Thổ Nhĩ Kỳ ra cảnh báo cho công dân du hành tới Đức

    0
    522
    Tư liệu - Hành khách đến sân bay Munich, ở thành phố Munich, Đức, ngày 3 tháng 8, 2017.
    VOA

    Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ Bảy cảnh báo công dân của họ cẩn thận khi đi du hành đến Đức, nêu ra điều mà nước này nói là thái độ bài Thổ Nhĩ Kỳ có xu hướng gia tăng trước cuộc bầu cử toàn quốc ở Đức vào cuối tháng này.

    Cảnh báo có phần chắc làm trầm trọng hơn căng thẳng giữa hai nước đồng minh NATO. Mối quan hệ của hai nước đã xấu đi sau cuộc đảo chính bất thành vào năm ngoái chống lại Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và cuộc đàn áp tiếp sau đó của ông nhắm vào những người những người bị cáo buộc ủng hộ cuộc đảo chính.

    “Các chiến dịch tranh cử giành quyền lãnh đạo chính trị ở Đức dựa trên tình cảm chống Thổ Nhĩ Kỳ và ngăn cản nước chúng ta gia nhập EU. Bầu không khí chính trị … đã thực sự bị ảnh hưởng bởi những luận điệu cực hữu và thậm chí kì thị chủng tộc kéo dài suốt một thời gian,” Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ nói trong một thông cáo.

    Cuối tuần trước Thủ tướng Đức Angela Merkel nói trong một cuộc tranh luận bầu cử trên truyền hình rằng bà sẽ tìm cách chấm dứt các cuộc đàm phán gia nhập Liên minh Châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ, trong một sự thay đổi lập trường rõ ràng của bà mà đã khiến Ankara phẫn nộ.

    Bà Merkel, người đứng đầu đảng Liên minh Dân chủ Kitô giáo bảo thủ vốn hoài nghi về tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ, dự kiến sẽ chiến thắng nhiệm kỳ thứ tư trong cuộc tổng tuyển cử ở Đức vào ngày 24 tháng 9.

    “Công dân Thổ Nhĩ Kỳ sống ở, hoặc có kế hoạch du hành đến, Đức phải dè chừng và hành động thận trọng trong trường hợp có thể có những sự cố, hành vi hoặc lời lẽ miệt thị có tính cách bài ngoại và kì thị chủng tộc,” Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nói.

    Đầu năm nay, Đức đã cảnh báo công dân của họ du hành tới Thổ Nhĩ Kỳ về tình hình căng thẳng và biểu tình gia tăng trước cuộc trưng cầu dân ý ở Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 16 tháng 4, mở rộng đáng kể quyền lực của ông Erdogan.

    Bà Merkel và các nhà lãnh đạo EU khác đã chỉ trích mạnh mẽ những hành động của ông Erdogan kể từ cuộc đảo chính bất thành, nói rằng những vụ thanh trừng các định chế nhà nước và lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ ngang như một nỗ lực có chủ ý nhằm bóp nghẹt chỉ trích.

    Hơn 50.000 người đã bị câu lưu và 150.000 người bị đình chỉ công tác trong cuộc đàn áp, bao gồm các nhà báo và các nhân vật đối lập. Một số công dân Đức cũng bị nhắm mục tiêu.

    Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng những cuộc thanh trừng là cần thiết xét tới tầm mức của mối đe dọa an ninh mà nước này đối mặt.