TRẢ LỜI BẠN ĐỌC – (Phần 3) – QUAY LẠI TÍNH “ĐOÀN KẾT”

0
15
Một số người lấy hình ảnh dòng người đông nghìn nghịt đổ xuống đường vì Việt Nam chiến thắng trong các trận bóng đá mà ta thán: “Phải chi chúng nó xuống đường vì Formosa”, “phải chi chúng nó xuống đường vì nhân quyền” v.v… thì VN đã có dân chủ rồi!
Hãy nhìn lại “sự thất bại Thiên An Môn” để nói về “đoàn kết”.
Trong trận xuống đường rầm rộ và ngỡ rằng chiến thắng đã tới tầm tay của người Trung Quốc, nhưng cuối cùng… tan rã! Trên cả sự tan rã, những xác người bị xe tăng ép thành như một manh giấy, vẫn ám ảnh cả thế giới đến ngày nay về “cái ác” tột cùng của người cộng sản Tàu!
Tại sao cuộc xuống đường rầm rộ tại quảng trường Thiên An Môn thất bại thảm hại? Có 3 yếu tố chính
YẾU TỐ THỨ NHẤT: Không có lãnh đạo. Nói cho chính xác, “các nhóm” đều có “lãnh đạo”, nhưng các “lãnh đạo” không học được phương pháp “liên kết” với nhau. Thậm chí, “lãnh đạo các nhóm” mâu thuẫn lẫn nhau về phương pháp đấu tranh.
Số lượng người xuống đường từ 10.000 sinh viên ban đầu rồi lên đến 50.000 người, đến ngày 21/4/1989 số lượng lên đến 100.000 sinh viên. Sau đó, mở ra cả thành phần công nhân cũng tham gia và cuộc phản kháng bất bạo động lan ra khoảng 400 thành phố. Nhưng cuối cùng thất bại.
Rõ ràng, yếu tố “biết lên kết” cũng cần phải học – trong trường hợp vô cùng quan trọng như Thiên An Môn. Vì “không biết và không chịu liên kết” nên cái giá phải trả là cái chết của hàng ngàn người.
Xuống đường mang tính chính trị không phải là đi picnic (!)
Cho nên, những ai hay ta thán về “hàng chục ngàn người” “xuống đường” vì bóng đá thật quá ấu trĩ!
Hãy nhìn dòng người VN đổ ra đường chật kín mọi ngã (để ăn mừng bóng đá) chẳng qua “đống người đó” như MỘT CON RẮN KHỔNG LỒ KHÔNG ĐẦU! Vâng, “một con rắn” to tổ bà nái và dài sòng sọc hàng cây số, nhưng chẳng có gì… đáng lo ngại đối với nhà cầm quyền!
YẾU TỐ THỨ HAI: “Biến cố Thiên An Môn” xuất phát từ cái chết của Hồ Diệu Bang, rồi nhân cơ hội đó mà người Trung Quốc “làm tới”, tức là không có một kế hoạch chỉn chu với yêu sách rõ ràng – xuyên suốt – thực tế và được chuẩn bị từ lâu.
Vào lúc bấy giờ, khi nhà cầm quyền Trung Quốc thấy tình hình nghiêm trọng quá rồi, muốn thỏa hiệp, thì những “lãnh đạo của Thiên An Môn” loay hoay và lúng túng với “đủ thứ yêu sách hầm bà lằng” mang tính đối phó và “được chăng hay chớ”, chứ không hề có một chiến lược bảo đảm tính khoa học, dài hơi và nghiêm cẩn làm nền tảng cho một xã hội dân chủ thật sự. Hãy xem lại 7 yêu sách rất “nửa vời” của “Thiên An Môn” sẽ thấy rõ.
Trong khi đó, các cuộc xuống đường vì bóng đá mà một số người hay chửi là “bọn dở hơi”, “thờ ơ”, “vộ trách nhiệm với tổ quốc” v.v… thì… những ai hay chửi (tạm gọi là “người đấu tranh tự do dân chủ” – NĐTTDDC) hãy suy nghĩ lại mà xem! Những người yêu bóng đá xuống đường để ăn mừng chiến thắng của đội bóng VN (theo cách của họ,tạm chấp nhận là rất lố lăng), ngoài ra trong đầu họ không hề nghĩ đến bất kỳ điều gì mang dáng dấp chính trị cả! Cớ sao lại trách họ?
Tại đây bật ra một điểm rất rõ: NĐTTDDC tự bộc lộ tâm trạng bực tức, có lẽ vì nghĩ rằng: “Tại sao chúng tao vì dân vì nước mà chúng mày không giống chúng tao?”, “Đất nước này đâu phải của riêng chúng tao”, “Khi Tàu nó cướp được VN thì chúng mày cũng chết chùm” v.v… Thật buồn cười.
Nếu tôi là fans bóng đá mà bị mắng vậy, tôi sẽ hỏi lại rằng: “Ủa! Ai mượn các người đấu tranh TDDC?”, hoặc “Các người muốn đấu tranh thì cứ đấu, hà cớ gì buộc chúng tôi phải theo?”, “Các người bảo chúng tôi thờ ơ, có thể bị chết chùm, đó là việc của các người, nhưng các người tự nhận dấn thân thì tự hy sinh đi! Cớ sao lại ca cẩm và chửi chúng tôi?” v.v… Và cuộc cãi vã, chửi nhau (nếu có) mãi không bao giờ chấm dứt. Cuối cùng chẳng giải quyết được gì. Vô ích! Nói cho ngay, tự bản thân NĐTTDDC càng ngả lòng, chán nản, bực dọc thêm…
Vì thế mới nói, đa số NĐTTDDC hay lấy suy nghĩ của mình áp lên người khác – không khác gì người CS. Thậm chí, cứ cho rằng suy nghĩ của NĐTTDDC là đúng đi chăng nữa, nhưng điều đó vẫn mang tính ép uổng. Cần nhớ, chỉ có sự tự nguyện mới bền vững. Ngay cả đôi khi tự nguyện, nhưng một thời gian sau, bản thân NĐTTDDC thấy mất mát quá nhiều cũng có thể & có quyền thay đổi và rút lui kia mà! Vậy, hà cớ gì cứ khư khư ép những fans bóng đá phải “quy về một mối cùng đấu tranh tự do dân chủ”?
YẾU TỐ THỨ BA: Đó là vấn đề thời gian. Cuộc xuống đường Thiên An Môn quá dài – hơn cả tháng trời. Xuống đường như thế, thất bại thấy trước rất rõ.
Trong khi đó, những cuộc xuống đường vì bóng đá thông thường chỉ diễn ra một buổi tối, chừng năm bảy tiếng là hết.
Tóm lại, NĐTTDDC nhìn nhận vấn đề “đoàn kết” để quy tụ quần chúng qua hình ảnh fans bóng đá, tỏ ra quá sơ sài. Có thể nói, lấy hình ảnh fans bóng đá để nói về “đoàn kết thành một khối” hoàn toàn rơi vào phép ngụy biện thứ 27 “Đơn giản hóa vấn đề”.
Thêm nữa, như nói về Thiên An Môn, các nhóm lãnh đạo KHÔNG BIẾT & KHÔNG CHỊU LIÊN KẾT là điều rất quan trọng mà NĐTTDDC cho VN nên suy ngẫm.
Thêm vào đó, nên nhìn nhận tính đố kỵ rất nhiều cùng sự “loi choi ngoi lên vị trí lãnh đạo” cho bằng được vì huyễn hoặc “tài năng” quá cao của nhiều NĐTTDDC là điều không phải ai trong số họ cũng dám nhìn nhận. Vì thế, đa số họ – quý độc giả cứ nhìn mà xem – rất xa xôi với người dân. Nếu họ có “về với dân” như trong “vụ Đồng Tâm”, nó chỉ như cỡi ngựa xem hoa, không thật tâm!
Những người như vậy chính là thành phần phá hỏng “tính đoàn kết” cao nhất”.
(Còn nữa) _________ NNG