắng mặt lại càng thêm khác thường,”. Tuy nhiên phát biểu của Trưởng Ban bảo vệ sức khỏe TW – GS Phạm Gia Khải không mấy thuyết phục vì GS. Khải nổi tiếng với các phát ngôn không chính xác. Điển hình là các phát biểu về tình hình sức khỏe của ông Nguyễn Bá Thanh và Đại tướng Phùng Quang Thanh trong các scandal “lãnh đạo cao cấp biến mất bí ẩn” những năm trước. Sự khác biệt đó cũng khiến người ta hoài nghi, không biết ông Trần Đại Quang có sang Nhật chữa bệnh như Osin tung tin hay không?

Cũng có các tin đồn nói rằng cho rằng, ông Trần Đại Quang đã bị quản thúc lập tức ngay sau khi Tổng cục Tình Báo Bộ Quốc phòng (TC2) của tướng Nguyễn Chí Vịnh tổ chức thành công vụ bắt cóc nghi can Trịnh Xuân Thanh tại Berlin và Trịnh Xuân Thanh đã khai hết đường dây tổ chức đưa Trịnh Xuân Thanh đào tẩu. Song tin đồn này tỏ ra là không có cơ sở, vì một nhân vật cấp cao như Trần Đại Quang với vô vàn đệ tử không bao giờ Chủ tịch Nước Trần Đại Quang cho phép mình tham gia vào những trò dại dột như thế.

Nguồn tin trong nội bộ lãnh đạo Việt Nam rò rỉ cho biết, ông Trần Đại Quang mắc bệnh nặng do nghi bị bệnh ung thư và được đưa sang Nhật là chuyện không có thật, đây là một tin giả được tay chân của ông Trần Đại Quang tung ra nhằm đánh lạc hướng của dư luận. Mà nhà báo Huy Đức cũng là nạn nhân của tin giả đó.

Cũng như tin sẽ bắt ông Trùm Bắc Hà cũng là tin mà Huy Đức đưa ra là thất thiệt. Một trùm an ninh cỡ Đại tướng công An Trần Đại Quang, thì không thể có kiểu đi chữa bệnh như cỡ chủ tịch xã Nguyễn Bá Thanh hay anh nhà quê Vĩnh Phúc Phùng Quang Thanh. Huy Đức chỉ đưa tin duy nhất đúng là sự xuất hiện của Trịnh Xuân Thanh đã đưa về Việt nam, cũng vì đơn vị bắt TXT là TC2 của tướng Nguyễn Chí Vịnh dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Nguyễn Phú Trọng. Và điều Huy Đức công bố cũng đang trở thành tai họa cho ông Tổng Bí thư, mà ông này có thể đối mặt với lệnh truy nã quốc tế của Europol theo đề nghị của Chính phủ CHLB Đức.

Chỉ có việc ông Trần Đại Quang sau khi chữa bệnh ổn định và được gia đình đưa ra Phú Quốc dưỡng bệnh theo lời mời của ông Ba Dũng, cũng giống như trường hợp ông Đinh Thế Huynh không phải là tin đồn nhảm.

Một nguồn tin khả tín cho biết, ông Trần Đại Quang đã lâm bệnh tương đối nặng ngay khi đặt chân đến CHLB Nga trong dịp Chủ tịch Nước Trần Đại Quang thăm chính thức Liên bang Nga ngày 28/6 – 1/7/2017. Khi đó ông Trần Đại Quang bị viêm phổi cấp và sức khỏe giảm sút rõ rệt và lập tức được các bác sĩ hàng đầu của Nga kết hợp với các nhân viên Y tế VN khám và chữa trị.

Tin cho biết, phải rất cố gắng bằng mọi cách cả 2 nước mới có thể chụp được một số hình ảnh mang tính tượng tượng trưng để gửi cho báo chí về cuộc gặp cấp cao của Chủ tịch Nước Trần Đại Quang và các quan chức Nga, đặc biệt là với Tổng thống Nga V. Putin. Khi sức khỏe có phần hồi phục, Chủ tịch Nước Trần Đại Quang đã trở về nước tiếp tục công tác. Cho đến ngày 25/7/2017, sau khi tiếp ông Nikolai Patrushev, thư ký của Hội đồng An ninh Nga. Và cũng là thời điểm sau khi nghi can Trịnh Xuân Thanh bị bắt giữ, thì bệnh tình của ông Trần Đại Quang trở nên nghiêm trọng hơn, kể từ đó Chủ tịch Nước Trần Đại Quang đã không thấy xuất hiện trong các sự kiện quan trọng. Nguồn tin cho biết thêm, theo yêu cầu của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Quang đã bí mật đi vào Phú Quốc để nghỉ ngơi và điều trị bệnh phổi tại đây.

Tất cả các thông tin về sức khỏe của Chủ tịch Nước Trần Đại Quang có được báo cáo với Ban Bảo vệ Sức khỏe TW của BS Phạm Gia Khải là thông tin giả. Điều này trùng khớp với sự xác nhận của cơ quan tình báo Nhật bản, như nhật báo Nikei gần đây đưa tin cho biết, Chủ tịch Nước Trần Đại Quang không hề sang Nhật bản như tin rò rỉ của nhà báo Huy Đức và GS Phạm Gia Khải.. Nhà báo Huy Đức, là người đã đưa tin “Đại tướng Trần Đại Quang đi chữa bệnh từ tối 25-7-2017” vào ngày 10/8/2017, đồng thời nói rõ nơi chữa bệnh là Nhật; ngay sau khi Chủ tịch Nước Trần Đại Quang tái hiện ngày 28/8/2017, thì nhà báo này đã có bình luận rằng, “Sau một tháng 3 ngày, người Nhật biết nhiều hơn chúng ta”.

Đây là một thông tin giả được tung ra với mục đích chính trị. Điều đó chứng tỏ việc bảo vệ sức khỏe của các cán bộ lãnh đạo cao cấp Đảng CSVN được giữ bí mật tuyệt đối, và cũng là lý do vì sao cả 2 ông Đinh Thế Huynh và Trần Đại Quang đều chọn Phú Quốc là điểm dưỡng bệnh.

Thành ngữ mới: Phồn vinh giả tạo (phần 2)

0

Những ai sống ở miền Bắc những năm từ nửa cuối thập niên 50 đến nửa cuối thập niên 70 chắc còn nhớ những gì đã xảy ra trong đời sống quanh mình. Nhiều thứ khó quên bởi dường như nó bám chặt vào óc mất rồi.

Suốt mấy chục năm, do hoàn cảnh chiến tranh bom đạn, đất nước bị chia cắt, thông tin đã nghèo nàn lại còn bị cấm đoán triệt để nên lứa chúng tôi chỉ biết cuộc sống diễn ra theo sự tuyên truyền của nhà nước. Đại loại là miền Bắc đã được giải phóng, cuộc sống tự do hạnh phúc, đang ngày càng cơm no áo ấm, “đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh”. Ngày ấy thường được nghe cụm từ “thay da đổi thịt”, một năm là cả bốn mùa xuân. Báo chí, đài phát thanh (hồi đó chưa có truyền hình) viết về, nói về không khí náo nức tươi vui, phấn khởi, về “đẹp vô cùng tổ quốc ta ơi”, “gương mặt người ai cũng sáng long lanh”… Cứ như những gì chúng tôi được nghe thì thiên đường đã tới ngõ thật rồi. Chỉ có điều, bởi nghèo đói là cái có thực đang hiện diện khó giấu nên cán bộ sau khi say sưa ca ngợi thì bao giờ cũng khuyên bà con ráng chịu đựng khó khăn gian khổ thiếu thốn, vài năm nữa xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công tha hồ mà sung sướng.

Để tăng thêm sức nặng tuyên truyền, cán bộ luôn vẽ lên bức tranh u ám về miền Nam đang rên xiết dưới chế độ Mỹ ngụy. Đó là cảnh chiến tranh chết chóc, là luật 10/59 tàn bạo, đồng bào bị kìm kẹp ngạt thở, sản xuất bị đình đốn chỉ thoi thóp nhờ cậy vào viện trợ của bọn đế quốc Mỹ. Ấp chiến lược dây thép gai dựng khắp nơi, đô thị đèn màu ăn chơi trụy lạc, công nghiệp nghèo nàn chủ yếu phục vụ cho chiến tranh xâm lược, nông dân tha phương cầu thực bỏ cả quê hương bản quán, công nhân đình công đòi tăng lương giảm giờ làm, hầu như không ngày nào không xảy ra học sinh bãi khóa, tiểu thương bãi thị, phật tử xuống đường đòi tự do… Đó là một bức tranh cực kỳ u ám chết chóc, đời sống bên bờ vực thẳm. Những tuyên truyền của bộ máy “nhà nước bù nhìn” Sài Gòn về sự tự do, sung túc, ổn định, phát triển, giàu có, về phố xá, xe cộ, tivi, tủ lạnh, về no đủ, ăn ngon mặc đẹp, hàng hóa dư thừa…, tất cả chỉ là giả dối, là thứ phồn vinh giả tạo thôi, bà con ạ. Cuối buổi nói chuyện, cán bộ chốt lại rằng, dù chúng ta có còn chút nghèo đói, thiếu thốn nhưng cũng còn sướng hơn gấp nghìn lần thứ phồn vinh giả tạo của miền Nam, thứ phồn vinh chỉ có bọn quan chức, tướng tá và địa chủ, tư sản được hưởng, chứ 14 triệu đồng bào thân yêu chả được chút gì. Cái thứ phồn vinh phải trả bằng máu và ô nhục đó chúng ta không cần, phải không các đồng chí. Thế là cả sân hợp tác vỗ tay rầm rầm, hô: không cần, không cần. Tôi còn nhớ chính tôi hồi đó cũng hăng lắm, tự hào về cuộc sống nghèo đói của mình lắm. Thương đồng bào miền Nam vô cùng.

Phải nói sự tuyên truyền của những người cầm quyền ở miền Bắc thật hiệu quả. Họ áp dụng rất thành công phương pháp của trùm Goebel (Đức quốc xã) là những gì giả dối cứ nói đi nói lại mãi cũng sẽ có người tin. Cán bộ miền Bắc giỏi hơn Goebel bởi dân chúng phần đông đều tin điều họ nói. Chỉ đến khi có điều kiện thực tế kiểm chứng thì mới tá hỏa bấy lâu mình bị lừa.

Đầu năm 1977 tôi vào Sài Gòn theo sự phân công của nhà nước. Mắt thấy tai nghe, tôi dần hiểu thực chất của cái gọi là “phồn vinh giả tạo”. Nhìn những chuyến tàu lửa, xe ô tô chở ùn ùn hàng hóa ra Bắc, ngay bản thân mỗi lần về phép đã nhặt nhạnh từng tí đem ra (số hàng này chủ yếu là hàng còn tồn đọng sau “giải phóng” chứ hầu hết nhà máy đang sống dở chết dở dưới chế độ mới, nhất là sau cuộc cải tạo công thương nghiệp), hiểu rằng sự phồn vinh ấy chẳng giả tạo tí nào. Nếu bảo sự giàu có do bọn Mỹ mỗi năm rót cả tỉ đô la viện trợ thì nay Mỹ nó cút về rồi, phải nghèo khổ trở lại chứ.

Cứ như tôi quan sát và nghe đồng nghiệp tại chỗ kể lại thì miền Nam có một nền công nghiệp cực kỳ phát triển, hầu như không thiếu mặt hàng sinh hoạt thiết yếu nào. Nếu miền Bắc chỉ có vài nhà máy dệt Nam Định, 8 tháng 3, Cự Doanh không đủ vải cho dân nghèo may tấm áo manh quần, cả năm chỉ được tiêu chuẩn hơn 3 mét/người, thì miền Nam có cả rừng nhà máy dệt, đủ loại vải vóc, chưa bao giờ phải phân phối. Tôi từng đến thăm nhà máy dệt Tái Thành ở quận Tân Bình, nhìn dàn máy tự động của nó mà khiếp, so với nhà máy dệt Nam Định mà tôi từng đi thực tế sưu tầm văn học dân gian thì thấy một trời một vực (sau này Tái Thành bị quốc hữu hóa, đổi tên là Thành Công). Nhà máy sản xuất đường, sữa, mì ăn liền, xà phòng, bột giặt, quạt máy, xe đạp, máy khâu, máy nông nghiệp, giấy, sành sứ, xay xát gạo… của các nhà tư sản trong nước nhan nhản khắp các khu công nghiệp, nhất là khu công nghiệp Biên Hòa, nhiều nhà máy cùng ngành nghề cạnh tranh nhau hầu như đáp ứng dư thừa cho đời sống vật chất sinh hoạt. Bạn tôi kể lại ngày trước không có cảnh dân chúng xếp hàng mua từng mét vải, từng chục ký gạo, vài hộp sữa, mấy cân đường… bởi hàng hóa không bao giờ thiếu. Không có những cái bát ăn cơm đến tay người tiêu dùng vẫn còn nguyên mảnh mẻ dính chặt vào mà vẫn phải mua phải dùng, không có cục xà phòng cứng như đá… bởi nếu làm ra thứ hàng như thế sẽ chả bán được cho ai. Nông dân đi làm đồng cũng chạy xe đạp ra bỏ ở đầu bờ. Chiếc xuồng bé tí cũng gắn máy Kohler nổ phành phạch băng băng trên rạch. Không có ao ước thèm đường thèm sữa. Một đồng nghiệp, thầy Nguyễn Hữu Pha dạy môn hóa cùng trường với tôi kể rằng anh chỉ dạy 2 tháng là tiết kiệm mua được chiếc xe máy Honda Dame 50 của Nhật mới cứng. Thầy khác, thầy Võ Thanh Long (môn lý) nói thêm thời thầy còn sinh viên trường đại học Khoa học, chỉ dạy kèm học trò lớp đệ nhất hoặc đệ nhị mà thầy đưa được cả mấy đứa em từ Quảng Ngãi vô Sài Gòn ăn học. Anh vợ tôi kể nhà ở dưới quê An Giang nên chả bao giờ quan tâm đến gạo, còn cá lóc, cá rô trong khạp lúc nào cũng đầy, muốn ăn thò tay vào bắt vài con bởi cá mú quá rẻ, lại dễ kiếm, rộng sẵn vào khạp để đỡ phải ra chợ. Xe đò của hàng chục hãng đi lại như mắc cửi, giá vé rẻ rề, chủ xe chiều khách như chiều vong. Chính anh vợ tôi là nông dân mà hồi ấy còn dám đi máy bay từ Sài Gòn lên Kon Tum…

Tất cả sự “phồn vinh giả tạo” ấy bị chấm dứt kể từ tháng 4.1975. Những điều nói trên tôi chỉ được nghe kể, còn cái nghèo đói thực thì chính mắt tôi chứng kiến. Tôi từng đi trên những chuyến tàu hỏa hành trình bắc nam mất 72 tiếng đồng hồ, trên đó chất đầy xe đạp, khung xe đạp, vải vóc, đường sữa, gạo, giấy… chuyển từ nam ra bắc. Những chuyến hàng thực chứ hoàn toàn không giả tạo chút nào đổ về nơi từng được coi là hạnh phúc. Nhiều người vỡ lẽ, lắc đầu ngao ngán. Thời ấy người ta truyền tai nhau câu văn vần “Hoan hô Hồ Chí Minh, mua cái đinh cũng phải giấy. Đả đảo Thiệu Kỳ, muốn cái gì cũng có”. Sự thất vọng ê chề. Nhưng buộc phải chấp nhận, không còn cách nào khác.

Những năm từ 1976 đến đầu những năm 80, trường DBĐH TP.HCM mà tôi dạy có mời nhiều thầy cô từ Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội vào dạy một số học phần do thiếu giảng viên. Tôi còn nhớ môn văn có mời các thầy Nguyễn Lộc, Nguyễn Thiện Giáp, Nguyễn Đức Dân (đều là các giáo sư) vào dạy. Các thầy ở cư xá Thanh Quan trên đường Võ Thị Sáu (Hiền Vương cũ), mỗi chuyến trở về Bắc đều lụ khụ hành lý tinh những xà phòng cây (loại xà phòng gia công khối vuông dài hơn gang tay, rẻ tiền), khung xe đạp, vải vóc, quần áo thun… bởi ngoài Bắc những thứ ấy bấy giờ rất thiếu. Càng nhớ đến càng thương các thầy, những giáo sư đáng kính của tôi, thầy dạy tôi suốt hơn 4 năm đại học ở khoa Văn.

Điều dễ thừa nhận là không phải mọi gia đình, mọi con người ở miền Nam trước năm 1975 đều đầy đủ, sung túc. Nhưng nếu tính theo tỷ lệ về sự nghèo đói của chính người dân thì có lẽ nơi đây (miền Nam) chỉ bằng một phần nhỏ của miền Bắc nghèo đói đại trà, kéo dài. Cái gọi là “phồn vinh giả tạo” có lẽ phải đặt lại, ngược chiều thì mới đúng. Chả cần hỏi ai đâu xa, những người đã sống ở miền Nam trước và sau 1975 sẽ có nhận xét trung thực nhất. Còn chúng tôi, chỉ dám nói về cái nghèo đói thực mà thôi.

Nguyễn Thông

Thành ngữ mới: Phồn vinh giả tạo

Hôm rồi, dư luận ồn ào quanh chuyện một nhóm nhà sử học viết bộ sử mới đã không dùng những từ “ngụy, ngụy quân, ngụy quyền, chính quyền ngụy” để gọi chính thể Việt Nam cộng hòa như lâu nay nhà cầm quyền vẫn kết án. Có người bảo đó là cuộc cách mạng về tư tưởng tư duy, báo hiệu một sự thay đổi căn bản. Có người khác bảo họ chỉ làm màu thế chứ thực tâm chả thay đổi gì đâu. Lại có người nói rằng sự thay đổi cốt lợi dụng tên gọi chính quyền cũ để sử dụng hợp pháp những tài liệu văn bản của Sài Gòn trước năm 1975 về các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thôi, nhằm mục đích đấu tranh đòi biển đảo thôi. Lại có ông tướng về hưu hung hăng đòi truy tố mấy nhà viết sử bởi theo ông ngụy muôn đời vẫn là ngụy… Mỗi vị một phách, chả biết thế nào. Cứ sư nói sư phải, vãi nói vãi hay, dân đen ngoảnh qua ngoảnh lại theo ý các ông các bà ấy chắc gãy mẹ nó cổ.

Tôi định không có ý kiến gì, nhưng đọc thử một vài trang, thấy nhóm biên soạn “tư duy mới” khi viết về quốc hội của chính thể Việt Nam cộng hòa vẫn lặp đi lặp lại cụm từ “quốc hội bù nhìn”, thì lòng thầm nghĩ họ chả thay đổi gì đâu. Ngấm vào máu rồi, dễ chi thay đổi được. Phải mất vài thế hệ nữa may ra mới có thể “xóa vết thương nội chiến”.

Nhân vụ sử nói trên, lại nhớ hồi viết về cụm từ “bơ thừa sữa cặn” mà tôi tạm gọi là “thành ngữ mới”, một ông bạn chơi với nhau từ hồi cởi trần đánh dậm liền nhắn bảo còn nhiều từ ấn tượng ghê gớm lắm, mày viết nữa đi. Tôi ậm ừ nhưng chưa viết bởi bây giờ tuy không bận đi đánh dậm nữa nhưng còn mải nhặt bạc cắc sống qua ngày. Bữa ni hơi rảnh liền thực hiện lời hứa, nói dăm ba điều về “phồn vinh giả tạo”.

Trước hết cần sơ sơ về từ vựng. Trong tiếng Việt, “phồn vinh” là tính từ, chỉ sự giàu có, sung túc, thịnh vượng, no đủ, đầy đủ về vật chất. Theo nghĩa Hán Việt, “phồn” là nhiều, “vinh” là vinh hoa, giàu sang, thịnh vượng. “Phồn vinh” là đầy đủ giàu sang. Ta thường nói cuộc sống phồn vinh, đất nước phồn vinh, xã hội phồn vinh. Còn “giả tạo” cũng rất dể hiểu, xuất phát từ chữ “giả” có nghĩa không thật, giả tạo là cố ý làm ra cái không có thật. Phồn vinh giả tạo là nhìn bề ngoài có vẻ giàu có, no đủ, sung túc nhưng thực chất là thiếu thốn, nghèo đói, đau khổ; chỉ có màu mè bên ngoài thế thôi, chứ bên trong chả có gì.

Đương nhiên từ “phồn”, từ “vinh” hoặc từ “giả tạo” đều đã có từ rất lâu trong buổi sơ khai tiếng Việt, nhưng cụm từ “phồn vinh giả tạo” giống như một thứ thành ngữ mới thì chỉ mãi về sau này mới xuất hiện. Người giữ bản quyền cụm từ ấy không phải ai khác, chính là mấy vị cộng sản cầm quyền ở miền Bắc thời những năm 1960-1970. Đám chúng tôi hồi đó còn bé nhưng thường được nghe cán bộ bảo rằng miền Nam dưới ách áp bức tàn bạo của Mỹ ngụy dân chúng cực khổ lắm, không những phải chịu chiến tranh, bom đạn mà chúng gieo rắc, còn chịu cuộc sống ô nhục nô lệ, bơ thừa sữa cặn. Những nhà cửa, xe cộ, lúa gạo vải vóc… đầy tràn chỉ là vẻ ngoài phồn vinh giả tạo thôi. Vì vậy phải giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cứu 14 triệu đồng bào ruột thịt thoát ra khỏi cuộc sống phồn vinh giả tạo. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Hải quan khẳng định “vô can” vụ 20.000 viên thuốc trị ung thư bị huỷ

Dân trí
Liên quan đến việc hơn 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư phải tiêu huỷ vì hết hạn dùng diễn ra tại Bệnh viện Truyền máu và Huyết học TP.HCM, Tổng cục Hải quan vừa có phản hồi trước một số nghi ngờ cho rằng do cơ quan hải quan địa phương kéo dài thủ tục thông quan.
 >> Buộc giảm giá 14 loại thuốc ung thư vì quá đắt

Tổng cục Hải quan khẳng định: Việc lô hàng thuốc còn lại hạn dùng quá ít khi hoàn thành thủ tục nhập khẩu không phải do cơ quan hải quan kéo dài thời gian làm thủ tục. Vì lý do nhân đạo, cơ quan Hải quan vẫn nhanh chóng thông quan lô hàng 01 ngày kể từ ngày đăng kí tờ khai hải quan.

Trước đó, chiều 3/5, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) có công văn khẩn yêu cầu Sở Y tế TP Hồ Chí Minh báo cáo việc Bệnh viện Truyền máu và Huyết học TP Hồ Chí Minh phải tiêu hủy 20.000 viên thuốc viện trợ Tasigna đặc trị ung thư hết hạn sử dụng. Thuốc Tasigna là loại thuốc đặc trị ung thư, được dùng trong điều trị bệnh bạch cầu mãn dòng tủy.

Được biết, số thuốc này là nguồn viện trợ của một hãng dược phẩm tại Thụy Sỹ, với giá khoảng 700.000 đồng/viên, ước tính số thuốc hết hạn sử dụng này có giá trị 14 tỷ đồng.

Theo kết luận Thanh tra Bộ Y tế về việc kiểm tra kho thuốc tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM cho thấy, đến ngày 31/12/2015 kho thuốc còn tồn 19.997 viên thuốc Tasigna 200mg. Tất cả gần 20.000 viên thuốc này đều đã hết hạn sử dụng từ tháng 5/2015. Lúc này dư luận đặt câu hỏi tại sao có tồn kho lượng lớn số thuốc nói trên và lỗi do dâu? Dư luận đặt câu hỏi về việc chậm trễ do thủ tục thông quan của phía hải quan.

Trả lời vấn đề này, Tổng cục Hải quan khẳng định, lô thuốc trên có thời hạn sử dụng 24 tháng (ngày sản xuất 6/2013 hết hạn tháng 5/2015). Từ ngày 15/7/2013, Bệnh viện Truyền máu và Huyết học TP.HCM nhận được thư hiến tặng thuốc nói trên.

Do quá trình xử lý các thủ tục chuyên ngành của ngành y tế giữa Bệnh viện với Sở Y tế TP.HCM, UBND TP.HCM, Cục Quản lý dược… nên phải đến ngày 23/07/2014, số thuốc viện trợ mới có vận đơn về Việt Nam. Tuy nhiên, lúc này hạn dùng còn lại của số thuốc trên không còn đủ 12 tháng.

Ngày 01/08/2014, Bệnh viện truyền máu huyết học TP.HCM có công văn gửi Cục Hải quan TP. HCM giải trình về lý do hạn dùng lô hàng còn lại dưới 12 tháng và xin được thông quan vì lý do nhân đạo. Đến này 7/8/2014, cơ quan Hải quan đã thông quan số lô thuốc viện trợ nói trên qua 02 tờ khai hải quan.

Tổng cục Hải quan khẳng định: Việc lô hàng thuốc còn lại hạn dùng quá ít khi hoàn thành thủ tục nhập khẩu không phải do cơ quan hải quan kéo dài thời gian làm thủ tục. Vì lý do nhân đạo, cơ quan Hải quan vẫn nhanh chóng thông quan lô hàng 01 ngày kể từ ngày đăng kí tờ khai hải quan.

Nguyễn Tuyền

Vụ tiêu hủy gần 20.000 viên thuốc ung thư: “Đỉnh cao của hành vi hành chính vô cảm!”

Dân trí
Mặc dù trước thềm Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp dự kiến diễn ra vào 17/5 sắp tới không có sự kiện nào mang tính “điểm nhấn” tương tự vụ quán cà phê Xin Chào hồi năm 2016, tuy nhiên, tại buổi họp báo chiều nay (8/5), một số vấn đề “nóng” vẫn được báo chí đề cập vào ban chủ tọa.
 >> Hải quan khẳng định “vô can” vụ 20.000 viên thuốc trị ung thư bị huỷ
 >> Từ vụ quán cà phê Xin chào, Chính phủ sẽ cam kết bảo vệ doanh nghiệp?

Chẳng hạn, câu chuyện gần đây nhất là vụ gần 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư buộc phải tiêu hủy do hết hạn sử dụng, nguyên nhân xuất phát từ chậm trễ trong thủ tục xác nhận viện trợ của các cơ quan có thẩm quyền.

Bình luận về sự kiện này, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, đó là một hành vi hành chính “vô cảm, thiếu trách nhiệm”. Vị Chủ tịch VCCI thậm chí còn gọi đây là “đỉnh cao của hành vi vô cảm”, gây tác động lớn.

Ông Lộc cho rằng, sự kiện nói trên mới chỉ là một hành vi điển hình, thực tế còn rất nhiều hành vi liên quan đến thủ tục hành chính khác xảy ra hàng ngày, hàng giờ gây khó dễ cho doanh nghiệp. Trong khi đó, sự chậm trễ về thời gian có thể quyết định sự tồn tại hay phá sản của một doanh nghiệp. Theo đó, “chậm 1 ngày thì DN có thể bị mất hợp đồng, bị phạt”.

Lãnh đạo VCCI bình luận: Ngày nay có câu, “dân có cần nhưng quan chưa vội, dân có vội dân lội dân sang”, nhưng người dân làm sao có thể vượt qua được những trở ngại về thủ tục hành chính đó!

Về vấn đề này, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng nhìn nhận, việc tiêu hủy gần 20.000 viên thuốc nói trên tưởng nhỏ, nhưng không hề nhỏ. Giải quyết hành chính mà mất tới 1 năm trời là việc “không bình thường”. Do đó, theo ông Hà, cần phải rút ra được những bài học từ vấn đề này.

Tham gia buổi họp báo, ông Hồ Sĩ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, những sự việc đáng tiếc như trên không ai mong muốn xảy ra nhưng một khi đã phát sinh rồi thì cần phải tạo dư luận để có sự quan tâm, xử lý và giải quyết rốt ráo, không để lặp lại những sự cố tương tự.

Bình luận về vụ “cà phê Xin Chào” trước thềm Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp hồi năm ngoái, ông Lê Mạnh Hà cho rằng, tuy đây là một sự cố, song khi vụ việc này được mổ xẻ và giải quyết thì đã tạo nên một hiệu ứng tích cực.

Cụ thể, qua vụ việc nói trên, trong Nghị quyết 35 của Chính phủ được ban hành ngay sau đó đã đưa vào nội dung không hình sự hóa quan hệ kinh tế, đồng thời, tư duy của chính quyền cũng được chuyển từ “quản lý” sang “phục vụ”. Việc chuyển biến về tư duy là cơ sở quan trọng để có được những chuyển biến về hành vi công chức, về thực tiễn thực hiện.

Theo thông báo của ban tổ chức, dự kiến năm nay, số lượng đại biểu tham dự Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp sẽ đông gấp 4 lần năm ngoái, khoảng 2.000 người. Trong đó, chiếm đa số là đại diện đến từ các doanh nghiệp tư nhân trong nước (khoảng 1.500 người).

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ báo cáo sơ kết về việc thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ trong vòng 1 năm qua. Bên cạnh đó, các bộ ngành sẽ đối thoại với các doanh nghiệp về những vướng mắc, giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp trên tinh thần “đồng hành cùng doanh nghiệp” trước khi có một cuộc họp do Thủ tướng chủ trì diễn ra trong chiều cùng ngày (17/5).

Bích Diệp

BÀ TIẾN & KHỦNG HOẢNG TRUYỀN THÔNG

Bà Bộ trưởng Y Tế rõ ràng là đã chưa ý thức được bà đang ở trung tâm của khủng hoảng truyền thông; Khủng hoảng mà lẽ ra bà phải chuẩn bị đối phó nhiều tháng trước khi vụ VN Pharma được đưa ra xét xử.

Những người trong cuộc đều biết, chỗ dựa quan trọng nhất của VN Pharma ở Sài Gòn là một phó chủ tịch quyền lực: Ông Hứa Ngọc Thuận (2009 – 2016). Tuy nhiên, việc bà né tránh chi tiết ông Hoàng Quốc Dũng, em ruột chồng bà, từng làm ở công ty này đã khiến cho dư luận khó tha thứ và không thể không đặt vấn đề về những gói thầu cung ứng thuốc trị giá 20 tỷ/gói cho các bệnh viện tuyến TƯ: Chợ Rẫy, Bạch Mai, bệnh viện TƯ Huế…

Hôm trước, tôi có đề nghị UBTV Quốc hội nên lập một ủy ban điều tra độc lập. Điều này không chỉ cần thiết cho việc xem xét tín nhiệm của bà Tiến mà còn có thể có lợi cho bà.

Sự xuất hiện của em chồng bà Tiến – ông Hoàng Quốc Dũng – ở VN Pharma, trong một thời gian làm chúng ta nhớ sự kiện con trai Thống đốc Lê Đức Thúy làm giám đốc BankTech một công ty con của CFTD – công ty thuộc bộ CA đảm trách việc in tiền Polymer. Con trai ông Thúy khi ấy đang là một sỹ quan CA, được điều chuyển sang BankTech trong một thời gian ngắn dường như chỉ là để “thu hút hỏa lực dư luận” chứ không liên quan tới việc in tiền.

Không khó để làm rõ thời điểm ông Dũng xuất hiện ở VN Pharma và thời điểm công ty này nhận được các gói thầu có giá trị lớn ở các bệnh viện tuyến TƯ; cũng như làm rõ thời điểm mua bán hay xây căn biệt thự mà con trai bà Bộ trưởng đang sử dụng.

Báo chí, Thanh tra và Ủy ban điều tra độc lập cũng nên điều tra làm rõ: Nếu VN Pharma đưa ông Dũng vào làm PGĐ ở đây chỉ để “thu hút hỏa lực dư luận” thì cũng nên minh oan cho bà Tiến; Nếu trong thời gian làm việc ở đây, ông Dũng có “lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn”(bà Tiến) thì cũng cần, vừa xem xét trách nhiệm của bà Tiến, vừa truy cứu trách nhiệm hình sự ông Dũng.