Malaysia quyết định cho người tỵ nạn Hồi Giáo Rohingya tạm trú

0
151
Những người Hồi giáo Pakistan đốt cờ Myanmar với hình ảnh của bà Aung San Suu Kyi trong một cuộc phản kháng chống lại chính phủ Myanmar ở Quetta vào ngày 8 tháng 9 năm 2017. AFP
RFA

Quyết định được đưa ra trong bản thông cáo của lực lượng tuần duyên Malaysia, ghi rõ sẽ đón nhận những thuyền nhân Rohingya từ Miến Điện chạy sang xin tỵ nạn.

Trước đó, Thủ Tướng Najib Razak của Malaysia còn cho hay sẽ gửi toán cứu trợ nhân đạo sang Bangladesh, để giúp những người Hồi Giáo chạy từ Miến sang xin tá túc. Vẫn theo Thủ Tướng Malaysia, chính phủ nước ông sẵn sàng giúp Bangladesh xây một bệnh viện để chữa trị cho người tỵ nạn Rohingya.

Ngoài ra, chính phủ Thái Lan cũng thông báo đang sửa soạn để đón người tỵ nạn từ Miến Điện vượt biên giới vào đất Thái.

Quyết định cho người Rohingya vượt biển tạm trú được chính phủ Malaysia đưa ra chỉ một ngày sau khi lãnh tụ Aung San Suu Kyi của Miến Điện nói rằng chính phủ do bà lãnh đạo đang cố gắng bằng mọi cách để bảo vệ tất cả những người cư ngụ trong bang Rakhine, nơi chính phủ Miến nói là đang xảy ra giao tranh giữa khủng bố Hồi Giáo và quân đội quốc gia.

Hai ngày trước đó, bà Suu Kyi có nói rằng khủng bố gây nên căng thẳng cho tình hình an ninh của bang Rakhine, đồng thời chỉ trích những lời đồn đãi vô căn cứ khiến mọi người nghĩ rằng chính phủ Miến làm ngơ, không giúp đỡ hay bảo vệ cho người Hồi Giáo Rohingya.

Khi đưa ra tuyên bố này, bà Suu Kyi cũng không nói gì đến việc đã có 164,000 người Rohingya phải bỏ nhà cửa chạy lánh nạn, phần đông sang Bangladesh xin tạm trú.

Các phát biểu bà Suu Kyi đưa ra vào thời điểm những quốc gia trong khối Hồi Giáo cùng gây áp lực đòi hỏi chính phủ Miến phải có biện pháp bảo vệ tập thể thiểu số Hồi Giáo đang bị đàn áp bởi quân đội và lực lượng an ninh của Miến, là quốc gia đại đa số dân theo Phật Giáo.

Đầu tuần này, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc là ông Antonio Guterres lên tiếng cảnh báo rằng bất ổn ở Miến Điện có thể sẽ gây ảnh hưởng đến toàn khu vực, đặc biệt nếu chính phủ Miến không ngăn chận, tiếp tục để chuyện người theo đạo Hồi bị đàn áp hay chuyện diệt chủng xảy ra.

Có tin nói rằng các nước Hồi Giáo muốn đưa vấn đề người Hồi Giáo Rohingya bị đàn áp ra bàn thảo trước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, và chính phủ Miến đang vận động tìm sự ủng hộ Trung Quốc và Nga để Hội Đồng Bảo An không nhóm cuộc họp đặc biệt lên án Miến Điện.

Trong quá khứ, bà Aung San Suu Kyi nhiều lần lên tiếng nói rằng Rakhine là chuyện nan giải kéo dài đã nhiều thập niên, do đó cần phải có thời gian để giải quyết. Phía quân đội Miến cũng thường lên tiếng nói phải mở những cuộc hành quân truy lùng bọn khủng bố Hồi Giáo quá khích, bác bỏ tất cả những cáo buộc nói rằng binh sĩ hay an ninh Miến cố tình đàn áp, đe dọa tính mạng của người Rohingya.