VOA
Hôm 12/7 báo South China Morning Post (Hoa Nam Buổi Sáng) đưa tin là các tàu hải giám Việt Nam và Trung Quốc trong suốt tuần qua đã đối đầu nhau quanh một bãi san hô trên Biển Đông, và cho rằng diễn tiến này có nguy cơ gây ra cuộc xung đột lớn nhất giữa hai nước tính từ 5 năm qua.
Theo nguồn tin này thì từ một tuần nay, 6 tàu hải giám trang bị tận răng, gồm 2 tàu Trung Quốc và 4 tàu Việt Nam, đã gườm nhau trong các cuộc tuần tra xung quanh bãi Tư Chính tại quần đảo Trường Sa.
Tờ báo dẫn thông tin trên trang Twitter của một Giáo sư của Trường Hải Chiến (Naval War College) Hoa Kỳ ở Rhode Island, cho biết là Trung Quốc đã đưa một tàu khảo sát dầu khí vào vùng biển gần Bãi Tư Chính do Việt Nam kiểm soát vào ngày 3/7.
Trên trang Twitter của ông, https://twitter.com/rdmartinson88?lang=en, Giáo sư Ryan Martinson viết:
“Từ thứ Tư vừa qua (3/7), tàu khảo sát Trung Quốc Haiyang Dizhi 8 đã thực hiện một cuộc thăm dò địa chấn tại đặc khu kinh tế của Việt Nam, trong các vùng biển nằm về hướng Tây của đảo Trường Sa do Việt Nam kiểm soát.”
Một dòng tweet ngắn hôm 10/7 chia sẻ:
“Hình như Việt Nam đang thách thức hoạt động này.”
Giáo sư Martinson còn đăng một tấm ảnh minh họa của tàu hải giám Trung Quốc hơn 10.000 tấn, mang số hiệu 3901, mà ông gợi ý là có mặt tại đó để bảo vệ tàu thăm dò Trung Quốc, cùng với một máy bay trực thăng và tàu hải giám 2.200 tấn số hiệu 37111.
Hiện chưa thấy phản hồi chính thức nào từ Việt Nam trước thông tin này, và theo tìm hiểu của VOA, thì báo chí truyền thông Việt Nam cũng chưa loan tin về vụ chạm trán này.
Vụ đối đầu diễn ra bất chấp cam kết của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và Việt Nam hồi tháng 5, là sẽ giải quyết các tranh chấp hàng hải qua thương thuyết.
Hôm thứ Sáu, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng không xác nhận tin tức về vụ đối đầu tại bãi Tư Chính, nhưng ông tuyên bố Trung Quốc quyết tâm bảo vệ các lợi ích của mình trên biển Đông.
Vẫn theo Hoa Nam Buổi Sáng, trong cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nói hai nước nên “bảo vệ hòa bình và ổn định trên biển bằng những hành động cụ thể.”
Trước đó trong cùng ngày 12/7, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Lật Chiến Thư cũng nói với bà Ngân rằng hai bên nên làm việc để thiết lập bộ Quy tắc Ứng xử trên biển ở Biển Đông.
Đưa tin này, tác giả bài viết trên tờ Hoa Nam Buổi Sáng nói rằng vụ chạm trán mới nhất có nguy cơ khơi dậy làn sóng chống Trung Quốc lớn chưa từng thấy tại Việt Nam kể từ năm 2014, khi Trung Quốc kéo một giàn khoan dầu vào vùng biển đang tranh chấp tại quần đảo Hoàng Sa.