Người Việt nên hy vọng, mong đợi gì ở nước Mỹ và Tổng Thống Mỹ?

0
290
Biểu tình tại Pioneer Courthouse Square, Portland ngày 02-06-2020. Đa số người tham gia biểu tình là các bạn trẻ, nhiệt thành và ôn hoà. Ảnh : Hoàng Hải
   
SONG CHI

Phải thừa nhận rằng người Việt, dù sống trong nước, trên đất Mỹ hay ở một quốc gia nào khác, đa số đều quan tâm đến tình hình chính trị xã hội của nước Mỹ, đến Tổng Thống Mỹ. Điều đó cũng dễ hiểu. Mỹ là một cường quốc, trong nhiều thập niên qua từng đóng vai trò lãnh đạo thế giới tự do, nên mỗi chính sách, đường lối đối ngoại của Mỹ sẽ có ảnh hưởng đến bàn cờ chính trị thế giới, trong đó có Việt Nam. Tổng Thống Mỹ lại có quyền lực rất lớn nên một ông Tổng Thống nào lên hay xuống tất sẽ để lại dấu ấn trong đường lối đối nội- đối ngoại của Mỹ.

Đó là chưa kể một thứ tình cảm phát xuất từ sự hiểu biết về văn hóa và chia sẻ một phần lịch sử với nhau giữa người Việt và người Mỹ qua cuộc chiến tranh VN. Người Việt đối với nước Pháp, người Pháp, văn hóa Pháp có lẽ cũng vậy (nhưng đối với Trung Quốc, quốc gia cũng có ảnh hưởng về văn hóa xã hội và chia sẻ một phần lịch sử với VN, thậm chí còn ảnh hưởng nặng nề hơn, khoảng thời gian “dính líu” với nhau trong lịch sử còn lâu dài hơn gấp bội, nhưng tại sao hầu hết người Việt lại có cảm xúc khác hẳn? Đó là do không có thiện cảm với chính quyền Trung Quốc hiện tại, với đường lối chính sách ngoại giao của họ cũng như những gì họ đang tiếp tục gây ra cho VN).

Song có thiện cảm đối với nước Mỹ là một chuyện, ngưỡng mộ quá mức, coi cái gì của Mỹ cũng nhất là khác. Hoặc không dám chỉ trích một Tổng Thống Mỹ vì cho rằng đã là Tổng Thống Mỹ thì không thể dở, không thể tệ hại; rằng Tổng Thống Mỹ là do dân Mỹ bầu ra, nói Tổng Thống Mỹ dở không lẽ những người Mỹ bầu cho ông ta là ngu? Mỹ mà, làm sao ngu được! Hoặc trông chờ vào Tổng Thống Mỹ sẽ đánh sụp Tàu Cộng và Tàu Cộng sụp thì Việt Cộng cũng…lung lay v.v…

Tuy nhiên, là người dân của một nước nhỏ, đang phải chịu đựng một đảng cầm quyền hà khắc, sẵn sàng làm tất cả để bảo vệ chế độ, quyền lực tới cùng, cái đảng ấy lại đã nắm quyền quá lâu để có thừa mưu bẩn kế độc dập tắt mọi hành vi phản kháng từ trong trứng nước, và tạo nên sự bạc nhược, vô cảm với chính trị trong đại đa số quần chúng, đôi khi chúng ta cảm thấy tuyệt vọng cho vận mệnh, tương lai của VN. Nhưng đừng vì tuyệt vọng mà chỉ trông chờ vào những vận may từ bên ngoài, người VN phải tự đứng lên trước, tự lên tiếng trước, sự hỗ trợ của thế giới nếu có sẽ đến sau.

Sẽ có người bảo nói thì hay lắm, toàn xúi người khác đổ máu, có ngon thì đứng lên đấu tranh đi nào. Người viết chỉ muốn nhắc lại rằng sự sụp đổ của Liên Xô, những sự thay đổi của các nước XHCN Đông Âu cũ hay phong trào “cách mạng hoa nhài” ở các nước Bắc Phi, sự chuyển dịch của Miến Điện…đều bắt đầu từ người dân trong nước là chính, sự hỗ trợ của thế giới chỉ đóng góp thêm vào, và tất nhiên, có yếu tố thời cuộc, những chuyển động trên bàn cờ chính trị thế giới.

Điều mà người Việt trong ngoài nước nên hy vọng, trông chờ vào nước Mỹ là gì?

Thứ nhất, nước Mỹ phải mạnh, luôn luôn hùng mạnh về quân sự, quốc phòng, kinh tế để các nước độc tài như Nga, Tàu hay những tổ chức Hồi giáo khủng bố cực đoan phải e dè.

Không chỉ mạnh về quân sự, quốc phòng, nước Mỹ phải gìn giữ và luôn có những hành động, chính sách đối nội-đối ngoại nhất quán với những giá trị tốt đẹp về tự do, dân chủ, nhân quyền…đã xây dựng bao nhiêu lâu nay, đối lập với những thể chế độc tài, chà đạp lên nhân quyền, những thế lực tàn ác. Có như vậy nước Mỹ mới có quyền lên tiếng bảo vệ người dân và phong trào dân chủ tại các nước độc tài một khi nhà cầm quyền tại đó ra tay đàn áp.

Chúng ta không chỉ hy vọng nước Mỹ luôn mạnh, chúng ta còn hy vọng nước Mỹ sẽ không từ bỏ vị trí, vai trò đầu tàu, lãnh đạo thế giới tự do bởi nếu nước Mỹ rút lui, thì khoảng trống đó khó có nước nào thay thế nổi, như chúng ta đang chứng kiến trong thời gian qua. Và khi Mỹ rút lui thì chỉ có lợi cho Nga, Tàu mà thôi.

Thứ hai, nước Mỹ phải giữ được uy tín, ảnh hưởng của mình trên thế giới, giữ được mối quan hệ tốt với các nước đồng minh từ Âu sang Á bằng sự nhất quán chứ không phải nay nói thế này mai thế khác, nay chơi mai nghỉ…khiến niềm tin của các nước vào Mỹ bị xói mòn và họ sẽ phải tự động tìm đến một mối quan hệ khác hoặc phải nhẫn nhịn với một cường quốc khác, ví dụ Tàu Cộng, để được bình yên.

Nói như vậy không có nghĩa là đòi hòi ở Mỹ quá nhiều, không có một mối quan hệ nào chỉ có một chiều – một trong những điều làm nên sức mạnh Mỹ còn nằm ở mối quan hệ khắng khít với các đồng minh. Mỹ giúp các nước khác nhưng khi Mỹ cần, các nước cũng sẵn sàng đứng bên cạnh Mỹ trong cuộc chiến tranh lạnh chống lại phe XHCN hay những cuộc chiến quân sự ở Afghanistan, Iraq, Syria…ở đó máu của những người lính Anh, Pháp, Đức và các nước đồng minh khác cũng đổ xuống chứ không riêng gì máu của người lính Mỹ.

Khi Mỹ đóng quân ở Trung Đông hay ở châu Âu, Nam Hàn, Nhật…thì không chỉ có lợi cho các nước này mà còn cho chính nước Mỹ, trong chiến lược ngăn chặn sự bành trướng của phe CS trước đây, ngăn chặn sự lớn mạnh của những tổ chức Hồi giáo khủng bố cực đoan có thể đe dọa tới sự bình yên của nước Mỹ hay như bây giờ, chuẩn bị ngăn chặn sự bành trướng, tham vọng vươn lên cường quốc hàng đầu thay thế Mỹ của Trung Cộng. Lợi ích trong những mối quan hệ đồng minh không phải bao giờ cũng có thể so kè từng đồng. Và đừng quên Tàu hay Nga rất thèm khát có được những mối quan hệ đồng minh khắp thế giới như thế, nhưng cho đến giờ này thì nước nào là đồng minh, bạn bè thực sự của Nga hay Tàu?

Một khi nước Mỹ vẫn mạnh, vẫn giữ được uy tín, tiếng nói, sức ảnh hưởng trên thế giới, và mối quan hệ gắn bó với các đồng minh thì Tàu hay Nga làm gì cũng phải dè dặt, Tàu không thể muốn chiếm thêm đảo của VN là chiếm, muốn xây dựng hệ thống phòng không trên biển Đông là xây, nhà cầm quyền VN không thể cứ mạnh tay đàn áp những người bất đồng chính kiến tới mức nào thì đàn áp, vì còn sợ các biện pháp chế tài, trừng phạt của Mỹ.

Ngược lại, nếu nước Mỹ rối ren chia rẽ, Mỹ không có thì giờ đâu quan tâm tới nước khác, nếu nước Mỹ không quan tâm gì đến nhân quyền, các nước độc tài muốn làm gì thì làm, nếu nước Mỹ quay lại co cụm với chính mình, khiến các mối quan hệ với đồng minh bị lỏng lẻo, nếu người đứng đầu nước Mỹ không tôn trọng những giá trị làm nên một quốc gia tự do dân chủ như tôn trọng sự thật/facts, quyền được lên tiếng/biểu tình của người dân, vai trò, công việc của giới báo chí truyền thông, hoặc sẵn sàng kêu gọi sử dụng bạo lực, quân đội để “dẹp loạn” v.v… thì nước Mỹ còn có tư cách gì để chỉ trích các quốc gia độc tài khi họ làm như vậy?

Đó là chưa kể nếu Mỹ và các nước đồng minh đoàn kết, có những chiến lược đường dài bao vây, cô lập Tàu về mọi mặt thì Trung Cộng sẽ khó mà hoành hành, ngược lại sẽ suy yếu và dần dà sụp đổ, nhưng sẽ cần có thời gian, chứ không phải một vài năm trước mắt như chúng ta mong muốn.

Người Việt, nếu có hy vọng, mong chờ gì ở nước Mỹ, là mong chờ như vậy, và với những “điều kiện thuận lợi có tính cách hỗ trợ” đó, phong trào đấu tranh dân chủ ở VN sẽ dễ thở hơn, nhưng người Việt vẫn phải tự lực cánh sinh là chính. Chứ không phải trông chờ nước Mỹ diệt Tàu để VN hưởng lợi, trong khi chúng ta không làm gì cả.

Cũng thế, ủng hộ một Tổng Thống Mỹ nào cũng phải dựa trên thực tế, hiệu quả từ những việc làm, chính sách của TT đó có thực sự có lợi cho phong trào dân chủ ở VN, cho số phận của VN hay không, chứ không phải chỉ vì cảm tính, vì ngộ nhận rằng TT đó sẽ diệt được Tàu!

Đạo diễn Song Chi

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here