Tôi đã giúp Luận tội Nixon: Đây là Trường hợp phải Truy tố Trump

0
19
© Getty Images

The Interpreter

Translated from The Hill article I voted to impeach Nixon: Here’s the case to prosecute Trump

Hiện hữu chứng cứ Donald Trump có thể đã vi phạm luật liên bang. Khi ông còn là tổng thống, Trump được bảo vệ tạm thời tránh việc bị truy tố, nhưng một khi ông rời văn phòng tổng thống, liệu ông có bị truy tố?

Elizabeth Holtzman, ngày 13 tháng 12, 2020

© Getty Images

Hiện hữu chứng cứ Donald Trump có thể đã vi phạm luật liên bang. Khi ông còn là tổng thống, Trump được bảo vệ tạm thời tránh việc bị truy tố, nhưng một khi ông rời văn phòng tổng thống, liệu ông có bị truy tố? Hay ông nên được tha bổng vì lợi ích hàn gắn một đất nước bị chia rẽ vì đảng phái?

Tổng thống tân cử Joe Biden đã đúng khi cam kết Bộ Tư pháp (DOJ) sẽ quản lý tất cả cuộc điều tra về Trump, hoặc chuyện truy tố nếu đến thời điểm phải làm điều đó, theo thông thường. Nghĩa là Bộ Tư pháp phải tiến hành các cuộc điều tra một cách có chuyên môn, chấp nhận những nghi vấn mới và sẵn sàng quyết định liệu việc truy tố có khả thi – và, nếu nó khả thi, phải thi hành án. Đối với một quốc gia tôn trọng luật pháp, không có sự lựa chọn khác.

Cựu công tố viên đặc biệt Robert Mueller xác định 10 cách Trump có thể đã cản trở công lý liên quan đến các cuộc điều tra nhắm vào việc thông đồng với Nga. Mueller không quyết định liệu Trump có nên bị truy tố hay không, nhưng gần 700 cựu công tố viên Hoa Kỳ tin rằng có đầy đủ bằng chứng để tiến hành truy tố. Hành vi sai trái khác, như các giao dịch tài chính của Trump và nỗ lực thay đổi kết quả bầu cử 2020 của ông, cũng cần được tranh tra.

Tổng thống không có quyền miễn trừ truy tố. Hiến pháp quy định rõ ràng một vị tổng thống có thể bị xét xử và truy tố vì các tội xảy ra khi đương nhiệm. Cựu Tổng thống Nixon và bản thân Trump là đối tượng của các cuộc điều tra tội phạm, và một đại bồi thẩm đoàn thậm chí xác nhận Nixon là đồng phạm chưa bị truy tố.

Nếu tổng thống phạm tội không thể bị truy tố trong lúc đương nhiệm – và không bị truy tố khi họ rời văn phòng – thì họ sẽ không bị trừng trị. Điều đó cho thấy mối đe dọa nghiêm trọng đối với nền dân chủ đất nước chúng ta bằng cách loại bỏ biện pháp răn đe mạnh mẽ nhất với các tội của tổng thống.

Chúng ta không nện bị dụ dỗ bởi các lý lẽ “hàn gắn chia rẽ” – quan điểm này cho rằng bằng cách nào đó, khi chúng ta bỏ qua cho nhau, chúng ta có thể hướng về phía trước như một đất nước đoàn kết như thể Trump, và sự tàn phá ông ấy gây ra, chưa từng xảy ra và sẽ không tái diễn.

Thật mơ hồ.

“Hàn gắn chia rẽ” có tầm quan trọng hơn việc bảo vệ nền dân chủ khỏi các vị tổng thống phạm tội và nghĩ rằng họ có quyền miễn bị truy tố hay không? Có quan trọng hơn lý tưởng bình đẳng trước luật pháp, đến mức tên gián điệp bán tin bí mật cho Trung Quốc thì bị trừng trị trong khi tổng thống âm mưu cùng Nga, để thắng một cuộc bầu cử, thì không hề hấn gì?

Và, sau tất cả, cơ sở nào chứng minh được chuyện ngăn truy tố Trump giúp chúng ta hàn gắn chia rẽ? Rời văn phòng rồi, Trump vẫn sẽ tiếp tục là thế lực gây ồn ào, đưa những lời dối trá cho những người ủng hộ ông và tìm cơ hội chia rẽ đất nước. Biden cũng chẳng nhận được lời khen nào cho cử chỉ hàn gắn chia rẽ nếu ông cản trở Bộ Tư pháp nhắm vào Trump. Trump chắc chắn khẳng định điều đó đồng nghĩa việc ông đã không làm gì sai.

Lệnh ân xá từ Tổng thống Ford dành cho Nixon tạo thêm động lực để lạm quyền miễn tố.

Là thành viên Ủy ban Tư pháp Hạ viện bỏ phiếu luận tội Nixon, tôi chất vấn Ford khi ông ra điều trần trước Quốc hội về lệnh ân xá. Ford nói đất nước này cần “yên bình,” không phải “cuộc tranh luận kéo dài và gây chia rẽ” về sự trừng phạt cho Nixon. Những lập luận đó tương tự ngày hôm nay. Nhưng tôi ít quan tâm đến sự yên bình vì nước Mỹ vừa vượt qua nỗ lực luận tội Nixon mà không có tình trạng bất ổn xảy ra. Tôi lo ngại hơn đến tiền lệ tổng thống không bị truy tố và thiết lập một hệ thống pháp lý tiêu chuẩn kép – một dành riêng cho tổng thống và một dành cho bất cứ ai khác – sẽ trở lại ám ảnh chúng ta.

Và nó đã trở lại ám ảnh chúng ta.

Cựu tổng thống George W. Bush bị tình nghi vi phạm luật chống tra tấn tội phạm trong Chiến tranh Iraq, nhưng không chuyện gì xảy ra với ông. Phải chăng thất bại trong việc truy tố Nixon hay điều tra Bush làm cho Trump tin tưởng ông không thể bị động tới, qua đó khuyến khích ông dẫm lên các luật, hiến pháp và các truyền thống lâu đời? Nếu Trump được tha, điều này gửi đi thông điệp về quyền miễn tố đến các tổng thống tương lai – kể cả Trump, nếu ông tái tranh cử. Con đường đó sẽ dẫn đến tình trạng chia rẽ và bất ổn tồi tệ hơn trong tương lai khi chúng ta lại bầu ra vị tổng thống đặt bản thân lên trên luật pháp.

Mặt khác, chuyện gì xảy ra nếu Bộ Tư pháp có hành động pháp lý với Trump? Liệu nó có thay đổi một vài suy nghĩ và mang đến tinh thần đoàn kết?

Có thể.

Năm 1972, Nixon tái tranh cử và có một trong những chiến thắng với số cử tri đoàn lớn nhất trong lịch sử. Nhưng sau những phiên điều trần vụ án Watergate tại Thượng viện và tiến trình luận tội chống lại ông tại Hạ viện, ý kiến dân chúng thay đổi nhanh chóng. Vào thời điểm Nixon từ chức trong tháng 8, năm 1974, ít hơn 25 phần trăm người Mỹ ủng hộ ông. Trình bày chứng cớ một cách công bằng và trung thực đã đưa tinh thần đoàn kết trở lại với đất nước này.

Điều này có lẽ khó để đạt được trong hôm nay, khi mà Trump và giới truyền thông cánh hữu phổ biến “những sự thật của thực tế khác (alternative facts).” Dù vậy, một cuộc điều tra và truy tố nghiêm túc, dựa trên bằng chứng và được thực hiện minh bạch, có thể mang đến hiệu ứng tương tự như phiên điều trần vụ Watergate. Ngay cả khi những người ủng hộ Trump trung thành không thể được thuyết phục bởi các chứng cứ thực tế, hàng triệu người Mỹ khác sẽ chứng kiến. Quan trọng nhất, truy tố Trump sẽ tạo ra tiền lệ không thể bị xóa nhòa – và đặt ra một điểm nhấn mà tất cả tổng thống tương lai phải lưu ý.

Elizabeth Holtzman phục vụ trong Quốc hội khi là Dân biểu Đảng Dân chủ bốn nhiệm kỳ từ bang New York. Bà cũng là thành viên Ủy ban Tư pháp Hạ viện trong cuộc điều tra Watergate liên quan đến Richard Nixon. Bà tốt nghiệp Đại học Luật Harvard và là tác giả quyển “Trường hợp để Luận tội Trump (The Case for Impeaching Trump).”

Chuyễn ngữ: Tuấn Nguyễn

Nguồn : https://www.the-interpreter.org/post/toi-da-giup-luan-toi-nixon-day-la-truong-hop-phai-truy-to-trump