NGƯỜI VIỆT
SÀI GÒN (NV) – Như một tiếng thở than không bao giờ dứt. Nó xuất hiện từng lúc từng lúc từ sáng tinh mơ đến trưa trời trưa trật, kéo dài cho đến khuya rồi lìm dần về sáng. Mỗi tiếng rao là một giọng điệu khác nhau. Nhịp phách cũng không giống ai.
Tiếng rao có lúc buồn như một bản nhạc Bolero loang ra trên từng cung đường xa mỏi mệt, có lúc nó tắt ngấm như cái đài hết pin rồi lại bùng lên thê thiết. Có lúc nó dừng lại khi có ai đó kêu vọng lại để ăn hàng, như “ê bánh mì” hay đại loại một món nào đó bình dân có thể giúp người ta qua đi cơn đói.
Một thành phố mênh mông 10 triệu dân với đủ thành phần nhập cư, với nhiều tầng lớp thị dân tận đáy xã hội cho đến trung lưu cao cấp. Không một ai nơi ấy, đã không từng nghe tiếng rao đêm, trong tiếng rao chiều, trong hoàng hôn chập choạng, tiếng rao trưa cùng mồ hôi ướt đầm lưng áo.
Những tiếng rao đã từng nuôi sống bao thân phận con người, từ bình dân học vụ cho đến học sinh sinh viên. Những tiếng rao làm hồi sinh những con phố nghèo, làm sống lại những buổi trưa tàn… mỏi mệt, mê man nóng cháy.
Ðôi khi nó đến từ cuối con đường nhỏ lang thang ra đến tận đường lớn, lẩn khuất trong dòng người xe ầm ào sóng bụi. Ðôi khi nó tràn ra trong con hẻm vắng trưa Hè, hòa lẫn vào trong tiếng đùa nghịch của những đứa trẻ thơ.
Kế bên những hàng hiệu to đùng, dưới những công sở nguy nga cao ngất, kề bên nhưng con kênh đen ngòm hay phất phơ trên bờ những con sông đứng gió. Những tiếng rao như những cánh buồm lê thê rách nát vẫn trôi đi, trôi đi,… theo những tháng ngày cơm áo.
“Ai bánh giò, bánh chưng, bánh tét hôn…” Một người đàn ông tận bên Gò Vấp hàng ngày đạp xe lên đến quận 1 rồi vòng qua quận 3 hơn 10 năm rồi vẫn thế không thay đổi gì vói chiếc xa cà tàng cùng thùng bánh nóng hổi, anh đã đi gần hết cái thành phố này để mưu sinh nuôi một lúc 3 đứa con ăn học.
Một chiếc xe ba gác với đủ thứ đồ ăn lỉnh kỉnh được rao lên qua cái loa phóng thanh được ghi âm sẵn “ai vịt lộn, cút lộn, bắp trộn, bánh tráng trộn hôn.” Một người phụ nữ lam lũ cam chịu quạt mồ hôi nắng mưa, tay thoăn thoắt cho đồ ăn vào một hộp nhựa nhận vài đồng tiền lẻ rồi rồ máy chạy đi trong khói trắng.
Những tiếng rao ngày xưa bằng chính giọng của má, của chị, của em như “Ai đậu ván, đậu xanh bánh trôi nước dừa hôn…” giờ đây đã được công nghiệp hóa bằng một dàn máy nho nhỏ có loa nên tiếng rao cũng bớt đói lả “mùi mẫn” hơn nên có khi người ta có cảm giác đó là một gánh hát, vì lâu lâu có nhạc bật lên rầm rĩ cả xóm làng.
Có ông nhà văn nói, “Sài Gòn mà không nghe tiếng rao khuya rao sáng hay tiếng rao đêm trong đêm mưa thì chưa biết gì về tiếng động đời sống.” Ông gọi đó là thứ “âm nhạc” đặc biệt của những người cùng khổ, nếu ai chưa từng thử qua những món ăn bình dân đầy mùi vị “thị dân” đó sẽ không bao giờ có thể thành người đàng hoàng.
Vì một lẽ những tiếng rao đó sẽ không bao giờ thôi hát ca, trên những guồng chân buồn thảm của con người, một mai rồi ai cũng lớn khôn thành công nầy nọ nhưng chắc chắn bạn sẽ không đành lòng – một lúc nào đó mà bật cửa ra và gọi với theo “hế bắp luộc, đậu hũ,…” hay một thứ gì gì đó, bảo đảm họ sẽ nghe thấy và quay lại ngay cho dù bước chân đã bước đi xa vắng ngập ngừng…
Mời độc giả xem phóng sự “Mưu sinh về đêm của người nghèo Sài Gòn”