Phuoc Nguyen
Đọc bao giờ cũng là tự làm cô đơn mình.
Giữa thời đại văn hóa thị giác, người ta chợt hay nhắc đến văn hóa đọc như một đối trọng. Thực sự là hai cái ấy ít nhiều xung khắc với nhau. Văn hóa thị giác làm tươi mát đời sống bằng những biểu hiện bên ngoài của thế giới như màu sắc, hình ảnh và âm nhạc. Còn văn hóa đọc thì trầm lắng, tạo ra sự đa thanh bằng chiều sâu của những tầng tri thức. Một bên như cái tán sum suê, sinh cành đẻ lá. Một bên cứ âm thầm hút nhựa từ đất, càng miệt mài đằm sâu, càng cô đơn.
Đọc có nghĩa là được cô đơn. Khi thưởng thức các loại hình nghệ thuật gắn với môi trường diễn xướng như kịch, âm nhạc, người thưởng thức buộc phải chung sống với số đông. Những ý kiến và nhu cầu tranh luận nảy sinh ở họ phần nhiều là trực tiếp. Còn khi đọc, ta sống trong một thế giới siêu không gian, siêu thời gian, cách ly với mọi hệ lụy bên ngoài.
Ta cảm nhận những điều sách nói bằng cảm giác của thân thể. Bởi sự tuyệt đối “chân không” ấy mà sự đọc khiến độc giả chìm sâu vào một thế giới của riêng mình. Không phải không có những người đọc choáng ngợp trước sách để rồi không thu nạp được gì nhiều ngoài sự hoang mang. Nhưng, đọc đúng hướng và đúng tầm thì cũng như hạt mầm gieo xuống đất. Nó chìm sâu để rồi tự vươn lên như một cái cây, tạo cho con người một phẩm chất đọc riêng, có thể gọi là nhân cách đọc.
Đã có một thế giới khác khi cầm trang sách, tất chúng ta có một địa vị cho mình trong thế giới ấy. Sự đọc dẫn đến sự phân loại độc giả trong mối tương giao với sách, điều người ta hay gọi là “sách kén người”.
Việc người đọc tự phân loại mình là một vận động biện chứng, tự thân, độc lập với sự chia luồng độc giả của người viết sách và giới làm sách nhằm tới lợi nhuận thương mại. Đọc để tự biết mình và làm khác mình bằng sự khác biệt về bản sắc và quan điểm về thế giới. Đọc là được cô đơn, cô đơn để có sự khác biệt và độc lập trong suy nghĩ.
Với sách văn chương, sự cô đơn có nguồn gốc sâu xa ở chỗ, mỗi người đọc có một thể nghiệm riêng với tác phẩm, một tương tác riêng với nó. Người ta làm một cuộc phiêu lưu vào sách, sống cuộc đời nhân vật trong sách, và hơn hết thử làm chủ nhân một thế giới khác, với trật tự logic của riêng nó.
Với những cuốn sách thuộc các lĩnh vực khác, sự cô đơn thể hiện thông qua chính kiến và quan điểm riêng của người đọc. Nếu không tự xây dựng định hướng tư duy cho mình thì dù có cập nhật bao nhiêu tri thức cũng vẫn là anh thủ kho kiến thức mà thôi.
Sự định hướng ấy là bản lĩnh tiếp nhận. Bản lĩnh tiếp nhận là một biến thể của sự cô đơn – sự cô đơn của cá nhân từ chối hòa tan vào bầy đàn một cách thiếu suy nghĩ.
Một câu hỏi đặt ra: Nếu đọc để đạt đến sự cô đơn, liệu có phải những kẻ đọc sách đều là những người lập dị không? Ngày nay đang tồn tại giữa chúng ta một cách đọc mang tính bầy đàn, dựa vào quan điểm đánh giá của một số nhà điểm sách. (Về sự đáng ngờ của các quan điểm đó – sự chênh lệch giữa giá trị ảo được thiết lập nhờ các bài điểm sách trên báo với giá trị thực của cuốn sách, thiết tưởng chúng ta sẽ cần tiếp tục bàn nhiều vào những lần khác).
Thay vì tự tạo cho mình một chính kiến văn hóa, một thái độ độc lập, người ta buông mình theo sự a dua đến mức kinh ngạc. Số đông ấy tuy có âm lượng to, dung lượng lớn, nhưng chỉ là hiện tượng nhất thời. Họ bị những mốt này mốt nọ “cưa đổ” như quân bài đôminô mà không hay cái sự ấy khởi phát từ đâu.
Con người bị cuộc sống hiện đại lấy mất khoảng thời gian tự tại, đi đến chỗ ỷ lại vào những giá trị văn hóa tinh thần thập cẩm, pha loãng, không cần phải mất công sức cũng có được.
Văn hóa đọc (sách) dần bị thay thế bằng văn hóa đọc miệng người khác nói. Từ chỗ mượn mắt của người khác đọc hộ, nghe người khác nói, đến chỗ mượn cả trái tim và khối óc của người khác nghĩ hộ mình, rung động hộ mình, chỉ là một bước ngắn. Liệu có phải vì vậy mà có nhiều người đọc mà chỉ có rất ít đôi mắt nội tại không?
Chúng ta tự tước đoạt lá phiếu của chính mình hầu bỏ phiếu tín nhiệm cho mỗi cuốn sách để thay bằng sự áp đặt và đô hộ của những mốt đọc. Trong khi đó, sự cô đơn thực sự giúp người đọc có sự đánh giá của riêng mình. Càng cô đơn trong ý nghĩ, người đọc càng có nhiều thắc mắc và động lực đào sâu tìm kiếm mạch nguồn, tìm sự liên hệ bề sâu với cộng đồng những người đọc với đúng nghĩa của nó.
Chính sự cô đơn làm nên vẻ đẹp lấp lánh cho những cuốn sách.
Tia Sáng.
https://www.facebook.com/100000134748398/videos/3084787721535689/