Trần Đại Quang ‘mất tích’

0
907
Ông Trần Đại Quang.

Vietnam – Cali Today News – Gần hai tuần trôi qua, kể từ khi xảy ra sự kiện Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc từ Đức về nước để điều tra, người dân trong nước không một lần thấy ông Trần Đại Quang-Chủ tịch nước Việt Nam xuất hiện trên truyền thông nhà nước. Trong khi đó, những tin đồn cho rằng, ông này đang bị khống chế bởi phe nhóm của Nguyễn Phú Trọng vì dính líu đến nghi án tham nhũng.

Lần cuối Trần Đại Quang xuất hiện trên truyền thông là ngày 26/7, ba ngày sau khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ở Đức. Từ đó đến nay chưa một lần xuất hiện trở lại. Ảnh: CAND

Lần cuối cùng ông Trần Đại Quang xuất hiện trên truyền thông là vào ngày 26/7/2017 trong lần ông đi úy lạo những thương phế binh trong thời chiến tranh Việt Nam. Kể từ đó đến nay, ông này không một lần xuất hiện trên báo giới. Cho dù trong suốt thời gian đó, tại Việt Nam xảy ra một loạt vấn đề nổi cộm, như: tranh chấp tại Biển Đông, hãng Repsol của Tây Ban Nha phải ngưng thăm dò; Việt Nam tham dự Hội nghị các Ngoại trưởng ASEAN; chuẩn bị cho APEC; Bộ Tài nguyên-Môi trường cho đổ chất thải xuống biển Bình Thuận; bắt Trịnh Xuân Thanh; miễn nhiệm Thứ trưởng Bộ Công thương…

Việc ông Trần Đại Quang không xuất hiện trên truyền thông đã làm cho tin đồn có đất sống. Ba ngày sau khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt, người dân trong nước không còn thấy ông Chủ tịch nước đâu cả. Ngoài tin đồn nói ông đã bị khống chế bởi phe nhóm Nguyễn Phú Trọng, còn có tin rằng, hiện nay ông Quang đang được điều trị bịnh tại Nhật Bản. Trước đó, hai Ủy viên Bộ Chính trị khác cũng được sang Nhật Bản điều trị là Võ Văn Thưởng và Đinh Thế Huynh. Trong khi ông Võ Văn Thưởng sau khi điều trị trở về làm việc bình thường thì Đinh Thế Huynh biến mất trên truyền thông. Mãi đến nay, chính quyền CSVN mới thông báo cho biết ông này hiện đang được điều trị bệnh và chức vụ Thường trực Ban Bí thư được giao cho ông Trần Quốc Vượng (Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương) đảm trách. Từ một nguồn tin đáng tin cho chúng tôi biết, hiện nay ông Huynh đang được an dưỡng tại Phú Quốc.

Vào ngày 7/8/2017, báo chí trong nước cho biết, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ CSVN có tổ chức quyên góp để ủng hộ người dân ở các tỉnh Tây Bắc bị cơn lũ lịch sử tàn phá khiến mấy chục người thiệt mạng. Mặc dù có loan tin Chủ tịch nước có tham gia quyên góp nhưng không hề thấy hình ảnh ông Quang xuất hiện. Thay vào đó là cảnh ông Nguyễn Xuân Phúc cùng các thành viên chính phủ tổ chức quyên góp. Trên trang web trandaiquang.org có đưa hình ảnh của ông này, nhưng đó cảnh quyên góp cho đồng bào miền Trung bị lũ lụt từ tháng 10/2016.

Trước khi lên làm Chủ tịch nước, ông Trần Đại Quang từng là Bộ trưởng Công an. Những tin vỉa hè cho rằng, việc Trịnh Xuân Thanh thoát ra nước ngoài là do sự sắp xếp của Trần Đại Quang.

Trước đó, trong đại án tham nhũng của Dương Chí Dũng-cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), khi ra trước tòa, ông này khai rằng đã đưa 1,5 triệu Mỹ kim để lót tay cho thượng tướng công an Phạm Quý Ngọ, lúc đó là thứ trưởng Bộ Công an. Tiền này là của bà Trương Mỹ Lan, một đại gia ở đất Sài Gòn. Số tiền đó được dùng để lót tay cho những quan chức công an để giúp bà này trúng thầu công trình xây dựng cảng Sài Gòn. Trong phiên tòa có sự tham dự của ông Nguyễn Bá Thanh (lúc đó là Trưởng Ban nội chính Trung ương), Dương Chí Dũng khai nhận việc hối lộ có dính líu đến ông Trần Đại Quang, lúc đó còn là Bộ trưởng Công an.

Trước tòa, Dương Chí Dũng tố cáo có đưa hối lộ cho Phạm Quý Ngọ và việc này Trần Đại Quang biết. Ảnh: Vietnamnet

Những khai nhận của Dương Chí Dũng đã bị thẩm phán chặn lại sau khi ông này lôi ra cả Trần Đại Quang ra để tố cáo. Chỉ một thời gian ngắn sau khi Phạm Quý Ngọ bị tố cáo tham nhũng, ông này đã được chính quyền CSVN đưa sang Tân Gia Ba (Singapore) để điều trị bịnh ung thư và chỉ một thời gian rất ngắn sau đó đã chết. Vụ án tham nhũng liên quan đến Phạm Quý Ngọ và Trần Đại Quang chưa kịp khởi tố đã phải dừng lại. Về sau, ông Trần Đại Quang vẫn thăng tiến lên làm Chủ tịch nước.

Trần Đại Quang là người rất thân với các quan chức trong ngành dầu khí, mà điển hình ở đây là cựu Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Sài Gòn Đinh La Thăng. Thăng đã dùng số tiền tham nhũng được trong nhiều năm làm Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để lo lót cho Trần Đại Quang. Dùng tiền để mua được chức Ủy viên Bộ Chính trị, trở thành Bí thư Thành ủy Sài Gòn. Trong khi Trịnh Xuân Thanh là cánh tay đắc lực của Đinh La Thăng. Do đó, việc bắt Trịnh Xuân Thanh về quy án không thể nào không ảnh hưởng đến số mệnh chính trị của Trần Đại Quang. Hay nói khác hơn, việc Nguyễn Phú Trọng cho mật thám bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Đức, bất chấp luật pháp quốc tế, luật pháp nước sở tại, làm ảnh hưởng đến mối bang giao Việt-Đức, gây thiệt hại cho nền kinh tế cũng chỉ là nhằm thanh trừng Trần Đại Quang.

Trước đây, người được Nguyễn Phú Trọng chọn vào vị trí kế thừa chiếc ghế của mình sau này là Đinh Thế Huynh, nhưng tiếc thay, ông này yểu mệnh, chỉ ngồi tới chức Thường trực Ban Bí thư thì đã lâm trọng bịnh. Do đó, người được Trong chọn là Trần Quốc Vượng, cánh tay đắc lực cho ông trong việc diệt trừ phe nhóm của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Với Nguyễn Phú Trọng, người ngồi ở ghế Tổng Bí thư phải là “người miền Bắc, có lý luận”. Trong số ‘tứ trụ’ hiện nay, ngoài Nguyễn Phú Trọng ra chỉ còn có Trần Đại Quang là “người miền Bắc, có lý luận” mà thôi. Cửa để Trần Đại Quang tiến tới chức Tổng Bí thư sáng vô cùng. Song, ông này lại không được Trọng tín nhiệm và muốn phế truất.

Nguoi Quan Sat