Khi tôi mới ra trường được một thời gian, sếp tôi khi ấy nói rằng, nếu “mấy đứa” không chịu khó đi chuyển giao công nghệ cấp cứu chấn thương sọ não cho các tỉnh, thì cuộc đời “mấy đứa” sẽ chìm trong chấn thương sọ não, không thể phát triển được chuyên môn cho các bệnh lí khác.
Đến khi phần lớn các tỉnh xung quanh và cả các tỉnh xa xa đều đã có thể mổ chấn thương sọ não ngon lành, thì số lượng mổ chấn thương sọ não ở chỗ chúng tôi đã tăng lên gấp đôi. Vài người than vãn. Lúc ấy sếp nói, bây giờ “mấy đứa” cộng hết số ca mổ chấn thương sọ não ở phía Nam lại đi, xem nếu hồi đó “mấy đứa” không chịu đi chuyển giao cho người ta thì số lượng phải mổ ở bệnh viện mình là bao nhiêu. Thực tế là gấp 5 hay 6 lần, chứ không phải gấp đôi.
Khi ổn định về mặt chấn thương sọ não, sếp lại bảo, rằng “mấy đứa” phải chia nhau ra, mỗi đứa nên đi theo một nhánh khác nhau của chuyên ngành, chứ cứ xúm vô một cái, hoặc cứ cùng nhau làm chung chung, thì rồi chuyên môn chẳng phát triển được, lại dẫm chân nhau, kèn cựa nhau, rồi chìm trong lạc hậu. Mấy chục năm trôi qua, bây giờ nhìn lại, thật sự khâm phục tầm nhìn của sếp. Đó là tôi đang nói về PGS BS Trương Văn Việt.
Một người thứ hai, lãnh hội được tầm nhìn của sếp Việt, và còn hơn nữa, đưa ra hướng đi cụ thể cho chuyên ngành, chỉ dẫn cách thức học hành cho đàn em, học trò. Đó là PGS BS Võ Tấn Sơn. Khi anh lên giữ chức Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại Thần kinh ĐHYD TPHCM, anh đã quyết tâm khôi phục lại hệ thống đào tạo nội trú, phân công mỗi em một chuyên ngành sâu khác nhau.
Ngoài ra, khi giữ chức Hiệu trường Đại học Y Dược TPHCM, PGS BS Võ Tấn Sơn còn quyết tâm đưa chuyên ngành Sinh học phân tử thành một chuyên ngành quan trọng, và thành lập cadaver lab (phòng mổ trên xác) đầu tiên tại Việt Nam. Cadaver Lab này đã giúp cho nhiều bác sĩ Việt Nam không phải ra nước ngoài học các kĩ thuật mổ tiên tiến. Từ đó, việc phát triển các kĩ thuật ở Việt Nam trở nên dễ dàng hơn, tăng khả năng tiếp cận với các kĩ thuật mới của các bác sĩ Việt Nam so với trước.
Cách đây vài hôm, khi thực hiện một ca mổ nội soi cột sống, tôi nảy ra ý định thử xem mức độ tương thích của hệ thống nội soi của chúng tôi với hệ thống máy của bệnh viện. Qua đó tôi được biết một bác sĩ của khoa Ngoại Thần kinh của bệnh viện, một đàn em của tôi, sắp sửa mổ một ca u tuyến yên bằng nội soi. Đó là một kĩ thuật mổ mới được phát triển tại Việt Nam từ khoảng 15 năm nay, vậy mà một cựu nội trú, hiện vẫn còn là bác sĩ trẻ, tại một bệnh viện tư nhân, đã có thể thực hiện.
Xem lại, dàn nội trú chuyên khoa Ngoại Thần kinh bây giờ đã có nhiều em là đầu ngành của nhiều kĩ thuật tiên tiến trong chuyên ngành, như phẫu thuật động kinh, phẫu thuật trị Parkinson, can thiệp nội mạch, phẫu thuật nội soi sọ não… Nhiều bệnh viện tỉnh, khu vực, hoặc các bệnh viện tư, đã làm được những kĩ thuật mới, tiên tiến. Ranh giới tỉnh, thành phố, ranh giới giữa bệnh viện tuyến đầu với bệnh viện tuyến dưới đang bị nhạt nhòa dần.
Đây chính là kết quả của tầm nhìn của những người làm lãnh đạo. Nhìn rộng ra, những khó khăn hiện nay của ngành y như việc đấu thầu thuốc men, thiết bị y tế… hoặc những khó khăn trong các lãnh vực khác, cũng là do tầm nhìn của các lãnh đạo.