Ván cờ Ukraine do ông Vladimir Putin bầy ra, cho nên ông chủ động về chiến thuật. Mỗi lần ông đi một nước cờ mới, coi các đối thủ phản ứng thế nào. Putin mới chính thức công nhận hai “quốc gia” Donetsk và Luhansk, rồi đưa quân Nga qua “giữ hòa bình.” Mỗi nước “Cộng Hòa Nhân Dân” trên chỉ chiếm được khoảng một phần ba diện tích mỗi tỉnh của Ukraine.
Ông Putin muốn khiêu khích coi Ukraine sẽ làm gì. Ông chỉ chờ một cuộc nổ súng giữa quân chính phủ và quân ly khai là lấy cớ tiến đánh. Tổng thống Volodymyr Zelensky nói với dân chúng đúng sự thật: Putin chỉ hợp thức hóa tình trạng quân Nga chiếm đóng một phần ba của mỗi tỉnh trong 8 năm qua.
Mỹ và Âu châu đã dọa nếu quân Nga đánh Ukraine sẽ bị phong tỏa kinh tế nặng nề. Bây giờ ông Putin có thể giải thích rằng ông không “xâm lăng” nước Ukraine mà chỉ giúp “bảo vệ hòa bình” cho hai “quốc gia tân lập.” Luận điệu đó không thể lừa dối được mọi người.
Chính phủ Đức phản ứng nhanh nhất. Thủ tướng Olaf Scholz tuyên bố ngưng thực hiện đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 đi qua biển Baltic nối liền Nga với Đức; đúng như lời ông đã hứa. Đây là một hành động quyết liệt, vì Đức nhập cảng 40% khí đốt từ nước Nga. Ông Scholz đánh sớm nhất, trước khi ông Joe Biden ra tay, để sau này ông có thể tự do quyết định lúc nào mở lại NS 2. Liên hiệp Âu châu (EU) và chính phủ Anh cấm vận tất cả các đại biểu quốc hội Nga, phong tỏa tài sản một số ngân hàng Nga, những đại gia thân cận với Putin và sẽ ngăn cản các ngân hàng Âu châu không cho chính phủ Nga vay tiền.
Các đại biểu quốc hội Mỹ thuộc cả hai đảng hoan nghênh khi Tòa Bạch Ốc chính thức gọi hành động mới của ông Putin là “mở đầu một cuộc xâm lăng.” Nghị sĩ Mitch McConnell, trưởng khối Cộng Hòa nói, “Cả thế giới đang chờ coi” nước Mỹ làm gì.
Trên nguyên tắc quốc hội Mỹ nắm quyền “trừng phạt” Nga, và họ đã tự ý làm trong thời Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên trước khi đi nghỉ hè các đại biểu vẫn chưa thông qua một dự luật với hàng trăm điều áp dụng ngay lập tức, nếu Nga đánh Ukraine. Trong bài nói chuyện với dân chúng Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã đưa ra các biện pháp phong tỏa kinh tế Nga theo cùng một nhịp độ như các nước Âu châu. Mỹ và Âu châu chưa thi thố tất cả những biện pháp cấm vận, vẫn để dành những đòn nặng nhất, đem dùng khi Putin lấn tới thêm.
Chính phủ Ukraine và các nước NATO đang chờ coi sắp tới ông Putin sẽ đi nước cờ nào. Nga có thể lập căn cứ quân sự trong hai “nước mới” này. Ông Zelensky khuyên dân hãy bình tĩnh, ông không tin rằng quân Nga sẽ ào ạt tấn công. Nhưng nếu chỉ đem thêm quân vào các “nước ly khai” ông Putin cũng không được lợi lộc gì hơn. Một số thành phố lớn trong hai tỉnh Donetsk và Luhansk vẫn do chính phủ ở Kyiv kiểm soát. Đất của phe ly khai vẫn chưa nối được với bán đảo Crimea mà Nga đã chiếm từ năm 2014. Putin có thể cho quân Nga tới sát đường “ranh giới” để khiêu khích quân chính phủ Kyiv. Các thủ lãnh ở Donetsk và Luhansk có thể lấn qua đánh những vùng thuộc hai tỉnh mà họ chưa làm chủ. Số xe thiết giáp Nga đang chạy trong hai “nước” này còn nhiều hơn số xe “tăng” của nước Pháp hay Anh quốc. Cho nên ông Putin sẽ còn những nước cờ khác.
Nhưng mặc dù nắm chủ động trong các bước đi chiến thuật, trong trường kỳ thì ngay bây giờ ông Vladimir Putin đã thất bại trên nhiều mặt.
Putin đã khiến nước Ukraine mạnh hơn thay vì làm cho suy yếu. Mấy năm gần đây Ukraine đã bị phương Tây lơ là, vụ Crimea đang dần dần quên lãng; bây giờ chính phủ Ukraine được tất cả lên tiếng ủng hộ và viện trợ ào ạt, kể cả các nước nhỏ bé vùng Baltic trước thuộc Liên Xô.
Hậu quả quan trọng nhất ông Putin đã gây ra là làm cho các nước Âu châu thấy cần Mỹ, cần hơn trước nhiều. Có thể nói ông Putin đã kéo Mỹ quay trở lại Âu châu.
Trên thực tế, vai trò của Mỹ – đứng đầu thế giới kể từ khi Liên Xô sụp đổ – đã đi xuống từ khi Mỹ bị sa lầy ở Afghanistan và Iraq. Ảnh hưởng kinh tế của Mỹ đã giảm. Năm 1960 Mỹ nắm 40% Tổng Sản Lượng (GDP) của thế giới, năm 2017 chỉ còn 25% ($19.5 ngàn tỷ so với $81 ngàn tỷ; Trung Quốc tiến lên chiếm 15%, với $12.3 ngàn tỷ đô la).
Mấy năm gần đây phe Đồng Minh đã rạn nứt. Có lúc Mỹ dọa sẽ rút ra khỏi khối NATO, đánh thuế nặng trên hàng nhập cảng từ Âu châu và bị trả đũa. Bà thủ tướng Đức đã kêu gọi Âu châu phải lo lấy phận mình. Tổng thống Pháp đề nghị lập một đạo quân tự vệ chung cho châu Âu.
Ông Putin nghĩ đe dọa Ukraine sẽ làm cho Mỹ và Âu châu chia rẽ thêm nữa; vì quyền lợi của hai bên khác nhau. Một điều hiển nhiên là kinh tế Âu châu phụ thuộc dầu và khí đốt do Nga cung cấp.
Nhưng Putin đã tạo ra phản ứng ngược lại. Đe dọa Ukraine, ông ta giúp cho Mỹ và Âu châu ràng buộc mật thiết hơn. Và nước Mỹ phải đứng đầu; ba nước Anh, Pháp, Đức chấp nhận vai trò thứ yếu. Mặc dù có những đường lối riêng, bốn nước đồng minh theo cùng một chính sách đối đầu với Nga. Đối với các nước cộng sản cũ ở Đông Âu và ba nước miền Baltic, tất cả đều coi tương lai tốt hay xấu tùy thuộc vào cam kết của nước Mỹ bảo vệ an ninh và nền độc lập của họ.
Số hàng xuất cảng từ Mỹ và Âu châu qua Nga và Ukraine rất nhỏ, nhưng các biện pháp cấm vận sẽ ảnh hưởng tới kinh tế thế giới bên ngoài.
Âu châu nhập cảng hơn 40% khi đốt từ Nga và một phần tư số dầu lửa sử dụng, một sự kiện mà ông Putin đã dùng để gây áp lực. Trong thời gian quân Nga kéo tới biên giới phía Đông và phía Bắc Ukraine, đường ống dẫn dầu Yamal đưa khí đốt sang Đức qua ngả Ba Lan đã thay đổi, chuyển theo chiều ngược lại, để các kho dự trữ của Đức cạn dần. Ông Putin đã hứa sẽ tiếp tục cung cấp dầu và khí đốt cho các nước Âu châu, nhưng khi kinh tế Nga bị phong tỏa thì phản ứng dây chuyền sẽ khiến Âu châu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Từ lúc cuộc khủng hoảng Ukraine bắt đầu, chi phí vận tải hàng hóa khắp nơi đã lên cao, một nguyên nhân gây nên lạm phát. Nga và Ukraine cung cấp 29% số lúa mì xuất cảng của cả thế giới và các quặng mỏ dùng chế tạo phân bón. Giá thực phẩm sẽ tăng lên. Hệ thống cung cấp, tiếp liệu cho các nhà sản xuất khắp thế giới sẽ bị gián đoạn nhiều hơn nữa.
Tuy nhiên, kinh tế Nga sẽ chịu đòn nặng nhất. Các ngân hàng Nga sẽ bị cắt đứt với hệ thống tài chánh toàn cầu. Cấm vận trên các thứ chíp điện tử, dụng cụ kỹ thuật cao, như đã áp dụng trên công ty Huawei, sẽ khiến công nghiệp Nga đình đốn. Nga sẽ phải dựa vào Trung Cộng, chấp nhận một địa vị lệ thuộc. Hiện nay một nửa hàng xuất cảng của Nga bán cho Trung Quốc, 27% qua Âu châu. Nhưng khí đốt dẫn từ Siberia qua Trung Quốc chỉ bằng một phần năm số bán cho Âu châu.
Cuộc phong tỏa của Mỹ và Âu châu từ năm 2014 không gây ảnh hưởng nặng trên kinh tế Nga nhưng đã làm cho nhiều thành phần trong giới thống trị ở Nga nhụt chí; đặc biệt là các nhà tỷ phú độc quyền sắp mất bớt của cải. Giới làm an ninh, tình báo cũng đang hoang mang không biết Mỹ đã dùng các dụng cụ điện tử tinh vi thế nào mà biết hết các tin quân sự trong nội bộ Nga.
Trước khi đọc bản tuyên bố công nhận hai vùng ly khai của Ukraine, ông Putin đã họp với hội đồng an ninh quốc gia để hỏi ý kiến. Không những thế, ông còn cho trực tiếp truyền hình cảnh tượng này, để dân Nga thấy ông nắm toàn quyền, không ai dám cãi.
Khi ngoại trưởng Sergei Lavrov nhắc nhở rằng ông sắp gặp ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Putin đã gạt đi. Bây giờ chính ông Blinken không muốn gặp nữa.
Nhưng bất ngờ nhất là cảnh tượng ông Sergei Naryshkin, giám đốc SVR, cơ quan phản gián của Nga, đề nghị cứ đe dọa công nhận Donetsk và Luhansk, rồi dùng Hiệp ước Minsk năm 2015, (sau vụ Nga xâm lăng Georgia), để thảo luận về Ukraine. Vladimir Putin đã cắt lời, hỏi lại: “Anh có đồng ý công nhận hai nước đó hay không?” Naryshkin đáp, “Tôi sẽ đồng ý.” Putin gặng hỏi: “Anh đồng ý hay sẽ đồng ý?” Naryshkin giải thích, “Tôi đồng ý đưa hai vùng này vào nước Nga.” Putin cắt lời: “Đó không phải là vấn đề đang bàn. Anh có ủng hộ Nga công nhận hai nước đó độc lập hay không?” Naryshkin chịu thua: “Dạ có!”
Nhiều viên chức chính phủ Mỹ cũng cho biết có dấu hiệu có xung đột trong hàng ngũ cầm quyền ở Nga. Nhiều tướng lãnh hồi hưu chỉ trích chiến dịch de dọa Ukraine. Nhiều nhà trí thức đã phản đối. Nhiều người Nga đã đem tiền của ra ngoài hoặc bỏ nước ra đi. Và dư luận dân Nga cũng nghi ngờ không biết lợi hay hại.
Chưa biết Vladimir Putin sẽ đi thêm các nước cờ nào, nhưng đã lãnh hai hậu quả. Trong nước, đã đẩy cho những người bất đồng ý kiến xuất hiện. Dư luận chống đối sẽ tăng lên và lan rộng khi kinh tế Nga lãnh những đòn cấm vận mới. Ngoài nước, các nước NATO đoàn kết với nhau hơn và nước Mỹ đương nhiên đóng vai trò lãnh đạo. Ông ta có thể bắt được vài quân chốt, quân mã, nhưng sau cùng sẽ bị chiếu tướng.
Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?
Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.
Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.
Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.