P yêu đồi Nông Lâm từ năm lên ba tuổi.

1
24
Hình năm 2023: Mặt nước Hồ Đá đã ngang mặt đất, bao la mà sâu thăm thẳm. (Cảm ơn nhóm bạn nữ TT11, CS11 đã chở P đi chụp hình).
   

Lưu Thủy Hương

Khi đó, vùng đất hoang vu này được người Sài Gòn gọi là đồi Thủ Đức. Người dân địa phương gọi là Gò Cát.

Đồi cao lộng gió đầy cỏ dại và lùm cây bụi, mùa hè có hoa sim tím. Dưới chân đồi là vùng rừng cao su âm u, là đồng ruộng bạt ngàn. Buổi chiều cò trắng bay về đậu kín những bờ mương. Mùa đông cao su thay lá, con dốc từ ngã tư Xuân Hiệp lên đồi chìm đuối trong màu vàng mê đắm. Trên cánh đồng qua mùa gặt, khói đốt rạ gặp sương mù không bay lên được, chỉ bảng lảng tỏa đi như tranh thủy mặc. Thủ Đức có những buổi sáng sớm mùa đông êm đềm quạnh quẽ, như có chút thơ, chút hội họa trong không gian.

Trước 75, gia đình P sống ở cư xá Kiến Thiết. Cuối tuần, P thường được Ba chở bằng xe honda lên đồi xem thả diều. Đủ màu, đủ kiểu, những con diều tung bay trên bầu trời thanh bình, êm ả. P chạy tung tăng những bước chân vui sướng, tự do đầu tiên của tuổi thơ. P té lăn trong cỏ rồi khoái chí đứng lên, rồi lại bò ra cỏ. Tóc tai, áo quần đầy cỏ may. Sau này bạn bè của P ở Nông Lâm thường bảo rằng “yêu nhau cho đến lúc áo em vương hạt cỏ may thì tình đã đậm như mật rồi”. Vậy mà khi P lên ba tuổi, áo P đã ghim đầy cỏ may đồi Thủ Đức. P biết yêu Thủ Đức từ dạo lên ba.

Lớn lên một chút, P tập thả diều trên đồi. P cũng có một con diều giấy nhỏ xíu do Ba tự tay dán. Con diều màu cam có hai cái đuôi thật dài. Tuổi thơ ai đã từng thả diều thì biết, cánh diều bay lên luôn mang theo niềm mơ ước, niềm hân hoan lồng lộng trời cao. Con tim trẻ thơ cũng bay bổng trong niềm hạnh phúc ngọt ngào.

Dân Sài Gòn kéo về đồi Thủ Đức cắm trại, thả diều thường là giới trí thức, thương gia. Họ phong lưu, vui vẻ và an nhàn. Khi đó, xa lộ Đại Hàn – tức là xa lộ Vòng Đai – vừa được công binh quân đội Hàn Quốc xây dựng xong. Nó là trục đường thông thương miền Đông Nam Bộ và miền Tây Nam Bộ, kết nối vùng đất hoang vu ở Thủ Đức vào Sài Gòn, hỗ trợ cho kế hoạch xây dựng khu đại học quốc gia ở đồi Thủ Đức. Đường mới xây rộng và đẹp chạy xuyên qua rừng cao su và đồng ruộng, chạy vắt ngang đồi Nông Lâm rồi tiếp cận vào xa lộ Sài Gòn Biên Hòa ở ngã ba Thủ Đức. Giới giáo chức trong làng Đại Học, giới công chức trong khu cư xá Kiến Thiết cũng thường theo đường xa lộ lên đồi đàm đạo văn chương, thế sự. Họ ăn mặc đẹp và thanh nhã, họ trò chuyện lịch lãm và ý nhị.

Từ trên này nhìn xuống, màu xanh ngan ngát kéo dài đến tận nhà máy nước.

Tháp cắt áp của nhà máy nước Thủ Đức khi đó là công trình cao nhất trong vùng, tọa lạc ở ngã tư Thủ Đức, gần trường đại học Sư Phạm Kỹ Thuật bây giờ. Tháp nước màu trắng xám, được người Mỹ xây năm 1966, bên trên có đốm đen hình con gà đứng trơ trọi giữa bầu trời. Đứa trẻ thơ ngày đó luôn ngước mắt lên nhìn và lẩn thẩn đặt câu hỏi: ai để con gà đứng trên cao, rồi nó không xuống được. Từ trường tiểu học Bình Linh, mỗi ngày ra chơi P đều nhìn lên tháp nước và con gà. Nhìn riết rồi quen, như một phần cuộc sống của mình.

Thủ Đức ngày xưa hoang vu, đại học Nông Lâm còn chưa khởi công xây dựng. Đồi Nông Lâm chưa có nhà ở. Đường vào Suối Tiên cỏ dại mịt mùng lấn lối. Ban ngày ở đó là đất quốc gia, ban đêm là vùng của mấy ổng chiếm đóng. Đường ra Hồ Đá cũng chỉ là đường mòn hiểm trở. Hồ Đá đang vào giai đoạn cuối mùa khai thác. Đứng trên bờ nhìn xuống, lòng hồ sâu như đáy âm phủ. Những chiếc xe tải theo đường xoắn ốc chậm chạp bò xuống đáy hồ cứ nhỏ dần, nhỏ dần đi. Một lúc nào đó, chiếc xe tải sẽ nhỏ như con bọ hung.

Ba của P thường dừng xe rất lâu trên bờ hồ để P nhìn đàn bọ hung. Cảm giác những chiếc xe cứ nhỏ dần đi, xa tít bên dưới đáy hồ thật lạ lùng. Khi đó, P biết rằng, mọi vật sẽ nhỏ dần đi khi chúng trôi tuột về nơi xa xăm.

Khi P vào học Nông Lâm, nước mưa đã đọng trong lòng hồ hơn một nửa chiều sâu. Từ trên bờ cỏ đi xuống hồ là con đường thoai thoải đầy hoa cỏ dại, chạy theo trục xoắn ốc. Khung cảnh thơ mộng, vô tội và êm đềm. Nước hồ trong vắt bên dưới, vách đá vững chãi bao quanh. Nhưng P biết rõ, sự hiền lành đó chỉ là ảo ảnh, ở nơi này đáy hồ sâu như âm phủ.

Đến bây giờ số người thiệt mạng ở Hồ Đá chắc đã nhiều hơn số tuổi của hồ nhiều lần. Thời nay không còn mấy người biết đến lịch sử Hồ Đá và hiểm họa không lường của nó.

*

Năm 2023, P về thăm trường Nông Lâm, thăm luôn Hồ Đá, ngạc nhiên nhận ra mực nước đã đầy ngang mặt hồ. Đứng trên đường nhựa nhìn vào có thể thấy mặt nước xanh ngang với cây cỏ.

Nửa thế kỷ trôi qua, nước mưa đã lấp đầy một lòng hồ sâu thăm thẳm. Thời gian cũng phủ nhạt nhòa lên khung trời kỷ niệm. Nhưng P vẫn yêu thương ghi lên đầu trang facebook của mình hàng chữ: “Đồi Nông Lâm trong trái tim tôi“. Ở đó không chỉ là quãng đời sinh viên. Đồi Nông Lâm còn là những năm tháng tuổi tuổi thơ êm đềm.

*

LTH-VTP

Hình năm 2023: Mặt nước Hồ Đá đã ngang mặt đất, bao la mà sâu thăm thẳm. (Cảm ơn nhóm bạn nữ TT11, CS11 đã chở P đi chụp hình).

Advertisement
   

1 COMMENT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here