Các cơ quan công quyền như Cục Lãnh Sự, Đoàn Luật Sư, Đại Sứ Quán Việt Nam tại Malaysia phản ứng rất chậm, họ chỉ bắt đầu bắt tay vào việc khi có sức ép của công luận, ở đây cụ thể là một nhóm luật sư, doanh nhân, trí thức đã đứng lên quyên góp tiền từ để hỗ trợ cho người nhà của Đoàn Thị Hương sang thăm con và lo tìm luật sư cho cô ấy.
Từ đầu tôi cũng nằm trong nhóm này nhưng tự cảm thấy mình không có chuyên môn về luật pháp, lại cũng không có uy tín đủ để kêu gọi quyên góp nên tôi đã xin được rút và cũng bởi thời gian vừa rồi tôi quá bận.
Tôi rút cũng không phải bởi có nhiều chỉ trích là không nên hỗ trợ Hương, Việt Nam có bao điều khác phải quan tâm. Trong nhóm không ai hỗ trợ với sự khẳng định là Hương vô tội, họ hỗ trợ đơn giản là bởi sự ái ngại với một đồng bào và họ cũng muốn cho Hương thấy sức ấm của đồng bào và cũng để cộng đồng ở Việt Nam và quốc tế nhìn thấy sự quan tâm và cũng để góp phần tránh oan sai cho một người Việt.
Tuy không tham gia nhưng tôi vẫn theo dõi chứng kiến sự vất vả, đôi khi là bẽ bàng của những người trong nhóm, nhất là qua stt mới nhất của chị Nguyen Hoang Anh. Có lúc họ đã mắc kẹt trong một sự oái oăm, đã nhận tiền của cộng đồng thì phải làm tròn nhiệm vụ, nhưng Cục Lãnh Sự, Đoàn Luật Sư lại lững lờ và cùng với chính quyền địa phương còn cảnh báo gia đình Hương là phải cẩn thận, không nên hợp tác với nhóm.
Chính vì vậy mà rất nhiều lần, người nhà của Hương hồ hởi, cảm ơn nhận sự giúp đỡ, ngay sau đấy lại gọi điện bảo không dám. Quá trình này cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, đến cuối cùng thì họ đã chấp nhận.
Trong khi toàn bộ chi phí chuyến đi, ăn ở của mấy người nhà của Hương đều là tiền của cộng đồng nhưng những bài báo không hề đề cập và Cục Lãnh Sự, Đoàn Luật Sư hay Đại Sứ Quán cũng không hề có một lời cảm ơn, hoan nghênh những tấm lòng vì đồng bào của họ.
Những bài viết ấy như thể đang tâng công của những cơ quan công quyền, không hề tiếp cận trong khi ấy thì hàng chục các báo chí, thông tấn nước ngoài thì tìm đến nhóm để phỏng vấn.
Một lẫn nữa, báo chí Việt Nam đã thể hiện rõ họ chỉ là một công cụ tuyên truyền của chính quyền mà không đưa tin một cách trung thực và đúng đắn theo tinh thần báo chí.
Tôi hiểu các cơ quan công quyền, những người có vị trí ở Việt Nam có một tâm lý là thà không làm, nếu làm sai thì phiền phức. Việc kêu gọi một cái tâm hành xử quan tâm tới một đồng bào Việt là một việc xa xỉ. Theo tôi là họ làm bởi sức ép của công luận chứ không phải vì một động lực sâu sắc cao đẹp gì cả.
Điều này tôi không ngạc nhiên, bởi đấy là một tâm lý chung của cả bộ máy, nếu họ hành xử với một tâm thế giống như những người đã góp tiền và nhóm người lo lắng, thương cảm cho một đồng hương thì thực trạng đất nước đã khác rồi chứ không be bét như hiện nay.
Dẫu không ngạc nhiên nhưng tôi vẫn muốn viết bởi tôi muốn có sự ủng hộ của công luận và qua đấy sẽ khiến những cơ quan công quyền và báo chí ở Việt Nam có một thái độ và hành xử đúng đắn hơn trong tương lai.
Làm người tử tế không hề dễ ở đất nước này phải không?
Đoàn Thị Hương rời khỏi tòa án sau phiên tòa ngày 1/3. Ảnh: Reuters
Mình thân là người Việt, mang quốc tịch VN, sống ở VN nên đương nhiên mong muốn chung sống hoà bình nhất với các cơ quan nhà nước nhưng nhiều khi không biết làm thế nào!
Trong vụ Đoàn Thị Hương, bọn mình đơn giản chỉ là thương cô ấy và gia đình, may mắn được các bạn ủng hộ. Bọn mình không mong cầu nổi tiếng làm gì nên đề xuất hợp tác với Cục Lãnh sự để thuê LS và đưa gia đình qua Malaysia. Cục nhận đơn ôm 1 tuần rồi gạt qua Luật sư đoàn. Lãnh đạo LSĐ hẹn gặp, hứa xem xét và yêu cầu không tiết lộ thông tin ra ngoài rồi ôm 2 tuần nữa. Hết tháng 3, sốt ruột quá mình gọi lại thì được trả lời là thuê LS rồi, còn cấp trên không trả lời có hợp tác với bọn mình không. Bọn mình đành làm việc với gia đình theo lời hứa với cộng đồng.
Những khó khăn trong việc thuyết phục gia đình qua thăm con, mình đã kể trong bài trước, không nhắc lại nữa. May nhờ có đại gia đình ông Thạnh góp ý nên ông mới quyết đi. Nhưng do ông không cẩn thận, để lộ ra ngày lên đường nên họ yêu cầu ông đến gặp đúng giờ bay chiều chủ nhật (cơ quan NN mà đòi gặp ngoài giờ làm gì cơ chứ?) làm bọn mình phải đổi vé.
Họ nói cuộc gặp ấy là để làm thủ tục với luật sư nhưng lại kéo luật sư ra gặp riêng trước khi cho làm việc với gia đình, nhờ LS hù doạ hai bác cháu, kiểu “nguy hiểm lắm, Hương bảo đừng qua”, trong khi gia đình nghi phạm người Indonesia qua lại hết sức bình thường. Sau cuộc gặp ông lại đổi ý, làm gia đình ở HN và bọn mình một lần nữa xất bất xang bang. Cuối cùng, 11h30 hôm sau ông cũng quyết lên sân bay, kịp đón chuyến bay vào phút cuối.
Hội người Việt bên Malaysia lúc đầu đồng ý trợ giúp bọn mình nhưng sau khi gặp Đại sứ quán lại đổi ý, tuyên truyền khắp nơi là “vụ này nguy hiểm, phải hết sức cẩn thận nếu có ai nhờ trợ giúp” nên khó khăn lắm mới nhờ được người đưa đón hai bác cháu họ. Sang được đến Kuala Lumpur, thái độ LS thay đổi hẳn, sẵn sàng đưa ông vào gặp con. Tối qua mình gọi điện, ông vui như Tết, cám ơn bọn mình hết lời, bảo thấy rất an toàn.
Nhưng sau khi ông đi cùng sứ quán vào thăm con thì thái độ lại đổi khác. Đầu tiên ông đòi vào sứ quán ở, bảo người cháu về lấy đồ rồi 15p sau gọi điện nói, Hương khuyên ông không dự phiên toà, dù lúc mới ra không nói gì.
Bọn mình giúp gia đình vì thương cảnh ngộ của họ, mọi việc hoàn toàn tuỳ ý họ nên việc Hương được gặp gia đình để yên tâm trước khi ra toà đối với chúng mình là thành công rồi. Bọn mình cũng không cần đền ơn hay tôn vinh gì nhưng đọc những dòng này không thể không phiền lòng:
“Theo thông cáo từ Bộ Ngoại giao, ông Đoàn Văn Thạnh, bố của công dân Đoàn Thị Hương, đã tới Malaysia và đến nhà tù Kajang gặp con gái sáng nay. Hương rất xúc động và cảm ơn Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia vì thu xếp đưa ông Thạnh vào thăm”.
“Ông Thạnh cho biết, khi sang Malaysia, ông đã được Đại sứ quán Việt Nam tận tình giúp đỡ và bố trí tiếp xúc với các luật sư. Sau khi thăm con gái khoảng 1 giờ đồng hồ, ông Thạnh đã đi cùng xe của Đại sứ quán Việt Nam về trụ sở Đại sứ quán để nghỉ ngơi, sau đó sẽ trở về Việt Nam, không tham dự phiên tòa xét xử con gái, dự kiến diễn ra vào ngày 13/4. Ông cho biết quyết định này hoàn toàn do ông tự nguyện trên cơ sở lời khuyên của con gái”. (Bố nghi phạm Đoàn Thị Hương sẽ không dự phiên tòa xử con gái).
Dù không nói trực tiếp nhưng họ đã khéo léo để lái dư luận hiểu có lợi cho họ, đặc biệt tất cả các trang báo trong và ngoài nhà nước ở VN không một lời nào nhắc nhở đến sự chăm lo của cộng đồng người Việt cho đồng hương của họ.
Chỉ có báo nước ngoài mà tờ này là ví dụ, có nhắc đến hàng trăm con người đã đứng sau Hương suốt hơn một tháng vừa qua.
“The cousin said their trip was sponsored by an unnamed Vietnamese non-governmental organisation as the family lacked sufficient funds of their own“.
Đây không phải chỉ là uy tín của nhóm mình, những người đã tự nguyện bỏ công bỏ việc, bỏ công sức thời gian, tiền bạc chạy đôn chạy đáo để tìm cách hợp tác với chính quyền nhằm tìm ra cách hiệu quả nhất để giúp một công dân VN ở nước ngoài, để cái hộ chiếu Việt nam bớt mang tiếng xấu.
Đây còn là lòng tốt, là niềm tin, lòng trắc ẩn của hàng trăm con người đã góp từ 100k đến hàng ngàn USD cho những người không quen để chung tay bảo vệ thân phận NGƯỜI VIỆT.
Hôm nay trên các tuyến đường đi về Mỹ Đức, các chốt CSGT được giăng dày đặc để kiểm tra tất cả các phương tiện đi về hướng “chảo lửa” #ĐồngTâm. Anh em tôi đã vượt qua các trạm chốt nóng một cách ngoạn mục. (Phải công nhận tay lái lụa Lã Dũng quá xuất sắc)
Bắt đầu cảm giác NÓNG dần qua từng đoạn đường.
Chúng tôi chỉ có thể tiếp cận với bà con ở vòng ngoài cùng ngay tại đầu ngõ vào xã Đồng Tâm. Tất cả đường vào đều bị chặn và kiểm tra nghiêm ngặt sự ra vào của từng người, đặc biệt là người lạ mặt. Bà con giải thích với thái độ rất ôn hoà nhưng khi nhận thấy sự bất hợp tác hay có ý gây rối của các đối tượng lạ mặt là ngay lập tức sẽ bị ăn đòn cảnh cáo.
Tôi đã nhìn thấy sự phẫn uất từ trong ánh mắt cho tới những cú đấm vào mặt những kẻ côn đồ trà trộn vào đám đông hoặc cố tình kích động bà con đuổi chúng tôi ra khỏi làng của những người dân nơi đây.
Tiếp nhận ý kiến của bà con chia sẻ, tôi thấy được sự quyết tâm đấu tranh đến cùng trong vụ việc lãnh đạo huyện Mỹ Đức tự ý lập hồ sơ 56ha đất nông nghiệp để bán cho cán bộ. Sau khi bà con phản đối và đưa đơn kiện thì quay sang bán lại cho Viettel. Vụ việc đã kéo dài khoảng 5 năm nay và sự phẫn uất của bà con đã dâng lên đỉnh điểm khi Nhà cầm quyền HN đã đưa lực lượng AN, CSCĐ, côn đồ đến đàn áp dân vào sáng hôm qua (15/4/2017) tại đây.
Giờ đây người dân yêu cầu lãnh đạo Trung ương phải cử đại diện đến để giải quyết. Nếu trong ngày hôm nay chưa có những diễn biến tích cực từ phía nhà cầm quyền HN thì ngày mai tất cả con em họ là học sinh sẽ bắt đầu nghỉ học.
Theo như những gì chúng tôi thấy tại Đồng Tâm ngày hôm nay thì càng phía trong gần khu vực UBND sức nóng càng khủng khiếp. Sẽ không biết chuyện gì xảy ra nếu phía Nhà cầm quyền tiếp tục dùng bạo lực để gây sức ép đối với người dân.
Đêm nay tiếp tục thức và chia lửa cùng bà con #ĐồngTâm.
Đọc được thông tin trên FB nói về việc người dân xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội đã tấn công lực lượng cảnh sát, khống chế và giam giữ mấy chục CSCĐ vì bức xúc việc trước đó họ bị giải toả đất đai không đúng luật và những người khiếu kiện bị đánh trọng thương, tôi đã thấy lo ngại vô cùng.
Lo ngại vì sự phổ biến tình trạng người dân đã mạo hiểm sinh mệnh pháp lý và có thể là tính mạng đối đầu với chính quyền để bảo vệ đất đai của mình. Họ đã không còn muốn dựa trên luật pháp để giải quyết các mâu thuẫn đất đai vì thiếu lòng tin vào công lý.
Rùng mình hơn nữa là rất nhiều kẻ – không biết từ phía nào hô hào trừng trị, thậm chí giết, đốt sống những CSCĐ mà họ đã bắt làm con tin. Dù đúng sai, họ cũng chỉ là những người lính tuân thủ mệnh lệnh của cấp trên. Và theo mô tả, những CSCĐ này vừa được điều đến điểm nóng và chưa kịp làm gì. Vậy mà những con người ấy lại hô hào, xúi giục người dân hành động một cách man rợ. Giả định những kẻ như vậy mà là người cầm quyền thì có lẽ chúng sẽ man rợ không kém Pôn pốt và Khme đỏ hay phát xít là mấy đâu.
Khi đất đai – nhất là ở các đô thị lớn ngày càng có giá trị thì các tập đoàn lợi ích dưới các danh nghĩa khác nhau tìm cách thôn tính bất chấp lợi ích hợp pháp, sinh kế của người dân. Mâu thuẫn ở đó mà ra. Nếu không có cơ chế giải quyết thoả đáng quyền lợi của dân, ở đâu có thu hồi, giải toả đất đai, ở đó sẽ xuất hiện đông đảo lực lượng “phản động” tự nguyện tham gia. Sự bất ổn định sẽ ngày càng trở nên phổ biến.
Cách giải quyết duy nhất là để người dân có đại diện cho họ, có tiếng nói và tham gia vào quá trình thương lượng, đảm bảo lợi ích của người dân theo nguyên tắc thị trường. Chính quyền địa phương cần từ bỏ cách hành xử với người dân hiện nay là dùng lực lượng công an, đặc biệt là CSCĐ để hỗ trợ giải toả đất đai thậm chí là đứng về phía chủ đầu tư khi mục đích thực chất là triển khai các dự án kinh doanh. Cách làm như vậy chỉ có tác dụng đẩy người dân về phía đối nghịch với chính quyền và họ cảm thấy họ sẽ ở thế không được bảo vệ.
Khi càng đẩy người dân vào thế yếu, sự phản kháng tiêu cực càng tiêu cực và hậu quả có thể không lường hết được.
Lúc này là lúc nhân dân khẳng định quyền làm con người của mình!Dù cho nhà cầm quyền vì muốn cướp đất, tư liệu sản xuất của bà con, nên sẽ không từ một thủ đoạn hèn hạ, tàn độc nào để chiếm bằng được ….chúng bao vây, ngăn bà con đưa thông tin ra bên ngoài, bằng cách cắt điện, ngắt Thông tin intenet, cắt nước,cắt nguồn sống của bà con…nhằm bưng bít với thế giới bản chất hèn hạ, độc tài của nhà cầm quyền VN.
Mỗi người dân, thay vì bạo động chống lại nhà cầm quyền (vì sẽ bị khủng bố tàn khốc như Thiên an môn ở TQ). Bà con dùng bất kỳ phương tiện truyền thông của mình, ghi lại hình ảnh hiện tại của làng xóm bằng cách cắt dây nạp điện cho điện thoại, nối với ác qui của xe máy để nạp điện cho điện thoại (đấu nối tiếp để chia nguồn xuống còn 6 V). Sẽ là bằng chứng tố cáo.
Mong bà con đoàn kết bên nhau trong lúc hoạn nạn, nước mất, nhà tan.
Cảm động những bạn trẻ dám đứng lên cùng bà con nông dân.
Có thể #ĐồngTâm, MỹĐức sẽ khác Ninh Hiệp, mức độ quyết tâm của người dân là khá cao. Nếu đàn áp, thì hậu quả sẽ là rất lớn. Còn nếu có sự thỏa thuận của nhà cầm quyền, tôi mong bà con sẽ tính đến hậu thỏa thuận. Phải có một văn bản lập tại hiện trường, với lời cam kết không được tiếp tục bắt người sau khi 2 bên cùng thả người. Ko ai có tội khi muốn bảo vệ đất đai, hay chống tham nhũng. Bà con có thể tham khảo ý kiến luật sư về việc này, nhằm hạn chế tối đa sự lật lọng của nhà cầm quyền.
Cho dù bà con #ĐồngTâm, MỹĐức không muốn dính líu tới chính trị, hay tôn giáo, thì việc bà con dám bảo vệ quyết liệt tài sản của mình, tố cáo tham nhũng, thì nhà cầm quyền cũng cho đó là một thái độ chính trị rồi.
Vấn đề rất nghiêm trọng.
Cảnh sát và người dân
Lần nữa lại đụng độ,
Vì đất, vì miếng ăn.
Chưa nói chuyện sai đúng
Giữa dân và chính quyền.
Nhưng hai mươi cảnh sát
Bị dân bắt, tất nhiên
Là sự cố nghiêm trọng.
Có thật và bất ngờ.
Còn bị tưới xăng sẵn.
Chờ đốt, vâng, đang chờ.
Chính quyền hãy nhanh chóng
Tháo ngòi nổ vụ này.
Cứu hai mươi cảnh sát
Trước khi dân ra tay.
Chính quyền có vũ khí,
Có đài báo, còn dân,
Dân không có gì cả,
Thậm chí cả miếng ăn.
Thay cho việc quy chụp,
Bắt bớ và tù đày,
Chính quyền hãy suy nghĩ
Vì sao nên nỗi này?
Mọi cái có nguyên cớ
Con giun vốn yếu hèn,
Nhưng bị dày xéo mãi,
Cũng có thể vùng lên.
Chính quyền có thể đúng,
Nhưng cũng có thể sai.
Tự cho mình luôn đúng
Chỉ là kẻ độc tài…
Thôi, tạm gác chuyện ấy.
Hãy nhanh chóng ra tay
Cứu hai mươi cảnh sát,
Trả đất cho dân cày.
_____
Nhiều vụ việc tiêu cực của nhân viên công lực đã được phát hiện qua băng ghi âm, ghi hình của người dân. Ảnh: internet
Bộ công an đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định trình Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình bí mật. Trong đó có nội dung gây tranh cãi là:
‘Chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng’.
Như vậy là dự thảo quy định không cho phép người dân và báo chí được sử dụng các thiết bị để ghi âm ghi hình định vị bí mật.
Trong khi Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đã có hiệu lực đã có quy định về nguồn chứng cứ là các dữ liệu điện tử được thu thập, và tổ chức cá nhân có quyền thu thập tài liệu chứng cứ gồm các tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được; thông điệp dữ liệu điện tử;
Bộ luật tố tụng hình sự ban hành năm 2015 cũng đã có quy định về dữ liệu điện tử. Theo đó tại phần quy định về chứng cứ luật quy định: ‘Dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử. Dữ liệu điện tử được thu thập từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác’.
Như vậy, việc người dân thu thập các dữ liệu điện tử làm chứng cứ để giải quyết các vụ án dân sự, hình sự là rất quan trọng và hợp pháp, đã được pháp luật quy định thành quyền của tổ chức cá nhân.
Theo đó việc người dân sử dụng các thiết bị ghi âm ghi hình là hợp pháp, nhất là để người dân phòng vệ trước những thói lạm quyền tiêu cực của đủ mọi thành phần phổ biến trong xã hội hiện nay.
Ngoài ra là để người dân thực hiện quyền Hiến pháp quy định là cán bộ công chức nhà nước chịu sự giám sát của người dân và nghiêm cấm mọi biểu hiện quan liêu hách dịch cửa quyền.
Do vậy dự thảo nghị định của Bộ công an tuy tiêu đề là điều chỉnh về vấn đề ‘kinh doanh’ nhưng nội dung văn bản lại điều chỉnh cả vấn đề ‘sử dụng’ ảnh hưởng đến quyền hợp pháp của người dân là lạm quyền và trái pháp luật.
Phản hồi của Bộ công an
Trước nhiều ý kiến phản ứng của dư luận và nhất là giới báo chí lo ngại về khả năng tác nghiệp điều tra của họ, hôm 13/4 qua bài báo có tiêu đề ‘Không cấm nhà báo, người dân dùng thiết bị thông thường để quay phim, chụp ảnh’ đăng trên báo điện tử Công an nhân dân, phía cơ quan trình dự thảo đưa ra ý kiến.
Quy định này là nhằm bảo vệ bí mật đời tư cá nhân vì Hiến pháp quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình. Thực tế lâu nay nhiều kẻ xấu đã sử dụng việc ghi âm ghi hình bí mật xâm hại quyền riêng tư cá nhân.
Ngoài ra quy định cấm sử dụng thiết bị ghi âm ghi hình bí mật nhằm ngăn chặn những hành vi ghi âm ghi hình những cuộc họp quan trọng hoặc thu thập làm lộ tài liệu bí mật nhà nước.
Viện dẫn đến Bộ luật tố tụng hình sự 2015, cơ quan soạn thảo cho biết luật mới đã quy định về các hoạt động điều tra đặc biệt, theo đó các hoạt động ghi âm, ghi hình bí mật là biện pháp điều tra tố tụng hình sự đặc biệt, chỉ được áp dụng sau khi khởi tố vụ án hình sự về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tham nhũng, khủng bố, rửa tiền, ma túy.. phải do người có thẩm quyền quyết định và phải được phê chuẩn của Viện kiểm sát.
Cho nên căn cứ vào đó cơ quan soạn thảo cho rằng chỉ cơ quan có thẩm quyền mới được ghi âm ghi hình bí mật, còn người dân làm là trái pháp luật.
Cơ quan soạn thảo cũng đưa ra định nghĩa về các thiết bị ngụy trang bí mật và dẫn chứng ra những vật dụng như cúc áo, bút viết, lọ hoa, kính mắt… và nêu rõ chỉ cấm sử dụng những thiết bị như vậy, còn không cấm những thiết bị thông thường.
Không thuyết phục
Tôi cho rằng những ý kiến luận giải của cơ quan dự thảo thiếu tính hợp lý và thiếu thuyết phục vì những lẽ sau:
Thứ nhất: Việc bảo vệ quyền bí mật đời tư cá nhân nằm ở việc tuyên cáo điều đó và xử lý hành vi xâm hại chứ không phải nằm ở việc ngăn cấm sử dụng thiết bị. Vì đồ vật không có lỗi, lỗi là ở con người. Người tốt xử sụng vào việc tốt, người xấu sử dụng vào việc xấu. Nhiều trường hợp quyền lợi hợp pháp của công dân được bảo vệ bằng các thiết bị ghi âm ghi hình bí mật.
Về việc bảo vệ bí mật nhà nước, việc này lâu nay đã được thực hiện bằng nhiều biện pháp như hạn chế quyền tiếp cận, chỉ cho phép một thiểu số ít ỏi có khả năng tiếp cận và giám sát số đó là được. Bí mật nhà nước không cần phải được bảo vệ bằng cách hạn chế quyền của toàn dân, những người đa số không liên quan gì đến bí mật nhà nước.
Thứ hai: Về việc Bộ luật tố tụng hình sự 2015 đã quy định về các biện pháp điều tra đặc biệt, trong đó có ghi âm ghi hình bí mật. Thì đó là quy định nhằm tránh những việc lạm dụng tùy tiện lâu nay, vì không loại trừ lâu nay các cơ quan đã áp dụng rồi mà pháp luật chưa hề có quy định.
Việc pháp luật quy định rõ ràng để cho người dân biết những việc mà cơ quan nhà nước có thể làm, để từ đó dự liệu mà hành xử cho đúng trong môi trường tư pháp hình sự chứ nó không có ý nghĩa là cấm đoán người dân ghi âm ghi hình bí mật trong đời thường.
Luật đưa ra quy định cụ thể về thẩm quyền, thủ tục, điều kiện thực hiện các biện pháp điều tra đặc biệt là để tránh cho những chủ thể khác trong cùng môi trường tố tụng làm sai.
Còn người dân không tham gia vào điều tra bí mật, việc làm của người dân đơn thuần chỉ là một thú vui sử dụng công nghệ, hoặc cùng lắm là người dân và báo chí sử dụng các thiết bị ngụy trang nhằm mục đích thu thập cơ sở bằng chứng để phản ánh sai phạm tiêu cực và cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền xử lý. Đây hoàn toàn là một việc làm hợp pháp.
Quyền công dân
Việc cấm đoán người dân sử dụng các thiết bị ngụy trang ghi âm ghi hình bí mật là không đảm bảo tính khoa học và tính hợp pháp.
Nhân danh một điều tốt đẹp là bảo vệ an ninh quốc gia và bảo vệ bí mật đời tư cá nhân cơ quan dự thảo đã xâm phạm tới một giá trị cao đẹp không kém đó là quyền tự do cá nhân và khát vọng mưu cầu hạnh phúc nơi con người.
Trong bối cảnh xã hội VN hiện nay, người dân vốn là những thành phần yếu thế, quyền công dân bị xâm hại bởi đủ những hành vi lạm quyền tiêu cực, các thiết bị công nghệ thông minh cũng giống như mạng xã hội internet là công cụ phương tiện quan trọng để người dân phòng vệ chống đỡ trước những hành vi xâm hại.
Bằng việc ngăn cấm người dân sử dụng thiết bị thông minh, cơ quan soạn thảo đã hạ thấp danh dự nhân phẩm công dân, đánh đồng một vài hành vi xấu với rất nhiều người tốt còn lại. Họ phòng ngừa và nghi ngờ rằng toàn dân sử dụng các thiết bị vào việc xấu, xem thường ý thức trách nhiệm và đạo đức công dân.
Bằng việc ngăn cấm người dân sử dụng thiết bị công nghệ thông minh, cơ quan soạn thảo đã tước đoạt quyền tự do cá nhân, một việc làm không bao giờ có thể được thực hiện nếu quyền lực thuộc về nhân dân.
Nếu quyền lực thực sự thuộc về nhân dân thì một đề xuất hạn chế quyền công dân như vậy sẽ không bao giờ được thông qua.
Cách trung tâm thủ đô 40km về phía Tây Nam, đi chừng một tiếng rưỡi đường bướm bay, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) được xem là một miền không gian xanh đáng sống. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay nơi đây trở thành vùng đất nóng với hàng loạt sai phạm v/v thu đồi đất nông nghiệp, và gây ồn ào bởi các vụ tranh chấp giữa chính quyền và người dân!
Nổi cộm như vụ thu hồi đất 2013 tại xã Hương Sơn, nông dân mất ruộng đã lao đầu vào ngăn máy xúc. Thay vì sửa sai, chính quyền Huyện Mỹ Đức đã có các sai phạm khác về mặt tố tụng, khi Công an bắt giữ nhiều người với cáo buộc “chống người thi hành công vụ”; 10 bị bắt thì có đến 9 là phụ nữ, gây nên nhiều bức xúc.
Qua 2014 là vụ úm ba la biến đất công thành đất tư ở xã Đồng Tâm, khi loạt lãnh đạo xã bị dân tố cáo chiếm dụng hàng ngàn m2 đất mặt đường tỉnh lộ chia nhau sử dụng; và tiến hành xây dựng nhà cửa, trang trại, cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuê mặt bằng trên đất hoa màu.v.v…
Đó là chưa kể ầm ĩ vụ giáo xứ Đồng Chiêm xã An Phú hồi 2010, khi tranh chấp đất giữa chính quyền và giáo dân, Hà Nội đã huy động đến cả tiểu đoàn CSCĐ xuống trấn áp và tháo dỡ một cây thánh giá được dựng trên núi Chẽ – vốn là một nghĩa trang trẻ em thuộc về nhà thờ giáo xứ từ nhiều thập niên trước!
Theo người dân Đồng Tâm cho biết, thì từ giữa năm 2012 nhiều hộ đã đứng ra khởi kiện các sai phạm của chính quyền trong việc đo đạc xác định ranh giới giữa đất quốc phòng và đất nông nghiệp trên địa bàn xã; đồng thời cáo buộc chính quyền muốn lấy 47ha đất nông nghiệp giao cho công ty Viettel làm dự án, không bồi thường.
Sáng hôm qua thứ 7 (15.4), chính quyền xã đã mời đại diện cho các hộ dân khởi kiện lên làm việc. Trước đó, ngày 30.3.2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra CA Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án gây rối trật tự công cộng xảy ra tại xã Đồng Tâm theo quy định tại Điều 245 – BLHS. Khoảng 10:00, có 4 người bị bắt đưa đi nên một số thanh niên đuổi theo đòi thả, dẫn đến xô xát khiến một anh bị thương nặng.
Tình trạng đối đầu căng thẳng, Công an Mỹ Đức đã huy động các lực lượng tăng cường!
Khoảng 21:45, phe nhân dân đã bắt giữ gần 15 lính của phe chi viện CA Hà Nội nhốt vào Nhà Văn hóa xã và tẩm xăng để …trao đổi với chính quyền thả 4 người khiếu kiện bị bắt!
Sáng nay chủ nhật ngày Chúa phục sinh, khu vực Đồng Tân vẫn còn bị phong tỏa. Gọi cho mấy bạn ở đây không được, nghe đã bị phá sóng ^-^
Cập nhật chiều 16.4: Tình hình vẫn căng như sợi dây đàn. Chính quyền khẳng định làm đúng luật, dân sai và yêu cầu phải thả những người đang bị giữ vô điều kiện!
_____
ĐỒNG TÂM, RÀO LÀNG KHÁNG CHIẾN
(Ghi chép của bạn Nguyễn Đức Giang về Đồng Tâm ngày 16.4)
Vừa từ Đồng Tâm trở về. Lối vào xã Đồng Tâm được dân đổ một đống đất đá nhằm ngăn vật cản. Một nhóm người đứng đó canh gác. Một anh thanh niên tối qua có lẽ canh gác đêm, hoặc cả đêm mất ngủ nên đôi mắt đỏ ngầu.
Tôi bị giữ lại và tra hỏi vì sao đi vào đây. Ban đầu tôi nói dối là đi phượt ngang qua đây.
Anh thanh niên tay cầm 2 cây gậy, một cây luồn vào bánh xe máy của tôi, tay kia chỉ vào mặt tôi yêu cầu mở cốp xe. Không có gì ở trong đó ngoài bộ quần áo đi mưa.
Những người xung quanh nhìn thôi và quan sát rất kỹ. Tôi tiếp tục được yêu cầu cho họ xem CMND.
Ngay lúc này tôi nói mình từ Dương Nội – Hà Đông vào đây để xem xét tình hình đồng thời ủng hộ tinh thần bà con Đồng Tâm. Khi biết tôi từ Hà Đông vào họ có vẻ càng cảnh giác hơn vì nghe có tiếng ai đó nói cẩn thận bọn CA Hà Đông.
Tôi có mang theo một máy ảnh và cũng bị kiểm tra tuy nhiên bên trong không có ảnh gì về Đồng Tâm. Suýt chút nữa thì máy bị đập nếu có bất kỳ 1 tấm nào.
Một anh thanh niên khác trông bình thường nói với anh kia là nếu không có gì thì thả cho tôi đi.
Bất chợt xuất hiện một bác đứng tuổi có vẻ là người hiểu biết, có học thức tiến ra gặp tôi.
Bác bảo nhân dân chúng tôi không chống phá ai, chúng tôi chỉ chống tham ô, tham nhũng và cướp đất của dân thôi. Mời anh đi cho (ý nói tôi).
Tôi tiếp tục trình bày: “Cháu từ Dương Nội – Hà Đông vào, quê cháu cũng bị bọn chúng đàn áp và cướp đất. Đêm qua nghe tin từ Đồng Tâm, sáng nay cháu vào đây để ủng hộ tinh thần các bác và bà con”.
Bác già cám ơn và giải thích: “Cám ơn cháu nhưng thời điểm hiện tại bà con Đồng Tâm phải luôn cảnh giác với bất cứ ai. Một bác 65 tuổi đảng đã bị bắt đi rồi. Mời cháu đi cho.”
Có lẽ bà con sợ các nhà báo bưng bô, bọn truyền hình tin vịt đưa tin vu khống bà con. Tôi nói lời sau cùng trước khi quay trở ra: “Cháu ủng hộ và dõi theo bà con Đồng Tâm.”.
Đi ra được một quãng thi nghe tiếng kẻng kêu đồng thời tiếng loa phát thanh thông báo: “Bà con phải hết sức cảnh giác với thế lực phản động” . Đúng là bà con Đồng Tâm đang RÀO LÀNG KHÁNG CHIẾN thật rồi. Tôi không thể chụp được một bức ảnh nào về ý trí của bà con cả, chỉ có bức ảnh chụp lối vào Đồng Tâm khi tôi quay ra.
Mọi người lưu ý bất cứ ai muốn đến Đồng Tâm ủng hộ, hỗ trợ hãy liên lạc với những người bên trong để tránh tình huống xấu xảy ra.
Năm này, qua năm khác, Nhân dân xã Đồng Tâm mỏi mòn chờ đợi được giao đất để sản xuất từ Dự án an ninh quốc phòng không khả thi. Trong khi đó, một số hộ gia đình trong xã lại nhận được hàng nghìn mét vuông đất để xây nhà kiên cố, mua bán, chuyển nhượng với xác nhận, làm chứng của các cán bộ UBND xã, gây bức xúc trong cộng đồng dân cư…
Đất “công” bị xẻ bán tùy tiện
Theo đơn phản ánh của ông Lê Đình Kình và Nhân dân xã Đồng Tâm: Đầu những năm 80, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Đỗ Mười kí quyết định thu hồi 47,36ha đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, để phục vụ cho Dự án an ninh quốc gia, làm sân bay Miếu Môn và tạm bàn giao cho Lữ đoàn 28, Quân chủng Phòng không – Không quân quản lí. Năm 2007, Dự án làm sân bay Miếu Môn không khả thi, nên Lữ đoàn 28 vẽ sơ đồ và cắm mốc giới bàn giao toàn bộ diện tích đất nông nghiệp đã thu hồi cho UBND xã Đồng Tâm. Ngày 30/7/2007, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mỹ Đức và UBND xã Đồng Tâm ký xác nhận và quản lý. Cùng ngày, UBND xã Đồng Tâm xác nhận mốc giới, phân định rõ ràng giữa đất Quốc phòng và đất nông nghiệp. Từ đó, Nhân dân xã Đồng Tâm hi vọng, sau khi được nhận bàn giao mốc giới sẽ được nhận lại đất để tiếp tục sản xuất nông nghiệp.
Thế nhưng, chờ đợi hết năm này, qua năm khác, Nhân dân xã Đồng Tâm vẫn không được giao đất để sản xuất, trong khi đó một số hộ gia đình trong xã lại “sở hữu” hàng nghìn mét vuông đất để xây nhà kiên cố, mua bán, chuyển nhượng. Đặc biệt, hai hộ gia đình ông Trần Ngọc Viễn và ông Nguyễn Văn Toán “sở hữu” những diện tích đất “khủng” lần lượt là 12.000m2 và 11.000m2… trên phần đất được cho là đất nông nghiệp của UBND xã Đồng Tâm?! Kì lạ hơn nữa, khi thực hiện việc giao dịch mua bán trên những diện tích đất “khủng” này, gia đình ông Viễn và ông Toán đều được các cán bộ của UBND xã Đồng Tâm thay nhau kí giấy tờ làm chứng cho việc mua bán, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho…
Đất Quốc phòng hay đất nông nghiệp?
Tại Thông báo số 65/TB-UBND ngày 23/05/2014 của UBND huyện Mỹ Đức, về việc giải quyết nội dung tố cáo của công dân xã Đồng Tâm, thay mặt UBND huyện Mỹ Đức, Chủ tịch Hoàng Mạnh Sơn kết luận: Căn cứ bản đồ mốc giới quản lí đất của đơn vị D31- Lữ đoàn 28 lập ngày 14/4/1988, thì phần diện tích đất do gia đình ông Trần Ngọc Viễn (đội 13, thôn Đồng Mít, xã Đồng Tâm) sử dụng là đất của Quốc phòng. Theo bản đồ mốc giới quy hoạch mở rộng sân bay Miếu Môn lập năm 2007, phần diện tích đất gia đình ông Viễn đang sử dụng là đất của Quốc phòng. Ngày 21/3/2014, Đoàn Thanh tra làm việc với đơn vị D31- Lữ đoàn 28 và xem xét các tài liệu liên quan. Đơn vị này cho biết, toàn bộ phần diện tích đất do gia đình ông Viễn đang sử dụng là đất của Quốc phòng thuộc Lữ đoàn 28 quản lý. Do là đất của Quốc phòng nên UBND huyện không xác minh nội dung trên.
Tiếp đó, trong kết quả giải quyết tố cáo của công dân xã Đồng Tâm, ngày 23/10/2014, Lữ đoàn 28, Quân chủng Phòng không – Không quân có Thông báo số 916A/TB-LĐ do Lữ đoàn trưởng Trịnh Văn Chuyển ký, kết luận: “Đơn vị khẳng định việc các hộ dân, trong đó có diện tích đất của gia đình ông Trần Ngọc Viễn, gia đình ông Nguyễn Văn Toán nằm hoàn toàn trong đất Quốc phòng, do tiểu đoàn 31- Lữ đoàn quản lý (trong phạm vi đất Quốc phòng, sân bay Miếu Môn từ mốc 13 đến mốc 16). Việc các hộ gia đình ông Viễn và ông Toán tiến hành các thủ tục sang tên chuyển nhượng, thừa kế trái phép đất Quốc phòng sân bay Miếu Môn, đã được cấp chính quyền địa phương xã Đồng Tâm xác nhận về việc thừa kế, sang nhượng của địa phương đã không thông báo cho đơn vị, nên Tiểu đoàn 31 không nắm được. Lữ đoàn sẽ đề nghị UBND huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội hủy các xác nhận không đúng thẩm quyền của UBND xã Đồng Tâm, về việc xác nhận cho các hộ dân trên, đồng thời yêu cầu các hộ dân phá dỡ những công trình trái phép, di dời ra khỏi đất Quốc phòng…”.
Tuy nhiên, qua xác minh thực tế và phản ánh của người dân nơi đây, diện tích đất của ông Toán và ông Viễn có dấu hiệu nằm ngoài mốc giới của đất Quốc phòng. Mặt khác, tại sơ đồ bàn giao mốc giới ngày 30/7/2007 của đơn vị với UBND xã Đồng Tâm, thì diện tích đất của ông Toán và Viễn nằm trong diện tích đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm. Nhưng không hiểu vì lí do gì, Lữ đoàn 28 vẫn một mực cho rằng đây là “đất do đơn vị quản lí”, UBND huyện Mỹ Đức cũng nhanh chóng xác nhận việc này?! Dư luận cho rằng, liệu đây có phải là “chiêu trò” mà UBND huyện đẩy “quả bóng thẩm quyền” sang đơn vị Quốc phòng để không phải giải quyết?!
Vi phạm pháp luật nghiêm trọng?
Hãy khoan xác định diện tích đất trên là đất Quốc phòng hay đất nông nghiệp, việc chuyển nhượng hàng chục nghìn mét vuông đất tại xã Đồng Tâm có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Theo luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội, tại Khoản 2, 3 Điều 50 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều, khoản của Luật Đất đai số 45/2013/QH13 quy định:
“2. Đất sử dụng vào mục đích Quốc phòng, an ninh phải được sử dụng đúng mục đích đã được xác định. Đối với diện tích đất không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích, thì UBND cấp tỉnh thông báo cho đơn vị sử dụng đất để đưa đất vào sử dụng đúng mục đích; sau 12 tháng kể từ ngày được thông báo, nếu đơn vị sử dụng đất không khắc phục để đưa đất vào sử dụng đúng mục đích thì UBND cấp tỉnh thu hồi để giao cho người khác sử dụng.
3. Trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất trong nội bộ đất Quốc phòng, an ninh theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất Quốc phòng, an ninh đã được phê duyệt, thì đơn vị sử dụng đất phải xin chuyển mục đích sử dụng đất tại Sở Tài nguyên và Môi trường kèm theo ý kiến bằng văn bản của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an”.
Vậy, cứ cho đây là đất Quốc phòng như Lữ đoàn 28 xác nhận, việc để cho hàng nghìn mét vuông đất bị người dân tự ý chuyển đổi, “xẻ thịt” để xây dựng và bán vô tội vạ, cần phải được xem xét một cách nghiêm túc trách nhiệm của đơn vị này và chính quyền sở tại. Mặt khác, với những dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng như vậy, nhưng trong Thông báo số 65, UBND huyện Mỹ Đức lại chỉ xử lí chung chung, không kết luận trách nhiệm sai phạm cụ thể của từng đơn vị, cá nhân trong việc buông lỏng quản lí đất đai, để cho hàng chục héc ta đất là tài sản Quốc gia rơi vào “ tư túi” cá nhân một cách vô lí, khó hiểu?!
Từ sự việc và phản ánh trên, nên chăng UBND thành phố Hà Nội, Thanh Tra Bộ Quốc phòng cần nhanh chóng vào cuộc thanh, kiểm tra làm rõ, xử lí dứt điểm, tránh tình trạng người dân khiếu nại, khiếu kiện kéo dài gây bất ổn tình hình an ninh, chính trị và dư luận trái chiều về chính quyền tại địa phương.
BOX
Đối với các cá nhân mua bán đất bất hợp pháp, tự ý phân lô, bán nền, xây dựng nhà ở kiên cố, Điều 270 Bộ luật Hình sự quy định:
“1. Người nào chiếm dụng chỗ ở, xây dựng nhà trái phép, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Nhà ở, công trình xây dựng trái phép có thể bị dỡ bỏ, trưng mua hoặc tịch thu.
2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng”.
Nhà và đất của hộ ông Trần Ngọc Viễn, được cho là “xây dựng trên đất Quốc phòng”
Cột mốc phân chia ranh giới giữa đất Quốc phòng và đất nông nghiệp
Ngày 01/06/2015 là ngày thứ hai đầu tuần, một số công sở của chính quyền trú đóng tại Hà Nội đã bắt đầu yêu cầu người dự chào cờ phải hát quốc ca thay vì chỉ nghe nhạc hiệu Quốc ca như mọi khi … Theo đó, thì những ca từ của bài Quốc ca đã được cất tiếng :
Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc
Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa
Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước
Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca
Đường vinh quang xây xác quân thù
Thắng gian lao cùng nhau lập chiến khu
Vì nhân dân chiến đấu không ngừng
Tiến mau ra sa trường
Tiến lên, cùng tiến lên
Nước non Việt Nam ta vững bền
Nguyên thủy, ca từ trên có nguồn gốc từ bài Tiến Quân Ca của nhạc sỹ Văn Cao viết từ năm 1944, khi ấy, toàn nhân loại đang chìm đắm trong những thời khắc vô cùng khốc liệt, đẫm máu của cuộc chiến tranh thế giới lần II (1939-1945), mà theo dòng lịch sử, thì đây cũng là thời khắc đã xảy ra nhiều biến động chính trị, xã hội lớn ở Việt Nam, đỉnh điểm, là sự kiện Vua Bảo Đại thoái vị vào năm 1945, cáo chung nền quân chủ đã từng tồn tại gần hết chiều dài lịch sử lập quốc ở Việt Nam, để từ đó khai sinh một nền cộng hòa mới mẻ.
Chỉ hai năm sau khi nhạc sỹ Văn Cao sáng tác Tiến Quân Ca, thì năm 1946, bài Tiến Quân Ca đã được chính thức trở thành Quốc Ca cho Việt Nam sau khi được điều chỉnh vài điểm cho phù hợp.
Nhạc sĩ Văn Cao – Tác giả bài Quốc ca với những ca từ sắt máu.
Bài Quốc Ca có giai điệu trầm hùng, bi tráng, thể hiện thái độ sắt máu, quyết liệt đối với quân thù, tạo cảm xúc giục giả, thôi thúc mọi người vươn lên, xốc đến … chiến tranh !
Nhưng chiến tranh đã là lịch sử sau nhiều thập kỷ. Trong thời bình, chúng ta có cần một Quốc Ca chiến tranh nữa hay không ?
“Đoàn quân Việt Nam đi chung lòng cứu quốc”, ngay từ lời ca từ đầu tiên, trong thời bình, thì cứu cánh của Quốc Ca đã chệch hướng và chệch đối tượng, vì “cứu quốc” đã không còn là cứu cánh của một quốc gia độc lập, và người dân chứ không phải “đoàn quân” mới là đối tượng chính của một quốc gia đang kiến quốc trong thời bình !
“Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước”, lá cờ đỏ thắm của phe chiến thắng được tô son bằng máu là điều mà khi người cộng sản giành được chính quyền vào năm 1945 đã xác định rằng phải giữ sự chuyên chính đó bằng bất cứ giá nào, kể cả bằng sinh mạng, bằng máu của … con dân Việt ! Thái độ sắt máu, quyết liệt rất rõ ràng từ ca từ bài Quốc Ca và điều đó cũng sẽ vẫn được duy trì trong thời bình bằng Hiến pháp 2013 khi vẫn công nhận Tiến Quân Ca là Quốc Ca.
“Đường vinh quang xây xác quân thù” có thể đã là quan điểm phù hợp với thời chiến ! Nay trong thời bình thì “xác quân thù” là chỉ thế lực nào ? Có phải là giặc lạ đang chễm chệ trong lãnh thổ, lãnh hải mà hàng ngày chúng ta còn không dám gọi đúng tên ? Giờ đã là 40 năm sau các cuộc chiến, trong thời bình, tại sao công dân Việt vẫn phải cất lời hát “Đường vinh quang (vẫn phải) xây (bằng) xác quân thù” một cách sắt máu và bạo tàn của tâm thế thời chiến ? Mà không là “đường vinh quang xây bằng những thành tựu về giáo dục ? về nhân phẩm ? về kinh tế ? hoặc bằng những sáng chế, phát minh khoa học cống hiến cho xứ sở, cho nhân loại ?”.
Và “Đường vinh quang” có còn vinh quang không khi mà “xác quân thù” không chỉ là ngoại nhân mà còn là hàng triệu triệu con dân Việt cùng dòng máu đỏ da vàng, cùng giòng giống Lạc Hồng đã mất mạng trong các cuộc chiến mệnh danh vinh quang ???
Và sẽ còn kinh sợ hơn khi ta biết từ nguyên thủy Tiến Quân Ca đã từng có lời ca từ “Thề phanh thây uống máu quân thù” trước khi được thay thế bằng “Đường vinh quang xây xác quân thù” như trong Quốc Ca hiện nay !!! Tác giả của những nhạc phẩm cực kỳ lãng mạn của “Bến Xuân”, “Suối Mơ”, “Thiên Thai” hay “Trương Chi” với ca từ “Bên rừng thu vắng, giòng nước trôi lững lờ ngoài nắng. Ngày chưa đi sao gió vương ? Bờ xanh ngát bóng đôi cây thùy dương … trong Suối Mơ” hay “Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng. Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Nguyên. Kià đường lên tiên, kìa nguồn hương duyên … trong Thiên Thai” … đôi khi cũng sáng tác những ca từ thật sự khát máu !
Hơn nữa, Quốc ca không chỉ dành riêng cho cán bộ, công chức của chính quyền hát khi suy tôn quốc kỳ, mà là toàn thể dân chúng, bắt đầu từ các cháu học sinh ở lứa tuổi nhi đồng ! Một Quốc Ca sắt máu của chiến tranh như chúng ta đang có sẽ chuyển thông điệp gì cho chúng ? Sẽ giáo dục điều gì cho chúng bên cạnh sự bạo lực hung tàn ?
“Vì nhân dân chiến đấu không ngừng”, lời ca từ như ứng với số phận dân tộc Việt là lịch sử được viết từ những cuộc chiến đẫm máu liên miên trong suốt chiều dài lịch sử, từ những ngày lập nước, giữ nước đến mở mang bờ cõi xuống phía Nam, và tất nhiên, không thể thiếu cuộc chiến khốc liệt nồi da xáo thịt, huynh đệ tương tàn của thế kỷ trước …
Như thế, có 10 câu hát thì đã có đến 8 câu hát trong Quốc ca đều mang nội dung, ý nghĩa cổ võ cuộc chiến tranh đẫm máu trong thế kỷ 20 mà Việt Nam đã trải qua, đã để lại sau lưng cho lịch sử suốt từ nhiều thập kỷ qua ! “Cuộc chiến” trong Quốc Ca không dính gì đến “cuộc chiến” với nghèo nàn, lạc hậu, yếu đuối, tham nhũng, bất tín, bất công … là những “quân thù” mà xứ sở này đang phải vất vả đương đầu !
Rõ ràng, nội dung Quốc Ca với nguyên thủy từ nhạc phẩm Tiến Quân Ca do nhạc sỹ Văn Cao sáng tác trong những năm tháng chiến tranh từ những thập kỷ 40 của thế kỷ trước đã trở nên lạc điệu, không còn thích hợp trong bối cảnh kiến quốc thời bình của xứ sở … Trước nay, ít người nhận biết ra vì thói quen chào cờ bằng tiếng nhạc hiệu, hôm nay, khi phải cất tiếng và nghe lại ca từ của bài hát, chắc không ít người đã phải thảng thốt ngạc nhiên !
Yêu cầu công dân phải hát quốc ca thay cho nghe nhạc hiệu quốc ca trong giờ suy tôn quốc kỳ là đúng đắn, nhưng với ca từ sắt máu, bạo tàn được sáng tác trong thời chiến nay được phục hồi và cất lên vô tình trùng vào đúng ngày đại lễ Phật Đản của Phật Giáo vốn là tín ngưỡng cổ súy cho nhân sinh quan từ bi, hỷ xả thì bổng trở nên lạc điệu một cách oái ăm, vừa bi lại vừa hài !
Một quốc ca như thế, nghĩ xem, có cần thiết phải duy trì nữa không ?