(Bài khá dài, nhưng rất nên đọc. Nó thể hiện rất rõ cuồng vọng tham tàn, độc địa của tư tưởng “thế giới Nga” với Ukraina. Sau cuộc chiến này, Ukraina sẽ luôn phải chiến đấu với con quái vật ghê tởm này. Bao giờ nước Nga mới thoát nổi ám ảnh về những bóng ma từ phương Tây do họ tự vẽ ra?)
FB Bùi Quang Tuấn
Hãy đọc để biết mà cảnh giác!
Mặc dù xưa nay vẫn xác định Nga là kẻ xâm lược, Putin là độc tài, nhưng không ngờ, tư tưởng dân tộc cực đoan, kẻ cả, tự phụ, bá quyền nước lớn… của Nga lại kinh khủng đến thế này. Những kẻ nghĩ ra và viết nên những dòng này (kế hoạch phi quốc xã hoá Ukraine, công khai, trắng trợn với toàn thế giới), phải là những kẻ phát xít gấp nhiều lần phát xít Hitler ngày xưa.
Sai lầm lớn nhất của người Việt là tưởng rằng Nga coi mình là bạn. Thực tế, Nga coi Việt Nam còn kém các nước cộng hoà trong Liên bang Xô Viết. Trong mắt Nga, Việt Nam là một dân tộc lạc hậu, nghèo đói, luôn làm nô lệ cho hết kẻ này đến kẻ khác, đầy rẫy tham nhũng, chia rẽ, bất tín, vô đạo… cần được viện trợ, dạy dỗ, khai hoá… để làm công cụ khi cần.
Nếu đúng là 70% dân Nga tin tưởng và ủng hộ Putin với thứ luận thuyết này thì quá nguy hiểm cho thế giới.
Cảm ơn Luu Minh Phuong đã dịch từ bản gốc:
====
NƯỚC NGA CẦN LÀM GÌ VỚI UKRAINE?
Тимофей Сергейцев
(Lưu Minh Phương dịch từ bản tiếng Nga đăng trên báo RIA NOVOSTI của Nga ngày 3 tháng 4 năm 2022)
Ngay từ tháng 4 năm ngoái chúng tôi đã viết về sự tất yếu phải phi quốc xã hoá Ukraine. Chúng ta không cần một Ukraine Quốc xã, một Ukraine theo Banderite, là kẻ thù của Nga, là công cụ mà phương Tây dùng để tiêu diệt Nga. Giờ đây, vấn đề phi quốc xã hoá đã chuyển sang thực tiễn.
Phi quốc xã hoá cần thiết khi một phần đáng kể dân chúng – chính xác hơn là phần lớn dân số – đã bị tẩy não và lôi kéo vào nền chính trị của chế độ Quốc xã. Đó là khi mà giả thuyết “nhân dân tốt – chính phủ tồi” không còn đúng nữa. Thừa nhận thực tế này là nền tảng cho chính sách phi quốc xã hoá, cho tất cả các biện pháp của chính sách, và chính thực tế này cũng là đối tượng của chính sách.
Ukraine đang trong tình thế như vậy. Việc cử tri Ukraine đã bỏ phiếu vì “hòa bình của Poroshenko” và “hòa bình của Zelensky” không thể gây nhầm lẫn – người Ukraine hoàn toàn hài lòng với con đường ngắn nhất đến hòa bình thông qua chiến dịch quân sự chớp nhoáng nhằm mang lại chiến thắng nhanh chóng mà hai tổng thống cuối cùng của Ukraine đã lộ liễu ám chỉ khi tranh cử. Chính phương pháp “bình định” những người chống phát xít trong nước kiểu đó – thông qua tổng lực khủng bố – được sử dụng ở Odesa, Kharkiv, Dnipropetrovsk, Mariupol và các thành phố khác của Nga. Và thường dân Ukraine hoàn toàn chấp nhận điều đó. Phi phát xít hoá – đó là tổng thể các biện pháp đối với số đông dân chúng đã bị nhiễm tư tưởng quốc xã, những người về mặt kỹ thuật không thể bị trừng phạt trực tiếp như tội phạm chiến tranh.
Những tên quốc xã cầm vũ khí cần phải bị tiêu diệt tối đa trên chiến trường. Không cần phân biệt khác biệt căn bản giữa Lực lượng vũ trang Ukraine và cái gọi là “các tiểu đoàn dân tộc”, cũng như Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ có liên kết với hai loại trên. Tất cả chúng đều dính líu đến sự tàn bạo khôn cùng đối với thường dân, đều có lỗi như nhau trong tội diệt chủng người dân Nga, và không tuân thủ luật pháp và tập quán chiến tranh. Bọn tội phạm chiến tranh và những tên quốc xã hăng máu phải bị trừng phạt để làm gương răn đe. Cần phải tiến hành tổng thanh trừng. Bất kỳ tổ chức nào liên quan đến các hành động của Quốc xã phải bị loại bỏ và nghiêm cấm. Tuy nhiên, ngoài nhóm chóp bu, một số lượng đáng kể dân chúng là những kẻ quốc xã thụ động và tiếp tay cho chủ nghĩa Quốc xã cũng có lỗi. Họ ủng hộ và dung túng cho chính quyền Quốc xã. Sự trừng phạt thích đáng đối với số cư dân này này chỉ có thể là bắt phải gánh chịu những khó khăn không thể tránh khỏi của một cuộc chiến tranh chính nghĩa chống lại hệ thống Quốc xã, được tiến hành cẩn trọng và có xem xét theo khả năng có thể đối với dân thường. Việc phi quốc xã hóa tiếp theo cho phần lớn dân số này là cải tạo tư tưởng bằng cách trấn áp tư tưởng (đàn áp) các mô hình Quốc xã và kiểm duyệt gắt gao không chỉ trong lĩnh vực chính trị mà còn bắt buộc trong lĩnh vực văn hóa và giáo dục. Chính là thông qua văn hóa và giáo dục, việc quốc xã hóa dân chúng sâu rộng đã được chuẩn bị và tiến hành, được đảm bảo bằng những lời hứa về cổ tức được chia khi chế độ Quốc xã thắng Nga, bằng tuyên truyền Quốc xã, bạo lực nội bộ và khủng bố, và cuộc chiến 8 năm với người dân Donbas nổi dậy chống lại chủ nghĩa Quốc xã Ukraine.
Phi quốc xã hoá chỉ có thể được thực hiện bởi người chiến thắng, điều này đòi hỏi (1) quyền kiểm soát vô điều kiện của người chiến thắng đối với quá trình phi quốc xã hoá và 2) chính quyền đảm bảo quyền kiểm soát đó. Trong phạm trù này, một nước đang bị phi quốc xã hoá không thể có chủ quyền. Nhà nước tiến hành phi quốc xã hóa là Nga không thể xuất phát từ giải pháp tự do mà tiến hành phi phát xít hoá. Ý thức hệ của người tiến hành phi quốc xã hoá không thể bị thách thức bởi bên có tội đang bị phi quốc xã hoá. Việc Nga thừa nhận cần phải phi quốc xã hóa Ukraine có nghĩa là Nga thừa nhận rằng kịch bản Crimea không thể áp dụng cho toàn bộ Ukraine. Vả lại kịch bản này cũng không thể thực hiện vào năm 2014 cho cả vùng Donbas nổi dậy. Chỉ có cuộc kháng chiến 8 năm chống bạo lực và khủng bố Quốc xã mới dẫn đến sự đoàn kết nội bộ và sự dứt khoát chối bỏ một cách có nhận thức trên diện rộng bất kỳ sự thống nhất hoặc liên kết nào với Ukraine, quốc gia đã tự xác định mình là một cộng đồng Quốc xã.
Thời hạn phi quốc xã hoá không thể ngắn hơn một thế hệ được sinh ra, lớn lên và trưởng thành trong các điều kiện phi quốc xã hoá. Quá trình quốc xã hoá Ukraine đã diễn ra hơn 30 năm – bắt đầu ít nhất là từ năm 1989, khi chủ nghĩa dân tộc Ukraine được trao các hình thức tự thể hiện chính trị hợp pháp và chính đáng và lãnh đạo phong trào đòi “độc lập”, hướng tới chủ nghĩa Quốc xã.
Đất nước Ukraine bị quốc xã hoá hiện tại có đặc điểm là không định dạng và mơ hồ, cho phép nước này ngụy tạo chủ nghĩa Quốc xã dưới khát vọng “độc lập” và con đường “phát triển” (thực tế là suy thoái) “kiểu Âu” (phương Tây, thân Mỹ), khẳng định rằng ở Ukraine “không có chủ nghĩa Quốc xã, chỉ có một số vụ quá khích nhỏ lẻ”. Nào đâu có đảng Quốc xã chính thức, đâu có Quốc trưởng, đâu có luật chủng tộc chính thức (chỉ có một phiên bản cắt giảm dưới dạng thức áp chế chống tiếng Nga). Hậu quả là không có đối lập hoặc đối kháng nào với chế độ.
Tuy nhiên, tất cả những gì đã liệt kê không làm cho Chủ nghĩa Quốc xã Ukraine trở thành “phiên bản nhẹ” của Chủ nghĩa Đức Quốc xã nửa đầu thế kỷ 20. Ngược lại: vì chủ nghĩa Quốc xã Ukraine không bị bó buộc bởi các khuôn khổ và giới hạn về thể loại tương tự (thực chất là công nghệ chính trị), nó có thể tự do diễn tiến như một cơ sở nền tảng cho bất kỳ chủ nghĩa Quốc xã nào – cả dạng thức Âu Châu và ở dạng phát triển nhất là chủ nghĩa phân biệt chủng tộc kiểu Mỹ. Vì thế phi quốc xã hoá không thể có thỏa hiệp, theo công thức kiểu “NATO thì không, EU thì được”. Chính tập thể Phương Tây là kiến trúc sư, người khởi dựng và tài trợ của chủ nghĩa Quốc xã Ukraine, trong khi các nhân vật cốt cán Banderite từ miền Tây Ukraine và “ký ức lịch sử” của họ chỉ là một trong những công cụ của quá trình quốc xã hoá Ukraine. Chủ nghĩa quốc xã Ukraine hàm chứa một mối đe dọa cho thế giới và nước Nga, không ít mà còn nhiều hơn phiên bản Hitler của Chủ nghĩa Đức Quốc xã.
Cái tên “Ukraine” chắc không thể nào được giữ lại với tư cách danh hiệu của bất kỳ thực thể nhà nước nào đã được phi quốc xã hoá hoàn toàn trên lãnh thổ được giải phóng khỏi chế độ Quốc xã. Các nước cộng hòa nhân dân, được thành lập mới trên không gian không còn chủ nghĩa Quốc xã cần và sẽ phát triển trên cơ sở thực hành kinh tế tự chủ và phúc lợi xã hội, khôi phục và hiện đại hóa các hệ thống đảm bảo an sinh cho người dân.
Trên thực tế, đường hướng chính trị của họ không thể trung lập: việc chuộc lỗi của họ trước Nga vì đã đối xử với nước này như kẻ thù chỉ có thể được thực hiện bằng cách dựa vào Nga trong các quá trình khôi phục, hồi sinh và phát triển. Không có “Kế hoạch Marshall” (xem chú dẫn) nào được phép thực hiện trên các lãnh thổ này. Không thể có “trung lập” theo nghĩa tư tưởng và thực tế tương thích với phi quốc xã hoá. Các cán bộ và các tổ chức là công cụ phi quốc xã hoá ở các nước cộng hòa mới được phi quốc xã hoá không thể không dựa vào sự hỗ trợ quyền lực và tổ chức trực tiếp của Nga.
Sự phi quốc xã hoá sẽ không tránh khỏi việc đồng thời xoá bỏ căn tính Ukraine – cự tuyệt việc thổi phồng ngụy tạo một cách quy mô thành phần dân tộc trong việc tự xác định căn tính cư dân trong các vùng lãnh thổ lịch sử Tiểu Nga và Nước Nga Mới (Novorossiya), được bắt đầu bởi chính quyền Xô Viết. Vốn là một công cụ của siêu cường Cộng sản, sau khi siêu cường này sụp đổ thì chủ nghĩa dân tộc tạo dựng này không tồn tại mà không có chủ nhân. Trong vai trò phụ trợ của mình, nó đã chuyển sang khởi đầu một siêu cường khác (quyền lực đứng trên các quốc gia) – siêu cường phương Tây. Nó cần phải được đưa trở về ranh giới tự nhiên và tước bỏ chức năng chính trị.
Khác với các nước như Georgia hay các nước Baltic, lịch sử đã cho thấy Ukraine không thể có tư cách là một quốc gia dân tộc, và các toan tính “xây dựng” một quốc gia như vậy tất yếu dẫn đến chủ nghĩa Quốc xã. Chủ nghĩa Ukraina là một cấu trúc nhân tạo chống Nga, không có bản chất văn minh của riêng nó, một yếu tố phụ thuộc nền văn minh ngoại lai và xa lạ. Chỉ riêng việc phi dân tộc hoá sẽ không đủ để phi quốc xã hoá: yếu tố Banderite chỉ mang tính thực hiện và là tấm bình phong, nguỵ trang cho dự án Châu Âu của Quốc xã Ukraine, do đó phi quốc xã hoá Ukraine cũng đồng thời là tất yếu phải phi Châu Âu hóa Ukraine.
Nhóm chóp bu Banderite phải bị loại bỏ; việc cải tạo bọn này là không thể. “Đầm lầy” xã hội đã chủ động hay thụ động hỗ trợ bọn này bằng hành động hoặc không hành động gì, cần bị nếm mùi khổ hạnh của chiến tranh và hấp thu trải nghiệm đó như một bài học lịch sử và sự chuộc lỗi của mình. Những người không ủng hộ chế độ Quốc xã, là nạn nhân của chế độ này và cuộc chiến mà nó gây ra ở Donbas, cần phải được kết nối và tổ chức, phải trở thành chỗ dựa của chính quyền mới, cả chiều dọc và ngang. Kinh nghiệm lịch sử đã chỉ ra rằng những bi kịch và thảm kịch thời chiến hiệu dụng cho những người bị cám dỗ và say sưa vai diễn kẻ thù của nước Nga.
Phi quốc xã hoá như một mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt trong khuôn khổ chính chiến dịch này được hiểu là một chiến thắng quân sự đối với chế độ Kyiv, giải phóng các lãnh thổ khỏi những kẻ có vũ trang ủng hộ Quốc xã, loại bỏ những tên quốc xã không thể khoan dung, bắt làm tù binh tội phạm chiến tranh, và tạo ra các điều kiện có tính hệ thống để tiếp tục phi quốc xã hoá trong thời bình.
Điều này cần được bắt đầu từ việc tổ chức các chính quyền địa phương, công an và tự vệ, được thanh lọc khỏi các phần tử Quốc xã, khởi động trên cơ sở các tiến trình thành lập một chủ thể nhà nước cộng hòa mới, đưa chủ thể nhà nước này vào mối hiệp đồng chặt chẽ với các cơ quan phi quốc xã hoá Ukraine của Nga (mới được thành lập hoặc tái tổ chức lại, ví dụ, Rossotrudnichestvo, từ việc áp dụng chuẩn mực cộng hòa (luật pháp) để phi quốc xã hoá dưới sự kiểm soát của Nga, xác định ranh giới và các khuôn khổ cho việc áp dụng trực tiếp luật pháp Nga và quyền tài phán của Nga trong lĩnh vực phi quốc xã hoá trên lãnh thổ được giải phóng, thành lập tòa án xét xử các tội ác chống lại loài người ở Ukraine trước đây. Về vấn đề này, Nga nên đóng vai trò là người bảo vệ phiên tòa Nuremberg.
Tất cả những điều trên có nghĩa là, để đạt được các mục tiêu phi quốc xã hoá phải cần đến sự ủng hộ của dân chúng, chuyển họ sang phía Nga sau khi giải phóng khỏi khủng bố, bạo lực và sức ép ý thức hệ của chế độ Kyiv, sau khi đưa họ thoát khỏi sự cách ly thông tin. Tất nhiên, sau cú sốc bởi các hoạt động quân sự sẽ mất một thời gian để mọi người hồi phục lại và được thuyết phục về ý định lâu dài của Nga vào việc “họ sẽ không bị bỏ rơi”. Không thể biết trước chính xác vùng lãnh thổ nào mà khối lượng dân cư như vậy sẽ tạo thành một đa số cực kỳ cần thiết. “Tỉnh Công giáo” (miền Tây Ukraine trong thành phần năm khu vực) khó có thể trở thành một phần của các lãnh thổ thân Nga. Tuy nhiên, đường ranh phân cách sẽ được tìm thấy thông qua thử nghiệm. Phía bên kia đường này, sẽ vẫn còn một Ukraine thù địch với Nga nhưng sẽ bị buộc phải trung lập và phi quân sự hóa với các dấu hiệu hình thức của chủ nghĩa Quốc xã bị cấm. Những kẻ thù ghét Nga sẽ đến đó. Để đảm bảo giữ lại phần còn lại của Ukraine này ở trạng thái trung lập, cần đe dọa tiếp tục ngay lập tức chiến dịch quân sự trong trường hợp không tuân thủ các yêu cầu đã liệt kê. Có thể điều này sẽ đòi hỏi sự hiện diện quân sự thường xuyên của Nga trên vùng lãnh thổ này. Từ đường ranh phân cách đến biên giới Nga sẽ là một lãnh thổ có tiềm năng hội nhập vào nền văn minh Nga vốn dĩ chống phát xít.
Chiến dịch phi quốc xã hóa Ukraine, bắt đầu bằng một giai đoạn quân sự, sẽ tiếp nối trong thời bình theo logic tương tự của các giai đoạn như trong chiến dịch quân sự. Ở mỗi giai đoạn, cần đạt được những thay đổi không thể đảo ngược, những thay đổi này sẽ trở thành kết quả của giai đoạn tương ứng. Trong đó, các bước khởi đầu cần thiết của quá trình phi quốc xã hoá có thể được xác định như sau:
– Loại bỏ các đội vũ trang Quốc xã (có nghĩa là bất kỳ đội hình vũ trang nào của Ukraine, bao gồm cả Lực lượng Vũ trang Ukraine), cũng như cơ sở hạ tầng quân sự, thông tin và giáo dục đảm bảo hoạt động của họ;
– Thành lập các cơ quan tự quản của dân và công an (quốc phòng và an ninh) của các vùng lãnh thổ được giải phóng để bảo vệ người dân khỏi sự khủng bố của các nhóm Quốc xã ngầm;
– Lắp đặt không gian thông tin Nga;
– Thu giữ các tài liệu giảng dạy và cấm các chương trình giáo dục ở tất cả các cấp có chứa chủ trương tư tưởng Quốc xã;
– Tiến hành các cuộc điều tra diện rộng nhằm xác định trách nhiệm cá nhân đối với tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người, sự truyền bá tư tưởng Quốc xã và ủng hộ chế độ Quốc xã;
– Thanh trừng, công khai tên tuổi của những kẻ đồng phạm với chế độ Quốc xã, cưỡng bức họ lao động để khôi phục lại cơ sở hạ tầng bị phá hủy như một hình phạt cho các hoạt động quốc xã (đối với những kẻ không bị kết án tử hình hoặc bỏ tù);
– Thông qua ở cấp địa phương các văn bản luật khởi đầu về phi quốc xã hóa “từ dưới lên”, dưới sự giám sát của Nga, cấm tất cả các thể loại và hình thức phục hưng hệ tư tưởng Quốc xã;
– Xây dựng các đài tưởng niệm, các biển kỷ niệm, tượng đài các nạn nhân của chủ nghĩa Quốc xã Ukraine, lưu giữ vĩnh hằng ký ức của các anh hùng trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa Quốc xã;
– Đưa một bộ các chuẩn mực chống phát xít và quốc xã hóa vào hiến pháp của các nước cộng hòa nhân dân mới;
– Thành lập các cơ quan thường trực về phi quốc xã hoá trong thời gian 25 năm.
Nga sẽ không có đồng minh trong quá trình phi quốc xã hóa Ukraine. Bởi vì đây là chuyện hoàn toàn riêng của Nga. Và bởi vì không chỉ phiên bản Bandera của chủ nghĩa Quốc xã Ukraine mà còn cả và trước tiên là chủ nghĩa toàn trị Phương Tây, các chương trình áp đặt làm văn minh suy thoái và tan rã, các cơ chế phục tùng của siêu cường Phương Tây và Hoa Kỳ sẽ bị diệt trừ tận gốc.
Để đưa kế hoạch phi quốc xã hóa Ukraine thành hiện thực, bản thân Nga sẽ phải dứt bỏ hoàn toàn ảo tưởng thân Châu Âu và thân Phương Tây, nhận ra mình là cấp có quyền chung thẩm để bảo vệ và bảo tồn những giá trị của Châu Âu lịch sử (Cựu thế giới) đáng được giữ lại mà cuối cùng bị Phương Tây bỏ rơi, sau khi thất bại trong cuộc tranh đấu vì chính bản thân mình. Cuộc đấu tranh này đã diễn ra suốt thế kỷ 20 và được biểu hiện trong Chiến tranh thế giới và cuộc cách mạng Nga, vốn gắn bó chặt chẽ với nhau.
Nga đã làm mọi thứ có thể để cứu phương Tây trong thế kỷ 20. Nga đã thực hiện dự án chính của phương Tây- dự án Chủ nghĩa Xã hội đỏ thay thế cho chủ nghĩa tư bản đã chiến thắng các quốc gia dân tộc. Nga đã đè bẹp chủ nghĩa Đức Quốc xã, một sản phẩm quái dị của khủng hoảng văn minh phương Tây. Hành vi cuối cùng mang tính vị tha của Nga là chìa cánh tay hữu nghị, mà vì thế Nga đã bị giáng một đòn khủng khiếp vào những năm 1990.
Mọi thứ mà Nga đã làm cho phương Tây đều được thực hiện bằng chính chi phí của Nga, bằng những hy sinh lớn lao nhất. Phương Tây cuối cùng đã từ chối tất cả những hy sinh này, đánh giá thấp sự đóng góp của Nga trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng phương Tây, và quyết định trả thù Nga vì sự giúp đỡ mà Nga đã cung cấp một cách không tư lợi. Kể từ bây giờ, Nga sẽ đi theo con đường riêng của mình, không lo lắng về số phận của phương Tây, dựa vào một phần di sản khác của mình – vai trò lãnh đạo trong quá trình phi thực dân hóa toàn cầu.
Trong khuôn khổ của tiến trình này, Nga có tiềm năng cao về quan hệ đối tác và liên minh với các nước mà phương Tây đã áp bức trong nhiều thế kỷ và những nước này sẽ muốn chịu lại ách thống trị lần nữa. Nếu không có sự hy sinh và đấu tranh của người Nga, các nước này đâu đã được giải phóng. Việc phi quốc xã hóa Ukraine đồng thời là quá trình phi thực dân hóa, điều mà người dân Ukraine sẽ phải hiểu khi họ bắt đầu giải phóng mình khỏi sự mê hoặc, cám dỗ và phụ thuộc vào cái gọi là sự lựa chọn con đường Châu Âu.
Chú dẫn: kế hoạch Marshall do Mỹ lập ra năm 1947 để viện trợ giúp các nước Tây Âu phục hồi nền kinh tế bị tàn phá sau chiến tranh- bài này nhắc đến với ngụ ý Nga không cho phép các nước phương Tây trợ giúp Ukraine tái thiết sau chiến tranh.
P/s: bài này được đăng trên các trang báo chính thống của Nga, đã được dịch sang tiếng Việt từ bản tiếng Anh. Xem bản dịch tiếng Anh thấy một số chỗ cần làm rõ hơn nên tôi dịch lại từ bản tiếng Nga.
With Lao Ta