Thông tin tiêu cực trên internet ở Việt Nam có thật sự chỉ còn dưới 10%?

0
67
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/8/2019 tại Hà Nội. Courtesy chinhphu.vn
   
RFA

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng tuyên bố tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/8 rằng thông tin tiêu cực trên mạng đã giảm xuống dưới 10%.

Tin tiêu cực giảm, nhưng…

Lý giải về việc này, ông Hùng cho rằng do Bộ TT&TT đã đầu tư, xây dựng vận hành trung tâm giám sát an toàn mạng quốc gia. Trung tâm này có hai chức năng gồm giám sát các cuộc tấn công mạng vào Việt Nam và giám sát thông tin trên không gian mạng. Xem ra tuyên bố của ông Hùng không có cơ sở khi vừa rồi hôm tháng 3/2019, theo số liệu từ Kaspersky Security Network, Việt Nam bị xếp vào top 3 quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất trong năm 2018 và hàng trăm ngàn máy tính ở Việt Nam thường xuyên bị mã độc tấn công…

Trao đổi với RFA hôm 15/8 liên quan vấn đề này, ông Diệp Quang Văn, giám đốc một công ty công nghệ thông tin, có trụ sở tại Bình Dương, đang sở hữu trang mạng xã hội VietNamTa, nhận định:

“Lọc (tin nhắn tiêu cực-pv) thì mình nghĩ làm được, nhưng phải chuẩn bị đầy đủ hệ thống. Cái lọc đơn giản nhất là lọc từ, chẳng hạn những từ thô tục thì hệ thống sẽ biến đổi, ví dụ mình để ‘abc’ thì hệ thống sẽ đọc quét và tự động đổi, cái đó thuật toán làm được.”

Ông Hùng đã đưa ra một câu rất lờ mờ, 100 triệu tin là tin nhắn sms bình thường hay tin người ta post trên Facebook? Cho nên mình thấy là không khả tín.
-Hoàng Ngọc Diêu

Theo vị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, khả năng xử lý tin của trung tâm giám sát an toàn mạng quốc gia là 100 triệu tin mỗi ngày và có thể phân loại, đánh giá được tỷ lệ thông tin tiêu cực, tích cực. Ông Hùng đưa ra ví dụ nếu như tỷ lệ thông tin tiêu cực trên mạng đánh giá là trên 30% trước đây thì hiện nay nhờ có tác động điều chỉnh, các tiêu cực cơ bản nằm dưới 10%.

Tuy nhiên, Chuyên gia công nghệ thông tin Hoàng Ngọc Diêu, từ Sydney, Úc, hôm 15/8 lại tỏ ra nghi ngờ những số liệu mà ông Hùng công bố:

“Cái quan trọng là kiểm duyệt 100 triệu tin đó theo nền tảng nào, theo khoản thông tin do nhà nước quản lý hay nằm bên ngoài khả năng quản lý của nhà nước. Ví dụ ông Hùng nói 100 triệu tin trên Zalo thì nó khác, chứ 100 triệu tin từ tất cả các nơi từ Facebook cho đến Messenger, Viber, WhatsApp… thì ông ta dùng phương pháp nào mà có thể có đầu vào để kiểm soát. Ông Hùng đã đưa ra một câu rất lờ mờ, 100 triệu tin là tin nhắn sms bình thường hay tin người ta post trên Facebook? Cho nên mình thấy là không khả tín.”

Theo ông Hoàng Ngọc Diêu , để có thể xử lý 100 triệu tin nhắn mỗi ngày thì về mặt kỹ thuật phải có khả năng lưu giữ thông tin ở một mức độ rất khủng khiếp. Theo ông, phải xử lý tất cả thông tin trên mạng internet rồi mới lọc ra từng bộ phận một, mà để làm việc đó đối với thời gian thực, theo ông phải cần một bộ phận nhân sự rất ghê gớm và khủng khiếp.

…tin lừa đảo, cờ bạc trá hình đầy rẫy

Thực tế, tin rác hay thông tin tiêu cực trên không gian mạng tại Việt Nam có giảm như lời Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng? Ông Diệp Quang Văn nhìn nhận thực tế thông tin được cho là tiêu cực có giảm. Tuy nhiên ông cho rằng, cũng có loại thông tin tiêu cực giảm không đáng kể. Ông giải thích thêm:

“Lúc trước thì tin rác (thông tin tiêu cực-pv) nhiều, nhưng sau khi có luật an ninh mạng thì theo mình cũng giảm bớt, đó là một thực tế tự nhiên, còn vấn đề sàn lọc là một chuyện khác nữa. Vì theo mình bây giờ người dân cũng ý thức được là nếu đăng lên như vậy thì có thể sẽ bị nhà nước kêu lên hỏi thế này thế kia… vì luật đưa ra rồi. Những thông tin tiêu cực nhạy cảm như nói xấu lãnh đạo này kia thì có giảm, nhưng những thông tin tiêu cực như buôn bán lừa đảo trong cuộc sống bình thường thì mình thấy không giảm bớt đáng kể.”

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/8/2019 tại Hà Nội. Courtesy chinhphu.vn

Tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/8, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận, đấu tranh với các mạng xã hội nước ngoài là nan giải, vì họ chưa có văn phòng đại diện tại Việt Nam, chưa đóng thuế, chưa thực thi luật pháp… Tuy nhiên theo ông Hùng, trong năm qua, các công ty quốc tế như Facebook, Google, Apple đã tuân thủ tốt hơn các yêu cầu từ phía chính phủ Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khi nói đến hệ sinh thái truyền thông số của Việt Nam, đã đưa ra nhận định gây nhiều tranh cãi so với xu thế phát triển internet toàn cầu hiện nay, ông nói: “Chúng ta đặt vấn đề xây dựng mạng xã hội Việt Nam bởi ‘không có mạng xã hội của chính mình thì tất cả những gì chúng ta nói, chúng ta nghĩ, thậm chí chúng ta mua bán đều được lưu trữ ở nước ngoài’. Hiện những thông tin mà họ thu thập được mới dùng để quảng cáo, nhưng trong trường hợp đặc biệt dùng vào việc khác và có thể nguy hiểm đến an ninh.”

Từ Hà Nội hôm 15/8/2019, nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến đưa ra nhận định liên quan vấn đề này:

“Việt Nam thì cái gì họ cũng muốn quản hết, muốn nắm đầu dân, nhưng bây giờ có mạng xã hội Facebook và mạng nước ngoài khác, thì có nhiều thông tin họ không nắm được nên họ mong muốn như thế. Nhưng mà theo tôi, mong muốn là một chuyện, như câu người ta hay nói là ‘Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên’, còn phụ thuộc nhiều yếu tố lắm.

Việt Nam thì cái gì họ cũng muốn quản hết, muốn nắm đầu dân, nhưng bây giờ có mạng xã hội Facebook và mạng nước ngoài khác, thì có nhiều thông tin họ không nắm được nên họ mong muốn như thế. Nhưng mà theo tôi, mong muốn là một chuyện, như câu người ta hay nói là ‘Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên’, còn phụ thuộc nhiều yếu tố lắm.
-Nguyễn Chí Tuyến

Theo ông Nguyễn Chí Tuyến, yếu tố quan trọng nhất chính là yếu tố người sử dụng tại Việt Nam, người dân Việt Nam có muốn dùng mạng xã hội do người Việt phát triển hay không?

Khi nói về việc cần thiết phát triển mạng, ông Bộ trưởng Hùng dẫn chứng, hiện nay các mạng xã hội Việt Nam có 65 triệu thuê bao. Một năm qua, mức tăng trưởng của mạng xã hội này khoảng 30%.

Tuy nhiên, ông Diệp Quang Văn lại đưa ra nhận định không như lời ông Hùng:

“Mình nghĩ tại Việt Nam, nếu cộng hết các mạng xã hội lại thì con số hàng triệu người dùng là có… chứ còn hàng chục triệu, hai ba chục triệu thì mình không thống kê được.”

Theo ông Bộ trưởng Hùng, với tốc độ tăng trưởng của mạng xã hội Việt Nam, có thể khoảng năm 2020 hoặc chậm nhất năm 2021, tỷ lệ mạng xã hội Việt Nam sẽ tương đương với mạng xã hội nước ngoài.

Đây có phải là lời “quảng cáo” quá mức của ông Hùng? Liên quan vấn đề này, chuyên gia Hoàng Ngọc Diêu nhận định:

“Thật ra vấn đề này trọng tâm không phải là quảng cáo mà trọng tâm là an ninh. Bởi vì nhà cầm quyền cộng sản luôn muốn một sự kiểm soát tuyệt đối về thông tin, tư tưởng mà người dân được biết, được nghe và chia sẻ, cho nên họ mới muốn Việt Nam có mạng xã hội riêng để họ kiểm soát.”

Ông Diêu cho rằng, chuyện mạng xã hội Việt Nam có thể thay thế mạng nước ngoài thì họ nói nhiều rồi, nhưng theo ông, rồi cũng chết ỉu, vì thực tế nó không phục vụ nhu cầu thật sự của xã hội.

Còn nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến thì cho rằng, đó chỉ là mong muốn của chính quyền Việt Nam, chứ còn thực tế, nếu mà nói trong tương lai gần như năm 2020, năm 2021 mà mạng xã hội Việt Nam có thể thay thế mạng xã hội nước ngoài là điều không dễ…

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here