Phạt UberPool, GrabShare và thói quen không quản nổi là cấm

0
1047
Nhiều nước khuyến khích dịch vụ đi chung xe như UberPool hay GrabShare.
Bạch Hoàn

Tôi thực sự không thể hiểu nổi, tại sao Bộ Giao thông vận tải lại cấm một loại hình dịch vụ sáng tạo, có lợi cho cả người dân, doanh nghiệp và cộng đồng như UberPool, GrabShare?

Tôi đang tự đặt ra câu hỏi này sau khi đặt xe ra sân bay cách đây vài ngày, nghe tài xế cho biết một dịch vụ tiết kiệm tiền cho hành khách, nói nôm na là dịch vụ cho hai hành khách đi chung xe nếu cùng tuyến đường, giúp giảm giá cước tới 30% của Uber và Grab đã bị Bộ Giao thông vận tải cấm tuyệt đối. Đó là dịch vụ GrabShare của Grab và UberPool của Uber. Nếu các doanh nghiệp còn tiếp tục triển khai hai dịch vụ đi chung xe này, Bộ Giao thông vận tải sẽ phạt từ 4-6 triệu đồng mỗi lần phát hiện.

Tôi thực sự không thể hiểu nổi, tại sao Bộ Giao thông vận tải lại cấm một loại hình dịch vụ sáng tạo, có lợi cho cả người dân, doanh nghiệp và cộng đồng? Có vẻ như, lựa chọn không quản được thì cấm đã trở thành thói quen, quen tới mức giống như phản xạ của các cơ quan quản lý ngành ở Việt Nam.

Tôi sẽ phân tích kĩ hơn về hành vi cấm cản của Bộ Giao thông vận tải đã đi ngược lợi ích của người dân ra sao.

Ví dụ, GrabShare là một dịch vụ mà hai hành khách trên cùng một quãng đường có thể đi chung một xe, nhờ đó giảm chi phí. Thay vì hành khách 1 phải trả khoảng 100.000 đồng/chuyến, hành khách 2 phải trả 150.000 đồng/chuyến, thì khi đi chung xe, hai hành khách sẽ được giảm tới 75.000 đồng.

Quyết định cấm không được triển khai dịch vụ này của Bộ Giao thông vận tải đã gián tiếp lấy mất tiền của người dân. Lẽ ra, khi được sử dụng các dịch vụ đi chung xe, chi phí đi lại của hành khách có thể giảm ít nhất 30%. Trong khi đó, tiêu hao năng lượng có thể giảm tới 50%.

Chưa hết, ở các thành phố lớn, người dân đã quá mệt mỏi với vấn nạn kẹt xe. Bao nhiêu năm nay, chính Bộ Giao thông vận tải cũng ra rả kêu ca kẹt xe và loay hoay các giải pháp làm giảm ùn tắc. Thế nhưng, kêu cứ kêu và tắc cứ tắc. Hậu quả là người dân mất quá nhiều thời gian vào việc di chuyển. Nền kinh tế bị lấy mất một nguồn lực không hề nhỏ.

Trong khi đó, các dịch vụ đi chung xe có thể giảm tới một nửa số xe di chuyển. Thay vì hai hành khách đi hai xe trên đường, thì ứng dụng công nghệ để những khách hàng đi cùng tuyến đường có thể đi chung trên một xe và nhờ đó chỉ cần một xe di chuyển trên đường. Điều này chắc chắn làm giảm kẹt xe. Vậy thì tại sao Bộ Giao thông vận tải lại cấm? Hay là tắc đường như vậy còn chưa đủ? Dân còn chưa mệt? Kinh tế còn chưa thiệt hại? Môi trường còn chưa ô nhiễm?

Nhiều nước khuyến khích dịch vụ đi chung xe như UberPool hay GrabShare.

Ở nhiều quốc gia, khi đi vào trung tâm thành phố, thậm chí còn có quy định không được đi xe chỉ có một người. Điều đó có nghĩa là họ khuyến khích các dịch vụ đi chung xe. Đơn giản bởi việc đi chung xe không chỉ làm giảm chi phí cho người dân mà còn giảm phát thải, từ đó hạn chế nguy cơ ô nhiễm môi trường, đồng thời là giải pháp hạn chế kẹt xe.

Các dịch vụ đi chung xe của Uber và Grab đã được sử dụng ở nhiều quốc gia như: Singapore, Indonesia, Mỹ, Úc… Vậy nhưng sang đến Việt Nam, lập tức bị Bộ Giao thông vận tải “chặn đường”. Lý do là quy định chỉ cho phép một hành khách đi một hợp đồng xe.

Thật ấu trĩ khi giữ tư duy người dân, doanh nghiệp chỉ được làm những gì luật cho phép. Xã hội không ngừng phát triển, sự sáng tạo của con người là không giới hạn. Với những dịch vụ có lợi cho người dân và cộng đồng mà chưa có quy định, nếu là nhà quản lý có tâm, có tầm thì phải lập tức bổ sung để điều chỉnh, tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp phát triển và người dân được thụ hưởng lợi ích từ những dịch vụ ấy, chứ không phải ra một văn bản cấm, thế là xong, là hết trách nhiệm.

Hành động của Bộ Giao thông vận tải, có thể nói là can thiệp thô bạo vào quy luật của kinh tế thị trường. Đơn giản là vì, việc đi chung xe là thoả thuận giữa doanh nghiệp và khách hàng, giữa khách hàng với khách hàng. Tất cả các bên tham gia hành trình đều đồng ý với thoả thuận ấy, thì lý gì cơ quan quản lý nhà nước lại thò tay vào cấm đoán, ngăn cản? Trong khi lẽ ra, việc của họ là cổ vũ cho những dịch vụ “ích nước, lợi nhà” như vậy. Đồng thời, trách nhiệm giám sát của cơ quan quản lý nhà nước ở đây chỉ đơn giản là đảm bảo số hành khách không được vượt quá số ghế trên xe.

Thật tiếc là Bộ Giao thông vận tải đã không làm được một việc vừa đơn giản, vừa văn minh, vừa đúng với tinh thần kiến tạo của Chính phủ.

Bộ GTVT từng lo ngành hàng không vét hết khách của đường sắt. Ảnh: TTXVN

Bộ GTVT từng lo ngành hàng không vét hết khách của đường sắt. Ảnh: TTXVN

Bộ Giao thông vận tải, hết lo lắng ngành hàng không vét hết hành khách của ngành đường sắt vốn trì trệ với một dịch vụ vô cùng tệ hại, rồi lại giữ quan điểm không nên mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía sân golf, nay lại cấm những dịch vụ vận tải mới có lợi cho xã hội nhưng bất lợi cho vài doanh nghiệp taxi truyền thống lạc hậu, lười thay đổi. Chỉ cần ba vụ việc là đủ thấy tư duy và cung cách làm việc của Bộ này đang có vấn đề.

Chính phủ bàn rất nhiều về cách mạng công nghiệp 4.0. Thế nhưng, có vẻ như quyết định của Bộ Giao thông vận tải mới chỉ đang ở giai đoạn 0,4!

Nếu cứ ban hành những quyết định bừa bãi, can thiệp vào quy luật kinh tế thị trường, đi ngược lợi ích của người dân và doanh nghiệp, thì có lẽ chẳng bao giờ chúng ta có thể đuổi kịp Singapore mà chính các nhà quản lý vẫn lấy ra làm mốc so sánh và mơ ước. Thậm chí, nếu cứ như thế này, một ngày không xa, cái mốc để chúng ta phấn đấu hướng đến, không còn lại Singapore nữa mà có thể sẽ là Lào, Campuchia…

Ai sẽ chịu trách nhiệm cho tất cả những trì trệ này?!