15-7-2021
Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3 — phần 4 — phần 5
Nửa đêm, tự nhiên nghe một cái tin nhắn từ đứa em, chỉ quen trên facebook thôi chứ cũng chưa chừng từng gặp mặt bao giờ. “Bên anh có ai cần ăn rau không anh, mai em chạy qua đưa”.
Trước đây mà có ai hỏi vậy, chắc chỉ là chuyện nói qua lại cho vui rồi thôi. Nhưng giữa bóng tối thăm thẳm và heo hút phố chợ, sao nghe như tiếng chuông dịu dàng mở đầu cho buổi cầu kinh sớm mai.
“Có được bao nhiêu vậy D.?”.
“Bao nhiêu cũng có, em ở nhà vườn ngay ngoại ô Sài Gòn mà, anh tính chia ra cho bao nhiêu người thì nhắn, mấy chục ký còn dư”.
Tôi thoáng nhẩm. Nhà anh T, chị L, chị N,… Trong đầu hiện ra luôn gương mặt của những con người đó, vui với món quà “cần thiết” và hết sức “chính đáng” lúc này. Tôi nhắn cho D. con số 30kg toàn là rau, cải… rồi theo đợi mật lệnh. Trưa hôm sau, điện thoại tôi nhá lên tin nhắn “Ra nhận đi, em thả ngay đầu hẻm”. Nhờ thêm một thằng bé nữa, chạy tới nơi thì thấy mấy bịch rau lớn bỏ chỏng trơ ở đó. Không thấy ai khác. “Đâu rồi D.?”, “Em chạy rồi anh, để không bị phạt thì xui. May mà có thủ thêm cái áo chạy xe ôm Grab”.
Rau để trong nhiều bịch nhựa lớn. Tôi và thằng bé thay nhau ra đầu hẻm, xách vào nhà đến 2-3 lượt mới hết. Đến lần thứ 3, nhiều gia đình hé cửa sổ, mở cửa bước ra nhìn với ánh mắt khó tả. Nó giống như kiểu sau năm 1975, bạn đi nhận hàng từ Mỹ gửi về, hàng xóm cứ nhìn theo, không lời, nhưng làm cho bất kỳ ai đang vui cũng có thể chựng lại, áy náy.
Khổ lắm, thời buổi mà báo Một Thế Giới đăng cả một bài chất vấn “100.000 đồng/kg hành lá, 400.000 đồng/kg ớt ở TP.HCM lúc dịch, Bộ Công thương nói gì?”, có thể thấy cuộc sống Sài gòn bây giờ là để chạy đua với nhau tìm thực phẩm vừa sức mua và sốt ruột con số tăng liên tục. Nhiều thứ đang tăng giá gấp 3 lần, nhưng cũng không dễ tìm.
Tôi gửi lời cám ơn đến đứa em facebook chưa từng nói chuyện ngoài đó, gửi theo ít nụ cười và niềm vui của bà con nhận được. D. nói hắn cũng mừng, nói cần gì thêm thì bàn với nhau, hắn sẽ cố mang qua. Người Sài Gòn với nhau như vậy, hàm ơn không thể tả được. Hàm ơn cái cảm giác mình sống, và hàm ơn vì thấy cuộc đời chung quanh mình, ai cũng được sống.
D. may mắn chạy về được nhà, không gặp trắc trở gì. Nếu như xui mà bị vịn lại, mất 2,3 triệu tiền phạt vì ra đường không “chính đáng” như chơi. Phạt là a lê, khỏi cãi, vì đi làm chuyện bao đồng, chứ có thiết thực gì cho mình đây mà chứng minh được?
Chỉ thị 16 của chính quyền HCM đưa ra, được đủ loại nhân viên công lực rầm rập chận xét, thẩm vấn tại chỗ và phạt rất ngặt, với tuyên bố đanh thép “không chính đáng”. Nhưng sao biết được thế nào là chính đáng trong thời buổi này? Đôi sinh viên ở nhà trọ không có đồ nấu nướng, chở nhau đi mua bánh mì về ăn, cũng bị phạt vì mua thực phẩm không chính đáng. Một phụ nữ đi rút tiền về mua đồ ăn, bị phạt vì công an khăng khăng “mua online được rồi, rút tiền là chuyện không chính đáng”. Trên mạng xã hội còn có chuyện công an tự cho mình quyền quay video, không xin phép một bé gái mang con mèo của mình đến chốt, khóc nức nở xin cho đưa đến thú y. Viên công an đưa lên mạng giễu cợt nước mắt bé gái này, nói bé không giải thích được tính “chính đáng” của sự việc. Con mèo nhỏ chết sau đó. Nhiều người vào chia buồn với bé gái đó, trong đó có câu: “Đành vậy. ở một xứ sở mà người ta còn coi chó mèo là thức ăn khoái khẩu, thì kêu gọi tình thương là điều không thể”.
Báo Thanh Niên có bài “Mang rau Đồng Nai lên TP.HCM bị CSGT phạt 2 triệu: Trên đây mắc, sao mua nổi”. Tuy không dám phản ứng với chỉ thị 16, nhưng hàm ý trong bài cũng khó chịu sự cường quyền và làm dụng phạt người, với hai chủ đề mơ hồ “cần thiết” và “chính đáng” đang được tuyên bố vung vít, thậm chí giảng bài như tuyên giáo ở những chỗ phạt người.
Một phụ nữ, có vẻ là chủ một công ty nào đó, đi xe hơi mua rau số lượng lớn từ Đồng Nai lên Sài Gòn để làm thực phẩm cho các nhân viên của mình. Dù trình ra được đủ loại giấy theo quy định nhưng vẫn bị phạt, vì công an coi nhu cầu ăn rau không là chuyện “chính đáng”. Báo Thanh Niên trích mấy câu nói của người phụ nữ này “Sao lại không cần thiết, rau đây mắc quá sao mua?… Người nhà tôi rất đông, nhân sự của tôi rất đông… Sao là không cần thiết, anh trả lời tôi đi”.
Có vô số những trường hợp như vậy, tương tự như với người phụ nữ ấy, đã không có ai trả lời cả. Theo báo chí nhà nước thống kê, trong 4 ngày “ra quân” phạt, chính quyền HCM đã lập biên bản với 2.052 trường hợp, tiền thu về gần 5 tỷ đồng.
Người dân Sài Gòn làm gì mà cần đi ra đường dữ vậy? Bị phạt tối tăm mặt mũi mà vẫn đi, bất chấp vòng vây mang tên chỉ thị 16? Nhiều nơi tại Phú Nhuận, Gò Vấp… đã xuất hiện chỗ bán giấy thông hành giả để qua chốt, với giá 80.000 đến 100.000 đồng/giấy. Có giấy ghi là đi làm ở công ty A, B… có giấy thì ghi là đi bệnh viện, chở hàng… Người dân làm mọi cách để đi qua, vượt thoát… mà không muốn trả lời gì về việc tại sao họ cần thiết đi đến vậy, thậm chí phải bỏ tiền ra để mua giấy giả.
Tôi cũng tự hỏi, và tin rằng, nếu không là chuyện sống còn, chuyện bữa cơm hàng ngày, cùng cực với lẽ riêng… không ai thích tự mình đứng ra thách thức chính quyền như vậy. Rõ là trong một mệnh lệnh khô khan ban ra kèm tiếng nhạc thúc quân sống sượng, cơ thể Sài Gòn cuộn quặn, đau trong những nỗi niềm của mình mà không có ai tự xưng là chính quyền nhân dân ở đủ gần, có thể cảm nhận được.
Đã đau yếu, lại còn phải chịu phạt. Sài Gòn tôi ơi. Những tờ biên lai phạt và làm đầy ngân khố quỹ phạt nhanh chóng đầy tính chủ trương ấy, như vặt đi không biết bao mầm sống của người dân, trong cơn khốn khó.
Bất ngờ, ngày 13/7, trên mạng chuyền cho nhau một văn bản bị lộ của Ủy ban phường 6, Quận Gò Vấp về chuyện ra lệnh kín cho mọi nhân viên mặc áo công lực phải ra sức, mỗi ca phải phạt cho được 20 người. Một ngày ở phường này, có 6 ca trực. Tức một ngày phải phạt cho được 120 người. Ai nấy sửng sốt. Hóa ra, có cả một chủ trương mang tính hệ thống “vặt” người dân cho đầy ngân sách của chính quyền. Dân tình chửi bới không ngớt lời, đến mức cuối ngày 13/7, Quận Gò Vấp phải nói qua loa cải chính, rút lại văn bản này. Mặc dù dân chúng tức giận, nhưng chủ tịch phường 6 chẳng bị khiển trách gì, ngoài chuyện rầy rà chút xíu để lộ vì nội dung cơ mật thôi.
Hết nói nổi, giữa đại dịch này, việc bòn cho được những đồng tiền xương máu của dân chúng, lại là chủ trương hành chính, nhân danh lệnh phong tỏa. Sao lại có kiểu người cầm quyền điên loạn trục lợi trên nhân dân mình theo kiểu lấy mỡ nó rán nó: Dùng số tiền phạt đó, có thể thay số ngân quỹ cần xuất ra bồi dưỡng cho các ca trực (lại còn thừa nữa chứ). Người dân nào kém may mắn sẽ chi trả tiền canh chốt, và chung tay chống dịch, làm giàu thêm ngân quỹ của cơ quan địa phương.
Hành động đó, thời vua Gia Long, gọi là nhũng lạm, có thể bị xử roi, bãi quan, tù hoặc đi đày biệt xứ.
Chỉ còn biết cầu nguyện cho những người đang băng mình trên đường, với những điều không thể nào sẻ chia được sự “cần thiết” của mình. Nhất là khi họ phải nhốt mình ở nhà, còn các loại hỗ trợ của chính quyền ở rất xa, còn rất lâu. Xin cầu nguyện cho những người như D. ,đứa em nghĩa hiệp mãi mãi không bao giờ chứng minh được sự “chính đáng” của mình trên đường, sẽ bình an qua tháng ngày nhiễu nhương này.