Nhớ về cuộc “cách mạng màu đỏ”…

0
63
Cách mạng Văn hóa, bắt đầu cách đây năm mươi năm vào tuần tới, là một cuộc tàn bạo ở quy mô không thể so sánh với Trung Quốc ngày nay. Nhưng có những điểm tương đồng đáng để xem xét. Ảnh của Universal History Archive / UIG qua Getty

Lê Nguyễn Duy Hậu

4-9-2024

Nếu các bạn muốn tìm hiểu về một cuộc “cách mạng màu”, đa phần do sinh viên khởi xướng và lãnh đạo, gây ra hậu quả nặng nề, kéo lùi văn hóa và phát triển kinh tế cả thập kỷ, giựt đổ toàn bộ tượng đài, bức hại toàn những tiếng nói yêu nước… thì các bạn không cần nhìn sang Bangladesh hay Myanmar chi cho xa (mà tên hai nước này cũng khó đọc nữa chứ). Chỉ cần các bạn nhìn vào anh láng giếng Trung Quốc của chúng ta thôi.

Mình không nói cái cuộc cách mạng kéo dài hai tháng diễn ra vào năm 1989, mà là cuộc cách mạng kéo dài 10 năm có tên là Cách Mạng Văn Hóa. Cuộc cách mạng đó đích thị là cuộc cách mạng màu: Màu đỏ. Điều thú vị của cuộc “cách mạng màu đỏ” này là, nó tôn vinh não trạng toàn trị và xóa bỏ sự đa dạng và lòng khoan dung.

Trong cuộc “cách mạng màu” đó, người ta cũng nhân danh yêu nước, cũng phất cờ cộng sản, cũng tôn vinh một lãnh tụ, cũng đấu tố những người bị cho là “lệch chuẩn”, “phản động”. Mình đoán nhiều người bây giờ mà sống trong không khí sục sôi, cờ xí rợp trời thế, chắc sẽ rất hứng khởi.

Nhưng “tôn vinh não trạng toàn trị” là một trò chơi với lửa. Nó nguy hiểm hơn hết thảy vì nó khiến cho con người mất đi bản sắc cá nhân. Và “não trạng toàn trị” luôn có xu hướng thu hẹp lại các giá trị mà nó khoan dung. Ngày hôm nay là những người phát ngôn “lệch chuẩn”, ngày mai là những người có quá khứ không đúng đắn, ngày kia sẽ là những người thần tượng không đúng ý người khác…

Muốn quy chụp thực chất rất dễ. Càng ngày, khi các hành vi “lệch chuẩn” càng nhiều, thì chính những hồng vệ binh nhiệt thành nhất bỗng trở thành nạn nhân. Lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc cũng đã trở thành “nạn nhân” của cuộc “cách mạng màu đỏ” như vậy.

Sau cuộc “cách mạng màu đỏ” đó, Trung Quốc đã quyết định thay thế cách mạng bằng pháp quyền, độc đoán bằng khoan dung (tất nhiên có giới hạn), và toàn trị bằng cởi mở. Cái hào nhoáng hiện nay của Trung Quốc mà nhiều người trong chúng ta ca ngợi là công lao của quá trình tập quyền, thực chất không được tạo ra trong 10 năm trở lại đây, mà là thành tựu của 30 năm sửa sai, mở cửa.

Bạn có muốn lịch sử “cách mạng màu đỏ” của Trung Quốc lặp lại ở nước ta không? Nếu không thì chúng ta cần phải làm gì? Hay mọi thứ vẫn ổn? Mình chỉ hỏi, để các bạn tự suy nghĩ, trả lời.

Nhớ về cuộc “cách mạng màu đỏ” đó để thấy không phải cứ tung cờ, miệng nói yêu nước, tung hô lãnh tụ… là yêu nước. Yêu nước mà tiện lợi, dễ dàng, nhanh chóng, vui vẻ thì ai chả muốn. Nhưng nhiều lúc tình yêu đó của bạn phải đặt trong nghịch cảnh, trong thử thách. Các bạn muốn yêu nước, yêu sử, thì mình nghĩ rất nên đọc lịch sử một cách nghiêm túc thay vì chỉ xem clip ngắn TikTok, YouTube. Nếu nghiêm túc, mình có thể giúp tài liệu cho đọc. Lịch sử rất thú vị, nhưng nó thú vị vì nó kể cho các bạn nghe những câu chuyện có tính thách thức niềm tin.

Nếu đọc lịch sử mà chỉ thấy oai hùng, tốt đẹp, đỉnh chóp… thì khả năng rất cao bạn đang đọc tuyên truyền chứ không phải đọc lịch sử. Mà nếu yêu nước dựa trên tuyên truyền thì mình thấy nó mong manh lắm, vì lỡ một ngày nào đó bạn phát hiện ra tuyên truyền không đúng sự thật, chẳng lẽ bạn không yêu nữa ư?

Vì vậy, người yêu nước đích thực theo mình chính là người dám đọc cả những câu chuyện khó nghe như “cách mạng màu đỏ” kia, nhìn nhận sai lầm của tiền nhân bên cạnh thành tựu của họ, tôn trọng rằng tiền nhân cũng là con người mà con người có lúc này có lúc kia.

Và sau tất cả sự không thoải mái đó, bạn vẫn thấy muốn gắn bó với đất nước này. Đó chính là yêu nước, yêu sử. Tất cả những thứ khác theo mình chỉ là một dạng entertainment (giải trí) để người ta bán hàng thôi.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here