PHẠM ĐÌNH TRỌNG
Truyện đầu tiên của Nhật Tuấn tôi đọc là truyện ngắn “Trang 17” đăng trên báo Văn Nghệ hội Nhà Văn Việt Nam hồi cuối những năm 70 thế kỉ trước. Từ đó cái tên Nhật Tuấn đọng lại bền vững trong trí nhớ, trong tình cảm của tôi.
Tôi không nhớ lần đầu gặp Nhật Tuấn ở đâu, khi nào nhưng tôi vẫn nhớ cuốc điện thoại có lẽ là đầu tiên Nhật Tuấn gọi cho tôi. Gần trưa, tôi đang đi xe máy trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận Tân Bình (đoạn đường Cách Mạng Tháng Tám này về sau đổi tên là đường Trường Chinh) thì điện thoại réo nhạc. Nhật Tuấn gọi tôi đến nhậu với anh. Tôi hỏi có chuyện gì vậy. Nhật Tuấn bảo: Tôi vừa đọc Nỗi Ngán Ngẩm Thường Ngày của ông. Được lắm! Dạo đó Nhật Tuấn còn ở cuối đường Nguyễn Kiệm, hẻm 782 nhà 48B, quận Gò Vấp. Từ chỗ tôi tới đó chưa đến 30 phút chạy xe máy nhưng tôi không tới được.
Đó là cuối năm 2009, giới trí thức thức tỉnh đang vô cùng lo lắng cho vận mệnh đất nước khi đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam cho Tàu Cộng vào khai thác bô xít ở Tây Nguyên, biến một vùng đất Tây Nguyên hiềm yếu thành lãnh địa riêng của Tàu Cộng. Từ nỗi lo lắng đó, trang mạng boxitevn.net vừa ra đời. Bài Nỗi Ngán Ngẩm Thường Ngày tôi mới gửi email tối hôm trước cho giáo sư Nguyễn Huệ Chi, người khai sinh và đang còn phải làm cả việc biên tập bài cho trang boxitevn.net. Qua cuộc điện thoại của Nhật Tuấn tôi mới biết bài của tôi đã được đăng và biết được sự đón nhận của người đọc.
Mãi mấy năm sau tôi mới có bữa nhậu với Nhật Tuấn ở căn nhà cô đơn núp dưới bóng cây giữa bát ngát màu xanh những lô cao su non trên triền đất đỏ Tân Hưng, Tân Uyên, Bình Dương. Nhà văn Phạm Thành từ Hà Nội vào Sài Gòn rủ tôi đi thăm Nhật Tuấn. Chiếc ô tô bảy ghế do em họ Phạm Thành lái đang ngập ngừng dò đường giữa những lô cao su bạt ngàn thì Nhật Tuấn đi chiếc xe máy màu trắng ra đón.
Lá rụng rải đầy mảnh sân. Lá khô phủ dày đáy bể bơi nhỏ kiệt nước trong sân. Hoa giấy nở rực trước nhà. Trong nhà khá đủ tiện nghi. Đồ nấu nướng đã chuẩn bị sẵn. Bạn văn cả nước, bạn văn từ nước ngoài đến Sài Gòn thường tìm đến thăm Nhật Tuấn nên Nhật Tuấn đã quá thuần thục với thao tác làm bữa ăn tiếp khách. Buổi trưa nắng gắt, van nước được mở ra cho những tia nước từ dàn ống phun nước xuống mái tôn. Chúng tôi cụng li dưới mái tôn đầu nhà được những tia nước làm mát như vậy. Nhật Tuấn trách tôi: Ông ở ngay Sài Gòn mà hôm nay mới đến đây. Tôi bảo: Hôm nay tôi cùng Phạm Thành phải về ngay nhưng thế nào tôi cũng có đêm ngủ lại đây với anh.
Đại hội IX hội Nhà Văn Việt Nam họp vào giữa tháng bảy năm 2015 ở Hà Nội. Cuối tháng sáu, trên facebook, Nhật Tuấn đều đặn đưa ảnh chụp những nơi anh dừng chân trên hành trình hướng ra Bắc. Ngày 29 tháng sáu, Nhật Tuấn đưa ảnh anh chụp ở Nha Trang. Tôi liền comment chọc anh: Nhà văn “Đi Về Nơi Hoang Dã” rời miền hoang dã trên đường về kinh dự đại hội nhà văn của đảng, ứng cử vào ban chấp hành hội Nhà Văn tiêu tiền của dân viết nịnh đảng. Không ngờ Nhật Tuấn giận dữ nổi xung: Ông Trọng ơi, ông giỡn chơi hay thật vậy? Tại sao gắp lửa bỏ tay người vậy? Tôi về dự đại hội hồi nào? Tôi viết nịnh đảng ở đâu? Ông thử nói coi.
Đó, con người Nhật Tuấn đó.
Nhật Tuấn vào hội Nhà Văn Việt Nam từ năm 1978 nhưng trước sự đánh mất những giá trị văn hóa của hội Nhà Văn Việt Nam, Nhật Tuấn đã xa lánh, không bén mảng đến hai đại hội gần đây của hội Nhà Văn Việt Nam.
Theo những bản tự khai của Nhật Tuấn thì Bùi Nhật Tuấn có mặt trong cuộc đời từ ngày 7 tháng chín năm 1942. Cuộc đời Nhật Tuấn phải chứng kiến xã hội ngày càng đảo điên, mọi giá trị đảo lộn. Những giá trị làm người cũng không được nhìn nhận, không còn có trong cuộc đời. Có phải vì thế mà ngày 6 tháng mười năm 2015, Nhật Tuấn lại đột ngột, lặng lẽ xa lánh luôn cả cõi đời!
Nhật Tuấn không còn trong cõi đời nhưng Nhật Tuấn còn mãi trong tôi. Nhật Tuấn còn mãi trong văn chương Việt Nam, còn mãi trong lịch sử văn học Việt Nam.