
Bài viết trên của ông Lại Nguyên Ân đề ngày 22/11/2009, tôi được đọc ngày 22.02.2010 trên trang web Ba Sàm (Thông tấn xã Vỉa Hè), với chú thích “Lên trang viet-studies ngày 21.02.2010”.
Đọc xong, tôi buồn.
Dường như người Việt mình có thói hắt nước đổ đi tất cả những gì mình ghét, hoặc không còn thích nữa. Ờ, thì chủ nghĩa cộng sản (truyền khẩu là chính) được du nhập vào nước ta (trong tình trạng giản lược) ngoài cái công nhập vào dòng ái quốc Việt đã gây ra đủ mọi thứ tai hại về sau này, nhưng không lẽ vì thế mà những gì liên quan tới những người yêu nước một thời là đảng viên cộng sản cũng phải được nói tới (nếu có dịp để nói) bằng giọng chê bai, mai mỉa, phỉ báng hoặc với hàm ý như thế?

Theo ông Lại Nguyên Ân thì cây đào nổi tiếng ấy không hề có, dẫn chứng một bài viết của Nguyễn Công Hoan, cho rằng Nguyễn Tuân đã khởi đầu câu chuyện bịa đặt bằng một bài báo xuân năm Kỷ Hợi (1959) “Đào Sơn La”.
Tôi không cho rằng cách ông Nguyễn Công Hoan dẫn chứng bằng lời của ông Lê Giản (có họ và cùng làng với ông Tô Hiệu) đủ thuyết phục.
Cây đào ấy có thật. Tôi sẽ kể lại điều tôi được biết.

Người tù Tô Hiệu bị bắt tháng 12.1939 đã giâm một cành đào vào mùa xuân năm 1940 ở một góc sân giữa các “banh” (bagne). Cành đào bén rễ, lớn lên thành một cây đào nhỏ. Những người tù Sơn La thời ấy đều biết có một cây đào như thế.
Mùa thu năm 1963 tôi được đi thăm nhà tù Sơn La cùng với cha tôi (Vũ Đình Huỳnh) và các ông Trần Huy Liệu, Đặng Kim Giang, Lưu Động – những người tù Sơn La cũ, cùng thời gian với người tù Tô Hiệu. Ở cái góc sân mà những người cựu tù Sơn La chỉ cho tôi thấy không còn cây đào mà Tô Hiệu trồng, đó là lời chứng chính xác của những người bạn tù của Tô Hiệu. Thế vào cây đào đã mất đi ấy, nhà bảo tàng đã trồng lại một cây đào khác, ở chỗ khác.

Cây đào mà ông Tô Hiệu trồng sống được đến bao giờ không ai rõ, nhưng nó có thật, không phải chuyện bịa.
Ngày hôm ấy còn có một cuộc gặp gỡ cảm động giữa những người cựu tù Sơn La với một viên cai ngục vẫn còn sống. Tôi có ghi lại khá tỉ mỉ chuyến đi này trong sổ tay, nhưng nó đã mất trong một lần xê dịch nào đó trong cuộc đời nhiều xê dịch của tôi. Hoặc giả nó đã bị những người tò mò nào đó lấy đi để “nghiên cứu” những gì được ghi trong đó.

Không phải chỉ những người bạn tù của Tô Hiệu nhớ, chính viên cai ngục cũng nhớ cây đào ông Tô Hiệu trồng ở chỗ nào. Ông ta xác nhận vị trí của cây đào đúng như chỗ của nó trong trí nhớ những người bạn tù của Tô Hiệu.
Tô Hiệu là bạn thiết của cha mẹ tôi.
Mẹ tôi thuộc lòng những bức thư ông gửi từ nhà tù Sơn La về cho cha mẹ tôi. Tôi còn nhớ mẹ tôi đã vừa khóc vừa đọc cho tôi nghe những dòng chữ của ông: “Bình minh đã rạng, nhưng tôi lại không được thấy nó, chị ơi, thật tiếc!” Những bức thư ấy mẹ tôi giữ kỹ, chúng chỉ mất đi trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Ngày thăm lại nhà tù Sơn La, những người tù Sơn La năm xưa đã ngồi xuống bên những nấm mồ ở Vườn Ổi, nghĩa trang của nhà tù, mà khóc thương Tô Hiệu và những người bạn đã không trở về.
Những người cộng sản Việt Nam thời đã qua hoàn toàn xứng đáng được vinh danh và ngưỡng mộ.
Họ đã dâng hiến sinh mạng mình cho tổ quốc cái hoàn toàn thuộc về họ. Là con người, họ không có gì hơn.

Vũ Thư Hiên