PHẢN HỒI Tiến sĩ Hồ Đắc Nguyên Ngã: Về Liberal education – Giáo dục khai phóng

0
54

Nguyen Quoc Tan Trung

***

Trước tiên, mình cần phải nói rằng mình không phải người trong ngành giáo dục nói chung. Riêng ngành Luật chuyên ngành của mình (cũng như Khoa học chính trị) thì thường bị xem là một trong các ngành khoa học cũ, già, ít khi được gộp chung vào nhóm chuyên ngành “khai phóng”. Vậy nên quan điểm ở đây chỉ để góp thêm góc nhìn cho người đọc, không phải quan điểm chuyên gia. 

Mặt khác, tự thân mình cũng muốn nói vài lời hỗ trợ nhiều thầy cô ở Việt Nam đang vận động và quảng bá cho “giáo dục khai phóng” tại Việt Nam, khi mà thầy Ngã đã post ba đến bốn bài liên tiếp gần đây tấn công và phủ nhận vai trò của giáo dục khai phóng. 

*** 

* TRÍCH DẪN 1: “Vậy điều gì khiến cho người châu Á vượt trội như vậy ở Mỹ, bất chấp là nhóm thiểu số chỉ có 7% và chịu nhiều thiệt thòi về chính sách? Có lẽ cái tạo ra sự khác biệt lớn nhất chính là văn hóa và giáo dục trong gia đình của người châu Á khác với các sắc dân khác. Các gia đình châu Á ở Mỹ đầu tư vào giáo dục con cái nhiều hơn (không chỉ là tiền bạc mà còn là thời gian và tâm trí), giáo dục con cái theo văn hóa phương Đông, chú trọng việc hiếu học và chăm chỉ, và quan trọng là … ít “khai phóng” hơn các sắc dân khác.” 

=> Mình nghĩ ngay từ ban đầu thầy Ngã đã có cách nhìn hơi hẹp và chủ quan về khái niệm “khai phóng”. 

“Khai phóng” ở đây không phải là không học, không chú trọng việc học, hay không hiếu học.

“Khai phóng” của liberal education lấy nghĩa từ “liberate” – tức giải phóng. 

Giải phóng cái gì? Giải phóng học sinh khỏi các định kiến, ràng buộc và mục tiêu máy móc trong việc học. 

Có thể nói là lấy cảm hứng từ các tranh biện giáo dục và tri thức của Plato, giáo dục khai phóng nhắm đến việc bồi dưỡng và trao dồi những nhóm kiến thức không nhất thiết phải phục vụ cho một công việc, một định hướng nghề nghiệp nào cả. Nói cách khác, chúng là “tri thức vị tri thức” (Knowledge for its own sake).

Trên cơ sở đó, chúng ta có thể hiểu giáo dục khai phóng là quá trình tiếp thu kiến thức có tính lý thuyết chứ không phải tính thực tiễn, có tính phản chiếu hơn là tính công cụ. Giáo dục khai phóng, nếu xét về định nghĩa và mục tiêu, là nhắm đến việc mở mang chân trời mới và trải nghiệm mới cho con trẻ, chứ không phải chỉ ép chúng học để trở thành thợ, thầy. 

Nếu hiểu đúng giáo dục khai phóng theo cách này, các phụ huynh Trung Quốc, Hàn Quốc ở Canada và Hoa Kỳ là các bà trùm “khai phóng” khi họ cho con mình theo học rất sớm những môn mà họ biết là chẳng giúp ích được gì cho con cái trong việc tìm việc trong tương lai, nhưng bổ trợ cho chúng một lượng lớn tư bản văn hóa, trải nghiệm xã hội, và tri thức “vô ích”, giúp chúng biến thành những “gentlemen (hoặc lady) of culture”. 

Các môn đó là gì? Triết học, Lịch Sử, Hội họa, âm nhạc (Violin, Piano…), Hùng biện và thậm chí là Thần học… 

Vậy nên, mình thấy rất khó hiểu thì thầy Ngã nghĩ rằng dân Châu Á ít khai phóng hơn các sắc dân khác. Đúng ra, phải nói rằng người Châu Á ở phương Tây đang khai phóng đến mức cực đoan, khai phóng “cưỡng ép” so với các nhóm còn lại. 

* TRÍCH DẪN 2: “Cấu trúc việc làm này được chuyển sang thu nhập rất rõ ràng, người châu Á thu nhập cao hơn hẳn các sắc dân khác ở Mỹ và khoảng cách này ngày càng tăng” 

=> Đoạn này thầy Ngã dùng các con số về lương, tỉ lệ việc làm chuyên môn, lãnh đạo… để minh chứng cho việc người Châu Á vì không “khai phóng” nên mới thành công như thế. 

Về sự không rõ ràng trong cách mà thầy hiểu “khai phóng” thì mình đã nói ở trên. Nhưng cách đọc số liệu tựu chung có thể cũng đang gặp hai vấn đề là “khái quát hóa thái quá” (over-generalisation) và “đơn giản hóa thái quá” (over-simplification).

Trước tiên, người Châu Á nói chung giàu không có nghĩa là người Châu Á nào cũng giàu. Lại càng không có nghĩa là người Việt Nam ở Âu-Mỹ sẽ giàu. Người Việt Nam nhìn chung là có mức thu nhập rất tốt, nhưng điều này chủ yếu đến từ việc chúng ta “monopolise” được thị trường sắc đẹp, nail ở các quốc gia này, chứ không phải chúng ta học giỏi hơn người. 

Riêng những nhóm Châu Á giàu nhất thường đến từ Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… 

Đây là những nhóm giàu có và có quyền lực đơn giản vì lịch sử lâu đời của họ ở các quốc gia Âu Mỹ (người Hoa có mặt ở Hoa Kỳ từ thời nước này mới lập quốc), cộng đồng mua bán – làm ăn kinh doanh mạnh và có truyền thống, sự độc quyền về know-how trong một số ngành nhất định (như Ấn Độ và công nghệ thông tin); và thậm chí còn một biến là: ở quốc gia của họ thì họ cũng đã giàu sẵn rồi. 

Một ví dụ khi mình làm việc và trao đổi với một số nhà nghiên cứu và quan chức ở Canada là, người bình thường không thể tưởng tượng được chính phủ Trung Quốc aggressive như thế nào trong việc tài trợ các thương nhân người Hoa thâu tóm các business ở Canada (bao gồm cả doanh nghiệp Việt Nam).

Vậy nên, không thể đơn giản hóa việc người Châu Á giàu và thành công nhờ vào việc học, mà bỏ qua rất nhiều yếu tố quyền lực và chính trị khác. 

*** 

Nhìn chung, việc phổ biến và nghiên cứu các chương trình giáo dục khai phóng ở Việt Nam thật ra không có vấn đề gì, miễn là chúng ta đừng hiểu sai về khái niệm khai phóng (ví dụ như hiểu rằng khai phóng là không học gì, làm biếng, không chịu được áp lực); và diễn giải chủ quan số liệu mà thôi.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here