NGƯỜI DÂN NÓI GÌ VỀ QUY HOẠCH ĐÔ THỊ MỚI CAM LÂM, TỈNH KHÁNH HOÀ ĐẾN 2045

0
41
   

Chu Hồng Quý

Thương vụ xe điện Vinfast trên thị trường Hoa Kỳ không còn phải lo phá sản nữa, đã có đất vàng Cam Lâm làm bầu sữa.

(Trích đơn của Trương Phú và bà con Cam Lâm)

1-Quy hoạch huyện Cam Lâm của Tỉnh chưa đúng là Đô thị Sân bay:

Theo thuyết minh của  Chính quyền (CQ) Tỉnh: Gần như toàn bộ dân cư của H Cam Lâm (gần 1/3 dân số) sẽ được bố trí về các Khu Tái định cư. Hầu hết đất đai của H Cam Lâm sẽ được quy hoạch xây dựng như đồ án quy hoạch, tổng thể gồm nhiều kênh nước biển và rất nhiều tiểu đảo, trên ấy là nhà ở đô thị cao cấp ven kênh, hay các khu nghỉ dưỡng sang trọng cạnh hồ lớn (Đầm Thủy Triều).

Nếu chỉ như CQ trình bày ở trên, đấy là Đô thị nghỉ dưỡng cao cấp. Mà dân cư hiện diện lúc ấy chỉ có 2 giới: Hoặc rất giàu và không cần làm nghề để sống, chỉ nghỉ dưỡng, hoặc thành phần lao động sống với nghề chuyên dịch vụ du lịch, phục vụ cho giới chuyên nghỉ dưỡng!

Mà Nghị quyết 09-NQ/ BCT-TWĐ yêu cầu xây dựng Cam Lâm thành Đô thị Sân bay hiện đại, sinh thái và đẳng cấp quốc tế…

Đô thị Sân bay nghĩa là lấy sân bay làm động lực cho đô thị phát triển. Mà nói đến sân bay, nghĩa là nói đến lượng khách vãng lai kèm hàng hóa vận chuyển. Vậy đô thị sân bay phải có đường phố cùng dân sống và làm đủ mọi nghề phi nông nghiệp sôi động: Thương nghiệp với hàng hóa đa dạng, các sản phẩm lưu niệm, ăn uống, vui chơi… Cùng nhiều nghề dịch vụ khác: Vận tải khách, hàng hóa, lưu trú, du lịch, Y tế, Văn hóa, chứ không phải dân địa phương buộc phải sống lây lất trong các khu tái định cư!

Đây là đồ án quy hoạch của một huyện nên khi thực hiện toàn bộ các dự án trong quy hoạch, phải nói đó là một dự án lớn về diện tích (khoảng 56.000 hecta) nên sẽ ảnh hưởng hầu hết dân cư địa phương: xáo trộn đời sống thường ngày, mất sinh kế.

2-Quy hoạch H Cam Lâm của Tỉnh Khánh Hòa phục vụ cho ai?

Như vừa trình bày ở phần 1, Dân cư địa phương hầu như không được hưởng lợi gì từ quy hoạch bởi buộc phải vào ở trong các khu Tái định cư. Nếu CQ thu hồi đất đai, nhà cửa với giá quá thấp thì đời sống dân địa phương lại càng thê thảm hơn. Nhìn lại tất cả các dự án có thu hồi đất từ trước đến giờ hầu như dậy tiếng khóc than, khiếu kiện kéo dài…

Mà người hưởng lợi đầu tiên phải là Doanh nghiệp thực hiện dự án: Từ chênh lệch giá đất đến giá trị gia tăng khi đô thị hình thành với hạ tầng và các công trình phúc lợi. Tiếp đến sẽ là dân giàu có nhập cư sau khi đô thị hình thành.

Một dự án tại địa phương mà cư dân địa phương không có lợi (chưa nói việc hại), mà phần lợi thuộc về doanh nghiệp thì có thể nói ngay rất ít khi sai là dự án có sự tiếp tay của CQ với doanh nghiệp!

Có thể nói đây là một dự án bất động sản thuần túy du lịch và thương mại lại núp bóng xây dựng đô thị mới cho một Đô thị sân bay Cam Lâm, nghĩa là núp bóng cả Nghị quyết 9 của TW.

3-Chính quyền thì đã rõ, còn doanh nghiệp (thực hiện dự án) là ai?

Thực hiện dự án sẽ là các công ty trong tập đoàn Vingroup. Từ năm 2021 Vinhomes và Vinpearl đã xin CQ Tỉnh Khánh Hòa thực hiện 3 dự án lớn. Đầu năm 2022 khi Trung ương định hướng cho Khánh Hòa (có Cam Lâm) thì Vingroup đã nhanh chóng vẽ đồ án tổng hợp của 3 dự án 2021 thành quy hoạch Đô thị mới Cam Lâm, đã được Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng trình bày trước Thủ tướng Phạm Minh Chính nhân chuyến thăm Khánh hòa ngày 12/3/2022. Do đồ án chưa được các cấp CQ duyệt nên đồ án vừa dấm dúi và vừa lan tràn trên mạng. 

Đến tháng 4/2022 thì Sở xây Dựng Khánh Hòa nhờ Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia (VIUP) vẽ quy hoạch cho H Cam Lâm. Sau đó đồ án quy hoạch CL được Tỉnh KH và Huyện CL công bố. Nhìn chung, các phương án về đồ án quy hoạch Cam Lâm đều là bản sao chép từ đồ án của Vingroup, khác biệt chỉ là tiểu tiết.

Doanh nghiệp (Vingroup) có quyền trình bày ý tưởng, đồ án. Nhưng CQ duyệt xét đồ án phải xét đồ án của doanh ngiệp trên nhiều khía cạnh: Quy mô đồ án, khả năng ngân sách, đời sống cư dân địa phương, an ninh quân sự, chính trị, tâm tinh tôn giáo, hạ tầng giao thông, môi trường, tài nguyên, điện, nước, rác thải và nhiều vấn đề khác…

Thế nhưng CQ Tỉnh Khánh Hòa vội vã trình các bản sao đồ án của Vingroup lên Chính phủ xin xét duyệt mà bỏ mặc mọi chuyện đắn đo nhiều khía cạnh. Thậm chí tỉ lệ dân chúng đồng thuận dự án cũng là ảo. Cư dân địa phương đang sống hạnh phúc hài hòa cùng thiên nhiên, và nếu có dự án vì dân chúng để cuộc sống tốt đẹp hơn thì dân chúng sẽ thuận lòng, chứ không phải bị buộc bỏ nghề nghiệp, bỏ nhà cửa, ruộng vườn để vào sống trong các khu Tái định cư có diện tích hạn hẹp mà CQ tỉnh báo cáo tỉ lệ dân chúng đồng thuận lại cao!

4-  Các yếu tố khác của Đồ án quy hoạch Cam Lâm của tỉnh Khánh Hòa:

4a- Đô thị Sinh thái có hồ nước ngọt, có sông là đúng. Nhưng đào kênh dẫn nước biển rộng 300m để tạo cảnh quan lại là chuyện chưa có tiền lệ. Không phải vì thuần du lịch để dẫn nước mặn vào ruộng vườn bất chấp hậu quả. Huyện Cam Lâm có đầm nước mặn Thủy Triều là quá đủ. Không nên biến cả huyện thành vịnh có nhiều tiểu đảo.

4b- Ngân sách thực thi là vấn đề đáng được cân nhắc. Tỉnh Khánh Hòa đang thiếu tiền cho nhiều dự án xây dựng khắp cả tỉnh nên CQ đã dự định phát hành Trái phiếu vào tháng 7/2023. Việc đào các kênh nước biển rộng sẽ tiêu nhanh ngân sách, cho dù doanh nghiệp chịu vốn (điều nầy chưa biết) thì cầu đường sẽ phát sinh chắc chắn. Dự toán cho quy hoạch có vẻ mơ hồ. Đấy là chưa nói đến tính khả thi của doanh nghiệp. Dự đoán cảnh đầu voi đuôi chuột, thời gian thực hiện quy hoạch kéo dài quá mức gây khó khăn cho đời sống cư dân địa phương.

4c- Chùa, Nhà thờ và các cơ sở tâm linh khác trên địa bàn huyện đều nằm trong khu vực quy hoạch. Hoặc trường hợp bị cưỡng chế thu hồi đất, hoặc trường hợp không bị cưỡng chế, nhưng cư dân chung quanh lại bị đưa vào các khu Tái định cư thành ra các cơ sở tôn giáo và tâm linh xem như bị cô lập. Rõ ràng đó là chuyện xâm phạm tự do tín ngưỡng nghiêm trọng.

4d- Nhà dân bị cưỡng chế thu hồi đất đã đành, các cơ quan chính quyền bề thế (mới xây dựng), các hội sở của các công ty, ngân hàng, Trường học, Bệnh viện quy mô cũng nằm trong vùng quy hoạch, hay tổng quát các đường phố khang trang với nhà cửa cao ráo, nguy nga nằm trong vùng quy hoạch (có mục đích riêng) giờ cũng phải đập bỏ. Đó là sự lãng phí tài lực, vật lực nghiêm trọng nếu điều nầy xẩy ra. Vậy đồ án quy hoạch đầy tính lãng phí, không có tính nhân văn, không có tính truyền thống địa phương.

4e- Giá bồi thường khi CQ thu hồi đất dù nằm ngoài nhiệm vụ của Bộ Xây Dựng, nhưng tôi cũng xin nêu để rộng đường dư luận:  Thời gian đầu dự án, ngày 14/4/2022 đại diện UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, dự án Khu đô thị sân bay Cam Lâm, huyện Cam Lâm thuộc diện Nhà nước thu hồi đất.

Theo đó, dự án Khu đô thị sân bay Cam Lâm do Tập đoàn Vingroup đề xuất thuộc loại dự án xây dựng khu đô thị mới quy định tại Luật Đất đai. Do đó, khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đã được quy định cụ thể bởi Luật Đất đai 2013, nghị định 47 của Chính phủ và thông tư 37 của Bộ TNMT.

4f-Đây là điều dân cư địa phương lo âu, căm giận… bởi như thế có nghĩa là giá bồi thường rất thấp, trong khi Quốc hội họp vào tháng 11/2022 (đã bàn, chưa ra luật) thống nhất bỏ các bảng giá đất cũ và giá bồi thường đất bị thu hồi sẽ theo giá thị trường. Vấn đề kỹ thuật tại quốc Hội là làm thế nào để xác định ra giá thị trường. Ngoài ra cũng có nhiều ý kiến tại Quốc Hội không đồng tình việc CQ thu hồi đất cho các dự án nhà ở đô thị.

5-  Người Dân mong mỏi kính trình lên Ông Bộ trưởng cùng quý vị  các Vụ, Ban, Phòng chuyên môn của Bộ khác thuộc hội đồng thẩm định tâm tư, nguyện vọng của  dân cư địa phương:

5a- Cư dân địa phương phản đối Đồ án quy hoạch Đô thị Cam Lâm mà chính quyền Tỉnh trình Chính phủ, mà thực chất đấy là đồ án của giới kinh doanh bất động sản. Đó là đồ án thiếu tính kế thừa, xâm phạm quyền lợi người dân địa phương, và không hình thành được Đô thị Sân bay Cam lâm! (Mà chỉ là Đô thị du lịch hay Đô thị nghỉ dưỡng với nhà ở thương mại cao cấp).

5b- Cư dân địa phương mong muốn chính quyền thực hiện các công việc dang dở: mở mang đường sá, các công trình phúc lợi. Đồ án quy hoạch đô thị Cam Lâm cần vẽ lại và cô đọng. Đồ án phải lấy người dân địa phương làm trọng tâm: Dân địa phương được hưởng lợi trong Đô thị Sân bay Cam lâm, được sống và hành nghề trong đô thị mới, chứ không phải bị nhốt trong các khu Tái định cư.

5c- Cư dân địa phương mong muốn chính quyền hạn chế đến mức thấp nhất chuyện thu hồi đất. Việc thu hồi đất chỉ dành cho dự án an ninh quân sự, đường sá và các công trình phúc lợi khác. Chính quyền bồi thường thỏa đáng cho người dân khi thu hồi đất. Phát triển Nhà ở thương mại, du lịch phải do doanh nghiệp cùng người dân thương thảo.

H Ế T

 * Bài viết này là Phần II-Góc nhìn của người dân về  quy hoạch chung huyện Cam Lâm, trong Thư Thỉnh Nguyện Và Góp Ý Khẩn Cấp do Công ty TNHH Thương Mại Dịch Vụ – Du Lịch – Bất Động Sản Harmony gửi Bộ Xây Dựng Và Hội Đồng Thẩm Định, ký ngày 24.9.2023.

Văn thư cũng đồng gửi:

– VP TƯ Đảng – Bí thư (b/c)

– VPCP- Thủ tướng (b/c)

– Bộ Chính trị (b/c)                                                                                         

– Bộ Xây dựng 

– Lưu v/b

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here