Home Blog Page 1424

Nhà hoạt động Hoàng Đức Bình bị chuyển trại

Anh Hoàng Bình, nhà hoạt động công nhân và môi trường, ở Nghệ An vừa bị chuyển ra Trại giam B14 ở Hà Nội trong tuần này.

Thông tin từ gia đình của anh Hoàng Bình vào ngày 15 tháng 6 cho biết như vừa nêu sau khi đến Trại tạm giam ở Nghệ An để thăm anh. Gia đình bị từ chối gửi vật phẩm cho anh Hoàng Bình nên gọi điện hỏi thăm luật sư được mời tham gia vụ việc là luật sư Hà Huy Sơn và được xác nhận về tin chuyển trại.

Nhà hoạt động Hoàng Bình tham gia nhóm xã hội dân sự độc lập Lao động Việt và trước khi bị bắt anh giúp những nạn nhân thảm họa môi trường Formosa trong việc khởi kiện đòi bồi thường, chấm dứt hoạt động. Ngoài ra anh này cũng tham gia công tác truyền thông các vấn đề xã hội tại địa phương và trong nước.

Thêm 1 người treo cổ trong đồn công an

0

RFA
2017-06-15
Anh Nguyễn Hữu Tấn tại trại giam công an tỉnh Vĩnh Long.

Thêm một trường hợp bị công an thông báo tự tử bằng cách dùng dây thun quần thắt cổ ở đồn công an. Nạn nhân mới được thông tin là ông Ngô Chí Tâm, sinh năm 1977.

Công an phường Tam Bình, quận Thủ Đức xác nhận tin này vào sáng ngày 14 tháng 6.

Báo trong nước tường thuật sự việc theo lời kể của gia đình nạn nhân cho biết khoảng 8 giờ tối ngày 13 tháng 6,  công an phường Tam Bình gọi ông Tâm lên trụ sở công an làm việc. Đến 7 giờ 30 sáng ngày 14 tháng 6, cán bộ công an phường đến nhà cho hay ông Tâm thắt cổ bằng dây thun quần, hiện đã được chuyển lên bệnh viện An Bình và đang hôn mê sâu.

Gia đình ông Tâm đến bệnh viện thì được tin ông Tâm đã tử vong.

Trưởng công an quận Thủ Đức, đại tá Lê Anh Tuấn trả lời phóng viên trong nước cho biết vụ việc đang được điều tra.

Việt Nam lên tiếng việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông

0

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 15 tháng 6 lên tiếng thúc giục Trung Quốc nên có hành động tích cực và mang tính xây dựng ở khu vực biển Đông.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi có báo cáo của Bộ Quốc Phòng Mỹ hôm 6 tháng 6 cho biết đến cuối năm 2016 Trung Quốc đã hoàn thành các cơ sở quân sự ở khu vực Trường Sa và có thể triển khai ba trung đoàn máy bay chiến đấu tại đó.

Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ ở Hà Nội, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê thị Thu Hằng nói Trung Quốc là một cường quốc trong khu vực và trên thế giới, vì vậy Trung Quốc nên hành động có trách nhiệm và mang tính xây dựng để đảm bảo sự ổn định, hòa bình trong khu vực, cũng như khu vực biển Đông trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế.

Hiện, Trung Quốc đang đòi chủ quyền khoảng 90% diện tích biển Đông. Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng đòi chủ quyền tại khu vực này.

Bộ Ngoại giao VN: Tước quốc tịch ông Phạm Minh Hoàng là đúng luật

Việc tước quốc tịch Việt Nam của giảng viên, cựu tù nhân lương tâm Phạm Minh Hoàng là đúng quy định của pháp luật Việt Nam.

Đó là trả lời của người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam bà Lê Thị Thu Hằng hôm thứ Năm 15 tháng 6, khi AFP đặt câu hỏi về việc sự hiện diện của ông Hoàng ở Tp HCM hiện tại có hợp pháp không và khi nào ông bị trục xuất khỏi Việt Nam.

Bà Hằng cho biết thêm ông Phạm Minh Hoàng đã vi phạm pháp luật và xâm phạm an ninh quốc gia.

Hôm thứ ba 13 tháng 6, ông Phil Robertson, phó giám đốc khu vực Châu Á của tổ chức theo dõi nhân quyền Human Right Watch lên tiếng trong một lá thư về hành động của chính quyền Việt Nam tước quốc tịch của ông Phạm Minh Hoàng là hoàn toàn vô lý, thể hiện thêm một bước lùi của chính quyền Hà Nội trong việc đối xử với các nhà bất đồng chính kiến.

Giáo sư, cựu tù nhân lương tâm Phạm Minh Hoàng là người mang song tịch Việt Nam và Pháp. Ông từng là du học sinh, sinh sống ở Pháp từ năm 1973, đến cuối thập niên 1990 ông trở về nước dạy học tại Đại học Bách Khoa Sài Gòn cho đến khi bị bắt vào tháng 8 năm 2010 với tội danh lật đổ chính quyền Việt Nam theo điều 79 Bộ luật hình sự Việt Nam.

Sau khi mãn hạn 17 tháng tù giam, ông được trả tự do vào Tháng Giêng năm 2012 và chịu ba năm quản chế. Dù không được các trường đại học ở Việt Nam nhận giảng dạy, ông tiếp tục những gì đã làm trước đó là mở những lớp dạy tiếng Pháp và kỹ năng mềm cho các em học sinh tại Sài Gòn.

Vụ Đồng Tâm. Nói lại cho rõ

Ngô Ngọc Trai

Công vụ là việc làm của cán bộ công chức thực hiện theo đúng chức năng nhiệm vụ quyền hạn được pháp luật quy định, có hai điều kiện tiên quyết đó là người thực hiện phải là cán bộ công chức nhà nước và việc làm phải đúng chức năng nhiệm vụ theo pháp luật.

Nếu một việc làm mặc dù được thực hiện bởi cán bộ công chức nhà nước nhưng không đúng quy định pháp luật, sai về thẩm quyền, sai về cơ sở căn cứ pháp lý, sai về trình tự thủ tục, thì đó không phải công vụ.

Và đương nhiên người dân không có nghĩa vụ phải chấp hành hợp tác với một việc làm sai.

Luật đã quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng nhóm cán bộ công chức nhằm xác định rõ ràng tránh làm sai, ảnh hưởng đến lợi ích nhà nước, lợi ích người dân.

Và luật cũng quy định về thể thức, trình tự, thủ tục nhằm buộc các hoạt động công vụ phải đúng đắn, tránh mờ ám khuất tất, lạm quyền lộng quyền làm bừa làm bậy xâm phạm quyền lợi người dân.

Đó cũng là cách trang bị cho người dân cơ chế hiểu biết để kiểm soát phòng ngừa, biết được đúng sai để bảo vệ quyền lợi cho mình.

Như vậy, một hành vi dù được thực hiện bởi cán bộ công chức nhưng không đúng quy định pháp luật thì phải không được coi là công vụ.

Không có pháp luật nào, không có nhà nước nào chấp nhận một việc làm sai pháp luật là công vụ nhân danh nhà nước. Kết quả của việc làm đó sẽ không có lợi cho nhà nước, không có lợi cho người dân, đó là hành vi xâm hại, đó không phải công vụ.

Và trước một hành vi xâm hại người dân có quyền phòng vệ chính đáng.

“Ông Nguyễn Đức Chung là người bội ước”

RFA

Dư luận phản ứng mạnh mẽ đối với quyết định vừa ban hành vào hôm 13/6 của Cơ quan Cảnh sát Điều Tra thuộc Công an Hà Nội khởi tố vụ án hình sự “bắt giữ người trái pháp luật và hủy hoại tài sản” ở xã Đồng Tâm.

Ông Nguyễn Đức Chung: “Phản trắc và lật lọng”

Hình ảnh người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức chọn giải pháp cuối cùng buộc phải bắt giữ 38 cán bộ, công an và cảnh sát cơ động hồi trung tuần tháng 4 để yêu cầu được đối thoại với chính quyền thành phố Hà Nội về những khuất tất trong vụ tranh chấp đất đai giữa giữa họ với chính quyền địa phương còn chưa phai nhòa.

Bút tích cam kết của ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, với người dân xã Đồng Tâm sẽ thanh tra khu đất tranh chấp trong vòng 45 ngày và sẽ không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người dân ở đây vẫn chưa ráo mực…Thế nhưng, ông Chủ tịch Nguyễn Đức Chung là người bội ước.

Những lời lập luận và lý luận ông đưa ra để bào chữa cho việc ông tiếp tục khởi tố là chuyện rất vô lý, mình dùng từ ngữ nặng nề là ‘phản trắc và lật lọng với người dân’.
-Thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung

Đó là ý kiến của rất nhiều cư dân mạng chia sẻ khi Công an Hà Nội vào ngày 13 tháng 6 ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với vụ bắt giữ người trái pháp luật và hủy hoại tài sản ở xã Đồng Tâm.

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận không ít cư dân mạng lên tiếng họ đã lường trước được viễn ảnh số phận của người dân Đồng Tâm sẽ bị truy tố trước pháp luật mặc cho ông Chủ tịch Nguyễn Đức Chung hứa hẹn và ký vào giấy cam kết. Họ khẳng định lời hứa của ông Chủ tịch thành phố Hà Nội chỉ là lời hứa suông và theo kế hoạch được chuẩn bị của chính quyền.

Trong khi đó, số đông cư dân mạng là những người có thiện chí trông đợi vào lời hứa hẹn của ông Nguyễn Đức Chung trong việc giải quyết vụ Đồng Tâm tỏ ra phẫn nộ và bất bình vì theo họ vụ việc này được giải quyết một cách công khai và minh bạch như cam kết của ông Chung thì chắc hẳn tình trạng xung đột đất đai giữa người dân và chính quyền địa phương khắp các tỉnh, thành đất nước Việt Nam tồn tại hàng chục năm qua sẽ lần lượt được gỡ nút thắt. Tù nhân lương tâm-Luật sư Lê Công Định chia sẻ trên trang Facebook cá nhân rằng tờ giấy cam kết của ông Chủ tịch Nguyễn Đức Chung với người dân Đồng Tâm chỉ là tờ giấy lộn. Luật sư Lê Công Định viết: “Thành tâm ký mà không thực hiện, là lật lọng. Không thành tâm muốn mà vẫn ký, là lừa đảo”.

Vào tối ngày 14 tháng 6, từ Sài Gòn, tù nhân lương tâm-Thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung cho biết quan điểm cá nhân về tư cách và trách nhiệm của ông Chủ tịch Nguyễn Đức Chung trong việc giải quyết vụ Đồng Tâm:

000_NR37J.jpg
Chủ tịch thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung (áo trắng) xuống xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội vào ngày 22 tháng 4 năm 2017. AFP photo

“Tôi phải khẳng định là việc ông Chung ký kết với người dân không phải tư cách là một chủ tịch bên cơ quan hành pháp, mà với tư cách là ‘Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội’ và có cuộc họp của Thành ủy Hà Nội đã giao cho ông Chung nhiệm vụ giải quyết vụ Đồng Tâm với tư cách “Phó Bí thư Thành ủy”, nghĩa là ông đại diện cho Đảng. Và ai cũng biết ở Việt Nam thì Đảng lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối và toàn diện cả Hành pháp-Lập pháp-Tư pháp. Do đó, ông không thể nào nói là ông không có tư cách để ký hay không đại diện cho bên tư pháp để có thể cam kết không khởi tố. Vì rõ ràng cả hệ thống đều chấp hành chỉ đạo của Đảng Cộng sản hết. Cho nên, những lời lập luận và lý luận ông đưa ra để bào chữa cho việc ông tiếp tục khởi tố là chuyện rất vô lý, mình dùng từ ngữ nặng nề là ‘phản trắc và lật lọng với người dân’.”

Cũng trong tâm trạng thất vọng và bất mãn đối với ông Nguyễn Đức Chung, một số cư dân mạng tỏ ra xót xa cho người dân Đồng Tâm trong những ngày sắp tới. Nhưng vì lo lắng bao nhiêu thì họ lại trách cứ người dân Đồng Tâm bấy nhiêu, rằng sao lại ngây thơ mà tin cậy vào lời hứa của ông Chủ tịch thành phố Hà Nội bởi thực tiễn của thể chế qua các vụ tranh chấp đất đai như Văn Giang, Dương Nội…

Người dân Đồng Tâm được bênh vực

Tuy nhiên, Blogger Nguyen Anh Tuan, một người tuyên bố đứng cùng người dân Đồng Tâm với chia sẻ:

“Đừng trách dân làng Đồng Tâm, dù họ đã cười tươi như trẻ thơ khi được tin Chủ tịch Chung cam kết không khởi tố. Không ai đáng trách chỉ vì giữ lòng tin vào sự tử tế còn sót lại của người nắm quyền-trong tư cách đồng loại và đồng bào.”

Và Luật sư Ngô Ngọc Trai cũng cho rằng người dân Đồng Tâm không có lỗi qua lập luận về mặt pháp lý rằng:

“Không có pháp luật nào, không có nhà nước nào chấp nhận một việc làm sai pháp luật là công vụ nhân danh nhà nước. Kết quả của việc làm đó sẽ không có lợi cho nhà nước, không có lợi cho người dân, đó là hành vi xâm hại, đó không phải công vụ.”

Không có pháp luật nào, không có nhà nước nào chấp nhận một việc làm sai pháp luật là công vụ nhân danh nhà nước.
-LS Ngô Ngọc Trai

Với những trưng dẫn về quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam, Luật sư Ngô Ngọc Trai khẳng định người dân không có nghĩa vụ phải chấp hành hợp tác với một việc làm sai và họ có quyền phòng vệ chính đáng.

Mặc dù cư dân mạng vài ngày qua bày tỏ chính kiến đa chiều trong vụ Đồng Tâm, thế nhưng nhiều người kêu gọi ông Chủ tịch Nguyễn Đức Chung hãy thực hiện theo bản cam kết đã ký với người dân Đồng Tâm hôm 22 tháng 4, như ông Mạc Văn Trang soạn thư bằng văn bản, gửi đến ông Nguyễn Đức Chung đề nghị ông Chung đừng “phản bội’ bản cam kết mà phải biết đứng về phía nhân dân với tư cách của một người trọng danh dự và có trách nhiệm.

Chúng tôi xin kết thúc bài ghi nhận này với câu hỏi dành cho những dân oan ở Thủ Thiêm, Sài Gòn, có thể được xem là đồng cảnh ngộ với người dân Đồng Tâm, rằng nếu lời hứa hẹn của Trung ương sẽ giải quyết khiếu nại cho các dân oan Thủ Thiêm khi họ ra Hà Nội biểu tình hồi cuối tháng 10 năm ngoái không được thực hiện thì việc gì sẽ xảy ra?

“Nếu trường hợp đó xảy ra tại Thủ Thiêm thì tôi nghĩ rằng vấn đề sẽ nghiêm trọng hơn. Tại vì dân bây giờ bị dồn vào con đường cùng rồi, người ta không còn con đường nào để sống nữa. Thành ra vấn đề dồn người dân vào chân tường giống như một cái lò xo bị dồn vào thế cùng thì tự nhiên sức bật của nó bung ra rất mạnh và rất khốc liệt.”

Hội cựu tù nhân lương tâm: Thư ngỏ gửi những người cộng sản.

0
Lê Công Định

 

Hỡi những cộng sản đã đi theo đảng một cách chân thành, vì coi đó là lý tưởng cao đẹp, xin quý vị nên nghĩ lại, xem tổ chức mà quý vị đang đứng trong hàng ngũ liệu có và còn xứng đáng là một chính đảng phục vụ đất nước dân tộc hay không?

Ngay sau khi ông Nguyễn Đức Chung ký bản cam kết, nhiều luật sư đã phân tích sự lừa đảo đó, bởi lẽ đơn giản là ông ta không có thẩm quyền đại diện và thay mặt cơ quan tố tụng cam kết không khởi tố vụ án Đồng Tâm.

Nhiều người, và rất nhiều người, đã cả tin đến mức phê phán các luật sư, rằng kết quả đạt được là tốt rồi, không nên quá nghi ngờ “thiện chí” của giới lãnh đạo Hà Nội, và rằng người dân Đồng Tâm đã làm hết sức của mình, không nên đòi hỏi hơn nữa. Tất nhiên, chúng tôi hiểu cảm xúc trung thực đó.

Bây giờ mọi người đã thấy rõ, hệ thống tuyên truyền của nhà cầm quyền đang lập luận rằng ông Chung không có thẩm quyền cam kết như thế, và cùng lắm ông chỉ hứa không khởi tố “toàn thể người dân Đồng Tâm”, chứ có cam kết không khởi tố một cá nhân nào đâu (!?).

Ông Chung thậm chí còn vu cáo người dân Đồng Tâm ép buộc ông ký cam kết, và vì muốn tránh cảnh người dân phải đổ máu lúc đó, nên ông đành làm như thế, và cam kết trong khi bị ép buộc hoàn toàn không có giá trị pháp lý (!).

Nói cách khác, họ chẻ chữ ra để lấp liếm. Tất nhiên, lấp liếm thì dễ thôi, nhưng hành động lật lọng và lừa đảo không thể che giấu ai. Lật lọng và lừa đảo là hai mặt của một đồng xu mang hình hài cộng sản.

Nếu ông Chung có thẩm quyền cam kết, thì rõ ràng bây giờ nhà cầm quyền đang lật lọng. Nếu ông Chung không có thẩm quyền mà vẫn cam kết, thậm chí khôn lỏi đến mức chơi chữ để lấp liếm, thì đó là gì nếu không phải lừa đảo?

Lật lọng và lừa đảo là bản chất của mọi chế độ cộng sản từ khi chúng đoạt được quyền bính trên toàn thế giới vào năm 1917 ở nước Nga và sau đó lan rộng trên phạm vi quốc tế. Dù cộng sản đã sụp đổ trên toàn cầu nhiều thập kỷ trước, cặn bã của nó vẫn còn đọng lại ở Trung Quốc và Việt Nam.

Do đó, hỡi những người cộng sản Việt Nam thành tâm, quý vị nghĩ gì về tổ chức mà mình đang gửi gắm niềm tin và hy vọng? Người dân Đồng Tâm là những dân quê chân chất, lam lũ bên mảnh đất tổ tiên để lại, liệu đủ sức chống chọi sự lật lọng và lừa đảo tinh vi một cách có hệ thống như thế không?

Người dân Đồng Tâm mới chính là đồng bào yếu thế của quý vị trong cộng đồng dân tộc suốt hàng ngàn năm lịch sử, chứ không chỉ có những kẻ trong một tổ chức mới hình thành từ vài chục năm qua bởi sự vay mượn một tư tưởng ngoại lai xa lạ.

Chế độ mà quý vị tưởng còn chia sẻ chung lý tưởng ấy thật ra đã lộ nguyên hình thành một băng đảng chủ trương lấy cướp bóc làm mục đích sinh tồn, lấy dối trá và bạo lực làm phương tiện. Chế độ đó đang hoảng loạn đến mức phải bảo toàn quyền thống trị độc tôn của mình mà không ngần ngại bộc lộ rõ bản chất lật lọng và lừa đảo của nó.

Vậy, xin hãy bình tâm suy nghĩ và từ bỏ băng đảng cướp bóc đó. Thời gian vẫn còn kịp cho những ai thành tâm yêu nước, và dân tộc ta luôn bao dung đối với những ai thực tâm xem lợi ích tổ quốc vượt trên tất cả.

Việt Nam, ngày 14/6/2017
Đồng Chủ tịch Hội CTNLT:
Bs. Nguyễn Đan Quế, Lm. Phan Văn Lợi

Xã luận: Pháp quyền bị nhốt trong cái lồng thể chế

Cuối cùng thì cơn lũ Đoàn Ngọc Hải đã qua đi, và vỉa hè quận 1 – Sài Gòn đã trở về trạng thái ban đầu, như chưa hề có chuyện gì xảy ra.

Đích thân ông quận phó đã xác nhận chuyện này với báo Một Thế Giới.

Hoá ra lý do ông không xuống đường nữa là vì Quận uỷ (tức là cơ quan của đảng Cộng sản Việt Nam) và Uỷ ban Nhân dân quận 1 đã có hai văn bản yêu cầu ông không được tiếp tục việc dọn dẹp lòng lề đường nữa.

“Rất khó chịu nhưng làm sao được khi tôi không còn đứng đầu chiến dịch và có quyền xử lý vi phạm, cũng như khiển trách cán bộ cấp dưới?”, ông Hải nói.

Rất tiếc, người dân không được tiếp cận với văn bản của UBND quận 1 để biết đó là văn bản loại gì, nội dung của nó ra sao, có được ban hành đúng pháp luật hay không. Văn bản của Quận uỷ là việc nội bộ của ĐCSVN, mặc dù khả năng cao đó mới là “phán quyết” chính thức cho công việc của ông Hải.

Điều chúng ta có thể đoán được là UBND quận 1 đã không còn phân công ông Hải xuống đường dọn dẹp lòng lề đường, hoặc có thể là không phân công ông Hải quản lý lòng lề đường nữa. Nếu đúng vậy thì đây là chuyện tổ chức công việc bình thường của các cơ quan hành chính, không có gì đáng bàn.

Ông Đoàn Ngọc Hải và các ban bệ không còn có thể rồng rắn xuống đường “giành lại vỉa hè” nữa. Ảnh: Nhà Quản Lý.

Người đi, nghĩ suy ở lại

Điều còn đọng lại khiến nhiều người lấn cấn là cuối cùng ông Hải có làm đúng luật hay không. Ông Hải và những người ủng hộ ông ấy khăng khăng là ông đúng: “Tôi khẳng định là mình làm đúng Luật Giao thông Đường bộ. Những vật cản trên lòng lề đường là phải giải toả ngay, nhường đường cho người đi bộ, tránh tai nạn giao thông”.

Ông Hải cho rằng Luật GTĐB cho ông quyền giải toả, cưỡng chế ngay lập tức mọi vật cản trên lòng lề đường, không cần thông báo trước, không cần ra quyết định xử phạt và yêu cầu người vi phạm khắc phục hậu quả.

Trong khi đó, phe phản đối thì nói rằng ông phải áp dụng Luật Xử lý Vi phạm Hành chính và phải tuân thủ đúng quy trình xử lý như trên.

Ông Hải bác bỏ điều đó: “Tôi không áp dụng Luật XLVPHC vì đó là những vật cản nằm trên vỉa hè. Khi nào trên công trình dân dụng có sai phạm thì mới xử phạt hành chính”.

Như vậy, tồn tại hai khả năng: một là ông Hải hiểu sai luật và áp dụng nhầm văn bản, hai là pháp luật nhập nhằng và không rõ ràng về quy trình xử lý vi phạm.

Xét khả năng thứ nhất:

Nếu ông Hải hiểu sai và áp dụng nhầm văn bản thì ông Hải và UBND quận 1 phải chịu trách nhiệm. Ông Hải phải chịu trách nhiệm cá nhân, và UBND quận, Hội đồng Nhân dân quận hoặc các cơ quan cấp trên phải xử lý kỷ luật ông Hải. Đây là việc các cơ quan nhà nước phải làm theo đúng pháp luật, không thể xí xoá, bỏ qua, rút kinh nghiệm.

Thậm chí, ông Hải cần phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 143, Bộ luật Hình sự.

UBND quận 1 cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các hộ dân đã bị cưỡng chế, giải toả, nếu người dân có yêu cầu.

Xét khả năng thứ hai:

Nếu ông Hải không làm sai pháp luật, mà là pháp luật nhập nhằng và không rõ ràng thì nhà nước phải có các động thái sửa sai.

Việc sửa sai này có thể làm theo ít nhất là hai cách: Quốc hội hoặc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ra văn bản giải thích sự nhập nhằng giữa hai văn bản luật này và thống nhất một cách hiểu duy nhất; hoặc Chính phủ ra nghị định hướng dẫn thi hành Luật GTĐB và nói rõ quy trình xử lý ra sao.

Tuy nhiên, cho đến nay, chúng ta không được biết nhà nước có đang làm cái việc sửa sai này hay không, cũng như không ai nghe nói gì đến việc xem xét trách nhiệm của ông Hải thế nào. Sau cùng thì ai là người đưa ra kết luận về việc ông Hải có làm đúng pháp luật hay không, ai là người truy cứu trách nhiệm ông Hải nếu ông ấy làm sai? Đâu là chỗ người dân phải kêu để đòi được tiền bồi thường nếu ông Hải làm sai?

Nếu chính quyền lờ đi, không xem xét trách nhiệm của ông Hải cũng như không sửa cái lỗi sai trong hệ thống pháp luật đó thì sao?

Các bậc tam cấp này bị cho là lấn chiếm vỉa hè và bị dỡ bỏ theo lệnh của ông Hải. Ảnh: Infonet.

Cần có tư pháp độc lập để phân xử đúng sai

Trong một nền pháp quyền, người ta luôn có thể giải quyết vấn đề này một cách rất chủ động, đó là con đường toà án.

Theo đó, người dân bị cưỡng chế, giải toả có thể kiện UBND quận 1 ra toà hành chính và yêu cầu toà phân xử xem việc làm của UBND, mà đại diện là ông Hải, có đúng pháp luật hay không. Người dân sẽ lập luận rằng ông Hải làm vậy là sai, ông Hải sẽ bác bỏ như cách ông vẫn bác bỏ lâu nay.

Cuối cùng, toà sẽ đưa ra phán quyết xem cần phải áp dụng văn bản nào, có văn bản nào trái luật hoặc trái hiến pháp hay không. Dĩ nhiên, sau đó hai bên có quyền kháng cáo phán quyết đó lên toà cấp cao hơn, nhưng sau cùng thì cũng phải có một phán quyết chốt hạ vụ kiện. Trách nhiệm của các bên sẽ được xem xét dựa trên phán quyết vụ kiện đó.

Đây chính là chức năng giám sát tư pháp (judicial review) của toà án, vốn dĩ tương đối phổ biến ở các nước trên thế giới. Cách làm này trao quyền chủ động cho các bên liên quan và hệ thống toà án, giúp việc xử lý các tranh chấp trong xã hội, bao gồm cả tranh chấp giữa người dân và chính quyền, trở nên nhanh chóng và hiệu quả hơn. Không ai còn phải chờ các cơ quan nhà nước khác vào cuộc, vốn dĩ vẫn là chuyện “chờ em chờ đến bao giờ” ở nước ta.

Một giải pháp nữa trong một nền pháp quyền là cơ quan công tố cấp quận/tỉnh, hiện nay là Viện Kiểm sát Nhân dân, xem xét khởi tố vụ án huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, khởi tố bị can đối với ông Đoàn Ngọc Hải và đưa vụ án hình sự này ra toà. Toà cũng sẽ xem xét xem ông Hải làm có đúng luật không và nếu sai thì trách nhiệm của ông đến đâu.

Cả hai giải pháp nêu trên chỉ có thể đạt được nếu chúng ta có một hệ thống nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc tam quyền phân lập, trong đó toà án độc lập với các cơ quan hành pháp để có thể đưa ra các phán quyết đúng pháp luật, cơ quan điều tra và cơ quan công tố cũng được độc lập với các quan chức hành pháp để có thể tiến hành điều tra, truy tố mà không bị các quan chức đó can thiệp.

Đại diện một khách sạn bị phá dỡ bậc thầm tranh luận với ông Hải rằng bậc thềm nằm trong giấy phép xây dựng được Sở Xây dựng cấp năm 1991. Ảnh: Youtube.

Cần có phe đối lập trong cơ quan lập pháp

Ở trên, chúng ta đã trả lời câu hỏi về trách nhiệm pháp lý của ông Hải và UBND quận 1, với một thể chế tư pháp độc lập. Nhưng toà án chỉ có thể tuyên án chứ không thể kỷ luật hay phế truất ông Hải trong trường hợp ông ấy làm sai.

Nếu người dân kiện ông Hải ra toà, toà tuyên ông Hải áp dụng sai pháp luật và UBND quận 1 phải bồi thường mà UBND quận 1 không kỷ luật ông Hải, HĐND quận 1 không phế truất ông Hải thì sao? Thì nghĩa là cho dù làm sai, ông Hải vẫn sẽ tiếp tục nắm giữ quyền lực của mình, trừ trường hợp toà hình sự tuyên ông ấy phải đi tù.

Hiện nay, luật trao cho HĐND quyền bãi nhiệm, miễn nhiệm đối với vị trí Phó Chủ tịch quận, huyện. Điều này cũng tương tự như Quốc hội có quyền bãi nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch nước hay Thủ tướng vậy.

Trong một thể chế tam quyền phân lập, HĐND do cử tri bầu ra, chịu sức ép từ lá phiếu của cử tri, sẽ tiến hành thủ tục xem xét trách nhiệm của ông Hải. Nếu thấy ông ấy làm sai, HĐND có thể bỏ phiếu phế truất ông ấy.

Nhưng ai sẽ là người có động lực đề xướng chuyện phế truất ông Hải ra trước HĐND? Thông thường, người được lợi nhất, có động lực nhất khi làm việc này sẽ là phe đối lập với ông Hải trong HĐND, và họ sẽ là người sẵn sàng đề xuất hội đồng phế truất ông ấy. Nhưng hiện nay chúng ta có phe đối lập trong các cơ quan dân cử không?

Câu trả lời là không. Và đây chính là lỗi hệ thống căn bản khiến cho chúng ta mắc kẹt không có lối nào ra trong cái cuộc tranh luận bùng nhùng liên quan đến ông quận phó Đoàn Ngọc Hải.

Không có phe đối lập nào trong Quốc hội hiện nay. Ảnh: Dân Trí.

Khó sống vì hệ thống

Chúng ta nói đến tam quyền phân lập, trong đó chúng ta có toà án độc lập trong việc phân xử tranh chấp giữa ông Hải với người dân và truy cứu trách nhiệm pháp lý của ông ấy, trong đó có cơ quan lập pháp (HĐND và QH) xem xét việc giải thích pháp luật và trách nhiệm chính trị của ông Hải.

Nhưng, ở đây có một chữ “nhưng” to đùng, tư tưởng tam quyền phân lập lại bị Nghị quyết số 04-NQ/TW của đảng CSVN liệt vào nhóm “9 biểu hiện ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hoá’ trong nội bộ” và cần phải đấu tranh loại trừ.

Trên thực tế, tam quyền phân lập không thể trở thành hiện thực trong thể chế chính trị một đảng cầm quyền của Việt Nam hiện nay. Hãy xem xét các dữ kiện sau.

Ở cơ quan hành pháp Việt Nam (chính phủ và UBND), những quan chức như ông Hải, Chủ tịch nước Trần Đại Quang hay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cùng với các vị trí thấp hơn như Giám đốc Sở, Bộ trưởng, Thứ trưởng, Vụ trưởng,… đều là đảng viên đảng CSVN.

Ở cơ quan lập pháp, (QH và HĐND), đảng CSVN chiếm gần như tuyệt đối số ghế, 96% đại biểu Quốc hội là đảng viên. Vậy thì nếu như những quan chức như ông Hải hay ông Phúc làm sai thì Quốc hội có dám chất vấn đến cùng và bãi nhiệm các ông ấy không? Lịch sử nhà nước Việt Nam hiện đại chưa ghi nhận chuyện đó bao giờ.

Ở cơ quan tư pháp (toà án), trước ngày 1/6/2015, tiêu chuẩn bổ nhiệm thẩm phán là phải “chấp hành nghiêm chỉnh… chính sách của Đảng”, “kiên quyết đấu tranh với những người, những hành vi gây phương hại đến Đảng”, và “không thuộc trường hợp quy định tại Điều 2 Chương I của Quy định số 57-QĐ/TW ngày 03-5-2007 của Bộ Chính trị ‘Một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng’”. Điều đó có nghĩa là các thẩm phán hoặc phải là đảng viên đảng CSVN, hoặc là người tự nguyện chấp hành các chỉ thị của đảng CSVN trong mọi hoạt động xét xử.

Hiện văn bản về tiêu chuẩn bổ nhiệm thẩm phán này đã hết hiệu lực, nhưng hầu hết các thẩm phán đang tại nhiệm đều được bổ nhiệm trước ngày 1/6/2015. Hơn nữa, ít ai nghi ngờ về việc các thẩm phán được bổ nhiệm mới vẫn phải tuân theo các tiêu chuẩn cũ.

Như vậy, bằng việc kiểm soát toàn bộ ba nhánh quyền lực, đảng CSVN đã khép lại gần như mọi cánh cửa để có thể xem xét trách nhiệm của những người như ông Hải. Người ta chỉ còn có thể trông cậy vào một khả năng: Đảng tự kỷ luật chính đảng viên của mình.

Cơ chế tam quyền không phân lập này dựa trên một thể chế chính trị một đảng cầm quyền cũng khiến cho chất lượng làm luật trở nên yếu kém, sinh ra những văn bản luật nhập nhằng mà ông Hải đã viện dẫn để giải toả lòng lề đường, và cuối cùng là không ai trong hệ thống có động lực hay lợi ích nào trong việc giải thích và thống nhất cách hiểu các văn bản này cả.

Khi quyền lực của các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND không gắn với lá phiếu của cử tri trong một thể chế dân chủ, họ không thấy cần phải bầu ra các quan chức hành pháp có trách nhiệm và có năng lực, cũng như khi các quan chức hành pháp này phạm luật thì họ cũng không thấy có động lực để phế truất.

Và đó là cơ chế tuyệt vời nhất để nuôi dưỡng tham nhũng. Ông Hải có muốn thực thi pháp luật nghiêm minh cũng không được, vì sẽ đụng phải lợi ích của muôn vàn ông nọ, bà kia.

Ông Nguyễn Hoà Bình, Chánh án TAND Tối cao cùng các quan chức cao cấp khác của chính quyền đều là đảng viên đảng CSVN. Ảnh: Dân Trí.

***

Thất bại trong chiến dịch giải toả lòng lề đường của ông Hải, tưởng như chỉ là chuyện vặt ở cấp quận huyện, chẳng đáng bới móc ra làm gì, nhưng thực tế nó phản ánh một vấn đề lớn hơn nhiều: vấn đề hệ thống.

Cái hệ thống đó đã thất bại trong việc quản lý lòng lề đường, để rồi ông Hải phải trực tiếp ra tay bằng cách gồng mình lên gánh toàn bộ sự ì ạch và tính kém hiệu quả của nó.

Cái hệ thống đó cũng tạo điều kiện cho ông Hải làm những việc đầy tranh cãi, làm ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của người dân, dựa trên những văn bản pháp luật nhập nhằng.

Và cũng chính cái hệ thống đó cũng không thể giải quyết được hai câu hỏi lớn mà ông Hải đã bỏ lại: ông ấy làm đúng hay sai pháp luật, nếu sai thì xử lý thế nào.

Vậy là cuối cùng, ông Hải, người giương cao lá cờ thượng tôn pháp luật, lại không bị pháp luật kiểm soát và trở thành người đứng bên trên pháp luật.

Chúng ta không thể tìm ra được lối thoát cho vấn đề nếu chỉ loanh quanh tranh cãi về những chi tiết lặt vặt. Chỉ có cách nhìn thẳng vào hệ thống thì mới mong giải quyết được vấn đề.

Một hệ thống tốt sẽ tự vận hành cho một mục đích cho trước. Hệ thống nhà nước vốn dĩ được sinh ra để bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ tự do cho con người và quản lý xã hội một cách hiệu quả. Hệ thống nhà nước của chúng ta hiện nay ban đầu cũng được sinh ra với mục đích đó, nhưng do thiết kế không hợp lý, nó không còn giữ được mục đích ban đầu mà trở thành một hệ thống nuôi dưỡng lợi ích và quyền lực của một đảng phái chính trị.

Chúng ta đang chứng kiến hệ thống nhà nước thực hiện rất tốt cái mục đích mới này: các nhân tố của hệ thống rất tích cực, chủ động trong việc bảo vệ và làm lợi cho chính nó, đồng thời có xu hướng chây ì hoặc khước từ nghĩa vụ thực hiện những chức năng ban đầu.

Một cá nhân như ông Hải hay bất kỳ ai khác cũng không thể gồng lên để làm cho bộ máy đó trở lại mục đích ban đầu được. Mọi chiến dịch hay phong trào mang tính dân tuý đều sẽ chỉ trống giong cờ mở trong giây lát rồi mất hút trong vòng xoáy của bộ máy.

Dĩ nhiên, chúng ta đang chứng kiến những cải tiến lặt vặt theo lối thay ốc bỏ đinh và đạt được một vài chuyển biến tích cực nhất định. Những cải tiến đó có đủ để thay đổi hệ thống hay không? Xin nhường câu trả lời lại cho bạn đọc.

Nguồn : Luật Khoa Tạp Chí

Xã luận: Khởi tố và lời kêu gọi thượng tôn một thứ pháp luật bất công

1

ý kiến cho rằng, lời hứa của tướng Nguyễn Đức Chung không có giá trị pháp lý, và ông cũng không có thẩm quyền trong các hoạt động điều tra để có thể quyết định không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người dân Đồng Tâm, rằng để đảm bảo tiêu chí của một nền pháp quyền, cơ quan điều tra cần phải độc lập khỏi sự chi phối của cơ quan hành pháp, và rằng hành động truy tố của CA Hà Nội lần này là đúng đắn theo các nguyên tắc pháp quyền.

Song cách lập luận như thế liệu có thực sự chính đáng? Và có nơi nào mà pháp quyền sinh ra là để bảo vệ cho chính quyền không? Hay, một cách tổng quát hơn, thế nào là một nền pháp quyền?

Thế nào là một nền pháp quyền chính đáng

Một thể chế được coi là có pháp quyền thì phải đảm bảo cả tiêu chuẩn hình thức lẫn thực chất. Xét về mặt hình thức, nhà nước và cá nhân phải tuân thủ theo các thủ tục pháp luật. Song, bản chất của nền pháp quyền chính là nhằm ngăn chặn sự tùy tiện của chính quyền, qua đó bảo vệ lợi ích của người dân. Quan trọng nhất vẫn là tiêu chuẩn về thực chất, vì rốt cuộc thì thủ tục chẳng qua chỉ để đảm bảo cho chính cái bản chất ấy được thực thi.

Một thể chế dù thực hiện khắt khe các tiêu chuẩn hình thức song không đảm bảo tiêu chuẩn thực chất, thì không nên nói rằng nó sở hữu một nền pháp quyền. Thậm chí ta có thể hiểu rằng thể chế này đang sử dụng cái mỹ từ “pháp quyền” như một đôi găng nhung để bảo vệ cho bàn tay sắt giấu bên trong nó.

Ở Việt Nam, rõ ràng toàn bộ quyền lực nằm trong tay đảng Cộng sản: Đảng có địa vị tối cao, đứng trên luật, và sử dụng pháp luật để cai trị. Các cơ quan khác nhau – như hành pháp, lập pháp, tư pháp – chỉ là các công cụ được Đảng thiết lập nhằm phục vụ các chức năng mà Đảng giao cho. Một nền chính trị như vậy, dù có đảm bảo tiêu chuẩn hình thức đến mấy, thì vẫn không thể được coi là một nền pháp quyền.

Tại sao có thể tuyên bố chắc nịch như vậy? Bởi cái tính hình thức đó được sinh ra nhằm phục vụ cho lợi ích của Đảng, chứ không phải là để kiểm soát quyền lực của giới cai trị và bảo vệ các quyền và lợi ích của người dân. Nó hoàn toàn đi ngược lại với tinh thần pháp quyền rằng, một nhà nước pháp quyền phải đảm bảo người dân có khả năng chống lại sự tuỳ tiện của chính quyền.

Đảng Cộng sản Việt Nam hiện diện trong mọi ngõ ngách của đời sống chính trị và pháp lý Việt Nam. Ảnh: Viện Kiểm sát Bắc Giang.

Đồng Tâm: Bất công chồng lên bất công

Quay lại trường hợp ở Đồng Tâm, chúng ta có thể thấy rằng người dân có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi bắt giữ một số người của chính quyền khi phải tự bảo vệ chính họ trước bạo quyền. Và cũng có thể cho là ông Chung đã lạm quyền khi cam kết một điều không thuộc thẩm quyền của ông. Như vậy, giao dịch giữa ông Chung và người dân đã vi phạm tiêu chuẩn về hình thức. Vậy thì để đảm bảo thủ tục pháp quyền, ông Chung phải bị luận tội lạm quyền, còn người dân phải bị khởi tố.

Song câu hỏi đặt ra là: Liệu tuân theo thủ tục pháp quyền như thế có thực sự đảm bảo tính công bằng hay không? Và có đáng để chúng ta đấu tranh cho một thứ pháp quyền thuần túy hình thức như thế?

Thứ nhất, như lập luận ở trên, chúng ta đã thấy rằng Việt Nam không sở hữu một nền pháp quyền chính đáng. Người dân luôn ở thế yếu hơn và không có khả năng chống lại sự tùy tiện của các cơ quan công quyền: họ còn biết trông cậy vào công cụ nào để bảo vệ chính mình khi mà kẻ đẩy họ vào đường cùng lại là những người có thừa quyền năng để đem họ ra truy tố?

Thứ hai, quan trọng hơn, chính là về những nguồn cơn đã dẫn đến hành vi của người dân Đồng Tâm. Đó là quá trình đối xử bất công kéo dài xâm phạm các lợi ích của họ, là những hành vi bạo lực đối với họ khiến họ phải phản kháng. Rõ ràng ở đây họ là người bị hại trước nhất, không một thứ “thủ tục pháp quyền” nào được thực thi ngay từ đầu, và rồi họ phải phản kháng để tự bảo vệ mình, vì vậy mà họ bị coi là có tội. Điều này là hoàn toàn bất công. Và một nền pháp quyền giả tạo như vậy hoàn toàn không đáng cho chúng ta theo đuổi.

Nên hay không nên ủng hộ thực hiện lời hứa của ông Chung? Ảnh: Zing.

Cần áp dụng tinh thần pháp quyền thực chất

Để tạo dựng một nền pháp quyền chính đáng, chúng ta nên ủng hộ thực thi bản cam kết của ông Chung. Có như vậy mới đảm bảo được tiêu chuẩn thực chất của pháp quyền.

Khi mà quyền lợi của người dân bị xâm phạm, chính quyền giải quyết không công bằng, thậm chí còn sử dụng đến bạo lực, thì người dân có quyền nổi dậy để bảo vệ chính họ. Trong trường hợp này, chính quyền đã xâm phạm tới quyền lợi của người dân trước tiên, do đó chính quyền mới là phía sai trái, mới đáng bị kết tội.

Việc ông Chung đại diện cho chính quyền đưa ra cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người dân cho thấy rằng quyền lực của chính quyền đã bị giới hạn khi gặp phải sức phản kháng của người dân. Thêm vào đó, các quyền lợi của người dân được bảo toàn. Đó mới chính là tinh thần của pháp quyền: kiểm soát sự cai trị, giới hạn quyền lực nhà nước, và bảo vệ lợi ích của người dân.

Vụ việc lần này ở Đồng Tâm khá giống với tinh thần của giới quý tộc Anh cách đây hơn 800 năm. Khi bị chính quyền đối xử tùy tiện, giới quý tộc Anh đã nổi dậy, ép vua Anh phải ký kết Đại Hiến chương Magna Carta – ghi rõ cam kết bảo vệ các quý tộc và cá nhân không bị bắt giam. Nội dung chính của bản Hiến chương nêu lên tinh thần tôn trọng các quyền không thể xâm phạm của con người, và đây chính là nền tảng của nền pháp quyền Anh.

Điều này cũng tương tự như khi nước Mỹ còn là thuộc địa của Anh. Do bị đối xử bất công, người Mỹ đã nổi dậy chống lại luật pháp Anh, và tuyên bố trở thành quốc gia độc lập với tuyên ngôn nổi tiếng:

“Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc. Rằng để đảm bảo cho những quyền lợi này, các chính phủ được lập ra trong nhân dân và có được những quyền lực chính đáng trên cơ sở sự nhất trí của nhân dân, rằng bất cứ khi nào một thể chế chính quyền nào đó phá vỡ những mục tiêu này, thì nhân dân có quyền thay đổi hoặc loại bỏ chính quyền đó và lập nên một chính quyền mới, đặt trên nền tảng những nguyên tắc cũng như tổ chức thực thi quyền hành theo một thể chế sao cho có hiệu quả tốt nhất đối với an ninh và hạnh phúc của họ”.

Dù thủ tục tố tụng có được thực thi khắt khe đến thế nào thì chúng vẫn là thứ vô ích và không đáng được bảo vệ khi mà chính quyền hãy còn giữ thế độc tôn nắm giữ quyền lực, và lợi ích của người dân hãy còn bị xâm phạm đến mức họ phải chống lại luật pháp để bảo vệ chính mình. Muốn gầy dựng một nền pháp quyền chính đáng, thứ chúng ta cần theo đuổi chính là tinh thần của nó.

Như vậy, trường hợp ở Đồng Tâm với cam kết giữa người dân và ông Chung, hay nói rộng hơn là thỏa ước giữa người dân và chính quyền, là một bằng chứng cho thấy dấu hiệu của pháp quyền. Và việc thực thi bản cam kết này chính là một bước tiến để bắt đầu hiện thực hóa tinh thần pháp quyền thực chất.

Nguồn : Luật Khoa Tạp Chí

Xã luận: Đồng Tâm, lời hứa và pháp quyền

Việc Công an Hà Nội quyết định khởi tố vụ bắt giữ 38 chiến sĩ công an ở Đồng Tâm đang làm nổ ra cuộc tranh luận gay gắt về việc ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, không giữ lời hứa với bà con Đồng Tâm. Cho đến nay, CAHN mới chỉ ra quyết định khởi tố vụ án, chưa khởi tố bị can.

Tôi muốn xem xét vấn đề này không phải dưới góc độ lợi ích của người dân Đồng Tâm hay của chính quyền, mà dưới góc độ pháp quyền.

Bài viết này không phân tích xem quyết định khởi tố vụ án là đúng hay sai, có căn cứ pháp luật hay không, có thể không khởi tố vụ án mà vẫn đúng pháp luật hay không. Mặc dù tôi cho rằng chỉ khởi tố vụ án bắt giữ 38 chiến sĩ công an mà không khởi tố vụ bắt giam ông Lê Đình Kình là không công bằng, nhưng xin đề cập đến vấn đề này trong một dịp khác. Bài này chỉ tập trung vào mối liên hệ giữa lời hứa của ông Chung và quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can (nếu có).

Cơ quan điều tra không cần phải “nghe lời” người đứng đầu cơ quan hành pháp

Thảm hoạ chính trị và uy tín cho ông Chung nói riêng và đảng Cộng sản Việt Nam nói chung đến nay đã rõ. Nhưng nếu chúng ta ủng hộ ông Chung can thiệp vào việc điều tra vụ án Đồng Tâm, yêu cầu công an không “truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm” như lời ông đã hứa, nghĩa là chúng ta ủng hộ cho việc người đứng đầu cơ quan hành pháp can thiệp vào việc điều tra.

Điều đó có thể mang lại kết quả tốt đẹp cho vụ Đồng Tâm như một số người kỳ vọng. Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi tiền lệ này tiếp tục được áp dụng trong các vụ án khác và trở thành một nguyên tắc?

Khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh có thể yêu cầu Công an Hà Tĩnh không khởi tố các cá nhân của công ty Formosa và các quan chức chính quyền có liên quan trong vụ ô nhiễm môi trường biển miền Trung. Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái có thể yêu cầu Công an Yên Bái không khởi tố vụ dinh cơ của vợ Giám đốc Sở Tài Nguyên – Môi trường. Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh có thể yêu cầu Công an TP không khởi tố vụ côn đồ hành hung bà Lê Mỹ Hạnh.

Bất chấp Công an Hà Tĩnh, Yên Bái, và TP. Hồ Chí Minh có thấy đủ căn cứ để khởi tố hay không, họ cũng đều phải nghe lệnh của Chủ tịch UBND. Khi đó, Chủ tịch UBND sẽ là người quyết định một hành vi là có tội hay không có tội, hay ít nhất, một hành vi nào đó có dấu hiệu phạm tội hay không.

Điều này dẫn đến nhiều hệ luỵ, bởi vị trí người đứng đầu cơ quan hành pháp là nơi dễ xảy ra tham nhũng và lạm quyền nhất. Nắm trong tay quyền bổ nhiệm hàng loạt cán bộ và có thể quyết định chi tiêu những khoản tiền khổng lồ, họ có thể tập hợp quanh mình một tập đoàn lợi ích từ trên xuống dưới. Điều dễ hiểu là họ sẽ tìm cách can thiệp vào việc điều tra để bao che cho nhóm lợi ích của mình.

Tính độc lập của cơ quan điều tra, đặc biệt là độc lập khỏi sự chi phối của cơ quan hành pháp, là tiêu chí quan trọng của một nền pháp quyền. Họ không có nghĩa vụ phải thực hiện lời hứa của quan chức hành pháp.

Vụ bê bối giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) hiện nay là ví dụ điển hình cho tính độc lập của cơ quan điều tra. Theo lời khai của cựu Giám đốc FBI James Comey, TT Trump đã yêu cầu ông ngừng điều tra về những cáo buộc rằng ông Trump và người của ông bí mật liên hệ với chính quyền Nga trong và sau chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016. Kết quả là James Comey bị Trump sa thải một cách đột ngột.

Bộ Tư pháp Mỹ, một cách độc lập với Tổng thống, sau đó đã bổ nhiệm một cựu Giám đốc FBI khác vào vị trí điều tra viên đặc biệt, chuyên trách điều tra mối liên hệ giữa Trump và chính quyền Putin. Kết quả của cuộc điều tra này sẽ là một báo cáo điều tra, dựa trên đó, Quốc hội có thể luận tội ông Trump, còn người của ông có thể bị truy tố ra toà. Chỉ riêng việc ông Trump tìm cách gây sức ép lên Giám đốc FBI đã đủ để Quốc hội luận tội ông về hành vi “cản trở tư pháp” (obstruction of justice).

Sứ mệnh theo luật định của FBI là “bảo vệ người dân Mỹ và gìn giữ Hiến pháp Mỹ”. Họ không có nghĩa vụ phải phục tùng Tổng thống.

Cũng tương tự như vậy, Văn phòng Công tố Tối cao, cơ quan điều tra cao nhất của Hàn Quốc, trực thuộc Bộ Tư pháp, có thể độc lập tiến hành điều tra cáo buộc tham nhũng và lạm quyền đối với đương kim Tổng thống Park Geun-hye, dẫn đến việc bà này bị phế truất hồi tháng 3 vừa qua. Sau đó, họ còn tiến hành bắt giam bà này khi đồng minh thân cận của bà, Thủ tướng Hwang Kyo-ahn, đang là Quyền Tổng thống.

Trở lại với vụ ông Nguyễn Đức Chung hứa với bà con xã Đồng Tâm sẽ không truy cứu trách nhiệm hình sự họ, đó là một lời hứa có tính chính trị và không có giá trị pháp lý. Như nhiều người đã phân tích, ông Chung không có thẩm quyền trong các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử để có thể quyết định truy cứu hay không truy cứu trách nhiệm hình sự bất kỳ ai. Nói cách khác, ông Chung đã hứa cho người dân Đồng Tâm một thứ ông ta không có về mặt pháp lý.

Nhưng mặt khác, để đảm bảo tính độc lập của cơ quan điều tra, không thể không loại bỏ cơ chế đảng lãnh đạo đối với cơ quan này. Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn đã chỉ ra rằng, ông Nguyễn Đức Chung, với tư cách là Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội kiêm Chủ tịch UBND, là người phụ trách đảng uỷ Công an Hà Nội, nắm quyền chỉ đạo đối với những vấn đề liên quan đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Như vậy thì cho dù có phân tách quyền lực về mặt nhà nước, ông Chung vẫn có thể can thiệp vào việc điều tra về mặt đảng, và đây mới là trật tự quyền lực thực tế ở nước ta.

Niềm tin của người Đồng Tâm. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Kỳ vọng vào ông Chung thể hiện điều gì?

Người dân Đồng Tâm và nhiều người khác kỳ vọng rằng ông Chung sẽ giữ lời hứa. Kỳ vọng đó có thể xuất phát từ một nét văn hoá chính trị khá phổ biến ở nước ta: coi chính quyền là một khối thống nhất và quan chức hành pháp là người đại diện cho chính quyền đó.

Trên luật định, chính quyền không phải là một khối thống nhất và ông Chung cũng không đại diện được cho toàn bộ chính quyền. Chính quyền gồm có nhiều phần khác nhau: lập pháp, hành pháp, và tư pháp, có chức năng giám sát lẫn nhau và đưa ra các quyết định độc lập với nhau. Cơ quan điều tra, tuy thuộc nhánh hành pháp, nhưng vẫn cần phải độc lập với quan chức hành pháp như đã phân tích ở trên.

Tuy nhiên, trong mắt nhiều người, chính quyền không được phân tách rõ ràng ra như vậy. Ông Chung là chính quyền và chính quyền là ông Chung. Ông Chung thậm chí lúc này còn là đại diện cho toàn bộ chính quyền trung ương, chứ không chỉ là chính quyền Hà Nội. Đây có thể là di sản văn hoá pháp lý từ thời phong kiến, khi các quan chức cùng lúc nắm tất cả quyền hành của nhà nước, vừa là người thi hành pháp luật, vừa là điều tra viên, vừa là thẩm phán.

Ở một mặt khác, kỳ vọng này không phải là không có cơ sở, bởi trên thực tế, toàn bộ quyền hành nhà nước hiện nay đang nằm trong tay một đảng phái chính trị: đảng Cộng sản Việt Nam, và trớ trêu thay, chính quyền hiện nay rất giống với chính quyền phong kiến ở khía cạnh này. Khi ông Chung đưa ra lời hứa của mình, ông đang là người được Ban bí thư Trung ương Đảng phân công đối thoại với bà con. Điều đó có nghĩa là tiếng nói của ông Chung được coi là tiếng nói thống nhất của Đảng, và nhà nước buộc phải làm theo.

Tuy vậy, nếu đặt kỳ vọng của mình vào Đảng và yêu cầu Đảng giữ lời hứa, vô hình trung chúng ta ủng hộ cho việc Đảng nắm toàn bộ chính quyền và quyết thay cho chính quyền. Điều này đi ngược lại với mọi nguyên tắc pháp quyền, trong đó có một nguyên tắc đặc biệt quan trọng: tính độc lập của toà án.

Toà án nhân dân Hà Nội có thể sẽ là nơi người dân Đồng Tâm phải đến. Ảnh: VietQ.

Toà án độc lập

Đúng là ông Chung đã đưa ra một lời hứa quá thẩm quyền và bội ước chính lời hứa đó. Nhưng nếu chúng ta lên án ông Chung hay đảng Cộng sản Việt Nam lật lọng và không giữ lời hứa, tức là chúng ta ngầm kỳ vọng ông Chung hay Đảng sẽ can thiệp vào các cơ quan tố tụng để không ai bị khởi tố hay bị bỏ tù. Việc này trái với mong muốn về một công cụ quan trọng nhất để bảo vệ công lý, đó là một hệ thống toà án độc lập.

Độc lập ở đây là độc lập khỏi cơ quan hành pháp và lập pháp, cũng như độc lập khỏi mọi đảng phái chính trị. Theo đó, các thẩm phán sẽ ra quyết định hoàn toàn dựa trên Hiến pháp và pháp luật chứ không phải chịu sức ép từ các cơ quan nhà nước hay các thế lực chính trị khác.

Khi chúng ta cổ xuý cho việc đưa vụ Formosa ra toà, chúng ta sẽ không mong muốn ông Thủ tướng hay Chủ tịch Hà Tĩnh can thiệp để vụ án đó không được đưa ra xét xử. Chúng ta cũng không mong muốn Đảng sẽ chỉ đạo ngăn chặn vụ án đó. Đó là khi chúng ta hướng kỳ vọng của mình vào việc xây dựng một toà án độc lập, thay vì trông cậy vào sự can thiệp của cơ quan hành pháp hay của Đảng.

Việc khởi tố vụ án Đồng Tâm có thể dẫn đến kết quả là một phiên toà sẽ được mở ra, xét xử những cá nhân có liên quan. Phán quyết sau cùng của toà có thể sẽ giống như kỳ vọng của nhiều người, và cũng gần giống với lời hứa của ông Chung, đó là không có ai phải chịu trách nhiệm hình sự cho vụ bắt giữ 38 chiến sĩ công an ở Đồng Tâm cả.

Cùng là một kết quả, nhưng đến từ hai cách giải quyết khác nhau. Bạn sẽ ủng hộ cách nào?

Ủng hộ Nguyễn Đức Chung can thiệp để tạo ra một thể chế nơi người đứng đầu hành pháp thao túng toàn bộ các cơ quan tố tụng và có thể ra các quyết định tuỳ tiện, hay ủng hộ việc điều tra kỹ lưỡng một cách độc lập, thu thập đầy đủ các chứng cứ và phán quyết đúng sai rạch ròi tại toà?

Dĩ nhiên, điều lo ngại thực sự của tôi cũng như nhiều người là cơ quan điều tra lẫn viện kiểm sát và toà án cũng sẽ chẳng tuân thủ đúng pháp luật và phán quyết sau cùng là nhiều người dân Đồng Tâm bị bỏ tù mà không dựa trên những chứng cứ và lập luận đầy đủ. Suy cho cùng, tất cả những thứ pháp quyền chúng ta đang nói tới ở đây đều không có thực ở Việt Nam hiện nay. Nó chính xác chỉ là thứ chúng ta đang đấu tranh để xây dựng nên.

Điều này khiến tôi nhớ lại vụ án Anh Ba Sàm (Nguyễn Hữu Vinh). Là một nhà báo độc lập, thường xuyên chỉ trích thể chế một đảng lãnh đạo, ông Vinh bị bắt giam tháng 5/2014 và ra toà sơ thẩm tháng 3/2016. Khi bị bắt giam, ông vẫn là đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam, và theo quy định của Đảng, công an không được khởi tố, truy tố đảng viên. Đây là quy định trái với mọi nguyên tắc pháp quyền, vốn không ai được đứng trên pháp luật và mọi người phải bình đẳng trước pháp luật. Để bảo vệ quyền lợi của ông Vinh, có hai lựa chọn để đấu tranh: một, chấp nhận đi ngược lại với nguyên tắc pháp quyền, yêu cầu Đảng tuân thủ đúng quy định của mình là không khởi tố đảng viên; và hai, chấp nhận ra toà để phân định đúng sai.

Kết quả là, bất chấp việc có những tiếng nói yêu cầu Đảng không khởi tố đảng viên, ông Vinh vẫn bị tuyên phạt 5 năm tù.

Tiến sĩ, nhà hoạt động Nguyễn Quang A từng tranh cử đại biểu Quốc hội với khẩu hiệu “quyền ta, ta cứ làm”. Ông giải thích rằng, hãy cứ coi như chúng ta đang có mọi quyền con người ở Việt Nam và thực hành tất cả những quyền đó theo cách mình muốn, biến nó thành việc bình thường, không cần quan tâm đến thái độ của chính quyền, rồi từ đó xã hội sẽ chuyển động theo hướng tôn trọng nhân quyền hơn.

Vậy thì mỗi người trong chúng ta có nên coi như Việt Nam đang có pháp quyền, chọn cách đấu tranh vì những nguyên tắc pháp quyền, không chấp nhận sự can thiệp của tướng Chung và Đảng vào tiến trình tố tụng, ép nhà nước phải tuân thủ các nguyên tắc này và hy vọng đạt được công lý thông qua các công cụ pháp quyền, hay chọn bảo vệ lợi ích trực tiếp của người dân Đồng Tâm là không bị khởi tố nhờ sự can thiệp của tướng Chung và Đảng? Liệu chúng ta có lựa chọn nào khác hay hơn không? Đây là một lựa chọn rất khó khăn, vì người có thể phải chịu thiệt hại oan ức ngay lập tức là người dân Đồng Tâm, và thiệt hại đó có thể không đo đếm được.

Cách lựa chọn của chúng ta sẽ tác động đến thể chế mà chúng ta có được trong tương lai.

Nếu bạn muốn viết bài về chủ đề này hay phản biện bài viết này, xin vui lòng gửi bài tới editor@luatkhoa.org. 

Nguồn : Luật Khoa Tạp Chí