Nhà thờ Ngọc Lẫm nằm giữa mênh mông đồng cói cạnh dòng sông Yên hiền hòa chảy quanh. Lâu lắm rồi, phải dễ đã hơn 20 năm mới tìm đến nơi này.
Nhớ, ngày xưa, lúc tôi bé, khi ấy bố cũng mới chuyển nhà vào núi, rồi có mấy người từ nơi xa tới thầu đồng vỡ đất làm cói và chài lưới trên sông.
Cánh đồng cói ngay trước ngõ nhà tôi nhìn xuống, đi bộ chỉ vài trăm thước. Dân làng tôi thì không biết làm cói, cũng không biết nghề sông nước, chỉ trồng lúa và chạy chợ. Nên, hình ảnh những gia đình phương xa ấy mang tới một cuộc sống khác, một thế giới khác, xa lạ, mời gọi…
Dưới đó có hai gia đình với bọn nhóc con lau nhau, mỗi nhà 4, 5 đứa, có đứa còn chưa mặc quần. Hai ông chú rất hiền, mỗi lần lên xin nước thì hay rủ tôi xuống chơi. Chui lên con thuyền nhỏ, trên đó có nồi niêu xoong chảo, có bếp nấu củi, dập dềnh giữa sông những đêm trăng sáng…
Tôi tập cắt cói, chẻ cói, và…ăn chực. Những bữa cơm trên thuyền với cá bống mủn và tôm còng kho trong lửa nhỏ trên mui thuyền, khói lan ra cả một quãng sông. Mãi không quên được.
Hôm qua, nhớ quá, xách xe đi tìm. Cái tên Ngọc Lẫm in đậm trong trí, dù chưa từng đặt chân tới. Vừa đi vừa hỏi đường. Qua những ngôi làng xa, những đồng lúa đã gặt trong tiết trời thu mờ, rồi bỗng xuất hiện những chiếc chiếu phơi bên đường, mùi cói mới thơm, cả một trời thân quen quện lấy những con đường. Cói hai bên lối đi, cói vương vào bánh xe, cói xanh ngăn ngắt trên đồng…
Hỏi thăm mãi mới tìm được nhà một ông chú ngày xưa. Trước mặt, người đàn ông mặc quần cộc áo phông, tay còn lấm bùn, nhìn tôi bằng ánh mắt lục tìm ký ức. Chú không nhận ra tôi. Trông chú già đi nhiều, đầu đã hói lên quá đỉnh, chỉ còn vài sợi tóc lơ thơ. Ông cụ ngày xưa thi thoảng vẫn vào thăm gia đình chú lúc đang làm ăn bên dưới nhà tôi, nay đã gần trăm tuổi, già lẫn, nhưng da dẻ còn sáng, khuôn mặt thanh tú vẫn đẹp như thủa nào.
Nhận ra nhau sau lời giới thiệu. Ôi chao… Chú gọi mấy đứa em ra, “Anh Tuấn này con ơi… Bọn nó đã có vợ có chồng hết rồi, thằng út 3 con rồi đây này…”. Mới ngày nào tôi còn bế chúng nó, thời gian như ngọn gió…
Ngồi với nhau suốt từ trưa đến nửa chiều, câu chuyện không dứt. Tôi hỏi chú về gia đình chú Ng. Thì ra chú Ng. đã vào Nam sau khi rời đồng cói trước nhà tôi, lập nghiệp trong ấy. Mấy năm trước chú bị tai nạn, dù vẫn đi lại được nhưng đầu óc không còn minh mẫn nữa… Nỗi buồn len lỏi trong khói trà.
Chúng tôi ngồi trong chiều, khói thuốc tan ra giữa bốn bề cây cối và mùi cói thơm tan vào gió dưới nắng nhè nhẹ. Chú vẫn làm cói sau mấy năm đi Nam về, và nay nhận coi sóc công việc nhà thờ, một giáo họ hơn 2 nghìn tín đồ. Chú bảo, Đức Chúa trời trao cho con người tự do ý chí, và con người phải tự quyết định lấy cuộc sống của họ. Chúa đã trao thì không bao giờ lấy lại, sự đau khổ trên mặt đất này là do con người tự gây ra cho nhau, Chúa không bao giờ làm việc ấy. Chúa không trừng phạt, con người phải tự chịu lấy những việc mà họ đã làm. Và con người, con người chỉ có thể tìm thấy hạnh phúc trong nhau, chỉ có phụng sự mới mang tới niềm an lành trong tâm hồn và mới tìm thấy ý nghĩa của đời sống. Những khổ lụy, phiền toái chính là cơ hội của hạnh phúc. Tách ra khỏi đồng loại, cuộc sống thành hư vô…
Người nông dân, ngồi pha trà, tay còn lấm bùn, và nói chuyện như một triết gia, nụ cười luôn nở trên môi. An tâm. Và ước, sao cho con người khắp nơi trên mặt đất này sống được với những điều rất thật của cơm áo nhưng không bị nhấn chìm trong những vặt vãnh xác thịt như đang phơi ra muôn nẻo quanh mình. Đời người cần một cao vọng để không trở nên tầm thường, vô nghĩa.
Chào nhau ra về, hẹn một ngày gần sẽ lại qua thăm. Cói đang mùa thu hoạch, những cánh đồng mênh mông ôm ấp những ngôi nhà xinh nằm thấp thoáng trong bóng dừa la đà. Ai đó đốt bổi cói giữa đồng, khói loang ra thành một vệt dài, bắc qua dòng sông nước nổi. Mùi mằn mặn của đồng sác, mùi chát của cói tươi vừa cắt, mùi thơm ngọt của cói phơi trên đường và hình ảnh ngôi giáo đường mênh mông giữa bốn bề cói lác sông hồ, bình yên như một cõi lành lấp lánh…
Thái Hạo