Người đã đi rồi, với con, không bi thương, không luyến tiếc, chỉ một lòng tôn kính đối với người, bởi vì con biết, trong thiền môn, ra đi là một quy luật, ra đi rồi trở lại hay không tùy vào nghiệp lực và nguyện lực của mỗi người.
Viết về người, con sẽ viết về thiền, vì người là thiền, thiền là người.
Nhưng làm sao viết về thiền? Vốn dĩ khi đã thấm thía, thì càng biết rằng, đối với thiền, không thể nói, không thể viết, không muốn nói và cũng không muốn viết. Vậy phải làm sao đây?
Thiền vốn rỗng rang, có gì để nói, có gì để viết? Nó ngồn ngộn như sóng cồn, nó lặng yên như bể lặng, nó gào thét như con thú điên, muốn đập phá màng đen vô minh, đập phá tâm thức ngu si nhìn giả thành chân của con người, để mà thoát ra. Nó dẫn dắt tâm thức con người đến chánh đạo, nó cũng có thể dìm con người xuống mười tám tầng địa ngục nếu như thiền mất đi chân tâm.
Thiền có gì để nói?
“Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng” (vạn vật có hình tướng đều là ảo giả, không thật có). Khi con người chưa thấu cảm được cảm thụ này, thì làm sao dùng ngôn ngữ để nói về thiền, vì ngôn ngữ cũng chỉ là giả danh, giả tướng. Phật Tổ là bậc thuyết pháp vô úy, nhưng sau 49 năm truyền pháp, Phật nói người chưa nói một chữ nào. Thế thì chúng ta, làm sao nói?
Ví như, người đói ăn vào thì no, cái sự no đó chỉ có người đó biết thế nào, những người đói khác, ngồi nhìn người kia ăn, cho dù nhìn thấy người này ăn các thức ăn ngon thế nào, số lượng nhiều bao nhiêu,… thì cảm giác no đó, chưa ăn thì không bao giờ hiểu, không bao giờ biết. Pháp cũng vậy, pháp là thức ăn, dành cho tất cả, nhưng chỉ người nào “ăn” được nó thì mới cảm thụ. Chỉ nhìn, chỉ hiểu, dù có hiểu đến chân tơ kẽ tóc thì cũng vô dụng, ví như người đói ngồi nhìn thức ăn mà không ăn vậy, cái cảm giác no làm sao biết. Đây cũng là nguyên lý vận hành của nghiệp lực. Nghiệp không có sự lựa chọn sẵn, mỗi người tự chọn cho mình hành vi, cách sống thiện, ác,… nghiệp sẽ hình thành theo sự lựa chọn đó (Karma has no menu. You get served what you deserve).
Rồi đại chúng sẽ hỏi “nghiệp là gì?”, thì đó, tương tự như thiền, nghiệp không là gì cả, nghiệp cũng là tất cả, định nghĩa thế nào khi nó không có bản chất thật?!
Thức có xu hướng làm cho sự nhìn nhận của con người nhận giả thành chân (vì vẫn còn vô minh, nếu thức chuyển thành đại viên cảnh trí, nhìn giả là giả, chân là chân, thì đã giác ngộ rồi vậy). Vậy nên làm sao có thể nói về thiền, ví như, nói con người hãy nghe tiếng gà gỗ gáy đêm khuya, sông không phải là sông, núi không phải là núi, xanh không phải là màu xanh, đỏ không phải là màu đỏ,…thì chắc là con người sẽ cho rằng chúng ta điên rồi! Rồi phải giải thích, giải thích thế nào khi ngôn ngữ là giả tướng, ví như ở trên vừa nói, đói không ăn thì biết giải thích thế nào cảm giác no, ngoại trừ mỗi người phải cảm nhận.
Tại Linh Sơn, khi Phật Tổ đưa một cành hoa lên, đại chúng im lặng, ngài Ma-ha Ca-diếp mỉm cười, Phật trao tâm ấn cho ngài, ngài trở thành tổ đầu tiên của Thiền Tông. “Trực chỉ nhân tâm” là vậy, có gì để nói!
Không nói được, thì làm sao đại chúng có thể hiểu mà tu tập, ngón tay chỉ trăng, con người luôn chú ý đến ngón tay mà không nhìn thấy trăng, lên thuyền đi đến bờ bỉ ngạn nhưng không chịu lên bờ, cứ bám lấy chiếc thuyền vì tưởng nó là cứu cánh. Hoằng dương chánh pháp trong thời kỳ con người không hiểu, không tin đạo pháp thật vô cùng gian nan. Con người chỉ luôn muốn nhìn thấy cái gì trước mắt, những vật chất sờ thấy, nhìn thấy bên ngoài mà đã quên nhìn vào chân tâm của chính mình. Cho nên hoằng dương chánh pháp là trách nhiệm gian nan nhất mà các bậc trí huệ phải có nguyện lực to lớn mới có thể đương đầu. Ví như, gánh vác quốc gia chỉ là việc nhỏ bé so với việc này vậy.
Con người luôn đặt câu hỏi “Đạo là gì?”, nhưng làm sao trả lời, đạo đâu phải là vật chất có thể sờ nắm mà định nghĩa. “Đạo khả đạo, phi thường đạo”. Chỉ có thể nói rằng, cái gì tồn tại trên định nghĩa, đều là giả danh, còn là nhị nguyên thì nó không phải là ĐẠO.
Đạo là gì thì mỗi người phải tự đi, phải tự cảm thấu bằng CHÂN TÂM của chính mình, nếu không phải là chân tâm, thì không bao giờ thấy đạo. Đạo xuất thế gian đi vào nhân gian để thử thách chân tâm con người, đạo từ thế gian sẽ xuất thế khi chân tâm đã được gột rửa. Vậy thì, làm sao nói về đạo?!
Người đã đi rồi, nhưng con biết, người đang nghe tiếng gà gỗ gáy đêm khuya, nó như xé tan màn đen vô minh vốn phủ lên tâm thức con người trong vô lượng thời gian, người đang nhìn thấy núi là núi, sông là sông. Người đang nhìn thấy con viết những dòng này, viết như không viết, cho người, cho con, và cho tất cả!
Con cung kính tiễn người!!
HUỲNH THỊ TỐ NGA
Nov 25, 2023