Cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười có một di sản chính trị đầy tranh cãi tại miền Nam giai đoạn sau năm 1975, trong đó có việc biến một Sài Gòn năng động thành một TP HCM tê liệt thời thập niên 1980.
Truyền thông trong nước ngày 14/8 dẫn kết quả từ tờ trình Sở Văn hóa và Thể thao gửi Ủy ban Nhân dân TP HCM về việc đặt tên đường cho các lãnh đạo đảng, nhà nước.
Theo sở này, việc đặt tên đường cho các ông Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu, Hoàng Cầm, Lê Quang Đạo, Phan Văn Khải và Văn Tiến Dũng đã được “đa số người dân đồng thuận”.
Chính quyền không nêu rõ cách thức và quy mô của việc lấy ý kiến.
Theo tờ trình, tên đường Đỗ Mười được đặt cho đoạn Quốc lộ 1A từ nút giao Thủ Đức (ngã ba Trạm 2 cũ) đến nút giao An Sương (đi qua thành phố Thủ Đức và quận 12), dài 21 km.
Trước đó, thông tin ông Đỗ Mười được đặt tên đường tại TP HCM đã xuất hiện từ tháng Tư.
Ở Hà Nội cũng đã có tuyến đường Đỗ Mười dài 6,2 km, rộng 68 mét, ở quận Hoàng Mai.
Hồi tháng 1, thành phố Hải Phòng đã đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng xây dựng đường Đỗ Mười.
Ông Đỗ Mười làm tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam từ tháng 6/1991 đến tháng 12/1997, kế nhiệm ông Nguyễn Văn Linh, người được xem là tổng bí thư đầu tiên của sự nghiệp Đổi mới được đề ra tại Đại hội lần thứ 6 của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 12/1986).
Trước đó, ông Đỗ Mười là chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là thủ tướng chính phủ) từ tháng 6/1988 đến tháng 7/1991.
‘Bàn tay sắt’
Khi giữ chức phó thủ tướng kiêm nhiệm trưởng ban Cải tạo Công thương nghiệp Xã hội chủ nghĩa, ông Đỗ Mười đã thực hiện chính sách cải tạo công thương nghiệp ở miền Nam sau năm 1975 với “bàn tay sắt”, để lại nhiều hậu quả nặng nề cho kinh tế, xã hội và chính trị.
Trước năm 1975, Sài Gòn đã có một cơ sở vật chất, kinh tế kỹ thuật lớn nhất miền Nam, nơi tập trung hơn 80% năng lực sản xuất công nghiệp cả miền Nam. Nơi đây tập trung hơn 38.000 cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp lớn nhỏ, trong đó có 766 công ty và 8.548 cơ sở công nghiệp tư nhân, theo một bài viết của báo Tuổi Trẻ vào năm 2006.
Để công hữu hóa tư liệu sản xuất và đưa công nhân lao động làm chủ nhà máy, xí nghiệp, sau năm 1975, chính quyền cách mạng đã tiến hành vận động hai đợt cải tạo công thương nghiệp.
“Kết quả là đã quốc hữu hóa tài sản của 171 tư sản mại bản, 59 tư sản thương nghiệp cỡ lớn, khôi phục 400 xí nghiệp quốc doanh, 14.000 cơ sở tiểu thủ công nghiệp, thu hút 27 vạn công nhân và lao động, vận động hồi hương lập nghiệp và từng bước phân bố lại lao động,” theo bài viết Kê biên tài sản của báo Tuổi Trẻvào năm 2006.
Mô tả việc đánh tư sản của Tổng Bí thư Đỗ Mười, nhà báo Huy Đức viết trong cuốn Bên thắng cuộc:
“‘Công cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh’ ở miền Nam, tiến hành từ sau 1975, đã cải tạo 3.560 cơ sở tư bản tư doanh công nghiệp, trong đó có 1.354 cơ sở của tư sản mại bản bị công hữu hóa, tịch thu, 498 cơ sở bị chuyển thành công tư hợp doanh; chuyển 5.000 tư sản thương nghiệp sang sản xuất; chuyển chín vạn tiểu thương sang sản xuất; sử dụng 15.000 người vào mạng lưới thương nghiệp xã hội chủ nghĩa.”
“Sau Cải tạo, dưới dạng kinh tế quốc doanh và công tư hợp doanh, Nhà nước nắm: 100% ngành năng lượng; 45% ngành cơ khí; 45% ngành xay xát lương thực; 100% ngành bia, nước ngọt, bột ngọt, thuốc lá; 45% trong các ngành chế biến đường, dầu thực vật; 60% ngành dệt; 100% ngành sản xuất giấy; 80% ngành sản xuất bột giặt, xà phòng. Thương nghiệp quốc doanh nắm 80% nguồn hàng công nghiệp; 92% số xã trên toàn miền Nam có hợp tác xã mua bán.”
“Ông Võ Văn Kiệt thừa nhận: ‘Lúc đầu, tôi cũng cứ tưởng cải tạo tư sản sẽ khác với cải cách ruộng đất, một sai lầm mà những người ở miền Nam chúng tôi nhắc nhau phải tránh. Nhưng, tiến hành rồi mới thấy, cách cải tạo tư sản thương nghiệp mà anh Đỗ Mười làm, cũng không khác gì đánh tư sản mại bản nhưng tràn lan hơn’,” nhà báo Huy Đức viết trong cuốn sách nêu trên.
Cũng trong sách Bên thắng cuộc, nhà báo Huy Đức viết:
“Ông Đỗ Mười sùng bái nền kinh tế xã hội chủ nghĩa và chấp hành nghị quyết một cách chân thành. Năm 1958, khi làm bộ trưởng Bộ Nội thương, ông chỉ huy đánh tư sản ở Hà Nội. Hai mươi năm sau, cũng chính ông dẫn ‘đại quân’ vào Sài Gòn đánh tư sản ở miền Nam. Nhưng đến Tết năm 1989, khi đã trở thành người đứng đầu của một chính phủ thi hành nghị quyết ‘đổi mới’, ông lại lên ti vi ‘chúc mọi người làm ăn phát tài’.”
Trả lời báo Tiền Phong vào năm 2006, ông Mai Chí Thọ, cựu ủy viên Bộ Chính trị, cựu Chủ tịch Ủy ban nhân dân kiêm Giám đốc Công an TP HCM, từng kể lại thời kỳ này như sau:
“Sau chiến thắng 30/4/1975 với chủ trương ‘Tiến nhanh, tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội’, ngay sau khi giải phóng, TW [Trung ương] đã giao nhiệm vụ cho TP HCM phải bắt tay ngay vào chiến dịch mang bí số X1 và X2 với nội dung ‘Cải tạo kinh tế tư bản chủ nghĩa’ vẫn được quen gọi là ‘Đánh tư sản mại bản’.”
Theo lời ông Mai Chí Thọ, chiến dịch X1 là công cuộc cải tạo những tư sản có liên quan tới đế quốc, dù trong số họ không ít người chỉ thuần túy “làm kinh tế”.
Còn trong chiến dịch X2 thì suốt một thời gian dài, “hàng chục vạn lượt nhân dân lao động, thanh niên, sinh viên, học sinh rầm rộ xuống đường với khẩu hiệu, biểu ngữ, loa tay, loa phóng thanh, nắm tay hô vang khẩu hiệu ‘Đả đảo tư sản mại bản’ khiến cho lớp ‘người giàu’ thuộc chế độ cũ kinh hồn bạt vía”, theo lời ông Thọ.
“Từ một thành phố hưởng thụ, một trung tâm công nghiệp lớn nhất, vậy mà chỉ sau mấy năm khi ‘Chiến dịch X1, X2’ đi qua, toàn bộ nền sản xuất công nghiệp của thành phố bị tê liệt tới mức cạn cùng: Nguyên vật liệu không còn, viện trợ từ các phía bị cắt đứt, cơ sở vật chất xuống cấp nhanh chóng, máy móc phương tiện ‘đắp chiếu’ ngủ triền miên hết năm này sang năm khác.”
Cũng theo báo Tiền Phong, chủ trương duy ý chí này “đã làm sa sút ghê gớm, biến dạng diện mạo cũng như nội lực của thành phố, xóa đi hết những ưu thế, cơ sở vật chất sẵn có của ‘Hòn ngọc Viễn Đông’.”
‘Vừa bảo thủ, vừa đổi mới’
Từ một người nổi tiếng cứng rắn, bảo thủ, ông Đỗ Mười lại gây ngạc nhiên khi ủng hộ cải cách tự do hóa kinh tế, theo nhà nghiên cứu Murray Hiebert từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) từ Hoa Kỳ nói với BBC vào tháng 10/2018, thời điểm ông Đỗ Mười qua đời.
“Ông ấy đã tiếp nối được di sản tự do hóa kinh tế của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh.”
Ông Đỗ Mười được nhìn nhận là một người vừa bảo thủ, vừa đổi mới, khi là thủ tướng cuối cùng của thời kỳ Chiến tranh Lạnh và tổng bí thư đầu tiên của thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh.
Giáo sư Alexander L Vuving từ Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đánh giá với BBC hồi tháng 10/2018 rằng ông Đỗ Mười là nhà lãnh đạo “bản lề” của Việt Nam trong thời kỳ Đổi mới.
“Không như các lãnh tụ cộng sản trước ông như Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, nhưng lại giống các lãnh tụ sau này như Nguyễn Văn Linh, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, sự lãnh đạo của ông Đỗ Mười không có chiều sâu triết lý. Ông có lúc uyển chuyển, thực tế nhưng nhiều lúc giáo điều, cứng nhắc mà không theo một quy luật nào.”
“Có thể nói ông Đỗ Mười cùng với Nguyễn Văn Linh là hai người để lại dấu ấn lớn nhất và là hai người ‘đặt đường ray’ cho thời kỳ Đổi mới của Việt Nam, đặc biệt là thời kỳ 1986-2006,” Giáo sư Vuving đánh giá.
Dù thế, ông Đỗ Mười vẫn luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường vai trò trung tâm của kinh tế nhà nước.
“Trong thư gửi Bộ Chính trị đề ngày 2/11/2000, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Đỗ Mười cho rằng quan điểm ‘thu hẹp doanh nghiệp nhà nước, phát triển mạnh các thành phần kinh tế khác là một khuynh hướng sai lầm cần uốn nắn’,” theo sách Bên thắng cuộc.
Báo Dân Trí trong bài viết vào ngày 2/10/2018 dẫn lời ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho biết ông Đỗ Mười là “người tạo động lực mạnh mẽ cho thành công của công trình đường dây 500kV Bắc – Nam”.
Ông Đỗ Mười khi đương chức tổng bí thư cũng được cho đã có những chỉ đạo kịp thời đối với ngành viễn thông để Việt Nam chính thức tham gia vào mạng Internet toàn cầu từ ngày 19/11/1997, theo báo Thanh Niên trong bài viết vào ngày 17/5/2015.
Như những người tiền nhiệm, ông Đỗ Mười được xem không chấp nhận sự tồn tại của một đảng đối lập, theo Financial Times.
Cụ thể, theo báo này, hồi năm 1997, trong một lần trả lời hiếm hoi trước các nhà báo nước ngoài liên quan đến việc liệu Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ chấp nhận sự tồn tại một đảng đối lập nhỏ hay không, ông Đỗ Mười phát biểu (được tạm dịch sang tiếng Việt) như sau:
“Nếu một bầy ong có hai con ong chúa thì sẽ vỡ tổ. Và trong một trận bóng đá, chỉ có thể có một trọng tài… nếu có hai người… thì không thể kiểm soát được trận đấu”
Tiểu sử ông Đỗ Mười
Ông Đỗ Mười, tên thật là Nguyễn Duy Cống, sinh ngày 2/2/1917 tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Tháng 6/1939, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).
Năm 1941, ông bị thực dân Pháp bắt, kết án 10 năm tù, giam ở nhà tù Hà Đông và nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông làm bí thư Tỉnh ủy Hà Đông.
Đầu năm 1946, ông làm bí thư Tỉnh uỷ Hà Nam.
Năm 1956, ông làm thứ trưởng Bộ Thương nghiệp.
Năm 1958, ông làm bộ trưởng Bộ Nội thương.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 3 của Đảng (tháng 9/1960), ông được bầu làm ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, giữ chức bộ trưởng Bộ Nội thương.
Từ năm 1967-1968, ông làm chủ nhiệm Ủy ban Vật giá Nhà nước, trưởng phái đoàn Thanh tra Chính phủ.
Năm 1969-1973, ông làm phó thủ tướng kiêm chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước.
Năm 1973, ông làm phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Bộ Xây dựng, phó chủ tịch Hội đồng chi viện tiền tuyến Trung ương và chống phong tỏa Cảng Hải Phòng.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 6 của Đảng (tháng 12/1986), ông tiếp tục được bầu lại làm ủy viên Trung ương Đảng và được bầu vào Bộ Chính trị, được phân công làm thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Tháng 6/1988, ông được Quốc hội bầu làm chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là thủ tướng Chính phủ).
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 7 của Đảng (tháng 6/1991), ông được bầu giữ chức tổng bí thư, bí thư Quân ủy Trung ương.
Tại Đại hội 8 (tháng 6/1996), ông tiếp tục được bầu vào Bộ Chính trị và giữ chức tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, bí thư Quân ủy Trung ương.
Tháng 12/1997, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư khóa 8, ông xin thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thôi giữ chức tổng bí thư, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng suy tôn làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng đến năm 2000.
Ông Đỗ Mười qua đời vào ngày 1/10/2018.
Hi Neat post There is a problem along with your website in internet explorer would test this IE still is the market chief and a good section of other folks will pass over your magnificent writing due to this problem