Người Mỹ gốc Ấn muốn “bắt quàng làm họ” với Kamala Harris, nhưng đó là một cái bẫy.

0
42
   

Sanjena Sathian, ngày 14 tháng 8, 2020

Sanjena Sathian là tác giả của cuốn sách sắp xuất bản “Gold Diggers”.

Translated from The Washington Post’s article “Indian Americans want to claim Kamala Harris as ours. It’s a trap.”

DES MOINES, IOWA – NGÀY 10 THÁNG 8: Thượng nghĩ sĩ Kamala Harris, (thuộc Đảng Dân chủ của tiểu bang California), là ứng cử viên phó tổng thống trong cuộc bầu cử Tổng thống của đảng Dân chủ năm 2020, phản ứng khi gặp một em bé tại Hội chợ tiểu bang Iowa vào thứ Bảy, ngày 10 tháng 8 năm 2019 tại Des Moines, Iowa. (Salwan Georges / The Washington Post)

Tôi vẫn nhớ nụ cười vui mừng của mẹ tôi khi bà thốt lên, “Nhìn kìa, nhìn kìa!”, dù tôi đã biết cái gì khiến bà (thường hay) chú ý rồi – một bà cô trong bộ áo dài truyền thống (salwar kameez) lựa ngò trong khu rau quả của chợ Kroger, hoặc một ông chú đeo kính cận mua bánh rán đường tại trận đấu bóng chày của đội Braves. Rồi tôi nói, “con biết rồi, họ là người Ấn.” Có gì to tát đâu. Chúng ta cũng là người Ấn thôi.

Là một người gốc Ấn lớn lên ở ngoại ô của tiểu bang Georgia, “Spot the Indian” hay “Xem ai là người Ấn”, như nhà văn Tanuja Desai Hidier nói trong sách của bà, là một trò chơi sinh tồn về mặt cảm xúc. Khi cha mẹ tôi đến Hoa Kỳ vào cuối những năm 1980, họ là một trong số chưa đến nửa triệu người Mỹ gốc Ấn tại đây. Những nơi công cộng toàn là người Mỹ Trắng. Vì thế người chúng tôi trân trọng những khi thấy được người gốc Ấn và cố gắng tìm gặp họ ngoài các cửa hàng tạp hóa. Chúng tôi đăng ký mua báo Ấn Độ Hải Ngoại (India Abroad), và họ cần mẫn liệt kê những chức vô địch cuộc thi đánh vần (spelling bee) và các học bổng Rhodes mà cộng đồng của chúng tôi giành được. Chúng tôi bám chặt lấy những dấu chỉ thành tích bề ngoài đó; việc tìm thấy người gốc Ấn, dù ngoài đời hoặc trong giấy báo, đã giúp chúng tôi chứng minh mình thuộc về nơi này.

Những trò chơi thuở bé đó chợt ùa về từ ký ức khi Joe Biden chọn Thượng nghị sĩ Kamala Harris làm ứng viên phó Tổng thống – con gái của một bà mẹ người Nam Ấn Độ và ông bố người Jamaica. Trên các mạng xã hội và và các tin nhắn Whatsapp, các ông chú vui mừng gọi bà Harris là một “cô gái Madras” (tên trước đây của thành phố Chennai, quê của mẹ bà Harris); các ông bố gốc Ấn thế hệ hai đăng hình những đứa con gái da nâu của mình để ca tụng một lời hứa Mỹ; mọi người đồn đoán về khả năng làm bánh tráng chảo dosa của bà.

Sự thừa nhận là một điều căn bản. Nhưng điều đó cũng có thể khiến chúng ta bỏ qua những phức tạp trong danh tính (một từ thường dùng trong học thuật, có thể hiểu là “bản sắc”), cũng như những tác động khó lường của chúng đối với chính sách. Sự “bắt quàng làm họ” một cách vội vã này có thể ru ngủ chúng ta trong sự chủ quan, hoặc dẫn chúng ta đến chỗ dìm xuống những niềm tin ý thức hệ sâu sắc hơn của bản thân.

Việc chọn lựa Harris có tầm quan trọng cho tương lai khi so sánh với với những câu chuyện thành công chính trị đầu tiên của người Mỹ gốc Ấn như hai vị thống đốc miền Nam thuộc đảng Cộng hòa, Nikki HaleyBobby Jindal. Đã từng có một thời, để thành công trong sự nghiệp công chức, dường như những người Mỹ gốc Ấn phải đánh đổi vị thế người ngoài cuộc của họ với chủ nghĩa bảo thủ Da trắng. Haley và Jindal đã đổi tên họ từ Nimrata và Piyush; Jindal tán thành khái niệm giả tạo về “sự mù màu” (không có khái niệm và phân loại chủng tộc). Cuộc đổi chác đó dính dáng đến đến nhiều hơn là các dấu hiệu nhận dạng bên ngoài: Haley đã bảo vệ lá cờ của Liên minh, kéo theo đó là chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, và Jindal đưa ra những luận điệu chống nhập cư. Ngược lại, Harris kể nhiều về xuất thân Ấn Độ của bà, dẫn chứng sự tham gia của ông ngoại bà vào cuộc đấu tranh tự do ở Ấn Độ như là nguồn gốc cho tham vọng chính trị của bà. Trên khía cạnh đó, đã có một sự thay đổi to lớn diễn ra.

Nhưng trên một khía cạnh khác thì chẳng có thay đổi gì cả: Sự chia rẽ thực sự trong đời sống chính trị của người Mỹ gốc Ấn dân Mỹ gốc Ấn xưa nay không phải là giữa hai đảng Cộng Hoà (đại diện là bà Haley) và Dân Chủ (bà Harris). Dân Mỹ gốc Ấn vẫn luôn bầu một cách ổn định cho đảng Dân chủ. Sự chia rẽ, nói đúng hơn, là giữa những người trung dung như Harris và những người cấp tiến như Dân biểu Pramila Jayapal, Dân biểu Ro Khanna và những nhân vật mới nổi đến từ quần chúng như ứng viên theo chủ nghĩa xã hội dân chủ (democratic socialist) Nikil Saval, được truyền cảm hứng từ Bernie Sanders và đang tranh cử vào thượng viện tiểu bang Pennsylvania.

Harris đặt ra câu hỏi cho những người nhập cư năng động cầu tiến: Đã đến được đây rồi thì chúng ta muốn làm náo loạn tới cỡ nào? Trong trường hợp của bà, câu trả lời dường như là “không nhiều lắm.” Trong cuộc bầu cử sơ bộ, Sau nhiều năm gây dựng thành tích công tố đúng tiêu chuẩn, bà ta về cơ bản cho thấy sự thiếu danh tính ý thức hệ trong cuộc bầu cử nội bộ đảng Dân Chủ, một điều giúp bà trở thành chọn lựa an toàn cho Biden.

Nhưng những người mới đến Mỹ như chúng ta nên nung nấu ý định đảm bảo rằng đất nước này sẽ phải giữ những lời hứa về cơ hội và sự bình đẳng đã thu hút chúng ta đến đây. Chúng ta nên là những người đòi hỏi hệ thống luật pháp và thủ tục nhập cư công bằng mạnh mẽ nhất; là những người lên án chính sách khí hậu đã gây ra những tổn hại bất xứng cho các quốc gia nguyên quán của gia đình chúng ta. Nhất là những người Mỹ gốc Ấn chúng ta, những người đã được hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi nhân công nước ngoài “trình độ cao”, lần đầu tiên được đặt vào vị trí có thể sử dụng thế mạnh tài chính và vốn liếng xã hội của chúng ta để làm cho cuộc sống bình đẳng hơn. Nhưng niềm vui của người Mỹ gốc Ấn khi thấy Harris trên chính trường quốc gia cho thấy chúng ta có nguy cơ sẽ chỉ đơn thuần nhập hội, chứ không thúc đẩy sự thay đổi.

Sự vội vã “nhận bà con” với bà Harris có những rủi ro khác: Một số người gốc Ấn đã bắt đầu nhập nhằng giữa căn tính da Đen và căn tính Ấn Độ của bà. Trong bài bình luận chính trị ca ngợi sự thăng tiến của Harris, người Mỹ gốc Ấn đã ca ngợi mối liên hệ giữa Mohandas Gandhi với phong trào dân quyền của người da Đen và đề cập đến sự phân biệt đối xử mà người Nam Á từng phải đối mặt trong lịch sử ở Mỹ. Câu chuyện đó đang chủ động viết lại lịch sử kỳ thị người da Đen trong cộng đồng của chúng ta. Gandhi, chẳng hạn, bắt đầu những cuộc biểu tình của ông trên một chuyến tàu ở Nam Phi bằng cách đặt mình lên trên những người da đen. Một nhân vật khác được coi là anh hùng cho quyền lợi của người nhập cư, ông Bhagat Singh Thind, đã kháng nghị đòi quyền công dân lên Tòa án tối cao vào năm 1923 trên cơ sở rằng ông ta là người da Trắng.

Dân gốc Ấn đã luôn có thể mô phỏng người da Trắng theo cách mà người Mỹ da Đen không thể làm được. Tốt nghiệp từ Đại học Howard, một trường vốn dành cho người da Đen, Harris nhấn mạnh rằng khi người mẹ gốc Ấn của bà đưa bà về thăm gia đình ở Ấn Độ, mẹ của bà cũng hiểu rằng “mẹ đang nuôi dạy hai cô con gái da Đen.” Nếu người Ấn Độ muốn “nhận bà con” Harris, chúng ta không thể chỉ nhắm vào những thành tích của bà; chúng ta cũng phải đối mặt với những khúc giao của lịch sử mà bà là một phần trong đó.

Như nhiều người trong cộng đồng mình, tôi cũng công nhận Harris. Nhưng tôi không coi việc Biden chọn bà là một chiến thắng vất vả của những người di cư hay là đỉnh cao của Giấc mơ Mỹ (American Dream) – mà là một cuộc khủng hoảng danh tính cho một bộ phận lớn người Mỹ gốc Ấn. Khi chúng ta thấy Harris và Biden gỡ bỏ khẩu trang để lộ mặt thật của họ vào mùa thu này, một số người trong chúng tôi sẽ nghĩ rằng mục tiêu đã hoàn thành.

Tuy nhiên, việc cố gắng tìm thấy chính mình ở bậc cao nhất trong chính trường, và sự tự mãn mà điều đó mang lại, sẽ tạo điều kiện những ý tưởng độc hại khác xâm nhập, ví dụ như chủ nghĩa dân tộc (đặc biệt trong những người Ấn Độ theo đạo Hindu). Tổng thống Trump, một phần nhờ vào quan hệ thân thiết với vị Thủ tướng thân hữu Narendra Modi của Ấn Độ, đã tìm cách thu hút những người Ấn Độ giàu có; một số đảng viên Đảng Dân chủ như Dân biểu Tulsi Gabbard, một tín đồ Hindu, cũng đã kết thân với Modi và đảng của ông, qua đó đạt được sự tán thưởng của người Ấn..

Về phần Harris, bà khá thận trọng khi đề cập đến các vấn đề chính sách của Ấn Độ, bênh vực Jayapal một cách khéo léo khi bà này chỉ trích lập trường của Ấn Độ ở vùng tranh chấp lãnh thổ Kashmir, và nói rằng dân Kashmir “không đơn độc trên thế giới” mà không đề cập trực tiếp đến chủ nghĩa Hindu cực đoan (Hindutya). Nếu Harris thắng cử, tôi không biết chúng ta có thể trông đợi bà sẽ tận dụng vị thế là người Nam Á uy quyền nhất ở Mỹ để chấm dứt tình trạng cúp Internet kéo dài nhất trong lịch sử Kashmir, hoặc thách thức chủ nghĩa đa số dân tuý của Modi. Nhưng dân gốc Ấn nên đòi hỏi điều đó, cũng như người Mỹ da Đen có thể đòi hỏi Harris đối chất về những thiệt hại mà bà có thể đã gây ra cho cộng đồng da Đen khi làm công tố viên.

Trò chơi “Tìm ra người Ấn” càng tiếp tục chừng nào, thì chúng ta càng dễ bị lợi dụng chừng đó, bởi vì chúng ta xác nhận quan điểm rằng chúng ta bỏ phiếu dựa trên sự công nhận – rằng chúng ta được thúc đẩy bởi ham muốn được thuộc về nước Mỹ, thay vì chuyển hoá nó.

Twitter: @sanjenasathian

Sanjena Sathian

Sanjena Sathian là tác giả của cuốn sách sắp xuất bản “Gold Diggers”. Theo mạng Twitter.

Dịch: Que Do

Biên tập: Quang Thạch

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here