“Viết 29 chương và đã khai rõ như trong địa bạ, nếu có những điều sằng bậy không đúng thực tế như lấy ruộng công làm ruộng tư, đổi ruộng canh tác thành đất ở, đổi ruộng canh tác thành ruộng bỏ hoang, dám dối trá ruộng đất dù là một thước, cấp trên đo kiểm tra thấy sai lệch, hoặc có người tố cáo thì ngay lập tức Lý trưởng Nguyễn Đình Bích, Trùm trưởng Phạm Tất Bình sẽ nhận trọng tội”.
Tập Địa bạ xã Yên Hoành, tổng Yên Định, phủ Thiệu Hóa được lập vào năm Minh Mệnh thứ 11 [1830], xong ngày 20-5 năm Minh Mệnh thứ 15 [1834] vẫn còn được giữ ở Cục Lưu trữ Quốc gia 1. Nhưng điều quan trọng là hàng trăm năm sau đó, lịch sử làng Hoành không ghi nhận vi phạm nào trong “quản lý đất đai” cả.
Trong Địa bạ, không chỉ từng thửa đất đều phải “khai rõ giáp giới 4 mặt, kích thước mẫu, sào, thước tấc cụ thể”, mà còn phải “khai rõ từng loại điền thổ; các loại đất công, đất tư, đất hồ, đất ở, ao vườn…”
Cho dù là một nhà nước rất tập trung, điều quan trọng trong quản lý đất đai của các triều đại phong kiến Việt Nam không chỉ là chặt chẽ mà còn minh bạch các loại thổ cư với thổ canh; công điền với tư điền…
Sở dĩ chính sách đất đai hiện nay đang vừa là cái bẫy [gây sai phạm cho cả người sử dụng và cả bên quản lý] vừa là lĩnh vực phát sinh nhiều khiếu kiện và tham nhũng nhất bởi vừa không có tính kế thừa truyền thống cha ông vừa không nhận thức được những yêu cầu của thời đại.
Tôi vẫn không lý giải được vì sao vừa rồi Quốc hội ta lại sửa luật. Tôi không tìm thấy tư duy chính sách mới và trong 9 điểm mới của Luật Đất đai 2024 chỉ có “nới” chứ gần như không “sửa”.
Kể từ Luật Đất đai 1993, người sử dụng đất đã có “5 quyền”. Các quyền ấy không chỉ ngay lập tức được “quy ra thóc” mà còn có thể bán ra tiền, ra vàng. Vậy nhưng, Nhà nước vẫn không đối xử với “quyền của người sử dụng đất” như quyền của người dân về tài sản.
Đất đai dưới chế độ nào cũng đều tồn tại dưới hai trạng thái: tài nguyên và tài sản. Ở dạng tài sản, đất hoặc là tài sản công hoặc tài sản tư. Cách hiểu máy móc về một khái niệm thuần túy chính trị, “sở hữu toàn dân”, đã khiến cho nhiều quan chức đang ban phát đất đai [tài nguyên hoặc tài sản công] như tài sản của mình và đặt người dân trong tình cảnh không nắm thứ tài sản nào rủi ro như nắm quyền sử dụng đất.
Quốc hội khóa IX, thoạt đầu đã tiếp cận đúng khi tranh cãi về việc các tổ chức công khi được nhà nước giao đất [để làm trụ sở, doanh trại…] có được giao đủ 5 quyền hay không. Nhưng vì lý do thời gian, Quốc hội khóa IX đã mắc phải một sai lầm khi giao cho UBTV Quốc hội bàn tiếp. Từ ảnh hưởng của nỗi sợ “nguy cơ chệch hướng”[sau Đại hội giữa nhiệm kỳ], UBTV Quốc hội đã diễn dịch sai ý chí này của các nhà làm luật, Pháp lệnh 14-10-1994 không những không hạn chế được quyền sử dụng đất đai của các cơ quan công quyền mà còn nhắm vào quyền sử dụng đất của các tổ chức kinh tế [làm đóng băng thị trường đất đai gần 4 năm].
Nếu đất công [quỹ đất phát triển kinh tế] được đem đấu giá hoặc được giao [đất phục vụ cho mục tiêu công, an ninh quốc phòng…] thì đã không có hàng loạt quan tham bị bắt; đất không còn sử dụng để làm trụ sở, doanh trại, sân bay, bến cảng nữa được nhà nước thu hồi, quản lý như trong quỹ đất công [công sản] thì đã không có hiện tượng để mặc sức cho các bộ ngành đem bán.
Nếu là đất tư [kể cả người dân có được nhờ được giao] thì khi nhà nước cần sẽ mua hoặc trưng mua; khi các tổ chức [kể cả doanh nghiệp] cần thì để họ nhận chuyển nhượng đất từ dân [kể cả những khu công nghiệp, đô thị hàng trăm, hàng ngàn hecta].
Nhà nước không can thiệp vào tiến trình chuyển nhượng [bằng thủ tục hành chính thu hồi đất và giao đất] mà để các bên tự giao dịch [với quyền Hiến định và bằng quy trình dân sự].
Trong quản lý đất đai, các nhà lập pháp và hành pháp dường như không có khả năng phân biệt quyền hành chánh với quyền dân sự. Tờ A4 thường xuất hiện làm sai lệch bản chất các giao dịch dân sự và thủ tiêu các quyền của người sử dụng đất.
Thời gian gần đây, Truyền hình Quốc hội đưa vài phóng sự về việc một số hộ dân [ở Quảng Ngãi, Quảng Nam…] khi bị thu hồi đất làm cao tốc đã không được đền bù bằng giá đất ở vì tự ý làm nhà trong đất vườn nhà mình mà chưa xin “chuyển mục đích sử dụng đất”.
Không biết khi xem những phóng sự này, các đại biểu Quốc hội có nhận thấy cảm giác thiếu công lý trên gương mặt của những người dân ấy.
Chênh lệch giá của việc làm nhà trên đất vườn nằm ở chi phí san lấp, làm móng chứ không phải nằm ở những gì ghi trong tờ A4.
Sở dĩ chúng ta thấy trong Tập Địa bạ của làng Yên Hoành, coi việc “đổi ruộng canh tác thành đất ở” cũng là một tội trọng, là vì chính sách.
Thời Minh Mạng, trong số 210 mẫu đất của làng Hoành, có trên 50% là đất công, chủ yếu là “quan điền”, phân canh cho những người dân không có ruộng [nhằm giúp hầu hết gia đình trong làng có cái mưu sinh]. Sang thời Pháp thuộc, đất công chỉ còn khoảng 20% vì chính sách của người Pháp cho hình thành tầng lớp địa chủ và đại điền chủ.
Giữ bao nhiêu quan điền là tùy thuộc vào chính sách để “người cày có ruộng” hay cho tích tụ ruộng đất để hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp. Giữ bao nhiêu thổ canh là để vừa đảm bảo an ninh lương thực vừa phát triển thổ cư, vừa đô thị hóa và vừa công nghiệp hóa.
Lẽ ra Nhà nước nên quy định, bờ xôi ruộng mật thì dứt khoát phải giữ để sản xuất nông nghiệp; đất hoang hóa, đất cằn sỏi đá thì làm công xưởng, xây nhà.
Nếu quy định chi tiết “mục đích sử dụng đất” rồi đất nông nghiệp đang được định giá 100 nghìn đồng/m2 nhưng chỉ cần một tờ A4, cho chuyển thành đất đô thị, có thể bán cả trăm triệu đồng/m2 thì không những trong quản lý đất đai không bao giờ hết tham nhũng mà các “nhất đẳng điền” cũng sẽ lần lượt bị “phân lô bán nền”.
“Sở hữu toàn dân” không còn tuyệt đối là một vòng kim cô. Kể từ khi Hiến pháp 1992 trao cho người dân 5 quyền, nội hàm của “sở hữu toàn dân” đã dần thay đổi. Nếu như tiến trình hình thành chính sách đất đai trong thập niên 1990s trắc trở vì xung đột giữa một bên đổi mới và một bên chống đổi mới; thì từ giữa thập niên 2000s là ảnh hưởng của các nhóm lợi ích.
Đất đai, thời nào tấc đất cũng là tấc vàng. Cho dù làng xã được giao cho các UBND hay các trương tuần như câu chuyện ở làng Hoành thì cũng phải công tư tách bạch.
Đọc Tập Địa bạ làng Hoành rồi mới tiếc Quốc hội XV đã bỏ qua một cơ hội làm luật đất đai bắt đầu bằng tư duy tiếp cận mới. Như trên đã nói, 9 điểm mới trong Luật Đất đai 2024 chủ yếu là “cơi nới”; trong đó, có rất ít vấn đề mang tính chính sách.
Trong 3 năm đầu của nhiệm kỳ, Quốc hội khóa XV đã nhóm họp 5 phiên bất thường. Đây có thể coi là những chỉ dấu mang tính đổi mới [để Quốc hội tiến tới làm việc thường xuyên]. Nhưng nếu chỉ sửa 9 điểm không phải là cốt yếu ấy, Quốc hội không cần phải viết lại toàn văn và chỉ cần 2 ngày ở hai kỳ họp.
Cách làm [tu chính] ấy vừa giúp các đại biểu thực sự hiểu điều họ đang biểu quyết vừa giúp dân chúng biết tư duy chính sách mới của Quốc hội là gì và đổi mới của Quốc hội vẫn là hình thức hay là thực chất.