Home Blog Page 1472

Thủ tướng Việt Nam làm gì ở Mỹ?

VOA

Ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ có các cuộc tiếp xúc cấp cao Việt – Mỹ đầu tiên dưới chính quyền của Tổng thống Donald Trump, và gặp người đứng đầu Liên Hiệp Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 25/5 cho biết rằng chuyến đi “nhằm triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam” cũng như “đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, các nước lớn, trong đó có Hoa Kỳ”.

Tin cho hay, trong khuôn khổ chuyến đi mà Hà Nội mong đợi sau khi tỷ phú bất động sản đắc cử, kéo dài từ ngày 29 tới 31/5, người đứng đầu chính phủ Việt Nam sẽ hội đàm với ông Trump; tiếp xúc một số nghị sĩ và bộ trưởng; dự tọa đàm với sự tham dự của các doanh nghiệp Hoa Kỳ; phát biểu tại Quỹ Di sản (Heritage Foundation); tới thành phố New York để hội kiến Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ.

Đầu tháng Năm, đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh từng tiếp xúc với Thượng nghị sĩ John McCain.

Đầu tháng Năm, đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh từng tiếp xúc với Thượng nghị sĩ John McCain.

Chưa rõ là ông Phúc sẽ gặp dân biểu và thượng nghị sĩ nào, nhưng trong một động thái cho thấy Hà Nội đặt ưu tiên vào việc vận động cơ quan lập pháp Mỹ, xuất hiện vị trí tham tán phụ trách các vấn đề quốc hội Mỹ tại cơ quan đại diện ngoại giao ở thủ đô Washington DC. Theo trang web của Đại sứ quán Việt Nam, một nhà ngoại giao nữ tên Phạm Thu Hằng đang nắm nhiệm vụ này.

Đầu tháng, đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh từng tiếp xúc với hai nhân vật có liên quan tới Việt Nam là Thượng nghị sĩ John McCain và nữ dân biểu gốc Việt đầu tiên tại quốc hội Mỹ, bà Stephanie Murphy, nhằm “thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện” giữa hai nước và “thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao”.

Trước đó, đại diện ngoại giao hàng đầu của Việt Nam tại thủ đô Washington DC đã gặp dân biểu Ted Yoho, Chủ tịch tiểu ban châu Á – Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, sau khi ông Vinh có buổi tiếp đón nhiều nhân viên của các nhà lập pháp Mỹ.

Dân biểu Chris Smith, Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Toàn cầu của Hạ viện Mỹ, hôm 25/5 chủ trì một buổi điều trần về nhân quyền Việt Nam.

Dân biểu Chris Smith, Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Toàn cầu của Hạ viện Mỹ, hôm 25/5 chủ trì một buổi điều trần về nhân quyền Việt Nam.

Trong các vấn đề ông Phúc dự kiến thảo luận với các quan chức chủ nhà, nữ phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng không nêu nhân quyền, nhưng phía Mỹ lâu nay vẫn khẳng định rằng thúc đẩy vấn đề này “là một phần sống còn trong chính sách đối ngoại của Mỹ và là một thành phần quan trọng trong cuộc đối thoại tiếp diễn giữa hai nước trong khuôn khổ Đối tác Toàn diện Việt – Mỹ”.

Ít ngày trước chuyến công du của ông Phúc, dân biểu Chris Smith, Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Toàn cầu của Hạ viện Mỹ, hôm 25/5 chủ trì một buổi điều trần với chủ đề “Việt Nam: Vì sao nhân quyền và tự do tôn giáo lại mang tính sống còn đối với các quyền lợi quốc gia của Mỹ”.

Thông cáo trích lời nhà lập pháp, vốn từng nhiều lần chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Việt Nam nhưng bị Hà Nội phản bác, nói rằng “khi Thủ tướng Việt Nam thăm Hoa Kỳ vào cuối tháng này, chính quyền của [ông] Trump có một cơ hội để khẳng định rằng người dân Mỹ sẽ không ủng hộ việc đàn áp các nhóm tôn giáo, các nhà dân chủ, các blogger, và các nhà báo”.

Trong cuộc họp báo thường kỳ ở Hà Nội hôm 25/5, khi được hỏi rằng liệu vấn đề Biển Đông có được mang ra thảo luận hay không, nữ phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng ông Phúc sẽ “trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong thời gian tới, đặc biệt trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, giáo dục, khắc phục hậu quả chiến tranh” cũng như thảo luận “các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, vì hòa bình, ổn định và sự phát triển của khu vực và trên thế giới”.

Trong chuyến thăm Mỹ tháng trước, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã thảo luận về vấn đề Biển Đông với quan chức chủ nhà.

Trong chuyến thăm Mỹ tháng trước, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã thảo luận về vấn đề Biển Đông với quan chức chủ nhà.

Tháng trước, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tới Mỹ trong chuyến đi mà nhiều nhà quan sát cho là tiền trạm cho chuyến công du của ông Phúc.

Thông tin trên trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết rằng tình hình Biển Đông đã được mang ra trao đổi trong khi ông Minh tiếp xúc với Ngoại trưởng Rex Tillerson và Cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster.

Hai quan chức Mỹ được trích lời “khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh an toàn và tự do hàng hải tại Biển Đông, ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hoà bình, dựa trên các tiến trình ngoại giao và pháp lý và trên cơ sở luật pháp quốc tế…” Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Nhà Trắng không công bố thông tin chi tiết về các cuộc thảo luận này.

Trả lời VOA News, ông Murray Hiebert từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở thủ đô Washington nhận định rằng Việt Nam “muốn nắm chính sách và chiến lược của Mỹ về Biển Đông cũng như các hoạt động của Trung Quốc tại đó, nhất là khi Washington đang hướng tới Bắc Kinh để khống chế chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Hàn”.

Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang tới Trung Quốc hơn 10 ngày trước chuyến công du Mỹ của ông Phúc.

Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang tới Trung Quốc hơn 10 ngày trước chuyến công du Mỹ của ông Phúc.

Chuyến thăm Mỹ của ông Phúc diễn ra hơn 10 ngày sau khi Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang công du Trung Quốc, và tin cho hay, đôi bên đã “nhất trí kiểm soát bất đồng ở Biển Đông”.

Ông Brian Eyler, Giám đốc chương trình Đông Nam Á của trung tâm nghiên cứu Stimson, cho rằng các quốc gia Đông Nam Á thường thận trọng trong chiến lược làm bạn với các cường quốc, và “không một nước nào muốn bị cuốn quá sâu vào tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, Mỹ, hay bất kỳ một các cường quốc nào khác”.

Chính quyền Hà Nội lâu nay vẫn bị chỉ trích là “đu dây” giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng Việt Nam luôn nhấn mạnh “không dựa vào nước này để chống nước kia”.

Ông Phúc đi Mỹ, truyền thông quốc tế nói gì?

VOA

Báo chí nước ngoài nói rằng Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc giành “thắng lợi lớn” khi trở thành quan chức Đông Nam Á đầu tiên tới thăm Nhà Trắng dưới chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tin cho hay, ông Phúc sẽ bắt đầu chuyến công du vào ngày 29/5, và hội kiến với nguyên thủ nước chủ nhà vào ngày 31/5. Đây là chuyến đi Mỹ đầu tiên của nhà lãnh đạo chính phủ Việt Nam sau khi nhậm chức năm ngoái.

Trong bài báo có tựa đề “Sau khi nói chuyện với Trung Quốc về Trung Quốc, Việt Nam tới Washington để làm điều tương tự”, một bài báo của tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng viết rằng “khó có thể đoán định kết quả của cuộc hội đàm”.

Thủ tướng Việt Nam làm gì ở Mỹ?

Vì sao hàng nghìn người Việt ở lại Mỹ dù quá hạn visa?

Tờ báo có trụ sở ở Hong Kong viết tiếp: “Trọng tâm của ông Phúc nhiều khả năng là Biển Đông và thương mại. Ông ấy có thể gây ngạc nhiên cho ông Trump bằng đề nghị mua thêm vũ khí”.

“Ông Phúc nhiều khả năng sẽ không đề nghị sự trợ giúp trực tiếp để [đương đầu] với Trung Quốc vì thời gian qua, Việt Nam đã tự thân duy trì sự ổn định địa chính trị”, bài báo viết tiếp.

Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng nêu ví dụ về chuyện quan chức hai nước trong tháng này có các cuộc gặp nhằm thúc đẩy “tình đồng chí”, nhất là chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Chủ tịch Việt Nam trong chuyến thăm Trung Quốc đầu tháng này.

Chủ tịch Việt Nam trong chuyến thăm Trung Quốc đầu tháng này.

Hãng tin Reuters viết rằng “cuộc gặp với ông Trump vào thứ Tư tới là một thắng lợi lớn đối với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi ông sẽ là lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên tới thăm Nhà Trắng dưới chính quyền mới”.

Hãng tin Anh cho rằng đó là kết quả của “các cuộc gọi, các lá thư, các cuộc tiếp xúc ngoại giao và các chuyến thăm cấp thấp khởi sự từ trước cả khi ông Trump nhậm chức ở Washington, nơi Việt Nam vẫn duy trì một nhà vận động được trả giá 30 nghìn đôla một tháng”.

Reuters dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Katrina Adams nói rằng “mối quan hệ đối tác Việt – Mỹ là một thành tố quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.

Hãng này cũng trích lời một cựu quan chức cấp cao của Mỹ nói rằng ông Trump “có thể phàn nàn với thủ tướng Việt Nam về tình trạng thâm hụt thương mại”.

Một bài viết có tựa đề “Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ: Câu chuyện của ‘Tự do’ và ‘Công bằng’ trên trang web của chính phủ Việt Nam viết rằng “điều phải đến đã đến. Tổng thống Donald Trump sẽ đến Việt Nam năm nay (2017) sau chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc”.

“Hy vọng rằng quan hệ song phương Việt Mỹ không chỉ ấm lên cho Việt Nam hay cho Hoa Kỳ, mà cho cả vùng châu Á-Thái Bình Dương”, VGP News viết.

2 người chết trong vụ thóa mạ chủng tộc ở Oregon

VOA

Hôm 26/5, trên một đoàn tàu chạy chặng ngắn ở Portland, thuộc bang Oregon miền tây Hoa Kỳ, hai hành khách đã thiệt mạng và người thứ ba nhập viện trong tình trạng nguy kịch sau khi họ cố ngăn chặn một người đàn ông khác thóa mạ sắc tộc và tôn giáo đối với ở hai phụ nữ trẻ có vẻ là người Hồi giáo. Một trong số hai phụ nữ có mang khăn trùm đầu hijab.

Cảnh sát cho hay hôm 27/5 họ sẽ điều tra về những gì được xem ý thức hệ cực đoan của người đàn ông Oregon được xác định danh tính là Jeremy Joseph Christian. Người này bị cáo buộc đã đâm hai hành khác kể trên.

Thị trưởng thành phố Portland Ted Wheeler cho biết chính quyền sẽ có biện pháp bảo vệ tất cả mọi người.

Ông nói: “Chúng tôi sẽ làm tất cả mọi việc trong khả năng để đảm bảo rằng mọi người thuộc mọi chủng tộc và sắc tộc đều được an toàn trong thành phố của chúng tôi. Hiện nay có quá nhiều hận thù trên thế giới, và quá nhiều bạo lực. Bầu không khí chính trị hiện thời của chúng ta trao quá nhiều không gian cho những người truyền bá niềm tin mù quáng. Những lời lẽ hung bạo có thể dẫn đến bạo lực. Tất cả những lãnh đạo dân cử ở Mỹ, tất cả những người có lương tâm tốt phải làm việc với chủ ý thay đổi cuộc đối thoại chính trị của chúng ta”.

Christian đã đâm ba nam hành khách, giết chết một người tại hiện trường, người thứ hai chết tại bệnh viện, và người ba bị thương nặng, nhưng không nguy hiểm đến tính mạng. Hai người phụ nữ đã rời tàu trước khi cảnh sát đến.

Christian, một kẻ có tiền án 35 tuổi, đang bị cảnh sát giam giữ. Hắn ta bị bắt không lâu sau vụ tấn công hôm 26/5 và đang bị giam ở Nhà tù Quận hạt Multnomah với cáo buộc về các tội giết người dã man, cố sát, hăm dọa và tàng trữ vũ khí khi chưa hết tiền án.

Hội đồng Quan hệ Mỹ-Hồi giáo, CAIR, đã ra tuyên bố nói họ quy trách nhiệm về sự gia tăng các vụ chống Hồi giáo cho những lời lẽ chống di dân của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Mỹ không đồng thuận với khối G-7 về biến đổi khí hậu

VOA

Trong một diễn biến chưa từng có, một thông cáo của Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Bảy Cường quốc đã dành một vị trí riêng biệt cho Mỹ để nước này có lập trường khác với lập trường chung của các nước còn lại ở một vấn đề lớn.

Trong một bản thông cáo cuối cùng được tiết giảm, tất cả các quốc gia G-7, ngoại trừ Mỹ, đều tuyên bố sẽ hành động để khắc phục tình trạng biến đổi khí hậu.

“Hoa Kỳ đang trong quá trình duyệt lại những chính sách về biến đổi khí hậu và Thỏa thuận Paris và do đó không ở trong vị thế có thể tham gia sự đồng thuận về những chủ đề này,” thông cáo viết. “Hiểu được quá trình này, các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ của Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Anh cùng Chủ tịch Hội đồng Châu Âu và Ủy hội Châu Âu tái khẳng định lại cam kết mạnh mẽ của họ nhanh chóng thực thi Thỏa thuận Paris.”

Thông cáo này cho biết Mỹ cần “thêm thời gian” để quyết định liệu họ có rời bỏ thỏa thuận mang tính bước ngoặt này hay không để giảm thiểu phát thải carbon do các đại diện của 195 quốc gia đồng ý vào hai năm trước.

“Tôi sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về Thỏa thuận Paris vào tuần sau!” Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter từ Sicily trong tài khoản cá nhân của mình lúc gần kết thúc bữa trưa làm việc của G-7.

“Tôi đã nói với Donald Trump rằng việc Mỹ tiếp tục tham gia trọn vẹn trong thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris là điều thiết yếu,” Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói với các phóng viên.

Thủ tướng Đức Angela Merkel nói thỏa thuận khí hậu quan trọng đến mức không nên có bất kỳ thỏa hiệp nào về nó.

“Toàn bộ cuộc thảo luận về khí hậu là rất khó khăn, nếu không nói là gây bất mãn,” nhà lãnh đạo Đức nói với các phóng viên. “Không có chỉ dấu nào cho thấy Mỹ sẽ ở lại trong Thỏa thuận Paris hay không.”

“Đã có sự trao đổi quan điểm rất thẳng thắn về chủ đề này,” Gary Cohn, cố vấn kinh tế hàng đầu của Trump cho biết.

Nhưng ông Trump có đồng ý về ngôn từ trong thông cáo ở phần nói về thương mại, rằng ông nhất trí chống lại chủ nghĩa bảo hộ mặc dù ông thường nhắc đi nhắc lại khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” trong vấn đề thương mại.

Trong bài phát biểu trước các quân nhân Mỹ tại Căn cứ Không quân Sigonella, Tổng thống không nhắc tới bất kỳ bất đồng nào với sáu quốc gia khác, nói rằng hội nghị thượng đỉnh là “cuộc họp mang lại nhiều kết quả hết sức to lớn” và “chúng tôi kết bạn với rất nhiều người trong tuần này.”

Trong một biến khác cũng trái với truyền thống G-7, Tổng thống Mỹ đã không tổ chức họp báo sau khi hội nghị thượng đỉnh kết thúc. Ông là nhà lãnh đạo duy nhất không nói chuyện với báo giới.

Thay vào đó, ông Cohn và cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống, Tướng H.R McMaster, ra trình bày với nhóm phóng viên tháp tùng Nhà Trắng, nhưng camera không được phép ghi hình họ.

Châu Âu không yên lòng sau chuyến thăm của Trump

VOA

Tối 27/5, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sean Spicer tuyên bố rằng chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Donald Trump trên cương vị tổng thống Mỹ đã thành công. Tuyên bố này được viết trên Twitter vào lúc nhà lãnh đạo Hoa Kỳ bay về Washington “sau 9 ngày rất hiệu quả”.

Phản ứng của châu Âu – đặc biệt là ở hai thủ đô lớn là Berlin và Paris – về chuyến thăm của ông Trump lại rất khác so với mô tả của Tòa Bạch Ốc; và người ta không dùng từ “thành công”.

Các quan chức châu Âu nói các đồng minh hai bờ Đại Tây Dương hiện tại không đoàn kết hơn so với thời điểm trước khi ông Trump đến, và họ tin rằng châu Âu sẽ phải hành động độc lập hơn nữa – điều mà họ đã tiên liệu sau khi ông Trump được bầu.

Đối với họ, Washington không còn là đồng minh có thể trông cậy được nữa. Và đó cũng là quan điểm của phần lớn báo chí châu Âu. Các tít báo trong tuần đã cung cấp thông tin đối lập lại lời mô tả của Tòa Bạch Ốc về các cuộc họp G7.

Người châu Âu đã hy vọng chuyến thăm của ông Trump có thể cài đặt lại mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương vốn bị xáo trộn do việc ông được bầu làm tổng thống. Họ hy vọng rằng tổng thống Mỹ sẽ được thuyết phục và nhìn thế giới thông qua con mắt của họ nhiều hơn. Nhưng từ Brussels đến Sicily, có những nụ cười gượng gạo, những sự lúng túng, và những rạn nứt không cần che giấu về một loạt vấn đề – từ thương mại, di dân cho đến các lệnh trừng phạt đối với Nga, và biếnđổi khí hậu.

Các nhà lãnh đạo và các quan chức châu Âu phàn nàn với giới truyền thông rằng ông Trump và các cố vấn của ông không biết gì về các dữ kiện cơ bản, đặc biệt là thương mại xuyên Đại Tây Dương.

Các quan chức Đức nói với Süddeutsche Zeitung rằng ông Trump và các phụ tá của ông đều có ấn tượng là Mỹ có các thoả thuận thương mại riêng biệt với từng quốc gia EU.

Tờ Le Monde của Pháp đã cáo buộc ông không đưa ra một tuyên bố rõ ràng khẳng định lại Điều 5 của Hiệp ước NATO, theo đó đảm bảo hỗ trợ nhau trong trường hợp xảy ra tấn công vũ trang. Tờ báo cũng chỉ trích việc rao giảng với các nhà lãnh đạo châu Âu về việc chia sẻ gánh nặng tài chính.

Giới truyền thông châu Âu hôm 27/5 tập trung sự chú ý vào độ ngắn gọn của tuyên bố chung khi bế mạc hội nghị thượng đỉnh G7 dài 2 ngày ở Sicily. Tuyên bố chỉ dài hơn 5 trang, so với 32 trang hồi năm ngoái. Nhiều cây viết xã luận cho rằng điều này thể hiện sự thiếu đồng thuận giữa Hoa Kỳ và các thành viên G7 khác.

Việc ông Trump từ chối tái khẳng định hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 nhằm mục đích kiềm chế phát thải khí nhà kính đã trở thành các tít báo lớn liên quan đến hội nghị thượng đỉnh G7 ở Sicily. Các nhà bình luận châu Âu lưu ý rằng nhìn chung các tư tưởng đã không tìm được nhiều điểm chung về vấn đề này.

Báo chí Italia ghi nhận sự thất vọng của Thủ tướng Paolo Gentiloni khi ông nỗ lực tìm cách đạt được sự ủng hộ của Mỹ cho một mối quan hệ hợp tác mới giữa các quốc gia G7 và châu Phi liên quan đến viện trợ và đầu tư nhằm ngăn chặn dòng người di cư qua vùng Địa Trung Hải.

Các tờ báo châu Âu giờ đây gọi G7 là G6+1.

Các báo dẫn lời Thủ tướng Đức Merkel phát biểu khi hội nghị thượng đỉnh gồm lãnh đạo các quốc gia tiên tiến nhất thế giới về kinh tế sắp bế mạc.

Bà nói: “Cuộc thảo luận về vấn đề khí hậu thật khó khăn, nếu không nói là không đạt yêu cầu. Ở đây, chúng tôi có tình huống là sáu nước chống lại một, có nghĩa là vẫn không có dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ vẫn còn tham gia hiệp định Paris hay không”.

Jon Henley, phóng viên chuyên mảng các vấn đề châu Âu của tờ Guardian, đã đánh giá về chuyến đi của ông Trump: “May sao, chuyến đi có lẽ đã trôi qua không có thảm hoạ nào, nhưng chuyến đi xuyên Đại Tây Dương đầu tiên của ông Donald Trump với tư cách tổng thống Hoa Kỳ vẫn còn khiến cho các nhà lãnh đạo châu Âu run rẩy”.

TQ ‘bất mãn’ với tuyên bố G7 về Biển Đông, Biển Hoa Đông

VOA

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng hôm 28/5 nói Trung Quốc “rất bất mãn” về tuyên bố của nhóm G7 đề cập đến Biển Đông và Biển Hoa Đông. Ông Lục nói các nước G7 nên ngừng đưa ra những phát biểu vô trách nhiệm.

Người phát ngôn này nói Trung Quốc cam kết giải quyết thích đáng các tranh chấp với các nước liên quan thông qua thương thuyết trong khi duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Ông Lục cho hay Trung Quốc hy vọng G7 và các nước khác sẽ kiềm chế, tránh đưa ra quan điểm, đồng thời tôn trọng các nỗ lực trong việc giải quyết tranh chấp của các nước ở khu vực.

Trong tuyên bố chung hôm 27/5, các lãnh đạo G7 nói họ quan ngại về tình hình Biển Đông và Biển Hoa Đông. Họ cũng kêu gọi phi quân sự hóa “các thực thể có tranh chấp”.

Cho đến tối 28/5, Việt Nam chưa có phát biểu chính thức liên quan đến tuyên bố của G7.

Hồi giữa tháng 4 năm ngoái, khi các ngoại trưởng G7 ra tuyên bố bày tỏ quan ngại đối với tình hình Biển Đông và Biển Hoa Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khi đó, ông Lê Hải Bình, cho biết Việt Nam “hoan nghênh” tuyên bố của hội nghị ngoại trưởng G7 “theo mục tiêu chung là đảm bảo an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không, an ninh biển và tôn trọng luật pháp quốc tế”.

Ông Bình cũng nói rằng Việt Nam “đề nghị các bên có những đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình ổn định và thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương”.

Trung Quốc đòi chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, trong khi Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Brunei và Malaysia cũng đòi chủ quyền đối với nhiều phần chồng lấn ở vùng biển.

Ở Biển Hoa Đông, Trung Quốc có tranh chấp với Nhật Bản về một số đảo nhỏ không có người ở.

Mỹ đã chỉ trích việc Trung Quốc xây các đảo nhân tạo và tăng cường các cơ sở quân sự ở Biển Đông. Mỹ quan ngại rằng các cơ sở đó có thể được sử dụng để hạn chế tự do hàng hải cũng như để mở rộng tầm hoạt động chiến lược của Trung Quốc.

Đầu tuần vừa qua, một tàu chiến của Hải quân Mỹ đã tiến hành cuộc tuần tra vì tự do hàng hải gần Đá Vành khăn (Mischief Reef) thuộc quần đảo Trường Sa có tranh chấp.

Cuộc tuần tra lần đầu dưới thời Tổng thống Trump đã gây ra phản ứng tức giận từ Bắc Kinh.

Nhóm G7 gồm có các nước Mỹ, Pháp, Canada, Đức, Anh, Y và Nhật.

(theo Reuters, truyền thông Việt Nam)

Gần 100 lính Afghanistan bị giết trong một tuần

0

VOA

Một kẻ thâm nhập thuộc Taliban đã bắn chết 6 lính chính phủ ở miền nam Afghanistan, đưa số binh sĩ và nhân viên cảnh sát bị các phần tử phiến quân giết trong tuần vừa qua lên gần 100.

Các quan chức Afghanistan cũng như phía phiến quân nói vụ việc của “kẻ nội gián” xảy ra trong đêm tại một tiền đồn an ninh ở tỉnh Zabul. Trong vụ này, một nhân viên cảnh sát đã quay súng bắn các đồng nghiệp.

Kẻ này đã bắn chết sáu cảnh sát, bao gồm cả viên chỉ huy đồn. Truyền thông Afghanistan dẫn lời các quan chức địa phương nói tay súng sau đó đã tái gia nhập Taliban và giao đồn cho phiến quân kiểm soát.

Taliban trong tuần qua đã tấn công một số căn cứ và cơ sở quân sự của Afghanistan, đặc biệt là ở các tỉnh miền nam bất ổn, giết chết và gây thương tích cho nhiều binh sĩ thuộc các lực lượng an ninh.

Các quan chức Bộ Quốc phòng Afghanistan nói lực lượng chính phủ cũng đã gây ra thương vong nặng nề cho Taliban trên chiến trường để trả đũa.

Tổng thống Pháp tiết lộ về cái bắt tay với ông Trump

0
 VOA

Tổng thống Pháp Emmuel Macron mới cho biết rằng cái bắt tay chặt tới mức tím tái với nguyên thủ Mỹ “không phải không có chủ ý” và đó là một “khoảnh khắc thật”.

Ông Macron nói với truyền thông Pháp rằng ông muốn “cho thấy ông không nhượng bộ, dù chỉ mang tính biểu tượng, nhưng cũng không muốn làm quá lên”.

Trước hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels, Bỉ, nguyên thủ Mỹ và Pháp đã gặp nhau và đã có một cái bắt tay tốn nhiều giấy mực của báo chí quốc tế.

Hai nhà lãnh đạo đã nhìn thẳng vào mắt nhau trong khi bắt tay nhau thật chặt và rất lâu trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như rút tay lại.

Có thể thấy hai nhà lãnh đạo mím chặt môi, dường như cố gồng mình lên.

Văn phòng của ông Macron đã xác nhận với hãng tin AP về thông tin do tờ Le Journal du Dimanche của pháp đăng tải trước đó.

Vẻ mặt của Thủ tướng Nhật sau khi bắt tay ông Trump.

Vẻ mặt của Thủ tướng Nhật sau khi bắt tay ông Trump.

​Cái bắt tay của ông Trump với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe trước đó cũng thu hút sự chú ý của báo giới khi “ông chủ” Nhà Trắng kéo mạnh tay của nhà lãnh đạo “xứ mặt trời mọc” về phía mình khi ông tới thăm Mỹ.

Còn khi Thủ tướng Đức Angela Merkel thăm Hoa Kỳ, ông Trump thậm chí còn không chịu bắt tay bà khi xuất hiện trước báo chí.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 27/5 trở về nước sau chuyến công du đầu tiên kể từ khi nhậm chức.

Trong chuyến đi kéo dài 9 ngày, ông Trump tới Ảrập Xêút, Israel và châu Âu, nơi ông gặp Đức giáo hoàng Francis ở Vatican và tham dự cuộc họp của NATO và khối G7.

Trump công kích truyền thông đưa tin về xáo trộn ở Bạch Ốc

 VOA

Tổng thống Donald Trump đã trở lại với cuộc sống quen thuộc ở Washington hôm 28/5. Ông công kích báo giới đưa tin về sự xáo trộn bên trong Tòa Bạch Ốc cũng như cuộc điều tra về các phụ tá của ông và mối liên hệ của họ với Nga.

Vào buổi sáng đầu tiên sau chuyến đi kéo dài 9 ngày tới Trung Đông và Châu Âu, ông Trump đã đăng một số bài ngắn từ tài khoản Twitter của ông, tuyên bố rằng chuyến đi của ông “là một thành công lớn của Mỹ. Làm việc vất vả những đạt những kết quả lớn”.

Tuy nhiên, ông nhanh chóng chuyển sang chỉ trích giới truyền thông chính thống của Hoa Kỳ như ông vẫn làm lâu nay.

Ông Trump bày tỏ: “Theo ý kiến của tôi, nhiều vụ thông tin rò rỉ từ Tòa Bạch Ốc là những lời dối trá do giới truyền thông #FakeNews bịa ra”.

Ông viết tiếp: “Bất cứ khi nào quý vị thấy những từ như ‘các nguồn tin cho hay’ trên giới truyền thông đưa tin thất thiệt, và họ không nêu tên, rất có thể là những nguồn tin này không tồn tại mà do những kẻ viết tin thất thiệt bịa ra. #FakeNews là kẻ địch!”

Khi trở lại Mỹ sau nhiều ngày tham gia các sự kiện quốc tế, ông Trump và các phụ tá Tòa Bạch Ốc đối mặt với viễn cảnh là cuộc điều tra dài hàng tuần, hàng tháng về mối quan hệ của họ với các quan chức Nga khi ông Trump tranh cử tổng thống, cũng như về lời cáo buộc của đảng Dân chủ đối lập là ông đã cố cản trở công lý và hạn chế cuộc điều tra.

Con rể Jared Kushner của ông Trump, một cố vấn chủ chốt của Tòa Bạch Ốc, là một tiêu điểm mới của cuộc điều tra. Ông Kushner kết hôn với Ivanka, con gái của Trump. Cô này cũng là một cố vấn của tổng thống.

Trong khi ông Trump ở nước ngoài, báo chí Mỹ nói rằng ông Kushner đã cố thiết lập một kênh liên lạc mật với các quan chức Moscow ở thời điểm vài tuần trước khi ông Trump nhậm chức vào cuối tháng 1.

Ông Trump thường xuyên bác bỏ việc ban vận động tranh của của ông có liên hệ với Moscow. Ông gọi đó là một lý do bịa đặt của đảng Dân chủ để giải thích về chiến thắng gây bất ngờ của ông trong cuộc chạy đua vào Tòa Bách Ốc trước đối thủ bên đảng Dân chủ là bà Hillary Clinton, cựu ngoại trưởng Mỹ.

Nhật truy tố nghi can giết bé gái Việt

106
 VOA

Một cựu hội trưởng hội phụ huynh một trường tiểu học ở Nhật đã bị truy tố hôm 26/5 vì bị nghi giết bé gái Việt Nam 9 tuổi.

Văn phòng công tố tỉnh Chiba không cho biết rằng liệu ông Yasumasa Shibuya, 46 tuổi, đã thú nhận hay bác bỏ các cáo buộc đối với ông ta, theo Japan Tines.

Theo cáo trạng, ông Shibuya bị nghi dùng xe ôtô bắt cóc bé Lê Thị Nhật Linh, học sinh lớp ba, hôm 24/3.

Ông ta khống chế em Linh bằng còng số tám rồi bóp cổ em cho tới chết sau khi có hành vi đồi bại đối với bé gái người Việt.

Cựu hội trưởng phụ huynh trường nơi em Linh học sau đó vứt xác em tại một rãnh thoát nước ở thành phố Abiko thuộc tỉnh trên.

Hình ảnh em Lê Thị Nhật Linh trên truyền hình NHK của Nhật Bản.

Hình ảnh em Lê Thị Nhật Linh trên truyền hình NHK của Nhật Bản.

Thi thể của em Linh được phát hiện ngày 26/3, hai ngày sau khi em mất tích trên đường tới trường.

Nghi can bị bắt giữ hồi giữa tháng Tư, và theo hãng tin Kyodo, ADN của ông ta trùng với mẫu cảnh sát thu thập được tại hiện trường vụ án mạng.

Nạn nhân và nghi phạm sống cách nhau khoảng 300 mét, theo cảnh sát tỉnh Chiba.

Vụ sát hại bé gái Việt được truyền thông trong nước loan tải nhiều, trong bối cảnh thời gian qua xảy ra nhiều nghi án ấu dâm, khiến dư luận bức xúc.