Khoản trợ cấp từ liên bang cho những người thất nghiệp đã giúp đỡ hàng triệu người và cho cả nền kinh tế. Cắt giảm trợ cấp có thể để lại hậu quả lâu dài.
Ben Casselman và Gillian Friedman, ngày 8 tháng 8, 2020
Translated from New York Times article Without $600 Weekly Benefit, Unemployed Face Bleak Choices
Khi Latrish Oseko mất việc vào mùa xuân vừa qua, trợ cấp của chính phủ đã phần nào trì hoãn cuộc khủng hoảng kinh tế.
Khoản thanh toán kích thích liên bang $1,700 đã giúp bà mua chiếc xe mới khi chiếc xe 26 năm tuổi của bà bị hỏng. Khoản $600 trợ cấp thất nghiệp hàng tuần giúp bà trả tiền nhà và mua thực phẩm. Khi nhà trẻ của con gái bị đóng cửa, bà vẫn có khả năng ghi danh cho con gái 4 tuổi vào ABCmouse, một ứng dụng học tập trực tuyến.
Tuy nhiên, quỹ trợ cấp liên bang đã cạn kiệt vào cuối tháng bảy, và các chính trị gia ở Washington đã không thể thống nhất làm sao để có quỹ mới thay thế.
Do tình huống này, bà Oseko, 39 tuổi, đã ngồi hàng giờ trong phòng khách sạn Delaware nơi bà tạm trú từ khi bị chủ đất đuổi khỏi nhà vào cuối tháng bảy, để gọi điện thoại xin việc trong lúc xem những cuộc tranh luận diễn ra trên đài tin tức địa phương.
“Tôi dán mắt vào màn hình vì tôi muốn biết, liệu có hy vọng gì cho tôi không?” bà Oskeo nói. “Họ tranh cãi, và tôi phải xem họ, nhưng tối về họ có chỗ nghỉ an lành.”
Hôm thứ Bảy, khi các cuộc đàm phán của Quốc hội bị trì hoãn và đang trên bờ vực sụp đổ, Tổng thống Trump đã ký bốn sắc lệnh hành pháp nhằm cung cấp hỗ trợ kinh tế, bao gồm trợ giúp tài chính cho những người thất nghiệp. Tuy vậy, vẫn chưa có điều gì khẳng định ông Trump có quyền tự hành động hay không. Hiện nay, chính phủ vẫn chưa quyết định ngày chính thức những số tiền này mới bắt đầu lưu hành.
Quốc hội có thể vẫn chưa thông qua một dự luật chi tiêu khẩn cấp mới bao gồm cả những khoản tiền trợ cấp thất nghiệp, gồm cả những khoản tiền hồi tố trong khoảng thời gian hết hiệu lực mà chưa có gì thay thế.
Đối với nhiều người trong số 30 triệu dân Mỹ đang dựa vào trợ cấp thất nghiệp, tổn hại tài chính lâu dài sẽ không thể tránh khỏi. Không có trợ cấp liên bang, họ sẽ phải sống qua ngày trên những trợ cấp thất nghiệp tiểu bang thông thường, thường tổng cộng chỉ khoảng vài trăm đô mỗi tuần. Nhiều gia đình, sẽ không thể trả tiền thuê nhà, đi chợ, hay tránh những khoản nợ chồng chất..
Các hộ gia đình nói riêng và nền kinh tế nói chung đều trong giai đoạn nguy hiểm. Lệnh cấm trục xuất đang sắp hết hạn hoặc đã hết hạn ở nhiều nơi trên toàn quốc. Chương trình Bảo vệ Tiền lương (The Paycheck Protection Program) dùng để giúp hàng ngàn thương nghiệp nhỏ giữ lao động đã hết hạn hôm thứ Bảy.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế càng suy thoái vào mùa hè, khi mà các ca nhiễm virus đã gia tăng trên hầu hết nước Mỹ. Hôm thứ Sáu, Bộ Lao Động báo cáo mức tăng nhuần 1.8 triệu việc làm vào tháng Bảy, một mức tăng thấp hơn so với tháng Năm và tháng Sáu. Nhiều nhà kinh tế cảnh báo rằng việc sa thải có thể lại bắt đầu gia tăng nếu không có thêm hỗ trợ của chính phủ. Các ngân hàng thực phẩm cho biết họ đang chuẩn bị cho một làn sóng thực phẩm hỗ trợ mới.
Trước khi đại dịch xảy ra, bà Oseko và gia đình cũng đủ sống, dù chỉ dành dụm được rất ít tiền tiết kiệm. Lương của bà $15 một giờ cho công việc đánh máy gia nhập dữ liệu. Bạn trai của bà lương ít hơn với công việc vệ sinh và bảo trì ký túc xá tại đại học Delaware. Họ làm đủ để có thể thuê một căn nhà hai phòng ngủ gần công viên để con gái họ có thể ra đó chơi.
Khi đại dịch xảy ra, số giờ làm việc của bà Oseko bị cắt giảm, còn bạn trai bà thì bị cho nghỉ tạm không lương. Sau đó, vào tháng Năm, bà hoàn toàn thất nghiệp. Giữa cơn khủng hoảng đó, một chuyện nữa xảy ra: chủ nhà bán toà nhà họ đang ở và ra hạn cho họ phải dọn đi trong vòng 60 ngày. Họ dọn ra vào cuối tháng Bảy và đang tiêu cháy số tiền tiết kiệm ít ỏi của mình với $76 một đêm ở một nhà nghỉ ở Delaware, nơi đang chật kín các gia đình khác đồng cảnh ngộ.
Sau khi mất nhà giữ trẻ, bà Oseko dùng một phần tiền trợ cấp thất nghiệp của bà vào một ứng dụng học tập cho con gái. Hannah Yoon for The New York Times
Không có nhà, khó mà kiếm được việc. “Những việc hợp với khả năng của tôi thì lại muốn tôi làm tại nhà, nhưng mà tôi thì lại không có nhà, “ bà nói. Hannah Yoon for The New York Times
Không có việc làm, bà Oseko không thể tìm được căn hộ mới. Không có nhà ở, thật khó để tìm được việc làm.
“Những việc hợp với khả năng của tôi thì lại muốn tôi làm ở nhà, nhưng mà tôi thì lại không có nhà,” bà nói.
Cuộc khủng hoảng kinh tế gây ra bởi trận đại dịch đã gây những khó khăn lớn nhất đến những người lao động lương thấp, tiết kiệm ít, như bà Oseko. Nghiên cứu từ cuộc suy thoái kinh tế trước cho thấy khi hết trợ cấp thất nghiệp, người ta thường cắt giảm chi tiêu cho thực phẩm, thuốc men và những nhu yếu phẩm khác, cho thấy họ chỉ có thể làm được tối thiểu để chuẩn bị cho sự sụt giảm thu nhập.
Những trợ cấp rộng rãi hơn trong cuộc suy thoái kinh tế này có thể giúp một số gia đình để dành được ít tiền, nhưng những tiết kiệm này không tồn tại được lâu, nhất là khi giá thực phẩm leo thang đến chóng mặt – được xem là cao nhất từ trước tới giờ.
Nhìn chung, các gia đình này bắt buộc phải đi đến những quyết định dẫn đến những hậu quả lâu dài.
Khi Jason Depretis và vị hôn thê của mình bị mất việc ở nhà hàng tại tiểu bang Florida vào đầu tháng 3, họ bắt đầu gặp khó khăn trả góp cho chiếc xe và tiền thuê nhà đúng hạn. Khoản tiền $600 trợ cấp thất nghiệp đã trở thành đường “huyết mạch” giúp họ giữ cả chỗ ở lẫn chiếc xe. Nhưng vào ngày 28 tháng 7, đường dây ấy đã bị cắt: trong cùng một ngày họ bị tay đòi nợ đến kéo xe đi và chủ nhà thông báo họ phải dọn ra khỏi nhà trong vòng ba ngày.
Với thêm $600 mỗi tuần, có lẽ ông Depretis, 42 tuổi, đã có thể trả cho cả 2 chi phí trên. Không có món tiền đó bắt buộc ông phải chọn. Ông chọn trả chủ nhà $650 để không bị trục xuất và nuối tiếc nhìn chiếc xe của mình bị kéo đi.
Nhưng đó là lúc tệ nhất khi không có xe. Ông đã tìm được việc ở một nhà hàng hồi tháng 9 nhưng lại cách chỗ ở 45 phút và giờ xe buýt chạy lại không hợp giờ làm việc của ông. Chỗ phân phối thực phẩm gần nhà nhất cũng phải 30 phút lái xe và ông cũng không thể đến đó nếu không có xe. Ông chia sẻ ông và hôn thê đã không biết phải làm thế nào để kiếm miếng ăn cho mình và hai con nhỏ.
“Chắc chắn gia đình tôi không thể nào trang trải được nếu không có thêm $600 này,” ông nói.
Với những hoàn cảnh như của ông Depretis, ngay cả khi mất việc tạm thời cũngcó thể là khởi điểm của sự đói nghèo không lối thoát, bà Elizabeth Ananat, nhà kinh tế học ở trường đại học Barnard (Barnard College) hiện đang nghiên cứu về những ảnh hưởng của đại dịch đến người lao động với mức thu nhập thấp cho biết. Những gia đình khá giả hơn có thể rút tiền từ tài khoản tiết kiệm để trang trải đến khi Quốc hội đạt được thỏa thuận mới. Nhưng đối với những gia đình có thu nhập thấp hơn, ngay cả một thời gian ngắn thiếu trợ cấp tạm thời cũng đủ gây ra những hậu quả lâu dài. Việc thuê nhà sau này sẽ trở nên khó khăn một khi đã có lý lịch bị trục xuất. Kiếm việc làm cũng trở nên khó khăn khi xe bị tịch biên. Những giai đoạn nghèo đói, vô gia cư, và căng thẳng cũng mang đến nhiều ảnh hưởng lâu dài cho sự phát triển và học tập của các em nhỏ.
“Trẻ em không thể thay đổi chế độ ăn uống đã quen thuộc,” bà Ananat nói. “Các gia đình không có thẻ tín dụng không thể giải quyết các vấn đề về thực phẩm, điện nước, hay những chi tiêu thiết yếu nhất.”
Nhiều Đảng viên Cộng hòa cho rằng khoản trợ cấp thất nghiệp rộng rãi sẽ khiến nhiều người không muốn kiếm việc nhất là bởi số tiền ấy lớn hơn đồng lương họ kiếm được. Các chủ doanh nghiệp đã phàn nàn rằng họ đang chật vật tìm nhân viên.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy không có bằng chứng nào cho thấy trợ cấp thêm $600 mỗi tuần khuyến khích người dân “ăn không ngồi rồi” mà ngược lại, nhiều nhân viên chấp nhận việc làm với mức lương thấp hơn số tiền trợ cấp thất nghiệp họ đã nhận. Và thông qua việc đổ thêm hàng tỷ đô vào nền kinh tế mỗi tuần, lợi ích trước mắt là ngăn chặn được nhiều đợt sa thải nhân công.Không có trợ cấp người ta sẽ phải trở lại làm việc, nhưng quyết định đó cũng mang theo không ít những cái giá phải trả.
Enrique Guzman đang phụ cấp cho bạn gái, Scarlet Peralta, và mẹ cô. Bất chấp những vấn đề về sức khỏe, anh đã trở lại với công việc của mình ở phi trường Los Angeles sau khi mất khoản trợ cấp thất nghiệp phụ của chính phủ liên bang. Ảnh: Philip Cheung for The New York Times
Khi đại dịch bùng phát, Enrique Guzman, nhân viên phục vụ máy bay của Sân bay Quốc tế Los Angeles, phải đối mặt với hai lựa chọn: tiếp tục làm việc hay ở nhà và nhận một phần lương nhỏ đương tương với 10 tiếng làm việc mỗi tuần.
Anh Guzman, 27 tuổi, đã quyết định ở nhà. Bệnh suyễn của anh có nguy cơ gây rắc rối cao hơn nếu anh mắc phải corona, và hơn nữa anh đang sống chung với bạn gái và mẹ cô, 51 tuổi, người ở độ tuổi dễ bị nhiễm. Giữa trợ cấp thất nghiệp và lương bổng nhỏ từ hãng hàng không, anh mang về $1050 một tuần — tuy ít hơn so với lúc anh đi làm 8 tiếng/ngày theo quy định nhưng đủ cho cuộc sống cùng với bạn gái và mẹ cô.
Nhưng nếu không có thêm $600 trợ cấp thất nghiệp, anh Guzman không thể trả tiền thuê nhà $1875 cho 1 căn hộ 2 phòng ngủ ở thành phố Montebello, tiểu bang California, cộng thêm với tiền điện/nước/ga, thực phẩm, trả nợ tiền học phí và nợ tiền xe.
Hôm thứ 2 vừa qua, với tâm trạng ủ rũ, anh khoác lên người bộ đồng phục và trở lại phi trường để làm ca đầu tiên từ lúc đại dịch bắt đầu. Anh Guzman cho biết anh đã không còn cách nào khác.
“Đây không phải là việc tôi muốn làm, nhưng tôi là người duy nhất trong gia đình có thu nhập và tôi cần phải quay lại làm việc để trả tiền thuê nhà và những hóa đơn khác,” anh nói. “Tôi đang đặt mình vào nguy hiểm để có trang trải qua ngày.”
Người dịch: MinhLy Pham and Vy Nguyen
Người biên tập: Khanh (Vy) Le