Sài Gòn hồi sinh

    0
    16
    Người dân đứng đợi lấy thức ăn mua từ một quán ăn ở TPHCM hôm 1/10/2021 sau khi TP dỡ bỏ lệnh giãn cách AFP

    Bài bình luận của Mai Hoa
    2021-10-21

    Tin nhắn đầu tiên tôi nhận được ngay sau khi thành phố có quyết định mở cửa là của một tiệm bán vịt quay.

    Không phải của cha mẹ, hay anh chị, hay một người bạn rất thân.

    Mà là của một tiệm vịt quay người Hoa, ở Chợ Lớn.

    Họ thông báo tiệm đã bán lại rồi và rất vui được bán hàng cho quý khách. 
    Tôi nhận được rất nhiều tin nhắn mỗi ngày, nhiều nhất là các đối tác, sau đó là bạn bè, đồng nghiệp, gia đình, và rất nhiều tin nhắn quảng cáo. Nhưng không có tin nhắn nào phát ra nhanh đến mức như thế. Tất cả các tin nhắn vui mừng, hỏi thăm, thông báo, quảng cáo… trong vòng tròn giao tiếp của tôi đều đến sau nó đến vài tiếng.

    Tôi không nhớ tin nhắn ấy có kèm chương trình khuyến mại hay không, nhưng nó đã gây ấn tượng vô cùng mạnh mẽ về sự nhạy bén, nhanh chóng trong làm ăn của những thương nhân này, nhất là thương nhân gốc Hoa ở Sài Gòn.

    Đó có thể là tình cờ, nhưng nếu không có chuẩn bị tốt và gần như luôn ở trong tình trạng sẵn sàng, chắc chắn chắc tiệm vịt quay ấy không thể gửi đi hàng loạt tin nhắn đến tập khách hàng cũ lẹ làng như vậy được.

    Không có chuỗi ngày đằng đẵng gần sáu tháng đóng cửa vì đại dịch (ban đầu, TPHCM giãn cách theo Chỉ thị 15 tức hạn chế ra ngoài, càng về sau càng nâng dần đến mức phong tỏa và giới nghiêm), chắc tôi không thể nhận ra những giá trị sâu sắc đằng sau một cái tin nhắn đơn giản như vậy.

    000_9NW2NE.jpg
    Giao thông trên đường phố TPHCM hôm 1/10/2021 sau giãn cách. AFP

    Những ánh đèn màu trên Sài Gòn hồi sinh

    Cũng giống như hôm cách đây một tuần, tôi đi xuống chung cư vào buổi tối. Chỉ để đổ rác thôi, tôi không có kế hoạch đi chơi hay giao tiếp trực tiếp nào vì thời gian này Sài Gòn vẫn còn đến sáu, bảy chục người chết vì COVID mỗi ngày. Và tôi gần như sững sờ vì con đường dài trước nhà như biến thành một con đường khác: hôm nay nó rực rỡ lung linh đủ sắc đèn màu.

    Trong suốt gần sáu tháng trời, tôi đã quá quen với con đường tối đen và hoang vắng với tất cả cửa hiệu mặt tiền đều đóng kín, tắt lịm toàn bộ đèn đuốc; ngã sáu, ngã bảy, từ đầu đến cuối con đường hun hút chỉ có ánh đèn cao áp dưới những tán cây ven đường hắt xuống những ngôi nhà im lìm một màu trắng nhờ lạnh lẽo đến rợn người. Còn trước đó, mỗi sáng tôi đi làm, mỗi tối trở về nhà sau công việc, hoặc sau khi đi tụ bạ chơi bời, dù có đến hai giờ sáng thì muôn ánh đèn màu vẫn sáng rực nhấp nháy như thế, không bao giờ tắt. Tôi cũng đã quá quen với biển đèn màu lấp lánh của Sài Gòn về đêm như quen với không khí. Hầu như chẳng ai khi bình thường mà ý thức được mình đang hít thở. Cho mãi đến khi điều đó trở nên khó khăn, thiếu hụt, hoặc gần như biến mất.
    Cho nên hôm ấy, tôi đã sửng sốt như một đứa trẻ con, đã bàng hoàng muốn rơi lệ như một người bệnh vừa biết mình thoát chết trước những ánh đèn màu báo hiệu một thành phố vừa hồi sinh như thế.

    Hôm nay tôi lại đi ra ngoài để mua thực phẩm. Lần đầu tiên sau sáu tháng tôi lại được mua thực phẩm theo đúng nghĩa của nó, nghĩa là đi đến cửa hàng, mắt nhìn, tay sờ, mũi ngửi và mua bất cứ cái gì mình thích theo bất cứ số lượng nào mình muốn.

    Nửa năm qua, “mua” có nghĩa là nằm dài trên giường vào đêm khuya, bốn ngón tay lướt trên điện thoại, lục tung cái chợ online của quận. Người ta bán cái gì thì mình chỉ được mua cái ấy. Làm gì có đủ mà đòi hỏi. Trong dịch, rau chỉ có vài loại: bắp cải, bí thơm, đậu bắp, bí đỏ, rau muống, củ cải, cà rốt … -những thứ rau dễ chịu, ít bị dập nát hư hao trên đường vận chuyển. Trái cây quanh đi quẩn lại cũng chỉ là thanh long, cam, ổi, mít, xoài, nho, thơm… Trong khi cái xứ nhiệt đới của chúng ta, lại trúng vào mùa trái cây tháng 5, 6, 7, 8 thì rau gì, trái gì mà không sẵn có, mơn mởn, ú nu và đầy ắp, nhà vườn khóc vì ế, nhưng có cách nào để chở lên bán được đâu, nên người mua cũng khóc vì mắc và thiếu!

    Vậy là chiều nay, tôi ra ngoài mua rau.https://www.youtube.com/embed/NbwYFKAfE5Y

    Rau, rau everywhere

    Hóa ra sau dịch (có lẽ cả trong dịch, người bán cất về cất kín trong nhà, cửa sắt kéo xuống một nửa hoặc  2/3, chỉ bán online để tránh đôi mắt cũng nửa khép nửa mở của công an), bà con dân chúng khởi nghiệp bán rau nhiều vô số kể. Tiệm cơm tấm cũng bán rau, tiệm tạp hóa cũng bán rau, tiệm hoa cũng bán rau, tiệm bánh cũng bán rau, tiệm sữa cũng bán rau, tiệm điện chừa một góc bán rau, xe nước mía cũng bán rau, sạp chuyên trái cây ngoại nhập giờ chuyển qua chuyên rau… Rau, rau everywhere! Hình như trải qua cơn đói rau gần ngắc ngoải trong dịch, bây giờ ai ai cũng nhận thức ra được rau xanh cần thiết đến mức độ nào. Con vi-rút giáo dục và thay đổi thói quen ăn uống giỏi hơn bất cứ ông giáo sư môn sức khỏe (healthy and balance, theo một cái trend chêm tiếng Anh năm ngoái rất nổi trên mạng xã hội tiếng Việt) nào trên thế giới!

    Mấy trụ sở ủy ban phường trong dịch lúc nào cũng ngổn ngang gạo, cá, chuối, rau… hàng cứu trợ, xà quần không thua gì mấy cái vựa bên chợ đầu mối, hôm nay tôi không liếc qua, chắc đã được trả lại hình dạng nho nhã của chốn quan môn rồi.

    Còn mấy ông bảo vệ của các shop bán hàng thiết yếu Cirle K, 24h, Foodmart… rải rác khắp phố, tức ghê, sao bữa nay ai cũng cười tươi roi rói vồn vã câu khách. Chẳng bù cho hôm trong dịch, cao lắm mới ba tháng chứ mấy, tôi và cả đám người vội vã đi mua ít thực phẩm trước giờ thành phố giới nghiêm; còn 30 phút nữa mới tới giờ đóng cửa, dòm vô trong thấy hàng chất ngồn ngộn nhưng mấy ổng mặt lạnh như tiền, nói cũng không thèm nói mà xua xua “Hết giờ hết giờ, mai quay lại”!

    Khỏi đi mấy cha, giờ này ai thèm cầu!

    Những mầm cây

    Trong gần sáu tháng Sài Gòn đóng cửa chống dịch, được lợi nhất có lẽ là lũ cây cối.

    Ngã ba gần nhà tôi có một khoảng đất trống chừng vài mét vuông, ngay chỗ mũi tàu. Hồi trước nó là chỗ cho dân quanh đó tiện tay bỏ rác tùm lum, sau mấy tiệm buôn bán gần đó thấy dơ quá bèn hè nhau dọn sạch, bỏ mấy cái vỏ xe hơi làm chậu kiểng, trồng hoa lá, nhìn sạch sẽ vui mắt hẳn. Trong dịch, khói xe độc hại của đô thị lớn nhất Việt Nam gần như biến mất hoàn toàn, cái vườn bông nhỏ xíu đó bật trào sức sống, cây lá vươn cao tắp, xòe rộng, xanh ngắt tràn trề, hoa nở bung từng chùm to lớn.

    Trong các ngõ hẻm, trước mọi căn nhà, các bồn kiểng lá hoa cũng bừng bừng rậm rạp tươi tốt chưa từng có. Thì nhiều tháng phong tỏa, chỉ có chút thiên nhiên đó để người ta vùi vào và nhận lại năng lượng chữa thương từ chúng. Thậm chí một chủ nhà đã “rảnh” đến mức tỉa từng lá một của bụi phát tài lớn như thế này trước cửa nhà.

    Khu tôi sống giáp giữa quận 1, quận 3 và quận 10, có rất nhiều quần thể chung cư to lớn và lâu đời. Cũng một phần vì lối sống chung cư quen qua lại thân mật chuyện trò, ăn nhậu ca hát chung ngay cả trong cao điểm dịch mà tỷ lệ nhiễm bệnh và tử vong ở đây rất cao. Phổ biến là những gia đình hai ba thế hệ nhiễm bệnh cả nhà, có nhà 22 người bệnh hết, vài người chết. Trong dịch người ta chụp vô số cảnh những gia đình nằm vật ngổn ngang, mặt trắng nhợt và những dòng chữ hối hả, không đầu cuối post lên mạng xã hội nài xin ôxy. Kinh hoàng, hãi hùng như trong địa ngục.

    Nhưng chỉ ngay sau khi thành phố mở cửa, dấu vết đau thương của vài chục ngàn cái chết (công bố chính thức của Bộ Y tế ngày 20/10: TPHCM hơn 16.300, Bình Dương hơn 2.300, nhưng con số thực tế lớn hơn rất nhiều) đã bị xóa sạch. Nguồn sinh khí mãnh liệt của Sài Gòn bừng bừng ngút trời như những chồi non hồi sinh cường tráng trong mùa dịch. Dân Sài Gòn không rảnh và cũng không coi vụ ăn uống là quan trọng đến nỗi phải khoe được “xì xụp húp phở” vui mừng như dân Hà Nội trong một bài báo bị cười cợt và phản đối dữ dội trên báo Lao động. Họ lao vào làm ăn để chạy cho kịp mùa mua sắm và kinh doanh cuối năm. Trước đề xuất nghỉ Tết chín ngày của Quốc hội, có rất nhiều doanh nghiệp và người lao động không chịu nghỉ Tết năm nay. Phải làm, làm, làm. Bù, bù, bù! Phải lấy lại những gì đã mất!

    TPHCM vẫn đang còn cả ngàn ca nhiễm và bốn năm chục người chết mỗi ngày vì COVID. Những ông, bà, cha, mẹ vẫn đang rời khỏi nhà đi vào hành trình nghẹt thở và chết không người thân bên cạnh. Những bình tro cốt vẫn đang được đưa về từng ngôi nhà. Sẽ không bao giờ có một thành phố Zero COVID. Trí nhớ về đau thương thường ngắn lắm. Hôm nay tôi đã lại bắt gặp cảnh năm bảy người phụ nữ và trẻ em kéo xệch cái khẩu trang xuống cổ hoặc không thèm đeo khẩu trang, đứng sát nhau chuyện trò rôm rả cả buổi. Nhắc nhở hoài nhưng người ta quen thói mất rồi, đã vậy trên mạng còn không ít những ông bà bác sĩ ra rả kêu đừng chích vắc-xin vì đó là thuốc độc!
    Nhưng dòng người từ Sài Gòn chạy về quê trốn dịch đã đảo chiều. Mặc dù nhiều người đã về luôn hoặc chấp nhận ở lại quê chờ qua tết mới đi tìm việc làm mới, nhưng lưu lượng lao động khổng lồ và sẵn sàng ấy đang cuồn cuộn chảy trở lại Sài Gòn. 
    Như những dòng máu mạnh mẽ, tuy trải qua quá nhiều đau thương và sợ hãi, lúc mạnh, lúc yếu nhưng không bao giờ dừng chảy, ngày đêm bơm nguồn máu rừng rực sức sống từ trái tim Sài Gòn đến muôn nơi.

    ______________________
    Tham khảo: 
    https://suckhoedoisong.vn/ngay-20-10-co-3646-ca-mac-covid-19-hon-1700-benh-nhan-khoi-169211020181810142.htm

    * Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.