Home Blog Page 1475

Đài Loan tập trận giả định bị Trung Quốc xâm chiếm

0
RFA

Đài Loan tổ chức một cuộc tập trận bắn đạn thật tại đảo Bành Hồ nằm gần bờ biển Hoa Lục trong ngày 25 tháng 5.

Theo quân đội Đài Loan thì cuộc tập trận mô phỏng một cuộc tấn công đổ bộ từ Hoa Lục của quân đội Bắc Kinh mà quân đội Đài Loan phải chống lại. Người ta thấy các trực thăng bắn hỏa tiễn, và các máy bay ném bom loại F-16 ném bom vào các mục tiêu trên mặt biển giả định là các nhóm quân Trung Quốc.

Trong thời gian gần đây Đài Loan cho rằng Trung Quốc đang gia tăng áp lực quân sự lên đảo Đài Loan. Vì lý do đó Đài Loan đã gia tăng nền công nghiệp quốc phòng của mình bằng cách tự sản xuất tàu ngầm cũng như là phi cơ.

Có mặt để thị sát buổi tập trận tổng thống Đài Loan, bà Thái Anh Văn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của những vũ khí tối tân mà Đài Loan tự sản xuất lấy.

Chưa thấy Trung Quốc lên tiếng về cuộc tập trận, nhưng Bắc Kinh vẫn nói rằng Đài Loan là một phần lãnh thổ của Hoa Lục và Bắc Kinh sẽ dùng vũ lực để thu hồi nếu thấy cần thiết.

TQ yêu cầu Nhật cẩn trọng về radar phòng thủ tên lửa

0

Trung Quốc lên tiếng nói là Nhật Bản nên cẩn trọng trong kế hoạch sản xuất vũ khí của mình, sau khi có tin nói là Tokyo và Washington đang hợp tác để chế tạo một loại radar phòng thủ chống hỏa tiễn.

Nguồn tin trên nói với hãng Reuters rằng Nhật Bản đang bỏ tiền sản xuất loại radar theo kiểu trang bị của tàu chiến Aegis của Mỹ, nhưng sẽ được đặt trên đất liền. Và sở dĩ có kế hoạch này vì Nhật đang e ngại khả năng tấn công bằng hỏa tiễn của Bắc Hàn đang lên cao và có thể bắn bất cứ vị trí nào trên quần đảo Nhật Bản.

Nói với báo chí trong một cuộc họp báo hàng tháng, người phát ngôn bộ quốc phòng Trung Quốc nói rằng chuyện phòng thủ phải dựa trên lòng tin giữa các quốc gia, và sở dĩ Trung Quốc phải dè chừng những động thái quân sự của Nhật Bản vì quá khứ xâm lược của quốc gia này.

Cũng xin nhắc lại là Trung Quốc cũng cực lực phản đối việc lắp đặt hệ thống phòng thủ hỏa tiễn THAAD của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc vì cho rằng hệ thống này có thể dò thám sâu bên trong nội địa Trung Quốc.

Đụng độ Biển Đông: Việt Nam bắt giữ quan chức Indonesia

Hôm 23/5, Indonesia nói nhiều tàu đánh cá Việt Nam đã chạy ra khỏi lãnh hải nước này sau một màn biểu dương lực lượng của cảnh sát biển Việt Nam trên Biển Đông.

AP dẫn nguồn Bộ Hàng hải và Ngư nghiệp Indonesia nói Việt Nam đang cầm giữ một giới chức ngư nghiệp Indonesia trên một trong những chiếc tàu của Việt Nam, trong khi phía Indonesia bắt giữ 11 thuyền viên người Việt.

Indonesia cho biết vụ xung đột xảy ra hôm Chủ nhật ở phía bắc chuỗi đảo Natuna, trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.

Bộ Hàng hải và Ngư nghiệp của Indonesia nói 5 tàu đánh cá Việt Nam đã bị tàu tuần duyên Indonesia chặn lại. Các tàu này nằm dưới sự kiểm soát của Indonesia cho tới khi tàu của cảnh sát biển Việt Nam tới, đâm thủng tàu cá có quan chức Indonesia trên đó, làm chìm tàu. Indonesia cho biết không có ai bị thương.

Bộ Hàng hải và Ngư nghiệp Indonesia cho biết tàu của họ đã rút lui sau khi màn hình radar cho thấy có thêm nhiều tàu cảnh sát biển Việt Nam đang tiến gần, trong khi tàu chiến Indonesia ở cách đó đến 30 phút.

Thi hành chính sách tăng cường kiểm soát vùng lãnh hải rộng lớn của quần đảo, Indonesia trong 2 năm qua đã đánh đắm hàng trăm tàu đánh cá bất hợp pháp trong vùng biển nước này. Trong số đó, rất nhiều tàu treo cờ Việt Nam.

AP dẫn lời ông Rifky Effendi Hardjianto, Tổng thư ký Bộ Hàng hải và Ngư nghiệp Indonesia, nói tại một cuộc họp báo rằng các quan chức Bộ Ngoại giao Indonesia đã gặp Đại sứ Việt Nam. Vụ va chạm này sẽ được giải quyết thông qua các kênh ngoại giao thông thường. Cả hai phía đều đồng ý sẽ tìm cách để tránh tái diễn xung đột.

18 thuyền nhân Việt ở Indonesia được cấp qui chế tị nạn

Ba gia đình từ Bình Thuận vượt biên sang Úc lần thứ nhì đang ở Indonesia, vừa được Cao ủy Tị nạn LHQ (UNHCR) cấp quy chế tị nạn hôm 23/5.

Ba gia đình gồm tất cả 18 người, kể cả 12 trẻ em, đang chờ được một nước thứ ba nhận cho tái định cư, theo chị Grace Bùi, một thiện nguyện viên người Mỹ gốc Việt nhận hỗ trợ nhóm người tị nạn.

Từ Thái Lan, chị Grace Bùi cho VOA Việt ngữ biết:

“Sáng ngày hôm qua, Cao Uỷ Tị nạn LHQ vào trại giam người tị nạn của Sở Di trú. Họ có gọi cho tôi và tôi có nói chuyện trực tiếp cho Cao Uỷ Tị nạn LHQ. Họ nói những người này đã được quy chế tị nạn. Những người tị nạn vẫn lưu tại đó và chờ Cao Uỷ Tị nạn LHQ và Sở Di trú sắp xếp cho họ đi nước thứ ba.”

Họ nói những người này đã được quy chế tị nạn. Những người tị nạn vẫn lưu tại đó và chờ Cao Uỷ Tị nạn LHQ và Sở Di trú sắp xếp cho họ đi nước thứ ba.

Trước đó nhóm tị nạn đã qua hai cuộc phỏng vấn với Cao ủy Tị nạn LHQ vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4.

Chị Grace cho biết chị sẽ sang Indonesia vào tuần sau để liên lạc với chính phủ các nước và vận động các nước này nhận người tị nạn.

“Chúng tôi đang suy nghĩ sẽ tiếp xúc với Mỹ và Canada để xin cho họ. Nhưng điều này cũng chưa chắc chắn. Hiện giờ, ở bên Mỹ dưới Tổng thống mới, họ không chấp nhận người tị nạn trong thời gian ngắn, nhưng chúng tôi vẫn có thể liên lạc với các thượng nghị sĩ và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, hoặc Canada.”

Chị Grace chia sẻ thêm về việc làm thiện nguyện của mình:

“Khi biết được những gia đình này sang Indonesia và không có ai giúp đỡ thì tôi bắt đầu giúp họ bằng cách liên lạc với Cao Uỷ Tị nạn LHQ, và từ đó cứ tiếp tục giúp họ.”

Trên đường vượt biên lần hai vào tháng 2/2017, ghe bị hỏng nên nhóm người vượt biên trôi dạt vào đảo Java của Indonesia.

Ba gia đình này đã một lần vượt biên sang Úc vào năm 2015, nhưng bị bắt và gửi trả về Việt Nam năm 2016. Họ bị Tòa án tỉnh Bình Thuận phạt tổng cộng hơn 6 năm tù giam về tội “tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép”.

Từ trái sang, chị Trần Thị Thanh Loan, Nguyễn Thị Phúc và Trần Thị Lụa
Từ trái sang, chị Trần Thị Thanh Loan, Nguyễn Thị Phúc và Trần Thị Lụa

Chị Trần Thị Thanh Loan bị tuyên 36 tháng tù. Chồng chị, anh Hồ Trung Lợi, bị tuyên án 24 tháng tù giam, và chị Trần Thị Lụa, 30 tháng tù giam.

Chị Loan và chị Lụa được hoãn chấp hành án tù 1 năm để chăm sóc con còn nhỏ. Anh Hồ Trung Lợi, cha của 4 con nhỏ trong nhóm tị nạn, phải chấp hành án tù ở Bình Thuận.

Chị Lụa, mẹ của 3 đứa con còn nhỏ, từng bị chính quyền Việt Nam giam giữ 10 tuần hồi năm 2016.

Trong một cuộc phỏng vấn với VOA-Việt ngữ, chị Lụa cho biết 3 gia đình đã quyết định vượt biên lần thứ nhì, bất chấp anh Lợi bị giam cầm, “để mưu cầu một cuộc sống tốt hơn cho gia đình” vì “án tù quá ác độc”.

4 đứa con của chị Thanh Loan và anh Trung Lợi. (Ảnh: Facebook Võ An Đôn)
4 đứa con của chị Thanh Loan và anh Trung Lợi. (Ảnh: Facebook Võ An Đôn)

Về tình cảnh hiện nay của anh Hồ Trung Lợi, Luật sư Võ An Đôn nói với VOA-Việt ngữ :

“Cách đây mấy hôm tôi có nói chuyện với chị Trần Thị Thanh Loan, chị nói còn vài ngày nữa chồng của chị sẽ ra tù. Trước đây, theo chị Loan thì chồng của chị ở Việt Nam bị đe dọa, nhưng hết hạn tù thì phải thả ra chứ không được giữ thêm một ngày nào khác.”

Trước đó chị Loan nói với ký giả người Úc Shira Sebban rằng chính quyền sẽ không trả tự do cho chồng chị nếu những người vượt biên trái phép không quay về Việt Nam.

Trong một diễn biến liên quan, tuần qua giới hữu trách Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ đã khởi sự các cuộc phỏng vấn ‘thanh lọc kỹ lưỡng’ tại các trại tạm giam người tị nạn ở ngoài khơi Australia, trong khuôn khổ thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và nước Úc đạt được giữa chính phủ Mỹ tiền nhiệm với Canberra, mà Tổng thống Donald Trump từng miêu tả là một ‘thỏa thuận ngu xuẩn.’

Chính quyền của ông Trump hồi tháng trước loan báo sẽ xúc tiến thỏa thuận cho phép 1.250 người đang có mặt tại các trại tị nạn ở ngoài khơi Australia được sang Mỹ tái định cư với điều kiện họ hội đủ điều kiện, sau một tiến trình thanh lọc nghiêm ngặt.

Thủ Tướng Anh nêu vấn đề Mỹ lộ tin về cuộc điều tra khủng bố

An ninh tăng cường tại Anh sau vụ đánh bom Manchester

Thủ Tướng Anh Theresa May cho biết bà sẽ nêu lên quan ngại với Tổng thống Donald Trump về việc Mỹ tiết lộ cho truyền thông những chi tiết về cuộc điều tra vụ đánh bom ở Manchester.

Có mặt ở Bruxelles để dự hội nghị NATO, bà May nói với các nhà báo rằng quan hệ đối tác sâu rộng giữa Hoa Kỳ và Anh về mặt an ninh “đã được xây dựng trên lòng tin và một phần của sự tin tưởng đó là biết rằng mình có thể chia sẻ tin tình báo mà không sợ bị lộ ra ngoài.”

Bà May phát biểu:

“Tôi sẽ nói rõ với Tổng thống Trump rằng tin tình báo được chia sẻ giữa các cơ quan thi hành công lực hai nước, phải được bảo mật.”

Vô cùng phẫn nộ về vụ lộ thông tin, cảnh sát điều tra vụ khủng bố ở Manchester đã ngưng, không chia sẻ thông tin với các đối tác Mỹ nữa, theo giới truyền thông.

Tin tức loan đi hôm thứ Năm cho hay lệnh ngưng chia sẻ thông tin với Hoa Kỳ về hoạt động cảnh sát liên quan tới cuộc tấn công khủng bố mới xảy ra sẽ được áp dụng cho tới khi nào London được Washington trấn an và cam kết không để xảy ra rò rỉ thông tin như vậy nữa.

Nhiều hãng tin đã tiết lộ danh tính của kẻ đánh bom tự sát, dẫn nguồn tin là các giới chức Mỹ, trước khi các quan chức Anh công khai tin này.

Báo The New York Times sau đó còn đăng những tấm ảnh dùng trong cuộc điều tra về cuộc tấn công, cũng chưa được công bố chính thức.

Hạ viện Mỹ điều trần về nhân quyền VN trước chuyến thăm của TT Phúc

Trước chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Mỹ vào ngày 31 tháng 5 tới, một buổi điều trần đã diễn ra tại Hạ viện Mỹ hôm thứ Năm, 25 tháng Năm, nhằm mục đích kêu gọi sự chú ý của hành pháp trước những tiêu cực về tôn giáo và nhân quyền ở Việt Nam trong thời gian qua.

Kêu gọi đề cập vấn đề nhân quyền tại Việt Nam

Các dân biểu Mỹ và đại diện các tổ chức nhân quyền quốc tế và Việt Nam có mặt tại buổi điều trần kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump phải đề cập đến những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam trong cuộc gặp sắp tới với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, coi đây là một lợi ích của nước Mỹ.

Buổi điều trần đặt dưới sự chủ tọa của dân biểu Christopher Smith, chủ tịch nhóm đại diện dân cử về nhân quyền toàn cầu, thành viên cao cấp Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện và Tiểu Ban Y Tế, Nhân Quyền Toàn Cầu Và Các Tổ Chức Quốc Tế trong hạ viện Hoa Kỳ.

Hiện diện trong buổi điều trần do ông Chtis Smith triệu tập hôm thứ Năm 25 còn có chủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại hạ viện Ed Royce và đồng viện Alan Lowenthal.

Thượng đỉnh APEC sắp tới tại Việt Nam mà ông Trump sẽ tham dự, Ân Xá Quốc Tế mong tổng thống Mỹ yêu cầu Việt Nam ít nhất phải trả tự do cho các tù nhân lương tâm trước khi ông đến.
-Ông T Kumar

Những người trong đoàn thuyết trình về tự do tôn giáo và nhân quyền của Việt Nam gồm ông T Kumar, giám đốc quốc tế vận của Amnesty International, tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc điều hành Tổ chức Cứu người vượt biển (BPSOS), và đại diện Cao Trào Nhân Bản Cho Việt Nam.

Tuy nhiên điểm đặc biệt nhất và được chú ý nhiều nhất là sự xuất hiện của cô Nguyễn Thị Mỹ Phượng đến từ tiểu bang Georgia, Hoa Kỳ. Cô Mỹ Phượng là chị ruột của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo Nguyễn Hữu Tấn, được cho là tự cắt cổ chết khi đang bị hỏi cung trong đồn công an tỉnh Vĩnh Long hồi đầu tháng Năm vừa qua. Cô Mỹ Phương nói cô được gia đình bên Việt Nam ủy quyền đi đòi công lý cho em trai Nguyễn Hữu Tấn vì gia đình cho rằng em trai cô bị cứa đứt cổ đến chết chứ không phải tự tử bằng con dao rọc giấy như lời công an nói:

Em đến đây trước hết là em cám ơn tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, ông Chris Smith, ông bà cô bác xa gần đã cùng đồng hành với gia đình của em. Gia đình rất khủng hoảng, lo lắng và sợ sệt, không biết đến lúc nào chuyện gì xảy ra cho nên ba của em không dám nói gì hết. Gia đình ủy quyền hết cho em để em mọi sự kêu oan cho em của em là Nguyễn Hữu Tần chết oan tại đồn công an, bị người ta đập đầu cắt cổ. Em muốn minh oan cho em của em, nó không làm gì tội hết.

Theo nhận định của ông T Kumar, Ân Xá Quốc Tế, thì nhân quyền ở Việt Nam ngày càng xuống dốc mấy năm qua, không một biểu hiện đáng kể nào để gọi là có sự cải thiện, và Ân Xá Quốc Tế cho rằng lúc này là thời gian tốt nhất để tổng thống Trump nêu vấn đề với lãnh đạo Việt Nam:

Thứ nhất, thượng đỉnh APEC sắp tới tại Việt Nam mà ông Trump sẽ tham dự, Ân Xá Quốc Tế mong tổng thống Mỹ yêu cầu Việt Nam ít nhất phải trả tự do cho các tù nhân lương tâm trước khi ông đến. Thứ hai, khi gặp thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng tuần tới, yêu cầu tổng thống Mỹ manh mẽ nêu bật vấn đề quyền con người đồng thời bày tỏ sự thất vọng của ông trước thực trạng nhân quyền không hề được cải thiện, yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam để cho tôn giáo được tự do phát triển, bởi khi người dân được quyền thờ phượng theo đức tin của mình, được hưởng mọi quyền căn bản của con người thì đất nước đó mới được gọi là một đất nước tự do.

Vì sao nhân quyền Việt Nam quan trong đối với Mỹ?

Về câu hỏi tại sao tự do tôn giáo và nhân quyền của Việt Nam lại quan trong đối với lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ và quan trọng đến nhường nào, dân biểu Chris Smith khẳng định:

Việt Nam có thể trở thành một đồng minh hữu nghị của Mỹ, dân tộc Việt Nam là một trong những người bạn người đồng minh thân thiết của Hoa Kỳ. Vấn đề ở đây là chính phủ của đất nước này. Lẽ ra người dân phải được hưởng những điều tốt lành hơn nhưng nhà cầm quyền lại tiếp tục vi phạm tự do tôn giáo, bắt bố đàn áp người bất đồng chính kiến, những nhà hoạt động xã hội, các giáo hội lớn nhỏ như Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Thiên Chúa Giáo vẫn bị sách nhiễu, người theo đạo Tin Lành thì bị đe dọa, thậm chí bị đánh đập và bị buộc chối đạo.

Việt Nam phải là một quốc gia cần đặc biệt quan tâm vì thiếu tự do tôn giáo. Những điểm tôi vừa nêu ra ở đây là nhắm đến chính phủ chứ không phải người dân Việt Nam. Là người đặc biệt quí trọng nhân dân Việt Nam, tôi thực lòng mong mỏi người dân Việt Nam có cuộc sống xứng đáng hơn.

Vẫn theo lời dân biểu Chris Smith, nhân quyền là một giá trị phổ quát và toàn cầu mà Việt Nam đã ký kết nhưng không hề tôn trọng. Việt Nam có những con người quả cảm như luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài và những nhà tranh đấu khác, dân biểu Chris Smith nói tiếp, tiếc rằng những người ấy không được cơ may phục vụ đất nước mà lại bị tù đày, bị sách nhiễu, bị ngược đãi trong tù.

Việt Nam phải là một quốc gia cần đặc biệt quan tâm vì thiếu tự do tôn giáo. Những điểm tôi vừa nêu ra ở đây là nhắm đến chính phủ chứ không phải người dân Việt Nam.
-DB Chris Smith

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, một trong 3 thuyết trình viên, nhấn mạnh những ý chính mà ông tin là có sức thuyết phục trong buổi điều trần:

Tôi muốn chỉ ra rằng trong 12 tháng qua với giới lãnh đạo mới trong đảng cộng sản cũng như trong nhà nước Việt Nam thì không có gì tốt hơn mà nó lại tệ hơn đối với những tôn giáo độc lập với nhà nước. Ví dụ của sự tệ hại hơn đó là trường hợp anh Nguyễn Hữu Tấn bên Phật Giáo Hòa Hảo chết trong đồn công an mới đây.

Chúng tôi đưa ra một số đề nghị cụ thể, đó là tuần tới khi tổng thống Trump gặp ông Nguyễn Xuân Phúc thì hãy yêu cầu dời hội nghị thượng đỉnh APEC khỏi Đà Nẵng bởi Đà Nẵng là nơi đã xảy ra vụ đàn áp Giáo xứ Cồn Dầu cách đây mấy năm. Và hiện nay chính quyền Đà Nẵng cũng đang muốn lấy luôn chùa An Cư của Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất.

Điểm thứ hai chúng tôi yêu cầu Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phải thực thi các luật mới trong đó đặc biệt có luật Magnitsky toàn cầu nhắm vào khoảng 200 giới chức chính quyền mà chúng tôi đã thu thập và chuyển cho Bộ Ngoại Giao để có biện pháp chế tài.

Thứ ba là chúng tôi đề nghị những vị dân biểu quan tâm hãy có thể thức truyền thông trực tiếp với phía chính quyền Việt Nam nhằm nêu quan ngại đối với những vụ đàn áp nhân quyền ngay khi nó xảy rat hay vì chờ đến những cuộc điều trần thì mới nêu lên.

Tại buổi điều trần lần lượt tên tuổi của những tù nhân lương tâm như Nguyễn Văn Đài, Trần Huỳnh Duy Thức, mục sư Nguyễn Công Chính và vợ ông ta, bà Trần Thị Hồng, Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh vân vân… đã được hai vị dân biểu Ed Royce và Alan Lowenthal nhắc đến trong phần trình bày của mình.

Đối với dân biểu Ed Royce, đó là lý do khiến ông đến và lên tiếng hôm nay:

Vấn đề chúng tôi nêu lên hôm nay và vấn đề chúng tôi dùng để thúc đẩy hành pháp quan tâm đến là trong cuộc gặp với thủ tướng Việt Nam xin tổng thống nên yêu cầu ông ta tôn trọng nhân quyền và quyền tự do tín ngưỡng của người dân.

Tôi hài lòng về mối quan hệ nồng ấm giữa Việt Nam với Hoa Kỳ cũng như hy vọng về một tương quan bền vững xây dựng hơn nữa trong những ngày tới. Thế nhưng mối quan hệ tốt đẹp phải được củng cố bằng sự hợp tác liên tục hầu cải thiện dị biệt trong tinh thần tương kính và tôn trọng nhân quyền và thượng tôn luật pháp. Đó là quan điểm của chúng tôi, còn tất cả tùy thuộc vào thiện chí của Việt Nam.

Buổi điều trần hôm thứ Năm kết thúc bằng những phút cảm động khi dân biểu Chris Smith đến bắt tay, trò chuyện và an ủi chị ruột của người quá cố Nguyễn Hữu Tấn.

Dịp này, cô Mỹ Phượng đã trình bày về hoàn cảnh khó khăn gần như bị cô lập mà ba mẹ cô cũng như vợ con anh Nguyễn Hữu Tấn phải gánh chịu sau cái chết tức tưởi của anh.

Dân biểu Chris Smith tỏ ra rất quan tâm đến trường hợp cô Mỹ Phương vừa trình bày. Những ý kiến đề đạt và nghe được hôm nay, ông cam kết, sẽ chuyển những ý kiến này qua hanh pháp để một lần nữa tạo thêm áp lực buộc Việt Nam cải thiện chính sách tôn giáo và nhân quyền đang xuống cấp nghiêm trọng bao năm qua.

Xóm không căn cước

Dưới những túp lều rách nát chen chúc rất nhiều số phận không quốc tịch, không căn cước, không có lấy mảnh đất cắm dùi. Họ từng bơ vơ, lạc lỏng trên Biển Hồ, Campuchia.

Từ năm 2015, chính quyền Campuchia thắt chặt kiểm soát, những người Việt sống lây lất trên Biển Hồ bằng nghề đánh cá, chài lưới phải đóng thuế mỗi năm 250.000 riel để tồn tại, bằng không, sẽ bị bắt nhốt trong trại cải tạo. Hết đường sống, họ quay trở lại quê hương với danh nghĩa Việt kiều Campuchia nhưng không có quốc tịch.

Tôi là Việt Kiều Campuchia, về đây nghèo quá, bởi bên đó cũng nghèo. Tôi quá khổ rồi, bên Miên quá khổ rồi nên mới về tới đây, không có gạo mà ăn. Mà cũng không có chỗ để ở nữa, không có giấy tờ gì cả.

Chị Trần Thị Bé là một người trong số đó, hiện sống tạm bợ ở hồ Dầu Tiếng, Tây Ninh.

“Trên đây rất là khổ. Vợ chồng em về đây được tháng này. Nhà em bảy người, năm đứa con với hai vợ chồng là bảy người. Sống lây lất vậy thôi, bà con cho gạo, muối, thức ăn để sống qua ngày chứ em không có giấy chứng minh nhân dân. Ở đây không ai có giấy chứng minh nhân dân cả, chẳng ai dám mướn mình đi làm. Con cái không đứa nào được đi học cả.”

Một người đồng cảnh ngộ với chị Bé ở xóm này, ông Nguyễn Văn Huyện, cho biết: “Ở bên đó, họ bắt mình đóng thuế mỗi năm 250.000 riel mỗi người. Không đóng thì họ bắt mình đi cải tạo, làm cho đủ số tiền đó mới được về. Năm 2015 đến 2016, Campuchia họ tiến hành làm vụ này.”

Thiếu lương thực, thiếu vệ sinh an toàn thực phẩm, thiếu phương tiện làm ăn, và đặc biệt là thiếu giấy tờ hợp pháp để làm việc, sinh sống là hoàn cảnh chung của hơn hai trăm gia đình người Việt về từ Campuchia đang sống tạm bợ trong những căn chòi hở trước trống sau bên bờ hồ Dầu Tiếng. Đàn ông may mắn lắm mới được người dân địa phương thuê làm việc. Phụ nữ hầu như không ai kiếm được việc làm, quanh quẩn với mẻ lưới, con cá, nải chuối, bó rau mua đi bán lại. Mọi thứ hầu như bế tắc.

“Tôi là Việt Kiều Campuchia, về đây nghèo quá, bởi bên đó cũng nghèo. Tôi quá khổ rồi, bên Miên quá khổ rồi nên mới về tới đây, không có gạo mà ăn. Mà cũng không có chỗ để ở nữa, không có giấy tờ gì cả,” bà Nguyễn Thị Thô chia sẻ với VOA.

Ở bên đó, họ bắt mình đóng thuế mỗi năm 250.000 riel mỗi người. Không đóng thì họ bắt mình đi cải tạo, làm cho đủ số tiền đó mới được về. Năm 2015 đến 2016, Campuchia họ tiến hành làm vụ này.

“Ở đây không có giấy tờ gì cả nên chẳng thể nào đi làm thuê cho ai được. Giờ bên đó (Biển Hồ) cũng không còn cá mắm gì để mà đánh nữa, nên lại về đây. Mà về đây thì đói liên tục. Xin bà con hỗ trợ cho chút gạo để sống,” chị Phạm Văn Lang, một cư dân trong xóm, than thở.

Lương thực, thực phẩm, muối, dầu ăn, nước mắm, rau cải, thịt, trứng, những thứ rất quen thuộc trong bữa ăn hằng ngày của các gia đình bình thường lại là những thứ rất xa lạ, xa xỉ với xóm không căn cước này.

Nguồn nước uống và vệ sinh an toàn thực phẩm ở đây là một vấn đề nhức nhối. Không có chỗ ở ổn định, không có phòng vệ sinh, không có phòng tắm, mọi thứ đều diễn ra theo lối nguyên thủy. Nhưng cũng may là người ta còn có áo quần để mặc.

Những tiếng kêu xin lương thực của xóm không căn cước như một chỉ dấu cho thấy họ vẫn còn liên lạc được với loài người.

Vì sao hàng nghìn người Việt ở lại Mỹ dù quá hạn visa?

Hàng nghìn người Việt nằm trong danh sách người nước ngoài ở quá hạn thị thực ở Hoa Kỳ, trong xu hướng mà giới hữu trách nước này nói là gây “nguy cơ về an ninh quốc gia”.

Theo phúc trình của Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ, công bố đầu tuần này, tính tới cuối năm 2016, con số người Việt ở quá hạn visa đi du lịch hoặc giao thương ở Mỹ là khoảng 3 nghìn người.

Lý do thứ nhất, họ sang bên này với chủ ý ở lại. Cái thứ hai, họ bị ‘gạ’ sang bên này bằng con đường du lịch, với sự hứa hẹn được đi làm này kia, nhưng mà chủ sử dụng lao động, chẳng hạn ở tiệm nail [sơn sửa móng tay] hoặc tiệm ăn, lại không gia hạn cho họ visa. Hoặc là chồng bảo lãnh họ sang xong rồi không làm giấy tờ gì hết, và coi như người vợ kẹt cứng với người chồng, cứ ở suốt ngày trong nhà.

Trong khi đó, con số du học sinh hoặc sinh viên trao đổi của Việt Nam ở quá thời hạn thị thực được cấp là hơn 1 nghìn người.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc Điều hành BPSOS, tổ chức từng giúp đỡ một số người Việt gặp rắc rối vì ở quá hạn visa, nói với VOA Việt Ngữ rằng có nhiều lý do dẫn tới tình trạng này.

Ông nói thêm: “Lý do thứ nhất, họ sang bên này với chủ ý ở lại. Cái thứ hai, họ bị ‘gạ’ sang bên này bằng con đường du lịch, với sự hứa hẹn được đi làm này kia, nhưng mà chủ sử dụng lao động, chẳng hạn ở tiệm nail [sơn sửa móng tay] hoặc tiệm ăn, lại không gia hạn cho họ visa. Hoặc là chồng bảo lãnh họ sang xong rồi không làm giấy tờ gì hết, và coi như người vợ kẹt cứng với người chồng, cứ ở suốt ngày trong nhà”.

Việt Nam nằm trong số các quốc gia có số lượng du học sinh nằm trong top 10 ở Mỹ với con số lên tới hơn 20 nghìn sinh viên, trong khi số du khách Việt tới Mỹ cũng ngày càng tăng, với hàng chục nghìn người mỗi năm.

Việt Nam nằm trong số các quốc gia có số lượng du học sinh nằm trong top 10 ở Mỹ với con số lên tới hơn 20 nghìn sinh viên.
Việt Nam nằm trong số các quốc gia có số lượng du học sinh nằm trong top 10 ở Mỹ với con số lên tới hơn 20 nghìn sinh viên.

 

Ngoài Việt Nam, công dân các quốc gia Đông Nam Á khác cũng nằm trong “danh sách đen” của Bộ An ninh Nội địa Mỹ là Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines hay Thái Lan.

Khi được hỏi lý do vì sao mà người Việt lại chấp nhận rủi ro để ở lại Mỹ, tiến sĩ Thắng nói thêm: “Qua bên này, họ làm ăn, buôn bán được dễ hơn, rồi họ có những khu mà chỉ cần nói tiếng Việt thôi họ cũng có thể lẫn lộn vào trong đó. Ở bên Mỹ dù sao cũng dễ kiếm tiền hơn. Mỗi ngày làm lao động thì cũng kiếm được một số tiền và dành dụm được gửi về trong nước”.

Qua bên này, họ làm ăn, buôn bán được dễ hơn, rồi họ có những khu mà chỉ cần nói tiếng Việt thôi họ cũng có thể lẫn lộn vào trong đó. Ở bên Mỹ dù sao cũng dễ kiếm tiền hơn. Mỗi ngày làm lao động thì cũng kiếm được một số tiền và dành dụm được gửi về trong nước.

Ông Thắng nói thêm rằng tổ chức của ông đã “can thiệp cho một số trường hợp” và chứng minh họ có “đủ tư cách tị nạn hay là nạn nhân của nạn buôn người”.

Theo phúc trình của Bộ An ninh Nội địa, tính tới cuối năm 2016, hơn 600 nghìn người tới thăm Hoa Kỳ vẫn ở lại nước này, dù đã hết hạn visa.

Cho dù con số này rất nhỏ so với khoảng 50 triệu người tới thăm Mỹ, Bộ này nói trong phúc trình trên rằng những người ở quá hạn thị thực gây ra một “nguy cơ về an ninh quốc gia”.

Tin cho hay, hai kẻ không tặc trong vụ khủng bố 11/9 ở Mỹ, khiến hàng nghìn người thiệt mạng, cũng từng thuộc diện này.

Các quốc gia châu Phi nằm trong số các nước có tỷ lệ người ở quá hạn visa tại Mỹ nhiều nhất trong phúc được công bố trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Donald Trump “mạnh tay” với các di dân không có giấy tờ hợp lệ, nhất là từ quốc gia láng giềng Mexico.

Mỹ muốn Australia giúp trong vấn đề Biển Đông

0

Australia sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong kế hoạch về châu Á-Thái Bình Dương của Tổng thống Trump để chống lại thái độ hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông.

Trong một cuộc phỏng vấn với báo The Australian, Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện nói việc tăng cường lực lượng hải quân sẽ được Hoa Kỳ và Australia thực hiện nhằm mục tiêu “hòa bình bằng sức mạnh” tại Thái Bình Dương.

Thượng nghị sĩ John McCain, tuần tới sẽ đến Australia để gặp Thủ tướng Malcolm Turnbull. Ông cho biết Australia sẽ đóng một vai trò lớn hơn theo chiến lược mới của Hoa Kỳ.

Ngân sách 2018 mà Tổng thống Trump đề nghị kêu gọi gia tăng chi tiêu quân sự lên thành 574 tỉ đô la, hơn năm ngoái 10%.

Thượng nghị sĩ McCain cũng hoan nghênh việc Thủ tướng Turnbull quyết định sử dụng 89 tỉ đô la để thay thế và tân trang hạm đội của Hải quân Hoàng gia Australia.

(Nguồn Daily Telegraph/The Australian)

Đối thoại là văn minh, độc thoại là đáng khinh

Ngày 18/5 vừa qua, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đã tuyên bố rằng đảng cộng sản “không sợ đối thoại, không sợ tranh luận” đã gây chú ý trong người dân và nhất là tầng lớp trí thức.

Đảng cộng sản “không sợ đối thoại”?

Khi ông Thưởng phải khẳng định “không sợ” tức là để phủ định ý kiến trong dân chúng là đảng cộng sản rất sợ đối thoại. Thế thì tại sao lại có dư luận như vậy, dù rằng đảng cộng sản đang cầm quyền, muốn bắt ai thì bắt?

Ngược lại lịch sử, ngay từ năm 1958, đảng Lao Động, tên trước đây của đảng cộng sản, trong vụ án Nhân văn Giai phẩm, đã phải đàn áp các nhân sỹ trí thức dám nêu các ý kiến phản biện lại đường lối của đảng. Ngay từ thời điểm đó, giới lãnh đạo của đảng cộng sản đã biết rõ không thể biện minh được cho các chính sách của đảng, nhất là chính sách độc quyền chính trị, nếu tất cả được đem ra thảo luận công khai.

Việc ông Thưởng cho biết Ban bí thư đang thông qua vấn đề trao đổi, đối thoại cho thấy trên đất nước Việt Nam này, đến giờ phút này, người dân vẫn không thể trao đổi thẳng thắn với nhau và với đảng cầm quyền trên nền tảng một nền báo chí tự do. Cũng có nghĩa là Việt Nam hoàn toàn không có dân chủ, vì như Hồ Chí Minh đã nói: “Dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng ra”.

Thật vậy, ở Việt Nam hoàn toàn không hề có báo chí tư nhân trong khi thời thực dân Pháp vẫn có rất nhiều nhà xuất bản tư nhân được hoạt động. Cuộc Cách mạng tháng Tám hóa ra lại đưa dân tộc vào thế bị kìm kẹp ghê gớm hơn về mặt tự do ngôn luận, trong khi “tự do ngôn luận là linh hồn của mọi thứ tự do” (Voltaire).

Những người phản biện, góp ý ôn hòa cho giới lãnh đạo cộng sản đều bị sách nhiễu, bức hại, tiêu biểu như tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức đang chịu án tù 16 năm vì cái “tội” thành lập “Nhóm nghiên cứu Chấn” để góp ý chính sách cho nhà cầm quyền.

Ngay cả những đảng viên cộng sản muốn góp ý cho giới lãnh đạo cũng rất dễ bị chụp ngay cái mũ “tự diễn biến, tự chuyển hóa” như nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4, khóa 12 đã cho thấy.

Do đó, tôi cho rằng các lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam rất sợ đối thoại một cách sòng phẳng và trung thực với người dân, với trí thức, thậm chí cả với chính các đảng viên cộng sản.

Những điểm đồng thuận để thảo luận

Việc thảo luận nhằm chỉ ra cho đúng gốc rễ vấn nạn của đất nước và đưa ra giải pháp cho quốc gia. Thật ra từ đảng cộng sản cho đến thành phần đối lập cũng đều nhận thấy mục tiêu của quốc gia phải là “dân chủ, công bằng, văn minh”, dù cách diễn đạt có khác nhau. Đó là điểm đồng thuận rất lớn. Khác biệt nằm ở cách thức đi đến mục tiêu đó.

Thứ nhất, “dân chủ” nghĩa là dân làm chủ, dân là chủ qua nhà nước cộng hòa chính danh. Thế thì dân đã được bầu lãnh đạo quốc gia chưa hay một đảng tự tiếm quyền dân và tự cho mình được độc quyền lãnh đạo qua một bản Hiến pháp do đảng đó tự thông qua? Đại biểu quốc hội do dân bầu ra hay do “cơ cấu”, “quy hoạch” của một đảng?

Thứ hai, tạo dựng một xã hội “công bằng” phải thông qua pháp luật chuẩn mực, áp dụng bình đẳng như nhau cho tất cả mọi người, bắt đầu từ bản Hiến pháp chuẩn mực được toàn dân phúc quyết. Bản Hiến pháp hiện tại chỉ ưu tiên cho một nhóm người trong xã hội là đảng cộng sản được độc quyền cai trị mà không cần do dân bầu, bắt lực lượng vũ trang là con em nhân dân phải trung thành với một đảng. Vậy có “công bằng” không?

Thứ ba, “văn minh” trong chính trị chính là tinh thần “đa nguyên hợp tác, đoàn kết quốc gia, thượng tôn pháp luật”. Đa nguyên chống đối hay chống phá không phải là văn minh. Chia rẽ quốc gia, dán nhãn người Việt với nhau là “thế lực thù địch” cũng không phải là văn minh. Độc quyền nhà nước đứng trên Hiến pháp và pháp luật càng không phải là văn minh.

Người Việt là đồng bào nên cần hợp tác với nhau, thảo luận với nhau để cùng nhau xây dựng đất nước chứ không phải chỉ trích, chống đối nhau, nhìn nhau như thù địch. Một nước Việt chia rẽ, có nội chiến, bất ổn, sẽ là mồi ngon cho ngoại xâm đang chực chờ ra tay.

Mục tiêu do đảng cộng sản đề ra là đúng đắn nhưng hành vi thì ngược ngạo. Việc bây giờ là các lãnh đạo cộng sản phải công nhận sự thật và nói đi đôi với làm. Quốc gia đang cần các lãnh đạo chính trực với nhân dân và với pháp luật chuẩn mực.

Điều kiện để đối thoại

Nói đến chính trị là nói đến thế lực. Để hai bên đàm phán với nhau thì thế và lực của hai bên phải tương xứng với nhau. Trong trường hợp nhà cầm quyền nuốt lời thì bên còn lại có đủ thế và lực để buộc nhà cầm quyền phải tôn trọng thỏa thuận.

Đến giờ phút này, nhà cầm quyền chỉ đối thoại về vấn đề nhân quyền với Mỹ, Liên minh châu Âu, Thụy Sĩ, Na Uy và Úc, hoàn toàn phớt lờ tiếng nói của người dân trong vấn đề nhân quyền.

Lý do cũng là vì chưa có tổ chức chính trị nào đủ đông, uy tín, ôn hòa có được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân và sự hậu thuẫn của cộng đồng quốc tế để có thể đứng ra đàm phán với các lãnh đạo cộng sản.

Tướng công an Trương Giang Long trong một đoạn clip dài 30 phút cũng nói rõ: “Trong các nhân tố mà Mỹ phân tích về Việt Nam, thì Mỹ cũng thấy rất rõ, không có một đảng phái chính trị nào có thể lãnh đạo quản lý đất nước bằng đảng cộng sản Việt Nam”.

Các đời Tổng bí thư nào của đảng cộng sản cũng phải nhắc nhở lực lượng vũ trang là tuyệt đối không để hình thành các tổ chức chính trị đối lập.

Cần các đảng chính trị chân chính

Do vấn đề Việt Nam là vấn đề chính trị nên nó chỉ được giải quyết tận gốc bằng những đảng chính trị, bằng những con người chính trị, cũng như ở Nam Phi với đảng Đại hội quốc gia dân tộc Phi (ANC), Miến Điện với đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD).

Cũng như Nam Phi hay Miến Điện, thời gian để xây dựng một chính đảng ở tầm quốc gia trong hoàn cảnh bị đàn áp khắc nghiệt có thể lên tới hàng chục năm.

Lực lượng nào sẽ có đủ ý chí kiên trì để làm chuyện này? Đảng nào sẽ đứng ra đàm phán với đảng cộng sản một cách sòng phẳng trong tư thế bình đẳng, với tình tự dân tộc?

Đảng cầm quyền cũng nên nhớ rằng dân tộc Việt Nam này “tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có” (Bình Ngô đại cáo – Nguyễn Trãi). Do đó, đối thoại thực tâm với dân là con đường tiến lên phía trước, còn cứ mãi độc thoại thì sẽ mãi “độc tài, bất công, lạc hậu” chứ không phải “dân chủ, công bằng, văn minh”.

* Bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Thạc sỹ tin học Nguyễn Tiến Trung, cựu tù nhân chính trị, hiện vẫn đang bị quản chế, sinh sống tại Sài Gòn.