Đọc thông tin vụ cháu Quang Vinh chia sẻ thông tin của mình chỉ cho một nhóm rất nhỏ bạn bè, không ngờ sau đó có kẻ tố cáo, thông tin lộ ra ngoài, tôi lại nhớ đến chuyện của mình.
Tôi đã có lần kể, rằng hồi năm tôi học lớp 4, thầy giáo bắt tôi làm lớp trưởng. Nhiệm vụ của lớp trưởng là khi nào thầy vô lớp thì lớp trưởng phải đứng lên hô “Học sinh đứng!”, cả lớp sẽ đứng lên chào thầy. Khổ nỗi hồi đó tôi nói ngọng, không thể phát âm chữ “sinh”, mà cứ phát âm thành “học sưn đứng”. Thế là lần nào cả lớp cũng cười ồ, rồi các bạn cứ trêu chọc tôi. Vậy là tôi xin thầy cho tôi thôi làm lớp trưởng.
Thầy không đồng ý. Mà tôi cũng không đồng ý tiếp tục làm. Vậy là khi thầy vô lớp, không có ai hô “Học sinh đứng” cả. Khi tôi không chịu hô “Học sinh đứng”, thầy gọi tôi lên bảng. Thầy có cây thước mét. Thầy thọc một đầu thước vô bụng tôi, tay kia nắm tóc tôi, và hỏi, xem tôi có chịu làm lớp trưởng không. Tôi trả lời không. Thế là một tay thầy đẩy cây thước, tay kia kéo tóc tôi. Sau đó, thầy bắt tôi đứng trên bảng suốt buổi, cho tới lúc ra chơi.
Sự việc kéo dài vài tháng, cho đến tận gần cuối học kì. Vì lớp 4 hồi đó là lớp cuối cấp 1, nên nhà trường yêu cầu chúng tôi phải học thêm, gọi là phụ đạo, để đảm bảo tốt nghiệp cấp 1. Chỉ có thể học thêm vào buổi tối. Mà lúc đó lại đang là thời chiến.
Vậy là mỗi đứa phải mang theo một cái đèn dầu, nhưng phải che lại, chỉ để một lỗ nhỏ cho ánh sáng chiếu vô tập, để nếu lỡ máy bay Mỹ có đến thì không thấy ánh đèn. Cái đèn dầu mà chúng tôi mang theo được gọi là đèn Hoa kỳ (tôi không biết tại sao lại gọi như vậy), nên sau này, khi biết Hoa Kỳ chính là nước Mỹ, tôi rất mắc cười, rằng tại sao cầm đèn Hoa kỳ, mà lại sợ Mỹ thấy, rồi ném bom.
Thầy cũng có một cái đèn như vậy. Mỗi lần thầy viết lên bảng thì thầy chiếu cái giọt sáng lên chỗ thầy viết. Thực ra thì chỉ thầy thấy, chứ học sinh bên dưới đâu có thấy. Trong cả lớp thì chỉ có tôi thấy thầy viết gì. Vì tối nào cũng vậy, tôi không chịu hô “Học sinh đứng”. Rồi thầy gọi tôi lên bảng, thọc thước vô bụng tôi, rồi hỏi: “Có làm lớp trưởng không?”. Tôi đáp: “Không”. Thầy nắm tóc kéo, tay kia đẩy thước. Rồi tôi lại đứng trên bảng. Vì đứng trên bảng, gần thầy nên chỉ có tôi mới thấy thầy viết gì.
Thế rồi một hôm, trước khi đi học phụ đạo buổi tối, tôi thấy một con rắn nhỏ, dài cỡ khoảng 7, 8 tấc. Vậy là tôi đập chết nó, rồi cuốn lại, bỏ trong túi quần. Thằng Th. ở cạnh nhà tôi, học chung lớp với tôi, chạy qua để đi học chung với tôi. Tôi không biết là nó nhìn thấy tôi nhét con rắn vô túi quần.
Tối hôm đó, như thường lệ, tôi đứng trên bảng, thầy say sưa giảng bài. Tay cầm cây đèn Hoa kỳ che kín mít, thầy đi lên đi xuống. Tranh thủ lúc thầy đi xuống, tôi bỏ con rắn chết vô ngăn bàn của thầy. Tôi nghĩ là không bạn nào nhìn thấy tôi bỏ rắn vô ngăn bàn của thầy vì rất tối. Thầy đang say sưa giảng bài, thò tay vô ngăn bàn, chắc định lấy gì đó.
Thầy la lớn, hoảng loạn, chạy vòng vòng. Cái đèn Hoa kỳ rớt xuống đất, bể ra, dầu đổ ra ngoài, bắt lửa cháy bùng lên. Bên ngoài có tiếng hô: “Che đèn lại, che đèn lại ngay”. Rồi ngay sau đó có người chạy vô, vừa chạy vừa la: “Muốn Mỹ ném bom chết cả trường hay sao”. Nhưng đến nơi mới thấy là cháy. Chỉ một vốc cát nhỏ ngoài hiên thả vô là đám cháy bị dập tắt ngay.
Thì ra đó là thầy hiệu trưởng, nghe tiếng la mới chú ý, và thấy sáng mới chạy lại. Thầy tôi phân trần, rằng có con rắn trong ngăn bàn của thầy. Thầy hiệu trưởng mượn một cây đèn soi vô, thấy con rắn bị đập đầu, mới nói đó là con rắn chết. Và thầy hiệu trưởng tra hỏi ngay, ai bỏ con rắn vô ngăn bàn của thầy. Tôi đang sung sướng khi thấy thầy hoảng loạn, chợt thằng Th. đứng lên tố cáo, là trước khi đi học, nó thấy tôi bỏ con rắn vô túi quần.
Thế là ba mẹ tôi được mời lên trường. Lúc ấy, thầy hiệu trưởng và ba mẹ tôi mới biết, suốt gần một học kì tôi phải đứng trên bảng, và bị thầy đánh. Không biết là do nhà trường làm điều tốt, hay vì ba tôi vừa là thương binh, vừa là người Miền Nam tập kết, mà ngay hôm sau, một bạn khác được chỉ định làm lớp trưởng. Còn tôi không bị đứng trên bảng nữa.
Sau đó mấy năm, vào năm tôi học lớp 7 (cuối cấp 2), chuyện này lại lặp lại. Nhưng chỉ khoảng chưa đến 1 tháng thì thầy đến nhà tôi, và mọi chuyện được giải quyết nhanh chóng.
Advertisement