Thế giới hôm nay: 08/11/2022

2
7

Nhat Huy 08/11/2022

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết trước các đại biểu tham dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP27 của Liên Hợp Quốc rằng cuộc chiến ở Ukraine (và cuộc khủng hoảng năng lượng phát sinh) sẽ không khiến nước ông quay đầu với các cam kết khí hậu. Phát biểu từ Ai Cập, ông Macron cũng nói lòng tin giữa các nước giàu và các nước nghèo đang bị xói mòn và kêu gọi “đoàn kết tài chính.”

Chính phủ Hy Lạp tuyên bố sẽ cấm bán phần mềm gián điệp, sau khi một tờ báo đưa tin các bộ trưởng và doanh nhân đã bị nhà nước theo dõi bằng phần mềm có mã độc trên điện thoại cá nhân. Phát ngôn viên chính phủ cho biết tờ Documento đưa tin như vậy là “vô căn cứ” và phủ nhận việc mua phần mềm gián điệp. Hiện các quan chức từ Nghị viện châu Âu đang điều tra xem liệu đảng cầm quyền của Hy Lạp có theo dõi bất hợp pháp các chính trị gia và một nhà báo hay không.

Chính phủ Ethiopia và lực lượng Tigray đã gặp nhau tại Kenya để đàm phán về một thỏa thuận đình chiến, vốn được hai bên nhất trí từ thứ Tư tuần trước và đã giúp đình chiến cuộc xung đột đẫm máu kéo dài ba năm qua. Hai bên đã thiết lập đường dây nóng qua điện thoại nhằm phối hợp chấm dứt giao tranh. Ước tính có hàng trăm nghìn người đã chết trong chiến tranh; trong khi hàng triệu người khác phải di tản.

Hãng hàng không Ireland Ryanair công bố lợi nhuận sau thuế đạt 1,37 tỷ euro (1,36 tỷ USD) trong sáu tháng tính đến cuối tháng 9, đánh dấu một nửa đầu năm tài chính kỷ lục trong lịch sử công ty. Là hãng hàng không lớn nhất châu Âu về lượng hành khách chuyên chở, Ryanair dự đoán nhu cầu sẽ tiếp tục bền vững nhờ hành khách bỏ rơi các đối thủ đắt tiền hơn. Một số hãng hàng không đang chứng kiến doanh số bán vé lên cao dù lạm phát tăng vọt.

Wall Street Journal đưa tin Meta sẽ công bố hàng nghìn vị trí dư thừa trong tuần này, đánh dấu lần sa thải quy mô lớn đầu tiên của công ty kể từ khi Facebook ra đời cách đây 18 năm. Trong khi đó, Twitter đã cho gọi lại một số nhân viên bị sa thải, sau khi đã cắt giảm một nửa bộ máy vào tuần trước; dường như hàng chục người bị cho nghỉ việc nhầm. Năm nay ngành công nghệ Mỹ đã giảm hơn 45.000 việc làm.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói Nga đang lên kế hoạch “tấn công hàng loạt” vào cơ sở hạ tầng của nước ông. Ông cho biết hơn 4,5 triệu người Ukraine đã bị mất điện hoàn toàn. Thị trưởng Kyiv đã kêu gọi cư dân có kế hoạch di tản trong trường hợp thủ đô mất điện. Trong khi đó, các quan chức do Nga đưa lên ở Kherson, miền nam Ukraine, cho biết thành phố này đã bị mất điện và nước vì “các hoạt động phá hoại.”

Xuất khẩu của Trung Quốc giảm lần đầu sau hai năm khi các doanh nghiệp trong nước phải vật lộn với suy giảm kinh tế toàn cầu và chính sách zero-covid của chính phủ. Cụ thể, xuất khẩu giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 10 dù giới phân tích dự đoán mức tăng 4,3%. Xuất khẩu giảm sẽ làm gia tăng sức ép lên một nền kinh tế vốn đã bị ảnh hưởng bởi sóng ngầm bất động sản và nhu cầu tiêu dùng yếu.

TIÊU ĐIỂM

Mỹ bầu cử giữa kỳ

Người Mỹ sẽ đi bỏ phiếu — hay nói chính xác hơn là hoàn thành bỏ phiếu – vào thứ Ba này. Tới nay đã có hơn 40 triệu cử tri đi bỏ phiếu sớm, cho thấy tỉ lệ cử tri đi bầu sẽ tiếp tục cao kỷ lục. Sau nhiều tháng tốn giấy mực, hầu hết chuyên gia giờ đây dự đoán đảng Cộng hòa sẽ có một đêm tốt lành. Họ được cho là sẽ thắng Hạ viện và đang có nhiều triển vọng tại Thượng viện.

Dù phe Dân chủ có lợi thế trong vấn đề quyền phá thai, họ bị đè nặng bởi lạm phát, tội phạm, một tổng thống không được yêu thích, cũng như truyền thống lịch sử là đảng nắm Nhà Trắng sẽ thua trong bầu cử giữa kỳ. Ngay cả khi đảng Dân chủ làm tốt hơn mong đợi, nhiều ứng viên Cộng hòa đã từ chối cam kết tôn trọng kết quả nếu thua, theo gương năm 2020 của Donald Trump.

Ngoại trưởng Ấn – Nga gặp song phương

Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar sẽ gặp người đồng cấp Nga Sergey Lavrov tại Moscow vào thứ Ba. Hai bên sẽ nói chuyện trong không khí thân mật. Thương mại hai chiều đã tăng vọt và dự kiến vượt 30 tỷ USD trong năm tới, về đích hai năm trước mục tiêu ban đầu. Ấn Độ hiện là một trong những khách hàng chính của dầu Nga, nước đang phải chịu các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Họ đồng thời là một trong những nước mua nhiều vũ khí Nga nhất.

Hồi tháng 9, sau nhiều tháng im lặng, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cuối cùng cũng công khai bình luận về cuộc xâm lược Ukraine của tổng thống Vladimir Putin. Ông nói, “Giờ không phải là thời đại của chiến tranh,” và rằng cần có “dân chủ, ngoại giao và đối thoại.” Nhưng mặc dù tuyên bố “vô cùng lo lắng,” Ấn Độ đã nhiều lần bỏ phiếu trắng về các nghị quyết lên án chiến tranh của Liên Hợp Quốc. Đổi lại, ông Putin đã ca ngợi ông Modi là một “người yêu nước vĩ đại” và tán thành khả năng “theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập” của ông.

Khả năng có bồi thường thiệt hại cho biến đổi khí hậu là rất nhỏ

Thứ Ba này Gaston Browne, thủ tướng của Antigua và Barbuda, sẽ phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh COP27 đang diễn ra ở Sharm el-Sheik, Ai Cập. Trên tinh thần thay mặt cho Liên minh các đảo quốc nhỏ, một nhóm các nước phải chịu thiệt hại nhiều nhất do nhiệt độ tăng và nước biển dâng, ông Browne sẽ nhấn mạnh vào nhu cầu tài chính đặt ra cho họ để có thể đối phó hiệu quả.

Tiền bạc là trọng tâm của hội nghị năm nay. Các nước giàu từ lâu đã hứa cung cấp cho các nước nghèo 100 tỷ đô la tài chính khí hậu mỗi năm bắt đầu từ 2020 — một mục tiêu vẫn chưa đạt được. Các nước nghèo ngày càng lên tiếng kêu gọi các khoản tiền “tổn thất và thiệt hại” để giúp bù đắp cho thiệt hại của biến đổi khí hậu. Năm nay là lần đầu tiên chủ đề này có trong chương trình nghị sự chính thức, sau khi tranh cãi nảy lửa xoay quanh nó khiến hội nghị phải hoãn khai mạc suốt nhiều giờ đồng hồ. Nhưng các nền kinh tế lớn như Mỹ không muốn bồi thường, do đó bất kỳ giải pháp nghiêm túc nào vẫn rất xa vời.