- Giáo sư Alec Holcombe
- Đại học Ohio, Hoa Kỳ
Cải cách Ruộng đất xảy ra trong bối cảnh nào? Tại sao bộ tứ lãnh đạo Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp lại dần bị giải thể, cùng với đó là sự trỗi dậy của Lê Duẩn và Lê Đức Thọ?
Việt Nam vừa trải qua một cuộc chuyển giao quyền lực. Vào ngày 19/7, vị tổng bí thư lâu năm của Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng qua đời. Ông Trọng đã già yếu, nên trong một thời gian dài, có rất nhiều suy đoán về việc ai sẽ kế nhiệm ông làm lãnh đạo Đảng.
Như thường lệ đã xảy ra nhiều lần dưới chế độ cộng sản, không rõ việc chuyển giao quyền lực thực sự diễn ra như thế nào. Đã có các cuộc thảo luận không chính thức trên khắp các diễn đàn về những phe phái quyền lực khác nhau trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao của Đảng. Tuy nhiên, cuối cùng chúng ta vẫn không biết rõ làm thế nào mà ông Tô Lâm lại trở thành người quyền lực nhất.
Trong bài viết này, tôi muốn quay ngược đồng hồ về một quá trình chuyển giao quyền lực quan trọng của giới lãnh đạo Cộng sản Việt Nam trong quá khứ. Cuộc chuyển giao quyền lực đó chứng kiến sự giải thể dần dần bộ tứ lãnh đạo: Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp trong khoảng thời gian ba năm từ 1956 đến 1959.
Bốn người này đã thành lập một trong những nhóm lãnh đạo Đảng mạch lạc và hiệu quả nhất trong lịch sử Đảng Cộng sản. Họ đã lãnh đạo Đảng kéo dài từ năm 1941, khi Hồ Chí Minh chính thức hội nhập trở lại phong trào Cộng sản Việt Nam.
Nhưng mười lăm năm sau, vào năm 1956, một phản ứng dây chuyền xảy ra, chỉ trong vài năm đã dọn đường cho sự trỗi dậy của hai lãnh đạo khác là Lê Duẩn và Lê Đức Thọ. Hai người họ sẽ lãnh đạo Đảng trong 27 năm tiếp theo.
Tại sao và làm thế nào việc chuyển giao quyền lực đó diễn ra?
Một số cách giải thích
Lời giải thích điển hình thường có hai phần.
Phần đầu tiên tập trung vào chiến dịch Cải cách Ruộng đất đầy bạo lực được thực hiện từ năm 1953 đến năm 1956 ở miền Bắc Việt Nam. Theo lý thuyết đó, những lãnh đạo Đảng gắn bó chặt chẽ nhất với Cải cách Ruộng đất đều phải bị kỷ luật vì đã để cuộc cải cách diễn ra một cách “thái quá”. Khi Hồ Chí Minh “biết được” những điều xấu xảy ra trong chiến dịch, “Người” đã can thiệp và kỷ luật những người có trách nhiệm.
Có nhiều người nhận án kỷ luật, ở đây tôi chủ yếu nói về Tổng Bí thư Trường Chinh, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Văn Lương và Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Hoàng Quốc Việt.
Khi Trường Chinh bị buộc phải từ chức Tổng Bí thư, Hồ Chí Minh đã lên thay chức vụ của Trường Chinh và chính thức nắm giữ trong 4 năm tiếp theo. Trong khi đó, ông Hồ chắc chắn đã quyết định để Lê Đức Thọ thay Lê Văn Lương làm Trưởng Ban Tổ chức trung ương Đảng. Đó là một vị trí quan trọng để giành quyền lực vì Lê Đức Thọ có ảnh hưởng lớn đến việc ai được đề bạt vào chức vụ cấp cao nào trong Đảng.
Phần thứ hai của cách giải thích tập trung vào yếu tố địa lý. Hồ Chí Minh biết chiến trường lớn tiếp theo của Đảng là miền Nam Việt Nam nên muốn đưa người có kinh nghiệm hoạt động ở miền Nam, nói cách khác là “người từ Nam ra” lên làm lãnh đạo. Lê Duẩn và Lê Đức Thọ phù hợp với yêu cầu đó.
Trong bài viết này, tôi sẽ đưa ra một vài ý kiến khác với cách giải thích trên.
Tôi sẽ lập luận rằng Cải cách Ruộng đất (1953-1956) là điều kiện quan trọng dẫn tới sự chuyển giao quyền lực này nhưng nguyên nhân thực sự của sự thay đổi là do Đại hội lần thứ 20 của Liên Xô.
Đại hội 20 diễn ra vào tháng 2 năm 1956. Đấy là dịp nhà lãnh đạo tương đối mới của Liên Xô Nikita Khrushchev đọc “Diễn văn bí mật” huyền thoại của mình. Trong bài phát biểu nhan đề “Về sùng bái cá nhân và những hậu quả của nó”, Khrushchev đã dành hơn ba giờ để thảo luận về triều đại 28 năm tàn bạo của Joseph Stalin. Đại hội lần thứ 20 cũng chứng kiến sự tiến bộ khi đưa ra ba đường lối chủ đạo dành cho các đảng cộng sản anh em trên khắp thế giới: 1) Chống sùng bái cá nhân 2) Tăng cường dân chủ trong đảng, 3) Áp dụng pháp luật xã hội chủ nghĩa.
Đối với các nhà lãnh đạo Đảng Việt Nam, bối cảnh diễn ra Đại hội 20 – đầu năm 1956, tức là ngay giữa làn sóng cải cách ruộng đất lớn nhất – là một bối cảnh đặc biệt tồi tệ.
Cần khẳng định Cải cách Ruộng đất là một chính sách trong phong trào Cộng sản Việt Nam. Nhiều tài liệu (phần lớn nằm trong bộ Văn kiện đại hội Đảng toàn tập) cho thấy Cải cách Ruộng đất – chính sách cưỡng chế, tịch thu, chia lại ruộng đất để giành sự ủng hộ của nông dân – là khát vọng tiêu biểu của Cộng sản Việt Nam trong suốt phong trào của họ những năm 1920 và 1930. Vấn đề không phải là Đảng có thực hiện Cải cách Ruộng đất hay không mà là khi nào sẽ thực hiện và Đảng sẽ dùng nó làm mục đích tuyên truyền để lôi kéo giai cấp nông dân thế nào.
Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa Lenin chính thống ở chỗ ông tin tưởng mạnh mẽ vào công thức cách mạng hai giai đoạn của Lenin đối với các nước thuộc địa. Cách tiếp cận hai giai đoạn đó cho rằng Đảng Cộng sản trước tiên nên tập trung sức lực vào việc chống lại và tiêu diệt quyền lực thực dân. Để đạt được mục đích đó, những người Cộng sản nên sử dụng lý tưởng của chủ nghĩa dân tộc để chiêu mộ giai cấp tư sản bản địa yêu nước vào sự nghiệp chống thực dân. Đây là giai đoạn chống đế quốc.
Sau khi chính quyền thực dân bị đánh đuổi, người cộng sản sẽ bắt đầu giai đoạn thứ hai. Đó là giai đoạn chống phong kiến, phản tư sản, khi Đảng giám sát đấu tranh giai cấp trong nước, giúp đỡ nông dân và công nhân lật đổ giai cấp địa chủ phong kiến và giai cấp tư sản bản địa.
Khi Hồ Chí Minh trở lại châu Á vào năm 1938 và dần dần tái khẳng định mình là người lãnh đạo phong trào Cộng sản Việt Nam, ông đã tổ chức Đại hội Đảng vào năm 1941. Hồ Chí Minh điều chỉnh cương lĩnh của Đảng theo hướng chủ trương cách mạng phù hợp hơn với công thức hai giai đoạn của Lenin. Do đó, ông đã chỉ đạo các đồng chí của mình như Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng loại bỏ hầu hết những đề cập đến đấu tranh giai cấp khi tuyên truyền về Mặt trận Việt Minh cho dân chúng.
Về cơ bản, ông đã chỉ đạo đồng chí của mình bám sát các khẩu hiệu dân tộc chủ nghĩa cùng một số lý tưởng xã hội tiến bộ cơ bản. Những chính sách và mục tiêu khác vẫn chưa bị bỏ rơi, chỉ là chúng không phù hợp với tình hình lúc đó, khi Việt Nam cần tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.
Bài toán lương thực
Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất chính thức bắt đầu vào tháng 12 năm 1946 khi giới lãnh đạo Cộng sản rời Hà Nội rồi mở cuộc tấn công vào các đơn vị Pháp ở thủ đô và những vùng xung quanh tại miền Bắc. Người Pháp không có đủ binh lính để giành quyền kiểm soát toàn bộ Việt Nam một cách hiệu quả. Phần lớn miền Trung và Tây Bắc bị người Pháp bỏ lại. Đây trở thành những khu vực mà Cộng sản sẽ hoạt động để thành lập bộ máy nhà nước của họ.
Các tài liệu mà tôi nghiên cứu về giai đoạn này cho thấy, tại các vùng do nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiểm soát, lãnh đạo Đảng rất cần sự đóng góp về lương thực, lao động và binh lính. Trong ba thứ đó, lãnh đạo Đảng gặp khó khăn nhất là vấn đề làm sao để có được gạo.
Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cần một lượng lớn gạo để nuôi các quan chức và quân đội ngày càng tăng của mình. Khi chiến tranh tiếp diễn, nhu cầu về gạo ngày càng tăng và nhiệm vụ thu mua gạo ngày càng khó khăn.
Để giải quyết vấn đề này, những người Cộng sản đã đưa ra đủ loại biện pháp nhằm kích thích tăng sản lượng nông nghiệp. Họ thử nghiệm các chiến dịch thi đua yêu nước – mọi người phải cùng nhau ra đồng và thách thức nhau làm việc chăm chỉ hơn. Họ cố gắng thuyết phục các lãnh đạo Đảng ở địa phương đưa ra một loại hợp đồng nông nghiệp với nông dân địa phương. Về cơ bản, nông dân sẽ nộp kế hoạch canh tác và sau đó ký tên đồng ý sản xuất một số lượng gạo nhất định. Họ cũng chia lại cho nông dân đất đai thu được từ giới thượng lưu đã trốn khỏi nông thôn lên thành phố.
Tuy nhiên, đất đai không hoàn toàn được trao cho nông dân. Nó chỉ được tạm thời trao cho họ và với điều kiện là phần lớn sản lượng canh tác phải được chuyển cho nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhiều nông dân phản đối rằng sản lượng từ mảnh đất được chia này không đủ lớn để trang trải chi phí canh tác và đóng thuế nặng nề.
Cuối cùng, đối với nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, không có biện pháp nào trong số này giải quyết được vấn đề làm thế nào để huy động đủ lượng gạo đóng góp cho chiến tranh.
Năm 1949, triển vọng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong cuộc chiến đã được nâng cao đáng kể nhờ chiến thắng của phe Cộng sản Trung Quốc (trong Nội chiến Quốc-Cộng) và sau đó là việc nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức được Trung Quốc, rồi Liên Xô và các nước khối Cộng sản khác, công nhận. Stalin quyết định rằng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ được cố vấn bởi Trung Quốc, nước sẽ điều phối việc cung cấp vũ khí của Liên Xô và Trung Quốc cho quân Bắc Việt.
Ngay sau đó, các nhóm cố vấn Trung Quốc đã đến cùng với số lượng lớn vũ khí. Không có gì ngạc nhiên khi nhóm cố vấn Trung Quốc kỳ vọng sẽ có quyền kiểm soát lớn đối với các hoạt động của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hồ Chí Minh có lẽ cảm thấy rằng ông không có lựa chọn nào khác ngoài việc chiều theo những cố vấn kiểm soát viện trợ đó.
Số vũ khí viện trợ lần đầu tiên được đưa vào sử dụng trong Chiến dịch biên giới thu đông (1950). Trận chiến là một chiến thắng vang dội của quân Hồ Chí Minh và khiến quân Pháp rơi vào khủng hoảng tinh thần. Nhưng sau đó, trong khoảng một năm rưỡi, quân của ông Hồ đã bế tắc với quân Pháp và đồng minh tại những vùng do nhà nước Việt Nam cai quản.
Đồng thời, tình hình kinh tế ở các khu vực do Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiểm soát tiếp tục xấu đi. Chính quyền đã trở nên cực kỳ khó khăn trong việc huy động sự đóng góp vật chất bằng gạo và các thực phẩm cần thiết để nuôi sống năm sư đoàn bộ binh. Và cố vấn La Quý Ba của Trung Quốc đã gây áp lực buộc lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải sử dụng cải cách ruộng đất để giải quyết các vấn đề lương thực.
Tôi nghĩ Hồ Chí Minh có niềm tin thực sự rằng cần phải tuân theo công thức hai giai đoạn chính thống của chủ nghĩa Lenin, rằng cải cách ruộng đất nên được hoãn lại cho đến sau khi chiến tranh kết thúc. Vì vậy, tôi nghi ngờ rằng ông Hồ đã thất vọng khi ông tới Moscow vào cuối năm 1952 và Stalin cũng nói với ông rằng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải tiến hành cải cách ruộng đất.
Thế là, với mong muốn có thêm viện trợ từ Liên Xô và Trung Quốc, Hồ Chí Minh đã đồng ý thực hiện chương trình cải cách ruộng đất của La Quý Ba ngay trong chiến tranh, phản lại hai bước của Lenin.
Vở kịch kinh hoàng
Sau nhiều năm suy nghĩ về Cải cách Ruộng đất, tôi thấy chiến dịch này giống như một màn trình diễn kinh hoàng do nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa áp đặt lên toàn bộ người dân nông thôn. Đó là chương trình yêu cầu mọi người trong cộng đồng phải đóng một vai trò nào đó. Để vở kịch có hiệu quả, mỗi làng phải có đủ số đối tượng để tố cáo và trừng phạt. Nói cách khác, phải có đủ số lượng “nhân vật” địa chủ.
Thực tế ở nông thôn Việt Nam không có nhiều người đủ tiêu chuẩn “làm địa chủ”.
Trong nghiên cứu của mình, tôi tìm thấy một cuộc điều tra dân số được chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thực hiện vào năm 1951, khoảng một năm rưỡi trước khi bắt đầu Cải cách Ruộng đất. Cuộc điều tra dân số được thực hiện tại hai xã thuộc tỉnh Nghệ An. Số địa chủ ở hai xã điển hình đó chỉ chiếm 0,3% dân số. Trong khi các nhà lãnh đạo Bắc Việt đặt ra hạn mức địa chủ là 5,68% dân số và gây đủ mọi áp lực lên các cán bộ thực hiện Cải cách Ruộng đất để đảm bảo rằng họ tìm được đủ số lượng địa chủ, để chương trình diễn ra như kế hoạch.
Sự kết thúc của Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất gây ra hai khó khăn cho cuộc Cải cách Ruộng đất.
Thứ nhất, Hiệp định Genève rõ ràng cấm cả hai bên thực hiện hành vi trả thù người dân trên lãnh thổ của họ.
Thứ hai, Hiệp định tuyên bố rằng, trong thời hạn 300 ngày, về cơ bản, từ mùa hè năm 1954 cho đến mùa xuân năm 1955, bất kỳ người dân nào ở Việt Nam đều được tự do di chuyển đến khu vực Bắc hay Nam tùy theo lựa chọn của mình.
Để tiếp tục Cải cách Ruộng đất mà không bị gắn mác vi phạm Hiệp định Genève, các nhà lãnh đạo Đảng đã chuyển chiến dịch sang các vùng xa bờ biển hơn, nơi người dân khó trốn vào Nam hơn. Họ cũng điều chỉnh ngôn ngữ chính thức của chiến dịch để nó không trực tiếp nhắm vào những người được xem là chống cộng.
Các nhà lãnh đạo Đảng đã tổ chức Cải cách Ruộng đất thành 5 đợt liên tiếp với quy mô càng ngày càng lớn, đợt sau lại lớn hơn tất cả các đợt trước gộp lại. Điều này có nghĩa là làn sóng thứ năm và cũng là làn sóng cuối cùng, diễn ra từ tháng 1 năm 1956 cho đến mùa hè năm đó, là thời kỳ có số lượng người dân trải qua Cải cách Ruộng đất lớn nhất.
Làn sóng cuối cùng rộng lớn này trùng với Đại hội lần thứ 20 của Liên Xô, được tổ chức từ ngày 14 đến ngày 25 tháng 2 năm 1956.
Trường Chinh ‘bị tế thần’
Hồ Chí Minh quyết định cử Tổng Bí thư Trường Chinh và Ủy viên Bộ Chính trị Lê Đức Thọ dự Đại hội 20. Họ lên đường đến Moscow vào đầu tháng 2 năm 1956. Nói cách khác, Trường Chinh không phải là công cụ quan trọng thực hiện Cải cách Ruộng đất đến mức cần thiết phải ở lại để lãnh đạo chiến dịch khổng lồ khi hơn một nửa dân số miền Bắc bị tiến hành cải cách. Chi tiết này đặt ra câu hỏi về mức độ trách nhiệm sau này của Trường Chinh đối với những “sai lầm” được cho là của chiến dịch.
Tại Đại hội 20, vào tối muộn ngày 24 tháng 2, Khrushchev đã đọc “Diễn văn bí mật” huyền thoại tố cáo tội ác của Stalin. Về cơ bản, mọi điều tồi tệ mà các nước tư bản nói về Stalin – rằng ông là nhà độc tài phù phiếm, hoang tưởng và độc ác – đều được Khrushchev khẳng định.
Đối với Hồ Chí Minh và các lãnh đạo Đảng Việt Nam khác, có ba khía cạnh đặc biệt đáng lo ngại trong “Diễn văn bí mật”.
Đầu tiên, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rõ ràng đã có sự sùng bái cá nhân toàn diện, điều này là trái ngược với tư tưởng của Marx và Lenin.
Thứ hai, các nhà lãnh đạo Đảng tại Việt Nam lúc bấy giờ đã tự do phát huy vai trò lãnh đạo vĩ đại của chính mình. Áp dụng vào “Diễn văn bí mật”, họ trông giống như các nhà độc tài hoang tưởng, kẻ giết người, kẻ vụng về tai hại trong những ngày đầu của Thế chiến II.
Thứ ba, “sự vi phạm pháp luật xã hội chủ nghĩa” của Stalin mà Khrushchev mô tả cũng tương tự như những thực tiễn mà các lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam khi đó đã áp dụng trong chiến dịch Cải cách Ruộng đất. Đó là thúc đẩy quan điểm cho rằng “kẻ thù” rình rập trong mọi cộng đồng, ép buộc nhận tội thông qua đe dọa và tra tấn, từ bỏ những thủ tục tư pháp thông thường và gây áp lực chính thức lên các tòa án Cải cách Ruộng đất để đưa ra các bản án có tội nhanh chóng.
Những thực tế trên đi ngược lại với ba khẩu hiệu mà Khrushchev đã đưa ra để làm kim chỉ nam cho chính sách của khối cộng sản: 1) Không sùng bái cá nhân, 2) Tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, 3) Tăng cường dân chủ trong đảng.
Hàng ngàn bản sao “Diễn văn bí mật” của Khrushchev đã được cung cấp cho các chi bộ cộng sản trên khắp Liên Xô và cả cho đại diện các đảng cộng sản anh em tại Đại hội, trong đó có Trường Chinh và Lê Đức Thọ.
Tình hình này gây ra đủ loại bất ổn trong giới lãnh đạo Đảng tại Việt Nam. “Diễn văn bí mật” về mặt lý thuyết được cho là “bí mật”, điều đó khiến các nhà lãnh đạo Đảng có cớ để không nói gì về nó trong một thời gian. Thật không may cho họ, tin tức về nội dung “Diễn văn bí mật” đã nhanh chóng bị rò rỉ ra thế giới không Cộng sản. Báo chí Việt Nam Cộng hòa đã có vài ngày sục sôi với sự kiện này.
Trong khi đó, cuộc Cải cách Ruộng đất đang đi những bước cuối cùng, khi làn sóng khổng lồ của chiến dịch được tiến hành. Sự lục đục, thiếu nhất quán của giới lãnh đạo Đảng năm 1956 đã khiến họ chần chừ một chút trước sự xuất hiện của một vài ấn phẩm độc lập, trong đó nổi tiếng nhất là tờ Nhân văn và tạp chí văn học Giai phẩm. Hồ Chí Minh và các thành viên Bộ Chính trị hẳn đã cảm thấy rằng việc đàn áp các tạp chí định kỳ đó có thể bị nhóm cố vấn Liên Xô giải thích là coi thường các chính sách hiện hành của Moscow.
Tại thời điểm nhạy cảm này, các nhà lãnh đạo Đảng đã cho phép một điều gì đó giống như một cuộc thảo luận thực sự về Cải cách Ruộng đất diễn ra. Nói cách khác, lãnh đạo Đảng đã mất quyền kiểm soát thông tin tuyên truyền và không thể tiếp tục giả vờ rằng mọi việc đều ổn.
Vào cuối tháng 10, Hồ Chí Minh đã quyết định rằng cần phải có một số nỗ lực để trấn an công chúng và cứu vãn danh tiếng của ban lãnh đạo Đảng. Do đó, “một câu chuyện” đã được tạo ra, trong đó Ủy ban Cải cách Ruộng đất được miêu tả giống như một cơ quan chính phủ lừa đảo. Và Trường Chinh, với tư cách là tổng bí thư, phải chịu trách nhiệm nặng nề về bạo lực và bất công của chiến dịch. Điều này xảy ra bất chấp thực tế là ông Chinh đã ở Liên Xô để dự Đại hội 20 trong một tháng, cùng thời gian diễn ra đợt cải cách quan trọng và bi thảm nhất của chiến dịch.
Để tránh xa hệ lụy không hay từ Cải cách Ruộng đất, Hồ Chí Minh tuyên bố sẽ giữ chức vụ tổng bí thư, sau khi lôi Trường Chinh ra làm con dê tế thần. Hàm ý là “tôi đây rồi, tôi đã là tổng bí thư rồi, tôi sẽ giải quyết vấn đề, đừng lo, mọi chuyện sẽ ổn thôi”.
Đó là vết nứt lớn đầu tiên trong bộ tứ.
Nhân tố Lê Duẩn
Trong suốt năm 1957, Hồ Chí Minh quyết định phát huy sự lãnh đạo của Lê Duẩn, người có lợi thế là có mối liên hệ với nửa phía Nam của đất nước, nơi sẽ diễn ra cuộc đại chiến tiếp theo.
Trong khoảng thời gian từ 1957 đến 1958, Lê Duẩn đã có những bước đi vững chắc để tập trung quyền lực vào tay và hóa giải các mối đe dọa. Chẳng hạn, Võ Nguyên Giáp là người có uy tín và được nhiều người biết đến, một “nguy cơ” cho con đường chính trị của Lê Duẩn. Suốt những năm sau đó, Lê Duẩn đã theo đuổi Giáp bằng nhiều cách khác nhau để đảm bảo rằng ông không nắm được quyền lãnh đạo Đảng. Và Lê Duẩn dường như cũng đã làm giảm bớt ảnh hưởng của Hồ Chí Minh. Với Phạm Văn Đồng, người rõ ràng có tính cách mềm mỏng, đã không bị Lê Duẩn coi là mối đe dọa nghiêm trọng nên được giữ lại làm thủ tướng.
Như vậy, nhìn vào quá trình chuyển giao quyền lực của bộ tứ Cộng sản cuối năm 1956, thì “Diễn văn bí mật” của Khrushchev và các chính sách kèm theo của Liên Xô đã tạo điều kiện để một sự kiện lớn như Cải cách Ruộng đất có thể trở thành động lực cho thay đổi.
Trong một vài tháng, các nhà lãnh đạo Đảng đã mất quyền kiểm soát câu chuyện mà họ định tuyên truyền về Cải cách Ruộng đất và do đó buộc phải thực hiện một số nỗ lực để bù lại sự tàn phá mà nó đã gây ra.
Nếu không có “Diễn văn bí mật”, tôi tin rằng Trường Chinh sẽ tiếp tục làm Tổng bí thư Đảng và có thể trở thành nhà lãnh đạo số một của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi tuổi tác và sức khỏe buộc Hồ Chí Minh phải rút lui.
Di sản quan trọng của “Diễn văn bí mật” là chỉ ra những mối nguy hiểm liên quan đến tệ sùng bái cá nhân. Việc Khrushchev dỡ bỏ giáo phái Stalin đã gây ra làn sóng chấn động trong khối cộng sản và dẫn đến những thay đổi ở Ba Lan và Hungary.
Trong suốt lịch sử, các nhà lãnh đạo Đảng ở Việt Nam chưa bao giờ nghiêm túc xem xét việc từ bỏ “đạo” Hồ Chí Minh. Tôi tin rằng họ biết được mối nguy hiểm tiềm ẩn đối với chế độ của họ nếu từ bỏ nó. Ở thời điểm cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960 ấy, mặc dù Lê Duẩn và Lê Đức Thọ có lẽ đã gạt ông Hồ ra ngoài lề trong nhiều vấn đề đại sự, nhưng họ vẫn cẩn thận duy trì sự sùng bái “Bác”. Có thể nói, họ đã củng cố một truyền thống quan trọng về bảo tồn tín ngưỡng sùng bái cá nhân mà chúng ta vẫn thấy ở Việt Nam ngày nay.
- Tác giả Alec Holcombe có bằng cử nhân văn chương tại Đại học Brown, bằng tiến sĩ lịch sử tại Đại học UC Berkeley, hiện là giáo sư – viện trưởng Viện Lịch sử đương đại của Đại học Ohio. Bản tiếng Việt được hoàn thành với sự giúp đỡ của Miracle Vũ.
Thanks I have recently been looking for info about this subject for a while and yours is the greatest I have discovered so far However what in regards to the bottom line Are you certain in regards to the supply