ngoc nguyen
21:15, CN, 26 thg 8, 2018
Nguy hiểm là điều có thật, nhưng sợ hãi – khi đối diện với nó – lại là một lựa chọn. Nổi tiếng cũng là điều có thật, nhưng người nổi tiếng không có quyền lựa chọn.
Sự nổi tiếng trong chủ đề này, nói đến những ai đang đòi hỏi cho một Việt Nam tự do – dân chủ – nhân quyền.
Những người nổi tiếng, hầu hết đều trải qua cam go và cả khổ nạn, nhưng một điều kỳ lạ, họ không bao giờ đặt mục tiêu rằng “tôi làm để được nổi tiếng”. Thế cho nên, sự nổi tiếng tựa như một “phần quà khuyến mãi” được “Nam Thần Nổi Tiếng” tưởng thưởng. Tuy nhiên, những “phần quà” như thế chẳng bao giờ là miễn phí. Có thể gọi tên “phần thưởng của ngục tù”. Đó là sự khác biệt của những người đấu tranh cho Nhân Quyền – Dân Chủ ngày nay, hẳn là nhiều người sẽ nhìn lại quá khứ để tự chiêm nghiệm và tự tìm ra những “minh tinh” hay “u tinh”. Tuy nhiên, sức chịu đựng lại là một phạm trù khác hẳn. Sức chịu đựng không thể và không bao giờ buộc phải tỉ lệ thuận với sự nổi tiếng.
Thông thường những người nổi tiếng làm việc như vốn dĩ “Trời sinh ra là phải vậy”.
Tên gọi số phận bỗng bật ra! Vậy, “nổi tiếng” có phải cũng thuộc về số phận? Tin hay không tin vào số phận cũng lại thuộc quyền lựa chọn của mỗi người.
Sự nổi tiếng một khi không thấm đẫm triết lý “bao nhiêu năm làm kiếp con người/chợt một chiều tóc trắng như vôi/lá úa trên cao rụng đầy”, thay vào đó là đòi hỏi một sự trao đổi “đúng giá trị” từ sứ mạng tự họ gọi là “hy sinh cho mọi người” và nó được điều khiển bởi tính đạo đức giả, lại không thiếu lòng căm hận từ khổ đau họ đã gánh lấy, giờ người khác buộc phải nếm trải như họ; hoặc giả chịu sự điều khiển của họ; làm theo những việc mà họ tự đặt ra “chuẩn mực”, điều đó nhất định không dành cho những tâm hồn bằng an được tận hưởng “trái ngọt hạnh phúc” một cách tự nhiên.
Một khi thấm đẫm nền giáo dục Nhân Bản – Khai Phóng, sự nổi tiếng đó sẽ nâng lên tầm “Chân Chính”. Những người nổi tiếng như thế, họ rất giản dị. Họ không màng những gì vây quanh họ một cách ác tâm. Đó gọi là bản lãnh “Trời cho”. Bởi xuất phát từ sâu trong tâm khảm, khởi nguồn từ những việc mà khi bắt tay cho công việc đó, họ hoàn toàn cảm thấy thoải mái và dễ chịu, đôi khi nó được gọi là sự say mê. Say mê như những chú ong chăm chỉ dâng mật cho đời.
Ngỡ là trớ trêu, nhưng những người nổi tiếng thường phải tự xoay sở trong “nhà tù” mang tên “Nổi Tiếng”. Bất hạnh hay hạnh phúc? Tôi không tin vào Marx khi trả lời “Hạnh phúc là đấu tranh” cho con gái của mình với câu hỏi “Hạnh phúc là gì?”. Thay vào đó, có vẻ khả tín hơn, với văn hào Leo Tolstoy – trong tác phẩm Anna Karenina – ông đã viết: “Hạnh phúc thường giống nhau, nhưng bất hạnh mỗi người mỗi khác”. Định nghĩa “hạnh phúc là gì” quả thật khó, dù dường như ai đó đã nói “Hạnh phúc là tùy thuộc vào sự cảm nhận của mỗi người”. Hóa ra, hạnh phúc chỉ là một thứ tương đối?!
Nếu “Nam Thần Nổi Tiếng” giữ độc quyền lựa chọn kẻ được ngài ban phát, thì “Nữ Thần Thời Gian” sẽ sở hữu quyền duy trì sự nổi tiếng cho kẻ đó đến bao lâu, dựa vào việc họ tiếp tục làm gì khi đã nổi tiếng. Vì vậy, sự nổi tiếng luôn đi cùng với bản lãnh. Tôi tin như thế.
Người nổi tiếng mà có bản lãnh sống rất ung dung tự tại và làm những việc, thoạt đầu có vẻ chỉ có lợi cho bản thân mình, nhưng những việc đó, theo thời gian lại được rất nhiều người đồng tình ủng hộ. Họ không khoa trương mà rất tự nhiên.
Những người nổi tiếng và có bản lãnh thường rất bao dung.
Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Để làm gì em biết không?
Đề gió cuốn đi
Gió cuốn đi cho mây qua dòng sông…
(Trịnh Công Sơn)
Vậy là tôi đã tìm ra được định nghĩa cho riêng mình: Nổi Tiếng + Bản Lãnh + Bao Dung = Con Người Chân Chính.
Tôi đã chúc một người bạn tù rằng: Anh chúc em thiệt là nổi tiếng nghe! Bởi anh tin em biết sử dụng sự nổi tiếng của mình để làm những việc có ích cho dân cho nước.
Vì vậy, những người như thế đáng được ngợi ca thay vì sỉ vả hoặc lợi dụng tính bao dung của họ, bởi lẽ:
Quá nhiều “đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng” trong cõi đời của xứ sở Việt Nam vẫn còn điêu linh!
(Kính tặng các anh: Điếu Cày, Trần Huỳnh Duy Thức, LS. Lê Công Định, NS. Việt Khang).
Nguyễn Ngọc Già