Câu này được nhắc lại ở đầu mỗi kỳ: Đây là biên chép về hiện thực cuộc sống thời gian bị dịch Covid-19 năm 2021, năm căng thẳng nhất trong cơn dịch thế kỷ.
15.8
Sau một tháng rưỡi chính quyền áp dụng các biện pháp phong tỏa, lockdown, ai ở đâu thì ở đấy, “ở nhà là yêu nước”, “mỗi gia đình là một pháo đài”…, con người ta đôi tuần đầu còn ráng chịu đựng, tặc lưỡi rồi sóng gió sẽ qua mau, ai dè dịch càng ngày càng nặng. Ở trong nhà mãi, không được đi làm, không có thu nhập, đói, không tiền trả thuê nhà, điện nước, nên người ta bị dồn vào chân tường. Công nhân lũ lượt kéo nhau về quê. Hàng vạn người. Cả gia đình chất lên chiếc xe máy, mang theo tất tật tài sản nghèo nàn, thậm chí cả chiếc ghế nhựa cũ. Cả con chó con gà. Phó mặc cho trời. Kệ nắng nôi, mưa gió, đói khát. Chỉ mong sao trốn được dịch, trốn cái đói, thoát sự phong tỏa. Thương vô cùng.
Chính phủ vẫn không lên tiếng, cứ để mặc dân chạy, còn chính quyền nhiều tỉnh thành thì cấm cửa không cho dân về. Ở Sài Gòn người ta giăng dây thép gai, cử công an, cảnh sát cơ động, dân phòng, cán bộ mặt trận ra… chặn dân. Trên mạng xã hội, trên cả báo mậu dịch nữa, đăng những tấm ảnh người dân quỳ lạy công an xin được mở rào cho họ về.
Một ông làm thuê người tỉnh Vĩnh Long than thở, được báo VNN lấy câu than rút thành tít “Hãy cho tôi về quê, không thì tôi chết bởi stress chứ không phải do dịch do đói”.
Bác Phạm Chuyên điện vào, giọng buồn bã, em ạ, chúng nó chống dịch kiểu này chỉ chết dân, trút cả mọi đau khổ lên đầu dân, dân còn khổ hơn cả thời chiến tranh.
Chiều 15.8
Một người đàn ông 49 tuổi ở quận Gò Vấp đi tiêm vắc xin. Lớ ngớ thế nào, chỉ trong hơn 1 phút ông ta để người ta chích liền 2 mũi. Đúng là chuyện cười không nổi, chỉ có thể xảy ra trong thời dịch. Người thì cười chê đương sự, đã đi tiêm ít nhất cũng phải biết mình cần làm gì, như thế nào; người thì chê trách nhà chức việc, trước khi tiêm cho ai thì ít nhất cũng phải hỏi han vài ba câu, chứ đâu lại đè sấn ra tiêm như tiêm cho cây chuối, con lợn con mèo, ẩu quá trời ẩu. Cười nhất là ông giám đốc trung tâm y tế quận giải thích không sao đâu, có 2 mũi mà ăn nhằm gì. Hóa ra hôm ấy chích vắc xin Trung Quốc, họ chỉ cốt cho nhanh, tính mạng dân mặc kệ.
18.8
Báo Pháp luật TP.HCM dẫn lời một công dân, anh Lê Hoàng Ân quê Vĩnh Long, lên Sài Gòn làm thuê kiếm ăn, bị phong tỏa giãn cách nên mất việc, đói, hết tiền, muốn về quê nương náu qua ngày nhưng không về được, chịu cảnh sống dở chết dở nơi nhà trọ. Chủ trọ thương tình không lấy tiền thuê nhà nhưng anh Ân đã hết tiền để ăn. Mì gói cũng hết. Anh than thở: “Nói thật, đến mức này, có thể dịch bệnh sẽ không làm tôi chết mà tôi sẽ chết bởi khốn khó và bị stress. Xin chính phủ làm ơn cho tôi được về quê. Tôi khổ quá, stress quá rồi, trụ không nổi”.
20.8
Sài Gòn chống dịch đang cực căng, nước sôi lửa bỏng, trung ương quyết định điều chuyển ông Nguyễn Thành Phong chủ tịch thành phố ra Hà Nội làm Phó ban Kinh tế trung ương. Thiên hạ nhận xét giống như dạng cách chức. Thay ông Phong là ông Mãi ở Bến Tre về. Suốt mấy tháng ông Phong cầm đầu bộ máy chống dịch, loay hoa loay hoay, càng chống càng nặng, người chết như rạ. Giờ về ban kinh tế trung ương, nơi lâu nay lưu dung những đối tượng có vấn đề, chắc cũng không sáng sủa gì.
Không ít ý kiến bảo cách dùng người của trung ương chả ra làm sao. Nếu ông Phong kém cỏi, không gánh nổi nhiệm vụ, gây hậu quả xấu thì kỷ luật, cách chức, chứ lại chuyển qua chuyển nọ như diễn kịch. Giống kiểu chuyển Đinh La Thăng, Trương Minh Tuấn. Ông hàng xóm nhà tôi cười bảo họ làm bất cứ chuyện gì cũng thiếu sự đàng hoàng.
20.8
Nhiều tờ báo săn được gương người tốt việc tốt, điển hình trong chống dịch, hai nữ lãnh đạo cấp quận huyện. Đó là cô bí thứ quận 6 Lê Thị Hờ Rin và cô chủ tịch huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền. Sao lại khen? Cứ như các báo, thì hai cô trẻ này đã sáng tạo, bản lĩnh, đặc biệt dám xé rào để có biện pháp chống dịch hiệu quả tại vùng mình trị nhậm, nên dân chấp hành mà vẫn dễ thở, dịch ít lây lan. Ông anh tôi bảo nếu khen các cô ấy thì cũng cần phải lôi cổ mấy đứa dựng “rào” ra chửi. Ổng càu nhàu làm ăn, chỉ đạo chó gì mà dở tới mức người ta phải xé rào để được khen về cái sự xé ấy. Giống như thời bao cấp, ngăn sông cấm chợ, ngăn cản cấm đoán làm ăn buôn bán, bị dân chửi, sau vội thay đổi lại tự nhận có công đổi mới. (còn tiếp)
Nguyễn Thông (ghi lại)
Ảnh: Người lao động bị dịch, mất việc làm đã 3 tháng, hết tiền và lương thực, không trụ nổi phải kéo nhau về quê, bị chặn lại không cho về ở cửa ngõ Sài Gòn. (ảnh Internet)
Advertisement