NHÀ VĂN MANG DÒNG MÁU VIỆT MÀ TÔI YÊU THÍCH NHẤT: Viet Thanh Nguyen

0
193
Bìa sách Nhười Tị nạn

Thảo Dân – a history teacher from Vietnam
8/2019

Bạn hỏi, nhà văn Việt Nam tôi yêu thích nhất hiện nay là ai. Đúng ra, phải trả lời rằng, Nhà văn mang dòng máu Việt tôi thích nhất hiện nay, (mà cái dở của tôi đã thích là thích mãi, rất lâu), là Thanh Viet Nguyen (Nếu nói Thanh Viet Nguyen là nhà văn Việt Nam e rằng nó vô duyên và mạo muội vô cùng).

Thanh Viet Nguyen viết bằng Anh ngữ. Cả 3 tác phẩm tôi đọc, The Refugees (Người tị nạn- Phạm Viêm Phương), The Sympathizer (Kẻ nằm vùng- Lê Tùng Châu), Nothing Ever Dies (Không gì chết đi bao giờ- Nguyễn Tiến Văn) đều là bản dịch, của 3 dịch giả dù phong cách khác nhau: bình dân hay học giả… nhưng nói chung, cả 3 bản dịch đều khiến tôi hoàn thiện cảm nhận về một người viết.

Vì sao tôi thích đọc Thanh Viet Nguyen?

– Trước hết, vì tôi thích đọc tất cả những gì về Chiến tranh nói chung và chiến tranh Việt Nam từ năm 1954- 1975 nói riêng.

Tôi đọc và thay đổi nhận thức theo 3 giai đoạn:
– Giai đoạn đầu: Chỉ được tiếp xúc qua văn học Cách mạng. Nhìn 21 năm cắt xẻ đau thương là cuộc chiến tranh vệ quốc thần thánh. Căm ghét một cách cẩn thận đế quốc Mỹ và tay sai. Say mê hình tượng anh bộ đội tới mức, luôn luôn, trong suy nghĩ hồi nhỏ của tôi, nhất định khi lớn lên, tôi sẽ lấy chồng là một anh bộ đội.

– Giai đoạn 2: Tìm kiếm những tài liệu có thể đọc, ở phía bên kia, tất nhiên vẫn qua nguồn tiếng Việt vì tôi không biết ngoại ngữ, sau này có thêm một số bản dịch sang Việt ngữ. Kinh ngạc, vỡ dần ra. Hoang mang, thất vọng. Tất nhiên, sau khi đối chiếu với nhiều nguồn, thì không phải tài liệu nào cũng hoàn toàn chính xác hoặc công bằng, nhưng đại đa số là họ viết khá chân thật, thừa nhận cả tốt đẹp lẫn cái kém cỏi của mình và những người đồng cấp, đồng ngũ, đồng minh. Dần dà, tôi kính trọng người lính bên kia chiến tuyến. Tôi vẫn nghĩ, Nếu vào thời chiến, nhất định, tôi sẽ chọn một người lính trận làm chồng, và rất có thể, là một người lính VNCH.

– Giai đoạn 3. Đọc lại Văn học Cách mạng, cả trong và sau cuộc chiến để hiểu, cảm thông, xót xa và cay đắng. Vẫn đọc tiếp những cuốn sách về Chiến tranh Việt Nam tìm kiếm được trong nước và từ nước ngoài, trên sách in và cả ở bản PDF. Nhưng chưa có người viết nào khiến tôi thực sự thỏa mãn. Vì những cuốn sách mới chỉ tái hiện lại lịch sử ở từng khúc đoạn mà tác giả dự phần chứ chưa lý giải nó ở những tầm cao nhân bản. Vẫn ở từng bên chiến tuyến để, hoặc nã đạn vào nhau, hoặc tự nã đạn vào mình chứ chưa ai muốn thoát ra khỏi nó, vượt lên nó để nói với nhau rằng, Người Việt ơi, hãy biết thương nhau. Hẳn nhiên bên thua cuộc họ có quyền không quên. Họ mất nước, mất nhà, mất thân nhân. Mất hết. Còn bên thắng, chưa đối xử có nghĩa khí được với người sống, đã đành, nhưng còn cay nghiệt với cả những nấm mồ, thì rất khó cho một ngày tương hợp, chừng nào cái thể chế làm nên sự phân định thắng thua chưa sụp đổ. Những cuốn sách tôi đọc, cả hai phía, vẫn chỉ là góc nhìn từ phía bên này hay phía bên kia. Chưa có ai, không có ai thoát khỏi được chiến hào của mình, dù cuộc chiến đã tan từ nửa thế kỷ. Ngay cả cuốn tiểu thuyết viết thời hậu chiến tôi yêu quý nhất là Nỗi buồn chiến tranh, có người từng so sánh nó với cuốn Mặt trận phía Tây vẫn yên tĩnh, vẫn mới chỉ là những dằn vặt, suy tư, đau đớn của một chứng nhân, một nạn nhân, làm cho người đọc nhận ra sự phi lý của chiến tranh chứ vẫn chưa bật lên cao hơn, lùi lại xa hơn để có cái nhìn vượt khỏi chiến cuộc bằng cái nhìn bao dung, chấp nhận giống như số phận dân tộc khi mắc đọa, vì dù muốn dù không, nó đã xảy ra. Đồng thời hiểu rõ bản chất, căn nguyên của cuộc chiến xem người Việt được gì và mất gì.

Nhưng, tới Thanh Viet Nguyen những điều tôi mong chờ đã được tác phẩm của ông hóa giải. Thanh Viet Nguyen có lợi thế vừa là người Việt tị nạn với đầy ắp đổ vỡ, bỡ ngỡ, thất vọng, hoang mang bỏ nước tìm đất sống, vừa là một công dân ở đất nước có nền tự do, khai phóng, văn minh bậc nhất thế giới, vừa có sự trăn trở của những triết gia trầm lặng phương Đông lại có góc nhìn phóng khoáng của giới học giả phương Tây, cùng một lúc, ông vừa mang dòng máu của nước chiến bại, vừa là công dân của một cường quốc. Ông đọc, cảm nhận, hiểu sâu sắc và lý giải cuộc chiến trong lòng nước Việt bằng vốn tri thức mẫn tiệp và tình yêu sâu nặng với đất nước mà ông và người thân đã buộc lòng rời bỏ, rời bỏ mà không thể từ bỏ. Và như thế, từ chỗ đứng của mình, nhà văn đã có tầm nhìn cao hơn, xa hơn, nhân bản hơn, sâu sắc hơn về cuộc chiến và thân phận người Việt Nam nói chung thời hậu chiến, chứ không chỉ riêng với người Việt tị nạn.

Với tôi, nhận xét của fbker Hoi An về Thanh Viet Nguyen có lẽ xác đáng nhất: “Văn của Thanh Viet Nguyen kín đáo, u uẩn đầy tố chất của một triết nhân, một thi nhân giàu lòng nhân hậu và tỉnh táo trước bao biến thiên tàn nhẫn của cuộc sống”.

MỘT VÀI CẢM NGHĨ SAU KHI ĐỌC “THE SYMPATHIZER” -CỦA TÁC GIẢ VIET THANH NGUYEN

“Sự chia ly của anh em Abdullah và Pari không phải cá biệt trên đất nước Apganistan, càng không hiếm trên đất nước Việt Nam, một đất nước trải qua hàng chục năm chiến tranh chỉ trong thế kỷ 20. Thậm chí, còn tươi sáng và lạc quan hơn nhiều những ly tán mà bao gia đình người Việt từng trải những năm 1954-1955, 1975 và suốt nhiều năm sau đó.
Chất liệu đưa vào tác phẩm không thiếu. Nhân chứng còn sống đang trong nước và cả phiêu dạt bốn phương trời. Nhưng tại sao chúng ta chưa có tác phẩm nào chạm tới trái tim độc giả ở tầm quốc tế? Bởi chưa có nhà văn Việt Nam nào đủ tài năng và tâm huyết cho đề tài? Bởi họ chưa vượt được lên trên ranh giới chiến tuyến để bao dung hai chữ Phận Người? Hay bởi chính lòng người Việt mang nặng hận thù, nên không chỉ bị chia ly mà còn tự chia cắt?”.

Đó là những dòng chữ tôi viết về cuốn sách “Và rồi núi vọng” của nhà văn Pháp gốc Afghanistan Khaled Hosseini, và thành thực tin như vậy, cho tới khi được một trí thức Saigon ân tình chia sẻ bản thảo của chính ông, dịch cuốn tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Mỹ gốc Việt Nguyễn Thanh Việt: “The Sympathizer- ông dịch thành: Kẻ nằm vùng”, thì tôi hiểu mình đã nhận xét thật hồ đồ, thiếu hiểu biết.

“The Sympathizer” đã được trao nhiều giải thưởng văn học, lớn nhất là Giải Pulitzer cho tác phẩm hư cấu vào năm 2016. Hai nhà văn có hoàn cảnh xuất thân, học vấn và nghề nghiệp khá tương đồng nhưng tôi không định so sánh họ với nhau. Tôi chỉ liên tưởng tới Khaled Hosseini sau khi đọc xong “The Sympathizer”.

Nói một cách chính xác hơn, trước đó tôi đã đọc tập truyện ngắn Người tị nạn (The Refugees) do Phạm Viêm Phương dịch. Tất nhiên, cuốn sách khiến tôi xúc động về thân phận người tị nạn Việt Nam giữa những chia ly, mất mát, sụp đổ, bế tắc, giữa ẩn nhẫn và chứng tỏ, giữa quá khứ và hiện tại… nhưng thực sự vẫn khao khát một pho sách có tầm vóc đồ sộ hơn, mang đậm sử liệu về cuộc chiến tranh Việt Nam từ 1954 -1975, bằng một đôi mắt nhân ái, bao quát, chân thực và khách quan chứ không chỉ là những lát cắt mỏng về thân phận người Việt thời hậu chiến như ở cuốn “Người tị nạn”. Và, điều tôi mơ ước nhất, trong tác phẩm đó, người viết sẽ quên đi mọi phòng tuyến, chiến tuyến, giới tuyến, chỉ để lịch sử lên tiếng mà thôi. Tôi đợi chờ tưởng chừng vô vọng. Nhưng hóa ra, mình cạn hẹp chứ không phải người Việt thiếu tài năng (hẳn nhiên, chỗ này tôi hơi lạm nhận, bởi Nguyễn Thanh Việt là sản phẩm của người Mỹ, của nền giáo dục Mỹ, nếu không cùng gia đình tị nạn, ở lại Việt Nam, có thể ông chỉ là một chàng lái xe thồ hoặc một phu khuân vác, nhưng không thể phủ nhận, dòng máu chảy trong huyết quản ông là dòng máu Việt. Nếu không nặng tình với đất nước, ông đã không cố công truy tìm nguồn tài liệu phong phú như vậy, và không viết những tác phẩm day dứt tới 17 năm mới hoàn thành như thế).

Nguyễn Thanh Việt, trong cuộc phỏng vấn của đài BBC, đã khẳng định, Tôi là người tị nạn chứ không phải người di cư. Đó là lời bộc bạch chân thành, xót xa, kiêu hãnh của ông về nguồn gốc, hoàn cảnh của mình, của gia đình và hàng triệu đồng hương trên khắp địa cầu từ sau ngày 30/4/1975 nghiệt ngã, nhằm xác lập một chỗ đứng của người tị nạn Việt trên khắp thế giới. Người tị nạn là người buộc phải rời bỏ quê hương đất nước, chạy trốn khỏi bị áp bức, ngược đãi, tù đày để tìm đất sống, để không bị bức hại đến chết. Còn người di cư có điều kiện vật chất hoặc trí tuệ, đi tìm nơi ở mới đảm bảo tốt hơn về môi trường sống, môi trường giáo dục, y tế… Như vậy, một bên bị động, một bên chủ động và rõ ràng, thân phận người tị nạn là nỗi đau của công dân những đất nước có thảm họa chiến tranh hoặc thiên tai chứ người di cư thì diễn ra ở mọi sắc tộc, thậm chí cả ở loài vật, một hiện tượng bình thường của thế giới tự nhiên và con người, hai thân phận hoàn toàn khác nhau.

Nguyễn Thanh Việt sinh năm 1971. Cùng gia đình tới Mỹ khi vừa 4 tuổi. Ông thuộc về thế hệ thời hậu chiến, không phải trải qua khổ nạn huynh đệ tương tàn, không buộc phải đứng về phía bên này hay bên kia, không buộc phải lựa chọn, vì ở bên nào thì cũng nã súng vào đồng chủng đồng bào cùng màu da, tiếng nói, vì thế, không mang khoái cảm thắng cuộc hay mặc cảm thua cuộc. Thế hệ của ông là thế hệ đường biên lớn lên khi chiến tranh kết thúc, nhưng may thay, nhiều nhân vật lịch sử, nhiều nhân chứng còn đang sống.Tư liệu lịch sử nhiều nguồn vô cùng dồi dào, phong phú, với lợi thế tắm mình trong môi trường Anh ngữ từ nhỏ, có bằng Cử nhân Anh ngữ và Dân tộc học tại Đại học California,Berkeley, có bằng Tiến sĩ Anh ngữ cũng tại UC Berkeley rồi chuyển tới Đại học Nam California để giảng dạy tiếng Anh và môn Hoa Kỳ học trong vai trò trợ lý giáo sư rồi trở thành Phó Giáo sư tại đại học này, là nhà phê bình văn hóa cho tờ The Los Angeles Times… đồng thời lại là một nạn nhân của làn sóng tị nạn nên việc kiếm tìm tài liệu thuận lợi, khiến ngòi bút của Nguyễn Thanh Việt có thể đạt tới sự khách quan và trung thực ở mức độ đáng tin cậy nhất.

Bên cạnh đó, được thừa hưởng không khí Việt Nam từ gia đình và cộng đồng tị nạn Việt Nam, cảm nhận sâu sắc nỗi ám ảnh nhược tiểu của đủ mọi sắc dân từ các châu lục tìm đến Mỹ như một miền đất hứa, và gần như hấp thụ trọn vẹn nền giáo dục Mỹ, nhà văn ở giữa hai nguồn văn hóa Đông- Tây, bổ trợ cho nhau, luôn nhìn ra hai mặt của một vấn đề, tác phẩm của ông vừa có sự tỉnh táo, thực dụng của người Mỹ, vừa có sự mềm mại uyển chuyển của văn hóa Việt, vừa nhìn thấu bản chất cuộc chiến trong vai trò công dân cường quốc, vừa nhận rõ sự tráo trở, thực dụng của kẻ đồng minh đồng thời thấm thía cảm giác những kẻ bên lề xa lạ, những “công dân không chính thống” trong một xã hội phóng khoáng dung nạp đủ mọi hạng người nhưng lại khắt khe đến cực đoan để lựa chọn từ mọi chủng tộc những bộ óc nhân tài có thể tôn vinh giá trị Mỹ.

Cũng chính vì thế, cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông, cá nhân tôi cho rằng, dù nó đoạt giải Pulitzer cho tác phẩm hư cấu nhưng lại chứa đầy ắp tính sử liệu khiến độc giả có thể liên tưởng và nhớ lại từng chi tiết, từng nhân vật có thật được báo chí thời đó và các hồi ký đáng tin của những chính trị gia, các tướng lĩnh quân đội và những nhà tình báo của cả các bên tham chiến sau này ghi chép lại, người đọc có thể soi chiếu vào những tư liệu đó để đong đếm độ trung thực của tác phẩm. Thậm chí, những ngày cuối tháng Tư ở Saigon đã được tái hiện chân thực từng tuần, từng ngày, từng giờ, từng phút. Cảnh sống khác loài người ở trại tạm cư, những ngày đầu hòa nhập khó khăn trong nỗi đau mất nước và sự tủi cực của thân phận tha hương… đều được đưa vào tác phẩm, không có bất kỳ khoảng trống cấm kỵ nào, độc giả hoàn toàn có thể kiểm chứng qua các tư liệu lịch sử vô cùng phong phú chỉ qua một cú nhấp phím. Điều này khác xa với nhiều cuốn sách, đề tựa rõ ràng là hồi ký lịch sử, tiểu thuyết lịch sử…tựa hồ nhấn mạnh vào độ chân xác mà kỳ thực, đọc xong, đối chiếu các sử liệu tin cậy thì nó chỉ là bóng hình sự thật, nhằm tô vẽ, đánh bóng tên tuổi cá nhân hoặc phục vụ cho những ý đồ riêng tư của người viết.

“The Sympathizer” lấy bối cảnh chiến tranh Việt Nam từ năm 1954- 1975, xoay quanh cuộc đời của “Tôi”- một người Bắc di cư theo mẹ vào Nam từ năm 9 tuổi, một điệp viên cộng sản nằm vùng dưới lốt Đại úy an ninh tùy tùng cho một vị tướng VNCH, có cha là một cố đạo Pháp và mẹ người Việt, độc thân. Anh lớn lên trong sự khinh bỉ bởi thân phận con lai, bị xa lánh, ruồng bỏ nhưng cũng vì thế mà anh gặp được 2 người bạn chuộng nghĩa khinh tài yêu thương, bênh vực, gắn bó, cùng cắt chỉ tay ăn thề từ năm 14 tuổi cho tới khi cùng đi qua cuộc chiến tranh bi kịch. Cuộc đời của họ đan cài, song hành và chi phối nhau. Tôi- Bon và Man. Bon căm ghét cộng sản vì cha anh bị họ giết. Man lại là tình báo cộng sản, cấp trên giấu mặt trực tiếp của “Tôi’ trong suốt thời gian chiến tranh và hậu chiến. Vốn có trí tuệ thiên bẩm và dòng máu pha trộn văn hóa Đông- Tây, theo chủ nghĩa yêu nước trong sáng, “Tôi” được tổ chức cài cắm đi Mỹ du học và trở về làm việc ở cơ quan An ninh đặc biệt của Cảnh sát VNCH, chiếm được sự tin cậy gần như tuyệt đối của bậc thầy CIA lão luyện cũng như vị Tướng VNCH.

Cuối tháng Tư năm 1975, Tôi được ông Tướng giao lập danh sách những người được di tản. Tổ chức yêu cầu anh có mặt trong đoàn người ra đi để làm tiếp nhiệm vụ dù anh xin ở lại quê hương. Anh mang theo gia đình Bon, song trong giờ phút Saigon hấp hối, vợ con Bon đã trúng đạn chết khi chỉ cách cầu thang phi cơ vài chục bước chân. Từ đó, Bon càng căm thù cộng sản.

Sau cuộc di tản, ông Tướng qua Mỹ cùng phu nhân mở quán rượu, nhưng vẫn nuôi ý tưởng hồi hương phục quốc. Ông luôn để kim đồng hồ chạy theo giờ Saigon để nhắc nhớ cố hương. Được CIA cùng vài dân biểu Mỹ ủng hộ, ông tướng đã lập Hội Ái Hữu, nuôi một đội quân tinh nhuệ để quay về miền Nam Việt Nam hoạt động du kích. Nhằm tạo vỏ bọc kín đáo, chui sâu hơn vào cộng đồng Việt Nam hải ngoại, Tôi đã vu cho Thiếu tá đồng sự cũ và một nhà báo có tư tưởng phản chiến, tội danh là điệp viên cộng sản nằm vùng và giết họ. Bon thì chỉ muốn tiêu diệt cộng sản. Là gián điệp, Tôi theo dõi tất cả các sinh hoạt của cộng đồng Việt kiều. Bằng những bức mật thư viết bởi loại mực vô hình,
các hoạt động của ông Tướng, hội Cựu chiến binh Việt Nam Cộng hòa, các chương trình gây quỹ, các phong trào hỗ trợ kháng chiến chống Cộng… đều được báo về cho Man- cấp trên trực tiếp của Tôi.

Tuy nhiên, vài năm sau, trong lúc đang xâm nhập trở lại Việt Nam từ Thái Lan qua biên giới Lào cùng với Bon, từ chính những tài liệu báo cáo điệp báo Tôi gửi về cho tổ chức, Tôi cùng Bon và những quân nhân phục quốc đã bị rơi vào lưới phục kích của an ninh Việt Nam giăng sẵn. Họ bị bắt. Trong trại cải tạo, Tôi được gặp Thủ trưởng của mình, một người mang niềm tin tuyệt đối vào Chủ nghĩa Marx- Lenin và gặp Chính trị viên, một nhân vật quyền lực. Anh đã bị tra tấn bằng chính cuốn sách cẩm nang dạy tra tấn tù nhân của CIA, mà anh từng thực nghiệm để tốt nghiệp xuất sắc khóa đào tạo, ở cấp độ khủng khiếp hơn, tàn bạo hơn. Chính trị viên- chính là Man, sau khi ra lệnh và chứng kiến những màn tra tấn Tôi, không tìm được một manh mối bội phản nào từ anh, cũng không moi thêm được tài liệu nào, đã bí mật thu xếp cho Bon và Tôi rời trại tù, giúp họ vượt biên nhờ mua chuộc công an. Họ xuống tàu, mang theo hàng trăm trang kiểm điểm mà Tôi viết trong thời gian bị biệt giam và tra tấn. Họ tự hứa sẽ phải sống để ghi chép lại những gì mình từng trải trong vai trò nhân chứng.

Có thể nói, “Tôi” là đại diện cho lớp người Việt yêu nước hồn nhiên, theo chủ nghĩa dân tộc thuần túy, mang tư tưởng khai phóng, thuộc tầng lớp tinh hoa, giàu lòng tự tôn, vừa hòa nhập nhanh với văn hóa Mỹ, vừa mang nặng mặc cảm vong quốc ở xứ người, có những diễn biến nội tâm bùng nổ, phức tạp. Cho dù mang mặt nạ của một điệp viên nằm vùng, nhưng dường như Tôi luôn bị phân thân, luôn bị mâu thuẫn, luôn chông chênh, giằng xé, một mặt anh ta tuyệt đối trung thành với tổ chức, mặt khác, vì được học tập và trưởng thành trong môi trường văn hóa Mỹ, anh trở thành sản phẩm của nền giáo dục Mỹ tiên tiến, phóng khoáng, thành thật, đó cũng là tử huyệt khi anh trở về, gặp những cấp chỉ huy trực tiếp của mình, những người hàng chục năm sống trong hầm tối, đi dép râu, quàng khăn rằn, đeo chiếc đồng hồ lột từ tay anh và trong khi vừa thẩm vấn chính anh, vừa điềm nhiên ngồi nhâm nhi hết cốc rượu này tới cốc rượu khác trước những bình thủy tinh đựng xác quái thai ngâm formaldehyd.

Dường như, Tôi là một ẩn dụ cho sự chia cắt, phân thân trong chính con người Việt Nam, trong chính nội bộ Việt Nam, bên nào cũng muốn chứng minh mình là chính nghĩa đem lại độc lập tự do cho đất nước, không phụ thuộc ngoại bang. Vô hình chung, họ đã đưa đất nước rơi vào một cuộc chiến tranh ủy nhiệm, huynh đệ tương tàn, người Việt chuộng chính nghĩa, công bằng, chung thủy lại trở thành nạn nhân của chính anh em mình. Đất nước Việt Nam hiền hòa, xinh đẹp bị biến thành chiến trường đẫm máu của chính người Việt. Nếu độc giả đứng ở phía bên này hay phía bên kia để đọc “The Sympathizer”, e rằng sẽ không hoàn toàn hài lòng. Đây là một cuốn sách dành cho lớp độc giả văn minh, nhìn cuộc chiến hai mươi mốt năm xảy ra trên đất mẹ bằng cặp mắt xót xa, bao dung, tỉnh táo, khách quan và công bằng. Không chỉ tố cáo đối phương mà còn phải nhìn lại chính mình, không chỉ mang khoái cảm thắng cuộc hay giữ mặc cảm thua cuộc, để nhận thức được rằng, dẫu đúng hay sai, dẫu có xâu xé nhau, tàn sát nhau, thì chỉ người Việt mới biết thương người Việt.

Nguyễn Thanh Việt có lối viết hiện đại, lược bỏ tối đa các chi tiết miêu tả, biểu cảm rườm rà không cần thiết. Ngòi bút của ông như một con dao mổ của vị giáo sư y khoa tài năng, lạnh lùng phẫu thuật, bóc tách từng tế bào tâm lý Việt để phơi bày nó dưới ánh sáng lương tri. Một thứ văn học biểu hiện vừa bắt người đọc phải suy tư, vừa đưa ngồn ngộn chất liệu hiện thực mà vẫn không thiếu những trang lãng mạn phóng túng cao bồi.

Rõ ràng, trong cuốn sách của mình, Nguyễn Thanh Việt không định đưa ra thông điệp phát ngôn cho bất kỳ phía nào. Ông chỉ ghi chép lại những sự kiện lịch sử, nhân chứng lịch sử, và bằng tài năng thiên phú cộng với học vấn uyên thâm, bằng những tư liệu về một Việt Nam đau thương điêu tàn trong suốt hai mươi mốt năm chiến tranh và kéo dài cả thời hậu chiến, ông đã tưởng tượng, kết nối, xâu chuỗi… cuộc đời Tôi thành câu chuyện một đời người, cũng là câu chuyện về sự chuyển biến nhận thức: Yêu nước vô tư bất vụ lợi, có học vấn, tự dấn thân vào con đường chông gai để thực hiện lý tưởng, tin tưởng, trung thành tuyệt đối vào bạn bè, đồng chí và bị chính đồng chí của mình nghi ngờ, đố kỵ, bị tra tấn bằng những ngón đòn tàn độc vượt xa giới hạn chịu đựng của con người, để rồi sau đó, vượt thoát, tỉnh thức và trở thành chứng nhân ghi lại bản cáo trạng về một thứ chủ nghĩa ngoại lai vong bản, giết chết những tình cảm nhân bản nhất của con người, dồn đuổi con người đến cùng đường, muốn được trở về mà vẫn buộc phải ra đi. Từ chỗ lưu vong thân xác, Tôi đã lưu vong lý tưởng của mình. Tôi đã thức tỉnh.

Mỗi người sẽ có những cảm thức riêng sau khi đọc xong cuốn sách. Với cảm nhận của một độc giả bình dân, đọc tới dòng chữ cuối cùng, tôi nhìn thấy từ trang sách: Chiến tranh Việt Nam vô cùng nghiệt ngã, bi kịch. Chủ nghĩa cộng sản là những thứ man rợ, hủy hoại những giá trị tốt đẹp nhất của loài người, nó cũng ghê rợn như khuôn mặt bị biến dạng vì bom napalm của Man, không sớm thì muộn cũng tự hoại. Nhưng rồi tình bạn, tình người sẽ vượt lên trên mọi chiến tuyến, mọi cách trở. Cho dù người Việt quốc nội hay hải ngoại thì vẫn là anh em, họ giết hại nhau, thù hận nhau và yêu thương nhau. Làm sao để hận thù không còn, chỉ yêu thương kết nối? Mở đầu Lời Bạt của cuốn “Nothing Ever Dies” (Không Có Gì Chết Hẳn), tác giả viết: “All wars are fought twice, the first time on the battlefield, the second time in memory.” (Tất cả các cuộc chiến đều được chiến đấu những hai lần, lần đầu tiên trên chiến trường, lần thứ hai trong ký ức). Bằng những tác phẩm của mình, phải chăng lớp hậu sinh đủ văn minh, đủ học vấn, đủ nhân ái như Nguyễn Thanh Việt, đang làm dịu đi những vết thương chiến tranh, đang nhằm kết nối những con người đồng chủng đồng ngôn ngữ, giúp họ lưu giữ quá khứ, trân trọng quá khứ, nhận rõ chính mình và thấu hiểu đối phương, để đưa người lại gần người?

Điều cuối cùng tôi muốn nói là về bản dịch. Xin đa tạ dịch giả đã có lòng tin tưởng và yêu quý để chia cho tôi cuốn sách tâm huyết mà ông đã dành ra hơn 4 tháng giam mình tập trung làm việc để hoàn thành. Phải thú nhận rằng đã rất lâu rồi tôi mới được gặp lại một bản dịch Việt ngữ mang đậm phong cách trí thức Saigon như Kẻ Nằm Vùng (mà ngay cả từ điển Wikipedia lẫn BBC đều dịch một cách tối nghĩa là Cảm Tình Viên. Cũng cần nói ngay rằng, quý vị sẽ lạc lối nếu đọc tóm tắt về “The Sympathizer” trong từ điển Wikipedia. E rằng, người tóm tắt tác phẩm một cách lộn xộn, vô nghĩa này chưa từng đọc hoặc chưa đọc cuốn sách một cách tử tế). Bản dịch với văn phong quý tộc duyên dáng, uyên thâm nhưng vô cùng phóng khoáng không làm mất đi chất Mỹ trong ngòi bút Nguyễn Thanh Việt mà vẫn khiến người đọc không mang nặng cảm giác đó là văn học dịch. Tựa hồ giữa nguyên tác và bản Việt ngữ không hề có độ chênh về văn phong. Tựa hồ giữa tác giả và dịch giả có sự liên thông không cần diễn giải của những con người cùng mang dòng máu Việt và người ít, người nhiều, gián tiếp hay trực tiếp, đều được hấp thụ nền văn hóa Mỹ tiến bộ. Tựa hồ, giữa tác giả và dịch giả có chung một kết nối lý tưởng: người am hiểu Saigon, sống với Saigon, chứng kiến những giờ khắc bạo tàn của chiến tranh với người lớn lên và rời xa đất nước từ nhỏ, không từng biết tới chiến tranh nhưng lại có những cuộc hồi hương ngoạn mục bằng trang viết. Đó là những lương duyên gặp gỡ không dễ gì có nếu dịch giả hời hợt hoặc chỉ giỏi Anh ngữ đơn thuần. Không đọc được nguyên tác, nhưng tôi cho rằng, dịch giả thực sự là người đồng sự tận tụy, một liên lạc viên đáng tin cậy và đồngsáng tạo trung thành để đưa bản dịch tuyệt hay đến với người đọc Việt Nam.

Nhấn mạnh, với “The Sympathizer”, nếu dịch và duyệt không thiện tâm, không công chính, rất dễ cắt xén để biến nó thành công cụ truyên truyền cho bên này hoặc bên kia, như vậy đó là một lối đọc ác, lối đọc hằn học chỉ chuốc oán gây thù. Rất may, tôi được tiếp xúc với một bản dịch đẹp. Đẹp bởi tâm thế, tài năng của dịch giả. Đẹp bởi tấm lòng của ông với đất nước và con người xứ này.

Một điều nữa khiến tôi thích thú, ở những tập ngữ khó hiểu, dịch giả đã tận tâm chú thích rất kỹ lưỡng, công phu cho người đọc tiếp cận với tác phẩm một cách chân xác nhất. Không phải ai cũng làm được điều này. Phải có kiến văn uyên thâm và cái tâm với chính mình, với nguyên tác và với độc giả mới có thể kỳ công như vậy.

Không nghi ngờ, “Kẻ Nằm Vùng” chắc chắn là bản Việt ngữ rất xứng đáng để nhà văn và người đọc nói lời cảm ơn trân trọng tới dịch giả.

(Bài viết này được viết và đăng với sự cho phép của dịch giả. Hi vọng một ngày bản Việt ngữ của ông được xuất bản để độc giả có cơ hội thưởng thức tác phẩm xuất sắc của một người Mỹ gốc Việt. Bản Việt ngữ này, dịch giả chưa công bố, chỉ giới thiệu với một số ít thân hữu, nên mong anh chị em thông cảm, TD chưa thể chia sẻ cho ai. Trân trọng).

Ngày 13/7: Bổ sung: Dịch giả cho phép TD chia sẻ bản dịch “Kẻ nằm vùng” cho ai thật sự thích đọc sách, nên anh chị em nào muốn đọc gửi email để TD gửi sách nhé. Trân trọng.

TD
======

Bài được Admin đăng với sự cho phép của tác giả Thảo Dân. Cảm ơn.