Cháu Mai Tuấn Thiên Thanh, học sinh lớp 1, trường tiểu học Quang Trung (Hải Phòng) phải đứng ngoài trời nắng như đổ lửa, không được vào trường vì không học bán trú.
Vâng, đứng ngoài trường giữa trưa hè trong những ngày đỉnh điểm nắng nóng, vì đến trường sớm!
Phải nói luôn rằng, đây là hành vi phản giáo dục, vô nhân tính. Và đây chính là bạo lực học đường. Cấm cãi!
Chủ tịch UBND TP Hải Phòng vừa làm việc với trường tiểu học Quang Trung. Và một bản thông báo kết luận về vụ việc dã man kia đã được tung ra, không khác nào một lời thách thức đối với những ai còn quan tâm đến giáo dục và con người.
Tôi đọc văn bản thông báo kết luận ấy, thấy thật bi kịch khi phải sống dưới sự cai trị của những người lãnh đạo như vậy. Và tột cùng bi kịch là con em chúng ta, tương lai của đất nước chúng ta, lại giao vào tay những người làm giáo dục mà vô giáo dục như họ.
Thứ nhất, ngay trong điểm đầu tiên của bản kết luận về buổi làm việc, họ vỗ tay tung hô thành tích của trường, hoan nghênh trường, ngợi khen nhau về việc quản lý học sinh!? Trong khi đó, chính tại ngôi trường này, học sinh phải đứng dưới trời nắng nóng giữa trưa hè vì không phải đối tượng học bán trú nhưng học sinh lại “phạm lỗi” đến lớp sớm và thông tin ban đầu là bị yêu cầu ra ngoài!
Như thế có nghĩa là, cả lãnh đạo TP Hải Phòng và trường tiểu học Quang Trung đều coi thành tích quan trọng hơn con người, việc tung hô nhau quan trọng hơn, cần thiết hơn việc xem xét vấn nạn bạo lực học đường, gấp gáp hơn việc ứng xử với học sinh, bảo vệ sức khoẻ, sinh mạng học sinh.
Một môi trường giáo dục, một tư duy quản trị lấy thành tích làm mục tiêu tiên quyết, thay vì lấy con người làm trung tâm, chắc chắn đó là mục ruỗng, tồi tàn.
Thứ hai, bản thông báo kết luận cuộc họp cho thấy, lãnh đạo TP Hải Phòng và trường tiểu học Quang Trung đã thống nhất với nhau rằng, cháu Mai Tuấn Thiên Thanh đã được mời vào trường dù tới sớm, nhưng sau đó cháu tự ý đi ra ngoài cổng trường đứng giữa trời trưa hè nắng oi nồng bức bối!?
Cách giải thích ngớ ngẩn này cho thấy, đây là những người không dám chịu trách nhiệm. Một lần nữa, nó càng khẳng định rằng, thứ giáo dục này đã thối nát. Người làm thầy mà trốn tránh trách nhiệm thì làm sao dạy được học trò sống làm người có trách nhiệm?
Thứ ba, bản kết luận nói rằng, phụ huynh học sinh đã nóng vội, đưa sự việc lên Facebook, làm ảnh hưởng đến hình ảnh nhà trường. Điều này cho thấy, hình ảnh của họ – thứ hình ảnh hình thức, vô trách nhiệm, vô nhân tính… đáng quan tâm hơn, quan trọng hơn những vấn đề của học sinh, sức khoẻ của học sinh, tâm tư tình cảm của cha mẹ học sinh.
Một môi trường giáo dục thiếu lắng nghe, thiếu thấu hiểu, một bè lũ làm giáo dục không nhân văn, không chia sẻ, sẽ làm thối rữa chồi non mới nhú, làm vấy bẩn tâm hồn con trẻ, làm lệch lạc nhận thức trong xã hội sau này.
Suy cho cùng, đây vẫn là đặc trưng của một nền giáo dục đã bốc mùi, đậm đặc bản sắc của một lũ vô luân.